Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

Xâu Chuỗi Bị Mất

 

Một ngày kia, một người lái buôn giầu có trên đường đi về đã đánh mất một cái xách tay trong đó có đựng một ngàn đồng tiền vàng và một xâu chuỗi đắt giá toàn bằng ngọc, lóng lánh nhờ sáu hột ngọc thạch lớn. Khi biết được, ông mới đến nhà người gõ mõ nhờ rao lên khắp phố rằng nếu ao mang lại cái xách đó thì ông thưởng cho một trăm đồng tiền vàng.

Người lượm được cái xách đó lại là một người làm bánh mì nghèo khổ, nhưng chàng ta muốn đem trả cái xách ấy liền. Nhưng không, người vợ có tính tham lam ngăn cản lại và nói rằng: "Bây giờ đến lượt chúng ta giàu có.

- Không thể được - chàng trả lời - Cái gia tài này không phải của ta. Của phi nghĩa có giàu đâu. Thôi chúng ta hãy nhận một trăm đồng vàng tiền thưởng và chúng ta hãy sung sướng vì tìm thấy vật này.

Rồi chàng đi tìm người lái buôn và trả cái xách lại. Người lái buôn mở xách ra, đếm những đồng tiền vàng và làm bộ khi thấy chỉ còn một xâu chuỗi, ông khẳng định rằng khi ông đánh rơi cái xách thì trong ấy có hai xâu chuỗi giống nhau như đúc. Đó là một sự dối trá, để gây với anh chàng làm bánh mì và cũng nhờ đó ông ta mới khỏi trả một trăm đồng vàng mà ông đã hứa.

Người lái buôn này quả rất điêu ngoa và hà tiện.

Rồi thì cuộc cãi vã nổi lên. Tất cả những người giàu trong thành phố bu lại, ai cũng binh vực cho người lái buôn vì ông ta giàu và ai cũng kết tội chàng kia là đồ ăn cắp. Việc trên phải đưa đến quan tòa, một người hiền hậu và nổi tiếng nhờ tài tìm ra kẻ có tội. Quan tòa bắt người làm bánh mì phải thề rằng không lấy gì trong cái xách mà chàng mang lại và người lái buôn phải thề trong cái xách mà ông làm mất có hai xâu chuỗi, sau đó quan tòa mới tuyên bố rằng:

- Người lái buôn này nhất định là người biết trọng danh dự, không thể nào đòi hỏi một vật mà không phải của mình.

Do đó ông ta đòi một cái xách có hai xâu chuỗi mà anh chàng thật thà mang lại chỉ có một xâu chuỗi. Như vậy chứng tỏ rằng cái xách này chưa phải của người lái buôn làm mất, vậy tôi khuyên người lái buôn gõ mõ ra rao lại.

Còn về phần cái xách này thì bỏ vào kho để chờ người chủ của nó đến nhận hay nếu quá hạn thì sẽ bị tịch thu. Trong lúc đó người làm bánh mì thật thà này có công mang trả lại cái xách mà chàng đã lượm được thì xứng đáng được thưởng. Phần thưởng đó tôi định là một trăm đồng tiền vàng và được trả ngay tại chỗ. Tôi chắc rằng, chủ cái xách này sẽ bằng lòng khi đến nhận nó.

Lẽ dĩ nhiên không bao giờ có người chủ nào khác đến và sau một năm theo tục lệ, tiền ở đây đã được lấy ra dùng vào việc giúp đỡ kẻ nghèo trong thành phố.


ÂU NHƯ ANH       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 45, ra ngày 2-7-1972)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>