Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

Người Học Trò Thông Thái

 

Ngày xưa, có 1 ông giáo già, có 7 người học trò tên là : Đích, Cần, Bửu, Phú, Long, Tân và Bình. Ông dạy họ tất cả những gì mà ông hiểu biết về đọc, viết và toán với tất cả sự tận tâm của ông. Ngoài ra ông còn cố gắng dạy họ về cách xử thế ở đời, lòng can đảm, tánh thật thà cùng trí kiên nhẫn để mong họ sau này sẽ trở thành những thanh niên hoàn toàn.

Tất cả 7 người học trò đều quý mến và kính trọng thầy. Ngày này qua ngày nọ, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm khác, họ luôn luôn cố gắng lúc nào cũng giữ lễ độ và làm vui lòng thầy. Sau cùng, một hôm, khi họ nhận thấy là đã đủ trí khôn để trở thành 7 thanh niên đầy cương nghị, thẳng thắn và dũng cảm, họ kéo nhau đến thưa với ông thầy đáng kính:

- "Thưa thầy, nhờ ơn thầy dạy dỗ từ nhỏ, nay chúng con tự nhận thấy đã khôn lớn để có thể sẵn sàng ra đời mưu sinh được..."

- "Sẵn sàng...!", ông giáo già ngắt lời với cặp mắt ngạc nhiên, rồi nói tiếp "... ra đời để mưu sinh, há?"

- "Thưa vâng, thầy đã dạy chúng con tất cả những điều thầy biết về viết, đọc và toán..." Cần nói.

- "... Và thầy cũng đã dạy chúng con về tánh thật thà, lòng can đảm cùng trí kiên nhẫn nữa." Đích tiếp lời.

- "Do đó, nhờ công ơn thầy nay chúng con đã thành người và sẵn sàng ra đời để tự mưu sinh được." Bình kết luận.

Nghe xong, thầy gật gù trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói:

- "Được, chúng ta sẽ bàn lại chuyện này, nhưng trước hết ta phải làm 1 thử thách để xem các con đã thật khôn lờn chưa?"

- "Thử thách...!", Tân buột miệng hỏi lớn: "Thầy định thử thách chúng con bằng cách nào?"

Không trả lời, vị giáo già thọc sâu tay vào trong túi áo và moi ra 7 đồng tiền vàng, vừa dúi vào tay mỗi học trò 1 đồng tiền vừa nói: "Đây cầm lấy... Bình này... Long... Cần... Đích... Phú... Tân..., và Bửu này..."

- "Xin thầy tha lỗi..." Bửu nói: "Bây giờ con đã lớn, con không thể nhận tiền của thầy được."

- "Con cũng vậy..."

- "Con cũng vậy..."

Tất cả các học trò khác đều nói như thế.

- "Các con cứ giữ lấy." thầy nói: "Bây giờ với đồng tiền này các con hãy tỏ ra biết cách tiêu tiền của các con, vậy các con hãy đi mua sắm..."

- "Thật là một thử thách kỳ lạ! Và chúng con sẽ phải mua gì, thưa thầy?" Tân hỏi.

Lẳng lặng không nói 1 câu, ông thầy dắt 7 người học trò qua 1 dãy hành lang dài và chỉ họ 7 căn phòng trống rỗng rồi nói: "Các con sẽ mua bất cứ 1 vật gì có thể làm đầy phòng này theo sự suy xét riêng của các con, nhưng ta chỉ khuyên các con 1 điều: hãy cân nhắc cẩn thận..." rồi ông nhấn mạnh thêm: " ... vì vật các con mua sẽ chứng tỏ giá trị về sự hiểu biết của các con."

- "Vâng, chúng con sẽ cố gắng làm đúng theo ý thầy" 1 người trong bọn đáp. Rồi mỗi người nhận 1 đồng tiền vàng và chia tay nhau để bắt đầu bước vào cuộc đời, mỗi người theo 1 hướng đi cũng như ý định riêng biệt của mình. Họ hẹn sẽ gặp nhau vào sáng sớm ngày hôm sau với vật mua được.

- "Hà..., ta sẽ khám phá ra sự hiểu biết của đám học trò về những điều ta đã dạy chúng" thầy giáo già xoa tay nói khi đám học trò ra về hết.

Ngày hôm sau, 1 ngày đẹp trời, ánh nắng ban mai le lói chiếu qua cửa sổ, ông giáo già bắt đầu đi từng phòng để xem kết quả cuộc thử thách của mình. Trước hết ông đến phòng của Cần: "Nào xem anh đã mua được gì nào?" vừa nói thầy vừa bước vào phòng.

- "Mời thầy coi" Cần hớn hở và kiêu hãnh chỉ cho thầy đống củi khô anh vừa mua được chất ở giữa phòng: "Con đã làm đầy phòng bằng đống củi khô này, nó sẽ giúp con được ấm áp trong suốt mùa đông lạnh giá... thầy nghĩ sao về việc con đã lựa chọn, con có thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!..." ông thầy trả lời: "Anh đã mua khéo đấy, nhưng ta nghĩ rằng anh có thể làm việc khác tốt hơn."

Đến phòng Bưu, ông hỏi: "Anh đã mua được gì?"

Bưu hí hửng đáp: "Thầy trông này..." vừa nói anh vừa mở rộng cửa mời thầy vô.

"Con đã mua 1 con gà mái mập, nó sẽ làm đầy căn phòng bằng những tiếng cục tác của nó, nó sẽ đẻ những trái trứng to và vàng, rồi những trái trứng đó sẽ trở thành 1 đàn gà con xinh xắn và con sẽ đem ra chợ bán được giá. Khi con gà mái đã già, không đẻ trứng được nữa, con sẽ làm thịt và mời tất cả bạn bè thân thích đến ăn. Hơn nữa với bộ lông mềm và mượt của nó, con sẽ làm được 1 cái nệm êm ấm để nằm suốt mùa đông... Vậy thưa thầy, việc con làm có thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Bửu" thầy nói: "Anh đã khéo chọn để mua được 1 con gà mập... nhưng ta nghĩ anh có thể mua 1 vật khác khá hơn."

Rồi thầy quay ra và bước sang phòng Đích: "Còn con, con đã mua được gì?"

- "Thưa thầy..." Đích đáp: "Không có vật gì ở trên đời có giá trị bằng con bò mầu nâu này mà con đã chọn mua được. Với con bò này con sẽ có nhiều sữa để uống, còn thừa con sẽ làm bơ và phô mát để đem ra phố bán. Vậy thưa thầy, việc con đã làm có phải là thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Anh đã mua khéo đấy, nhưng theo ý ta anh có thể dùng đồng tiền vào việc khác hữu ích hơn..." thầy đáp.

Tới phòng của Phú, thầy cũng hỏi như những người kia: "Anh đã lựa gì nào? Cho ta coi."

Phú vội khoe: "Thưa thầy, như thầy đã thấy, với đồng tiền thầy cho con đã mua được 1 con ngựa mầu xám thật khôn, với con ngựa này, con có thể đi du lịch đây đó, để rồi con sẽ viết thành cuốn sách kể lại những điều tai nghe mắt thấy trên dọc đường, và cuốn sách giá trị đó sẽ đem lại cho con nhiều tiền, như vậy có phải là thông thái không thầy?"

- "Dĩ nhiên!..." thầy vừa cười vừa nói: "Anh đã mua được 1 con ngựa đẹp nhưng theo ý ta anh có thể làm 1 việc khá hơn."
 

Trở lui, thầy bước sang phòng của Long, Long đã chực sẵn ở cửa chờ đợi. Trông thấy Long, thầy cất tiếng hỏi: "Nào anh, hãy dẫn ta xem anh đã mua được gì?"
 
Long tiếp lời thầy: " Thưa thầy, theo ý con thì ở trên đời này không có gì khổ hơn là đói, do đó con đã mua thức ăn chất đầy phòng, thầy hãy xem: Này... bánh mì, này phô mát, cải bắp và cả bột mì nữa... vậy thưa thầy con có phải là nhà thông thái không?"

- "Dĩ nhiên!... Anh đã biết lo xa, nhưng theo ý ta thì anh có thể mua vật khác hay hơn."

Rồi tới lượt Tân, thầy hỏi: "Còn anh, anh đã sử dụng đúng đồng tiền chưa?"

Tân đáp: "Thưa thầy, con nghĩ rằng con có thể mua được nhiều thứ để làm đầy phòng. Mới đầu con nghĩ đến việc mua 1 con chim sơn ca có thể làm ấm cúng phòng con bằng những tiếng hót thánh thót suốt ngày, rồi con nghĩ tới mua 1 bức rèm bằng vải hoa làm ấm cúng phòng bằng những mầu rực rỡ và đẹp mắt, nhưng sau cùng con nghĩ tốt hơn hết là không mua gì cả, nên con đã quyết định không tiêu đến đồng tiền thầy cho..." rồi anh mở cửa phòng chỉ ông thầy xem căn phòng trống rỗng và nói tiếp: " ... như vậy có phải con đã có quyết định sáng suốt của 1 nhà thông thái không thưa thầy?"

- "Dĩ nhiên!..." ông thầy cười đáp: "Nhưng theo ý ta thì 1 căn phòng trống rỗng cũng không hơn gì 1 cái buồng chất đầy vật vô dụng. Anh đã có 1 quyết định hay, nhưng ta nghĩ anh có thể có 1 quyết định khác sáng suốt hơn."

Rồi tới lượt Bình, người học trò cuối cùng, thầy hỏi: "Anh hãy kể và cho ta xem anh đã mua được gì với đồng tiền của ta cho."

Bình khiêm tốn đáp: "Thưa thầy, tất cả những thứ con đã mua được chỉ là 1 chiếc đèn nhỏ sơ sài này với 1 lít dầu để thắp. Hơn bao giờ hết ánh sáng của ngọn đèn này sẽ chan hòa phòng con, làm ấm cúng căn phòng trong những đêm khuya tĩnh mịch. Với ánh sáng đó con có thể tiếp tục học thêm sau khi ban ngày đã làm xong mọi việc. Để rồi về sau này con có thể dạy lại những người khác tất cả những điều gì con đã biết và đã học như thầy đã dạy chúng con..."

- "Thật là tuyệt..." Tất cả 6 người học trò đứng vây chung quanh đều đồng thanh reo lên khen ngợi.

- "Đúng, thật là tuyệt!" Ông thầy nói: "Con đã làm đầy phòng con bằng 1 vật giá trị nhất. Con thật là đủ trí sáng suốt để có thể ra đời tự lập được... Chúc con thành công... người học trò thông thái của ta..."


VĂN VIỆT                         
(Phỏng dịch theo truyện "The Wise Pupil")  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>