Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Nhà Ven Sông


Bà Tiểu đứng chửi đổng hằng giờ trước cửa nhà. Đám trẻ con bu quanh nghe những câu rủa tục tằn, cười cợt cơn giận dữ của bà. Trên vách treo sờ sờ phân nửa tấm lịch bóc viết “Nhà bán” đằng mặt lưng. Tai hại ở mấy chữ chua thêm bên dưới, của tác giả vô danh : “Vì có ma”. Thật tình mà nói không ai ưa bà Tiểu, kể cả chó mèo. Bà đừng hòng truy ra thủ phạm của trò chơi mất dạy, không đứa trẻ tham tiền nào làm điểm chỉ cả. Bà có đủ chuyện để gây gổ với hàng xóm không chừa ai hết. Bà cãi vã luôn với họ hàng để tranh “phần gia tài” là căn nhà khi cụ Lang vừa nằm xuống. Lý do giản dị “hồi xưa chồng bà đã bỏ tiền để làm nhà. Bà cụ Lang không biết bênh ai, bỏ ai. Thôi thì giở tấm bảng Đông Y Sĩ và chia đôi căn nhà. Con gái và rể cụ Lang bán phần mình cho chủ mới. Bà em dâu ở lì lại, xoay xở ngược xuôi. Mất đối tượng tranh giành, đôi khi ẩu đả, khiến tình bà con sứt mẻ, bà Tiểu cũng định dạm bán. Bà nghĩ đến trang trải nợ nần cho những kỳ sửa sang, thay cừ, lên gác lửng. Anh Toán – con trai bà – bất đồng ý kiến với mẹ, anh dẫn vợ ra riêng. Luôn tiện tránh những vụ đụng độ tóe lửa giữa chị dâu và cô em chồng rất ư là quá quắt. Chị Kim tính : bán nhà, chia ra, phần chị sẽ có một ít vốn làm của hồi môn. Bây giờ mẹ con, anh em hục hặc lẫn nhau. Đôi khi chính bà Tiểu là kẻ can gián. Bà mất hết quyền hạn với những cánh chim đã đầy đủ lông cánh, tập bay xa rời tổ ấm. Chị Kim lặng lẽ cuốn gói, ra đi không một tiệc cưới dù rất đơn sơ như anh của chị. Anh Toán vốn giỏi dắn hơn em. Anh làm đủ việc, thợ nề, thợ hồ, thợ mộc v.v… và hiện thời đồ tể, tức thọc huyết heo. Ở xa anh vẫn không quên chu cấp cho mẹ. Anh khuyên mẹ bán thịt. Nhưng bà Tiểu không muốn, viện lẽ mình dễ cộc, đổ quạu khi mặc cả lâu với khách hàng. Tấm bảng “Bán nhà” được thay bằng nửa miếng lịch khác treo lại chỗ cũ. Lối xóm ai cũng mong bà dọn đi phứt. Vì họ ghét cái đầu tóc chít khăn y như ngoài Bắc xưa? Bà ăn mặc luộm thuộm, dơ dáng, đít quần mốc thếch, hai cái ống loe còn hơn quần mấy cô Hippy diện đúng mốt! Bà có tật ngồi lê, thóc mách, nhỏ mọn và nhất là mẹ con bà hay “hạ cầy tơ”. Có lẽ đúng tất cả những điều kể trên. Chó xóm này cũng gầm gừ với bà, mặc dù bà không ăn thịt đồng loại chúng. Bà chỉ làm cái công việc xối nước sôi hay thui rồi cạo lông, mổ ruột, chặt miếng, bày lên mâm bưng bán ngoài chợ. Chó ghét bà Tiểu lắm, con nào hiền nhất vẫn hực sủa khi thấy bóng dáng bà. Mặc dù thỉnh thoảng bà mới phạm tội khiến con vật chết hai lần. Có người không cho bà Tiểu xác con vật trung thành bị tai nạn xe cộ, chẳng thà họ thả trôi sông. Lâu lâu anh Toán ghịt từ đâu về một con chó xơ xác, dáng chừng chó hoang, chó trì lại, cặp mắt nó như đầy lệ van lơn, miệng rít ai oán. Từng con rồi từng con nằm xuống, nhận lãnh số phận không may. Riêng con chó vàng bà Tiểu nuôi, lấm lét, lớn không nổi. Hay là nó lo ngay ngáy cái ngày nó chấm dứt cuộc đời?

Lần này tấm bảng “Bán nhà” được gỡ cất. Gỡ cất vì bà Tiểu cho mướn nhà, cho thuê một phòng thì đúng hơn. Một cô gái nhan sắc trung bình dọn đến, tuổi khoảng hăm mấy, cỡ tuổi các con bà Tiểu. Thật tình chẳng ai buồn đếm xỉa gì đến việc bà Tiểu đi hay ở, miễn bà đừng làm phiền ai. Chuyện nhà tự bà đi khoe. “Cô gái nhận bà làm bà mẹ nuôi”.

Chao ôi! Cô ta mồ côi mẹ. Cô là giáo sư dạy giờ ở các tư thục. Hai buổi cô đi về siêng năng. Cô kiếm cũng bộn tiền. Thảo nào vừa mới trọ đã gửi luôn hai tháng tiền nhà 10.000 đồng. Lại còn nhờ bà nấu cơm tháng ăn cho tiện. Cô gọi “Mẹ” ngọt xớt. Lối xóm bắt đầu bàn tán, xầm xì. Họ không ganh nhưng họ đoán qua những lời bà Tiểu. Không rõ bà Tiểu dặm mắm thêm muối hay bà quê mùa bị lòe? Ai đời nữ giáo sư dạy một giờ lĩnh bạc ngàn, còn hơn là giáo sư Đại học! Giáo sư gì mà lang thang đi ở trọ!

Lại cũng bà Tiểu. Bà chửi cả buổi cái lũ trộm cừ. Bà sốt sắng đi báo động khắp xóm. Bà bày ra một cách chống trộm. Trên bếp ấm nước, trên nhà bình thủy. Nước sôi luôn sẵn sàng để rót qua những kẽ ván hầu luộc mấy thằng trộm. Mấy thằng trộm bất nhân. Chúng đi một lúc 5, 6 đứa. Búa đẽo chan chát. Khi chủ nhà hay được phản đối, bấy giờ chúng mới “xin phép”. Chúng đẵn những cừ mục về làm củi. Đố ai biết chúng có tha cừ nguyên hay không? Người ta bắt đầu rình trộm thì chúng đã dọn dẹp lũ cừ mục xong xuôi. Bà Tiểu tha hồ vênh váo. Nào bà canh chừng dữ lắm trộm mới sợ. Bà ngồi trong hẻm giữa hai căn nhà, ngủ dưới sàn, đuổi ngay đứa nào léo hánh tới đây này. Con chó vàng của bà đắc lực không kém. Còn bà, còn nó đừng hòng trộm lộng hành. Chả là con chó vàng đêm hôm nọ đã phát giác một chú đạo chích trên cạn, núp ở kẹt hẻm sửa soạn trổ tài. Hình như mục tiêu của chú ta là căn nhà làm đồ đồng, cúp, bình bông, chén thánh… ở kế cận, hơn là căn nhà trống lỏng của bà Tiểu. Chú ta bị người ta vây bắt nộp Cảnh Sát cuộc. Kết quả điều tra, rõ ra là một tay ghiền xì-ke, túng làm liều và xui xẻo chưa kịp làm ăn thì bị tóm. Chú ta lòi thêm tội đào ngũ, đành vậy…

Bọn trộm cừ tiếc của, mà là của thiên hạ. Chúng trang bị những cây đòn và sợi lòi tói. Chúng kéo cả lũ vào lúc nước ròng sát đáy. Chúng quấn lòi tói vào gốc cừ chặt sót, xỏ cây đòn quây riết và nhổ bắn lên. Nếu chỉ có thế sẽ không có ai lo lắng. Đằng này chúng rình móc những quần áo phơi hay máng trong nhà tắm. Nhà vắng chúng dám leo lên khuân hết xuống ghe chở đi êm thấm. Người ta đâm ra đề phòng gắt. Giữa trộm và các chủ nhà gờm nhau. Có nhà không nói nữa, bắt chước bà Tiểu thủ sẵn nước sôi. Giữa lúc bà Tiểu sắp sung sướng vì lối xóm công nhận bà đúng bà tài, bà phải ra đi. Một chuyến đi bất đắc dĩ cùng lúc cường độ của bọn trộm cừ gia tăng mạnh mẽ. Cô gái mướn phòng là một tay lường gạt đại tài, với trò bịp xưa như quả đất. Bà mẹ quê mắc lỡm cô con nuôi yêu quý. Bà lôi thêm một số người dại dột. Chính ra người ta tin bà qua sự trung gian giới thiệu. Cô gái quen với khối người có thế lực ở cơ quan này, bộ kia… Hiện cô đang môi giới tìm người vào làm ở một hãng xuất nhập cảng. Cái hãng mang tên lạ hoắc. Nạn nhân đầu tiên là chị bún riêu quen thuộc mỗi ngày. Chị đưa trước hai phần tiền là 12.000, nói nhỏ bà Tiểu dành sự đặc biệt cho chị và cô em. Và đặc biệt nhất phải kể cháu gần, cháu xa của bà Tiểu gồm bốn cô, còn rủ thêm vài cô bạn thất nghiệp. Người quen biết có dăm chị. Trái lại, lối xóm chỉ một bà… Cô gái hẹn mọi người vào một sáng thứ hai. Tối thứ bảy cô đã cuốn gói, còn sạch bách hơn lúc chị Kim trốn mẹ ruột. Bà Tiểu mải xem truyền hình nhà gần đó đến tối mịt về mới hay. Ngày chủ nhật trôi qua trong lo lắng đợi chờ. Rồi sáng thứ hai, việc gì phải xảy ra người ta dư biết. Hăm mấy người tựu đến nhao nhao chất vấn bà Tiểu:

- Bà phải trả tiền lại, lường gạt hả?

- Phải đó “bác, thím…” trả tiền cho tụi cháu. Bác nỡ nào gạt cả bà con.

- Ối giời ơi! Hết cả vốn liếng gánh bún riêu của tôi rồi, thế thì có vỡ nợ mất.

Thái độ bà Tiểu đâm khó hiểu. Thay vì xuống nước năn nỉ, bà lại hùng hổ gây ngược theo thói quen:

- Bà không trả, cứ đi thưa.

- À, con mụ gian hùng, muốn vào tù ngồi.

- Này, đừng tưởng làm dữ mà bà sợ. Bà không lấy của ai đồng nào.

- Nói vậy mà nói được, tụi cháu giao tiền tận tay của mợ. Tụi cháu không biết mặt ông chủ, bà chủ nào khác. Mợ dỗ ngon, dỗ ngọt quá mà…

- Cháu ơi, con quỷ này nó lấy hết, mợ còn bị toi 12.000 đồng với nó, mợ cũng xin cho mợ và con Kim hai chỗ nữa đấy.

Bà không dám khai rõ hơn sợ xấu hổ. Cô con nuôi “thả mồi tép, bắt con tôm”. Cô dẫn bà mẹ quê đi Sài Gòn ăn quà, kem, xi nê đâu được hai lần. Bà mẹ quê khoái tít mắt, vô tình “mang ách giữa đàng vào cổ”. Tình ngay mà lý gian, toàn là bà Tiểu nhận tiền cọc. Cô gái có chia chác với bà hay không, có trời mới biết nổi. Tha hồ cho bà Tiểu thề thốt, mọi người nhất quyết hai điều : Bà không hoàn tiền đủ, họ đi thưa Cảnh Sát. Và Cảnh Sát không mời đã tới. Xe Tuần Cảnh ghé lại đám đông. Bà Tiểu đành khóa trái cửa lên xe. Các nạn nhân lục tục về bót làm chứng và tố cáo.

Mấy ngày qua, bà Tiểu bặt tin. Lối xóm thương tình cho anh Toán, chị Kim hay gấp. Nhưng họ quên con chó vàng. Nó chờ hoài ở trong sân khá lâu, đói rã ruột, nó bỏ đi. Anh Toán về nhà như thăm bẫy. Loáng thoáng thấy anh treo bảng “bán nhà”. Chị Kim bù lu, bù loa đi phân bua cùng hàng xóm. Trừ phi “con quỷ cái” bị bắt, bằng không mẹ con chị phải gánh nợ. “Con quỷ cái” lời chán, tốn có 10.000 đồng tiền thuê phòng. Thu lại 12.000 đồng của bà Tiểu và 6.000 đồng mỗi nạn nhân. Vị chi gần 300.000 đồng. Bà Tiểu còn phải lỗ tiền cơm gần cả tháng; mà bà hưởng được gì? Ngoài hai lần xi-nê rạp Rex. Chưa biết chừng bà còn lãnh án vì tội đồng lõa. Tội nghiệp! Chẳng một ai biết tung tích cô con gái gian hùng, có lẽ cô ta chuẩn bị tung mẻ lưới ở một nơi thuận tiện khác.

Bọn trộm cừ tiếp tục lộng hành. Nước lớn chúng ào qua sông cưa cừ. Lưỡi cưa đưa dưới mặt nước không nghe tiếng động. Ác thay, chúng lựa những cây cừ mới nguyên, rắn chắc. Làm như thể chúng đốn củi trên rừng. Nhà nào hay, chúng lảng qua nhà khác. Chúng nhổ cừ khỏi đà cây công khai. Những mũi đinh long nằm chơ vơ. Có khi nguyên một hàng cừ 4 cây trụi lũi. Nhà này rung rinh, nhà kia nghiêng, xéo. Sinh kế bận rộn không ai phí công đứng đơn, cổ động từng nhà đồng ký tên thưa gửi. Thôi thì rình mà đuổi chúng, hoặc hăm dọa, hoặc chế nước sôi. Có nhà đã chuyền dây điện, nhưng bọn ấy khôn ngoan tránh đụng mấy sợi dây thả lòng thòng dưới nước. Hết phương rồi, họ đành gọi thợ thay cừ, dộng cừ xi măng hữu hiệu nhất, lại xài bền. Phải cái rất tốn kém.

Mà nếu không thay cừ gấp, nhà nhà sập! Mấy ông thợ thầm cám ơn ơn bọn trộm cừ giúp công ăn việc làm. Còn bọn trộm cừ căm mấy ông thợ. Sao lại xui chủ nhà dùng cừ xi măng. Loại này bẩy ra chỉ tổ bể nát. Chỗ nhà nào đang thay cừ, bọn chúng phải tránh, trốn những cặp mắt mấy ông thợ soi mói. Bọn trộm xoay qua nhà vắng làm ăn kỹ. Thuận tiện nhất là bà Tiểu, khỏi đi đêm, vì không người coi sóc, không chó giữ nhà. Và bọn ấy vẫn nhớ mấy ấm nước sôi của bà dạo nào. Chúng chừa lại mấy cây cừ mục rệu, lâu đời, đỡ hờ mấy ván sàn có tuổi, chực chờ nhận nước khi người bước mạnh lên. Thủy triều thay đổi tàn phá dần dà. Nước sắp rủ rê cừ ván trôi theo dòng.

Chị Kim đều đặn thăm nuôi mẹ bị tạm giam ở Trung Tâm Cải Huấn (Thủ Đức). Hình như tòa xử nhẹ nên bà được tha về. A! Ai cũng nhận thấy bà Tiểu béo trắng ra. Màu da trắng xanh của loại người quen ở không và thiếu ánh sáng mặt trời. Bà Tiểu lặng lẽ giấu kín chuyện buồn sống như con ốc thu trong cái vỏ. Cái vỏ hào nhoáng trong phút giây. Đối với bà, ánh mắt của mấy người lối xóm, dù là một đứa trẻ con đều đượm vẻ chế nhạo hoặc thương hại bà. Ôi! Mặc cảm của một người “già mà còn dại”. Riêng chị Kim tiết lộ rằng : Mẹ chị bị kêu án 6 tháng (?), nhưng đã ngồi tù 16 ngày. Thế thôi! Lối xóm không cần tò mò làm gì. Họ chỉ biết khi nhà sụp, bà Tiểu bóp bụng thâu ngắn khúc sau gian bếp, nhà cầu… Bà không tiền sửa chữa. Và anh Toán đổi ý. Ba mẹ con bán đổ bán tháo. Nghe phong thanh giá căn nhà hạ còn một nửa giá ban đầu. Miễn là bà mau xa rời khỏi nơi cũ đã gây cho bà biết bao tai tiếng, phiền não. Dĩ nhiên căn nhà không có ma cỏ phá phách. Chủ mới thích lắm, nhà rẻ mà. Nhưng căn nhà có “quỷ sống”. Một nữ gian hùng. Và bọn trộm cừ bất nhân, hại bà Tiểu hai vố đau, nhớ suốt đời. Phép xã giao, hàng xóm chúc bà đi vui vẻ khi bà từ giã, họ hỏi thăm chỗ ở mới. Lần đầu cũng là lần cuối, bà Tiểu nói điều đáng tin. Bà mua lại một căn nhà nhỏ hơn, và cất trên “đất liền” tận miệt Bà Quẹo. Bà nhắn với gia đình chủ mới và hàng xóm:

- Nếu thấy con chó vàng khôn ngoan của tôi thì xin làm ơn giữ giùm. Tôi hoặc thằng Toán sẽ về bắt.

Hai chuyến xe ba bánh chở gọn tủ, giường, nồi niêu… lỉnh kỉnh. Chỉ lũ chó lạ lùng sủa ra. Chó sủa đưa tiễn hay báo tin mừng với nhau đây?


Phan Khương Thái  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 131, ra ngày 15-10-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>