Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

CHƯƠNG V_MƯA NGUỒN


CHƯƠNG V


Tin Mai mất tích được bà giám đốc lưu xá thông báo ngay cho gia đình Phúc biết. Luật sư Bình không khỏi sửng sốt khi nghe tin, cau mày bảo:

- Vô lý ! Con người đâu có thể tan biến dễ dàng như mây khói được, nhất lại biến mất ngay giữa đường phố trước mắt mọi người !

Bà luật sư bàn:

- Hay nói bị người ta bắt cóc chăng ?

- Thì nó phải kháng cự, phải kêu lên và cô giám thị cùng các bạn nó phải biết chứ !

- Nếu vậy, chắc con nhỏ này bỏ trốn rồi ! Con có hiểu biết gì về vụ này không Phúc ?

Phúc gật đầu trả lời mẹ:

- Con cũng hơi hồ nghi ! Nhưng con thấy Mai chẳng có lý do gì phải bỏ trốn lưu xá. Nó có vẻ mến các dì phước trong ấy lắm.

Suy nghĩ giây lát, Luật sư Bình nói:

- Để tôi báo cho ông Trưởng Ty cảnh sát biết, nhờ ông ta cho điều tra xem sao.

Phúc tỏ vẻ lưỡng lự:

- Có lẽ không cần, ba ạ.

Luật sư Bình trố mắt nhìn Phúc:

- Tại sao vậy ?

Phúc phác một cử chỉ mơ hồ:

- Không biết điều con nghi ngờ có đúng không nữa ! Nhưng trước khi báo cho cảnh sát biết ba cho phép con kiếm thử nó đã…

- Ở đâu ?

- Xem nó có về trên ấp không ?

- Về Tân Lập ?

- Vâng !

- Bộ con điên hay sao chớ ? Nó về đấy làm gì ? Tân Lập bỏ hoang đã mấy tháng nay rồi, đã có ai về sửa sang, kiến thiết lại đâu ?

- Dạ vì thế nên con mới nghi…

Phúc thuật lại cho cha mẹ nghe cách đây vài tuần Mai đã tâm sự với anh ra sao mà lúc ấy anh cho những điều Mai nói chỉ là những dự tính viển vông nên không quan tâm đến.

- Mai đã nói với con đại khái như thế này: “Nếu người lớn buông xuôi, thì trẻ con phải nhúng tay vào!” và: “Nếu có ai về ấp ở, những người khác cũng sẽ lục tục về theo”.

Nghe con nói, luật sư Bình như vỡ lẽ, gật gù:

- Nếu đúng như lời con nói, thì con nhỏ này gan thật. Ba không ngờ một đứa trẻ như con Mai mà cũng nặng lòng với quê hương như thế ! Từ đây về Tân Lập đi toàn đường đồi và cũng khá xa. Liệu nó có tới ấp trước đêm nay không ?

Bất giác cả ba người đều nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đã về chiều. Sương lạnh dâng lên mờ mịt. Phúc chợt thắc mắc: “Nếu Mai dám trở về Tân Lập vào lúc xế chiều chắc phải có người giúp phương tiện di chuyển. Người đồng hành với Mai tất không ai ngoài Thái ! Có lẽ Mai đã hẹn Thái tới đón, nên mới dám liều lĩnh như thế”.

Phúc vừa toan trình bày thắc mắc này với cha mẹ, thì người nhà đưa cô giám thị vào. Sau khi bình tĩnh trở lại, cô thấy cần phải thuật rõ đầy đủ chi tiết cho Luật sư Bình biết về vụ mất tích của Mai. Cô cho hay trong lúc Mai tụt lại phía sau cô có nghe tiếng huýt sáo nổi lên từng chặp. Và cô kết luận: “hình như trong vụ này, có sự âm mưu từ trước” !

Bà luật sư Bình thốt lên:

- Đó ông thấy chưa, con nhỏ chắc bị bọn lưu manh bắt cóc mất rồi !

Nhưng Phúc, mắt sáng hẳn lên, hỏi:

- Cô nghe tiếng sáo liên tiếp, tùng hồi như tiếng chim họa mi hót: “Huýt huy ! Huýt huy ! Huýt huy !” phải thế không cô ?

Cô giám thị gật đầu:

- Dạ, đúng như thế !

Phúc mừng rỡ ra mặt. Anh nhớ lại hôm đưa Mai về thăm nhà, và lên núi tìm Thái, Mai có bày cho anh cách huýt sáo gọi Thái. Đó là cách đánh tiếng, báo hiệu giữa hai người.

Phúc búng ngón tay, tỏ vẻ phấn khởi, nói với cha:

- Ba, con tin chắc nhỏ Mai về ấp rồi. Ba cho phép con lên đó, và nội sáng ngày mai con sẽ đưa nó trở lại lưu xá !

*

Tuy hơi bực mình về hành động trẻ con của Mai, luật sư Bình vẫn giữ được độ lượng của một vị tỉnh trưởng hiểu rõ nhiệm vụ của mình. Lòng thiết tha với mảnh đất quê hương của một đứa trẻ đã làm ông xúc động. Ông thở dài bảo Phúc:

- Con sửa soạn đi. Ba lái xe đưa con tới đầu thôn. Như vậy đỡ cho con một quãng đường dài, và khỏi phải mò mẫm trong đêm tối.

Để trấn tỉnh vợ, ông nói:

- Mình bằng lòng cho thằng Phúc vắng nhà đêm nay chứ ?

Bà luật sư lo lắng hỏi:

- Có gì đáng ngại không ?

- Thì… cũng như con nó đến chơi nhà bạn và ở lại một đêm vậy mà !

Tuy không muốn cho Phúc đi, vì thấy trời chiều đã muộn, nhưng việc Mai mất tích cũng làm bà áy náy. Bà lưỡng lự:

- Nhưng con nó chưa ăn cơm chiều…

Phúc vội nói:

- Má cho con đem theo, tới đó con ăn cũng được.

Nói rồi Phúc chạy xuống bếp, kiếm thức ăn cho vào túi hành trang. Ngoài món ăn tươi, Phúc còn bỏ thêm bánh mì, đồ hộp và ít trái cây. Bà luật sư ngạc nhiên nhìn Phúc:

- Sao con đem đi nhiều thế ? Bộ con ăn hết chừng này sao !

Phúc mỉm cười bí mật:

- Thưa má, có lẽ con còn đãi khách nữa

Luật sư Bình đã đem xe ra cổng, bấm còi giục. Phúc chào mẹ, lên xe ngồi bên cha. Xe chạy ra ngoài thành phố, luật sư Bình băn khoăn bảo:

- Ba để con quyết định thử vụ này, nhưng ba cũng hơi ngại vì chưa biết dự đoán của con có đúng không. Nếu không thấy con nhỏ Mai ở Tân Lập ba phải báo cáo ngay cho cảnh sát biết.

Trầm ngâm giây lát, ông tiếp:

- Con nên hiểu là ba cũng… có phần nào trách nhiệm…

Phúc mạnh dạn đặt tay trên vai cha:

- Xin ba yên trí. Ba cứ tin ở con đi !

Tuy mạnh miệng nói thế, nhưng Phúc cũng băn khoăn tự hỏi: “Không biết Thái sẽ đối xử với mình ra sao đây ? Và họ ở đâu bây giờ?” Phúc phác một chương trình: Anh sẽ tìm Mai ở nhà bà Cửu, mẹ nuôi của Thái trước, rồi nếu không gặp mới lên núi, nơi Thái trú ngụ sau.

Chiếc xe phóng nhanh trên đường đồi. Ánh nắng chiều đã tắt hẳn. Bóng đêm tỏa ra cùng với hơi sương lạnh giá. Tới đầu thôn trên, Phúc xuống xe hỏi thăm nhà bà Cửu. Được biết bà Cửu hiện ngụ tạm ở trại của người em ngay phía trước mặt, Phúc bảo cha:

- Con đi dò thăm tin tức. Ba ráng đợi một chút, chờ biết kết quả.

Luật sư Bình gật đầu:

- Nhanh lên nghe con ! Cho ba còn về kẻo sương lạnh quá !

Phúc vượt qua một thửa vườn rau, tiến thẳng vào sân trại. Thấy bóng một người đàn bà xách chiếc đèn bão từ dưới nhà ngang đi lên, Phúc vội lên tiếng:

- Thưa bác, bác cho cháu hỏi thăm bà Cửu ở Tân Lập có nhà không ?

Người đàn bà giật mình, giơ cao ánh đèn nhìn Phúc:

- Tôi đây ! Cậu gặp tôi có chuyện gì ?

- Thưa, cháu tìm anh Thái…

Bà Cửu dè dặt:

- Thằng Thái hả ? Cậu tìm nó làm gì trong giờ này ? Mà cậu là ai nhỉ ?

Phúc xưng danh:

- Thưa cháu là Phúc, con của Luật sư Bình.

Chiếc đèn trên tay bà Cửu đong đưa như để soi rõ mặt Phúc hơn. Giọng bà bỡ ngỡ:

- Cậu là con trai ông Tỉnh trưởng? A phải, tôi nhận ra cậu rồi. Bữa ấp tôi bị lụt cậu có tới !

Rồi niềm nở bà tiếp:

- Mời cậu vô trong nhà. Cậu tìm cháu Thái có việc gì quan trọng không ?

Phúc vội trấn an:

- Không ạ. Anh Thái có nhà chứ bác ?

Bà Cửu lắc đầu:

- Không, nó ở trên núi với già Sáu. Nhà cửa của tôi bị trận lụt vừa rồi phá hủy, nên bao nhiêu gia súc phải đưa lên trên ấy. Đây là nhà của vợ chồng em gái tôi. Chúng tôi đến ngụ tạm ít lâu. Nhưng mời cậu vào trong nhà, đứng ngoài này nhiễm sương không tốt.

Phúc thoái từ:

- Thôi cám ơn bác. Cháu lên núi tìm anh Thái vậy.

- Hả ! Cậu lên trên ấy giờ này à ?

- Dạ

- Mà cậu biết đường không ?

- Thưa biết. Cháu có lên đấy chơi một lần.

- Nếu cậu đã nhất quyết, tôi cũng không dám cản. Đáng lý nó phải xuống đón cậu mới phải. Chiều nay nó ghé đây mượn xe đạp xuống tỉnh. Chắc nó xuống hẹn với cậu chứ gì ?

Phúc càng tin chắc vào dự đoán của mình, hấp tấp nói:

- Thưa vâng. Anh ấy về lâu mau rồi bác ?

- Tôi không gặp nó nên không biết rõ, song đoán chừng lúc nó về thì trời cũng đã muộn. Nó để trả xe đạp trong hiên nhà ngang rồi đi ngay. Để tôi hỏi tụi nhỏ coi ?

Bà Cửu gọi vào trong nhà:

- Huân ơi ! Ra má hỏi, con.

Nghe gọi, một chú nhỏ và một cô bé tranh nhau chạy ra.

- Con có biết anh Thái về đây lúc nào không Huân ?

Chú nhỏ lắc đầu.

- Còn Thúy, con có gặp anh ấy không ?

Cô bé đáp:

- Con ở trong nhà với anh Huân. Tụi con rang bắp định để phần cho anh Thái một gói, nhưng lần này anh chỉ đảo qua nên khi chúng con ra tìm đưa phần bắp cho anh ấy thì anh đã đi mất rồi.

Huân nhìn Phúc rồi tò mò hỏi mẹ:

- Có chuyện gì thế má ?

Bà Cửu xua hai đứa nhỏ vào trong nhà:

- Trẻ con ! Biết gì mà hỏi ! Thôi, đi vô.

Quay lại Phúc, bà tiếp:

- Chả ai biết nó tới lúc nào, về lúc nào cả, cậu ạ.

Phúc cám ơn và cúi chào từ giã bà Cửu. Anh ra xe thuật lại cho cha hay và kết luận:

- Không còn hồ nghi gì nữa, con tin chắc sẽ tìm thấy nhỏ Mai. Ba về đi và đúng 8 giờ sáng mai ba đến đón con ở đây nhé.

*

Phúc tiến vào Tân Lập, nhưng đi vòng mé ngoài, tìm đến bờ suối. Thôn xóm bỏ hoang im lìm, quạnh quẽ trong cảnh tối nhập nhoạng gây nhiều cảm xúc ghê rợn. Phúc nhổ một cọc rào dùng làm gậy chống, vượt giòng suối sang bên kia bờ. Lên tới triền núi, anh thấy túp lều của ông già Sáu nằm bên kia bờ rừng. Ánh đèn bên trong lọt qua các kẽ hở của vách ván chiếu hắt ra ngoài từng vệt sáng dài vàng vọt.

Phúc thầm nhủ: “Có họ đây rồi !” và anh hăng hái tiến bước. Nhưng khi đến gần tới cửa, tiếng động chân của anh đã làm cho Vằn sủa hộc lên. Cánh cửa vụt mở, con Vằn xông ra, nhe nanh dữ tợn. Phúc vung gậy buộc con vật lui lại và nói lớn khi thấy Thái xuất hiện:

- Gọi chó vào đi ! Bộ anh tính để nó cắn chết tôi sao ?

Nói rồi, Phúc than thầm: “Xui quá ! Mới sơ kiến đã mất cảm tình rồi !”

Thái sập mạnh cửa bước ra lớn tiếng hỏi lại:

- Anh đến đây làm gì ?

- Tìm nhỏ Mai !

Thái giả bộ ngạc nhiên:

- Mai đâu có ở đây ! Nó được gửi trong lưu xá, sao không đến đó mà tìm ?

Rồi Thái cúi nhặt một hòn đá, đe dọa:

- Anh đi đi ! Tôi không muốn anh bước chân vào nhà tôi !

Phúc gọi:

- Mai !

Không có tiếng trả lời. Trong lều im lặng, họa chăng chỉ nghe có tiếng trâu bò quật đuôi đuổi muỗi trong dẫy chuồng phía sau.

Thái vênh mặt:

- Thấy chưa, làm gì có ai ở đây.

Như không để ý đến thái độ khiêu khích của Thái, Phúc điềm nhiên hạ chiếc ba-lô đeo sau lưng xuống, đem máng lên một cành cây gần đó, rồi tiến lại phía Thái, hai tay dang rộng, với giọng nói cởi mở:

- Anh Thái, chúng mình không nên gây gổ với nhau vô ích. Anh cho tôi vào gặp Mai đi.

Cử chỉ điềm đạm của Phúc làm Thái bối rối. Tuy vậy anh vẫn bướng bỉnh quát:

- Không !

Thái bỗng cảm thấy mình trở nên lố bịch vì một tay nắm chặt hòn đá, giơ lên de dọa, tay kia bận túm gáy con Vằn kéo trì nó lại để nó khỏi xông vào cắn Phúc. Anh cáu kỉnh nói:

- Một lần nữa tôi khuyên anh đi đi. Bằng không tôi thả chó !

Phúc cười nhạt:

- Anh đừng dọa tôi chứ. Tôi đâu có ngán !

- À được, rồi anh biết !

Hai người xông vào nhau, người muốn gạt ra tranh lối, kẻ cố án ngữ không cho. Trong lúc giằng co Thái vẫn không dám buông tay giữ con Vằn. Con vật bị xiết đau trên gáy càng lồng lộn dữ tợn hơn. Thừa lúc hai người sáp lại gần nhau nó chồm lên đớp một miếng vào cổ tay Phúc. Vết cắn làm thủng tay áo thấu tới da. Tuy không bị chảy máu, nhưng cũng làm Phúc đau đớn, ôm tay kêu:

- Úi da !

Thái lui lại, ấp úng:

- Tôi… tôi không chủ tâm để nó cắn …

Nghe tiếng Phúc kêu, Mai run rẩy chạy ra dìu Phúc vào trong lều. Ông Sáu đang lui cui dưới chuồng bò cũng vội lên rầy Thái:

- Mày sao kỳ quá ! Giữ con chó cũng không nổi !

Rồi ông nạt con Vằn, dắt nó đem cột dưới chuồng. Phúc mai mỉa bảo Mai:

- Để chó cắn anh rách áo Mai mới ra mặt hén !

Mai càng lúng túng, không biết trả lời ra sao, đành nói:

- Để em săn sóc vết thương cho anh. Anh Thái, lấy cho em chai thuốc dấu đi!

Nhẹ nhàng, Mai cởi chiếc áo len ngoài cho Phúc, sắn tay áo sơ mi của anh lên:

- May quá, chỉ trầy da chút đỉnh. Con chó này lành lắm, nó không phải chó dại đâu anh !

Phúc bật cười:

- Ừ, anh cũng mong nó không phải là chó dại !

Vết trầy trên cổ tay Phúc được bôi thuốc và băng lại bằng chiếc khăn tay sạch, Thái hỏi:

- Anh có đau không ?

Phúc nhún vai, tỏ vẻ không hề gì. Thái tiếp:

- Thứ thuốc dấu này của ông Sáu hay lắm. Vết thương nặng đến mấy, xức vào cũng khỏi.

- Nếu vậy càng tốt. Nghe Mai nói, ông Sáu biết nhiều môn thuốc gia truyền hay lắm nhỉ ?

- Đúng thế !

Thấy câu chuyện có vẻ được tiếp nối thuận tiện, Phúc mỉm cười nhìn Mai:

- Mai thấy anh có giỏi không ? Anh tìm ra được Mai ngay, và lại có dịp tiếp xúc với anh Thái nữa !

Giọng Thái hằn học trở lại:

- Nhưng không mấy thân thiện !

Sợ lại có chuyện bất hòa, Mai vội can:

- Em không bằng lòng hai anh gây sự với nhau nữa đâu nhé.

Phúc dẩu môi:

- Anh có nói nặng gì đâu !

Để tránh lời qua tiếng lại, Mai khôn khéo hỏi lảng:

- Em tưởng anh đang bận học thi chớ ?

- Vì thế nên Mai thừa dịp trốn khỏi lưu xá chứ gì ?

Mai lắc đầu:

- Không phải vậy đâu. Nhưng em muốn rời lưu xá lâu rồi.

- Phải từ hôm nghe ba anh than phiền về dân ấp đó không ? Bữa đó ba anh cáu kỉnh lắm thì phải.

- Anh vẫn còn nhớ kia à ?

Phúc cười:

- Anh còn nhớ, nên anh mới lên đây tìm Mai. Tại sao bỗng nhiên Mai bỏ về đây một cách đột ngột như thế ?

Mai cúi đầu suy nghĩ. Cô bé không thể nào giãi bày hết ý tưởng chất chứa trong đầu óc bé bỏng của mình, nên đành thở dài nói:

- Chỉ còn vài tháng nữa, ngoại Mai đã ra khỏi nhà thương rồi.

Phúc gật đầu, trầm giọng:

- Phải, anh biết. Anh cũng thông cảm nỗi ưu tư của em nữa. Em còn nhỏ mà biết lo vậy là giỏi lắm. Nhưng anh vẫn nghĩ là: việc em lo, quá sức của em…

Mai ngước lên nhìn cả Thái lẫn Phúc:

- Ít ra em cũng phải lo cho bà cháu em. Mình em lo không nổi, nhưng còn hai anh giúp nữa chứ !

Một luồng gió ập vào làm chao ngọn đèn đặt trên bàn. Ông Sáu vừa dưới chuồng gia súc lên, mở cửa bước vào. Ông kéo chiếc ghế đẩu ngồi xuống, phủi hai tay vào nhau và nhìn Phúc:

- Cậu tới đón con Mai hả ?

Nhìn vẻ mặt thản nhiên và đôi mắt thiện cảm của ông Sáu, Phúc cũng đoán được sự tán thành trong câu hỏi của ông ta. Ông tiếp:

- Tôi mới bảo cho con Mai biết là nó chưa thể về đây được. Dưới xóm nhà cửa vẫn còn bỏ trống đã có ai ở đâu! Nếu tôi biết thằng Thái lên đón nó bữa nay, tôi đã ngăn nó rồi. Nên để nó nấn ná trên tỉnh ít lâu nữa.

Quay sang Mai, ông rầy:

- Sao hồi nãy cậu ấy gọi, mày không thưa hở Mai ?

Mai ấp úng:

- Dạ, tại cháu sợ anh ấy không cho ở lại… bắt đi ngay…

Phúc cười:

- Mai có thể ở chơi đây tới… sáng mai cũng được.

- Thật nghe anh ?

- Ừ. Nếu anh Thái bằng lòng cho anh tá túc đêm nay !

Thái lửng lơ:

- Tôi không cấm ai hết !

- Nhưng hồi nãy anh đã không cho tôi vào !

Mai hết nhìn Thái tới Phúc. Cả hai như chưa hề thân thiện được với nhau, nhưng giọng nói của đôi bên đã bớt gây gổ. Cô bé mỉm cười ranh mãnh:

- Em đột ngột bỏ về đây thật có lỗi, làm bận lòng bao nhiêu người. Nhưng cái dại dột của em lại đem đến cái may bất ngờ !

Thấy cả Phúc lẫn Thái đều ngẩn ngơ không hiểu, Mai tiếp:

- Hai anh đã gặp gỡ nhau, nên thông cảm, cởi mở với nhau đi. Ước gì hai anh trở thành bạn thân thì em mừng biết mấy !

Phúc nói:

- Anh muốn lắm, nhưng chẳng biết bồ Thái có bằng lòng không ?

Thái lưỡng lự giây lát rồi cố gắng chìa tay ra:

- Bằng lòng. Chúng mình là bạn !

Phúc hoan hỉ, nắm chặt tay Thái:

- Quên hết mọi xích mích đi nghe bồ !

Thái gật đầu:

- Xin lỗi anh. Trước đây tôi đã hiểu nhầm anh.

Phúc cười xòa:

- Lần trước theo Mai về đây, tôi đã có ý gặp anh mà không được gặp. Lần này bị con chó của anh đớp nhẹ một miếng khá đau !

Thái chớp mắt, lắc mạnh tay Phúc:

- Xin lỗi ! Xin lỗi !

Phúc thân mật vỗ vai bạn:

- Đáng lý mình phải xin lỗi Thái mới phải. Nhưng thôi, mọi hiểu lầm ta nên bỏ qua đi.

Ông Sáu từ nãy vẫn ngồi yên nhìn bọn trẻ, giờ mới ôn tồn bảo Thái:

- Đó mày thấy chưa ! Tại mày hay có mặc cảm nên mới mắc chứng dè dặt và tự ái hão. Như thế là bậy lắm. Phải biết chân thành và cởi mở trong tình huynh đệ mới sống hạnh phúc được. Đôi khi dù có bị người lừa dối cũng chớ vội chán nản.

Thái đứng yên. Trong thâm tâm, anh vẫn mến phục ông Sáu. Lời khuyên bảo của ông bao giờ Thái cũng lắng nghe như những lời gia huấn.

Như để chứng tỏ với ông Sáu, anh đang thực hành lời khuyên bảo của ông, Thái nói:

- Chắc anh Phúc chưa ăn cơm. Để Thái đi dọn rồi mình cùng ăn một thể.

Phúc chợt nhớ đến chiếc ba lô máng ngoài cành cây:

- Tôi có đem theo nhiều thức ăn, còn treo ngoài kia, để tôi ra lấy.

Mai cười ròn:

- Bộ anh Phúc tin chắc sẽ ăn chung bữa cơm chiều nay ở đây hay sao mà đem theo sẵn thức ăn thế ?

Phúc nháy mắt:

- Phải tin tưởng chứ, đó là bí quyết để thành công đó cô ạ.

*

Bữa cơm thật vui. Những thức ăn của Phúc đem theo làm cho mâm cơm gạo lứt tăng phần thịnh soạn. Chưa bao giờ Phúc đã ăn ngon như thế. Gió núi làm anh thấy đói, và vị gạo lứt thật bùi, thật ngọt. Mai và Thái cũng vậy. Mai mãn nguyện vì đã liên kết được hai người con trai, hai tâm hồn hào hiệp, nhưng khác biệt về cá tính. Từ nay cô bé có hai người anh trai, còn gì vui bằng. Thái thì như say men bằng hữu, ngất ngư trong cảm giác kỳ lạ mà anh không phân tích nổi. Anh không thể ngờ một người như Phúc: con của một gia đình quyền quý, học thức, lại muốn kết thân cùng anh, đứa con của viện mồ côi, nghèo hèn với nghề chăn nuôi mướn. Vậy mà sự đó có thực, như miếng thịt gà quay thơm phức anh đang nhai nhuyễn với những hạt cơm gạo đỏ trong miệng. Ông Sáu bảo Thái hay có mặc cảm và nhiều tự ái vặt mà đúng. Thái thấy ân hận đã hiểu nhầm Phúc và thù ghét anh ta. Bây giờ sự chí tình của Phúc làm Thái hởi dạ. Thái vốn vụng về lời nói nên rất ít phát biểu. Anh liếc nhìn ông Sáu khề khà chén rượu thuốc, thứ rượu sủi tăm ngâm với các rễ cây mà ông bảo là rất hiệu nghiệm trừ phong bổ cốt. Ông Sáu không ăn cơm, chỉ nhấp nháp chút đỉnh để vui với bọn trẻ. Ông bảo:

- Ăn đi ! Ăn cho thật no rồi ngủ một giấc cho khỏe !

Sáng hôm sau, ông Sáu còn ngủ, bọn trẻ đã trở dậy. Ba người lẳng lặng ra khỏi lều, xuống núi. Trời chưa sáng rõ vì mặt trời chưa ló dạng và sương núi chưa tan. Nhưng Phúc muốn về sớm. Chiều qua anh đã hẹn cha đến đón vào khoảng tám giờ, sợ ông mất công chờ. Hơn nữa, anh lại nóng lòng về bài vở phải ôn tập. Sau đây, đưa Mai vào lưu xá rồi, anh sẽ lại vùi đầu vào sách vở. Xuống tới triền núi, Phúc ngừng lại bảo Thái:

- Thôi, Thái về đi, tiễn chân bọn này đến đây đủ rồi.

- Để tôi đưa hai người tới bờ suối.

Mai tuy không nói ra, song cũng mong Thái cùng đi tới bờ suối. Mai muốn được nhìn thấy thôn xóm của mình dưới ánh bình minh. Đến bờ suối Mai lặng lẽ đứng nhìn xuống Tân Lập.

Thái cất giọng rầu rầu như muốn phân trần:

- Mấy tháng nay tôi đã cố gắng hết sức thu dọn được tí nào hay tí ấy. Mình tôi vật lộn với gai góc, chuột bọ, bùn rác, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Mai tính, nhà cửa không người ở, mấy nỗi mà thành hoang phế.

Thái bỗng bực tức:

- Thật cũng lạ cho bà con ở đây, sao lại có thể thờ ơ với thôn xóm của mình như thế được !… Còn chính phủ có bổn phận phải giúp dân thì lại chỉ hứa suông !...

Sợ Phúc mếch lòng vì lời chỉ trích của mình, Thái vội nói:

- Ồ, tôi không có ý trách ba anh đâu nhé. Tôi biết ông Tỉnh trưởng hằng lưu tâm đến vụ này lắm, nhưng ông Sáu nói cũng có lý: “chờ được mạ thì má đã sưng!”, hơi sức đâu mà chờ. Mình phải tự lo lấy chứ. Ông Sáu đã già rồi, còn tôi thì...

Giọng Thái trở nên nguội lạnh, thờ ơ:

- Ối, tôi là cái thằng không cha mẹ, không bà con thân thích, không họ tên, không cả quê quán, lưu lạc tới đất này, ăn nhằm gì đâu !

Thái nhăn mép cố nhếch một nụ cười khi cảm biết bàn tay nhỏ bé của Mai nắm lấy tay mình, và bàn tay bằng hữu của Phúc đặt nhẹ trên vai.

Phúc nói:

- Bạn vừa nói bạn không có tên ? Vậy sao bạn lại có tên là Thái ?

Thái ngắt lời, chua xót:

- Thái là tên bà Cửu đặt cho tôi. Chả hiểu tại sao bà gọi tôi bằng cái tên ấy. Có lẽ Thái là thái rau, thái chuối cho heo ăn…

- Không, bạn có cái tên thật đẹp, Thái là thái hòa, thái lạc… chớ đâu phải thái rau, thái chuối ! Bạn không có bà con thân thuộc ? Vậy thì ông Sáu, bà Cửu, Mai và cả tôi đây nữa là gì ? Chẳng phải là những người thương mến bạn sao? Còn quê hương bạn ? Bạn đã lớn lên ở đây, ở thôn Tân Lập này, thì Tân Lập là quê hương của bạn. Tôi hứa với bạn là… chúng mình sẽ làm cho thôn xóm này… hồi sinh trở lại.

- Anh ? Anh nói thật hay đùa…

- Tôi không đùa đâu. Tôi sẽ giúp Thái.

Vừa thoáng bừng hy vọng, Thái đã thở dài:

- Dù chúng mình có hai đứa cũng làm chi được ?

- Dĩ nhiên là hai đứa mình không làm gì được… Nhưng tôi có thể kêu gọi sự giúp đỡ…

- Anh có ý kiến gì chưa ?

- Nhiều lắm. Mà ý kiến nào cũng hay cả.

Thái sôi nổi trở lại:

- Nói nghe coi đi anh ! Tôi nóng biết quá.

Phúc lắc đầu:

- Khoan, Thái chưa hiểu ý tôi nói. Đây là tôi muốn nhờ các bạn của tôi giúp sức với chúng ta. Vì vậy tôi cần gặp họ cái đã. Trước khi nắm được sự ủng hộ của họ, tôi không muốn để Thái tin tưởng vào một hy vọng có thể là hão huyền. Nhưng tôi tin là họ sẽ hưởng ứng. Thái nên yên tâm.

Rồi vỗ vai Thái, Phúc thân mật từ giã:

- Tôi sẽ trở lại một ngày gần đây, có lẽ vào đầu kỳ hè này. Còn Thái, nếu có dịp xuống tỉnh nhớ ghé chơi nghe. Gặp Thái, chắc Mai mừng lắm.

Mai khẩn khoản:

- Nhớ xuống thăm em luôn nghe, anh Thái !

Thái đáp:

- Ừ. Hễ rảnh là anh xuống.

Và Thái đứng tránh sang bên nhường lối cho Mai và Phúc. Anh ngẩn ngơ nhìn họ tiến vào con đường mòn giữa hàng cây rậm ven bờ suối, cho đến khi khuất dạng.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>