CHƯƠNG IV
Rời khỏi cô nhi viện, Rớt cắm đầu chạy hết con đường nầy sang con đường khác. Rớt sợ có ai hay được đuổi theo bắt lại. Đôi mắt bà giám thị như đuổi theo sau lưng Rớt; mường tượng như thế, con nhỏ càng chạy nhanh hơn bao giờ hết. Chạy cho đến trưa, tin chắc không ai có thể đuổi theo mình được nữa, Rớt dừng lại trên đường thở dốc, trong khi bụng lại đói cồn cào. Những con kiến bò lung tung trong bao tử khuấy phá Rớt chịu không nổi, phải chậm bước trên vỉa hè, nhìn xe cộ và người đi lại nườm nượp như không một phút nào thưa người. Những con đường phẳng phiu, những gian hàng sang trọng. Nãy giờ mải chạy Rớt không để ý, bây giờ cái gì cũng lạ cũng đẹp. Nhưng sao Rớt trơ trọi lạ !
Trong
cô nhi viện còn có những bộ mặt quen thuộc; còn con nhỏ Mi thông cảm
nỗi khổ của Rớt khi mấy con nhỏ bạn ghẹo phá, khi chịu những trận đòn
phủ đầu của bà giám thị. Ngoài nầy không ai hết ! Ai ai cũng hững hờ đi
qua, họ không thèm để ý đến đầu tóc quăn quíu, làn da đen thui của Rớt. Trong cô nhi viện, nếu như mấy con nhỏ bạn đừng để ý như
vậy, có lẽ Rớt sẽ đỡ khổ và giờ nầy, Rớt đâu lủi thủi như thế nầy.
Buổi
trưa, nắng gay gắt đổ xuống thân hình Rớt, làm những giọt mồ hôi đổ xuống
hai bên thái dương lấm tấm. Buổi trưa, những cửa hiệu hai bên đường khép
chặt cửa, những cánh cửa sắt nặng nề buông xuống kín mít. Rớt tìm một
chỗ mát ngồi nghỉ chân dưới một cửa hiệu tạp hóa. Dựa lưng vào cánh cửa
sắt mát rượi, Rớt muốn ngủ một giấc cho đến chiều !
Trước
mặt Rớt có vài ba chiếc xe nước đá đậu xanh, đậu đỏ. Cạnh đó một hai
người đàn bà bán hàng rong, trên đôi thúng họ chưng một cái thùng kiếng
nhỏ, bên trong đựng những miếng đu đủ xẻ đẹp mắt. Một cục nước đá to
phía trên nhỏ xuống những giọt nước mát rượi. Rớt nghe miệng khô rang và
đắng. Nhìn những giọt nước đá, con nhỏ càng thấy miệng khô thêm. Nếu
Rớt được uống một ly nước, hoặc được ăn một miếng đu đủ lạnh, thời không
gì hơn nữa.
Người
đàn bà ngồi bán hàng rong phe phẩy ngọn lá chuối đuổi một vài chú ruồi
đang bám vào tủ kính. Có lẽ từ sáng tới giờ không bán được bao nhiêu,
chị ngồi thở ra… Thấy Rớt đang ngồi mở đôi mắt thao láo về chỗ mình
ngồi, bực mình chị nói bóng gió :
- Từ sáng đến giờ xui xẻo hết sức, còn bị quỷ ám bên mình nữa.
Nghe
chị hàng rong xỏ xiên ám chỉ mình, Rớt không dám đưa đôi mắt thèm khát nhìn mấy miếng đu đủ nữa. Rớt cúi xuống nghe hạch nước miếng đau nhói và
bụng cồn cào khôn tả. Bây giờ Rớt không biết phải đi về đâu.
Trở
lại cô nhi viện ư ? Mấy con nhỏ cùng trạc tuổi đang chờ đợi để trêu
ghẹo. Bà giám thị cũng thế, chỉ chờ nó về là vung cây roi mây tới tấp xuống
người. Như thế bà đã tha đâu, còn bắt Rớt quỳ dưới cột cờ trưa nắng,
trên những cạnh đá ong lởm chởm. Chỉ cần nghĩ đến gương mặt phù thủy của bà
thôi, cũng đủ làm cho Rớt khiếp đảm, nói chi đến những hình phạt bà
cho là hay ho nhất để giáo dục những đứa cứng đầu.
Ngả
mình xuống thềm đá mài lành lạnh, giấc ngủ đến thật mau với nó. Tất cả
những hình ảnh đẹp đẽ cũng như đau khổ không còn lảng vảng trong trí
nó nữa.
Buổi chiều anh chà mở cửa hàng trễ, thấy Rớt nằm chèo queo trước bậc thềm, anh chà đưa chân đá vào tay Rớt :
- Dậy nhỏ ! Đi chỗ khác mà ngủ để người ta làm ăn chứ.
Thấy con nhỏ vẫn mê ngủ, anh đá thêm một cái nữa:
- Mới mở cửa đã có người nằm vạ rồi !
Rớt
giật mình ngồi dậy đưa tay dụi mắt. Một anh chà to lớn đang hùng hổ trước
mặt. Hoảng hốt Rớt đứng lên bỏ đi. Con đường trước mặt Rớt chắn ngang
bởi một vách tường thành cũ kỹ, chỗ nám rêu đen, chỗ lốm đốm trắng bởi những
mảnh vôi tróc rớt xuống. Sát vách tường thành chìa ra một vỉa hè hẹp, có những
ụ rác nho nhỏ. Rải rác có những mái lều thật thấp,
được che lên bởi những miếng carton quẳng ở mấy đống rác. Miếng nầy,
miếng kia che không đều nhau, gần giống như cái ổ chuột. Một vài người
thân hình gầy đét như con mắm khô, quần áo bẩn thỉu, ngồi chò hõ nhìn ra
đường.
Bên
kia đường là bến xe lam. Những chuyến xe lui tới và người đi lại nườm
nượp. Rớt ngập ngừng đứng nhìn. Hai cặp giò con nhỏ bủn rủn nhấc lên không
muốn nổi. Lại thêm cơn đói kéo đến hành hạ, mồ hôi trên trán
đọng lại thành giọt rơi xuống mặt, giống như Rớt đang khóc. Gắng gượng, Rớt
bước sang đường ngồi bệt xuống vỉa hè cạnh chỗ mấy người dơ dáy, ốm nhom
như nấm khô. Họ đưa những bàn tay khẳng khiu, bàn tay ghẻ lở ra trước
mặt những người đi lại, miệng thời nhai rạo rạo những mẩu bánh mì khô
cứng. Nhìn họ ăn ngon lành bụng nó lại càng quặn thắt, và nước miếng
chảy ra đầy ứ. Có lẽ họ sẽ cho Rớt một mẩu bánh nhỏ, nếu Rớt mở
miệng xin?
- Con nhỏ xấu xí ơi ! Mi ở đâu đến vậy ?
Một
giọng nói khàn khàn phía sau lưng, Rớt quay lại. Một lão già ốm teo,
thân hình gồ ghề những xương, mắt ông đui hết một con bên trái, còn một
con lờ đờ nhìn Rớt. Ông lão như một thây ma sống làm cho Rớt sợ sệt. Ông
nhìn Rớt cười héo như lá chuối khô, nói tiếp:
- Đi cả ngày không được một cắc nào hết phải không?
Lão
già đui tưởng Rớt cũng đi ăn xin như mấy đứa nhỏ khác thường xuyên lảng
vảng quanh đây. Rớt không dám nói là mình vừa trốn cô nhi viện ra, Rớt nói
nhỏ:
- Tui đói lắm !
Lão già ngả lưng ra vách tường phía sau, một mắt thả ra đường:
- Khà ! Khà ! Thời buổi nầy thiên hạ giàu có lắm ! Như mầy thấy đó, dư
tiền dư của nhởn nhơ. Nhưng họ rất nghèo. Khà… khà… Nghèo tình thương.
Lòng bác ái của họ không bằng nửa con kiến hôi ! Khà ! Khà !...
- ...!!
- Nhỏ ơi, chứ bộ mầy đói lắm hả ?
Rớt lặp lại:
- Tui đói lắm !
Lão
đui móc ra trong túi xách nhỏ cạnh bên lão hai miếng bánh mì khô, không
hiểu ai đã cắt từng khoanh mỏng, quăng tới trước mặt Rớt:
- Ăn đi nhỏ. Hai miếng bé tí vậy chứ uống nước vào là no ngay.
Không
nói, Rớt chụp ngay hai mẩu bánh mì bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Bánh
mì khô lẫn cả múi mốc muốn sướt cả họng, có lẽ vì để lâu ngày, nhưng sao
Rớt vẫn thấy ngon lạ. Ăn xong, Rớt đứng lên đi lại cái máy nước gần đó
kê đầu vào uống, những ngụm nước phèn tanh tanh vào cổ mát rượi. Rớt thấy
trong người bỗng dưng khỏe lại. Sau khi bước đến cảm ơn lão già, con nhỏ ngồi
xuống vỉa hè ngóng mắt ra đường.
Người
ta xuôi ngược đông và vui chi lạ. Một vài đứa nhỏ trạc tuổi Rớt đi
chung với ba má. Đứa nào cũng hớn hở, miệng toe toét cười, chỉ trỏ hết
cái nầy đến cái khác. Tụi nó sao sung sướng ghê, Rớt thấy mà tủi thân.
Nếu như má Rớt không vì xấu hổ, đừng đem bỏ Rớt vào viện cô nhi, thì giờ
phút nầy Rớt cũng được như vậy: Được mặc áo mới, cái áo đầm xòe màu
hồng hay một bộ đồ cao bồi có thêu những bông hoa trước ngực, được dẫn
đi mua đồ chơi. Nghĩ như thế, Rớt nhắm mắt lại mường tượng nó đang chạy
nhảy líu lo bên mẹ.
Ừ
! Mà mẹ của Rớt ra sao nhỉ ? Rớt không biết một chút gì cả. Từ nhỏ đến
giờ Rớt chỉ có khao khát được gặp mẹ thôi, chứ chưa một lần thấy mặt, dù
chỉ là một lần thoáng qua, làm sao Rớt biết được mẹ mà tìm đây ? !
Từ
xa, một đám con trai khoảng tuổi Rớt, chừng bốn năm đứa, trên tay ôm
những chồng báo dầy cộm, đang chặn đón những người đi lại để bán. Chúng lũ
lượt đi về hướng Rớt. Trong đám, có một thằng đi ngang nhìn thấy Rớt, nó
la lên với mấy đứa kia:
- Ê tụi bây lại coi con nhỏ đen nè !
Chúng cười hí ha hí hửng quanh Rớt, một thằng còn lấy tay xoa lên đầu Rớt:
- Hi hi ! Mỹ đen ngồi rầu rĩ tụi bây ạ !
Sau câu nói, chúng cười rầm lên. Một thằng đứng bên phải Rớt nghĩ một câu hay ho hơn:
- Con nhỏ đó là con ông cà ri nị, ăm ba ca ra ma í a à á a…
Nó
vừa nói, vừa ra bộ tịch, hai tay ẻo lả múa may như những vũ công trong
phim Ấn Độ, làm cho cả bọn được một phen cười thích thú.
Rớt
không dám hó hé một tiếng nào hết, nói lên chỉ lấy đà cho mấy thằng nhỏ
bán báo nầy chọc tiếp mà thôi. Rớt bịt tai lại không muốn nghe một câu
gì từ miệng bọn nó thốt ra, toàn là những lời cay độc mà Rớt đã nghe quá
quen từ những ngày còn ở cô nhi viện. Tưởng ra ngoài là không còn nghe
gì hết, nhưng sao những lời châm chọc cứ đeo đuổi bên Rớt hoài.
Hình như chọc không chưa đủ, một thằng ốm nhom lượm một cây que cạnh đó, gõ lên đầu Rớt:
-Hi ! Hi ! Cái đầu nó cứng quá hả tụi bây?
- Giống như trái dừa khô mầy nhỉ !
Không
chịu nổi nữa, Rớt khóc, con nhỏ khóc thật dễ dàng. Bao ngày rồi, chỉ
cần một chút ức hiếp thôi, cũng đủ làm nước mắt Rớt rơi. Những kẻ yếu đuối
chỉ biết khóc mà thôi. Đó cũng là một thứ khí giới để làm cho người ta
mềm lòng.
Thấy con nhỏ đen khóc cả bọn cười lăn lộn, một thằng nhảy cỡn lên hát:
- Cha cha cha “ Hy nốt ”.
Từ nhỏ đến lớn, Rớt chưa được một lần cười vui như bọn nầy. Rớt mếu máo :
- Sao tụi bây lại chọc tao?
Nghe
Rớt nói như thế, một thằng trong đám thấy khó chịu vì mấy đứa
bạn mình cứ chọc con nhỏ hoài trong khi con nhỏ chỉ khóc, nhìn mấy đứa
bạn nó nói:
- Thôi đừng chọc con nhỏ nữa tụi bây, tội nghiệp nó quá.
Giọng
nói của nó có hiệu lực làm cho cả bọn đi chung không chọc nữa. Chúng
đứng vẩn vơ một lát rồi tản mát đi hết. Chỉ còn lại thằng bênh vực
cho Rớt còn đứng xớ rớ bán cho những ông khách ngang đường. Rớt nhìn nó,
thằng nhỏ tướng người mảnh khảnh nhưng lẹ làng. Quần áo nó xốc xếch,
đội chiếc nón rách nhiều lỗ như chuột gặm. Gương mặt lem luốt bởi mực in
báo chưa khô. Thằng nầy sao tử tế với Rớt vậy nhỉ? Rớt để ý chồng báo
trên tay nặng trĩu, thế mà nó bán một chút đã bay veo gần hết, còn
độ khoảng mười mấy tờ.
Ngồi xuống chổ Rớt, nó lơ đãng cười cười. Rớt nhìn nó:
- Cám ơn mầy nhé! Hồi nãy không có mầy, tụi nó chọc tao không biết đời nào cho dứt.
Thằng nhỏ bán báo cười cười :
- Tao thấy mầy khóc, tội nghiệp quá đi!
Lần thứ hai có người nói tiếng thương Rớt sau con Mi. Rớt cảm động muốn trào nước mắt vì vui.
- Mầy tên gì?
Thằng nhỏ gỡ cái nón rách trên đầu xuống.
- Tên tao là Nô. Còn mầy?
- Tao không biết mình tên gì nữa, nhưng mấy cô giáo và lũ nhỏ thường gọi tao là con Rớt.
Một ông khách đi ngang. Nô đứng lên bước ra mời ông ta. Xong, Nô quay lại chỗ cũ.
- Nhà mầy ở đâu giờ nầy chưa về?
Rớt nhìn xuôi ra đường:
- Tao hổng biết đi đâu nữa !!!
- Sao kỳ vậy, chớ bộ mầy không nhà à? Hay ba má mầy đuổi đi?
Nô dồn dập hỏi, gương mặt nó đầy vẻ lo lắng. Rớt thấy Nô lo lắng cho mình quá. Rớt muốn khóc.
- Tao không có ba, má gì hết trọi á. Người ta nuôi tao trong cô nhi viện,
chịu không nổi, tao trốn ra khi sáng. Giờ ngồi đây không biết đi đâu
nữa!
Nô có nghe
nói đến cô nhi viện, nhưng không biết mặt mũi nó ra sao. Có lần
người ta cũng tính bắt nó đem bỏ vô đó. Nghe Rớt nói, Nô chợt hiểu ở đó
họ nuôi những đứa bé mất cha, mất mẹ. Thấy hoàn cảnh Rớt "xêm xêm" như
mình, Nô chợt nhớ má nó quay quắt, nhớ mái gia đình nho nhỏ ngày trước.
Ba của Nô đi lính, ba Nô hiền lắm. Mấy chú bạn của ba vẫn thường
nói như thế. Nhưng ba không sống được lâu với Nô. Hôm được tin ba chết,
Nô thấy má khóc bù lu bù loa, té lên té xuống. Má thương ba ghê, cũng
như Nô thương ba vậy.
Mỗi
đêm trước khi đi ngủ, Nô thường bắt má kể cho nghe về ba. Má chìu Nô,
và kể bằng giọng thật dịu ngọt, nhiều khi Nô ngủ quên lúc nào không hay.
Được vài tháng sau, má Nô đi làm sở Mỹ đôi tuần về một lần, bỏ Nô một
mình trơ trọi nhờ người hàng xóm giữ giùm. Mỗi tuần vào những chiều thứ
bảy, Nô thường ngồi rầu rĩ trước cửa đợi má về. Má bao giờ cũng thật đẹp
trong những chiếc áo đắt tiền và hay đem về những cam nho bôm táo, là những loại
trái cây mà Nô thấy mấy đứa con nít trong xóm ít khi nào đụng tới được.
Những
lần má không có nhà, Nô nghe những người trong xóm bàn tán về má đủ
chuyện, những chuyện mà Nô tin là không bao giờ có được. Nhưng rồi má Nô
đi biệt luôn, không gửi tiền về để người ta nuôi Nô ăn. Bà hàng xóm má
nhờ gởi Nô mắng nhiếc đủ điều, bảo má Nô tham tiền lấy Mỹ, đồng tiền
người ngoại quốc mạnh hơn, quyến rũ hơn tình mẹ con, để Nô mồ côi, mồ
cút, để Nô bơ vơ lạc loài không người chăm sóc. Người ta không thể nuôi
Nô cho ăn không, bèn tống đi.
Nô
không tin những điều xấu mồm, xấu miệng nói về má. Nô nghĩ má mắc bận
gì đó, hay bị tai nạn thình lình không về được thế thôi… Mặc dù bán báo
để sống hàng ngày, nhưng Nô vẫn luôn dõi mắt trên đường xem có má chăng?
Hoặc lâu lâu trở lại ngôi nhà cũ một lần xem má đã về chưa. Những lần
đứng tần ngần trước cửa, Nô phải nghe mụ chủ nhà tru tréo:
- Xí ! Đồ thứ mê Mỹ, có nhớ gì đến con cái đâu mà mầy về tìm ! Mầy có nhớ thời ra đường mà tìm, chớ ở đây hỏng thèm chứa thứ đó.
Bà
chủ nhà còn rủa những câu cay độc hơn nữa, nhưng Nô vẫn ngồi lì trước
cửa nhà bà đợi má về. Nô tin một ngày nào đó má sẽ về, không như
những điều người ta nghĩ xấu, nên Nô vẫn mỏi mắt đợi hoài. Có lần Nô
trở về ngôi nhà cũ đợi má đến khuya. Nô đã ngủ quên trên thềm nhà cho
đến hết giờ giới nghiêm. Tiếng xe cộ ngoài đường, tiếng nói chuyện, tiếng
thùng khua rổn rảng của mấy người đàn bà trong xóm gánh nước sớm. Những tiếng
động ban mai đánh thức giấc ngủ buồn, lạnh buốt nơi Nô. Nô thức dậy lang
thang ra đường phố, bán chồng báo còn lại buổi tối hôm qua cho mấy anh
phu xe, mấy chị bán hàng ra ngồi quán sớm.
Nô nhìn Rớt đang ngóng mắt ra đường:
- Sao mầy không ở trỏng lại trốn ra chi vậy ? Ở đó người ta nuôi cho ăn không sướng thấy mồ !
Quay lại, Rớt buồn buồn:
- Mầy không biết đó chứ ! Sướng gì cái chỗ đó, người ta coi mình như một
con vật kinh tởm. Họ có đủ cách để chửi rủa. Còn mấy đứa ở chung, bọn nó
cứ chọc tao hoài, ngày nào tao cũng khóc hết á !
Thấy tội nghiệp con nhỏ, Nô hỏi:
- Sao mầy không quýnh tụi nó ?
- Tao đâu biết quýnh lộn.
- Ừ, tao quên mất ! Con gái như mầy làm sao quýnh hơn tụi nó được ! Như
tao, hồi đầu đến đây, mấy thằng bán báo cứ ăn hiếp hoài. Sau tức quá tao
quýnh lại, bây giờ đứa nào cũng ngán hết; tụi nó kêu tao là “ Dế ốc tiêu
”.
- Sao tụi nó kêu mầy là “ Dế ốc tiêu ” ?
- Dế ốc tiêu nhỏ xíu hà, mà đá chì lắm !
Nghe thằng Nô nói, Rớt cười:
- Hèn chi hồi nãy tao thấy tụi nó có vẻ ngán mầy lắm !
Ngọn
đèn ống trên đường bật sáng, khoảng trắng mênh mông phủ trọn vỉa hè.
Một vài người ăn xin cạnh đó tản mát bỏ đi. Rớt nói với Nô:
- Tối rồi, sao mầy chưa về ?
Gương mặt Nô thật buồn, nó buông thỏng:
- Tao bỏ nhà đi lâu rồi !...
Một lúc lâu Nô nói tiếp:
- Trưa giờ, tao chưa có miếng nào trong bụng hết ! Không hiểu sao mấy hôm
rày, tao bán đắt ghê ! Mọi bữa giờ nầy, tao còn phải chạy ngược
chạy xuôi mời người ta mua mà phát ngán ! Cầm chồng báo kè kè nặng
thấu trời, chứ đâu còn ít ỏi như hôm nay. Sẵn đây mầy đi ăn chung với
tao cho vui. Đứng lên đi với tao đi !
Nó
dẫn con Rớt đi xuôi về ngã sáu. Nơi đây có cái bùng binh đúc tượng một
ông nhỏ cỡi ngựa khì lửa đỏ lói. Chung quanh vỉa hè người ta bán hàng
thật khuya : cơm bình dân có, cơm tàu, cơm tây có và đủ thứ món giải
khát.
Thằng
Nô lựa một quán cơm nhỏ dẫn Rớt vào. Quán vừa túi tiền với những người
lao động, nên người ta ăn ở đây thật đông, nhất là mấy bác phu xe và một
vài đứa nhỏ bằng hai đứa, vừa ăn vừa nói chuyện thật ồn ào. Một vài
người đã ăn xong, ngồi rỗi rảnh uống nước, đọc báo.
Ngồi
trên chiếc ghế đẩu lỏng lẻo không quen, nên mấy lần Rớt phải nhổm lên
tưởng như muốn té lăn quay ra đất. Nhưng Rớt vẫn thấy thích thú, vì lần
đầu Rớt được ngồi ăn riêng rẽ như vậy.
Hồi chiều ăn mấy miếng bánh mì, Rớt thấy hãy còn no no, ăn rất ít. Nô nhai ngồm ngoàm hỏi :
- Trưa giờ mầy ăn gì chưa mà làm yếu quá vậy?
- Bánh mì ! Chớ bộ mầy đói lắm hả ?
Nghe Rớt nói, Nô cười văng cả cơm ra bàn:
- Con trai ăn nhiều như vậy đó ! Còn con gái như mầy ăn như mèo liếm, chả bằng một chút ăn ráng của tao nữa.
Sau
khi ăn xong, hai đứa uống thêm một ly sinh tố, no cành cả bụng. Nô bảo
Rớt đứng đợi một chút, nó rảo quanh những người đang ăn uống cạnh đó,
chỉ một thoáng hết veo chồng báo còn lại trong tay. Đến chỗ Rớt đứng
đợi, Nô bảo:
- Mầy về đâu ?
Rớt không biết phải đi về đâu, nó ngần ngừ ngó thằng Nô:
- Tao không biết đi đâu nữa !!
Nô
thấy thương con nhỏ quá ! Nó chợt nhớ đến chỗ trú ngụ hằng ngày của nó,
cái quán phở của bác Hai. Nói là một cái quán cho có vẻ, nhưng thực ra đó chỉ có một cái mái che bằng những miếng tôn cũ cạnh một vách tường.
Chiếc xe phở bác Hai để đây bán cho những thực khách đi chơi khuya. Mùa
mưa bác thường nghỉ sớm, còn mùa nắng tương đối dễ thở hơn. Cạnh quán
phở có thêm một cái chái nhỏ, nơi đây bác và mấy đứa con nheo nhóc của
bác ở, còn quán phở để Nô ngủ và giữ quán giùm luôn.
Nô dẫn
Rớt đi đến chỗ trú ngụ của mình. Chiếc quán của bác Hai ngọn đèn
“măng-xông” hãy còn sáng. Hai đứa bước vào, Nô nhìn ba cái bàn kê vào
nhau trụi lủi. Nó hỏi :
- Chiều giờ bán được không bác Hai ?
Người
đàn ông gầy đét như con mắm trong chiếc áo nhà binh rộng thùng thình
lem luốc những mỡ, được Nô gọi là bác Hai, đang thái những thớ thịt đỏ
hỏn, ngước lên :
- Hôm nay bán về sớm vậy mậy ?
- Mấy hôm nay tui hỏng hiểu sao bán đắt quá trời !
Bác Hai cười khì khì :
- Tao từ chiều giờ bán chưa hết được thùng nước lèo.
Bác Hai bỗng chú ý con nhỏ đen, nãy giờ đứng sau lưng thằng Nô, bác hỏi :
- Con nhỏ nào vậy mậy ?
- Dạ ! Nó định xin bác ở đây ! Tội nghiệp con nhỏ không nhà không cửa gì ráo đó bác.
Nô kể một mạch về nỗi khổ của Rớt, bác Hai thông cảm hoàn cảnh của Rớt, ông dễ dãi :
- Tao coi tụi bây như mấy đứa con tao, muốn làm gì đó thì làm.
Để
cho bác Hai bán, Nô dẫn Rớt ra ngồi ngoài cột đèn cạnh quán phở. Dựa
lưng vào bệ xi măng, Rớt nhìn ra xa. Bóng sáng của ánh đèn đường chạy
hai hàng thẳng tắp. Trên cao một khoảng đen ngòm. Thấy Nô giống Mi, lo
cho Rớt nhiều quá, Rớt cảm động. Nếu như tất cả mọi người đều được như Mi,
như Nô, Rớt sẽ sung sướng biết bao. Không hiểu giờ phút nầy, Mi đang ở
trong cô nhi viện làm gì ? Đã ngủ chưa, hay còn nghĩ đến nó, lo
sợ cho nó giờ nầy đang ngã sấp ngã bổ ở một khoảng đường nào rồi ! Nếu
như Mi biết được nó trốn ra đây được thằng Nô giúp đỡ, có lẽ Mi sẽ an
lòng và sung sướng.
Rớt
không hiểu rồi ngày mai nó sẽ làm gì để sống. Đã có chỗ ở rồi còn phải
kiếm miếng ăn nữa chứ. Ừ hay là nó xin bác Hai cho nó rửa chén bát hoặc
bưng phở cho khách. Công việc nầy nhẹ nhàng, Rớt có thể làm được. Cuối
tháng tùy bác Hai thương cho bao nhiêu thời cho, miễn là Rớt không đói
thôi.
Nô ngồi bó gối trên vỉa hè buông vài cái ngáp vặt, nhìn Rớt :
- Vậy là coi như mầy đã yên thân rồi !
- Nhưng tao không biết phải sinh sống làm sao đây nữa ?
- Lo gì ! Như tao đây làm bậy làm bạ cũng đủ sống qua ngày.
Rớt
thấy mình ngu chi lạ, nó không biết làm cái gì hết, như thằng Nô, còn biết bán
báo, số tiền lời hàng ngày cũng đủ sống. Ngày mai nó sẽ đi xin người ta cho
nó làm mướn, một tháng trả ít tiền chắc cũng không đến nỗi gì phải đói.
Nghĩ như thế Rớt nói :
- Mai tao đi ở mướn cho người ta, ban ngày làm, tối về đây ngủ chắc được hén Nô ?
- Nhưng không biết người ta nhận mầy không ?
- Miễn mình làm đàng hoàng, làm bất cứ cái gì cũng được, vả lại họ trả tiền bao nhiêu tùy ý, chắc họ bằng lòng.
Rớt nhìn lên bầu trời đen, đôi mắt nó ngời sáng tin tưởng :
- Mai mầy chỉ đường tao kiếm việc nha !
- Ừ, tao sẽ dẫn mầy tìm chỗ làm.
Nô
mải miết nhìn ra đường. Bên cạnh nó con Rớt dựa lưng vào cột đèn đôi
mắt nhắm lại, nó đã ngủ quên trong những ý nghĩ không còn đen tối nữa.
Giấc ngủ mệt mỏi đến với Rớt tình cờ như những vì sao lạc lõng trên nền
trời biến mất nhường cho ngày hy vọng mới.
Nô
ngồi nhìn Rớt ngủ. Trong nó, những niềm vui đến rộn ràng. Nó cảm thấy
mình lớn hẳn ra, hãnh diện che chở cho con Rớt. Nô như một người anh hết mực
thương em, đứa em gái yếu đuối nhiều buồn khổ. Trên đôi mắt khép, hàng
Mi cong, Rớt no say trong giấc ngủ, chiếc miệng nhỏ xinh của Rớt như
đang mỉm cười, chỉ có giấc ngủ mới đem đến cho nó niềm vui mà thôi !
Nô nhìn lên trời đen kịt ; nó thấy cuối trời có hai ngôi sao đang đứng thật lặng lẽ như khoảng đời hai đứa…
____________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V