Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

Tình Cảm Tuổi Mới Lớn

 BUỔI TÁN GẪU VỀ:

Tình cảm tuổi mới lớn
 

Ông trời đang "đẹp trai, con nhà lành", bỗng nhiên "nhõng nhẽo"... khóc bù lu bù loa lên - Mưa! Mặt Hoài Mỹ bèn xị xuống, tả tơi như chiếc mền rách. Quyên Di cuống cà kê, nhảy cà tưng như bị kiến lửa đốt. Cặp kiếng "đít chai" trên khuôn mặt "mùa thu chết" của Thái Bắc như dầy thêm và nặng trĩu như đôi quả tạ của một "lực sĩ đã về chiều". Miệng của thằng Ông Phỗng mở ra như cái ống cống. Con nhà Mộ Dung Phục, bình tĩnh hơn, lấy thuốc lá ra châm, nhưng không hiểu vì vô tình hay cố ý, lại đưa đầu điếu thuốc đang cháy đỏ vào miệng mà hít. Cái "cửa sổ linh hồn" đẹp và to như hai quả xoài tượng của cô bé Hai Thuyền Quyên, trước cảnh mưa rơi, vẫn sáng như cặp mắt của... cụ Nguyễn Khuyến khi cáo quan về hưu!... Riêng Thạch Thủ, vì đạo đức quen rồi, liền anh dũng mặc áo mưa, che dù, phom phom ra giữa sân mà than: "Thượng Đế hỡi! Có thấu cho tụi con nè!...", rồi đe dọa: "Trời mà không tạnh, Thạch Thủ xin thề độc là sẽ hổng thèm... ăn phở nữa đâu".

Thật mầu nhiệm thay, chỉ... hai tiếng đồng hồ sau, có lẽ vì xót thương ban tổ chức đang "thân tàn ma dại" trước một tương lai bi đát và cũng rất có thể vì sợ các hàng phở trên toàn quốc thất nghiệp bởi sự "hờn mát" của Thạch Thủ, nên trời xin... hưu chiến. Lập tức mặt đứa nào đứa đó nở ra như những cánh "hoa phượng rơi đón mùa thu tới"...

Trên đây là quang cảnh màn tạp diễn lúc sơ khởi chiều chủ nhật 01-8-1971 tại hội quán Phấn Thông Vàng, nơi được chọn làm "chiến địa" cho cuộc trà đàm về tình cảm tuổi mới lớn giữa các "cao thủ võ lâm" tóc ngắn, tóc dài của Ngàn Thông.

Vì thời gian là... kẹo chewing gum nên cuộc tán gẫu mãi đến gần 5 giờ mới mở máy thay vì 4 giờ như đã dự định. Cũng "nô xịt-ta". Người nhà mí nhau cả mà!

Thiết tưởng đến đây Thạch Thủ cũng cần vi vút giới thiệu mí độc giả những "nam phụ lão ấu" đã tham dự buổi tán gẫu này: Ngoài ban trị sự và biên tập của Ngàn Thông như Hoài Mỹ, Quyên Di, Thái Bắc, Hoàng Quý, Mộ Dung Phục, Vi Vi, Thằng Ông Phỗng, Gái Thuyền Quyên,  Đại Phá... và cả Thạch Thủ nữa chứ (tí quên!), còn có 4 vị giáo sư thuộc lứa tuổi đứng đắn, nhưng chưa đến nỗi "hoàng hôn trên bãi bể". Tuy nhiên nổi bật nhất vẫn là 56 "thằng cu, cái tý" đang tuổi mới nhớn, hiện "du học" tại các trường lớn ở Đô Thiềng và Gia-định thành như Nguyễn Bá Tòng, Cao Thắng, Trưng Vương, Pétrus Ký, Lê văn Duyệt, Tinh Thần, Lê Bảo Tịnh, Saint Thomas, Hồ Ngọc Cẩn, Quốc Gia Nghĩa Tử... Ngoài ra sự tham dự quí báu của hai chàng sinh viên y-khoa Sàigòn, một sinh viên chính trị kinh doanh và một nữ sinh viên kiêm cô giáo thuộc Viện Đại Học Đàlạt cũng đã đem lại cho buổi họp mặt thêm mầu sắc "trăm hoa đua nở".

Chiếu đôi mắt ốc nhồi để đi một đường quan sát căn phòng, Thạch Thủ nhận thấy dân húi cua chiếm đa số. Vậy thì ai còn dám phát ngôn "trai thiếu gái thừa" nữa nhỉ? Thế là "phái khỏe" dẫn trước 1-0 rồi đí nhá. Phe "nhõng nhẽo" (tiếng của thằng Ông Phỗng thường dùng) ngồi ở hàng ghế đầu, chen vai sát cánh cứ như là mình đang sống trong cảnh "êm đềm trướng rủ màn che". Bọn con trai "cắm dùi" la liệt khắp "bốn vùng chiến thuật", có vẻ "hung hăng con bọ xít" lắm, ra cái điều "có ta đây" nhưng ác thay lại cóc dám dám... lại gần hay gợi chuyện mí các đấng kịp tóc.

Nói qua về cách phục sức của quí vị "trà-đàm-viên", Thạch Thủ để ý các cô chiều nay... diện kỹ quá: Tóc chải cong cong hay vén gọn hoặc thả dài trên vai, quần áo thì... "sạch sẽ, mát mẻ" ghê vậy đó. Đặc biệt có nàng đánh một lớp phấn mỏng trên bộ mặt bảnh gái nữa chứ (chắc lấy trộm của má hay của chị... hoặc dùng lộn phấn viết bảng? Xin lỗi nghe, tại Thạch Thủ dốt về nghệ thuật trang điểm nên đoán mò vậy thôi). Riêng các ngài con giai thì "bất đồng ý kiến", chia làm hai phe: Phe tả thì ăn bận lôi thôi lếch thếch, bụi đời không chê được: Cúc áo có mà không thèm cài để lộ bộ ngực "ô-mê-ga", quần không rách cũng vá hai, ba miếng to tổ chảng, chân đi đôi dép mỏng như dao cạo râu, đầu tóc bù xù ra cái điều ta đây là thi sỡi kiêm triết gia bất cần đời. Còn phe hữu lại very chic: áo quần láng coóng như vừa được xe hủ lô ủi, tóc thoa mỡ bóng nhoáng đến độ ruồi đậu cũng té, dáng điệu trịnh trọng như chú rể trong ngày... anh dũng bước lên xe hoa về nhà vợ!

Thạch Thủ nghĩ vớ va vớ vỉn rằng khỏi cần tìm hiểu tuổi mới nhớn là cái thá gì, cứ nhìn những "hiện tượng" trình diễn trước mắt kia cũng thừa thãi định nghĩa. Ấy nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ Ngài chủ nhiệm mà ra lệnh thì Thạch Thủ phải thi hành đứt đuôi con nòng nọc ra rồi. Vậy thì xin ghi lại đây một cách trung thực những lời phát ngôn có tổ chức của quí vị anh minh trà-đàm-viên về tình cảm tuổi mới nhớn.

Khởi đầu Quyên Di bằng một giọng nhỏ nhẹ (hình như "cầm nhầm" của "con ghế" thì phải?) tuyên bố lý do của buổi tán gẫu. Tiếp đến Hoài Mỹ ra "đặt vấn đề". Anh chàng nầy là lướt tuổi mới lớn bằng hai hình ảnh: "nụ hồng không mãi mãi là một nụ hồng, nhưng đến một sáng nào đó sẽ bật cánh nở thành hoa để đón lấy những cơn gió nhẹ, những ánh nắng vàng. Một con chim không mãi mãi nằm kêu chiêm chiếp trong tổ, nhưng một ngày nào đó, khi đã đủ lông đủ cánh, sẽ cất cánh bay vút lên bầu trời trong xanh... Con người cũng vậy, tới một giai đoạn nào đó cũng sẽ trút bỏ những gì thuộc về ấu thời để vươn lên tới chỗ trưởng thành. Nhưng thật ra ở giai đoạn này, cô đó, cậu đó chưa phải là người lớn mà cũng không còn là trẻ con nữa nữa, nhưng thuộc về một lớp tuổi mà người ta thường gọi là dở dở ương ương. Cũng trong giai đoạn này, tuổi mới lớn có những biến chuyển trong nội tâm cũng như trên thân xác. Trái tim đã biết rung lên những cung điệu đầu tiên do sự hiện diện của kẻ khác phái. Các cô, cậu thích sống trong một thế giới riêng của mình, và khởi sự bận rộn với những suy tư... Đồng thời các bắp thịt trong người như nở lớn hơn khiến các cô, cậu như muốn hành động để "tiêu xài" cái phần sinh lực dồi dào đó..."

Ái chà bữa nay tên Hoài Mỹ ăn nói văn hoa quá cỡ thợ mộc làm Thạch Thủ (và có lẽ cả những người hiện diện) "nghe ngọt thiệt là ngọt vậy đó". Tuy nhiên có một điều làm Thạch Thủ ấm ức, nhưng không dám hỏi sợ bị chê là nham nhở. Đó là đoạn thuyết trình viên lấy giọng nói ồ ồ của các cậu ra làm ví dụ cho sự biến chuyển nơi thân xác của tuổi mới nhớn, Thạch Thủ trộm nghĩ... là không đúng lắm, vì như giọng nói của Quyên Di từ khi cha sinh mẹ đẻ đến chừ vẫn "thủy chung duy nhất" thì phải chăng Quyên Di chưa... lớn vì chưa "bể tiếng"? - Cũng may lúc đó, có lẽ cảm thấy nhột nhạt và sợ độc giả Ngàn Thông hiểu nhầm mình còn bé, Quyên Di đứng phắt dậy, cố nói thật to mà rằng: "Nói chung tuổi mới lớn là ở những tuổi 14, 15, 16, 17, 18. Về thể chất con người phát triển, về tinh thần có những rung cảm mới lạ, đặc biệt để ý đến người khác phái" - Có thế chứ! "Bừng con mắt dậy" Thạch Thủ mới biết Quyên Di... đã nhớn!

Từ khi hội thảo, người ta chỉ thấy các "ông", các "cậu" hùng hục phát biểu ý kiến, còn các cô chỉ ngồi... cười và nhấm nháp nước trà, đậu phọng (sướng chưa?), mặc dầu đã được Hoài Mỹ cho dầu mỡ, Thạch Thủ lại trộm nghĩ các đấng kịp tóc chỉ giỏi... bắt nạt các em ở nhà hoặc cùng lắm có tài dọa già thằng Ông Phỗng chân chỉ hạt bột còn khi hữu sự thì lại thỏ đế không ai bằng (Thế là thua hai bàn trắng rồi nhé, quí nương!).

Sau khi thông qua việc định nghĩa và giới hạn tuổi mới lớn, bà con đồng ý bàn qua vấn đề thứ hai và thứ ba "Những gì hiện nay đang ảnh hưởng, tác động trên tình cảm tuổi mới lớn" và "tuổi trẻ có trách nhiệm về tình cảm của mình không?" - Để khai pháo, một chàng tên Sơn (Chu văn An) kết án phong trào Hippy, đồng thời nhấn mạnh đến ảnh hưởng của gia đình và học đường. Nhưng ý kiến này bị một "cụ" Cao Thắng chê: Nô Hippy! Hippy cũng có những cái hay của nó - Thế là trận chiến bùng nổ chung quanh vấn đề Hippy nếu me-xừ Hoài Mỹ không lái về chủ đề chính. Vui đáo để! Con nhà Mộ Dung Phục ngồi từ nẫy đến giờ nhăn nhó cái bản mặt (không khác gì cái khăn chùi mũi của các cô) vì giơ tay mấy lần mà cứ bị bỏ quên, bèn tự tiện đứng lên rống: "Theo tôi, không có ảnh hưởng nào hết mà do chính mình chịu trách nhiệm". Ý kiến phá thối này liền bị thiên hạ "nghỉ chơi" ngay. Thương Mộ Dung Phục, Thạch Thủ ghé vào tai nó khuyên nhỏ: " có lẽ mày nên về nhà bán cám gà cho vợ thì hay hơn". Nó nhe bộ răng quả chuối ra cười tồ tồ làm hàng râu mép của nó lại càng cụp xuống như ghi đông xe đạp.

Trước khi qua vấn đề 4: Cần phát huy hay chận đứng tình cảm tuổi mới nhớn? Nếu phát huy cần phát huy như thế nào? Nếu chận đứng thì chận đứng những tình cảm nào?, hội trường được mời ca cộng đồng bản Ôi Em Yêu Dấu. Hay! Thật hợp cảnh, hợp tình. Bài này kể lại một anh chàng đang lang thang phất phơ, bỗng gặp một "em yêu dấu". Vì quá mê tít thò lò, chàng liền ngã quay ra đường. Nhưng "em yêu dấu vẫn tỉnh bơ, coi "người ta" như rơm, như rác. Nghe xong, Thạch Thủ thấy "chái lái" vô cùng. Kết luận: Các đấng kịp tóc thật là... ác vậy đó. Ai có giỏi thì đi mà kiện!

Trở lại phần hội thảo, "cụ" Bùi Vĩnh Phúc (Nguyễn Bá Tòng) cho rằng: "Ơ tại sao lại phải ngăn chận những tình cảm tuổi mới lớn nhẩy? Cứ để chúng tự do mọc cho đời lên hương với điều kiện phải bố thí cho chúng một môi trường tốt và giúp "chủ-nhân-ông" trau giồi khả năng". Nhiều người vỗ tay bồm bộp. Nổi hứng, Bùi Vĩnh Phúc tuyên bố một câu đáng đồng tiền bát gạo: "Nếu thích ai thì cứ nói thẳng I love you, không nên giữ làm gì cho mệt vì chỉ trong tình yêu, hai người mới cảm thông nhau được" - Lúc này hội trường vang những tiếng cười, vui như tết. Một đấng tóc dài, mặc áo nâu dài, có cái tên là Hậu (Trưng Vương) lấy hết sức bình sinh đứng lên ỏn ẻn: "Đúng rồi, ta không nên chận đứng những tình cảm mới lớn mà phải hướng dẫn" - Ý kiến này được nhiệt liệt hoan hô, một phần vì hay, phần khác vì các đấng kịp tóc phát biểu cảm tưởng hiếm như lá mùa thu nên dĩ nhiên được những tràng pháo tay ga-lăng. Đến đây hội trường nổ tung vì mẩu đối thoại hấp dẫn giữa Thúy Vũ và họa sĩ Vi Vi:

- Vũ cũng đồng ý nên phát huy những tình cảm tuổi mới lớn... Do đó, tình yêu phải được coi như một cái gì hết sức tự nhiên. Riêng với Vũ, nếu ai yêu Vũ, Vũ yêu lại liền.

Như vớ bở, Vi Vi vội đứng dậy, hỏi lại cho... chắc ăn:

- Ai yêu Vũ, Vũ yêu lại liền, phải không?

- ... Dạ đúng.

- Dù người đó có mù, què, câm, điếc Vũ cũng vẫn yêu?

Ném lao thì phải theo lao, Thúy Vũ đành... gật đầu. Vi Vi cười toét, khoái chí, nhưng có vẻ bí mật, nói lẩm cẩm:

- Được rồi nhé, Thúy Vũ nhớ lấy đấy.

Thật hào hứng. Thật cởi mở. Thật tự nhiên. Thật chân tình. Như hòa đồng với niềm vui của những người mới nhớn, chị sinh viên kiêm cô giáo miền cao nguyên Đàlạt góp ý kiến:

- Mặc dầu chị đã... đứng tuổi, nhưng chưa yêu ai. Tuy nhiên không vì thế chị chủ trương giết chết tình cảm, trái lại thấy cần phát huy chúng theo chiều hướng xây dựng để con người hiểu tận cùng bản chất mình.

Hội trường vỗ tay. Thừa thắng xông lên, chị hát luôn một bài về tình yêu. Lại vỗ tay.

Vấn đề cuối cùng "Bạn mong muốn gì nơi chính quyền, học đường, gia đình, các huynh trưởng trong công việc phát huy tình cảm của tuổi mới lớn?" được các ông con trai tán nhiều và hăng tiết vịt nhất: Nào kết án chính quyền đầu độc tuổi trẻ, nào chê chương trình học chậm tiến, nào trách những người lớn thiếu hiểu biết về tuổi mới nhớn... Bởi vậy bà con đồng thanh quyết nghị: Đã đành tuổi mới nhớn cũng chịu trách nhiệm đối với bản thân của mình, nhưng cũng yêu cầu những người hữu trách hãy tỏ ra chân thật lo cho tuổi trẻ, hãy cảm thông và độ lượng và nhất là hãy tạo nhưng môi trường hoạt động thích hợp cho tuổi mới nhớn...

Sau khi Hoài Mỹ tổng kết các ý kiến và một lần nữa cảm ơn những người thương Ngàn Thông, hội trường đứng lên hát bản Biệt ly. Ôi nghe sao mà não nùng đến thế nhỉ. Chẳng vậy mà khi tiếng hát chấm dứt, nhiều "ông", nhiều "bà" còn đứng nghiêm như những tượng gỗ.

Thạch Thủ cũng bắt chước những tai to mặt lớn của tòa soạn đứng tiễn đưa "quan khách" ra về. Nhìn những tà áo của các đấng "nữ trà-đàm-viên" xa dần, Thạch Thủ cảm thấy... nhơ nhớ thế nào ấy. Thấy lạnh, sờ lên mặt, Thạch Thủ mới biết là mình... vừa khóc, bèn quay lại chỉ tay vào mặt mình mà tự sỉ vả:

- Nhảm chưa! "Già" như... đá thời thượng cổ mà còn bày đặt như mình... mới nhớn!


THẠCH THỦ       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 8, ra ngày 20-8-1971)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>