Chiều
tàn đã lâu ; những tia nắng cuối không còn, đám mây màu lam phía cuối Tây trở
nên sậm hơn, gió thổi nhẹ. Ngoại tôi ngồi im trên ghế mây, mắt dõi về phía cánh
ruộng xanh rì một màu trước mặt. Những ngọn lúa vàng đong đưa khi có cơn gió
thoảng, và lúc đó, bụi tre lên tiếng rì rào. Tất cả hầu như đang im lặng, cái
im lặng buồn mà đẹp của cảnh đồng quê lúc màn đêm sắp phủ.
Chợt
ngoại tôi quay nhìn tôi hỏi:
-
Không đọc truyện nữa sao con?
Tôi
cười, bỏ cuốn truyện nhi đồng xuống, với tay qua vuốt nhẹ chòm râu trắng, dài,
đẹp của ngoại, đáp:
-
Truyện buồn quá ngoại ạ.
-
Truyện gì mà buồn?
Tôi
không nhìn ngoại nữa, mà đưa mắt nhìn xuống nền đất lẫn đá sỏi bên dưới, đáp
nhỏ:
-
Truyện kể một đứa bé mất ngoại.
Ngoại
tôi cười, chòm râu trắng rung rung. Ngoại xoa đầu tôi:
-
Rồi con sợ con cũng mất ngoại chớ gì?
Tôi
không đáp, mắt vẫn chưa rời nền đất. Ngoại tôi tiếp:
-
Ngoại không bỏ con đâu… ngoại sống với con hoài…
Tôi
nhìn rõ hơn nền đất, những viên sỏi, viên đá dính lẫn đất thịt như trở nên có
hồn. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, ngoại tôi phải xa tôi, ngoại tôi bị vùi dưới
nền đất này. Chỉ cách nhau một lớp đất, mà cách nhau cả đại dương ; chỉ cách
nhau một lớp đất, mà muôn đời không thấy mặt.
Tiếng
ngoại tôi cắt đứt ý nghĩ của tôi:
-
Đói chưa con?
-
Chưa đâu ngoại. Để tối hẳn rồi hãy ăn…
Ngoại
tôi với lấy ly nước trà đặt trên chiếc ghế đẩu con cạnh đó, đưa lên môi nhấp
một miếng. Khói trà thoảng từng làn mỏng, loãng dần rồi tan mất. Ngoại nói:
-
Con hệt như má con hồi đó, chỉ ưa ăn cơm buổi tối…
Tôi
cười nhẹ và nghĩ nhiều về chuyện ăn cơm tối. Tôi thích thế, tự nhiên thích thế
thôi, không vì gì cả, cũng không vì trước kia mẹ tôi hay như thế mà tôi bắt
chước. Vì làm sao tôi biết được mẹ tôi nghĩ thế nào về những bữa cơm tối. Riêng
tôi, tôi cho là dùng vào buổi tối, người ta dễ thấy đầm ấm hơn. Bóng tối trùm
bên ngoài là một cái chăn ấm giăng mắc chở che cho những người thân thuộc, với
bao yêu thương, với bao thân ái. Những tình thương, những thân ái,những hơi ấm
gia đình tỏa ra trong một khoảng không gian nhỏ bé quanh mâm cơm, hẳn làm ấm lòng,
hẳn làm sung sướng. Cho đến mãi mãi, chắc chẳng bao giờ tôi quên được những bữa
cơm tối với ngoại. Mâm cơm nghèo lắm, thường chỉ có rau với mắm. Nồi cơm nhỏ
xíu đặt cạnh, trên chiếc bàn con. Ngoại ngồi một góc, tôi vẫn ngồi trên chiếc
xe lăn. Hai ngoại cháu vừa ăn vừa trò chuyện – không bao giờ ngoại cháu tôi
không có chuyện để nói – Già, ngoại tôi ăn chậm, hay nói chuyện, tôi cũng ăn
chậm. Bữa cơm thường kéo dài. Nhưng thời gian với ngoại tôi, với tôi không có
gì là đáng kể. Càng lâu, tôi càng cảm thấy nhiều ấm cúng. Mà tôi lại rất cần sự
ấm cúng.
Mẹ
tôi tái giá sau khi hết tang cha tôi. Năm ấy tôi lên tám và mới chỉ vừa nói
sõi. Tôi sinh ra với một đời buồn thảm và khổ đau. Trời đọa tôi không đi được
từ bé. Lên hai, tôi vẫn chưa đứng vững. Hai chân tôi èo uột, mềm nhũn. Tôi lại
chậm nói, thật chậm nói. Ngoại tôi hay kể chuyện ngày tôi còn bé. Theo lời
ngoại, dạo đó, tôi hay cười lắm. (Có lẽ trời đặt thế để bù vào nỗi khổ của
tôi). Những chiều, ngoại hay ẵm tôi đi dạo. Một lần, mải nói chuyện với một
người bạn, ngoại để tôi ngồi xuống nhà. Khi nhớ ra, tôi đã đâu mất. Ngoại hốt
hoảng đi tìm, và mới thấy tôi lúc ấy đã bò ra tận ngoài ngõ, ngoái nhìn ngoại,
cười. Kể đến chỗ này ngoại hay nói với tôi: “Thằng chó con thật đáng ghét, bò
đi để ngoại hết hồn mà còn cười”. Và tôi hay cười giả lả, có khi nhìn đi chỗ
khác, khi lại vờ vuốt chòm râu dài của ngoại, chòm râu với những sợi mềm, đẹp,
tôi thích.
Ba
tuổi, tôi mới bập bẹ những tiếng đầu tiên. Nhưng tiếng tôi nói trước tiên trong
đời không là tiếng “ba”, tiếng “má”, mà là “đi”. “Đi”. Tôi cần đi, tôi thèm đi…
thèm đi từ ngay dạo nhỏ, cần đi ngay đến bây giờ… Có lẽ vì nhu cầu di chuyển,
tôi mới nói tiếng “đi” trước hết, cũng như những đứa trẻ khác, vì nhu cầu ăn mà
nói “ăn”, vì nhu cầu tình thương, kêu, gọi mà nói “ba”, nói “má”. Tiếng nói đầu
tiên trong đời, đến bây giờ nghĩ lại, tôi thấy đúng là tiếng khóc và là chính
cuộc đời tôi. Tôi chỉ gọi được “ba”, “má” thật lâu sau đó. Nhớ đến ngày nói
được tiếng ba, tôi phải thầm cảm ơn trời đất, vì nói được tiếng “ba”, gọi được
cha tôi, bây giờ tôi mới không phải hối tiếc rằng không thốt được tiếng gọi
người sinh thành ra mình, cho người nghe được tiếng con, cho người vui trước
khi người khuất bóng. Cái chết của cha tôi thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi tôi
tưởng như chẳng thể xảy ra. Nhưng cái chết đó vẫn xảy ra, đã xảy ra, cái chết
đến sau một cơn cảm xoàng.
Rồi
đến ngày mẹ tôi tái giá. Ngoại tôi ngăn con không được, buồn lắm. Còn tôi, tôi
không có chút cảm tưởng nào, vì tôi còn bé quá. Nhưng lớn lên, biết chuyện, tôi
thương mẹ tôi mà nghĩ rằng việc làm của mẹ tôi là đúng. Mẹ tôi lấy cha tôi vì
cha tôi đi cưới mẹ và ngoại tôi bằng lòng, chứ mẹ, mẹ đã thương yêu người khác:
người mà mẹ tái giá sau này. Sống trong bóng tối, người ta dễ nghĩ suy. Sống
trong khổ đau, người ta lớn trước tuổi. Mới mười hai tuổi đầu nhưng tôi đã sớm
biết nghĩ, và còn nghĩ nhiều nữa là khác. Tôi biết ai cũng cần tình thương, con
người cần tình thương như muôn loài cần không khí. Tôi cần tình thương của mẹ
cha, của ngoại. Ngoại tôi cần tình thương của cha, của mẹ tôi và của tôi. Cha
tôi cần tình thương của vợ, của con. Thì mẹ tôi cũng cần tình thương. Tình
thương không có được trong gia đình với cha tôi, có lẽ với tôi nữa. Thì khi cha
tôi mất đi, và tôi được ngoại nhận nuôi, mẹ phải đi tìm tình thương mới. Có gì
đâu phải oán mẹ. Đúng ra, phải thương mẹ hơn mới phải. Và tôi thương mẹ tôi
nhiều, vẫn thương mãi mãi,,,
Bây
giờ, cạnh tôi chỉ còn có ngoại. Nhiều lúc tôi sợ mất ngoại quá. Đọc truyện thấy
kể một đứa bé mất ngoại, tôi nghĩ ngay đến mình. Nghe ai nói chuyện về một cái
chết, tôi cũng nghĩ đến mình. Thời gian sẽ trôi đi, rồi sẽ đến ngày tôi phải xa
hẳn ngoại tôi… Hồi đó, không biết tôi ra sao nữa…
-
Nghĩ gì mà ngoại hỏi không nghe vậy con?
Tiếng
ngoại tôi kéo tôi về thực tại. Trời đã đêm rồi. Mây biến thành màu sậm, bụi tre
nhuộm đen. Ngoại tôi đứng lên, dáng nhàn nhã, tay cầm ly nước trà, tay cầm
chiếc ghế đẩu, nói với tôi:
-
Ở đây đợi ngoại đem đồ vô trước nghe.
Tôi
dạ nhỏ. Dáng ngoại tôi hiền từ trong bộ bà ba trắng dần khuất vào bóng tối
trong nhà. Chút xíu nữa trở ra, đem nốt chiếc ghế mây vào rồi, ngoại sẽ đẩy xe
lăn đưa tôi vào nhà. Và rồi sẽ đến buổi cơm tối. Tôi lại sắp được sống trong
cảnh ấm cúng với ngoại. Một cơn gió nhẹ, tôi khẽ rùng mình. Cái lạnh càng làm
tôi mong chóng đến bữa ăn tối.
*
Ngày
tôi lo sợ rồi cũng đến, đến vào một buổi chiều. Buổi chiều thường vẫn buồn.
Ngoại tôi không còn đẩy xe đưa tôi ra ngoài ngõ ngắm cảnh, nói chuyện vu vơ
cùng ngoại hơn một tuần. Ngoại ngã bệnh nặng. Tôi ngồi trên xe cạnh giường
ngoại lo lắng. Ngoại tôi không nói gì và tôi cũng thế. Không biết ngoại nghĩ
sao, chứ tôi, tôi sợ lắm; nhất là trong khung cảnh vắng lặng này. Gần sáu giờ
chiều, bác Tư hàng xóm sắp đem cơm cháo sang cho ngoại cháu tôi. Tôi thấy thời
gian như bị trì kéo lại và nặng nề trôi. Tôi muốn có bác Tư ở bên cạnh để bớt
thấy cô đơn, bớt thấy lo sợ. Bác Tư đối với ngoại cháu tôi thật tốt, hỏi han,
chăm sóc. Ngoại cháu tôi cũng mến bác nữa, vì tánh tình của bác, vì cái chất
nhà quê tiêu biểu nơi bác. Một lần nghe tôi nói sợ mất ngoại, bác đã nói: “Còn
có bác đây, bác sẽ lo cho con”. Tôi cảm động muốn khóc vì biết bác rất thành
thật mà nói thế.
Ngoại
tôi quơ tay tìm tay tôi. Tôi đưa tay cho ngoại tôi nắm. Ngoại quay nhìn tôi,
cái nhìn hiền từ nhưng yếu ớt, nói:
-
Bác Tư qua chưa, con?
Tôi
đáp:
-
Chắc cũng sắp qua rồi ngoại à.
Ngoại
tôi gật đầu nhẹ, rồi nhìn tôi thật lâu, cái nhìn sâu như muốn soi thấu ý nghĩ
tôi, ngoại hỏi:
-
Con thương ngoại không?
-
Thương…
-
Con nghe lời ngoại không?
-
Nghe…
-
Ngoại có mất đi, con không được buồn nghe.
-
…
-
Chừng đó, con về sống với bác Tư nghe, bác Tư hứa với ngoại rồi, bác Tư hứa
thương con như ngoại thương con vậy đó. Nghe con.
-
…
-
Chắc ngoại sắp bỏ con rồi…
Tôi
òa lên khóc, úp hai bàn tay vào mặt. Nước mắt tôi trào ra, nhòa nhạt, tràn đầy.
Vừa lúc ấy bác Tư sang. Đặt vội mâm cơm, cháo trên bàn, bác bước mau đến bên
ngoại cháu tôi. Ngoại tôi nhìn bác Tư với ánh mắt ngời tin tưởng. Bác Tư bảo
tôi nín khóc để xem ngoại muốn nói gì. Tôi nghe lời, nhưng thỉnh thoảng vẫn nấc
lên. Ngoại tôi:
-
Bác Tư giữ lời hứa với tôi nghe bác Tư…
Bác
Tư rướm lệ nói lời hứa chắc. Tôi lặng nhìn hai người lớn. Ngoại tôi nhìn tôi
lần chót, lại đưa tay tìm nắm lấy tay tôi. Tôi thấy tay ngoại lạnh giá. Ngoại
khép đôi mi, môi thoáng nụ cười
Bác
Tư đặt tay lên ngực ngoại tôi, cúi đầu. Đôi mắt bác đỏ hoe. Tôi biết chuyện gì
xảy ra rồi. Nhưng tôi không khóc được. Nỗi buồn đau dâng đến tột cùng khiến
người ta trở nên chai đá. Tôi nhớ lại ý nghĩ hôm nào. Ngoại bỏ tôi đi rồi, đi
một lần thật xa. Chỉ cách nhau một lớp đất, mà cách nhau cả đại dương. Chỉ cách
nhau một lớp đất, mà muôn đời không thấy mặt. Ngoại ơi không còn thấy mặt
ngoại, không còn những chiều cùng ngoại ra trước ngõ ngắm cảnh, không còn những
lần vuốt nhẹ chòm râu trắng của ngoại mà khen đẹp, để nghe ngoại mắng yêu:
“Thằng chó con rờ râu ngoại hoài”, không còn những tối ngồi dùng bữa cơm đạm
bạc, nhưng mãi mãi, hình ảnh ngoại còn trong con. Mãi mãi đó ngoại. Ngoại có
nói với con đó: “Ngoại không bỏ con đâu, ngoại sống với con hoài”. Vâng, ngoại
sống với con hoài… ít nhất cũng là trong lòng con. Ngoài kia chiều xuống rồi.
Bóng tối đã đu đưa ngoài cửa, hình ảnh ngoại nằm đó mờ mờ… Con nhìn ngoại thật
lâu đây, nhìn thật lâu để thu vào đôi mắt nhỏ bé của con hình ảnh cuối cùng về
ngoại. Bộ bà ba trắng, chòm râu bạc, làn da nhăn… Chừng đó thứ muôn đời sẽ còn
mãi trong con. Cũng như hình ảnh buổi chiều nay còn mãi trong con. Hình ảnh
buổi chiều với từng làn mây tím, mỏng, nhẹ, vắt ngang khung trời màu xám, với
bụi tre trước ngõ đứng im lìm, trời như chung cái buồn của con, không thoảng
một cơn gió nhẹ. Vắng lặng quá.
*
Nhưng
tôi không sống với bác Tư được lâu. Về với bác được hơn tuần, còn chưa quen hẳn
với nếp sống cũng trầm lặng, cũng buồn tẻ của căn nhà với hai người thân yêu
nhau như tôi với ngoại, có khác là thay vì tình thương của một người ông với
đứa cháu, tôi sống trong tình thương của một người mẹ nuôi. Mẹ nuôi tôi, bác
Tư, đã phải gạt lệ để tôi về chung sống với mẹ tôi, người đã sinh thành ra tôi.
Được
tin ngoại tôi chết, mẹ tôi từ tỉnh về quê chịu tang. Mẹ tôi nói thật nhiều với
tôi, và tôi biết qua những lời nói đó, mẹ tôi thương tôi lắm. Thương tôi nên
mới để ngoại nuôi tôi bấy lâu nay hầu tránh cho tôi phải chịu cảnh cha ghẻ, con
vợ. Thương tôi nên mới mỗi tháng cố tìm cách về quê thăm tôi dù công việc buôn
bán trong gia đình mới của mẹ có bận rộn đến đâu. Thương tôi nên nghe tin ngoại
tôi chết, mẹ mới xin bác Tư trả tôi lại mẹ, để mẹ bao bọc đời tôi, để mẹ làm
bổn phận một người mẹ, bổn phận mà đáng lẽ mẹ phải làm sau khi cha tôi mất, mà
vì không suy nghĩ kỹ, mẹ đã tái giá, mẹ đã đành lãng quên.
Tôi
đã phải suy nghĩ thật nhiều trước khi quyết định theo sống với mẹ tôi. Đành
thôi bác Tư, con biết bác thương con lắm, vì bác cũng có một đứa con như con,
đứa con đã bỏ bác ra đi ngày vừa lên ba tuổi, sau cái chết của bác trai có hơn
tháng. Con biết bác thương con vì bấy lâu nay, sống dưới này với ngoại, con đã
tỏ những cảm tình trìu mến đặc biệt với bác. Con biết bác thương con vì bác
muốn tìm tình thương, cũng như con, con cũng tìm tình thương. Nhưng vẫn còn
tình thương của mẹ với con, tình thương ruột thịt. Đành thôi bác Tư, con biết
bác sẽ buồn nhiều ; bác hay kể chuyện cổ tích, bác có nhiều chuyện cổ tích, bác
thích kể chuyện, bác nói với con thế đó, bác muốn con ở cạnh bác hoài để kể
chuyện con nghe, để bác vui thấy con nở nụ cười. Vậy mà con đành phải xa bác,
xa người đã có lúc, con xem như mẹ. Bác Tư, con gọi nhỏ tiếng mẹ để tỏ lòng
thương yêu của con với bác đây. Mẹ.
Bây
giờ, tôi đang sống trong gia đình của mẹ tôi. Sống với tình thương yêu của mẹ,
với sự chăm lo săn sóc của người cha nuôi, với những cảm tình đẹp của các em
cùng mẹ khác cha. Mẹ tôi được hai con với cha nuôi tôi, em Hiếu và em Thảo. Hai
em đối với tôi cùng rất mực nể trọng. Em Thảo hay hỏi chuyện tôi và đòi tôi kể
chuyện ngày bé. Có lần tôi kể dạo bé, tôi đã từng bị sướt cả đầu gối vì bò trên
đường đá, tôi thấy mắt em rưng rưng. Em Hiếu cũng thế, hay đem những chuyện bên
ngoài, chuyện đi học, chuyện bạn bè kể với tôi, em bảo để tôi khỏi buồn vì suốt
tháng ngày phải ngồi lì trên chiếc xe lăn không được đi đây đi đó nhiều. Còn
cha nuôi tôi – tôi gọi là cha nuôi chứ không là cha ghẻ vì không muốn có chút ý
nghĩ xấu về người, dù sao, người cũng là chồng mẹ tôi, người cũng nuôi tôi.
Tiếng cha nuôi nghe êm đềm và đẹp hơn tiếng cha ghẻ nhiều. Người lo cho tôi đủ
hết. Có riêng một người giúp việc lo cho tôi, đưa tôi đi xem cảnh phố, đưa tôi
đi chơi công viên. Có từng tập truyện giải trí cho tôi đọc. Có thật nhiều đồ
chơi cho tôi đùa nghịch. Những buổi tối đến, cha nuôi tôi cùng mẹ tôi và hai em
Hiếu, Thảo ra trước hiên ngồi hóng gió. Tôi cũng có mặt nơi đó. Thôi thì bao
chuyện được kể lể, được bày tỏ. Những nụ cười vui hòa trong từng làn gió đêm
mát rượi làm tôi thấy đầm ấm, đầm ấm như không khí bữa cơm tối với ngoại tôi
dưới quê. Có lúc, tôi tưởng như mình sống lại những buổi chiều im lặng và buồn
với ngoại tôi. Tôi ước ao được sống những chuỗi ngày kế tiếp trong thương yêu
như thế này. Tôi thấy mình đã quyết định đúng, và không chút hối tiếc nào cả.
Bây
giờ, tôi thấy mình không còn gì thiếu thốn, có chăng, chỉ là ngoại tôi bằng xác
thịt.
Một
thời gian tôi tưởng mình đã tìm lại được tình thương đích thực, chẳng dè là
mình lạc vào ảo ảnh. Một đêm, tình cờ tôi hiểu tất cả. Đang chập chờn vào giấc,
tôi phải choàng tỉnh vì nghe tiếng khóc của mẹ tôi. Rồi liền đó, tiếng cha nuôi
tôi:
-
Bà phải biết là tôi đã chịu đựng quá nhiều rồi. Bây giờ thì tôi hết chịu đựng
nổi…
Tiếng
mẹ tôi hòa theo tiếng nấc:
-
Mình đã thương em thì thương cho trót, bữa mốt đến giỗ anh Thường…
Giọng
cha nuôi tôi gay gắt:
-
Giỗ anh Thường… giỗ anh Thường! Sao mọi năm bà không đòi mà năm nay lại đòi?
-
Vì năm nay có con em…
-
Ra thế! Vì cái thằng què!
“Cái
thằng què”. Tôi đó. Đứa bé mười mấy tuổi đầu còn chưa bước được một bước, mười
mấy năm trời hết mẹ, cha bồng ẵm, ngoại bồng ẵm, lại đến ngồi lì trên chiếc xe
lăn. Tôi đó. Tôi là “cái thằng què” theo nhận xét của cha nuôi tôi đó. Tôi thấy
cay sè nơi mắt và thoáng chút ý oán hờn người cha nuôi. Cha nuôi tôi nỡ gọi tôi
thế sao? Không chút thương hại à?
Nhưng
tôi không nghĩ tiếp được nữa. Giọng mẹ tôi buồn thật buồn:
-
Đừng mình. Dù gì mình cũng đã hứa với em là coi con em như con mình, dù gì nó
cũng tàn tật…
Giọng
mỉa mai của cha nuôi tôi:
-
Phải, tôi có hứa. Nhưng hứa là vì tôi thương bà, vì tôi thương hại nó. Tôi lo
cho nó đủ thứ hết rồi đó, có gì thiếu thốn đâu. Vậy mà bà còn oán, còn đòi này,
đòi nọ…
-
Tội nghiệp em, chỉ vì em thương con… Mình nghĩ xem, nó sẽ tủi thân biết chừng
nào nếu bữa giỗ cha nó không có.
-
Còn tôi sẽ sung sướng lắm đó?
Mẹ
tôi không nói thêm. Tôi nghe những tiếng nấc vang lên. Cha nuôi tôi:
-
Tôi nói lại lần chót cho bà biết là không có bữa giỗ nào ngày mốt cả. Tôi đi
ngủ đây thôi.
Có
tiếng chân cha nuôi tôi xa dần phòng khách. Tôi xoay mình vài cái mới nhận ra
chiếc gối con của tôi ướt đẫm. Tôi khóc tự nãy giờ. Và những ý nghĩ xoáy tròn
trong tâm hồn tôi.
Ngày
mốt này giỗ cha tôi. Buổi sáng, tôi có nhắc mẹ, mẹ tôi bảo sẽ làm bữa giỗ vào
buổi tối, vì hai mẹ con cùng thích buổi tối, và cũng vì cha tôi mất đi vào buổi
tối nữa. Có lẽ mẹ đem chuyện nói với cha nuôi tôi và người không bằng lòng. Tôi
nghĩ nhiều về việc này và thấy lúc nãy, tôi thoáng có ý oán cha nuôi tôi là
bậy. Cha nuôi tôi chẳng có gì đáng trách cả. Là con người ai lại không có chút
ích kỷ, nhất là về phương diện tình thương. Làm sao cha nuôi tôi chấp nhận được
bữa giỗ cha tôi ngay chính trong nhà người. Giá là tôi, phải đứng ở địa vị của
người, có lẽ tôi cũng hành động như người.
Còn
mẹ tôi, đến bây giờ tôi mới hiểu mẹ hơn bao giờ hết. Mẹ tôi thương tôi quá,
thương nhiều hơn tôi tưởng nữa. Trước kia, đối với việc mẹ tôi để tôi ở lại với
ngoại dưới quê, nói rằng sợ tôi phải chịu cảnh cha ghẻ, con vợ, tôi chỉ nghĩ là
mẹ có lý, chứ chưa biết được mẹ nghĩ thế là đúng, đúng hoàn toàn. Làm sao có
được tình thương đích thực giữa những người không cùng huyết thống, nếu có, cũng
chỉ là vay mượn tình thương ở nhau – cha nuôi tôi cũng thế, làm sao người
thương tôi như con được. Người có nói rồi đó, người thương tôi tàn tật. Và chỉ
vì thế thôi.
Ngoài
kia vẫn còn những tiếng thổn thức của mẹ tôi. Tôi thấy tôi có tội. Tội do tôi tất
cả. Đáng lý tôi không nên theo mẹ về đây để bây giờ khiến mẹ phải khổ sở. Đáng
lý lôi không nên theo mẹ về đây để bác Tư buồn rầu. Đáng lý tôi không nên theo
mẹ về đây để cha nuôi tôi mang bao phiền toái. Tội do tôi tất cả. Tội đó bắt
nguồn từ lòng khao khát tình thương của tôi. Tôi hành động, tôi quyết định thế
chỉ vì tôi muốn gần mẹ tôi, được sống với tình mẫu tử.
Bây
giờ, tôi thấy mình phải chuộc lại cái tội đó. Tôi phải làm sao cho mẹ tôi không
buồn, cha nuôi tôi không giận, bác Tư được vui nhiều. Tôi phải trở về quê, trở
về để sống với kỷ niệm, với tình thương vay mượn nơi bác Tư. Trở về để những
người thân của tôi không phải dằn vặt nhau vì tôi. Tôi không oán ai hết. Một
lần, tôi nói với ngoại tôi: “Con chỉ muốn lúc nào con cũng thương ngoại, thương
ba, thương má. Còn ngoại, ba và má có thương con hay không, con không cần
biết”. Vâng, tôi chỉ muốn được lo lắng cho người thân và không cần một sự lo
lắng đáp lại. Đời tôi vốn đã thương đau, có chịu thêm buồn khổ nữa cũng chẳng
đáng gì. Lúc nào tôi cũng nghĩ thế. Và tôi nhất định sẽ tìm cách trở về quê.
Tôi
chợt mở to đôi mắt. Màn đêm đen lắm, nhưng tôi thấy như trong màu đen đêm
trường đó hình ảnh tôi ngồi trên chiếc xe lăn dưới bụi tre trước cổng nhà ngoại
tôi.
*
Tôi
đã về quê. Nghĩ mãi tôi mới tìm ra một cách để mẹ tôi đưa tôi về quê. Tôi biết
nếu tôi nói thật ý nghĩ của mình, là muốn trở về quê, để mẹ khỏi chịu khổ, cha
nuôi tôi khỏi bận tâm, ắt mẹ tôi không bằng lòng. Cho nên tôi đã nói dối. Tôi
nói nhớ nhà ngoại và muốn về thăm. Ý tôi, khi về quê rồi, tôi sẽ nói thật và
không trở lên tỉnh nữa. Tôi được toại ý. Trước khi người tài xế ẵm tôi lên ghế
nệm chiếc xe nhà, sau đó, máng chiếc xe lăn của tôi đằng sau xe hơi, tôi đã
nhìn một lần chót ngôi nhà tôi đã từng sống ở đó mấy tháng trời. Tôi nhìn thật
kỹ cha nuôi tôi, hai em Hiếu, Thảo. Tôi vẫy em Thảo lại gần, nói nhỏ: “Đừng nhớ
anh nghe Thảo”, với em Hiếu, tôi nói: “Anh đi chơi lâu lắm”. Làm sao lúc ấy hai
em hiểu được tôi muốn nói gì. Thôi hai em ạ, biết làm gì để bận trí, hai em cứ
coi anh như một cơn gió, thổi thoảng qua vùng trời nhà hai em trong một thời
gian ngắn, rồi mất hút. Nhớ làm gì cơn gió thoảng. Rồi hai em sẽ quên được anh.
Mẹ
tôi với gương mặt buồn bã trở về tỉnh sau khi không sao thuyết phục được tôi đi
theo mẹ. Mẹ ơi! Lúc mẹ đi khuất rồi, con đã khóc đó mẹ và con chắc ngồi trên
xe, mẹ cũng khóc. Nhưng khóc rồi, mẹ hiểu cho con nghe mẹ. Chỉ vì con thương
mẹ, chỉ vì con không muốn chồng mẹ buồn. Con đã làm phiền người mấy tháng trời
rồi, con không muốn người phiền vì con hơn nữa. Con đã sống trong tình thương
của mẹ mấy tháng trời rồi, con thấy như vậy đã tạm đủ. Mẹ hiểu cho con chứ mẹ?
Con của mẹ buồn vì phải xa mẹ đấy, nhưng cũng được an ủi đôi chút nhờ bác Tư.
Bác đối với con chẳng khác gì mẹ đối với con. Bác là đại diện cho hình ảnh của
mẹ. Con tưởng chừng bác là mẹ. Con tưởng chừng mẹ vẫn ở cạnh con.
Rồi
những buổi chiều, con với bác Tư sẽ ra ngoài ngõ ngồi ngắm cảnh, con dõi mắt
nhìn tận xa phía chân trời, tưởng tượng ra những hình ảnh cổ tích mà bác Tư kể
bên tai. Chập chờn trong hình ảnh đó, còn có cả hình ảnh những người thân yêu
của con. Ngoại, cha, mẹ, bác Tư, cha nuôi và hai em Hiếu, Thảo. Bác Tư đã trở
ra với con rồi kìa. Bác đem theo mấy củ khoai lang còn bốc khói, ở quê chỉ có
vậy thôi đó mẹ, đạm bạc lắm.
Bác
Tư hỏi tôi:
-
Ăn khoai nghe con?
Tôi
dạ nhỏ. Bác ngồi xuống chiếc ghế mây, chiếc ghế ngoại tôi vẫn ngồi trước kia,
lấy một củ khoai, bóc vỏ cho tôi. Vừa làm, bác vừa nói:
-
Bữa nay bác kể cho con nghe một chuyện thật dài…
Tôi
cười:
-
Để đến tối nghe bác, con thích ngồi ngoài này hoài…
-
Để nhớ đến ngoại phải không?
Tôi
không đáp. Buổi chiều, đằng trời tây có vài sợi mây tím giăng ngang. Tôi nhớ
đến buổi chiều ngoại tôi bỏ ra đi, cũng có mây tím giăng ngang như thế. Buổi
chiều nào cũng buồn, mầu tím xem cũng buồn nữa. Nhưng trong buổi chiều, nhất là
những buổi chiều có mây tím trôi tôi thấy tình thương giang trải thật nhiều.
Một đời tôi, cuộc đời của đứa bé liệt chân, còn biết lấy gì làm vui ngoài tình
thương nữa. Tôi muốn nói thật to: tôi cần tình thương nhưng tôi cũng thương tất
cả mọi người. Và tôi sẵn sàng đánh đổi tình thương của mọi người đối với tôi
lấy tình thương của tôi dành cho những người thân yêu, cho dù người thân nào đó
không thương tôi thật tình đi nữa.
Lời
cuối cùng tôi muốn nói là một lời xin. Xin những ai cảm thông với tôi, một phút
giây nhàn hạ nào đó, nhớ đến tôi, cầu nguyện cho tôi sự an lành.
NGUYỄN
THÁI HẢI
(Trích
từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 115, ra ngày 1-10-1969)