Tíu ngồi đếm từng hạt mưa xỉa trũng mặt đất quánh bùn. Nhìn ra con đường nhỏ hẹp ướt át quấn lấy thôn trang ; không một ai đi trên đó nên vắng vẻ làm sao. Khung trời nặng nề chất từng tảng mây xám chì như muốn đổ ập xuống ngàn cây sũng nước.
Bên cạnh Tíu, chiếc nón lá ngâm mầu vàng nước mưa nằm lăn lóc trong góc chòi, còn cây roi con, đối với Tíu, là "vật bất ly thân" luôn luôn được nó thận trọng kẹp kín dưới hai ống chân đứng.
Tíu muốn lục lọi ký ức, tìm cho ra một câu chuyện cũ mà nó đã nghe, một câu chuyện cổ tích, hay một câu chuyện hài hước càng tốt. Vì nó muốn xua tan nỗi buồn tẻ ám chặt của cơn mưa. Thỉnh thoảng, nó nhìn ra ngoài trời, chép môi: mưa ghê! Làm sao kịp về ăn bữa tối.
Sau tiếng thở dài, Tíu nhớ đến bác Hiên, một nhân vật quyến rũ lũ trẻ xóm Chuối nhất về khoa kể chuyện. Bác ta là một người đàn ông mù lòa nhưng có tài. Tíu thuộc nằm lòng một câu chuyện bác Hiên kể trước thềm cửa Giáo đường, trong một đêm có trăng sao đầy đủ.
Câu chuyện có nhan đề là: "Nàng Tiên tay ngọc". Phải rồi, "Nàng Tiên tay ngọc" đó mà!...
"Ngày xưa..." Âm điệu mở đầu quen thuộc xa xôi có thần lực khiến trí tưởng tượng của Tíu trổ lớn qua ánh mắt ngây thơ không mấy khi nhấp nháy. Tíu cố làm khác hẳn mọi khi, Tíu không dám vỗ mạnh vào đùi, chỉ quơ quơ rất khẽ để xua đuổi bầy muỗi đêm đói khát.
*
Ngày xưa... có một cậu bé nghèo nàn được cha mẹ dẫn đến trường học. Ông giáo già đeo kính râm niềm nở tiếp đón người học trò mới. Ông cho nó ngồi ở bàn đầu, gần ông nhất.
Ông thầy thì thương nó như con mình, như thằng Lai, thằng Hối... Có một điều rất xót xa mà thằng bé đó nghĩ đến nhiều nhất: ghẻ lở. Đề tài "ghẻ lở" luôn được bay nhảy trên cửa mồm của những thằng bạn tinh nghịch. Đứa bé bất hạnh đó bao giờ cũng đeo nặng cái mặc cảm bị ghê tởm, nên chỉ cúi đầu lảng xa những câu nói hóc hiểm, tàn nhẫn.
Có một chiều thứ bảy, ông giáo già giảng bài vệ sinh. Giọng ông vươn cao như mọi bữa:
- ... Chúng ta (há) phải giữ gìn (à) sạch sẽ (nha) bằng cách xát xà phòng thật nhiều (há) mỗi khi tắm (há). Và đừng để móng tay dài, cắt ngay để tiêu diệt (há) ổ vi trùng "ghẻ" ứ đọng. Các con nên biết (há): bệnh ghẻ hay lây đấy!...
Dưới nầy, tụi trẻ vừa ngó thằng bé vừa lần miệng đếm : "1 ghẻ..., 2 ghẻ..., 3..." Đến khi nghe thầy nói bệnh ghẻ hay lây, hai ba đứa trẻ cùng dồn nhau về mút bàn kia, nháy mắt nhau cười vang, để lại đầu bàn kia đứa bé đáng thương và một khoảng trống.
Thằng bé cúi mặt xuống, nhìn nền đất lạnh, nước mắt rơi tức tưởi, lăn dài trên khúc đùi ghẻ lở để trần.
Ông giáo già quắc mắt về lũ trẻ, ái ngại nhìn đứa học trò bất hạnh. Giọng ông nghiêm khắc:
- Tất cả yên đi! Yên! Trò nào chồm lên bàn đó? Hoài hả?
Lũ trẻ mấy bàn đầu im thin thít. Tuy vậy, vẫn đưa lên vài tiếng cười lẻ không lớn lắm, từ cuối lớp.
Buổi học tan trong niềm tủi nhục của đứa bé dâng cao. Về nhà, thằng bé xin mẹ nó đi tắm, mẹ nó là một người đàn bà thương con kín đáo, bà không cho, bảo nhà chỉ có hai mẹ con, sợ nó chết đuối. Nó nài nỉ rằng: thầy giáo nói phải năng tắm rửa, vi trùng ghẻ mới chết hẳn. Cuối cùng, bà mẹ chịu buồn, ái ngại, nhìn thằng con độc nhất mang nguồn hy vọng ra bờ sông.
Thằng bé liếc xéo thật nhanh trên mặt nước rồi nhìn kỹ vào người mình. Quả thật nó đáng ghê tởm lắm. Miệng nhọt nứt ra, nước thối rỉ từng sợi. Thằng bé đột ngột bắt gặp tia mắt độc ác của con Tụy xỉa xói. Nó muốn rút lên bờ, mặc áo cho xong, để che lấp bớt những khuyết điểm của hình hài, nhưng sự hy vọng lành bệnh hiện lên, an ủi nó. Thằng bé gắng gượng làm bộ thản nhiên đi lần xuống nước.
Nước sông ngấm vào miệng nhọt khiến thằng bé oằn thân như muốn xoa nắn sự đau đớn cùng cực. Tay chân thằng bé duỗi dài cứng đơ. Hai hàm răng đồng thời nghiến chặt, nhịn thở.
Thằng bé liếc con Tụy lần thứ hai, con này đang ngó theo chiếc đò đưa khách bềnh bồng. Đứa bé yên tâm xát chà xà phòng thật mạnh. Một lát, nó bước lên bờ sung sướng vô cùng.
Sau giấc ngủ trong đêm, đứa bé hồi hộp nhìn lại thân thể mình. Rồi nó khóc, bảo sao vẫn còn. Nó không đi học buổi sáng hôm đó, nhịn cơm và không trả lời câu hỏi của người mẹ. Nó thẫn thờ bước từ lùm cây này sang lùm cây khác. Chợt, một nàng tiên tay ngọc lập lòa, mặc áo vàng mơ, bay ngang như làn tơ nõn, rồi dừng gót bên thằng bé nhìn nó hứa hẹn. Tiếng nói ngọt ngào nhỏ vào tai đứa bé:
- Có gì đâu. Em cứ yên tâm. Bình minh ngày mai, em sẽ đón nhận một sự sung sướng nhất đời, em đừng ngỡ ngàng, lại đây chị làm giúp cho.
Thằng bé líu ríu ngó thao cánh tay tuyệt trần đi lần trên mặt da nhăn nhúm. Sau khi xoa sạch vết ghẻ lở lói, nàng tiên tay ngọc trao cho nó một chiếc bánh, nhắn nhủ thân ái:
- Em về nhớ xin lỗi mẹ đi nhá! Bà tội nghiệp lắm. Cố học lên, mình còn nhỏ, tương lai biết mấy mộng đẹp.
Thằng bé định hỏi lại tương lai là gì? Nhưng nàng tiên đã vỗ cánh bay cao. Nó trở về tràn ngập niềm vui, định bụng sẽ nhờ ông giáo già giải thích hai chữ "tương lai". Và còn chiếc bánh, nó sẽ tặng người mẹ của nó. Ôi! Bà vui biết bao...
*
Tiếng mõ điểm từ chiếc chòi canh lẻ vang cao. Âm thanh hối thúc từng hồi vương vít đầu cành cây xùm xòe lá biếc. Trời tạnh mưa từ bao giờ. Không gian sẫm tối. Nắng hoàng hôn yếu đuối thiếp ngủ trên từng ngọn cỏ gục đầu. Tíu giật mình hớt hải, vươn vai đứng lên, cây roi con rớt xuống xui nó nhớ tới đàn bò vá. Nó không thấy đàn bò của lão chủ đứng riêng như mọi bữa ở ven đồi mấp mô. Điều nầy khiến nó lo sợ. Tíu bắt đầu cuộc tìm kiếm mong manh. Ở đây rộng lớn quá, bò của những người chăn khác lại nhiều. Không kịp đội nón, Tíu nắm chặt cây roi tre, phóng về bãi đất xâm xẩm nước mưa.
Chắc chắn là sẽ nhịn bữa tối nếu không tìm ra đàn bò của chủ, Tíu cuống quít, líu ríu chạy chân phải đánh chân trái.
Mành vườn, ngôi nhà, con chó Mực có thể mất về tay chủ lắm chứ, nhất là người mẹ thân yêu dám vào nhà pha rục xương vì đưa con bất cẩn.
Tíu tẩn mẩn nhớ đến thằng bé trong câu chuyện "Nàng Tiên tay ngọc". Hoàn cảnh thằng bé đó có đôi chỗ giống Tíu, nhưng, dầu sao, đứa bé kia cũng tốt phước hơn nó, được đi học, được nàng tiên tay ngọc giúp đỡ. Còn Tíu làm việc cùi cụi ở nhà chủ, và hôm nay chỉ là một chiếc bóng lẻ vừa tìm kiếm đàn bò vá, vừa khóc thầm.
Nắng mù nhún nhẩy lên đầu để trần của Tíu, đậu lại trên làn áo vá chật hẹp, nhưng không thể nói được một lời an ủi ngắn.
UYÊN GIAO
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 49, ra ngày 15-7-1966)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.