Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Đường Vào Phố Ô Mai

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Theo chân nhau lâu rồi
Dù nắng hay mưa rơi
Đường đi ta chung bước
(Như là chung cuộc đời)

Đôi tay níu đôi tà
Gió vẫn tung thướt tha
Nón che nghiêng nửa mặt
Chút thương yêu la đà

Theo nhau mãi cũng... buồn
Kẻ trước người sau lưng
Đôi khi mắt gặp mắt
Khiến lòng sao bâng khuâng

Đánh bạo nhìn nhau cười
Nụ cười nửa vành môi
Không hỏi mà cùng bảo:
"Con đường mang... tên tôi"

Thế là biết tên nhau
Chưa chi đã tâm đầu
Lo gì không ý hợp
Và lo gì... mai sau.

Phố vẫn bán Ô Mai
Ăn vào, chua, ngọt, cay
Phi KHANH tên đường ấy
Hai đứa nhớ, nhớ hoài.

                  LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 224, ra ngày 1-7-1974)

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Người Học Trò Thông Thái

 

Ngày xưa, có 1 ông giáo già, có 7 người học trò tên là : Đích, Cần, Bửu, Phú, Long, Tân và Bình. Ông dạy họ tất cả những gì mà ông hiểu biết về đọc, viết và toán với tất cả sự tận tâm của ông. Ngoài ra ông còn cố gắng dạy họ về cách xử thế ở đời, lòng can đảm, tánh thật thà cùng trí kiên nhẫn để mong họ sau này sẽ trở thành những thanh niên hoàn toàn.

Tất cả 7 người học trò đều quý mến và kính trọng thầy. Ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm khác, họ luôn luôn cố gắng lúc nào cũng giữ lễ độ và làm vui lòng thầy. Sau cùng, một hôm, khi họ nhận thấy là đã đủ trí khôn để trở thành 7 thanh niên đầy cương nghị, thẳng thắn và dũng cảm, họ kéo nhau đến thưa với ông thầy đáng kính:

- "Thưa thầy, nhờ ơn thầy dạy dỗ từ nhỏ, nay chúng con tự nhận thấy đã khôn lớn để có thể sẵn sàng ra đời mưu sinh được..."

- "Sẵn sàng...!", ông giáo già ngắt lời với cặp mắt ngạc nhiên, rồi nói tiếp "... ra đời để mưu sinh, há?"

- "Thưa vâng, thầy đã dạy chúng con tất cả những điều thầy biết về viết, đọc và toán..." Cần nói.

- "... Và thầy cũng đã dạy chúng con về tánh thật thà, lòng can đảm cùng trí kiên nhẫn nữa." Đích tiếp lời.

- "Do đó, nhờ công ơn thầy nay chúng con đã thành người và sẵn sàng ra đời để tự mưu sinh được." Bình kết luận.

Nghe xong, thầy gật gù trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:

- "Được, chúng ta sẽ bàn lại chuyện này, nhưng trước hết ta phải làm 1 thử thách để xem các con đã thật khôn lờn chưa?"

- "Thử thách...!", Tân buột miệng hỏi lớn: "Thầy định thử thách chúng con bằng cách nào?"

Không trả lời, vị giáo già thọc sâu tay vào trong túi áo và moi ra 7 đồng tiền vàng, vừa dúi vào tay mỗi học trò 1 đồng tiền vừa nói: "Đây cầm lấy... Bình này... Long... Cần... Đích... Phú... Tân..., và Bửu này..."

- "Xin thầy tha lỗi..." Bửu nói: "Bây giờ con đã lớn, con không thể nhận tiền của thầy được."

- "Con cũng vậy..."

- "Con cũng vậy..."

Tất cả các học trò khác đều nói như thế.

- "Các con cứ giữ lấy." thầy nói: "Bây giờ với đồng tiền này các con hãy tỏ ra biết cách tiêu tiền của các con, vậy các con hãy đi mua sắm..."

- "Thật là một thử thách kỳ lạ! Và chúng con sẽ phải mua gì, thưa thầy?" Tân hỏi.

Lẳng lặng không nói 1 câu, ông thầy dắt 7 người học trò qua 1 dãy hành lang dài và chỉ họ 7 căn phòng trống rỗng rồi nói: "Các con sẽ mua bất cứ 1 vật gì có thể làm đầy phòng này theo sự suy xét riêng của các con, nhưng ta chỉ khuyên các con 1 điều: hãy cân nhắc cẩn thận..." rồi ông nhấn mạnh thêm: " ... vì vật các con mua sẽ chứng tỏ giá trị về sự hiểu biết của các con."

- "Vâng, chúng con sẽ cố gắng làm đúng theo ý thầy" 1 người trong bọn đáp. Rồi mỗi người nhận 1 đồng tiền vàng và chia tay nhau để bắt đầu bước vào cuộc đời, mỗi người theo 1 hướng đi cũng như ý định riêng biệt của mình. Họ hẹn sẽ gặp nhau vào sáng sớm ngày hôm sau với vật mua được.

- "Hà..., ta sẽ khám phá ra sự hiểu biết của đám học trò về những điều ta đã dạy chúng" thầy giáo già xoa tay nói khi đám học trò ra về hết.

Ngày hôm sau, 1 ngày đẹp trời, ánh nắng ban mai le lói chiếu qua cửa sổ, ông giáo già bắt đầu đi từng phòng để xem kết quả cuộc thử thách của mình. Trước hết ông đến phòng của Cần: "Nào xem anh đã mua được gì nào?" vừa nói thầy vừa bước vào phòng.

- "Mời thầy coi" Cần hớn hở và kiêu hãnh chỉ cho thầy đống củi khô anh vừa mua được chất ở giữa phòng: "Con đã làm đầy phòng bằng đống củi khô này, nó sẽ giúp con được ấm áp trong suốt mùa đông lạnh giá... thầy nghĩ sao về việc con đã lựa chọn, con có thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!..." ông thầy trả lời: "Anh đã mua khéo đấy, nhưng ta nghĩ rằng anh có thể làm việc khác tốt hơn."

Đến phòng Bưu, ông hỏi: "Anh đã mua được gì?"

Bưu hí hửng đáp: "Thầy trông này..." vừa nói anh vừa mở rộng cửa mời thầy vô.

"Con đã mua 1 con gà mái mập, nó sẽ làm đầy căn phòng bằng những tiếng cục tác của nó, nó sẽ đẻ những trái trứng to và vàng, rồi những trái trứng đó sẽ trở thành 1 đàn gà con xinh xắn và con sẽ đem ra chợ bán được giá. Khi con gà mái đã già, không đẻ trứng được nữa, con sẽ làm thịt và mời tất cả bạn bè thân thích đến ăn. Hơn nữa với bộ lông mềm và mượt của nó, con sẽ làm được 1 cái nệm êm ấm để nằm suốt mùa đông... Vậy thưa thầy, việc con làm có thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Bửu" thầy nói: "Anh đã khéo chọn để mua được 1 con gà mập... nhưng ta nghĩ anh có thể mua 1 vật khác khá hơn."

Rồi thầy quay ra và bước sang phòng Đích: "Còn con, con đã mua được gì?"

- "Thưa thầy..." Đích đáp: "Không có vật gì ở trên đời có giá trị bằng con bò mầu nâu này mà con đã chọn mua được. Với con bò này con sẽ có nhiều sữa để uống, còn thừa con sẽ làm bơ và phô mát để đem ra phố bán. Vậy thưa thầy, việc con đã làm có phải là thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Anh đã mua khéo đấy, nhưng theo ý ta anh có thể dùng đồng tiền vào việc khác hữu ích hơn..." thầy đáp.

Tới phòng của Phú, thầy cũng hỏi như những người kia: "Anh đã lựa gì nào? Cho ta coi."

Phú vội khoe: "Thưa thầy, như thầy đã thấy, với đồng tiền thầy cho con đã mua được 1 con ngựa mầu xám thật khôn, với con ngựa này, con có thể đi du lịch đây đó, để rồi con sẽ viết thành cuốn sách kể lại những điều tai nghe mắt thấy trên dọc đường, và cuốn sách giá trị đó sẽ đem lại cho con nhiều tiền, như vậy có phải là thông thái không thầy?"

- "Dĩ nhiên!..." thầy vừa cười vừa nói: "Anh đã mua được 1 con ngựa đẹp nhưng theo ý ta anh có thể làm 1 việc khá hơn."
 

Trở lui, thầy bước sang phòng của Long, Long đã chực sẵn ở cửa chờ đợi. Trông thấy Long, thầy cất tiếng hỏi: "Nào anh, hãy dẫn ta xem anh đã mua được gì?"
 
Long tiếp lời thầy: " Thưa thầy, theo ý con thì ở trên đời này không có gì khổ hơn là đói, do đó con đã mua thức ăn chất đầy phòng, thầy hãy xem: Này... bánh mì, này phô mát, cải bắp và cả bột mì nữa... vậy thưa thầy con có phải là nhà thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Anh đã biết lo xa, nhưng theo ý ta thì anh có thể mua vật khác hay hơn."

Rồi tới lượt Tân, thầy hỏi: "Còn anh, anh đã sử dụng đúng đồng tiền chưa?"

Tân đáp: "Thưa thầy, con nghĩ rằng con có thể mua được nhiều thứ để làm đầy phòng. Mới đầu con nghĩ đến việc mua 1 con chim sơn ca có thể làm ấm cúng phòng con bằng những tiếng hót thánh thót suốt ngày, rồi con nghĩ tới mua 1 bức rèm bằng vải hoa làm ấm cúng phòng bằng những mầu rực rỡ và đẹp mắt, nhưng sau cùng con nghĩ tốt hơn hết là không mua gì cả, nên con đã quyết định không tiêu đến đồng tiền thầy cho..." rồi anh mở cửa phòng chỉ ông thầy xem căn phòng trống rỗng và nói tiếp: " ... như vậy có phải con đã có quyết định sáng suốt của 1 nhà thông thái không thưa thầy?"

- "Dĩ nhiên!..." ông thầy cười đáp: "Nhưng theo ý ta thì 1 căn phòng trống rỗng cũng không hơn gì 1 cái buồng chất đầy vật vô dụng. Anh đã có 1 quyết định hay, nhưng ta nghĩ anh có thể có 1 quyết định khác sáng suốt hơn."

Rồi tới lượt Bình, người học trò cuối cùng, thầy hỏi: "Anh hãy kể và cho ta xem anh đã mua được gì với đồng tiền của ta cho."

Bình khiêm tốn đáp: "Thưa thầy, tất cả những thứ con đã mua được chỉ là 1 chiếc đèn nhỏ sơ sài này với 1 lít dầu để thắp. Hơn bao giờ hết ánh sáng của ngọn đèn này sẽ chan hòa phòng con, làm ấm cúng căn phòng trong những đêm khuya tĩnh mịch. Với ánh sáng đó con có thể tiếp tục học thêm sau khi ban ngày đã làm xong mọi việc. Để rồi về sau này con có thể dạy lại những người khác tất cả những điều gì con đã biết và đã học như thầy đã dạy chúng con..."

- "Thật là tuyệt..." Tất cả 6 người học trò đứng vây chung quanh đều đồng thanh reo lên khen ngợi.

- "Đúng, thật là tuyệt!" Ông thầy nói: "Con đã làm đầy phòng con bằng 1 vật giá trị nhất. Con thật là đủ trí sáng suốt để có thể ra đời tự lập được... Chúc con thành công... người học trò thông thái của ta..."


VĂN VIỆT                         
(Phỏng dịch theo truyện "The Wise Pupil")  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)


Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tôi Làm "Chim Non"

 

Hồi nhỏ, tôi có được đi hướng đạo, dù chỉ trong một thời gian không dài. Nữ hướng đạo cấp nhỏ nhất gọi là "Chim Non", trong khi đó, út ít bên nam Hướng Đạo gọi là Sói Con. Hình như lên cao nữa thì nữ Hướng Đạo sinh cũng gọi như bên nam, là Thiếu Sinh và Tráng Sinh. 
 
Lúc tôi đi thì tôi đang tuổi làm chim non (8, 9 tuổi), đồng phục là áo đầm màu xanh da trời. Sáng chủ nhựt là chúng tôi đi họp, nhưng không ở vị trí nào cố định. Khi thì chúng tôi họp ở Ty Thanh Niên, ngày xưa trước 1975 ở đường Hiền Vương thì phải.  Hình như bây giờ gọi là đường Võ Thị Sáu.Ty Thanh Niên rộng rãi, vắng vẻ và rất mát mẻ, với nhiều cây cao, những bãi cỏ xanh, và một ao hoa súng, bây giờ gợi tôi nhớ tới bài văn mẫu Hoa Súng thật êm đềm, lãng đãng của Đinh Gia Trinh mà tôi được học năm lớp 7. Lũ Chim Non chúng tôi thường hay ngồi bên bờ ao hoa súng này, vớt lũ nòng nọc con đen thui hay nhảy lên những cánh lá súng nhớt nhờn, để chơi đùa nô giỡn. 
 
Có khi chúng tôi lại họp ở sân trường La San Hiền Vương. Một sáng chủ nhật nọ, khi bầy Chim Non của chúng tôi đang họp trong sân trường La San Hiền Vương này, thì có một Thanh Niên Chí Nguyện người Mỹ đi ngang qua,  ghé vô và nói chuyện với chị bầy trưởng, rằng anh ta muốn vào sinh hoạt chơi chung với bầy chúng tôi. Chị bầy trưởng có nói thêm rằng anh ta nói là biết hết tất cả mọi bài hát hướng đạo, nên anh ta đố chúng tôi làm anh ta chịu thua. Chúng tôi, từng người, sẽ thay phiên nhau bắt một bài ca hướng đạo nào đó, hết bài này tới bài khác để bắt bí anh ta. Nhưng anh ta không chịu đầu hàng! Công nhận anh ta biết nhiều bài hát thật. Bài nào anh ta cũng điềm nhiên là lá la theo, tỉnh như không,  khiến tụi tôi phục lăn. 
 
Thuở nhỏ, ai cũng nói rằng tôi rất nhút nhát và rất hiền, nhưng chắc là đã có tính nghịch ngầm rồi! Tôi đã xúi một Chim Non ngồi bên cạnh bắt bài Con Thỏ Trắng ít ai biết, là một bài dân ca Đức đã chuyển ngữ sang tiếng Việt. Ấy vậy mà người Thanh Niên Chí Nguyện Mỹ kia cũng thuộc làu nó mới tài. 
 
Tới lượt tôi rồi! Tôi vắt óc cào ra được một bài dân ca (?) Ấn Độ! Đó là bài Bành Đum Banh Đá! Đến nước này thì anh ta chỉ còn biết cười trừ, vì bài toàn ...cà ri dê, cà ri nị. Viết tới đây tôi liên tưởng tới những bài hát tôi mới biết tới sau này, như Liên Xô thì ...guốc khua lốp cốp, dép lê lép xép; Lào thì ...cành đào gie ra bờ ao...! 
 
Tôi chỉ sinh hoạt hướng đạo một thời gian rất ngắn rồi nghỉ, vì đến tuổi làm thiếu sinh, tôi sẽ phải gia nhập một bầy khác với một đoàn trưởng khác không quen biết, nên tôi nghĩ chắc tôi nghỉ cũng là đúng lúc. 
 
Bây giờ nhớ lại, tôi thấy hướng đạo là một đoàn thể rất tốt, với những lời hứa rất đẹp của một thời thiếu niên trong trắng. Ví dụ như hướng đạo sinh mỗi ngày phải làm một việc thiện (mỗi ngày phải làm vui lòng một người). Chắc gì tôi đã có thể tuân thủ theo lời hứa đó được, trong cuộc sống bận bịu mưu sinh sau này?
 
Bài hát chính thức của Chim Non: 
 
Hót cao nữa lên cho đậm đà hương khúc ca yêu đời. Chim non chúng ta luôn nghe lời Chim Xám nhắc khuyên. Dù trời nổi gió sống chết theo đàn mà bay với nhau. Cánh lông chắp liền thương mến đùm bọc nhau. Nhớ luôn chúng ta nhanh nhẹn, vui tươi, trắng trong, thật thà. Chim non hãy thương yêu mọi người như thân chúng ta. Nào cùng thề nhé: Chớ ố hoen Luật Chim Non mến yêu. Nhất tâm muôn đời với đất Việt chim ơi.


Trần Thị Phương Lan       
(Bút nhóm Hoa Nắng)      
 

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Nụ Cười Hoa Tím

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bờ hoa tím nở vườn ai vắng
Bắc ngõ leo qua cổng thiên đàng
Vừa xinh màu tím hoa nho nhỏ
Nở suốt bốn mùa trọn yêu thương.
 
Con bé ở trong bỗng mỉm cười
Nụ cười sao quá đỗi tươi vui
Nắng soi qua dãy hoa mầu tím
Vạt nắng như là hoa rất tươi.
 
Em ngắt hoa vàng hoa cúc xinh
Trao cho con bé nối thân tình
Làm quen con chó leng keng nhé
Lá cũng cười chung với chúng mình.
 
Bởi hoa tím buồn rưng rức tím
Con bé trao cho ngày mới quen
Nên một ngày nay hoa quên nở
Cửa hồng không đón nắng vừa lên.
 
Ôi nhớ làm sao mắt tuyệt vời
Nụ cười nghiêng bóng nắng tươi vui
Bởi trồng hoa tím chi trước cửa
Mầu tím nay ôm nỗi ngậm ngùi.
 
Đôi mắt như sao khép rất buồn
Nụ cười thôi! Tắt nắng hoàng hôn
Không bao giờ nữa sao con bé
Được nắm tay nhau lại một lần.
 
Không bao giờ vâng chẳng bao giờ!
Nắng còn soi thắm những chiều mơ
Ai ngồi trong giàn hoa tím ấy 
Vườn cũ chiều hôm bỗng nhạt nhòa...
 
                                        VŨ THỊ CA DAO
                                           (bn Hoa Tiên GL)
 
 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973)

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Đừng Bao Giờ Có Vẻ Mặt Lúc Nào Cũng Khó Đăm Đăm

 

 Các em thân mến,

Chắc các em một đôi khi cũng gặp một hạng người có vẻ mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Họ làm như cõi đời này sắp đến ngày tận thế rồi. Họ tỏ vẻ bi quan, không bao giờ nhích một nụ cười dù đứng trước bạn bè chuyện trò vui vẻ. Họ làm như đang bực mình một việc gì, nên thường hay tỏ ra cáu kỉnh.

Các em đến nhà họ chơi. Gặp các em, họ tỏ vẻ lạnh lùng, làm như các em đến chỉ làm phiền họ. Trong hoàn cảnh đó, chắc các em phải sượng sùng, thấy hình như mình bị khinh miệt, các em tìm cách rút lui và tự nhủ về sau các em không bao giờ dám đến đấy nữa.

Các em có dịp nói chuyện với hạng người có vẻ mặt lúc nào cũng khó đăm đăm này, các em sẽ bực mình không ít. Các em hỏi, thưởng thì họ im lặng, không trả lời những câu hỏi của các em, không bàn cãi với các em. Họ làm như tiếc từ lời nói, nên thỉnh thoảng mới thốt ra một vài lời vắn tắt, nhưng thường là những câu trả lời nhát gừng, làm va chạm lòng tự ái người khác. Họ không để ý lắng nghe người khác nói chuyện, nhiều khi họ ngắt lời người đối thoại làm cho người ta cụt hứng không còn tiếp câu chuyện được nữa.

Các em thân mến,

Các em nên nhớ bất cứ người nào cũng cho là mình quan trọng, có giá trị và ai cũng muốn cho người ta nể nang mình.

Những vẻ mặt khó đăm đăm, lạnh lùng làm tổn thương lòng tự ái của mọi người, làm cho người ta không ưa mình và tìm cách xa lánh mình.
 
Vậy các em muốn được cảm tình của người xung quanh và được sống thoải mái, hạnh phúc, các em tránh đừng bao giờ có vẻ mặt khó đăm đăm và lúc nào các em cũng to ra vui vẻ, niềm nở, dễ thương. 


Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)


Thứ Hai, 24 tháng 7, 2023

Làm Thế Nào Để Có Những Vật Dụng Cấp Cứu Tại Chỗ?

 

Theo bà R. Pitet, Tổng thư ký liên đoàn Quốc gia Cấp cứu, từng lãnh Huy Chương Vàng về bộ môn này, thì việc thành lập và huấn luyện chu đáo những tay bơi có khả năng cứu người gặp nạn ở dưới nước là một điều rất cần thiết. Bà đã cổ võ nhiệt liệt một bài báo của bà Gerard nói về những vật dụng và cách cấp cứu rất thông thường mà dân chúng Pháp đã hân hoan đón nhận và phổ biến sâu rộng. Bà Gerard 26 tuổi, huấn luyện viên bơi lội, đã đào tạo được trên một ngàn chuyên viên cấp cứu.

 
Ý KIẾN BẤT NGỜ

Tin một thanh niên 23 tuổi vừa bị chết chìm tại một hồ bơi ở công viên nọ được loan đi, người ta đã lũ lượt kéo tới xem. Người gác công viên phân trần với đám đông về sự bất lực của anh ta trước tấn thảm kịch vừa mới xẩy ra: "Tôi đã bảo cho ông ấy biết trước là hồ này nguy hiểm lắm, nhiều người đã chết ở đây. Đến khi thấy ông ta lao đầu xuống, tôi không thể làm gì được vì tôi không biết bơi".

Đa số những người hiện diện đều thỏa mãn với lời giải thích trên. Chỉ có một cô bé lên tiếng: "Tại sao ông không đi lấy cái bánh xe sơ-cua trong chiếc xe hơi của ông mà ném cho ông ấy?"

Mọi người chưa hết sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ của cô bé, thì cô ta lại kể một thôi năm, sáu cách khác có thể giúp người gác công viên cứu được người đàn ông xấu số. Nguyên cô bé này đã học qua một lớp bơi lội và biết được một số điều căn bản về việc cấp cứu mà phần đông người lớn đã quên hay không để ý tới. Một số lớn nạn nhân đã phải chết chìm ngay tại những nơi công cộng mà lẽ ra người ta có thể cứu sống họ. Nhiều người đã trông thấy những cảnh hãi hùng của các nạn nhân nhưng họ đã không can thiệp. Họ có thái độ như vậy hoặc vì họ không biết xoay sở ra sao hoặc vì họ sợ nạn nhân trong lúc vùng vẫy chống lại cái chết, có thể lôi tuột họ xuống đáy nước.

Những người này sẽ là những nhà cấp cứu đắc lực nếu họ biết sử dụng những vật quen thuộc họ thường có trong tay. Như người gác công viên này, nếu nhớ ra, ông ta có thể tháo chiếc bánh xe sơ-cua của ông ta và lăn xuống nước cho nạn nhân bám vào. Dù cái niềng sát chưa được tháo ra, bánh xe vẫn có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bạn cũng thừa hiểu một bánh xe có thể đỡ được nhiều người. Nếu các nạn nhân chịu ngoi nguyên cái đầu trên mặt nước thì mỗi bánh xe có thể làm điểm tựa cho sáu tới bẩy người. Như vậy, một bánh xe sẽ là một cái phao cấp cứu thật sự. Khi tắm tại những nơi không được ai trông nom, bạn nên tháo hờ chiếc bánh xe sơ-cua của bạn để chẳng may, nếu có người nào đang bơi mà gặp nạn, bạn chỉ việc nhấc nó ra, lăn xuống nước cho họ là xong. Nếu người gặp nạn ở xa bờ hay đang ở chỗ mặt nước không được phẳng lặng, bạn nên để cái phao ở phía trước, rồi vừa bơi, vừa đẩy tới cho nạn nhân. Như thế rất an toàn, vì bạn có thể bám vào phao bất cứ lúc nào.

Nhiều vật khác cũng có thể trở thành một chiếc phao cấp cứu rất hữu hiệu : một chiếc ghế dài bằng gỗ nếu được đặt nằm ngửa trên mặt nước, sẽ trở thành một chiếc bè nhỏ ; một cái chai rộng dung tích độ năm lít, được nút kín, nếu được thả xuống nước và đẩy cho nạn nhân, cũng tạm thời biến thành một cái phao cho người này bám vào để lấy hơi ; một cái thùng có nắp kín là một chiếc phao rất tốt ; một cái rổ bằng chất xốp như mút và lát-tích dùng trong buổi píc-níc, cũng nổi dễ dàng trên mặt nước. Ấy là chưa kể những vật thường thấy tại bờ một bể bơi hay trên các bãi biển: như các nệm bằng hơi hay cao su, những trái banh, bàn ghế bằng gỗ ; cố nhiên, cả những thắt lưng  cấp cứu, những đồ chơi được thổi phồng và những ruột xe bơm căng nữa.

Nếu rủi ro mà không có sẵn một vật gì, bạn vẫn có thể kịp thời cứu được nạn nhân, bằng cách chìa tay ra cho nạn nhân nắm vào với điều kiện người này mắc nạn ở gần bờ. Nhưng trước khi "rua" với nạn nhân, bạn nhớ nằm bò soài ra ở trên bờ cho chắc ăn, nếu bạn không muốn nạn nhân kéo tuột bạn xuống nước. Một cái chổi có cán dài, một chiếc bơi chèo, một chiếc khăn mặt, một cái sào hay một cái áo gì đó... cũng có thể giúp cho bạn với được xa hơn.

Nếu phải bơi ở dưới nước, bạn nhớ dang chân ra để khi nạn nhân bám vào, bạn sẽ không bị mất thăng bằng. Khi phải bơi để tìm nạn nhân, bạn nên mang theo một cái gậy hay một vật nào đó để khi gặp, nạn nhân sẽ bám vào. Như thế sẽ an toàn cho bạn hơn là để cho nạn nhân níu chặt vào bạn.

Tại hồ bơi riêng, bạn nên chuẩn bị sẵn một vật cấp cứu thông thường, đặt tại chỗ nào dễ tới nhất và chỉ dẫn cho người bơi biết cách sử dụng. Làm như thế, bạn sẽ gây cho những người tới đây tắm một ý niệm sẵn sàng bảo vệ an ninh cho người khác. Bạn cũng nên dựng ở bờ mỗi bể bơi tư một cái cột, trên đó treo sẵn một ruột bánh xe bơm căng, một sợi dây thừng dài độ 12 mét, một đầu buộc sẵn vào chiếc phao, còn đầu kia cột chặt vào một miếng gỗ để khi dùng, thừng sẽ không tuột khỏi người cấp cứu. Ngoài ra bạn cũng nên sắm thêm một cái sào dài từ 3m,50 tới 4m,50, sơn trắng, rồi lấy dây nhựa cuốn kín một đầu để khi cần, sẽ thò sào ra cho nạn nhân bám vào.
 
Nếu có thêm vài thứ sau này nữa thì càng hay: một cái còi để thổi lên lúc nguy cấp, một mặt nạ giúp ta có thể lặn sâu xuống nước để tìm kiếm nạn nhân.
 
Bạn nhớ kỹ một điều là mỗi người trong chúng ta đều có thể là những nhà cấp cứu đắc lực và phao cấp cứu bạn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi.
 
 
VĂN TRUNG      
(Viết theo Gerard)    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973) 
 

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Mimosa Thương Yêu

 

- Em dấu yêu!
Gởi về em cành hoa mimosa đó!...

Em vừa lẩm nhẩm đọc lại câu thơ vừa gật gù thích thú:

- Nghe nó cũng hay hay chứ nhỉ?

Em khẽ bật cười vì cái tật mèo khen mèo "cụt đuôi" của mình. Tay mân mê những cánh hoa vàng nhỏ trông dễ yêu làm sao! Lòng em rộn lên niềm vui của tuổi thơ.

- Úi chao! Răng mờ rát dữ rứa ni?

Em vừa xuýt xoa vừa ve vuốt vết trầy ở cánh tay. Thật khổ thân em, mê hái hoa đến bị sướt cả tay.

- Hoa ni mờ cho Vân, chắc hắn thích dữ, cô nường chả thường năn nỉ xin mình mờ.

Em chợt kêu lên nho nhỏ:

- Vân ơi Vân, ta thương mi như thương giàn Mimosa của ta rứa - thương lắm mới hái chớ bộ.

Bật cười vang vì câu nói của mình, em chân sáo nhẩy vào nhà...

*

... Vân thương yêu! Miên yêu Vân như hoa Mimosa, hay Vân là hoa Mimosa của Miên nhé, chịu hông?

Một ý tưởng nho nhỏ về Vân, khi em thơ thẩn chơi dưới giàn mimosa. Hôm ni, em dậy thật sớm trong không khí lạnh, sương mù của miền cao nguyên chưa tan còn bao phủ cả đồi chè nhà em. Bắc chiếc ghế đẩu dưới giàn hoa em ngồi đón ánh dương ngủ muộn. Trên giàn hoa thương yêu, những cánh hoa vàng nhỏ li ti mới nở trong sương mù, em khẽ mỉm cười nghiêng đầu chào hoa.

- Ôi chao, lạnh dữ đa.

Một cơn gió nhẹ thoảng qua làm em khẽ run lên trong chiếc áo len màu hồng nhạt, điểm hoa thêu màu Mimosa.

Ở cái không khí gai lạnh này, thế mà nó hay hay. Đem đến cho ta cái cảm giác thích thú. Có lẽ vì thế nên sáng nào em cũng ra ngồi hứng sương, đón từng cơn gió lạnh ở ngoài hiên, vẫn bị me la luôn, thế mà cũng không chừa. Hầu như sáng nào trời cũng lạnh, đầy sương mù và ông trời lúc nào cũng dậy muộn ở miền cao nguyên đồi núi này. Em thả bộ đi quanh đồi chè, mặt đất còn ẩm ướt hơi sương, mùi hoa chè nở thơm thoang thoảng làm em thấy dễ chịu, hít mạnh thêm.

Những cành lá xanh non đong đưa trước gió, những giọt sương mai còn vấn vít điểm trên cành lá.

Cái không khí lạnh của ban đầu dần dần bị xua đuổi, nhường cho làn nắng ấm bắt đầu của bình minh. Những tia nắng mai yếu ớt nhưng dịu dàng đầm ấm điểm lên ngọn tre len qua những kẽ lá xanh, phớt nhẹ lên giàn hoa Mimosa. Tia nắng bắt đầu trải rộng nung ấm đồi chè xanh làm cho màn sương mù buổi sớm tan dần theo mây khói.

Cảnh vật như bừng sáng hẳn lên, lòng em cũng rộn ràng như mở hội, chân sáo tung tăng chạy quanh hết đồi chè lại sang vườn sắn.

- Ê! Miên, chi mà vui dữ rứa?

Em giật mình quay lại, nét vui chưa tan biến, bỗng lại càng tươi hẳn thêm, miệng hét toáng lên:

- Ồ, Vân! Chùi ui! Lại đây, quí ghê, sang chơi sớm dữ.

Vân cong môi:

- Làm như người ta không dậy sớm được như ai rứa!

- Có chi mô, Miên có nói chi mô!

Nhìn bộ mặt đang vui bỗng méo xệch khi cải chính của em, Vân bật cười vang làm em cũng cười hòa theo. Nụ cười hồn nhiên và trong như pha lê của chúng em làm cho cả vườn hoa cũng vui đùa cười cợt theo trong làn nắng ấm.

Hai đứa bé ríu rít bên nhau như đôi sơn ca buổi sớm hót chào mừng bình minh.

- Nì! Vân nì! Miên cho Vân cái ni, nhưng Vân phải thưởng Miên cái chi nha.

Vân nắm tay em hỏi dồn:

- Chi? Cái chi? Mô?

Em bỗng muốn làm khó Vân:

- Cho ta cái chi, rồi ta cho lại.

Vân hơi gắt:

- Nhưng cái chi mới được, nói nghe thử!

Em nhấn mạnh từng tiếng cho Vân nghe:

- Mimosa.

Vân chợt tươi ngay nét mặt, bóp mạnh tay em hỏi to:

- A! Mimosa hả, thật hông? Mô?

À! Thì ra cô bé ngạc nhiên, mà ngạc nhiên cũng phải, vì em quí Mimosa lắm, lắm lúc Vân xin một cành em cũng không cho. 

Em vui lây theo cái vui của Vân, gật đầu:

- Ừ! Nhưng phải cho Miên cái chi mới được!

Vân gật đầu lia lịa không suy nghĩ:

- Có, có Vân cho liền, nhưng Mimosa mô?

Em không trả lời dắt tay Vân chạy vào nhà... Vân đón nhận cành Mimosa trên tay em với vẻ mặt thích thú. Vân nâng niu những cánh hoa và hôn lên môi. Em mỉm cười nhìn cô bé và nhắc lại hiệp ước vừa ký kết ban nãy:

- Bi chừ! Cho Miên cái chi mô?

Cô bé vui vẻ gật đầu:

- Ừ, thì Miên muốn chi cũng được.

Nhìn vào khuôn mặt bầu bĩnh, tươi như hoa Mimosa của cô bạn nhỏ có đôi mắt nhật to đen lay láy, có đôi má phính luôn hồng răng mà em muốn hôn lên đó ghê!

- Cho Miên hôn lên má Vân nha!

Vân chợt hét lên, đôi tay quơ loạn, đôi má đỏ vì mắc cỡ:

- Ghê!

- Cái chi mờ ghê! Chịu hông nào? Nói mau đi thôi.

Vân trong bụng còn ấm ức ghê lắm nhưng vì nghĩ đến cành Mimosa trong tay nên ỡm ờ nói vớt:

- Xời ơi! Làm như ta với mi là con trai với con gái vậy? - Nói xong Vân chìa má cho em hôn. Em sung sướng tê người, nhẹ nhàng và thật khéo léo đặt môi lên má phính hồng của Vân hôn một cái thật kêu. Cả hai đứa cùng cười vang lên nắc nẻ.

Tay vuốt nhẹ lên những cánh hoa vàng nho nhỏ trên tay, Vân khẽ hỏi:

- Miên yêu Mimosa hơn hay yêu Vân hơn?

Em nhìn thật sâu vào đôi mắt Vân:

- Yêu đều cả hai. Vân và Mimosa đều là một.

Vân nhíu mày thắc mắc:

- Răng là một?

Em chậm rãi vén những sợi tóc mây lòa xòa trên trán Vân:

- Vì Miên thường ví Vân là hoa Mimosa, nên yêu Vân tức là yêu Mimosa, Vân chịu hông?

Vân hớn hở gật đầu. Thế là hai cô bé cùng cười vang. Tiếng cười của chúng vang lên cao vút trong như pha lê hòa lẫn tiếng chim sơn ca hót véo von bên hàng giậu tạo thành khúc nhạc tươi vui.

Ngoài kia, ánh dương đã lên cao bao phủ cả đồi chè và giàn hoa yêu thương của hai đứa


MÂY VU VƠ      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 182, ra ngày 1-8-1972)

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Tình Cảm Tuổi Mới Lớn

 BUỔI TÁN GẪU VỀ:

Tình cảm tuổi mới lớn
 

Ông trời đang "đẹp trai, con nhà lành", bỗng nhiên "nhõng nhẽo"... khóc bù lu bù loa lên - Mưa! Mặt Hoài Mỹ bèn xị xuống, tả tơi như chiếc mền rách. Quyên Di cuống cà kê, nhảy cà tưng như bị kiến lửa đốt. Cặp kiếng "đít chai" trên khuôn mặt "mùa thu chết" của Thái Bắc như dầy thêm và nặng trĩu như đôi quả tạ của một "lực sĩ đã về chiều". Miệng của thằng Ông Phỗng mở ra như cái ống cống. Con nhà Mộ Dung Phục, bình tĩnh hơn, lấy thuốc lá ra châm, nhưng không hiểu vì vô tình hay cố ý, lại đưa đầu điếu thuốc đang cháy đỏ vào miệng mà hít. Cái "cửa sổ linh hồn" đẹp và to như hai quả xoài tượng của cô bé Hai Thuyền Quyên, trước cảnh mưa rơi, vẫn sáng như cặp mắt của... cụ Nguyễn Khuyến khi cáo quan về hưu!... Riêng Thạch Thủ, vì đạo đức quen rồi, liền anh dũng mặc áo mưa, che dù, phom phom ra giữa sân mà than: "Thượng Đế hỡi! Có thấu cho tụi con nè!...", rồi đe dọa: "Trời mà không tạnh, Thạch Thủ xin thề độc là sẽ hổng thèm... ăn phở nữa đâu".

Thật mầu nhiệm thay, chỉ... hai tiếng đồng hồ sau, có lẽ vì xót thương ban tổ chức đang "thân tàn ma dại" trước một tương lai bi đát và cũng rất có thể vì sợ các hàng phở trên toàn quốc thất nghiệp bởi sự "hờn mát" của Thạch Thủ, nên trời xin... hưu chiến. Lập tức mặt đứa nào đứa đó nở ra như những cánh "hoa phượng rơi đón mùa thu tới"...

Trên đây là quang cảnh màn tạp diễn lúc sơ khởi chiều chủ nhật 01-8-1971 tại hội quán Phấn Thông Vàng, nơi được chọn làm "chiến địa" cho cuộc trà đàm về tình cảm tuổi mới lớn giữa các "cao thủ võ lâm" tóc ngắn, tóc dài của Ngàn Thông.

Vì thời gian là... kẹo chewing gum nên cuộc tán gẫu mãi đến gần 5 giờ mới mở máy thay vì 4 giờ như đã dự định. Cũng "nô xịt-ta". Người nhà mí nhau cả mà!

Thiết tưởng đến đây Thạch Thủ cũng cần vi vút giới thiệu mí độc giả những "nam phụ lão ấu" đã tham dự buổi tán gẫu này: Ngoài ban trị sự và biên tập của Ngàn Thông như Hoài Mỹ, Quyên Di, Thái Bắc, Hoàng Quý, Mộ Dung Phục, Vi Vi, Thằng Ông Phỗng, Gái Thuyền Quyên,  Đại Phá... và cả Thạch Thủ nữa chứ (tí quên!), còn có 4 vị giáo sư thuộc lứa tuổi đứng đắn, nhưng chưa đến nỗi "hoàng hôn trên bãi bể". Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là 56 "thằng cu, cái tý" đang tuổi mới nhớn, hiện "du học" tại các trường lớn ở Đô Thiềng và Gia-định thành như Nguyễn Bá Tòng, Cao Thắng, Trưng Vương, Pétrus Ký, Lê văn Duyệt, Tinh Thần, Lê Bảo Tịnh, Saint Thomas, Hồ Ngọc Cẩn, Quốc Gia Nghĩa Tử... Ngoài ra sự tham dự quí báu của hai chàng sinh viên y-khoa Sàigòn, một sinh viên chính trị kinh doanh và một nữ sinh viên kiêm cô giáo thuộc Viện Đại Học Đàlạt cũng đã đem lại cho buổi họp mặt thêm mầu sắc "trăm hoa đua nở".

Chiếu đôi mắt ốc nhồi để đi một đường quan sát căn phòng, Thạch Thủ nhận thấy dân húi cua chiếm đa số. Vậy thì ai còn dám phát ngôn "trai thiếu gái thừa" nữa nhỉ? Thế là "phái khỏe" dẫn trước 1-0 rồi đí nhá. Phe "nhõng nhẽo" (tiếng của thằng Ông Phỗng thường dùng) ngồi ở hàng ghế đầu, chen vai sát cánh cứ như là mình đang sống trong cảnh "êm đềm trướng rủ màn che". Bọn con trai "cắm dùi" la liệt khắp "bốn vùng chiến thuật", có vẻ "hung hăng con bọ xít" lắm, ra cái điều "có ta đây" nhưng ác thay lại cóc dám dám... lại gần hay gợi chuyện mí các đấng kịp tóc.

Nói qua về cách phục sức của quí vị "trà-đàm-viên", Thạch Thủ để ý các cô chiều nay... diện kỹ quá: Tóc chải cong cong hay vén gọn hoặc thả dài trên vai, quần áo thì... "sạch sẽ, mát mẻ" ghê vậy đó. Đặc biệt có nàng đánh một lớp phấn mỏng trên bộ mặt bảnh gái nữa chứ (chắc lấy trộm của má hay của chị... hoặc dùng lộn phấn viết bảng? Xin lỗi nghe, tại Thạch Thủ dốt về nghệ thuật trang điểm nên đoán mò vậy thôi). Riêng các ngài con giai thì "bất đồng ý kiến", chia làm hai phe: Phe tả thì ăn bận lôi thôi lếch thếch, bụi đời không chê được: Cúc áo có mà không thèm cài để lộ bộ ngực "ô-mê-ga", quần không rách cũng vá hai, ba miếng to tổ chảng, chân đi đôi dép mỏng như dao cạo râu, đầu tóc bù xù ra cái điều ta đây là thi sỡi kiêm triết gia bất cần đời. Còn phe hữu lại very chic: áo quần láng coóng như vừa được xe hủ lô ủi, tóc thoa mỡ bóng nhoáng đến độ ruồi đậu cũng té, dáng điệu trịnh trọng như chú rể trong ngày... anh dũng bước lên xe hoa về nhà vợ!

Thạch Thủ nghĩ vớ va vớ vỉn rằng khỏi cần tìm hiểu tuổi mới nhớn là cái thá gì, cứ nhìn những "hiện tượng" trình diễn trước mắt kia cũng thừa thãi định nghĩa. Ấy nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ Ngài chủ nhiệm mà ra lệnh thì Thạch Thủ phải thi hành đứt đuôi con nòng nọc ra rồi. Vậy thì xin ghi lại đây một cách trung thực những lời phát ngôn có tổ chức của quí vị anh minh trà-đàm-viên về tình cảm tuổi mới nhớn.

Khởi đầu Quyên Di bằng một giọng nhỏ nhẹ (hình như "cầm nhầm" của "con ghế" thì phải?) tuyên bố lý do của buổi tán gẫu. Tiếp đến Hoài Mỹ ra "đặt vấn đề". Anh chàng nầy là lướt tuổi mới lớn bằng hai hình ảnh: "nụ hồng không mãi mãi là một nụ hồng, nhưng đến một sáng nào đó sẽ bật cánh nở thành hoa để đón lấy những cơn gió nhẹ, những ánh nắng vàng. Một con chim không mãi mãi nằm kêu chiêm chiếp trong tổ, nhưng một ngày nào đó, khi đã đủ lông đủ cánh, sẽ cất cánh bay vút lên bầu trời trong xanh... Con người cũng vậy, tới một giai đoạn nào đó cũng sẽ trút bỏ những gì thuộc về ấu thời để vươn lên tới chỗ trưởng thành. Nhưng thật ra ở giai đoạn này, cô đó, cậu đó chưa phải là người lớn mà cũng không còn là trẻ con nữa nữa, nhưng thuộc về một lớp tuổi mà người ta thường gọi là dở dở ương ương. Cũng trong giai đoạn này, tuổi mới lớn có những biến chuyển trong nội tâm cũng như trên thân xác. Trái tim đã biết rung lên những cung điệu đầu tiên do sự hiện diện của kẻ khác phái. Các cô, cậu thích sống trong một thế giới riêng của mình, và khởi sự bận rộn với những suy tư... Đồng thời các bắp thịt trong người như nở lớn hơn khiến các cô, cậu như muốn hành động để "tiêu xài" cái phần sinh lực dồi dào đó..."

Ái chà bữa nay tên Hoài Mỹ ăn nói văn hoa quá cỡ thợ mộc làm Thạch Thủ (và có lẽ cả những người hiện diện) "nghe ngọt thiệt là ngọt vậy đó". Tuy nhiên có một điều làm Thạch Thủ ấm ức, nhưng không dám hỏi sợ bị chê là nham nhở. Đó là đoạn thuyết trình viên lấy giọng nói ồ ồ của các cậu ra làm ví dụ cho sự biến chuyển nơi thân xác của tuổi mới nhớn, Thạch Thủ trộm nghĩ... là không đúng lắm, vì như giọng nói của Quyên Di từ khi cha sinh mẹ đẻ đến chừ vẫn "thủy chung duy nhất" thì phải chăng Quyên Di chưa... lớn vì chưa "bể tiếng"? - Cũng may lúc đó, có lẽ cảm thấy nhột nhạt và sợ độc giả Ngàn Thông hiểu nhầm mình còn bé, Quyên Di đứng phắt dậy, cố nói thật to mà rằng: "Nói chung tuổi mới lớn là ở những tuổi 14, 15, 16, 17, 18. Về thể chất con người phát triển, về tinh thần có những rung cảm mới lạ, đặc biệt để ý đến người khác phái" - Có thế chứ! "Bừng con mắt dậy" Thạch Thủ mới biết Quyên Di... đã nhớn!

Từ khi hội thảo, người ta chỉ thấy các "ông", các "cậu" hùng hục phát biểu ý kiến, còn các cô chỉ ngồi... cười và nhấm nháp nước trà, đậu phọng (sướng chưa?), mặc dầu đã được Hoài Mỹ cho dầu mỡ, Thạch Thủ lại trộm nghĩ các đấng kịp tóc chỉ giỏi... bắt nạt các em ở nhà hoặc cùng lắm có tài dọa già thằng Ông Phỗng chân chỉ hạt bột còn khi hữu sự thì lại thỏ đế không ai bằng (Thế là thua hai bàn trắng rồi nhé, quí nương!).

Sau khi thông qua việc định nghĩa và giới hạn tuổi mới lớn, bà con đồng ý bàn qua vấn đề thứ hai và thứ ba "Những gì hiện nay đang ảnh hưởng, tác động trên tình cảm tuổi mới lớn" và "tuổi trẻ có trách nhiệm về tình cảm của mình không?" - Để khai pháo, một chàng tên Sơn (Chu văn An) kết án phong trào Hippy, đồng thời nhấn mạnh đến ảnh hưởng của gia đình và học đường. Nhưng ý kiến này bị một "cụ" Cao Thắng chê: Nô Hippy! Hippy cũng có những cái hay của nó - Thế là trận chiến bùng nổ chung quanh vấn đề Hippy nếu me-xừ Hoài Mỹ không lái về chủ đề chính. Vui đáo để! Con nhà Mộ Dung Phục ngồi từ nẫy đến giờ nhăn nhó cái bản mặt (không khác gì cái khăn chùi mũi của các cô) vì giơ tay mấy lần mà cứ bị bỏ quên, bèn tự tiện đứng lên rống: "Theo tôi, không có ảnh hưởng nào hết mà do chính mình chịu trách nhiệm". Ý kiến phá thối này liền bị thiên hạ "nghỉ chơi" ngay. Thương Mộ Dung Phục, Thạch Thủ ghé vào tai nó khuyên nhỏ: " có lẽ mày nên về nhà bán cám gà cho vợ thì hay hơn". Nó nhe bộ răng quả chuối ra cười tồ tồ làm hàng râu mép của nó lại càng cụp xuống như ghi đông xe đạp.

Trước khi qua vấn đề 4: Cần phát huy hay chận đứng tình cảm tuổi mới nhớn? Nếu phát huy cần phát huy như thế nào? Nếu chận đứng thì chận đứng những tình cảm nào?, hội trường được mời ca cộng đồng bản Ôi Em Yêu Dấu. Hay! Thật hợp cảnh, hợp tình. Bài này kể lại một anh chàng đang lang thang phất phơ, bỗng gặp một "em yêu dấu". Vì quá mê tít thò lò, chàng liền ngã quay ra đường. Nhưng "em yêu dấu vẫn tỉnh bơ, coi "người ta" như rơm, như rác. Nghe xong, Thạch Thủ thấy "chái lái" vô cùng. Kết luận: Các đấng kịp tóc thật là... ác vậy đó. Ai có giỏi thì đi mà kiện!

Trở lại phần hội thảo, "cụ" Bùi Vĩnh Phúc (Nguyễn Bá Tòng) cho rằng: "Ơ tại sao lại phải ngăn chận những tình cảm tuổi mới lớn nhẩy? Cứ để chúng tự do mọc cho đời lên hương với điều kiện phải bố thí cho chúng một môi trường tốt và giúp "chủ-nhân-ông" trau giồi khả năng". Nhiều người vỗ tay bồm bộp. Nổi hứng, Bùi Vĩnh Phúc tuyên bố một câu đáng đồng tiền bát gạo: "Nếu thích ai thì cứ nói thẳng I love you, không nên giữ làm gì cho mệt vì chỉ trong tình yêu, hai người mới cảm thông nhau được" - Lúc này hội trường vang những tiếng cười, vui như tết. Một đấng tóc dài, mặc áo nâu dài, có cái tên là Hậu (Trưng Vương) lấy hết sức bình sinh đứng lên ỏn ẻn: "Đúng rồi, ta không nên chận đứng những tình cảm mới lớn mà phải hướng dẫn" - Ý kiến này được nhiệt liệt hoan hô, một phần vì hay, phần khác vì các đấng kịp tóc phát biểu cảm tưởng hiếm như lá mùa thu nên dĩ nhiên được những tràng pháo tay ga-lăng. Đến đây hội trường nổ tung vì mẩu đối thoại hấp dẫn giữa Thúy Vũ và họa sĩ Vi Vi:

- Vũ cũng đồng ý nên phát huy những tình cảm tuổi mới lớn... Do đó, tình yêu phải được coi như một cái gì hết sức tự nhiên. Riêng với Vũ, nếu ai yêu Vũ, Vũ yêu lại liền.

Như vớ bở, Vi Vi vội đứng dậy, hỏi lại cho... chắc ăn:

- Ai yêu Vũ, Vũ yêu lại liền, phải không?

- ... Dạ đúng.

- Dù người đó có mù, què, câm, điếc Vũ cũng vẫn yêu?

Ném lao thì phải theo lao, Thúy Vũ đành... gật đầu. Vi Vi cười toét, khoái chí, nhưng có vẻ bí mật, nói lẩm cẩm:

- Được rồi nhé, Thúy Vũ nhớ lấy đấy.

Thật hào hứng. Thật cởi mở. Thật tự nhiên. Thật chân tình. Như hòa đồng với niềm vui của những người mới nhớn, chị sinh viên kiêm cô giáo miền cao nguyên Đàlạt góp ý kiến:

- Mặc dầu chị đã... đứng tuổi, nhưng chưa yêu ai. Tuy nhiên không vì thế chị chủ trương giết chết tình cảm, trái lại thấy cần phát huy chúng theo chiều hướng xây dựng để con người hiểu tận cùng bản chất mình.

Hội trường vỗ tay. Thừa thắng xông lên, chị hát luôn một bài về tình yêu. Lại vỗ tay.

Vấn đề cuối cùng "Bạn mong muốn gì nơi chính quyền, học đường, gia đình, các huynh trưởng trong công việc phát huy tình cảm của tuổi mới lớn?" được các ông con trai tán nhiều và hăng tiết vịt nhất: Nào kết án chính quyền đầu độc tuổi trẻ, nào chê chương trình học chậm tiến, nào trách những người lớn thiếu hiểu biết về tuổi mới nhớn... Bởi vậy bà con đồng thanh quyết nghị: Đã đành tuổi mới nhớn cũng chịu trách nhiệm đối với bản thân của mình, nhưng cũng yêu cầu những người hữu trách hãy tỏ ra chân thật lo cho tuổi trẻ, hãy cảm thông và độ lượng và nhất là hãy tạo nhưng môi trường hoạt động thích hợp cho tuổi mới nhớn...

Sau khi Hoài Mỹ tổng kết các ý kiến và một lần nữa cảm ơn những người thương Ngàn Thông, hội trường đứng lên hát bản Biệt ly. Ôi nghe sao mà não nùng đến thế nhỉ. Chẳng vậy mà khi tiếng hát chấm dứt, nhiều "ông", nhiều "bà" còn đứng nghiêm như những tượng gỗ.

Thạch Thủ cũng bắt chước những tai to mặt lớn của tòa soạn đứng tiễn đưa "quan khách" ra về. Nhìn những tà áo của các đấng "nữ trà-đàm-viên" xa dần, Thạch Thủ cảm thấy... nhơ nhớ thế nào ấy. Thấy lạnh, sờ lên mặt, Thạch Thủ mới biết là mình... vừa khóc, bèn quay lại chỉ tay vào mặt mình mà tự sỉ vả:

- Nhảm chưa! "Già" như... đá thời thượng cổ mà còn bày đặt như mình... mới nhớn!


THẠCH THỦ       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 8, ra ngày 20-8-1971)
 

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Vết Chim

 Trời là một mảng mầu sắc hòa hợp với cỏ non. Hương cỏ non thì thoang thoảng dịu dàng, mà da trời thì xanh lơ, bềnh bồng những bóng mây trắng muốt. Dòng suối soi bóng mặt trời, lấp lánh vàng rực rỡ. Dòng nước chảy êm xuôi. Suối reo. Tiếng róc rách nhịp nhàng. Ấy là phác họa sơ qua cảnh trí trong thung lũng Êm Đềm. Chắc chưa ai nghe đến địa danh nầy? Vậy thì hãy tưởng tượng đi! Và luôn tiện hình dung đến một thoáng sương rừng e ấp như mơ...

Chung quanh là những bờ cỏ mượt mà. Khu vườn nhà em đấy. Ba má vừa dọn về thung lũng Êm Đềm ngày hôm qua. Em sẽ nghỉ mát ở đây suốt mùa Hè. Cảm giác đầu tiên của em là ngợp trong cây lá của núi rừng ở phía trên thung lũng. Đem qua, ngủ giấc đầu tiên trên căn nhà gỗ rất cao, em lắng nghe tiếng suối chảy thánh thót. Ngỡ như những nốt nhạc Má thường dạo trên dương cầm, nghe sao buồn vời vợi! Sáng này, tiếng chim đánh thức em, rộn rã như tiếng suối reo. Em liên tưởng đến những buổi sáng thức giấc đi học, tự dưng đâm nhớ trường, bạn bè và thầy giáo quá. Ba tháng nữa em mới gặp gỡ tất cả. Còn bây giờ... thôi thì... cứ vui chơi cho thỏa thích. Nghỉ hè mà! Em nhủ thầm như thế và tung chăn ngồi dậy.

Nắng đã chiếu qua cửa sổ phòng em rồi. Thế là mất một dịp ngắm ông Mặt Trời tròn vo và đỏ như son chui ra từ khóm lá (em vẫn tưởng như thế, nhưng mãi về sau Ba mới nói cho em biết là ở dưới thung lũng không được ngắm mặt trời len lỏi từ các mỏm núi trong buổi sáng sớm đâu. Tiếc quá, nhưng thôi, em đành chịu vậy). Má khuấy cho em ly sữa. Ăn xong em xin phép Má Ba ra sau nhà chơi, đúng ra là ra sau vườn nhà em, để em đi thăm con suối nhỏ.

Cảnh tượng vừa diễm lệ vừa hùng vĩ hiện trước mặt em. Những thân cây cao vút, to và thẳng, tỏa lá um tùm. Khu vườn rặt màu xanh, xanh biếc. Và ở cuối xa, đàng kia, một dòng nước bạc lấp lánh chảy quanh co. Chao ôi! Có bao giờ em nghĩ ra rằng trong vườn nhà em lại có một con suối được đâu. Thật... cứ y như là lạc vào rừng xanh ấy! (Đây có được gọi là rừng xanh chưa nhỉ?). Em lại tưởng tượng thêm em là cô công chúa của đám thần dân cây lá trong thung lũng này nữa mới oai chứ! Em bước đến gần dòng suối. Suối nhìn em dịu dàng như muốn hỏi:

- Cô bé có muốn tắm suối không? Tôi sẽ làm cô vui thích.

A, cái này thì... em phải về hỏi Má xem có được phép tắm suối không đã. Suối vẫn tươi cười với em (trong mắt suối em thấy hình ảnh em hiện rõ) và mời mọc tiếp:

- Thế... cô bé nhúng chân xuống nước chơi đi. Tôi vẫn thích vuốt ve chân cô bé lắm!
 

Em bằng lòng ngay. Bỏ đôi dép trên bờ cỏ, em nhẹ nhàng bước xuống dòng suối. Nghe như có tiếng Suối cựa mình, em xuýt xoa:

- Ấy chết, thế bé giẫm chân lên mình Suối, Suối có đau lắm không?

Suối khẽ cười, tiếng trong như pha lê vỡ:

- Ồ, không đâu cô bé. Tôi bớt đi một ít nước để nhường chỗ cho cô bé đấy. Không đau lắm đâu.

Tuy thế, em vẫn không lội ra xa hơn. Nước suối trong vắt. Có những viên cuội nhỏ đẹp quá. Em vừa mới nghĩ thế thì Suối đã ngọt ngào:

- Cô bé thích mấy viên cuội lắm phải không? Tôi biếu cô bé đấy.

Em mừng rỡ:

- Vâng, cám ơn Suối lắm. Cho bé xin nhá!

Em cúi xuống nhặt từng viên cuội lên. Những viên cuội trong như ngọc, em mân mê trong tay... Bác Gió đi qua, rủ rê:

- Cô bé ơi! Lên Đồi Mơ chơi đi cô bé! Có mấy chú sóc con đang tắm nắng trên ấy. Tôi lên đùa với chúng đây.

Em thích quá, vội vàng đáp:

- Vâng ạ. Nhưng cháu không biết đường lên Đồi Mơ. Bác chỉ đường cho cháu nhé!

Bác Gió sốt sắng nhận lời:

- Ồ! Dễ lắm cô bé ạ! Này nhá, cô bé hay men theo dòng suối này, đi hoài. Đến một gốc thông mọc cạnh bờ suối thì quẹo tay trái. Đồi Mơ ở đó. Thôi nhớ, tôi đi đây. Chào cô bé nghen! Chào chị Suối!

Nói chưa xong câu, bác Gió cuốn mình một cái vèo bay đi mất. Em giã từ dòng suối và hẹn đến lúc trở về em sẽ ghé thăm. Chị Suối tươi cười:

- Vâng, cô bé cứ đi chơi cho thỏa thích. Bây giờ thì tôi cũng đi có chút việc.

Chị Suối chuyển mình dịu dàng. Tiếng nước chảy nhịp nhàng bên những bước chân em. Nghe theo lời bác Gió, em men theo dòng suối. Vừa đi em vừa nhảy nhót. Thú vị quá! Đồi Mơ! Đồi Mơ! Sao em không biết Đồi Mơ bao giờ nhỉ? Lại còn có những chú Sóc nữa. Ôi, vui quá! Em sẽ làm quen với mấy chú Sóc. Nhưng... em ngần ngại giây lâu: "Không biết mấy chú sóc xinh xinh kia có cho em làm quen không nhỉ? Chao ôi! Nếu không thì buồn lắm đấy. Em sẽ phải lủi thủi về nhà..." Trước mặt em là cây thông sừng sững, cành lá xum xuê. Em quay sang bên trái. Tim em đập thình thịch. Lo quá đi mất! Xa xa... Đồi Mơ hiện ra rực rỡ dưới nắng vàng. Em bước những bước chân hồi hộp nhất. Và kia kìa! Bác Gió bay về phía em, rối rít:

- Nhanh lên cô bé! Chúng tôi chờ cô bé mãi.

Em lặng người sung sướng. Bác Gió dìu em đi, nương theo gió nên em đi nhanh được. Ô kìa, trên thảm cỏ xanh, những chú thỏ con môi hồng đang gặm cà rốt. Và bốn năm chú sóc trắng điểm hung hung đang ăn những bắp su xanh non. Em sợ chúng giật mình nên e dè không bước nữa. Em ngồi bệt xuống, đưa mắt nhìn bao quát ngọn đồi. Đồi Mơ với những thảm cỏ xanh rờn nhấp nhô như sóng cuộn. Rừng cây. Bóng nắng. Và sương mơ. Thảo nào người ta gọi là Đổi Mơ - em nghĩ thầm như thế. Em quay về phía mấy chú Thỏ và Sóc con. Chúng đã ngừng ăn và đang đùa giỡn với nhau. Chắc là... chúng có trông thấy em chứ nhỉ?

- Ồ, nhưng... không sao, cô bé không tỏ ý gì là dọa nạt chúng tôi thì chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận sự có mặt của cô bé vậy.

- A, nếu vậy thì tốt quá. Bé vẫn đang nghĩ cách làm quen với mấy chú bé con đo mà! Nhưng... Thỏ con thì nhát lắm! (tục ngữ đã có câu: "nhát như thỏ" mà lị!), nên bé vẫn ngồi đây chứ không dám đến gần mấy chú đâu.

Những con Thỏ con mắt hồng trông xinh quá, còn mấy chú Sóc thì đầy vẻ tinh anh trên đôi mắt đen hay mầu hạt dẻ (ấy chắc tại Sóc ta ăn nhiều hạt dẻ quá đấy!) Bỗng có tiếng chim hót ở cuối đồi, em lắng nghe. Trong sớm mai yên tĩnh, chỉ có tiếng gió và sự lặng im, tiếng chim lanh lảnh nghe như tiếng ai hò. "Bắt cô trói cột... Bắt cô trói cột". (Ấy, thật ra thì em không biết có phải chim hò đúng như thế không, nhưng... có lần em nghe chú em kể là chú ấy đã nghe chim hò "Bắt cô trói cột" ở đường rừng xuyên qua đèo Bụt khi chú theo đoàn Hướng đạo đi cắm trại. Bây giờ em đang ở trong thung lũng. Tự dưng khi nghe chim hót em cũng... cứ tưởng rằng em đang nghe tiếng chim rừng như chú em vậy)... Em giật mình nhìn quanh quất. Không một bóng ai. Chỉ có tiếng Gió cười như nắc nẻ. Em nhỏm dậy đi về phía cuối Đồi Mơ. Em cũng không quên vẫy tay chào những con Sóc nhỏ và mấy con Thỏ con đang ngơ ngác nhìn theo.

Cuối đồi cảnh vật bỗng nhỏ hẳn lại. Hình như đây là thế giới của một loài be bé. Những gốc cây, những chiếc lá, và ngay cả bờ cỏ em đang bước cũng hầu như nhỏ bé hẳn. Cỏ xanh mượt mà hơn, bước chân em cảm thấy êm ái hơn. Ngay cả sương mơ cuối đồi cũng mỏng manh hơn. Một dòng suối con - chỉ bằng một nửa dòng suối sau nhà em thôi hà - uốn mình chảy quanh co. Nước trong xanh leo lẻo. Gần đấy một tấm bảng mầu trắng kẻ chữ xanh, em đọc thấy dòng chữ: "CON SUỐI HỒN NHIÊN". Chao ôi, tên suối đẹp quá! Em mỉm cười làm quen với dòng nước xanh đó:

- "Này Suối ơi! Tên đằng ấy dễ thương ghê! Cho Bé làm quen với đi!"

- Ừ ừ! Đến đây chơi với tôi đi! Cô bé từ đâu đến đây thế nhỉ?

- Bé ở trong ngôi nhà Sung Sướng, dưới chân Đồi Mơ ấy. Suối Hồn Nhiên có quen với dòng suối cạnh gốc thông già không nhỉ?

Suối Hồn Nhiên reo lên:

- Ồ, có chứ! Chị Nhân Hòa của tôi đấy. Đằng ấy quen với chị tôi à?

Em gật đầu rồi móc túi lấy mấy viên cuội ra khoe:

- Chị Nhân Hòa tặng Bé đấy! Thế Suối Hồn Nhiên có quà gì cho Bé không?
 
- Ồ, có chứ! Có chứ!

Vừa nói con Suối vừa đẩy đưa những khóm rong hồng đến gần chân em, và bảo:

- Tặng Đằng ấy đấy! Rong này trôi từ thác Mây Ngàn trên tận dãy núi Thương Yêu mà về đây đấy! Đằng ấy nếm thử xem! Ngọt như đông sương cơ!

Em e dè nhấm nháp một tí. Quả thật Rong Hồng ngọt lịm như lời Suối Hồn Nhiên bảo. Nhưng... bỗng nhiên em buồn ngủ quá. Lạ thật, mắt em cứ ríu lại. Em ngồi xuống cỏ, rồi em ngã mình trên cỏ, đầu em gối lên cánh tay... Văng vẳng em nghe con suối hát, tiếng róc rách dịu dàng như tiếng nhạc mơ hồ đâu đây...

*
Suốt buổi sáng, Má loay hoay dọn dẹp, không để ý Bé đi đâu. Mãi đến lúc dọn cơm trưa, Má mới chợt nhớ tới Bé và ra vườn sau tìm con gái. Má gọi "Bé ơi" mấy lần mà không nghe Bé đáp. "Chắc con bé ra suối rồi", nghĩ thế Má bèn đi thẳng đến cuối vườn. Nhưng bờ suối vẫn vắng bóng con gái Má. "Thôi... thế con bé lên đồi Mơ rồi", và Má lẩm bẩm "Đi xa thế này nắng chết, lại không đội mũ nữa chứ! Con bé tệ thì thôi..." Má quay vào nhà lấy cái mũ cho bé, rồi bước dọc theo bờ suối.

*

Ở cuối bãi cỏ xanh non kia, Gió vừa đánh thức Bé dậy. Mở mắt nhìn chung quanh, em ngơ ngác: "Lạ nhỉ? Sao em lại nằm đây? A... phải rồi, em đang nói chuyện với dòng suối Hồn Nhiên mà! Tự dưng em buồn ngủ khi ăn mấy cọng Rong Hồng này!". Ánh nắng xuyên qua lá cây, chiếu trên mình em hâm hấp nóng: "Bây giờ chắc đã trưa lắm rồi. Thôi em trở về, không Mẹ mắng"... Tay em ôm mớ Rong Hồng. Em nheo mắt nhìn dòng suối:

- Bé về nhá! Dòng suối Hồn Nhiên! Chiều Bé lại ra đây chơi với suối.

- Vâng, nhưng cô bé cho tôi vuốt ve chân cô đã nào!

Em chìu ý con suối nhỏ, bước chân xuống dòng suối mát lạnh. Nước khe khẽ vỗ vào chân em, tung tóe những bọt bóng trắng xóa.

- Thôi, đằng ấy về đi nhá! - Con Suối nói, giọng cảm động - Nhớ đến thăm tôi nhé!

Em gật gật đầu, đưa tay vẫy tạm biệt con suối nhỏ, nhẩy chân sáo về nhà. Đồi Mơ vào trưa đã trở nên vàng mơ, không còn xanh mầu sương mơ buổi sáng. Mấy chú Thỏ và Sóc con biến đâu mất dạng. Em chợt thấy Má từ đàng xa. Má đang cầm cái mũ của em trong tay. Em chạy vội lại, ôm chầm lấy Má, dụi đầu vào người Má:

- Má ơi, Má! Con chơi ở đây vui quá hà!

Má cúi xuống hôn nhẹ lên tóc em, Má vuốt tóc em. Nhẹ nhàng đội mũ cho em, Má mắng yêu:

- Chó con! Đi chơi xa làm Má đi tìm nãy giờ. Sao con biết Đồi Mơ mà lên đây thế? À này, Bé lại lội suối rồi phải không?

Em nũng nịu, tay ôm ngang lưng Má, em nhẩy chân sáo liến thoắng kể:

- Má ơi! Má! Bác Gió chỉ đường cho con đến đây thăm đồi Mơ đấy Má ạ! Có cả Thỏ con và Sóc con nữa Má à! Chúng xinh lắm cơ! Con không có lội suối đâu. Suối đòi vuốt ve chân con đấy chứ! Má ơi! Má biết dòng suối ở cuối đồi Mơ này có tên là gì không hả Má? Suối tên là Hồn Nhiên đấy Má! Suối cho con Rong Hồng này Má! Rong Hồng ăn ngọt lắm cơ, Má ạ!...

Em còn định kể nữa, thì Má đã bế bổng em lên:

- Gớm thôi, con gái Má tưởng tượng vừa vừa ấy chứ! Cứ như là truyện cổ tích ấy thôi. Này Bé con, về ăn cơm rồi chiều lại ra rừng chơi.

Em lắc lắc cái đầu - bực ghê, Má không chịu tin em nói thật mới lạ chứ! -

- Không, con nói thật mà! Rong Hồng đây này Má! - Vừa nói em vừa đưa cụm Rong Hồng ra cho Má xem.

- Ừ, Má biết rồi. Bé lội suối vớt đấy chứ gì?

- Không có đâu Má! Con đâu có lội suối. Suối Hồn Nhiên cho con đấy mà! - Rồi ngoái cổ lại đằng sau, em hét to - Có phải không đằng ấy?

Nhưng con suối nhỏ đã xa rồi. Em chỉ còn nhìn thấy một vệt trắng bạc lấp lánh trong đám lá cây thôi. Má cười, bẹo má em:

- Gớm thôi, dòng suối nó nói chuyện với con nãy giờ sao?

- Vâng ạ! Con kể Má nghe nhé! Còn nhiều chuyện hay lắm cơ!

- Ừ, để về nhà kể nốt cho Ba nghe với. Lần sau đi chơi xa Bé nhớ đội mũ nhá! Nắng to như thế này váng đầu đấy con ạ!

- Vâng, thưa Má con nhớ ạ!

Má ẵm em bước nhanh nhanh. Có tiếng gió đâu đây thổi khe khẽ dịu dàng. Em thì thầm trên vai Má:

- Bác Gió ơi! Chiều nay bác lại ghé đồi Mơ nữa nhá!

- Chó con! Lẩm nhẩm cái gì thế hở "cô"?

Em chui đầu vào vai Má:

- Con vừa nói chuyện với bác Gió đấy Má! Con rủ bác ấy chiều nay lên đồi Mơ với con.

Chắc Má ngạc nhiên lắm. Hoặc Má sẽ cho con gái Má nói đùa. Nhưng không, em nói thật đấy mà! Hay là... thôi, để trưa về em hẵng kể cho mỗi mình Ba nghe thôi. Chắc là Ba cũng sẽ tin con gái Ba nói thật chứ nhỉ? Rồi khi hết hè, em lại trở về trường, em sẽ kể cho tụi bạn em nghe. Chắc chắn chúng sẽ tin em nữa. Mà em kể chuyện thật thì tại sao lại không tin em nhỉ? Vừa nghĩ ngợi vẩn vơ, em vừa mân mê mấy viên cuội trong túi áo. Nắng ở trên cao tỏa xuống rất dịu dàng...


Tháng 4, 1970             
HUỲNH DIỆU HƯƠNG    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 129, ra ngày 15-5-1970)

Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Hạnh Phúc

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hạnh phúc như mù sương
Sẽ tan theo nắng vỡ
Anh còn lại chút hương
Dành một đời em thở

Trái hạnh phúc ngọt ngào
Đừng để chua em nhé!
Mắt em hai vì sao
Dưới trần gian vừa hé

Hạnh phúc như hoa hồng
Hãy nâng niu cho khéo
Thiếu cơn gió mùa đông
Những nụ hoa sẽ héo

                    NGUYỄN VĂN NGỌC SINH
 
 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 204, ra ngày 1-7-1973)
 

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

Một Vòng Kiểm Thảo Về Cà Rem

Cà rem là ký gì thì khỏi cần diễn tả tất cả các búp bê lớn nhỏ đều biết cả, chỉ duy có cái danh xưng của nó thì phải làm một cuộc giải thích cho có lễ nghĩa.

Cà rem có nơi còn gọi là cà lem hay vắn tắt là kem đều do chữ Crème mà ra. Người Mỹ thì nhiêu khê dài dòng văn tự hơn gọi là Ice creame, chắc Ấn Độ hay Tây Tạng thì còn dài nữa!

Theo nguyên thủy - hay nói theo các đấng tận tình với tổ tiên dân tộc hơn thì gọi là "Một sự trở về nguồn - cà rem là một loại thực phẩm dùng lạnh trong các cuộc đi chơi xa của kỳ nghỉ hè. Hoặc nói khác đi thì nó là loại thực phẩm trộn với nước đá lạnh quay cho thật nhuyễn bỏ vào một cái hộp kín giữ cho nó thật lạnh có thế thôi. Thật ra thì cái sự trở về nguồn này xét ra cũng không mấy quan trọng mà Cà rem đã phục vụ và tiến triển thế nào mới đáng kể.

Ngày xưa ăn kem khó lắm, trần ai không thể tưởng được. Thiên hạ có thèm lắm thì cũng phải đợi đến kỳ nghỉ hè vì các mùa khác chẳng có ai làm, mà có ăn các thời gian khác ngoài kỳ hè ra thì bị coi như lạc hậu, trái mùa. Mua được kem ăn cũng phải toát mồ hôi hột. Vì tư gia mấy ai có phương tiện để làm, nên khách hàng phải xếp hàng chờ đến tên mới vào lấy kem, cứ như phát chẩn cũng không bằng. Khi có kem trong tay rồi mừng muốn chết nhưng cũng phải hộc tốc chạy về nhà nếu không nó chảy ra nước thì công cốc. Vào thời kỳ ấy không ai ăn kem ở ngoài phố hay trong tiệm, mọi người đều mang về. Thời kỳ kem mới được phát minh nó hiếm lắm, kiếm đỏ mắt cũng chưa tìm ra được một tiệm. Trái hẳn với ngày nay tứ thời bát tiết lúc nào cũng có kem. Những ngày rét như cắt ruột cũng có kem. Nền cà rem được phát triển và tung ra thị trường búp bê vào cuối thế chiến thứ hai, nhờ mấy ông kỹ nghệ chế ra được cái bình thủy giữ được độ lạnh nên kem hiện diện khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến mọi nơi trong thành phố. Một sự thay đổi quan trọng vĩ đại và rùng rợn nữa là các ông nhà buôn đã chế ra kem đủ loại. Cho vào hộp, vào bánh, cắt thành thỏi lại còn bêu trên que nữa.

Cái mốt bêu kem trên que là sáng kiến của lão chủ tiệm kem Good Humor ở Ohio chế ra vào khoảng năm 1940. Chỉ có cái que cắm vào cục cà rem mà lão chủ tiệm Good Humor ngậu sị bọ lên, đem cầu chứng tại tò để xin bằng phát minh giữ bản quyền cấm không ai được "giả mạo trích dịch". Nhưng than ơi, công cốc chỉ vài tháng sau chỗ nào có cà rem là có cây que. Một sự hỉ nộ ái ố nữa xẩy ra là tất cả các bài hát, hình vẽ quảng cáo cho cục cà rem và cây que đã trở thánh cái mốc cho thiên hạ đàm tiếu. Thậm chí đến mẫu phim thực hiện tại Hồ Ly Vọng cứ đinh ninh tung ra là thiên hạ phải lác mắt về cái que và cục cà rem ai ngờ lại thành cái trống bởi nó vật vào mình. Cũng được cái an ủi là thiên hạ chiếu cố đến kem của lão Humor khá kỹ. Nguyên năm 1952 tiệm này đã bán ra được hơn 1 tỉ cà rem cây.

Kể ra thì thiên hạ cũng khó tính thật, ước ao có cà rem bốn mùa xuân, hạ, thu, đông khi được cung ứng đầy đủ thì lại chê lên chê xuống thiếu mùi thiếu vị. Báo hại mấy ông chủ cà rem bấn lên không biết làm thế nào cho vừa lòng khách hàng. Mới đầu thì chỉ có cà rem sữa pha một chút vani cho có hương vị, nay thì cái mùi vị đến kỳ lạm phát, tính ra đã có tới 240 vị cả thảy. Thật là kinh khủng! Một cây cà rem bây giờ không những phải nặng phần trình diễn téc-ních co lo mà còn phải chứa đựng tối thiểu 3 vị mới hài lòng quí vị khách hàng. Tuy nhiên nếu làm một cuộc thống kê thì kem sữa vani vẫn được chiếu cố tận tình khắp nơi trên thế giới. Lý do dễ hiểu là nó vừa ngon, vừa rẻ, lành mạnh nhất là nó chứa ít nhiệt lượng. Một cuộc thí nghiệm nghiêm chỉnh cho thấy: Cà rem sữa vani chỉ chứa có 135 calori còn kem vani thì lên đến 176. Dân Pháp có tiếng là ăn nòi, thích xài kem sữa lòng đỏ trứng gà nên chứa những 250 calori. Cũng vì cái mùi vị của kem mà nhiều vị sản xuất đã hốc hác vì phải vùi đầu vào tìm kiếm những hương vị, mới mong chiếm được ưu thế trên thị trường. Tội nghiệp một lô hoa quả đã ngẫu nhiên bị lôi vào vòng lẩm cẩm của cà rem không chút thương xót.

Trên thị trường Việt Nam bi giờ mạnh nhất là cà rem sầu riêng, kế đến là dừa, cam và đậu xanh.

Nhiều xứ thích những mùi vị riêng biệt, thiếu thì coi như bất thành cà rem. Dân Tân Tây Lan thì chỉ thích cà rem cam. Cà rem cà phê thì được dân Orlean coi như món ruột trong tất cả các bữa tiệc tùng. Riêng dân Cờ Hoa thì mùi gì cũng được miễn là kem. Mấy ông Huê Kỳ chiếu cố cà rem hơi kỹ. Trung bình mỗi vị xực tới gần 2 ký trong 1 tuần lễ.

Để đáp ứng nhu cầu này máy bán cà rem tự động bầy la liệt trên các ngả đường, chỉ việc bỏ vào một đồng là cà rem tự động nhẩy vọt ra. Sướng thật! Không biết đến bao giờ xứ mình mới có để thiếu nhi khỏi vất vả vì cà rem.


HUY YÊN          
Theo Don Wharlon     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 98, ra ngày 15-7-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>