Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

CHƯƠNG VII_BÊN VỈA HÈ


CHƯƠNG VII


Chiếc ghế bố nhà binh đất cát lem luốc kê một góc quán phở. Nô nằm trên đó mắt nhắm nghiền, trán nó những giọt mồ hôi rỉ ra lấm tấm. Lâu lâu nó ú ớ một vài tiếng gì đó trong miệng không rõ. Rớt ngồi bó gối ở đằng xa nhìn ra đường. Lâu lâu nó đưa mắt liếc chừng xem thằng Nô có khỏe không.
Bốn hôm nay, Nô nằm lì ở nhà không đi bán, đầu cổ nó nóng ran. Tấm khăn ướt Rớt đắp trên đầu Nô, lâu lâu phải ủ nước đá một lần.
Rớt hỏi bác Hai mua thuốc cho thằng Nô uống, bác Hai không biết một tí gì hết, kêu nó đi lại tiệm thuốc bắc ớ đầu đường hỏi lão thầy thuốc Tàu. Rớt mua được gói thuốc bột trắng trắng đem về cho thằng Nô uống. Rớt hy vọng nhờ gói thuốc của lão chệt nầy, thằng Nô mau khỏi. Từ khi Nô uống đến giờ, Rớt canh chừng một bên, mỗi lần thằng Nô trở mình là Rớt thấy vui vui. Ngày mai nó lại khỏi và Rớt yên tâm đi làm, không còn hồi hộp đợi chiều về xem bệnh tình của Nô ra sao nữa.
Hôm nay đầu tháng, Rớt nhớ mình đã làm trên một tháng rồi mà chưa có cắc bạc nào hết. Nghe chị bếp nói chiều nay ông chủ trả tiền công cho những người làm trong nhà. Nếu lãnh tiền xong, Rớt xin nghỉ vài ngày. Thằng Nô sẽ chỉ cho nó làm việc khác. Đó là bán vé số, mà thằng Nô nói là sung sướng không bị một ai xài xể. Rớt chịu không nổi bộ mặt đanh đá của Thúy và chị bếp ham đọc tiểu thuyết đổ hết công việc cho nó. Nếu bán vé số được, nó sẽ ngh luôn không đến làm nữa, xem chị bếp đổ công việc cho ai.
Rớt đứng lên lại chiếc ghế bố thằng Nô nằm, đặt tay lên trán nó. Rớt nghe bàn tay mình không còn nóng nữa. Rớt quay nhìn vào thùng nước lèo.
- Bác Hai ơi ! Lâu lâu bác ghé mắt coi thằng Nô giùm tui nghe bác, tui đến chỗ làm coi có tiền nong gì hôn !
- Ừ đi đâu thì đi, để nó cho tao, hổng chết đâu mà sợ. Mẹ tổ, nó mạnh như trâu cui, ngã ra ít bữa dậy chạy ngay.
Nghe bác Hai nói như thế, nhưng Rớt cũng không an tâm, nó cù cưa :
- Lão chệt ở đầu đường nói coi chừng nó cảm nặng, sang thương hàn thì mệt lắm. Phải cho nó uống thuốc đều đều.
Bác Hai cười lớn :
- Lão chệt bán thuốc ế quá, nên gặp mầy lão tán xạo để kiếm tiền đó. Thuốc của thằng chả toàn cơm nguội trộn với đường không hà. Uống vô thì ăn nhằm gì !
Bác ngẩng lên thằng Nô đang nằm trên ghế bố :
- Nó không cần thuốc cũng lành, mầy lo làm gì cho mệt xác.
Rớt không nói bỏ đi đến nhà ông chủ. Những công việc thường ngày bây giờ Rớt làm rất quen. Chỉ một chốc là Rớt đã dọn dẹp mấy căn phòng sạch bóng. Thấy hãy còn sớm, hai cô con gái của ông chủ đi học chưa về, Rớt qua phòng Thúy dọn dẹp trước để tránh những câu cáu gắt của Thúy những khi thấy Rớt.
Xách cây chổi bước qua phòng Thúy, Rớt thấy chị bếp từ bên trong bước ra vội vã như không muốn ai thấy chị bước vào đây. Trông dáng điệu chị đến tức cười, Rớt dựa lưng ở cửa phòng hỏi :
- Chưa đi chợ hả chị ?
Chị bếp lúng túng :
- Hãy còn sớm chán, định qua đây lấy mấy bộ đồ của cô Thúy đem giặt.
Mọi bữa giờ nầy chị bếp đã đi chợ rồi, đến gần trưa chị mới về đến nhà làm cơm nước. Mỗi lần đi chợ về, chị thường kể cho Rớt nghe những món bán ngoài chợ như bún riêu, bánh canh lòng heo, cháo huyết. Kể đến một món nào, là chị hít hà khen ngon như chính trước mắt chị đang có tô cháo huyết bốc khói nghi ngút. Nội ra chợ, chị cà kê mấy chỗ đó đủ hết giờ rồi, đừng nói chi đến đi chợ. Hôm nay chắc mấy món bún riêu cháo huyết đã làm chị ngán đến tận cổ nên không đi chợ sớm.
Chị bếp đưa mắt nhìn cây chổi Rớt cầm trên tay :
- Sao hôm nay mầy qua đây dọn dẹp sớm vậy ?
- Tui sợ lỡ lát nữa cô ba về thấy mặt tui cổ không ưa. Hôm trước hai chị em cổ gây lộn với nhau, cổ dặn tui mỗi lần thấy mặt thời phải tránh xa, lảng vảng trước mặt, cổ nói ông chủ đuổi tui không cho làm nữa.
- Thôi mầy làm đi, tao còn ra chợ nữa.
Rớt vào phòng, trên bàn của Thúy sách vở bừa bộn, có quyển rơi xuống nền nhà, Rớt để ý mọi lần Thúy đâu có bừa bãi như thế nầy! Sách vở cô ta để có nơi có chỗ đàng hoàng lắm. Chắc có ai phá bừa bãi hoặc lục soạn chưa kịp để lại cho ngay ngắn. Nhưng trong nhà nầy đâu có ai lục phá. Chỉ mỗi nó và chị bếp. Anh tài xế đã đi theo ông chủ từ sớm. Không lý chị bếp khi nãy bước vào đây phá như vậy. Trước sau gì Rớt cũng phải dọn dẹp, nghi ai phá làm gì cho mắc công. Rớt sắp xếp sách theo sách, vở theo vở thật ngay ngắn. Dọn dẹp nội cái phòng của Thúy xong, Rớt thấy phờ cả người. Nhìn một lượt khắp phòng thấy đã vừa ý, nó bước ra cài sơ cánh cửa lại.
Buổi trưa, Thúy, Oanh đi học về. Thúy đứng nhìn căn phòng được dọn dẹp ngay ngắn. Nhìn trên bàn những quyển sách để ngay ngắn nhưng không thứ tự một chút nào hết. Như có ai đã lấy sách mình ra xem, nhưng để vào không đúng chỗ cũ. Chắc con Rớt vào phòng nầy dọn dẹp, con nhỏ ngu đần, nên để tùm lum ra như thế.
Thúy nhớ hôm qua xin chị Oanh năm trăm để chiều nay đi chơi với lũ bạn, vội vàng Thúy nhét trong một quyển sách để ở phía trên hết, bây giờ nó đang nằm ở phía chót, Thúy mở ra tìm lại tờ giấy bạc đã biến đâu mất tiêu. Vẫn còn nghi ngờ mình để quên đâu đó, Thúy mở hết quyển sách nầy đến quyển sách khác, nhưng chỉ hoài công. Bực mình Thúy gay gắt gọi :
- Rớt !
Đang ngồi với chị bếp sau nhà, nghe gọi Rớt chạy lên, vừa đến cửa phòng thấy gương mặt Thúy hầm hầm, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra cho mình, Rớt áy náy :
- Cô gọi em ?
- Chứ gọi ai vô đây hở con mọi !
Thúy không hết bực, nói như hét:
- Hồi sáng mầy dọn dẹp phòng nầy phải hôn ?
- Dạ phải !
Thúy cầm quyển sách đang cầm trên tay quăng trước mặt Rớt:
- Tiền tao để ngăn trong quyển sách nầy mầy có lấy hôn ?
Nghe Thúy nói, Rớt lặng người. Từ sáng đến giờ nó chỉ biết dọn dẹp mà thôi. Không lục phá hay thấy tiền bạc để chỗ nào hết. Khi không Thúy kêu nó lên bảo nó lấy tiền. Oan cho Rớt quá ! Nó thật thà :
- Em không biết một tí gì hết á! Hồi sáng đến giờ, em thấy mấy quyển sách nằm tùm lum ra đó, em chỉ biết xếp lại ngay ngắn mà thôi. Không tin cô thử xét trong người em có tiền hay không ?
Số tiền đã mất, đối với Thúy không đáng là bao. Một chầu kem, hay một chầu ciné với bạn bè là bay vèo. Nhưng Thúy đã sẵn ghét Rớt. Cũng tại nó mà bữa trước chị Oanh tát tai Thúy một cái đau điếng. Sẵn ghét đâm ra ngờ vực. Vả lại thấy bộ điệu con Rớt sợ hãi, Thúy tin ngay những lời ngờ vực của mình là đúng. Thúy nói :
- Chỉ mỗi mình mầy vào đây dọn dẹp thôi, mất tiền ở đây làm sao mầy có thể chối được ! Xét người mầy à ? Bẩn tay thêm chứ được ích gì.
Oanh và chị bếp nghe Thúy la lối trong phòng bước qua. Thấy trong phòng sách vở văng bừa bãi, gương mặt Thúy hầm hầm, còn Rớt đứng chôn chân như sắp khóc. Oanh hỏi :
- Gì vậy Thúy ?
- Con mọi đen nầy nè, nó lấy tiền của tui.
Rớt muốn nói cho Oanh và chị bếp hiểu là nó không biết một tí gì về tiền bạc của Thúy hết , nhưng nó không biết nói làm sao, tức muốn khóc được !
Oanh nhìn Thúy nhỏ nhẹ:
- Chắc em để quên ở đâu đó !
- Tui lục hết nhà rồi, chị không thấy sao mà bảo quên.
Chị bếp thấy Oanh hỏi Thúy như vậy, chị chen vào :
- Hồi sáng giờ chỉ mình nó ở đây chớ có ai đâu.
Chị bếp nói như thế có nghĩa là chị không đặt chân vô đây. Rớt bỗng nhớ thái độ vội vàng lúng túng của chị ban sáng từ trong phòng nầy bước ra. Chị bếp dám lấy tiền lắm! Rớt nghĩ như thế, nhưng không dám nói ra, nó đưa mắt nhìn Oanh :
- Em chỉ dọn dẹp rồi thôi, không thấy tiền bạc gì hết!
Oanh tin là Rớt thật tình, nhưng Oanh không thể nghi cho chị bếp được, vì không biết mất ở đâu, mà nghi cho người ta là phạm một tội lớn. Cô nhìn em an ủi:
- Thôi, không bao nhiêu, em bỏ qua đi, để chị nói ba cho số tiền khác.
- Em không chịu nổi con nhỏ đó ở đây nữa !
Chỉ mỗi mình chị bếp biết rõ Rớt không lấy thôi. Thấy con nhỏ đứng khóc, một thoáng hối hận đến với chị, nhưng chị không biết nói sao cho trơn tru, đành lặng lẽ bỏ đi.
Buổi chiều hôm đó, ông Long trả cho Rớt một số tiền mà nó đã làm hơn một tháng, số tiền không bao nhiêu, nhưng đối với Rớt nó lớn lắm. Vì chưa bao giờ Rớt cầm được một số bạc gần hai ngàn đồng nầy. Rớt buồn bã nghĩ rằng nó không thể còn làm đây được nữa. Trong một ngôi nhà đồ sộ như thế nầy, không bao giờ người ta chịu mướn một đứa ăn cắp như nó.
Rớt bước đi nặng trĩu, trên con đường đá sạn. Những viên sỏi tròn ép vào lòng bàn chân nó nghe đau đau. Gần đến cổng, Rớt nghe tiếng gọi sau lưng:
- Rớt ơi ! Rớt ơi!
Rớt dừng lại. Oanh trong nhà chạy ra. Mái tóc Oanh thả dài bay bay theo gió. Bộ đồ xanh lợt mềm mại hôm nào ngồi cạnh bên Rớt. Khuôn mặt đẹp, hiền như những nàng công chúa trong chuyện cổ tích. Oanh dịu dàng:
- Em không làm đây nữa hở ?
- Ông không bằng lòng những đứa ăn cắp như em làm ở đây.
- Chị tin em không làm như vậy.
Rớt buồn buồn :
- Nhưng em cũng không làm ở đây được nữa !
Oanh không hiểu rồi đây Rớt sẽ làm gì để sống với số tuổi nhỏ nhoi của nó. Như Oanh đã 16 tuổi rồi, bây giờ thử ra đời, va chạm dám chết đói lắm chứ chẳng chơi, Oanh hỏi Rớt:
- Rồi em sẽ làm gì ?
Rớt nhìn hàng bông sứ trồng trước nhà, nói giọng tin tưởng:
- Em còn thằng Nô, nó thương em. Nó nói sẽ chỉ em bán vé số, chắc dư sống!
Oanh theo Rớt một khoảng đường. Oanh thấy buồn bã lạ, nhìn Rớt:
- Nếu như không kiếm được việc gì làm, em cứ đến đây chị sẽ liệu giúp em, nhớ nhé !
Nói xong, Oanh cuộn tròn tờ giấy bạc sẵn trong tay dúi vào túi Rớt. Không hiểu là Oanh cho cái gì, Rớt ầm ừ hứa! Rớt lầm lũi bước đi trong khi Oanh vẫn còn đứng xa nhìn theo.



Khi Rớt về đến quán phở, bác Hai đã bắt đầu bán. Không còn thấy thằng Nô nằm trên chiếc ghế cũ kỹ nữa. Không hiểu thằng nầy đang bịnh lại bỏ đi đâu vậy cà? Hay nó nhờ thuốc cơm nguội giã nhuyễn trộn đường của lão chệt mà đã hết bịnh chăng? Sao không nghỉ cho khỏe mà lại đi bán báo sớm đến như vậy?
Rớt nhìn bác Hai đang xắt mấy miếng thịt đỏ hỏn, nó hỏi:
- Thằng Nô đâu rồi hở bác?
Bỏ mấy miếng thịt bò tái mỏng vào chiếc dĩa cạnh đó, bác Hai ngẩng lên cười méo xệch:
- Nó mượn tiền tao đi bán báo nữa rồi!
Rớt ngóng ra đường:
- Thằng nầy đau mới dậy, sao ham làm quá vậy cà? Sao bác hổng giữ nó lại đừng cho đi? Trời mưa gió như thế nầy, ham đi rồi về nằm ì ra đó cho coi.
- Nó năn nỉ quá, tao chịu đời sao cho thấu mậy! Nó nói mầy có về kiếm gì ăn trước đi, chứ đừng đợi nó đói mốc meo à.
Rớt đứng tần ngần một hồi, nó lấy số tiền cẩn thận để trong túi đưa cho bác Hai. Còn số tiền Oanh cho, Rớt giữ để xài vặt.
- Thằng Nô mượn bác bao nhiêu tui trả hết. Phần còn lại bác giữ giùm tui để bữa nào tui mua vé số bán.
- Cha! Con nhỏ nầy hôm nay le dữ ta. Sao không để lại một ít xài mậy.
- Tui có rồi bác.
Để cho bác Hai bán, Rớt bỏ ra bên ngoài đi dọc theo những con đường tối mờ mờ. Đèn đường đã lên từ lâu. Nhưng con đường có mấy trụ điện hư không ai thèm ngó đến. Chỉ còn một hai bóng vàng mờ không đủ soi hết con đường.
Bóng nhỏ của Rớt nghiêng nghiêng khẳng khiu. Thật lặng lẽ Rớt nghĩ đến con đường dài ngày mai của nó và thằng Nô. Chắc như con đường mờ mờ hôm nay nó đang đi.
Rớt nghĩ thật buồn cười ngày còn ở cô nhi viện. Mấy cô thường kể chuyện cho tụi nó nghe vào những chiều thứ bảy nghỉ học. Những câu chuyện mà Rớt nghe, hầu hết những người hiền lành thường được trời phật độ cho qua khỏi những hiểm nghèo. Có những bà tiên, những thiên thần, ai cũng hiền dịu, ai cũng độ lượng! Ngày trước Rớt nghe và khoái kinh khủng.
Mỗi đêm trước giờ ngủ, Rớt mong trời phật hay một bà tiên nào đó hiện ra với lòng độ lượng giúp nó khỏi khổ! Đến bây giờ Rớt mới hiểu đó là những chuyện kể không có thực. Chung quanh gần như hầu hết đều mang một bộ mặt phù thủy, chỉ muốn giáng xuống cây đũa thần ác nghiệt cho nó và thằng Nô, và những đứa trẻ bất hạnh khác chịu chung.
Còn những bà tiên, những thiên thần chỉ thương những đứa nhỏ con nhà giàu mà thôi. Cũng như ông già Noel đêm giáng sinh, chỉ lựa cái ống khói nhà nào giàu có chui vào đặt quà bánh, đồ chơi trong những đôi giầy nhỏ thêu kim tuyến của bọn nó. Còn những đứa trẻ nằm trên vỉa hè lạnh cóng, những đứa trẻ trong mấy cái chòi lá bên đường hoàn toàn bị bỏ quên.
Rớt không hiểu giờ nầy thằng Nô bán báo ở đâu ? Có một lần theo thằng Nô dọc theo một vài con đường thật đông người, Rớt cố nhớ những con đường đó để tìm thằng Nô hy vọng may ra gặp.
Nãy giờ qua nhiều con đường rồi, mi nghĩ đâu đâu, Rớt không để ý. Dừng lại. Rớt thấy bùng binh chia nhiều ngả. Nó chợt nhớ bữa đầu tiên trốn cô nhi viện ra, nó gặp thằng Nô ở đây. Bùng binh có thằng nhỏ cỡi ngựa phun lửa, cầm cây tre có mấy nhánh lá le que. Rớt không nhịn cười được khi thấy đầu thằng nhỏ có mấy chỏm tóc quéo xuống trán.
Xa xa, con đường rực ánh đèn màu, Rớt ngẫm nghĩ giờ phút nầy thằng Nô đang bán ở hướng đó, nó bước mau.
______________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>