Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Ổ Kiến Lửa


1
Cô giáo đã ngừng nói, nhưng cả lớp vẫn còn ngồi im bất động. Cái không khí bi hùng của ngày Yên Bái cơ hồ sống lại ở đây, sống lại trong ánh mắt đỏ hoe và giọng nói xúc cảm của cô giáo, sống lại trong những cặp mắt ngô nghê và hơi thở dồn dập của học trò. Cô giáo đến ngồi trên ghế của cô, hai tay khoanh lại, cô nhìn chúng tôi như muốn đoán biết ý nghĩ của học trò cô. Chúng tôi lặng lẽ liếc nhìn nhau. Đứa nào như cũng sợ tiếng cử động của mình phá tan không khí yên lặng này. Đã biết bao lần, trong giờ Việt Sử, cô giáo giảng bài cho chúng tôi nghe về các anh hùng dân tộc chống Pháp, mà chưa có lần nào chúng tôi nghe xúc động như bây giờ.

Bỗng hồi chuông reo vang phá vỡ cái yên lặng đáng quý. Chúng tôi vẫn nhìn cô giáo. Cô đứng lên, ra dấu cho chúng tôi về. Như bầy ong vỡ tổ, mấy mươi cái miệng mở ra, xôn xao. Tôi nghe rõ ràng tiếng thằng Sơn xuýt xoa:

– Hay quá mày ơi! Cô giảng bài hay quá!

Thằng Hùng bày tỏ sự khâm phục của nó:

– Thích quá! Tao nghe cô giảng bài, tao khoái môn Việt Sử nhất.

Thằng Thụy nói nghiêm trang hơn cả:

– Tớ có một cuốn Quốc Sử dày, có in hình các anh hùng Việt Nam. Hình ông Nguyễn Thái Học oai lắm! Các bồ tới nhà tớ, tớ cho xem.

Cả lũ nhao nhao, đồng ý đến nhà Thụy để chiêm ngưỡng chân dung của vị anh hùng Yên Bái trong sách. Bàn tán một hồi chúng tôi giải tán, đứa nào về nhà đứa nấy. Khi ra đến cửa lớp, tôi chợt đứng lại. Một đứa đứng choán cả lối đi: thằng Rơ-nê! Tự nhiên tôi giận cay lên. Tôi đằng hắng một tiếng. Rơ-nê quay lại. Nó vội vã đứng nép vào dãy bàn. Tôi vẫn không đi. Tôi nhìn chăm chăm vào mắt nó. Đôi mắt xanh như mắt mèo của nó quỵt xuống, ngại ngùng. Bọn thằng Sơn đi phía sau, bảo tôi:

– Ra mau đi Hải! Tụi bây đứng chắn đường chi vậy?

Tôi không nói. Thằng Hùng nhận thấy có Rơ-nê đứng đó, bèn nói to:

– À! Tại có thằng Tây lai kia tụi mày ơi! Nó muốn gây với thằng Hải mà!

Cả bọn cùng nhìn thằng Rơ-nê trừng trừng. Những bàn tay nắm lại như muốn khiêu chiến. Rơ-nê cất nhanh mấy quyển vở vào cặp, chạy vụt ra khỏi lớp. Bọn chúng tôi cười vang lên đắc chí. Thằng Sơn to miệng nhất:

– Tây lai nhát như chó cụt đuôi há!

Chúng tôi ùa chạy ra ngoài. Dưới ánh nắng chói chang buổi trưa, tôi thấy bóng thằng Rơ-nê thấp thoáng sau hàng rào bông giấy. Bọn Sơn, Hùng đã rẽ sang ngõ khác. Tôi đi cùng một đường với Rơ-nê. Nó đi trước cách tôi không xa. Dáng dấp nó to lớn dềnh dàng, mái tóc trần màu đỏ hung của nó như muốn bốc cháy với ánh nắng. Tay nó đút vào túi quần cũ kỹ, chiếc cặp bên kia lỏng lẻo như sắp rơi. Trông nó chẳng có vẻ học trò tí nào.

– Rơ-nê!

Rơ-nê đứng lại, nhìn quanh. Cô giáo đang đạp xe đi đến phía nó. Sau khi cô mỉm cười với tôi, cô ngừng xe bên cạnh Rơ-nê, dịu dàng hỏi:

– Nhà em ở đâu?

Rơ-nê ấp úng những gì tôi không nghe rõ. Cô giáo tỏ vẻ ái ngại khi nhìn nó. Cô xuống xe, dắt bộ, vừa đi vừa nói chuyện với Rơ-nê. Trong lớp, đứa nào cô cũng biết nhà, biết cả tính tình và học lực, chỉ trừ thằng Rơ-nê, vì nó mới vào học một tuần nay, mà lúc nào nó cũng len lét như sợ sệt, đi học thì rất trễ mà ra về thì chạy ù như sợ ai đuổi. Hôm nay vì nó chậm trễ nên cô mới có dịp gặp nó, hỏi thăm về nó. Cô giáo hỏi chuyện nó thật nhiều. Tôi đi đàng sau, bỗng nhiên thấy tức tối thế nào! Tại sao cô giáo lại hỏi han thằng tây lai? Cô không ghét nó ư? Cô đã dạy chúng tôi những bài Việt sử, kể những giai đoạn đầy máu và nước mắt, khiến chúng tôi căm hờn thực dân vô hạn. Thế mà sao cô lại dịu hiền với thằng Rơ-nê, thằng tây lai, thằng mà chúng tôi đã ghét ngay từ hôm đầu? Chúng tôi cay thằng Rơ-nê lắm! Cái mặt tây lai mắt xanh mũi lõ trông mà ghét. Mà lúc nào nó cũng nhìn chúng tôi như chọc giận vậy. Chúng tôi đã nói với nhau có ngày cũng sẽ đánh cho nó một trận. “Chúng tôi sẽ rửa nhục!”, cái nhục mà mỗi giờ Việt sử cô giáo mỗi nhắc lại, mỗi đè nén trong lòng chúng tôi một mối căm hờn kỳ lạ, đang chờ dịp bùng lên. Thằng Rơ-nê sẽ là cái đích cho chúng tôi “rửa nhục”.

Rơ-nê vừa chào cô giáo để rẽ vào một ngõ hẹp. Cô giáo lên xe đạp đi. Và tôi, tôi cũng trở về trong xóm nghèo của tôi. Vào đến nhà, tôi vẫn miên man suy nghĩ. Tôi đang moi óc tìm kế gây sự với thằng Rơ-nê. Cả bọn chúng tôi phải gây sự với nó, phải đánh nó để… “rửa nhục” (!)

2
Chúng tôi ở nhà Thụy đi ra. Trọn buổi chiều nay chúng tôi tụ họp tại nhà Thụy để xem cuốn Quốc sử của nó. Cuốn sách thật dày, có bài học và tranh vẽ hoặc ảnh chụp các vị anh hùng Việt Nam. Chúng tôi xem say mê, bàn tán đến ồn. Xem mỗi trang, trí tôi lại nghĩ đến thằng Rơ-nê. Tôi ghét nó quá! Gặp mặt nó tôi chỉ muốn đánh. Nhưng nó to con, tôi ngán. Tôi muốn cả bọn chúng tôi cùng đánh nó, cùng “rửa nhục” với nhau. Thế nên khi xem xong cuốn Quốc sử, tôi đề nghị cả bọn ra đầu ngõ, nơi có những xe phở, xe mì, người ăn uống tấp nập để bàn chuyện về thằng Rơ-nê. Cả bọn bằng lòng. Chỉ có Thụy từ chối. Nó còn phải phụ mẹ nó mang hàng về và phải học bài ngày mai. Chúng tôi rất phục Thụy. Nó học giỏi và đàng hoàng nhất lớp, chắc nó không dự vào việc của chúng tôi đâu. Không một ngày nào nó xao nhãng việc học hành. Cuối năm nay thế nào nó cũng đậu vào lớp sáu trường công. Từ ngày được cô giáo giúp đỡ tiền học, nó lại tỏ ra chăm hơn. Nó làm việc gì cũng cẩn thận, suy nghĩ chín chắn, được cô giáo khen luôn. Nó không thù thằng Rơ-nê như chúng tôi, nên vắng mặt nó cũng không sao. Thế là chúng tôi kéo nhau ra đầu ngõ. Trời đã gần tối. Khu đất trống lâu nay biến thành nơi ăn uống sáng lên với đèn điện giăng đầy. Chúng tôi đứng tụ tập bên xe nước mía. Cả bọn nhìn tôi, chờ đợi. Tự nhiên tôi cảm thấy mình quan trọng hẳn lên như một “lãnh tụ” trước mặt đàn em. Tôi nuốt nước bọt, làm ra vẻ bí mật, giọng tôi hạ thấp:

– Phải cho thằng Rơ-nê một trận chúng mày ạ!

Hùng tiếp lời tôi:

– Thằng Hải nói đúng. Tao ghét thằng Rơ-nê lắm cơ!

Cả bọn nhao nhao:

– Tao cũng vậy, tao căm thằng đó lắm.

– Ừ, cái mặt dễ ghét! Cái mặt thực dân!!

“Thực dân”! Tôi nghe giận sôi trong lòng. Đôi mắt xanh lè, chiếc mũi lõ và mái tóc quăn màu đỏ hung của Rơ-nê hiện ra, khiêu khích tôi. Thằng Vàng nóng ruột:

– Thế… “trị” nó bằng cách nào hở mày?

Tôi cau mày suy nghĩ. Thằng Tài đưa ý kiến:

– Nó ngồi gần tao. Nó hay xin “cọp-dê”. Để ngày mai tao giả vờ cho nó “cọp-dê” , rồi tao thưa cô, cho cô đánh nó, phạt nó quỳ.

Sơn gạt đi:

– Không được. Phải tự tay mình đánh nó mới là “rửa nhục”.

Tôi gật gù. Đúng, phải tự tay đánh nó! Phải tự tay tôi nắm lấy tai nó, nhéo một vòng, cho đến khi nó chảy nước mắt. Phải tự tay tôi nắm lấy tóc nó, giật mạnh cho nó kêu rú lên. À! Tôi sẽ lấy kềm vờ kẹp vào móng nó, dọa rút móng nó, cho nó lạy lục xin tha mới được. Tôi phải chơi trò thực dân với “thực dân”. Ôi những trò tra tấn dã man mà tôi chỉ thấy trong sách, chỉ nghe cô giáo kể cũng đã thấy rợn người, tôi sẽ mang ra dọa thằng Rơ-nê, kẻ thù số một của tôi. Mà phải gây sự thế nào, để được đánh nó một cách đường hoàng, không để cho nó kêu oan. Khó lắm! Đánh bạn học, đó là điều mà cô giáo luôn luôn ngăn cấm. Đánh kẻ yếu – chúng tôi đông mà! – lại là việc hèn hạ lắm, cô giáo vẫn bảo thế. Cô sẽ không tha chúng tôi nếu cô thấy chúng tôi uy hiếp thằng Rơ-nê. Cô lại sẽ giảm lòng yêu thương chúng tôi, nếu cô biết rằng chúng tôi lập mưu đánh thằng bạn mới.

Hết đứa này đến đứa khác đưa ra cách này, cách nọ. Tôi chẳng thấy cách nào ổn thỏa. Thù thằng Rơ-nê, nhưng chúng tôi lại không muốn mất lòng tin của cô giáo. Cô vẫn bảo rằng người Việt Nam giàu lòng nhân đạo, và cô lại tin tưởng ở lòng nhân đạo đó trong chúng tôi nhiều hơn nữa. Nhưng gác lòng nhân đạo qua một bên, chúng tôi vẫn oán thù thằng Rơ-nê lắm, hay đúng hơn, chúng tôi oán thù thực dân. Thực dân đâu có nhân đạo. Thực dân tàn ác lắm, đọa đày nước ta đến cả thế kỷ. Thực dân hủy diệt của chúng ta biết bao giá trị thiêng liêng, hủy diệt nhân tài của chúng ta, giết dân ta, làm dân ta đói. Thực dân về nước đã lâu, nên chúng tôi chỉ thấy thằng Rơ-nê trước mắt.

Nắng đã gần tắt. Chúng tôi còn đứng với nhau, chưa tìm được một kế nào. Tôi nghe tiếng mẹ thằng Sơn réo gọi nó đàng xa. Thằng Sơn tách khỏi chúng tôi, ù chạy về nhà. Tôi bảo:

– Thôi, tụi mình về cho rồi. Để tao nghĩ lại, tao tìm cách khác cho hay. Ngày mai họp lại, rồi tao chia việc cho tụi mày. Nhất định “trị” thằng Rơ-nê.

Câu nói của tôi “nhất định trị thằng Rơ-nê” được lập lại trên cửa miệng của từng đứa. Chúng tôi chia tay. Tôi rẽ vào ngõ xóm, vừa đi vừa nghĩ ngợi. Tôi dừng lại trước cây trứng cá to, dõi mắt nhìn lên tìm xem có trái không. Và khi tôi nhìn xuống, tôi chợt nghe nổi gai ốc khắp người. Mặc dầu trời gần tối, nhưng tôi cũng thấy rõ cái cảnh ghê rợn ấy. Dưới gốc cây trứng cá, cách chân tôi vài bước, một đống đất sủi lên, to bằng cả cái mâm, trên đó những chấm nhỏ đỏ hoe đi động âm thầm. Ổ kiến lửa!!! Tôi sờ cánh tay: tay tôi “nổi da gà” cả lên. Tôi nhìn ổ kiến lửa. Thật vô phúc cho ai giẫm phải chỗ ấy. Và… tôi nghĩ ra rồi! Tôi vừa thấy lóe lên một mưu kế. Ổ kiến lửa! Thằng Rơ-nê!!!..

3
Bỗng nhiên tôi nghe tim đập thật mạnh. Tôi hồi hộp quá! Lần đầu tiên tôi sắp đặt một cuộc “rửa nhục”. Kế hoạch đã xong xuôi tất cả. Chúng tôi chỉ còn đợi giờ về. Suốt bốn giờ học tôi không thấy chú ‎ý vào bài một chút nào. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn sang thằng Sơn mỉm cười. Rồi cả hai chúng tôi cùng nhìn xuống chỗ Rơ-nê. Nó vẫn vô tình chăm chú nghe giảng bài. Nó không hề biết rằng nó sắp bị “trả thù”, bị một hình phạt ghê gớm để đền tội thay cho “cha ông” của nó.

Khi tiếng chuông reo vang, đợi cô giáo vừa ra, tôi và thằng Sơn chạy trước chúng bạn. Thằng Sơn sẽ đợi ở đầu ngõ nhà tôi. Tôi đi sau, chậm rãi đợi Rơ-nê. Hôm nay Rơ-nê lại được cô giáo hỏi chuyện. Tôi phải đi thật chậm, và thỉnh thoảng giả vờ cúi xuống sửa quai giày để cô giáo khỏi nghi ngờ. Đến khi cô giáo lên xe đạp đi, tôi đứng hẳn lại, vẫy Rơ-nê:

– Này Rơ-nê! Lại đây đi với tớ cho vui.

Rơ-nê tỏ một nét ngạc nhiên trên mặt, nhưng nó vẫn đến gần tôi. Tôi khen:

– Bồ có cái mũ ngộ quá nhỉ!

Rơ-nê đỏ mặt sờ lên chiếc mũ đội trên đầu, chiếc mũ màu “nhà binh” bạc phếch, có lẽ lượm được ở đâu. Tôi giả vờ hỏi thế, chứ chiếc mũ này – chúng tôi chú ý từ sáng – đã nằm trong kế hoạch của chúng tôi rồi. Rơ-nê cười gượng:

– Của má tôi lượm ngoài chợ đấy Hải à!

Tôi đoán không sai mà! Thì ra Rơ-nê cũng chẳng giàu có gì! Mà thật, hầu hết bọn học trò chúng tôi, bọn học trò của ngôi trường nghèo, của cô giáo nghèo, cũng chẳng giàu có gì. Tôi lơ chuyện ấy, hỏi sang các chuyện khác. Tôi giả vờ khéo lắm. Tôi gắng nói với nó bằng giọng ngọt ngào thân thiết, mà kỳ thật tôi muốn tát tai nó ngay. Tôi gắng đóng kịch thêm một tí, và giây lâu tôi lại thấy bóng thằng Sơn thấp thoáng đàng xa.

Tôi hỏi Rơ-nê:

– Nhà bồ ở đâu?

Rơ-nê không đáp. Nó muốn giấu tôi chăng? Tôi lại hỏi:

– Ba má bồ làm nghề gì?

Nó đáp thật nhỏ:

– Má tôi bán rau ngoài chợ. Còn ba tôi… không biết.

Rơ-nê cúi đầu. Tôi nghe được một tiếng thở dài. Hai đứa yên lặng đi. Tôi nhìn sang nó. Dáng nó trông buồn buồn. Mái tóc quăn đỏ hung không nhét hết trong chiếc mũ lượm mót phủ xuống vầng trán nó, che tối cả đôi mắt xanh. Tôi lại nhìn đàng trước. Sắp đến ngõ nhà tôi rồi. Thằng Sơn đứng sẵn ở kia. Rơ-nê bảo tôi:

– Mai Hải cho tôi mượn vở toán nhé!

Tôi do dự rồi gật đầu đại. Rơ-nê ấp úng:

– Hải… chỉ lại bài cho tôi, tôi… không hiểu bài gì hết.

Tôi lại gật đầu. Rơ-nê nhìn tôi, đôi mắt biết ơn. Tự nhiên nó nắm tay tôi, nói:

– Thôi, tôi về nhé! Nhà tôi trong ngõ này.

Không hiểu sao tôi đứng im như tượng đá. Tôi không trả lời, cũng không tỏ vẻ gì hết. Tôi nhìn theo Rơ-nê. Nó sắp rẽ vào ngõ nhà nó…

Bỗng thằng Sơn, từ sau một chiếc xe vận tải đang dừng, chạy ra. Sơn lại sát bên Rơ-nê, giật mạnh chiếc mũ trên đầu nó, rồi chạy vụt đi. Rơ-nê kêu lên:

– Ê Sơn! Chơi gì kỳ vậy? Trả mũ đây!

Thằng Sơn nhỏ con, chạy mau như thỏ. Nó quẹo vào ngõ nhà tôi. Tôi chạy theo. Sơn chạy đến gần cây trứng cá. Nó nhắm một cành cây gãy mà tôi đã chọn, ném chiếc mũ lên. Nó ném thật hay, chiếc mũ bị móc ở đầu cành đong đưa. Mưu kế được thi hành không sai một tí. Thằng Sơn nhìn tôi, cười, và nó chạy đi – nó chạy đi gọi bọn thằng Hùng, thằng Vàng…

Tôi bỗng nhìn cây trứng cá, nhìn chiếc mũ tòn ten, nhìn ổ kiến lửa dưới gốc cây. Và tôi ngoái đầu nhìn phía sau. Rơ-nê chạy theo gần đến. Thân hình dềnh dàng của nó làm nó chạy chậm lại, thở mệt mỏi. Nó chợt nhìn thấy chiếc mũ của nó tòn ten trên cây trứng cá. Nó chạy vội đến. Tự nhiên tôi nhắm mắt lại. Cành cây cao không quá đầu người.. Rơ-nê sẽ hấp tấp đến đó, đứng dưới gốc cây với tay lên lấy mũ xuống. Chân nó sẽ giẫm vào ổ kiến lửa… Ổ kiến lửa rộng bằng một cái mâm, những chấm nhỏ đỏ hoe di động trên đó… Kiến lửa sẽ bò lên chân Rơ-nê… Rơ-nê sẽ hét lên, nó sẽ đau đớn và hãi hùng… Hình ảnh đó lóe thật nhanh trong óc tôi. Ôi kiến lửa! Kiến lửa của lũ học trò quái ác… Tôi mở mắt ra như thoát khỏi một cơn mê. Trong phút giây, tôi thấy Rơ-nê tội nghiệp quá. Thằng Tây lai, thằng “thực dân”, thằng “kẻ thù số một” của chúng tôi… tất cả không còn. Tôi chỉ thấy nó là một người, một thằng người biết đau đớn như tôi. Nó đã chạy đến gần cây trứng cá. Cành cây gãy có mang chiếc mũ của nó giơ ra như cánh tay vượn. Tôi hét lớn:

– Rơ-nê! Ngừng lại!


Không đợi nó ngừng lại, tôi phóng đến kéo lui nó ra sau. Cả hai đứa tôi ngã xuống. Rơ-nê lồm cồm ngồi dậy, ngạc nhiên. Nó nhìn tôi. Tôi nói hổn hển: 
 
– Có… có ổ kiến lửa… dưới gốc cây kìa!

Rơ-nê nhìn theo. Nó kêu lên kinh hãi. Tôi nhìn nó, rồi chợt tôi nghe buồn buồn trên mắt. Tôi nghĩ đến cô giáo. Cô giáo! Cô vẫn tin tưởng vào lòng nhân đạo ở bầy học trò của cô. Cô luôn luôn tin như thế. Ôi, chúng tôi có lỗi với cô giáo vô vàn. Chúng tôi vô lý‎, nông cạn, và suý‎t chút nữa chúng tôi làm một việc tàn nhẫn. Rơ-nê nhìn tôi như muốn cám ơn. Đáng lẽ nó phải rất oán hận tôi chứ! Tôi cúi đầu, nước mắt tôi trào ra. Rơ-nê vẫn chưa hết xúc động. Tự nhiên tôi đến gần nó, nắm chặt lấy tay nó. Rưng rưng, tôi nhìn lên cây trứng cá, cành cây gãy mang chiếc mũ của Rơ-nê giơ ra như cánh tay vượn.


Nguyễn Thị Mỹ Thanh


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 109, ra ngày 1-7-1969)


Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG CUỐI


xưởng thép tôi không phải làm việc đến mệt lử, nhưng vì không phải sở thích nên tôi khổ sở vô cùng. Xưởng chuyên sản xuất các máy móc cho tàu bè và những ống bơm hút để xuất cảng. Tôi bắt đầu học việc trong xưởng đúc. Trong nhiều tháng, phận sự tôi là mài rồi chà rửa bằng bàn chải thép những thỏi gang nguyên. Công việc khó khăn này làm hư hai bàn tay ưa tìm tòi nghiên cứu của tôi.

Jamie tốt bụng, hễ có dịp là tìm cách giúp tôi, song vì vốn có liên hệ họ hàng cho nên sự ưu đãi này có thể gây bất mãn trong xưởng. Chỗ làm việc của tôi gần mấy khuôn cát, nơi người ta đổ sắt, thép nấu chảy vào. Sức nóng nhiều khi làm tôi chịu không nổi và những hôm có gió, cát bay tung tóe khiến tôi ho sặc lên.

Ít lâu sau, tôi được chuyển sang xưởng máy, tại đây người ta dùng nhiều máy để đánh bóng thỏi gang. Tiếng đe búa và máy đùng đùng, xình xịch không ngớt. Các bạn cùng lứa tôi đều vui tính, họ say mê đá bóng, đua ngựa và chuyên khoe thành tích tán gái. Sau bốn năm học việc, một số sẽ xin làm thợ máy trên tàu và một số khác ở lại làm trong xưởng.

Công bình mà nói, ban đầu tôi cũng muốn kết bạn với họ, vì tôi đang cần tình bạn, song bản tính nhút nhát, vụng về tôi thấy thật khó khăn. Vài bận tôi đi chơi với họ, song những câu chuyện của họ, ồn ào và sôi nổi về đức tính một con chó săn và giải thưởng cho con ngựa thắng cuộc đua không bao lâu làm tôi đâm chán. Trời ơi! Tôi ao ước có một người bạn như Gavin để bàn về sách vở, nhạc, về những tư tưởng mới thường cuốn hút, hấp dẫn tôi và đồng thời làm tôi sờ sợ. Với các đồng nghiệp này, mỗi khi tôi đá động đến vấn đề, họ liền cho tôi lên mặt trí thức, thế là tôi im ngay.

Nhờ có họ với Jamie và bản tính trầm lặng – một đức tính được yêu chuộng ở Tô Cách Lan – tôi vừa lòng hầu hết mọi người. Vả lại tuy không yêu việc, tôi vẫn là người chăm chỉ, phải cái đây không là sở trường của tôi. Mỗi lần nghĩ đến hàng năm, hàng năm dài trôi qua như thế, tôi nản tột cùng.

18 tháng ròng trôi qua và tôi cảm thấy sức chịu đựng hao mòn. Bề ngoài tôi tỏ vẻ bất cần, nhưng thú thật lòng tôi hết cả can đảm và kiên nhẫn. Tôi sẽ không bao giờ được nghiên cứu, tìm tòi để đạt tới mục đích như xưa kia từng đã vạch ra sao?

Tôi vừa đi vừa miên man suy nghĩ và về đến nhà không kịp nhận ra. Trên bàn ăn, ba thận trọng trải lớp mác-ga-rin trên lát bánh. Ông lơ đãng đón tôi bằng cái gật đầu.

Tôi đi thẳng ra sau rửa mặt, rửa tay trong khi bà cố nhanh nhẹn, lặng lẽ dọn bữa ăn cho tôi, thức ăn được giữ nóng trong lò.

Nhìn đôi bàn tay khéo léo của bà, tôi chạnh nhớ đến mẹ, linh hồn của gia đình đã mất rồi. Vâng! Tôi quên kể cho các bạn biết thêm một hạt trong chuỗi dây bất hạnh của đời tôi: mẹ đã mất rồi!


Một buổi chiều đông, cơn đau tim bất ngờ đã chấm dứt cuộc sống của mẹ sau một trận cãi vã kịch liệt với ba về bức thư của cậu Adam. Mẹ, từ lâu vẫn lặng lẽ không nói cho ai hay là mình mang chứng đau tim. Chao ơi! Bây giờ đây mỗi khi nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận vì đã không mảy may chú ý khi thấy mỗi lần mệt hay giận, mẹ thường đặt tay lên ngực trái như muốn đè nén một cơn đau hay nâng nhẹ quả tim suy yếu.

Hôm đó, khi bước vào phòng khách, tôi thấy mẹ đang ôm ngực, thở hổn hển và gương mặt xám xanh. Tôi kinh hoàng la lên:

- Mẹ! Để con mời bác sĩ, trông mẹ yếu nhiều...

- Đừng! Đừng chọc giận ba con thêm...

Mẹ nói bằng giọng khó nhọc, khổ sở.

- Không! Mẹ đau nhiều, con biết mà!

Tôi nói và hộc tốc chạy tìm bác sĩ. Khi tôi và ông vô nhà, mẹ đã ngất rồi. Thăm mạch xong, bác sĩ nói bằng giọng lạnh băng, tàn nhẫn:

- Muộn rồi!

- Mai bác sĩ có trở lại không?

Ba hỏi giọng yếu ớt. Ông lo lắng thực đó. Song ông còn lo tốn tiền hơn!

- Chắc chắn là không. Ngày mai, bà sẽ hết thở. Tôi không đòi khám nghiệm xác là may cho ông rồi.

Tôi nghẹn ngào nghĩ đến thi thể mẹ nằm trên bàn đá trong nhà mồ...

Nhiều tuần trôi qua... Còn ba?

Ba rất hãnh diện về số tràng hoa phúng điếu. Và ông còn phàn nàn không ngớt về điều bà dám cả gan bỏ ông mà đi trước.

Tôi rất ngạc nhiên thấy với tính keo kiệt đặc biệt của ông mà sao ông không bán đồ dùng của mẹ tôi. Mỗi chiều chúa nhật ông vào phòng bà, lấy vài cái áo trong tủ ra, chải cẩn thận rồi treo lên móc, dáng bộ tẩn mẩn thật đáng thương. Lần thứ nhất kể từ lâu lắm, tôi thấy ông đáng thương. Tôi tin là ông cảm thấy thiếu bà.

Tôi cũng vậy. Mẹ luôn luôn bận rộn công việc, phục dịch cho cả nhà từ trẻ đến già. Mẹ cố gắng làm những gì có thể giữ vững liên lạc gia đình, xoa dịu những cơn thịnh nộ của ba, bù đắp các thiếu thốn do tính keo kiệt của ba. Mẹ cố giữ thể diện trước khách lạ. Tôi mang ơn mẹ nặng lắm. Mẹ rụt rè, ẩn khuất nhưng cao thượng biết bao. Phải! Mẹ không toàn thiện. Những nỗi lo lắng về tiền bạc, về nỗi chịu đựng thầm lặng làm bà hay cau có.

Nhiều bận bà nấn ná, khất hẹn giữ lại vài shillings học phí của tôi cho tận đến lúc ông Hiệu trưởng vào lớp nhìn tôi, nói to lên: "Trong lớp này còn một trò chưa đóng học phí" làm tôi xấu hổ tưởng có thể ngất đi. Vâng! Mẹ thế đấy, nhưng tôi chưa được biết người đàn bà nào cao cả hơn mẹ. Tôi buồn rầu và nhận ra rằng đã quá chậm, khi tôi hiểu tôi yêu mẹ biết ngần nào! Và cái hình ảnh mẹ hát khe khẽ khi đi Luân Đôn nghỉ hè, nụ cười tươi tỉnh hiếm có với cái khăn choàng lông thú nghèo nàn trên dây phơi trong sân nắng chói cùng một lượt hiện lên trước mắt tôi. Tôi nghẹn ngào tưởng nuốt không trôi mẩu bánh.

Xong bữa ăn tôi lên phòng thay áo đoạn ghé vào phòng ông. Gánh nặng mẹ trao lại cho tôi là ông đấy. Ông ngồi trong ghế dựa, một tay giữ cuốn sách to trên đùi. Tay kia cầm lát bánh cặp phô ma. Ông cắn miếng bánh, ngẩng lên bảo tôi:

- Robert này, thật khó tưởng tượng nhé: ruột người ta dài hơn một thước đó nghe!

Bây giờ ông tôi có vẻ thích thú môn y học. Từ lâu rồi, ông Mc Kellar đã ngừng giao tài liệu cho ông chép – dù chữ ông hơi run song vẫn còn khá đẹp. Rảnh rang, ông viết thư kết bạn bốn phương với các bà góa và đôi khi còn làm thơ nữa.

Tóc ông giờ trắng xóa như gòn. Thân thể cường tráng xưa kia nay gầy đi. Áo quần rộng xùng xình, nhưng ông nhất định là mình chưa già. Không còn chơi thân với bà Bosomley nữa, ông đón đường các nữ sinh, trêu chọc họ bằng đôi câu chuyện chớt nhã. Và, bạn thân mến ơi! Ông vẫn không chừa thói khoe khoang những thành tích tưởng tượng của mình.

Lâu lâu, ông đấm cái ngực lép xẹp của mình, tuyên bố lớn lối:

- Đây, cây cổ thụ chính gốc Tô Cách Lan! Ta mà ứng cử Hội đồng Thị xã đó nghe Robert, thì ta đắc cử liền!

Cũng may là nói xong ông cười khà nên tôi biết ngay ông chỉ nói đùa.

- Ông ơi!

- Cái gì đó?

Tôi chờ cho ông ngẩng lên hỏi và lợi dụng tính ưa nịnh của ông, tôi nói:

- Ông ơi! Con muốn đi nghe hòa nhạc. Con biết ông tự trọng, không làm điều gì tệ bậy, nhưng con muốn ông hứa với con là tối nay không ra khỏi nhà. Có vậy, con mới yên tâm.

- Dĩ nhiên! Dĩ nhiên! Yên tâm đi con trai! "Danh dự trên hết!" Tin ta đi!

Tôi hài lòng đi xuống, để ông yên với "những bệnh của ruột non".

*

Đã khuya lắm rồi vào một đêm cuối tháng 7, không còn che giấu được nữa: ông sắp mất. Hôm qua, ngày thứ bảy, tuy không được khỏe mà ông cứ nằng nằng đi dự cuộc triển lãm hoa của cậu Murdoch. (Cậu được huy chương bạc về giống hoa cẩm chướng mới, do cậu gây giống). Và ông ngất nửa chừng, đưa về nhà ông nằm liệt luôn. Bác sĩ quả quyết ông không vượt qua lần này. Thần chết lảng vảng đâu đây, khắp gian phòng người bệnh. Cả nhà sống trong bầu không khí chờ đợi căng thẳng.

Dưới phòng khách, cậu Murdoch, Jamie thì thầm trò chuyện với ba. Dì Kate cố giữ cho cháu bé đừng làm ồn. Trong bếp, bà cố nhón chân đi lại, trông chừng mấy vỉ bánh nướng. Lúc đêm đổ xuống, mọi người rút lui. Không ai phản đối khi tôi đòi thức canh chừng ông.

Sự im lặng bao trùm nặng chĩu, dù tôi đã mở rộng cửa sổ, đêm tối mịt, sức nóng không làm dịu bớt sự nặng nề. Ông nằm ngửa, không rên rỉ, thở rất yếu. Khuôn mặt hóp, thân thể gầy nhom. Trước khi ngủ, bà cố đã vào lau mặt cho ông và chải bộ râu trắng xóa.

Tôi vừa buồn rầu vừa tự an ủi là ông sắp được giải thoát. Đã đến lúc làm tổng kê đời ông. Phải chăng đấy là lúc đáng sợ trước khi ra đi vĩnh viễn mà mọi người trước sau ai cũng trải qua?

Người đàn ông này đã phạm nhiều lầm lỗi, có bao nhiêu hành động lố bịch, điên rồ? Không ai biết rõ hơn tôi những yếu đuối, những bướng bỉnh của ông. Tôi cũng lo sợ mà cảm thấy tôi, đứa con trai cuồng nhiệt và buồn bã đã thừa hưởng của ông tôi chút tính tình. Rồi tôi lại thích thú mà nhận lấy những xung động ngầm này, vì cũng giống như ông, tôi từ chối nhắm mắt tuân theo các quy ước sắp sẵn. Ông tôi còn những đức tính đáng kể, ông khinh bỉ sự hẹp hòi, có lòng đại lượng, lòng nhân ái. Chao! Những đức tính này há không bù lại những lỗi lầm nhẹ của ông sao?

Ngồi trên đầu giường ông, tôi thiu thiu ngủ. Đồng hồ chợt đổ ba tiếng kéo tôi ra khỏi giấc mơ. Hơi thở ông càng yếu, báo hiệu cái chết gần kề. Thình lình, bà cố tôi mở cửa, tay cầm giá nến bước vào. Do bản năng, bà đoán được cái chết đã đến. Trong giây phút nghiêm trọng này, bà không bảo tôi đọc to một đoạn Thánh kinh. Bà nhìn người hấp hối, rồi lặng lẽ ngồi xuống cái ghế mây tôi vừa đem lại cho bà. Tôi đứng lên, lại bên cửa sổ. Nghe tiếng lá cây chạm nhau xào xạc, tiếng chim đập cánh, thấy bóng mấy cây dẻ lờ mờ in hình lên nền trời, tôi đoán bình minh sắp trở về.

Thái độ bà cố tôi thật đẹp. Trong lòng bà sự thù ghét ông tôi không còn nữa. Những tranh chấp đã làm hai người đối đầu nhau trong bao năm nay thốt nhiên xem ra ấu trĩ, không đáng lưu tâm.

Những tháng sau này, sức khỏe ông tôi càng mong manh thì bà càng xử tốt. Bà chăm sóc cho ông tận tình, không phải vì thương hại mà vì bà hiểu sự thù ghét lúc này sẽ làm cho bà thấp hèn, bất xứng.

Giây phút cuối cùng... một người ra đi. Cái chết của một người trẻ trung khỏe mạnh là một điều ghê sợ, đáng tiếc. Nhưng ông cố tôi mòn mỏi quá đi rồi, một con thuyền mong manh cũ nát rời bến không chút khó khăn, chấn động. Bà nhìn tôi gật đầu nhẹ và làm dấu thánh giá đoạn đứng lên.

Sau đó, bà cột một giải băng dưới cằm ông, đặt hai đồng tiền lên hai mi mắt khép kín – một tục lệ của nông dân vùng này – Tôi buồn vô hạn khi nhìn khuôn mặt lạnh cứng của người vừa tắt thở. Ông cố tôi đã về một nơi đầy ánh sáng hay bóng tối? Song chắc chắn ông không còn lỗi lầm, cuồng dại nữa. Ông đã thoát các kẻ thù của ông, kể cả kẻ thù tệ hại nhất, là chính ông.

Bà bảo nhỏ tôi đóng kín cửa sổ lại. Đêm đã tàn: tôi có thể thấy các cánh đồng xa xa và trên nền trời ngả xám, in bóng ba cây dẻ. Tôi thổi ngọn nến. Đột nhiên, từ một nông trại nằm lưng chừng đồi có tiếng gà gáy ó o vang dậy, tiếng gà thúc giục như thể muốn thách thức ánh lửa tàn.

*

Sau tang lễ ông cố, chúng tôi hội họp tại phòng khách uống trà. Lễ tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng cũng không long trọng lắm nhưng cũng đủ lễ nghi. Luật sư Mc Kellar cũng đến với chúng tôi. Ông đến vì một nguyên do: số tiền hãng bảo hiểm trả lại sau khi ông cố nhắm mắt.

Theo lời luật sư Mc Kellar số tiền lên đến 789 livres, 7shillings, 3 pences chẵn. Một số tiền khá lớn. Ba và Adam chói mắt trước khi nhận được. Tôi chợt nhớ đến ông cố: ông cho đây là một trò bịp bợm và từng cấm tôi nhắc đến trước mặt ông. Cảm ơn Thượng đế: ông cố tôi không còn đây để nghe ba cố lấy giọng bình tĩnh (mà vẫn cứ run) để hỏi ông Mc Kellar:

- Thế bao giờ thì ông có thể trả tiền cho chúng tôi?

- Ngay tức khắc.

Viên luật sư đáp. Rồi ông thong thả rút giấy tờ trong túi áo ra:

- Đây, tờ bảo hiểm nhân mạng số 57430 mang tên Alexander Gow. Và đây là di chúc ông cụ. Tôi đọc to cho quý vị nghe.

- Thôi, khỏi cần! Lúc làm di chúc có mặt tôi, tôi thuộc lòng rồi. Khỏi!

Adam bắt đầu sốt ruột, gạt phăng đi (chắc cậu vừa sốt ruột vừa ghét cái vẻ trang trọng của ông Mc Kellar). Ông Mc Kellar cố giấu vẻ bất bình, giọng thản nhiên:

- Thủ tục buộc tôi phải đọc cho quý vị. Không dài lắm đâu ạ!

Ba giảng hòa:

- Vâng, ông cứ đọc.

Mc Kellar mang kính vào rồi chậm rãi đọc di chúc cho mọi người nghe. Di chúc thật rõ ràng, đơn giản: ông cố để lại tất cả tiền bạc cho mẹ, trường hợp mẹ chết trước thì thuộc quyền thừa kế của ba...

- Tốt lắm! – Ba xoa tay thở dài một cách hài lòng – Mọi việc đều đúng luật.

- Chưa hết đâu, thưa ông...

Mc Kellar kêu to lên thình lình, nắm tay đập lên bàn làm mọi người cùng kinh ngạc, lặng im chờ đợi. Luật sư đưa mắt nhìn hết mọi người, rồi cúi xuống tờ di chúc, một nụ cười nở nhẹ trên môi ông ta, xem ra ông có vẻ thích thú vì đã đến lúc tiết lộ sự bí mật quá lâu.

Rồi đột nhiên, tia nhìn của ông ngừng lại khi bắt gặp mắt tôi, ông có vẻ ân cần và tiếp:

- Còn bản bổ chính tờ di chúc, bản này viết tay ngày 20 tháng 7 năm 1910.

Tôi cố nén để khỏi kêu to lên một tiếng: ngày 20 tháng 7! Ngày đau đớn nhất đời tôi: hỏng thi, bạn chết! Ngày ghi khắc sâu trong tim óc của tôi... không nhòa nhạt.

Tôi cố để lắng tai nghe. Ông Mc Kellar nhấn mạnh, từng tiếng một:

- Hôm đó, ngày 20 tháng 7, Dandie Gow đến văn phòng tôi (tôi xin được gọi ông ấy là Dandie, dù ông có nhiều lầm lỗi trong đời, tôi vẫn hãnh diện gọi ông bằng cái tên thân mật ấy, vì tôi xem ông như người bạn). Ông hỏi tôi xem có thể thêm bớt gì trong tờ bảo hiểm nhân mạng của ông không. Chúng tôi đã bàn cãi kỹ càng, lâu lắm. Và đi đến kết luận là cho đến mỗi trinh nhỏ trong số tiền to lớn ấy đều sẽ thuộc về đứa con trai ngồi đây: Robert Shannon! Để nó có thể học Y khoa ở Đại học Winton. Tôi sẽ là giám hộ.

Im lặng rợn người. Tôi tái mặt, cổ nghẹn khô, tim thắt lại. Từ lâu, từ lâu rồi tôi cam chịu số phận đen tối này không còn dám mơ mộng, tin tưởng gì nữa đến việc được học Y khoa... Ba rên rỉ:

- Không, ông ấy không có quyền sửa chữa như thế.

Nụ cười trên môi ông Mc Kellar có vẻ mỉa mai:

- Tại sao không? Không có luật lệ nào cấm ông ấy thay đổi ý kiến về quyền thừa kế trong tờ di chúc. Việc này đúng luật.

Ba nhìn Adam tuyệt vọng, Adam hầm hầm mặt:

- Chắc mẹ muốn thế. Nhưng theo tôi, lúc đó ông không được sáng suốt...

- Khi ông Gow viết bản bổ chính cách đây ba năm, ông còn khỏe lắm, y như tôi và cậu vậy, Adam ơi!

- Tôi chống lại điều này! Tôi sẽ kiện! – Giọng ba nghẹn ngào – Tôi sẽ kiện! Rồi ông xem!

- Cứ làm những gì ông muốn! Cứ kiện đi!

Lần này vị luật sư không cười nữa mà nhìn ba và Adam bằng tia nhìn thách thức:

- Các người cứ kiện, tôi sẽ đứng ra biện hộ cho Robert Shannon. Và ông Leckie này! Ông nên nhớ ông sẽ ở vào tình trạng không mấy tốt đẹp. Ông sẽ tiêu tan cái hy vọng giữ chức Giám đốc Thủy cục, tôi cho ông hay trước đó!

Mc Kellar ngừng lại một lúc, thích thú vì vai trò mới mẻ của mình, vai trò khá gay go sau nhiều năm nhàm chán vì công việc không hứng thú:

- Vợ ông không hề mong được thừa hưởng số tiền bảo hiểm này, dù là tự tay bà đóng góp phần lớn mỗi tháng. Còn ông Gow, bạn già của tôi cũng không hề đụng đến một trinh con. Nguyện vọng chính đáng cuối cùng của ông ấy là số tiền đó được sử dụng một cách ích lợi, công bình. Tôi quyết thực hiện ý muốn đó, nếu không, tôi không còn là Mc Kellar nữa, thưa ông!

Chúa ơi! Có thể như vậy sao? Ông cố tôi đã di tặng ân huệ cuối cùng và tuyệt vời này cho tôi? Vậy mà bao nhiêu năm tháng không hé răng nói ra một tiếng nào cho tôi biết. Không tiết lộ ý định để tôi có thể cảm ơn ông! Cao quý biết chừng nào! Hai má nóng bừng, mặt cúi gầm, hơi thở đứt quãng, tôi ngồi lặng... Bỗng tôi cảm thấy bàn tay êm dịu của dì Kate đặt lên vai:

- Dì không biết mọi người nghĩ sao, chớ phần dì, dì chịu lắm! Món tiền được sử dụng rất hợp lý, không có cách nào hay hơn.

- Rất đúng! Rất đúng!

Chồng dì chen vào, hớn hở ra mặt. Chao! Dì Kate thân yêu với tính tình bộc trực nóng nảy và Jamie tốt bụng, chồng dì đều cũng tán thành. Tôi đoán là tiền trong tay họ sẽ trở nên sạch sẽ hữu ích, con họ chắc nên người dễ dàng hơn tôi nhiều.

Murdoch sáng ngời mắt, tán đồng trong lặng lẽ.

Ông Mc Kellar thu xếp giấy tờ, đứng dậy nói với tôi:

- Ngày mai, ta chờ con ở văn phòng lúc 10 giờ. Bây giờ, đi với ta một đoạn đường. Thở chút không khí thoáng mát xem, tốt lắm, Robert!

Tôi rời gian phòng khách khó thở. Vẫn còn bàng hoàng. Thần kinh căng thẳng quá mức gần như không chịu đựng nổi.

Song vừa bước ra đường vắng, tôi bình tĩnh trở lại ngay. Bước chân tôi và luật sư Mc Kellar vọng lại tai tôi rõ ràng, mạnh dạn đầy tin tưởng.

Tôi gọi thầm hai tiếng: "Ông ơi!".


Sàigòn 23 tháng 9-72  
MINH QUÂN – MỸ LAN

CHƯƠNG HAI MƯƠI _NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG HAI MƯƠI


Một buổi chiều tháng hai, tôi từ xưởng thép ra về, gót giày đinh nện mạnh lên nền đất cứng. Tôi gặp Luke, con dì Kate đang chờ ba má nó ở cổng. Đội cái két xanh dương, mặc đồng phục trường học, vẻ hãnh diện của đứa con trai mới đến trường lần đầu làm tôi bồi hồi tưởng nhớ ngày thơ ấu của mình. Thời gian trôi thật mau, tôi nghĩ thầm. Trời ơi! Tôi đã 18 tuổi rồi!

- Robert! Cho em một đồng đi!

Thằng bé chạy lại bên tôi. Nom nó mạnh khỏe, hồng hào, hai mắt sáng ngời. Thọc tay vào túi quần nhem nhuốc, tôi tìm một đồng cho nó.

- Này, Luke! Phải nói "thưa anh".

- Thưa anh.

- Mày biết lúc bằng tuổi mày, ai cho tao tiền không?

Tôi nói như giọng một ông cụ, còn nó thì mải nhìn đồng tiền trong tay chả cần để ý lời tôi. Nhưng cần gì, trong cuộc sống nặng nề, buồn bã của tôi, cái tương lai đen tối sẽ đến với tôi không gì hứa hẹn; việc cho nó tiền mua kẹo, dắt nó đi xem đá banh chiều thứ bảy là những an ủi nho nhỏ đối với tôi.

- Ba mày sắp ra đó, Luke ơi! Chiều nay ba mày sẽ về nhà sớm.

- Để đi nghe hòa nhạc phải không anh?

Tôi gật đầu đoạn bước nhanh vào bóng tối, song nghĩ đến điều này, lòng tôi thấy vui vui, bước chân bớt nặng nề đôi chút. Tối nay, tôi sẽ khỏi ngủ gục sau bữa ăn.

*

Đó là buổi trình diễn phước thiện đặt dưới sự chủ tọa của giới chức cao cấp trong tỉnh, mục đích để gây quỹ xây cất một bệnh viện mới.

Khi tôi đến, quan khách đã khá đông, tôi chọn một ghế dưới chót tận trong một xó, lấy vẻ bất cần của một gã con trai "bất đắc chí", ngồi một mình nhìn thính giả đầy nghẹt gian phòng rộng lớn. Người ta đặt thêm ghế xúp dọc theo các tường và trang trí hoa giấy, dây băng mầu rực rỡ. Dì tôi và chồng ngồi trầm ngâm ở hàng ghế giữa. Có cả luật sư Mc Kellar. Chao! Lại có cả Jamieson, tóc đầy bi-ăng-tin bóng loáng, mặc áo cổ cao, hồ cứng ngắc đi với hai cô gái thật xinh.

Hàng thứ hai, sau ông bà Marshall và các nghị viên hội đồng tỉnh, tôi trông thấy thầy Reid ngồi cạnh mẹ Alison, cô Cramb – cô giáo dạy hát cho Alison – và một người lạ nữa, có bộ râu xám dài. Tôi nhận ra vị nhạc trưởng danh tiếng của ban hợp ca Winton. Cạnh thầy Reid còn một ghế trống, tôi hiểu là thầy dành cho tôi. Thỉnh thoảng, thầy quay lại nhìn dáo dác tìm kiếm. Lòng tôi rộn lên một chút sung sướng vì sự ưu ái của thầy đối với tôi. Song tôi vẫn cúi đầu tránh ánh mắt thầy, nhất quyết ngồi yên trong xó này như một tên bần cùng, tự ý và gàn dở tách rời khỏi mọi người thân.

Buổi hòa nhạc thành công mỹ mãn. Alison là cây đinh của buổi lễ. Mình cô đã hát 4 bản bằng cái giọng trẻ trung, cao vút. Tiếng vỗ tay cơ hồ vỡ rạp, không dứt đến nỗi Alison phải chào đi, chào lại nhiều lần và để đáp lại những tiếng hoan hô nồng nhiệt ấy, Alison hát thêm một bài nữa. Điều tôi cảm động là nàng đã chọn bài dân ca Tô Cách Lan mà tôi thích nhất. Lời ca thơ mộng, tuyệt vời như du tôi vào một cơn mơ, một thế giới chỉ có hai đứa tôi nắm tay nhau sánh bước. Tôi nhớ lại những buổi đi chơi với Alison... và xa hơn nữa, tôi nhớ lại những lần đến kèm toán cho cô bạn dễ thương cách đây đã ba năm, trước khi thi học bổng Marshall.

Khi nốt nhạc cuối cùng tắt, im lặng bao trùm gian phòng. Cả cử tọa như bị thôi miên. Rồi tiếng vỗ tay nổi lên như sấm dậy. Tôi cũng cổ võ hết mình.

Sau đó, đoàn người lũ lượt ra về. Tên Alison được nhắc trên môi mọi người. Tôi sắp ra về thì chợt có bàn tay ai đặt lên vai và giọng tức tối của thầy Reid vang lên:

- Nãy giờ trốn đâu? Báo hại người ta tìm suốt buổi...

Mặt thầy còn đượm vẻ hài lòng về thành công của Alison.

- Thưa thầy, con muốn ngồi một mình.

Thầy nhíu mày, nhìn tôi chăm chú trong khi tôi định cáo từ. Rồi thầy giữ tay tôi:

- Robert, đừng giở trò điên! Nhất là tối hôm nay. Thomas rất hài lòng tài nghệ bạn cậu, vào đây với ta, ta muốn giới thiệu cậu với ông ấy.

Không để tôi có thì giờ thoái thác, thầy lôi bừa tôi đi. Thầy có vẻ thích thú lắm. Thầy vốn say mê âm nhạc, hết lòng săn sóc cho Alison, chính điều này đã đưa thầy lại gần mẹ Alison. Chính thầy đã mời vị nhạc trưởng ca đoàn Winton đến dự lần ra mắt này của Alison.

Gần đến nơi, thầy cười hiền hòa bảo tôi:

- Alison xoay sở khá lắm. A! Họ kia rồi! Robert! Con làm ơn bỏ bộ mặt đưa đám một chút coi!

Thầy và tôi vào đến phòng sau sân khấu. Các nghệ sĩ, thân hữu và các nhân vật quan trọng của Levenford đều có mặt tại đó. Các bà trong nhóm Bảo trợ Xây cất Bệnh viện đang dọn tiệc trà.

Một đám đông vây lấy Alison. Nàng có vẻ bình thản giữa đám người ồn ào kia. Đứng lặng yên, tay vụng về cầm đóa hoa trắng, nàng lơ đãng nhìn quanh phòng như thể muốn tìm vật gì quen thuộc. Bốn mắt chúng tôi chợt gặp nhau, Alison sáng ngời mắt lên, mỉm cười với tôi.

Tôi chịu đựng khổ hình được giới thiệu với ông Thomas, ông bắt tay tôi, mỉm cười và lại tiếp tục trò chuyện với cô Cramb. Lần thứ nhất, tôi thấy cô ấy có vẻ được uống sữa chứ không phải bị uống dấm! Tôi từ chối tách trà bà Keith trao cho vì sợ đôi tay run rẩy, tôi sẽ làm vỡ tách mất. Mắt không rời Alison, tôi đứng tách riêng không buồn góp chuyện với một ai cả.

Cuối cùng, tôi cũng đến được gần nàng. Lòng vui rộn, môi khô, cổ nghẹn, dù vậy tôi cũng ấp úng mấy lời khen bạn. Alison lắc đầu, tỏ vẻ không hài lòng mấy về mình. Cô nói:

- Vậy mà tôi được mời hát trong ca đoàn Winton đó anh.

- Solo hẳn?

- Vâng!

- Ồ, thế thì tuyệt rồi.

- Mới là bước đầu thôi, anh ạ!

Alison ngẩng mặt, vẻ quả quyết, bảo tôi. Im lặng. Nhiều người cài khuy áo măng tô, cột khăn quàng cổ, sửa soạn ra về. Tôi thu hết can đảm, nói mau:

- Tối nay, tôi đưa em về, nhé?

- Tại sao không?

Alison trả lời vẻ bình thản như thường lệ, đoạn nhìn quanh, tiếp:

- Mọi người sắp về hết. Tôi lại tin cho mẹ hay.

Tối nay bà Keith thật xinh đẹp trong cái áo xám óng ả, cổ đeo vòng hạt trang nhã. Tôi nhìn Alison trao bó hoa cho mẹ, choàng măng tô vào và cột tóc bằng cái khăn voan trắng. Mẹ Alison cười với tôi, nụ cười hơi mai mỉa mất hết hảo ý như hồi trước. Tôi đỏ mặt tiến ra cửa trong lúc cô bạn nán lại chào hết mọi người. Cuối cùng Alison cũng ra với tôi và chúng tôi cùng sóng bước bên nhau. Alison bảo tôi:

- Robert, tôi tức ghê, lúc nãy tôi suýt khóc đó chứ, may mà gượng kịp.

- Đã làm sao? Lần hát ra mắt người ta sẽ thấy Alison dễ thương hơn khi Alison nhỏ vài giọt lệ vì cảm động.

- Thôi đi, kỳ cục lắm. Tôi rất ghét những kẻ lố bịch.

Tôi không cãi với bạn. Tôi bắt đầu cảm thấy giữa hai đứa có nhiều ý nghĩ khác nhau. Tính Alison dè dặt trầm tĩnh, khác tôi. Nàng không thông minh lắm và không có óc hài hước, và dù hơi chậm chạp, nàng rất thực tế. Alison cũng có tham vọng, nhưng không quá đáng và vô trật tự như tôi, nàng biết lợi dụng năng khiếu đến mức tối đa. Alison hiểu rằng nghề ca hát phải luyện tập lâu dài khó nhọc, phải hy sinh nhiều và biết chấp nhận. Bề ngoài bình thản, song dưới vầng trán nhẵn kia ẩn một ý chí sắt đá.

Mỗi bước chân bước tới làm tôi cảm thấy sắp xa Alison thêm nên run giọng:

- Alison, lên đồi một chút đi! Buổi tối trời đẹp quá...

Giọng khẩn thiết của tôi làm cô bạn gái mỉm cười:

- Trời ẩm và lạnh thế này có thể sắp mưa. Vả lại, mẹ đợi tôi, mẹ có mời vài người bạn đến nhà, anh ạ!

Cổ tôi thắt lại, trong cơn tức tối, tôi tưởng có thể chết được vì Alison thế mà nàng thản nhiên nói đến "vài người bạn" sắp chen vào giữa chúng tôi?

Tôi lầm bẩm:

- Em có thèm nghĩ đến tôi đâu? Tưởng đến chuyện phải xa em suốt mùa đông... dài dặc...

Tôi hậm hực nói vì nghĩ đến trọn mùa đông mẹ con Alison ở Ardfillan với mẹ con Louisa.

- Nghe anh nói, người ta dám tưởng Ardfillan ở đâu xa tận bên kia trái đất ấy. Dễ anh không thể đến thăm tôi hay sao? Này, sẽ có các buổi khiêu vũ và đặc biệt là có buổi khiêu vũ của các thiếu nữ...

- Thôi đi, tôi không biết nhảy.

- Thì anh hãy học đi!

- Đừng lo chuyện đó cho tôi. Alison sẽ không thiếu bạn để nhảy đâu. Tất cả bạn của hai người: của Alison và Louisa nữa.

Giọng tôi chua chát. Alison cũng không vừa:

- Cảm ơn. Hy vọng vậy. Một điều chắc chắn là họ sẽ dễ mến hơn một người.

Tim tôi muốn vỡ tung. Thốt nhiên sự tức giận nhường chỗ cho tuyệt vọng. Giọng tôi rưng rưng:

- Alison ơi! Đừng cãi nhau! Tôi yêu em biết bao nhiêu!

Alison im lặng một lúc rồi mới nói, giọng run run, âu yếm và dè dặt:

- Anh biết mà, tôi cũng yêu anh – giọng nàng thấp hơn – yêu nhiều lắm.

- Vậy sao em không đứng đây với tôi một lát?

- Tại vì em đói quá. Từ bốn giờ chiều đến giờ em đã ăn gì đâu.

Alison bật cười, nói. Hai đứa đã đến cổng.

- Sao anh không vào trong? Mọi người sắp đến rồi đó. Mẹ đãi nước ngọt. Chắc vui lắm à.

Tôi mím môi, lòng dâng tràn chán nản vì nghĩ trước đến những câu chuyện tầm thường của khách khứa, tôi sẽ khó góp lời vì nhút nhát – kiêu hãnh nữa. Trong các cuộc họp mặt loại này, tôi không biết vui đùa, nếu gượng cười lại càng nghe trống rỗng. Tôi xịu mặt:

- Mẹ em đâu có mời tôi? Vả lại, vô làm gì? Tôi không thích dự.

- Vậy chứ anh thích gì nào?

Alison dừng lại dưới một gốc cây dẻ trong lối đi, nhìn sâu vào mắt tôi, gặng hỏi. Tôi thì thầm đáp:

- Anh thích chỉ có hai đứa chúng mình thôi. Anh chỉ thích được cầm tay em. Bao lâu anh ở gần em...

Tôi ngừng lại. Làm sao có thể tả cho Alison biết rõ cảm giác tôi trong khi tình cảm rối loạn vì những ao ước hết sức mơ hồ? Alison cảm động, đôi môi run run cố gắng mỉm cười:

- Không bao lâu anh sẽ chán cầm tay em.

- Ồ! Alison! Không bao giờ!

Để chứng tỏ, tôi nắm lấy hai bàn tay mềm mại của nàng, tim đập loạn trong lồng ngực. Alison không rút tay ra, nàng lướt môi lên má tôi và mỉm cười ranh mãnh:

- Thôi, chúc anh ngủ ngon, nhé?

Đứng yên trong bóng tối, tôi nhìn nàng chạy ù lên thềm nhà. Vừa say sưa vừa thất vọng, tôi mong nàng trở lại, gọi tôi vào. Tôi điên nên mới từ chối lời mời của nàng lúc nãy. Bây giờ tôi sẵn sàng theo nàng vào nhà, nhưng vô ích. Alison không trở ra nữa.

Niềm vui chợt tắt, tôi kéo cao cổ áo, tiếc rẻ quay đi. Nhiều bận tôi quay lại nhìn những khung cửa sổ sáng trưng, lòng buồn bã.

Một ngọn gió mạnh quất vào mặt tôi, quả Alison có lý: trời lạnh và sắp đổ mưa.

*

Đúng như lời mẹ nói: Levenford là một thành phố nhỏ, cũ kỹ, đầy ống khói. Nhưng vùng ngoại ô với những đồi, những rừng, những suối phong cảnh rất đẹp. Chỉ cần đóng mỗi năm một số tiền nhỏ, tôi có thể trở thành hội viên của các câu lạc bộ đầy dẫy trong tỉnh. Họ thường tổ chức các cuộc du ngoạn hay các giải thưởng cho nhiếp ảnh viên tài tử. Song dù dì Kate và chú Jamie thúc giục, mặc bà khuyến khích, tôi vẫn lắc đầu và tiếp tục nằm nhà đọc sách trong mấy ngày chúa nhật hay ngày lễ.

Ngày trước tôi thường chạy rong khắp các ngọn đồi lộng gió, song từ bao nhiêu năm tháng qua tôi không hề đặt chân lên đó nữa.

Vậy mà, buổi sáng mùa xuân này, vừa thức giấc, tôi chợt thấy cái thú của những buổi đi dạo trước kia.

Có một điều là ở Tô Cách Lan này luôn luôn người ta gặp kẻ thù đáng sợ: thời tiết xấu. Mặc quần áo, tôi vừa hồi hộp vừa lo lắng nhìn bầu trời xám xịt. Lại mưa suốt ngày chăng? Lại một ngày đáng ghét làm hỏng cả bữa nghỉ lễ tôi mong đợi chăng?

Trên đường đến ga, tôi cầu nhầu thầm không ngớt. Một đám người đi du ngoạn đứng đợi trên sân ga ẩm ướt, ai cũng có vẻ bực bội như tôi. Chợt sân ga như sáng lên: Alison đã đến từ bao giờ, đang trò chuyện với thầy Reid.

Mặc một cái áo mưa xinh xắn, trên mái tóc nâu dày, một cái mũ bê rê xanh dương. Chỉ cần sự hiện diện của Alison, tim tôi đập rộn lên. Tôi len giữa đám đông tiến đến hai người. Thầy Reid cười vui vẻ:

- Robert! Tốt lắm! Ta không đi theo hai người đâu.

Alison vuốt những hạt nước mưa long lanh trên mặt và mím môi, hỏi tôi:

- Anh thấy trời mưa không? Ta có thể đi chơi không?

- Được mà, được chứ, Alison!

Tôi vội vàng đáp vì mong ước được đi với nàng, dù có phải hứng mưa đá sáng nay đi nữa. Thầy Reid vui vẻ khuyến khích:

- Không sao đâu, đừng bỏ cuộc. Nhưng nhớ cẩn thận đừng đi xa quá là đủ.

Hai năm sau này thầy Reid đã bỏ tính buồn rầu. Tôi ao ước cái khả năng không khuất phục trở ngại của thầy... cái khả năng này, khổ thay: tôi không có! Sáng nay thầy đi Winton lo vài việc giúp mẹ Alison. Nói chuyện một chốc, thầy băng qua bên kia, lên tàu.

Hình như vào lúc đó, thầy đưa mắt về phía Alison... một tia nhìn như ngầm dặn dò chi đó, song tôi không tìm hiểu lâu la làm chi, vội vàng – với tính vội vàng cố hữu – đến ngay quầy ghi vé.

Sau một lộ trình ngắn bằng tàu hỏa đến Ardfillan, chúng tôi lại bến tàu. Chiếc tàu thủy nhỏ sẽ đưa chúng tôi đến Ardencaple. Boong tàu chất đầy dây thừng và thùng. Sau khi đi dạo một vòng khắp trên tàu, ngắm nghía máy móc chán, hai đứa tìm được một chỗ khá kín đáo trên boong.

Chỉ giây lát chuông rung, tàu nhổ neo, các chân vịt quạt nước, tàu từ từ rời bến. Tôi đưa tay che bớt những bọt nước bắn tung tóe và bị gió tạt vào mặt chúng tôi. Quay sang bạn, tôi hỏi:

- Nếu em muốn, ta có thể xuống dưới.

Hai má Alison tươi lên, cái bê rê long lanh mấy hạt nước, vui vẻ trả lời tôi:

- Không đâu, em thích ở đây hơn.

Nàng nói thật to để át tiếng gió và chỉ cho tôi thấy mầu xanh vừa hiện ra do đám mây nứt rạn. Vết nứt thứ hai để lộ một mảng da trời xanh khác. Hai đứa hồi hộp nhìn hai đốm xanh hợp lại thành một và lớn dần.

Rồi cuối cùng, mặt trời hiện ra ấm và sáng rỡ. Thoáng chốc, mây đen tan hết, boong tàu khô ráo thật nhanh. Tôi hăng hái nói:

- Chúng ta sẽ hưởng một ngày tuyệt diệu.

Và kéo Alison ra trước mũi tàu. Tàu phăng phăng rẽ nước, dừng lại vài bến để chở khoai tây hay lấy thêm vài bác nông dân dắt trừu ra chợ. Tôi thật hài lòng vì có Alison bên cạnh và chỉ cho riêng tôi.

Đứng tựa vào lan can tàu mỗi khi tàu chòng chành, tôi cảm thấy thân mình Alison chạm vào tôi và tôi say sưa với hạnh phúc đơn giản đó.

Một giờ trưa, chúng tôi đến Ardencaple. Nghĩ đến ba tiếng đồng hồ sống riêng biệt với Alison trong khung cảnh nên thơ này, tôi thích thú hết sức.

Chúng tôi kéo nhau vào quán ăn duy nhất trong vùng, một tòa nhà khá to hơi cũ kỹ. Bà bồi bàn vẻ mặt nhăn nhó đưa chúng tôi vào một phòng ăn dài, lạnh ngắt. Vách trang trí đầu hươu, sừng nai, và những con cá kỳ dị.

- Mùa này không có gì ăn. Chúng tôi chỉ có thể dọn cho cô cậu một bữa ăn nguội. Mỗi phần bốn shillings sáu.

- Robert! Anh thích chỗ này ư?

Tôi giật mình, đỏ mặt nhưng cũng đủ can đảm lắc đầu.

- Em cũng vậy.

Alison kéo ghế đứng lên và nói với bà ta một cách tự nhiên:

- Phiền bà, chúng tôi đổi ý, không ăn ở đây nữa.

Mặc bà ta và viên quản lý nài nỉ, chúng tôi nhanh nhẹn đi ra. Băng qua đường, Alison kéo tôi vào quán tạp hóa duy nhất trong vùng. Sau một hồi xem xét, Alison bảo cô bán hàng làm cho 6 miếng xăng uých, trongkhi chờ đợi, Alison chọn thêm ít táo, mấy quả chuối, thỏi chocolat và hai chai nước ngọt.

Tất cả được cho vào một cái xách bằng giấy nâu dày, phải trả có 2 shillings 6. Chúng tôi thư thả theo một đường mòn lên đồi rồi men theo bờ thác Ardencaple đi qua rừng thông và cỏ dại. Sau cùng đến một khoảng rừng thưa, giữa là một con suối róc rách chảy, hai bên bờ cỏ mọc xanh rờn, điểm những cánh hoa dại. Hoa rơi rụng trôi theo dòng nước như những cái thuyền con mong manh. Chúng tôi ngồi tựa lưng vào một tảng đá nhẵn, trên cỏ khô.

Ánh nắng ấm áp xuyên qua các khe lá chiếu đến tận chỗ chúng tôi. Tôi vui vẻ cho hai chai nước ngọt xuống suối cho mát còn Alison thì lo cởi áo mưa dọn bữa ăn. Thật là một bữa ăn ngon lành, đầy thi vị, nước dầm dưới suối mát rượi.

Alison bắt tôi ăn hết mấy quả chuối, và nụ cười trên môi duyên dáng thêm lên, cô bạn bảo tôi:

- Ăn như thế này anh thấy có thích hơn cái quán ăn ban nãy không? Cái quán chi đâu vừa đắt vừa...

Tôi gật đầu đồng ý, phục sáng kiến Alison. Cô thở dài khoan khoái, giở mũ ra, tựa lưng vào phiến đá, nhắm hai mắt lại:

- Ở đây thích thật, em muốn ngủ một giấc quá, Robert ạ!

Alison nói và vươn vai, thân hình trẻ trung, khỏe mạnh, dịu dàng. Mớ tóc nâu dài, óng ánh vây quanh khuôn mặt ửng hồng vì nắng. Đôi mi cong vút, cái cổ trắng ngần... Lòng tôi lâng lâng nhẹ...

Tôi xích lại gần bạn, kê tay sau gáy Alison và bảo:

- Alison ạ, thế này sẽ dễ chịu hơn.

Alison bình thản nhắm mắt lại, nụ cười phớt nhẹ trên môi. Nàng thì thầm:

- Robert! Tim anh đập to ghê gớm. Nghe điếc cả tai!

Ôi! Nhập đề tế nhị biết bao cho một sự tỏ tình? Nhưng sao tôi không thể nào mở miệng nói được một lời? Sao tôi không dám ôm Alison vào lòng? Sao tôi vụng về đến mức này? Tôi yêu nàng biết bao!

Không, tôi muốn giữ nguyên giây phút thần tiên huyền diệu ấy, tôi không muốn bằng một cử động nhỏ nào, phá vỡ sự ngây ngất tuyệt vời hiện có trong tôi. Run rẩy vì cảm động, tôi giữ yên đầu nàng trên vai. Giọng tôi thấp nhỏ:

- Alison nhớ không? Hôm nọ anh nói chỉ muốn được ngồi riêng với em, như thế này này...

- Nhưng nếu trời mưa thì sao?

- Mặc kệ trời mưa... – tôi bảo bạn bằng giọng nồng nhiệt – Bao lâu chúng ta...

Tôi im lặng đột ngột trong lúc Alison mở to mắt nhìn tôi, vẻ âu lo. Rồi ngồi bật lên như thể đã quyết định điều quan trọng:

- Robert! Em có chuyện đứng đắn...

- Anh có bao giờ không đứng đắn đâu?

- Đừng giỡn. Em lo cho anh lắm. Thầy Reid cũng vậy, anh ạ!

Rõ ràng là tôi không lầm: ban sáng trên sân ga tôi đã thấy ánh mắt hai người nhìn nhau. Vì vậy, dù buồn vì Alison ngồi xích ra tôi, tôi cũng hãnh diện vì họ chú ý nhiều đến tôi. Alison trang nghiêm:

- Trước hết, chúng tôi cho rằng anh mất thì giờ một cách đáng buồn trong xưởng thép. Anh sẽ quên dần những gì đã thu thập được về sinh vật học. Anh biết rõ chứ: người ta muốn Caruso thành thợ máy nhưng ông ta đâu chịu vậy?

- Alison! Anh hiện có chỗ làm tốt, anh rất hài lòng số phận mình...

Tôi nhún vai ra vẻ bất cần, lời nói trở thành phản nghĩa. Bạn tôi nhìn ra xa im lặng làm tôi áy náy, thấy cần xoa dịu câu nói vừa rồi:

- Anh biết công việc cực nhọc, thỉnh thoảng lại bị đứt tay vì các dụng cụ. Và còn... bị bụi sắt làm mình ho...

Alison quay phắt lại nhìn tôi làm tôi bối rối, nàng lắc đầu:

- Robert ạ, anh thật khó hiểu.

Lòng tôi chĩu nặng, hoang mang không hiểu mình đã nói gì. Tại sao Alison nhìn tôi hiền hòa nhưng đầy trách cứ? Cả hai đứa im lặng sau đó, chỉ có tiếng nước chảy róc rách. Tim tôi như thôi đập mạnh mà yếu hẳn đi:

- Em ghét anh?

- Sao lại ghét anh? – Alison cắn môi – Nhưng thú thật, anh làm em thấy chúng ta quá khác nhau. Em thì ở dưới đất, quá thực tế, còn anh, anh như sống trên mây. Có trời biết, anh sẽ ra sao khi thầy Reid rời Levenford...

Tôi hốt hoảng hỏi dồn:

- Thầy Reid sắp rời tỉnh? Thầy nói với em à? Thật không?

Alison cúi mặt, vò nát cọng cỏ trong tay:

- Thầy đã đưa đơn xin dạy ở Trung học Norsham. Ông ở Levenford lâu quá rồi còn gì? Chỗ thầy đang xin không danh tiếng mấy, nhưng tại đó họ áp dụng phương pháp giáo dục mới, sẽ có tương lai hơn, hợp với thầy hơn.

- Thầy đã được nhận lời chưa?

- Rồi. Thầy có ý định cho anh hay tối nay.

Chân tay tôi lạnh toát, choáng váng cả mặt mày. Dù thầy Reid có đôi lần nói bóng gió đến chuyện ra đi, song tôi không ngờ là ông ra đi sớm thế. Thật là một cú đấm bất ngờ làm tôi tối tăm mặt mũi. Trời ơi! Sao thầy sắp đặt mọi điều mà không cho tôi hay biết rõ ràng? Sao thầy không cho tôi biết trước để tôi đủ sức mà chịu đựng cái tin ghê gớm này? Tôi khổ sở, đau đớn, có cảm tưởng như mình bị loại bỏ, bị gạt ra... Có thể như thế chăng? Alison tránh tia nhìn của tôi.

- Em biết anh buồn vì thầy Reid đi xa, xa những người thân yêu là một điều đau đớn, nhưng Robert ạ, ta vẫn còn có thể liên lạc nhau, kia mà.

Nói xong, Alison ngồi buồn bã, tôi cũng im lặng theo. Tôi còn biết nói gì đây?

- Robert! – Đột nhiên, cô ngẩng lên, nói mau – Mẹ và em cũng sắp ra đi.

- Đi đâu?

Tôi tái mặt, khô môi chỉ thốt ra được hai tiếng ngắn. Giọng Alison cương quyết:

- Em phải nghĩ đến tương lai em. Mẹ cũng đồng ý là điều này quan trọng. Cô Cramb không còn gì để truyền dạy cho em. Mà ở Winton chả có giáo sư nào thật trội. Mẹ quyết định ghi tên em vào Học viện Hoàng gia Luân Đôn.

- Luân Đôn?!

Luân Đôn! Tôi tưởng như đó là một địa danh xa xôi tận bên kia quả đất.

- Và trường trung học Norsham miền Sussex rất gần Luân Đôn. Mặt Alison đỏ bừng, có vẻ hết sức bối rối:

- Anh là người học trò thông minh nhất mà thầy Reid thường nhắc đến và rất yêu, nhưng em thấy anh thật tệ... không để ý gì cả. Em cho anh hay chỉ mình anh là không biết tin này: mẹ em và thầy Reid sắp thành hôn.

Tôi ngạc nhiên dữ. Không thể chối cãi bà Keith còn duyên dáng và hôn nhân giữa thầy Reid với bà thật đáng mừng, song tôi không khỏi sững sờ. Giây lâu tôi mới nói bằng giọng tuyệt vọng:

- Nếu vậy, anh chả còn ai...

- Em đâu có đi luôn? Anh cũng hiểu rằng em phải lo cho nghề nghiệp. Em có đi tận cùng thế giới đâu? Đừng nản lòng, anh ạ. Anh nên nhớ anh còn cả một tương lai trước mặt.

Phải! Nhưng tương lai đó nào có hứa hẹn gì? Tôi buồn rầu cảm thấy ngay bây giờ cái viễn tượng mờ mịt, đen tối và cô độc đang đón đợi tôi. Nhìn sững phía trước tôi thấy mặt trời ngả dần sau đồi. Từ bến tàu, có tiếng còi rú lên ba lần, báo hiệu chiếc tàu chở chúng tôi sẵn sàng tách bến.

Alison giục giã:

- Tàu sắp nhổ neo, anh!

Cô bạn mỉm cười với tôi như an ủi, như van nài đoạn đứng dậy, kéo tay tôi. Rồi, trong khi nắm tay nhau xuống đồi, tôi chợt có cảm tưởng rằng bề ngoài vững vàng, bình thản của Alison che giấu một hoài nghi, ngờ vực ở ngày mai.

Tiếng còi tàu lại rú lên dài hơn khiến tôi nhớ đến tiếng hụ trong xưởng thép.

Một ngày nghỉ đã hết. Bỗng nhiên, tim tôi nặng chĩu. Cái cảm tưởng cô đơn bị mọi người bỏ rơi lại ám ảnh tôi. Tương lai đen tối lại hiện ra sừng sững như bức tường cao, dày, không sao vượt thoát.

_______________________________________________________________________________ 

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

CHƯƠNG MƯỜI CHÍN_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG MƯỜI CHÍN


Khi bớt sưng và màng tách ra, bệnh yết hầu cũng lui dần, sắp khỏi. Sau mấy ngày sốt dữ dội, tôi thiêm thiếp một cách dễ chịu: mạch đập yếu, thần kinh giãn ra, thoải mái. Bệnh tôi không nặng lắm, bác sĩ bảo tôi có thể dậy sau hai tuần.

Sau nhiều ngày tháng cố gắng quá mức, bây giờ tôi cảm thấy sung sướng được nằm trên giường êm ái, hai tay buông lỏng trên chăn, mắt dõi theo tia nắng, tia nắng chiếu có lũ bụi tung tăng, xuyên qua khe cửa sổ nhỏ trong phòng và thay đổi dần khi lên cao.

Các bạn đừng nghĩ là tôi buồn rầu chán nán... vì sợ hỏng thi. Không đâu: tôi rất tin tưởng, tin tưởng ở lòng tốt của Thượng Đế. Ngài công bình, lẽ nào Ngài nỡ hủy hoại tương lai đứa trẻ hết lòng kính yêu Ngài và ngày đêm hằng khẩn cầu Ngài? Không! Tôi không dám mơ phép lạ, tôi chỉ mong Ngài công minh thôi. Tôi mong các giám khảo cho tôi điểm trung bình bài thi mà tôi vắng mặt. Thầy Reid bảo rằng trường hợp như vậy không phải là không hề có. Nghĩ đến điều này, tôi nhắm mắt lại, môi nở nụ cười yếu ớt và tin tưởng. Rồi tôi cầu nguyện thì thầm.

Ba mẹ vẫn chưa về, theo các bưu thiếp mẹ gửi cho ông, chúng tôi hiểu là những ngày ở Luân Đôn ba mẹ thành công. Mẹ cho hay là ba hùn tiền khai thác ngôi nhà cậu Adam. Cú làm ăn này khiến ba tôi hứng thú lắm, và vì vậy bận về hai ông bà sẽ ghé lại thăm gia đình người bà con ở Kilmarnock rồi cùng về với bà cố tôi trong vòng 10 ngày nữa.

Ông tôi giở lịch ra, tính toán và biết là tôi có thể ngồi dậy được trước ngày họ trở về. Điều này làm chúng tôi rất mừng.

Ông tôi là một người nuôi bệnh giỏi. Trong cơn mê sảng lúc đầu, tôi mơ màng thấy ông nghiêng mình trên tôi, cho tôi uống thuốc hay xức thuốc trong cổ tôi. Vài lần khác, bên ngoài cánh cửa tẩm thuốc sát trùng, tôi nghe tiếng bà Bosomley mang đến cho tôi lọ mứt mà bà làm riêng cho tôi.

Dù bệnh tôi theo nguyên tắc đang thời kỳ truyền nhiễm, vẫn có nhiều người đến thăm: bác sĩ Galbraith, cộc cằn, ít nói đến mỗi ngày. Dì Kate nhiều lần đến thăm tôi, nhưng không dám vào hẳn trong phòng, vì sợ lây bệnh cho cháu bé. Cậu Murdoch thì không cần thận trọng như thế và tôi hết sức cảm động vì sự lui tới thường xuyên của cậu. Tôi vui mừng mỗi khi nghe tiếng bước chân quen thuộc nặng nề của cậu lên cầu thang. Tôi mê say nghe những câu chuyện đứt đoạn của cậu, có khi khôi hài, khi thì cậu kể về đặc tính của giống cẩm chướng do cậu mới gây.

Gavin đòi thăm tôi song bị ông cương quyết chối từ, điều này khiến tôi buồn quá đỗi. Tôi đành tự an ủi là mình sắp bình phục, vài ngày nữa mình có thể gặp Gavin.

*

Bây giờ tôi phải nhắc đến ngày 20 tháng 7, cái ngày định mệnh mà tôi ghi khắc vào tâm não (và ba năm sau, tôi còn có dịp nhớ lại nữa).

Buổi sáng thứ tư trôi qua như thường, không có gì xảy ra. Đến trưa, lần đầu tiên tôi thay quần áo, rời phòng đi dạo ngoài vườn. Sau bữa ăn, trời nắng thật tốt nên ông tôi đặt một ghế xếp trên bồn cỏ cho tôi. Ngồi trên đó, tôi gác chân trên mảnh ván và đắp chăn, tận hưởng ngọn nắng ấm. Lòng nhẹ nhõm tôi vui mừng sau khi bình phục, thấy đời sống đối với mình đẹp như tiếng chim hót trên bầu trời quang đãng sau cơn dông.

Trong nhà, ông cắm cúi thu dọn, hủy các vết tích còn lại do cơn bệnh của tôi gây ra, sợ có thể làm ba bực mình. Vì ông hiểu rằng dù thầy Reid đã hứng chịu mọi phí tổn về thuốc men, bác sĩ v.v... cũng không nên để ba phải bận lòng khi nghĩ đến điều này.

Đang lúc đó, tôi nghe tiếng bước chân sào sạo trên con đường sỏi và nhận ra thầy Reid đang tới gần. Thầy hiện ra từ góc nhà, mỉm cười và ngồi xuống chỗ chân tôi:

- Sao, khỏe chứ?

- Thưa thầy, con khỏe lắm rồi.

Thầy gật đầu, tay ngắt một cọng cỏ, vứt xuống rồi im lặng một lúc lâu, có vẻ như đang bận tâm suy nghĩ gì đó. Đoạn, đưa mắt nhìn ra khu vườn, thầy nói:

- Robert, con can đảm lắm! Hơn ta nhiều! Thú thật cho con biết: hôm con ngã bệnh, máu gần trào ra cùng với nước mắt ta... Nhưng ta phải biết vươn lên trên mọi thất vọng, thế mới là khôn ngoan. Robert! Con đã đọc Candide chưa?

- Thưa thầy, chưa ạ.

- Được rồi, ta sẽ cho con mượn. Con sẽ thấy rằng do sự sắp đặt của Thượng đế, mọi sự trên đời này đều tốt đẹp.

Tôi không rõ thầy muốn nói gì, trố mắt nhìn thầy. Những lời thầy làm tôi như lạc hướng. Thầy điềm đạm tiếp:

- Kết quả kỳ thi sẽ được loan báo sau tuần lễ này nhưng thầy vừa gặp giáo sư Grant, ông có ghi số điểm...

Tuy bác sĩ cho tôi nhiều thuốc bổ, tôi vẫn tưởng tim tôi sắp ngừng đập: chắp hai tay vào nhau, tôi lắng tai, nghẹn thở trong lúc thầy nói nhanh bằng giọng chua xót ít gặp nơi ông và đôi mắt ông nhìn tôi thương cảm:

- Robert ơi! Mc Evan đấy!

Thằng bé thần đồng đã thắng! Hạng trẻ này luôn luôn được cuộc, dù thắng lợi của chúng đổi bằng rủi ro, bất hạnh của thí sinh khác! Tim tôi thắt lại, tôi nhìn sững thầy, còn ông thì vẫn tiếp tục ngắt cỏ vứt ra xa:

- Nó chỉ được 920 điểm.

Tôi lờ mờ thấy ông tôi xuất hiện trên thềm nhà bếp và đến gần chúng tôi, dáng bộ thiểu não. Chắc chắn là ông cũng biết rồi. Tôi cúi đầu, đau đớn đến lặng đi. Mặt tôi tái xanh. Sau cùng tôi cố gắng hỏi thầy:

- Thưa, ai hạng nhì, thầy?

- Con! Con chỉ thua nó có 25 điểm và thiếu bài vật lý. Ta tìm đủ mọi cách. Ta gần sụp xuống lạy họ để họ cho điểm trung bình bài vật lý. Ta đề nghị sẽ đưa sổ điểm toàn niên của con cho họ xem. Ta cam đoan với họ, con không chỉ được 25 thôi mà đến những 95 kia... nhưng vô ích (giọng thầy lần này thêm xót xa) họ không thể, họ không muốn phá lệ một lần.

Tôi im lặng. Tận phút này tôi vẫn chưa chịu tin là mình hỏng. Thầy Reid muốn tôi khuây khỏa nên cho hay tiếp:

- Con hơn điểm Gavin: nó thua con đấy.

Hình ảnh hai đứa con trai trong chiếc thuyền, trên mặt hồ dưới ánh trăng xanh biếc, huyền hoặc... Những lời ước hẹn chắc nịch và tràn hy vọng cùng một loạt như hiển hiện trước mặt, trong tai tôi cùng với khung cảnh đêm trăng.

Tưởng tượng đến nỗi thất vọng của Gavin nên trong một lúc, tôi quên đi đau khổ của riêng mình.

- Gavin biết chưa thầy?

- Chưa, con ạ!

Bằng giọng run run buồn thảm, giọng của một người từng đau khổ buộc lòng phải báo tin buồn, ông tôi chen vào:

- Ông Thị trưởng đang trong lúc xui xẻo quá sức... ông bị phá sản.

Tôi sững sờ vì tin cuối cùng này. Cha Gavin bị phá sản? Khổ sở, nhục nhã ngần nào đối với Gavin? Chuyện nó thi hỏng thật không đáng gì so với tai họa tày trời của cha nó. Tôi liên tưởng đến nét mặt xanh xao cương nghị của Gavin...

Tôi cảm thấy cần gặp nó ngay nhưng cũng nhanh trí không cho ai hay quyết định này. Đợi cho ông và thầy Reid vào nhà, tôi run rẩy đứng dậy, không cần xin phép, chạy ra đường. Tôi vẫn còn yếu, đi đứng hơi khó khăn, nhưng tôi chỉ nghĩ đến một điều cần thiết: gặp bạn ngay càng sớm càng tốt.

Gavin không có nhà. Trong tư thất ông Thị trưởng không một bóng người, không bồi bếp, không người làm vườn. Tôi gõ bốn lần tiếp mới thấy chị Julia hé cửa ra, chị như sợ hãi một tai họa nào hiện đến bất ngờ nữa vậy.

Chị nghẹn ngào cho tôi hay là Gavin mấy hôm nay ở Ardfillan với mấy người bạn và chị đã điện thoại cho nó, nó sẽ về đến đây bốn giờ chiều, tàu hỏa. Tôi biết ngay bạn sẽ xuống trạm gần nhất. Trời xanh ngắt. Trên đường, bộ hành cởi áo vét tông, phe phẩy mũ rơm. Tôi chống lại sự yếu đuối, lê chân đến cổng xe lửa vừa khi xe vào sân ga. Mắt chói lòa vì bụi và và ánh nắng phản chiếu trên đường rầy, tôi chờ bạn ở chỗ thường lệ.

Quả tôi không lầm: xe vừa ngừng, Gavin nhảy xuống và băng qua bến, chưa kịp thấy tôi. Nét mặt xanh xao, đăm chiêu của nó báo cho tôi biết là bạn tôi đã biết mình rớt rồi.

Viên trưởng trạm huýt còi và phất cái mũ xanh trong tay. Một đầu máy kéo các toa hàng hóa nổ xình xịch. Từ trên một toa, người ta chuyển mấy bao khoai tây xuống mấy xe bò. Hình ảnh này khắc ghi trong trí tôi mãi mãi...

Xe chở hành khách vừa chạy. Gavin băng qua các đường rầy. Mải lo nghĩ, buồn bã, bạn tôi không trông thấy cái đầu máy kéo các toa hàng hóa đang đổi hướng. Đầu cúi, nó đi thẳng về hướng cái đầu máy đang chạy tới. Tôi hốt hoảng thét to lên, nghe tiếng hét của tôi, Gavin giật mình ngẩng lên và nhận ra cái đầu máy gần tới... Nhưng Chúa ơi! Nó như dính chặt tại chỗ: giày nó vướng vào ghi đường rầy. Nó cúi xuống vùng vẫy, cố hết sức để rút chân ra trong lúc tôi kêu rú lên và đâm bổ lại.

Đôi mắt đen láy trên khuôn mặt xanh xao của Gavin gặp mắt tôi. Nó tận lực rút chân khỏi đường rầy nhưng vô ích. Cái đầu máy lao sầm tới. Gavin hét lên, tiếng hét nó to hơn cả tiếng tôi và một bức màn đỏ rũ xuống trước mắt tôi ngay lúc đó...

*

Khi tôi tỉnh lại, sân ga náo loạn, ồn ào kinh khủng. Người thợ máy khoa tay phân bua với cảnh sát rằng không phải lỗi anh ta. Nhiều người kêu lên bằng giọng xót xa, đau đớn:

- Bi thảm quá! Nghĩ coi, cha nó vừa mới...

Họ cho là Gavin đã tự tử.

Tôi dựa theo các vách tường lần về nhà, cắn chặt răng để nén đau, mà niềm đau cứ cuồn cuộn dâng lên. Bây giờ, tôi chỉ ao ước có một điều: được nấp trong bóng tối, trong im lặng. Đừng thấy ai, đừng nghe ai... Nhưng rồi đêm xuống, tôi không chợp mắt được. Tâm hồn tôi như nổi loạn. Hy vọng trong tôi đã chết. Thế giới chỉ đầy dẫy bất công thôi.

Sáng hôm sau ba mẹ và bà cố về. Giam mình trong phòng tôi nghe tiếng ồn ào bên ngoài. Bà gọi tôi nhưng tôi không buồn đáp.

Tránh tất cả, tôi rời nhà, chầm chậm ra đường. Ngang ba cây dẻ nổi bật trên nền trời, tôi hướng về phía nhà ông Thị trưởng.

Ngôi nhà cửa nẻo đóng im ỉm như cách biệt hẳn với sinh hoạt bên ngoài.

Gavin nằm trong phòng, trên giường. Bạn tôi đã ngủ, giấc ngủ cuối cùng của cuộc đời. Mắt nhắm nghiền vẻ bình thản không thay đổi, như chìm trong mơ. Nó nằm đó, vẫn hãnh diện và quả quyết song quá xa vời, tôi làm sao trò chuyện, tâm sự được, kể từ nay? Chúng tôi vĩnh viễn mất nhau...

Chị Julia, mắt đỏ mọng, lặng lẽ chỉ cho tôi chiếc giày rách phân nửa vì Gavin đã cố gắng rút chân ra. Không, bạn tôi không đầu hàng! Nó đã chiến đấu tới cùng, Gavin đã nằm xuống song không phải là kẻ chiến bại. Tôi tin thế. 

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI MƯƠI

CHƯƠNG MƯỜI TÁM_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG MƯỜI TÁM


Trước hôm thi một ngày, thầy Reid đến, cất giấu tất cả sách vở của tôi.

- Chỉ những đứa dốt mới học tới phút chót. Trước khi vào phòng thi, chúng còn vội vàng ôn lại, và thường thì chúng hỏng, con ạ!

Thầy nói thế với tôi. Sáng hôm thi trời mưa. Tôi xanh xao nhưng bình tĩnh. Những gì tôi đã học dường như thấm nhập vào tôi rất kỹ, đầu óc tôi đầy ứ, không thể nhét thêm một chữ nữa, song tôi nhớ tất cả những gì đã học. Tôi thuộc lầu.

Mặc bộ đồ tốt nhất của cậu Murdoch, mầu xanh biển, xong rồi tôi đánh giầy. Rất thận trọng, gượng nhẹ – đôi giầy đã làm mẹ tôi lo lắng trước khi đi. Ông tôi xoay quanh tôi và để khuyến khích, ông ngắt cho tôi một đóa tường vi cài lên áo, đóa hoa vừa nở còn đọng sương đêm. Làm bộ lơ đãng, ông đưa tôi phong thư nhỏ, nói:

- Người ta vừa đưa lại cho con.

- Ai vậy hở ông?

Ông không trả lời, chỉ nhún vai như tuồng muốn nói: "Ta là người lịch sự, ta không bao giờ xen vào chuyện riêng của con". Trong khi tôi xé thư, ông liếc tôi, vẻ hài lòng. Đó là thư của Alison, mang vài dòng ngắn, chúc may cho tôi. Lòng tôi nao nao vui thích. Tôi đỏ mặt nhét phong thư vào túi trong khi ông sung sướng lo dọn điểm tâm cho tôi.

Ngày đầu tiên, thầy Reid quyết định đưa tôi đến tận Winton. Ở sân ga, tôi gặp Gavin cũng xanh xao nhưng tươi tỉnh. 10 ngày qua, chúng tôi chưa được gặp nhau. Giữa chúng tôi lạ thay, không hề có sự ganh ghét, trái lại tôi có cảm tưởng như cùng chiến đấu vì một mục tiêu to lớn. Chúng tôi bắt tay nhau thật chặt và tôi thì thầm: "Một trong hai ta, Gavin ạ!" vì sợ nói to thầy Reid có thể nghe.

Tôi nghĩ mình sẽ thắng, cùng một lúc lại sợ có thể thua và tôi đau đớn thầm lặng. Chiếc tàu định mệnh đã vào ga, chúng tôi cùng lên một toa trống nồng nặc mùi khói thuốc và than. Không muốn để chúng tôi phí sức trò chuyện, thầy mua cho mỗi đứa tờ báo. Chúng tôi ngồi đối mặt nhau, tôi vờ chăm chú đọc, song thực sự tờ báo chỉ được dùng như một tấm lá chắn: tôi mấp máy môi cầu xin ơn trên giúp sức để có thể vượt trở ngại lớn lao này.

Bên cạnh tôi, thầy Reid lơ đãng đưa mắt nhìn qua cửa sổ tàu. Có thầy bên cạnh tôi thấy bình tĩnh, tự tin hơn. Vai ông sát vai tôi. Mỗi bận tàu chạy xốc khiến chúng tôi ngã vào nhau, thầy không nhích ra làm tôi có cảm tưởng như ông muốn nương vào hơi ấm chuyền cho tôi một ít sức mạnh, sự thông thái cùng sự hiểu biết của thầy.

Qua vẻ thản nhiên bề ngoài, tôi đoán biết thầy cũng hồi hộp không kém. Tôi biết thầy hết lòng ao ước cho tôi được thành công.

Trường Đại học cất về phía tây thành phố, trên một ngọn đồi. Vách đồ sộ và tháp cao vòi vọi khiến cho cậu học trò 15 như tôi khâm phục lắm, xưa nay, tôi chỉ thấy nó trong những giấc mơ.

Bây giờ, tôi nhút nhát trở lại như bản tính cố hữu. Xuống xe, tôi theo đồng bạn lên con dốc êm ả, hai bên đường là tư thất của các giáo sư.

Nếu đóa hoa cài nơi khuy áo và phong thư ngắn là những khuyến khích quý báu cho tôi thì chiếc giày chân bên trái lại bắt đầu làm tôi lo lắng. Thấy tôi đi khập khiễng, thầy Reid hỏi:

- Robert, đau chân hẳn?

Chúng tôi đã vào sân trường, không còn cách chi lùi bước. Thí sinh tụ tập trước cửa phòng thi. Thầy Reid chợt kêu lên:

- Một lũ lười biếng!

Rồi thầy kéo chúng tôi đứng riêng ra một bên. Tôi không nghĩ như thầy, vì trông họ có vẻ thông minh, mạnh khỏe và xuất sắc đấy chứ! Tôi nhận ra Mc Evan ngay: một cậu bé nhỏ nhắn, kính dày cộm đứng tựa cột. Hai tay thọc túi quần nom nó như đang cười với vẻ tự tin. Lạy Chúa! Nó cười thật sự chứ như nhiếc chi nữa, nó chả chút gì thắc thỏm lo âu.

Cuối cùng, tim tôi đập dồn cùng với những tiếng động lao xao: hai cánh cửa gỗ nặng nề mở rộng và thí sinh đến xếp hàng. Bất ngờ, thầy Reid nắm chặt tay tôi và nghiêng mình xuống, hơi thở ấm và nồng mùi thuốc lá của thầy phớt trên má tôi, thầy nói:

- Robert! Cầm lấy đồng hồ của thầy. Đừng tin vào cái đồng hồ cũ rích của họ. Và trước hết, gắng giữ bình tĩnh, nghe chưa?

Trước khi lùi ra, tôi còn thấy đôi mắt lộ của ông nhìn tôi chăm chú, bằng giọng khàn khàn, ông nhấn mạnh:

- Robert! Ta tin con sẽ thắng!

*

Buổi chiều, Gavin và tôi cùng về Levenford. Xe đông người quá, không thể nào so giấy nháp với nhau được, song chúng tôi cùng đồng ý rằng bài toán đại số và hình học không gian quả rất khó.

Tôi nghe mệt rã rời, đôi chân lạnh cóng. Đến đây tôi nghĩ không nên che giấu làm chi: đôi giày tôi ngấm nước, ướt đẫm. Đế giày mòn quá rồi, chiếc trái thì thủng một lỗ lớn, có thể thọc vào đó cả ba ngón tay. Chao ơi! Vậy mà với một chút tự ái xằng, tôi thà mang đôi giày rách lủng này chứ không mang đôi giày dì Kate, giày kiểu đàn bà! Tôi lấy bìa dày cắt lót dưới chân, nhưng vô ích vì trời mưa, đường trơn ướt, chỉ hơn 10 phút là bìa lót và vớ cũng ướt mèm như thể tôi đi chân đất vậy.

Trên đường về, mặc dù ngồi trong toa chật chội giữa đám thợ thuyền, tôi vẫn cảm thấy dễ chịu hơn.

Thầy Reid đợi tôi ở ga Levenford. Ông đưa tôi về ngay nhà ông, dọn cho tôi bữa ăn thịnh soạn gồm thịt sườn nướng và khoai tây. Rồi trong lúc tôi ăn ngon lành, thầy lo lắng bảo tôi đưa đề thi cho mình xem. Đến bàn làm việc, thầy thắp đèn lên cặm cụi giải toán, đoạn thầy lẳng lặng đem lại đặt ngay trước mặt tôi. Tôi so sánh kết quả của thầy và tôi. Nhìn khuôn mặt lo lắng của thầy, tôi cố nén kiêu hãnh, nói:

- Thưa thầy, con làm đúng!

- Tất cả?

- Thưa thầy, vâng!

Dù cố sức tỏ ra nhũn nhặn, tôi tưởng có thể nhảy cẫng lên vì sung sướng, khi nghe thầy thở phào nhẹ nhõm.

Hôm sau, sáng thứ bảy, chúng tôi thi Pháp văn, Anh văn và Hóa học. Môn cuối cùng là môn Vật lý, phải đợi đến thứ hai. Lần này tôi lót trong giày miếng bìa dày hơn cho chắc chắn. Nghĩ cũng lạ: mối lo to lớn của tôi đôi khi lại chỉ là làm sao che giấu tình trạng nghèo khổ của mình, đừng cho các thí sinh biết rõ. Xuống xe, Gavin cho tôi đi chung áo mưa, song nó làm sao có thể chia xẻ với tôi đôi giày rách?

Vào phòng thi, tôi bắt đầu hăng hái làm bài, quên phắt đôi giày và đôi chân ướt. Cho đến khi trở về, ngồi trên toa xe tôi rùng mình nhiều bận và cảm thấy đầu nặng như búa bổ. Chiều đó, tôi về một mình vì Gavin ở lại Winton gặp chị nó.

Suốt hành trình, rất nhiều lần tôi phải thò đầu ra cửa sổ để làm dịu bớt nhiệt độ bừng bừng trong người tôi. Tới ga Levenford, khuôn mặt quen thuộc và đầy lo âu của thầy Reid hiện ra như đang nhảy múa trước mắt tôi. Tuy vậy, tôi cố gắng để cười với thầy như ngầm nói thầy không phí công đâu. Thầy thân mật nắm tay tôi, kéo tuột về bến xe ngựa.

- Trông con thiểu não quá! – Thầy nói giọng âu yếm – nhưng không có gì đáng ngại, ngày mai trò có một ngày tròn để nghỉ ngơi, may quá!

Thầy cho tôi về bằng xe ngựa: sang gớm! Một thứ xa xỉ vì tôi không bao giờ dám ao ước được đặt chân lên. Ông tôi đã đợi sẵn với bữa ăn đàng hoàng, tôi như một người khách danh dự.

Suốt bữa ăn, trái với thói quen, tôi nói huyên thuyên. Tôi đọc cho thầy nghe những đề Pháp văn và những câu trả lời của tôi, tôi đọc gần như trọn bài luận Anh văn.

Hai người ngồi nghe mê mải, vui mừng đến nỗi quên cả bữa ăn.

Xong bữa ăn, tôi chậm rãi lên phòng nghỉ sớm theo lời thầy Reid.

Tiếng thầy đuổi theo tận cầu thang:

- Nó không sai lầm lấy một ly con. Nó làm bài khá hơn tôi tưởng, hy vọng lắm,bạn già ơi!

Ôi! Sung sướng biết ngần nào! Tôi nhắm mắt lại vì những lời này và phải vịn chặt tay vịn cầu thang cho khỏi ngã.

*

Sáng chúa nhật tôi đi lễ lúc 7 giờ rưỡi. Công việc này quen thuộc cho đến nỗi đi nửa đường tôi mới biết là trong mình nó rất khó chịu: đầu quay tít, cổ khô và đau. Mặc dù trời báo hiệu một ngày nắng ấm, tốt trời, tôi vẫn rùng mình liên hồi. A! Tình trạng này chắc do thần kinh căng thẳng sau mấy ngày thi.

Ở nhà thờ về phải cố gắng lắm tôi mới nuốt trôi bữa điểm tâm. Tôi lạnh thêm lên. Tôi nói:

- Ông ơi! Con lạnh quá! Chắc ông ngạc nhiên... nhưng thưa ông, thật vậy, ông ơi, con ưng sưởi một chút.

Ông tôi nhíu mày nhìn tôi có vẻ kinh ngạc nhưng không phản đối. Giọng ông trang nghiêm:

- Ông cũng thấy con cần ấm. Ông đi đốt lò sưởi đây, đốt tức thì trong gian phòng tốt nhất nhà này.

Nói xong, ông làm ngay.

Ngồi trong một cái ghế dựa cạnh lò sưởi, tôi cảm thấy dễ chịu một chút và rồi chỉ giây lát tôi bắt đầu sốt... sốt thêm, sốt từ đầu đến chân.

- Trưa nay con muốn ăn món gì, nào?

- Con không thấy đói, thưa ông.

Tôi đáp, khác hẳn mọi lần. Ông lấy cớ canh chừng ngọn lửa, hết đi ra lại đi vào mắt đăm đăm nhìn tôi, tia nhìn đầy lo ngại.

- Nếu con không thích ăn thì thôi vậy...

Hình như định nói gì nữa nhưng ông ngập ngừng rồi im luôn. Ông đi ra và trở vào ngay, mũ trên đầu, giọng cố làm ra lơ đãng:

- Ông đi dạo một tị, không lâu đâu.

Nửa giờ sau, ông trở về với thầy Reid, tôi đang nằm xoài trong ghế dựa, mắt lờ đờ, mỏi mệt cho đến nỗi không chào được thầy. Vẻ lo lắng và hơi giận dữ, thầy la lên:

- Ê, kiếm chuyện hả? Giả đò đau hả? Đừng giỡn chớ, không được đâu nghe? Không thể bỏ cuộc nửa chừng đâu, cậu bé? Lầm to rồi! Phải cố gắng...

Gọng thầy hơi xẵng, cộc lốc khác hẳn ngày thường.

Thầy bước đến bên tôi, kéo ghế ngồi rồi nắm tay tôi:

- Ờ! Có hơi sốt đấy, nhưng ta không lấy nhiệt độ, tại vì không sẵn nhiệt kế, vả lại, ta không muốn gieo cái ý tưởng ngu ngốc vào óc trò. Trò chỉ bị cảm lạnh sơ thôi đấy mà.

- Vâng, thưa thầy, chắc mai con sẽ khỏi.

Tôi gượng đáp rất khó khăn. Thầy cười:

- Hy vọng thế, đừng làm vẻ yếu đuối quá, con ạ!

Và quay sang ông tôi:

- Ông mang cho nó miếng bánh sữa với trái cây chiều qua, xem...

Ông tôi vừa quay lưng, thầy lại tiếp:

- Chúng ta đã cố công quá sức, nên ta quyết lôi trò đến phòng thi, dù cho có phải tẩm rượu cho trò... Đầu nhức lắm không, con?

- Thưa thầy, hơi thôi mà... nó quay...

Ông tôi trở lại với dĩa bánh bom bôi kem mà tôi thích. Tôi ngồi dậy với tất cả cố gắng nhưng chỉ nuốt được vài miếng, tôi rên rỉ:

- Thầy ơi! Con đau ở cổ quá đi!

- Đau cổ?

Thầy Reid lên lên rồi lặng đi một lúc, mãi sau mới nói được:

- Nào, đưa ta xem!

Dìu tôi ra gần cửa sổ, thầy hất đầu tôi lên, bắt tôi há miệng ra, thật khó khăn. Xem xét một lúc, ông đổi hẳn thái độ: tay ông buông lõng, xuôi xị. Tôi linh cảm tai họa đã giáng đúng đầu tôi. Ông quay mặt đi, nói gượng gạo:

- Không có gì đáng lo, theo ta biết.

Và buồn rầu thêm:

- Để ta đi mời y sĩ.

Thầy vừa bước ra, tôi lảo đảo trở về ghế ngồi, tôi cảm thấy đau dễ sợ. Sự sợ hãi không được xua đuổi nữa, nó tự do xâm chiếm đầu óc tôi, tâm hồn tôi: tôi không thể đi thi vào ngày mai rồi! Ông tôi ngồi lặng, thẳng người trước mặt tôi. Cả hai ông cháu đều như chết điếng...

Một giờ sau, thầy Reid cùng bác sĩ trở về. Khám cổ họng tôi xong, ông lắc đầu nhìn thầy một giây, đoạn ra lệnh:

- Đưa nó vào giường ngay! 

______________________________________________________________________

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

CHƯƠNG MƯỜI BẢY_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG MƯỜI BẢY


Đầu tháng sáu, một biến cố tầm thường xảy ra nhưng cũng đủ giúp tôi không ít, làm cho sự tin tưởng tăng lên. Tôi tin là Chúa giúp tôi: số là một sáng kia đi giao bánh về tôi gặp cậu Adam đang vui vẻ ngồi ăn sáng với ba mẹ. Cậu vừa về bằng chuyến tàu suốt đêm tại Luân Đôn. Lệ phí do hãng trả. Vì lâu nay cậu đã lên chức Thanh tra của hãng Bảo hiểm Caledonia và được đổi về Luân Đôn. Lương bổng không cao so với lúc trước nhưng cậu cho đây là cơ hội tốt để vươn lên, thi thố hết khả năng.

Nghe đâu cậu vừa mua một căn nhà đồ sộ tại Luân Đôn, ở vào một vị trí tốt, mặt tiền nhìn ra công viên. Nhà có bảy tầng, thang lầu có tay vịn bằng gỗ đào hoa tâm, hàng lang cẩm thạch. Theo lời cậu, căn nhà đáng giá 6000 livres nhưng nhờ khôn khéo cậu đã mua với giá rẻ mạt: 1900 livres. Đó là tất cả tiền cậu dành dụm trong ngót 10 năm nay. Mẹ xuýt xoa không ngớt. Nhân dịp này, cậu mời ba mẹ lên Luân Đôn xem cho biết.

Sau một hồi bàn cãi, mọi việc được dàn xếp trước khi cậu Adam ra đi: ba mẹ sẽ lên Luân Đôn nghỉ hè hai tuần – nếu có thể thì kéo dài một tháng. Ba luôn luôn thận trọng trước khi quyết định.

Tôi không thể nén vui mừng: tôi sẽ có một thời gian yên tĩnh học hành để chuẩn bị kỳ thi, còn may mắn nào hơn?

Thời gian trôi qua vùn vụt. Một hôm tôi đang học bài trong phòng thì nghe một tiếng động hơi lạ vang lên. Phải sau mấy phút bỡ ngỡ tôi mới nhận ra điều lạ lùng này: mẹ hát! Tiếng bà nhỏ và sai giọng nhưng quả thật là bà đã hát!

Những bộ quần áo tốt nhất của ba được đem ra ủi lại kỹ càng. Hai cái xách tay du lịch được đánh bóng. Mẹ cũng cố gắng mua vài thước voan nâu may chiếc áo mùa hè, song thứ mẹ đặc biệt quan tâm là cái khăn choàng lông thú cũ kỹ. Khăn choàng này xưa cũng trên phần tư thế kỷ vẫn được mẹ ướp long não trong tủ. Chao ơi! Cái khăn choàng của mẹ! Không biết đó là bộ lông của loài vật nào, nhưng thấy nó, tôi tức thì liên tưởng đến một con mèo khốn nạn nào đó chết bẹp dí dưới một sức nặng cũng to lớn như khối thiếc đã đè ông cụ Samuel-Leckie đáng thương. Mẹ đã may lót kèm bằng một miếng voan cắt từ một áo cũ, đổi kiểu chút ít để cho hợp thời trang, sau đó, bà mang ra dây kẽm phơi áo, treo lên, giũ, chải để dựng mớ lông lơ thơ dậy...

Tội nghiệp mẹ: từ năm năm nay bà chẳng có được một ngày nghỉ ngơi. Thế mà giờ đây, mỗi khi bà có tỏ ra vui mừng một chút, tức thì ba chặn lại bằng những lời lẽ đáng sợ như sau:

- Hãy nghĩ đến phí tổn chuyến đi này!

Ba sợ rằng nếu không cảnh cáo trước, mẹ sẽ tiêu quá lố chăng? Ý nghĩ sẽ phải ăn uống tại nhà hàng hoặc do một rủi ro phải ở khách sạn khiến ba như tuôn mồ hôi lạnh vì tiếc của. Ba tỉ mỉ sắp đặt tất cả: mang thức ăn theo cho suốt cuộc hành trình đến tận Luân Đôn. Sẽ dùng tàu đêm và mua vé hạng chót. Trong túi áo ghi lê, ba thủ sẵn cuốn sổ ghi: "Chi tiêu trong dịp đi thăm Adam". Tôi đoán rằng trong thâm tâm, ba hy vọng con trai sẽ hoàn lại phí tổn cho ba. Chưa lên tàu, ba đã ghi vào trang đầu: "Hai vé tàu hỏa... 7 livres, 9 shillings, 6 pences" và ba đọc đi đọc lại, buồn bã như thể là đã tiêu phí nhiều lắm. (Mãi sau này nhờ cậu Murdoch khám phá, tôi được biết ba đã chạy chọt thế nào mà có hai vé "công vụ" miễn phí cho chuyến đi!)

Trước ngày lên tàu, vào buổi tối, mẹ vào phòng tôi, ngồi trên giường lặng lẽ nhìn tôi thật lâu, giọng âu yếm:

- Dạo này, con bận lắm, nhỉ?

Và mỉm cười hiền lành, mẹ tiếp:

- Và mẹ biết con sẽ bận hơn nữa trong khi ba mẹ ở Luân Đôn.

Mẹ biết rồi chăng? Hay ông đã cho mẹ hay? Tôi bối rối cúi đầu, giọng mẹ đều đều:

- Giày con trông thảm hại quá đỗi. Vá lại cũng vô ích... Nếu chúng rách trước... trước khi mẹ về thì con tìm trong ngăn dưới cầu thang có đôi giày của dì Kate, trông vẫn còn tạm được, con ạ!

- Thưa mẹ, vâng.

Tôi trả lời nhỏ và che giấu nỗi ngượng nghịu khi nói, vì tôi biết đôi giày mầu vàng nâu của dì tôi: nó là kiểu giày con gái kia mà. Nghĩ đến lúc mang chúng, tôi nổi gai ốc khắp mình. Mẹ vô tình, vẫn cố thuyết phục:

- Dùng được, con ạ! Hôm kia mẹ vừa xem lại...

- Mẹ yên tâm, con sẽ lo lấy được mà.

- Robert! Mẹ biết con, con vẫn tự xoay sở đấy chứ...

Bà mỉm cười âu yếm, đoạn đứng lên vuốt tóc tôi, thì thầm trước khi bước ra:

- Chúc con may mắn, nhé!

*

Ba mẹ vừa ra khỏi nhà, ông tôi khuân ngay bàn học và sách vở tôi vô phòng khách liền. Đó là một phòng khách ít khi dùng đến, nhưng nó làm cho ba tôi có cái cảm tưởng mình thuộc thành phần trưởng giả: lò sưởi to lớn, bằng cẩm thạch bên trên gắn một tấm kính khung mạ vàng. Trên cái tủ nhiều ngăn, trải khăn ren có trưng bày một quạt Nhật, 3 vỏ ốc "Venus" và một cái chặn giấy bằng thủy tinh khắc hàng chữ: "Kỷ niệm Ardfillan". Giữa phòng, trên một cái thảm đỏ là một cái bàn có cuốn sách bìa mạ vàng sắp khéo léo cạnh một lọ hoa bất tử. Góc phải, dương cầm với cái ghế xoay. Chễm chệ trên đàn là hình ba mẹ trong cái khung xanh, mặc áo cưới. Trên vách một bức tranh sơn dầu với hàng chữ "Vua thung lũng".

Khung cửa sổ mở rộng, thật là nơi lý tưởng để tôi đặt bàn học, thầy Reid tự do tới lui để xem xét việc học của tôi. Trong nhà im vắng, ông tôi hết sức sẽ sàng trong khi đi lại. Mẹ có nhờ bà Bosomley sang giúp chúng tôi việc bếp núc, nhưng tôi ngạc nhiên thấy ông tỏ ra là một tay nội tướng tài ba. Trong những năm khó khăn, ông đã xoay sở một mình và học được cách nấu nhiều món ngon tuyệt. Trong căn nhà rộng vắng, ông tỏ ra thích thú được tự do đi lại không sợ bị chế giễu rầy rà.

Dĩ nhiên, ông cháu tôi bị nhiều hạn chế: các đồ sành sứ, đồ bạc được cất kỹ vào tủ khóa lại rồi, soong chảo tốt cũng vậy, vì mẹ sợ ông làm cháy. Mẹ đã cẩn thận ghi lại các điều cần thiết, chỉ dẫn cho ông cháu, sắp đặt thực đơn cho mỗi bữa ăn theo một ít thực phẩm sẽ được ngoài hiệu giao đến tận nhà mỗi thứ hai. Ông cháu tôi còn được giữ lại chút ít – rất ít – tiền mặt để phòng hờ. Song ông tỏ ra khinh thường mọi khó khăn. Ông vẫn giữ lệ thường đến trại Dalrymphe vài ba lần mỗi tuần. Và dù sự tiếp đón của cậu Murdoch không mấy nồng hậu, ít khi ông trở về tay không: khi thì một bắp su lơ rất tươi, khi thì một mớ khoai tây bùi ngậy, thứ mà tôi rất thích và ông nấu rất ngon lành.

Vài bận khác, vào lúc đêm xuống, ông lấy vẻ đạo mạo đi về phía nông trại Snoddie. Rồi hôm sau, tôi được thưởng thức món gà đút lò tưởng như từ trời rơi xuống.

Dù không để lộ, xem ra ông rất phục sự học của tôi: mỗi bận tôi nhờ ông dò bài hộ, ông rất hãnh diện.

Một tuần lễ sau khi ba mẹ đi, ông bắt tôi ngưng việc giao bánh, ông cho là mất thì giờ quý báu lúc này.

Trời vừa hửng sáng tôi đã ngồi vào bàn, sách mở rộng trước mặt. Thầy Reid miễn cho tôi việc đến trường trong thời gian này. Và như thế, tôi được yên tĩnh học suốt ngày. Tôi học say mê. Ngày định mệnh đã gần đến, đối thủ của tôi hẳn cũng là bù đầu, tôi tin thế; mà học bổng thì chỉ có một làm sao tôi dám hy vọng thắng nếu mắt tôi rời sách vở, dù chỉ trong giây lát chứ?

Cứ đúng năm giờ chiều, thầy Reid đến, ông chỉ khẽ gật đầu chào, đoạn quan sát sức khỏe tôi. Sau đó, thầy ngồi xuống cạnh tôi hướng dẫn tôi học mãi đến tận 10 giờ đêm. Ông tôi đem lại cho thầy trò tôi hai tách ca cao, song thường, nó bị bỏ quên đến nguội lạnh.

Khi thầy ra về – trước khi giục tôi đi ngủ và vẫn biết tôi không nghe – tôi vẫn cắm cúi trên sách, chống lại sự mệt mỏi, chống với cơn buồn ngủ kéo đến. Đôi khi tôi phải vào phòng tắm, nhúng đầu trong nước lạnh. Rồi trở lại bàn học, mệt nhọc không bớt nhưng có một sức mạnh bên trong thúc đẩy khiến tôi đủ can đảm cố gắng thêm. Trước khi cắm đầu vào trang sách chờ đợi sẵn, tôi thầm cầu nguyện Chúa giúp tôi. Để được thức tỉnh, tôi lấy ngòi bút cào trên bắp chân rồi tôi đập tay lên đầu như muốn nhồi nhét kiến thức vào.

Từng phút, từng phút lặng lẽ trôi qua trong đêm tối và tôi vẫn kiên trì ngồi mãi. Tay áo xắn cao, cùi chỏ chống lên bàn, hai tay tôi ôm lấy cái đầu đang quay cuồng.

Đồng hồ điểm hai tiếng rời rạc như cũng đang ngái ngủ, tôi đứng lên lảo đảo về phòng. Thường thường, nằm xuống tôi ngủ ngay tức khắc, nhưng cũng có khi tôi thao thức, hay chập chờn với những cơn ác mộng ghê gớm: tôi thấy tôi vào phòng thi và không trả lời được một câu hỏi nào. Lại có những đêm khác, đầu óc bỗng dưng sáng suốt lạ thường, tôi mò mẫm thật lâu. Cứ thế, tôi thiếp đi song đầu óc vẫn quay cuồng với chữ nghĩa... và những con số.

Bóng tối vừa lui, tôi đã ngồi dậy ngồi trước trang sách, nô lệ cho tham vọng của mình. Khoảng gần năm giờ chiều tôi mới chịu nghỉ một lúc, bấy giờ ông tôi buộc tôi phải dạo một vòng cho thoải mái. Một đôi khi Gavin từ trường về, tôi đón bạn, đứng tựa vào hàng rào sơn trắng, tôi nhìn nó xuống xe băng qua sân ga. Vài hôm khác, tôi đến sân chơi banh với thầy Reid, chạy nhảy một lúc cho giãn gân cốt để có thể học lại đều đều.

Một vài bận may mắn hơn, tôi gặp Alison đầu đường, cô ấy đi học nhạc về. Tránh nhìn nhau, chúng tôi chỉ nói những câu ngắn, tầm thường. Đầu trần, tay cắp tập nhạc, cô kể cho tôi nghe những điều xảy ra trong lớp, những gì thầy Reid nói. Xem ra, Alison cũng rất phục thầy. Thỉnh thoảng đôi mắt cô sáng rực lên, dịu dàng hơn và đôi môi như tươi hơn, dù cô cố giữ một bề ngoài bình thản. Rồi chúng tôi chia tay nhau. Và bấy giờ tôi cắm đầu chạy nhanh về, có lúc tôi dừng lại bất ngờ, cúi nhặt viên đá, cố hết sức ném ra thật xa.

Mặt mày còn bừng nóng, tôi lại cúi đầu vào sách... Mọi việc tiến triển có vẻ tốt đẹp. Lâu lâu, ông sẽ sàng tiến lại gần tôi, đặt trước mặt tôi tách trà bốc khói.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG MƯỜI TÁM

CHƯƠNG MƯỜI SÁU_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG MƯỜI SÁU


Ngày tháng chậm chạp trôi qua và tôi sống trong nỗi chán chường, tuyệt vọng.

Một hôm, qua xén cỏ cho bà Bosomley, lúc đem dụng cụ vào cất (mỗi tháng bà trả một shilling để tôi làm việc này, không trả tiền mặt mà ba sẽ trừ vào tiền thuê nhà) bà gọi tôi vào nhà, đặt trước mặt tôi một tách trà bốc khói kèm miếng bánh táo to tướng. Bà âu yếm nhìn tôi:

- Robert, ta rất buồn mà cho con hay rằng càng ngày con càng giống con ngựa.

- Thật sao, thưa bà?

- Thật, mặt con cứ dài ra, ta tự hỏi tại sao con cứ ưa buồn bã như vậy?

- Thưa bà, bản tính con...

- Nhưng con thích thú gậm nhấm buồn phiền mãi vậy hay sao?

- Thưa bà, thường thì không, nhưng cũng có khi con có thể vừa buồn rầu vừa sung sướng...

- Còn lúc này thì sao?

- Thưa bà, lúc này thì con không có gì vui cả.

Bà lắc đầu châm thuốc hút. Tôi im lặng ngồi. Bỗng bà chìa tay ra:

- Đưa tách trà con ta xem sao! Ta có thể đoán thử tương lai con.

Đón tách trà của tôi, bà đẩy điếu thuốc qua một bên mép, nhíu mắt để tránh khói, giọng bà chắc nịch, chậm rãi:

- Hay... hay lắm! Tương lai của con có mầu xanh, tươi và dịu. Con sẽ khám phá nhiều sự lạ, nhưng chớ nấn ná lại đây lâu khi lớn tuổi một chút nữa. Đối với phái yếu con tỏ ra độc đoán... xem nào... á, à... Phải rồi, khi con 21 tuổi con sẽ có một người yêu rất tốt, nàng hiền lành...

Tôi đỏ bừng mặt. Bà đặt tách trà xuống, mỉm cười:

- Đừng chán nán! Có một ngày con đạt được ước vọng, nhưng hiện giờ thì... Robert! Thành thật mà nói, con làm ta buồn lây đó. Ta biết con có điều lo nghĩ...

- Thưa bà, đâu có gì...

- Ta biết, và ta biết thêm là con chả thèm tâm sự với ta nữa kia. Mà sao con không giãi bày với ông con? Dù ai có nói gì đi nữa, con nên nhớ ông con là một người đáng trọng.

Luôn luôn, bà nói đến ông tôi bằng giọng thán phục, song tiếc thay: tôi không đồng ý với bà. Tôi vẫn yêu mến ông cố, nhưng cái thời sà vào lòng ông kể lể đã qua rồi. Lâu nay tôi trở thành con hến, giấu kín lo âu và can đảm câm lặng một mình. Ngay với mẹ, tôi cũng không tâm sự, mẹ thường nhìn tôi ái ngại và tôi, tôi biết rằng những điều tôi nói chỉ làm bà khổ tâm hơn.

Hình như bà Bosomley có kể lại với ông tôi, cho nên hôm sau ông gọi tôi đến phòng, gạn hỏi cho được nguyên do đã làm tôi buồn chán. Nét mặt và cái nhìn kinh ngạc, buồn bã của ông khi nghe tôi kể làm tôi xúc động sâu xa.

Ông tôi, người đã nhiều lần sai lầm, lố bịch nhưng chưa bao giờ tỏ ra là một kẻ tiểu nhân. Sự hẹp hòi là một cái gì ông không hề biết đến. Ông đột nhiên đứng lên cầm nón và "can" bảo tôi:

- Nào, ông cháu ta lại thăm thầy Reid, xem nào!

Lâu nay, tôi không muốn ra đường với ông, tôi xấu hổ vì sự lố bịch của ông, nhưng bấy giờ tôi buồn cho đến nỗi không đủ can đảm từ chối. Tin rằng sự can thiệp của ông vô ích, tôi vẫn ngoan ngoãn tuân lời.

Phần đông các giáo sư ngụ tại các khu vực sang trọng trong các biệt thự xinh xắn, thầy Reid thì khác, ông ở trong một căn nhà to, cũ kỹ ở khu lao động, thợ thuyền. Ông cho là như thế ông được tự do hoàn toàn, điều này hợp với tư tưởng cấp tiến của ông.

Vị giám học của nhà trường không ưa vẻ phóng túng của thầy Reid nhưng phải công nhận ông dạy hay và có nhiều sáng kiến. Tiến sĩ văn chương và Cử nhân vạn vật học, thầy có thể vừa dạy vạn vật vừa dạy văn chương Anh cho các lớp lớn.

Tôi còn nhớ hôm ông đến dạy đầu tiên, môn văn chương Anh. Theo thông lệ, chúng tôi thay phiên nhau đứng lên từng đứa nói về một đề tài gì đó. Đề tài hôm ấy là: Tôi sẽ làm gì ngày chúa nhật đến. Ngồi dựa ngửa ra ghế, gác chân lên bàn, ông nghe chúng tôi trình bày những dự tính hết sức đứng đắn, hay ho. Sau cùng, ông tuyên bố, giọng trầm trầm:

- Phần tôi hả? Chúa nhật này có lẽ tôi sẽ nằm nhà uống bia bằng thích!

Bề ngoài ồn ào, song tôi tin là ông cô độc và đau khổ. Ông không giao tiếp với đồng nghiệp vì ông khác xa họ quá. Đôi khi, ông dự vài buổi họp của các nhóm khuynh tả, song ông chê là các hội quán của Levenford toàn chứa chấp bọn nghiện ngập, vô dụng. Ông không hề chú ý đến phụ nữ, chưa bao giờ tôi thấy ông trò chuyện với một người đàn bà.

Ông có vẻ chú ý đến tôi và tôi cho là do tôi có một vài điểm giống ông. Chúa nhật, ông thường gọi tôi đến ăn sáng với ông. Tôi được ăn những bữa thịt dồi no nê. Tuy vậy, ông không hay biểu lộ tình cảm, ngoại trừ đôi khi tôi bắt gặp ông nhìn tôi bằng tia mắt âu yếm hiền lành.

Tiếng nhạc trong phòng ông phát ra khi ông cháu tôi lên khỏi cầu thang. Ông tôi gõ đầu can vào cửa. Có tiếng thầy Reid la lên:

- Cứ vào đi!

Cạnh cửa sổ trong cái ghế mây, thầy Reid ngồi, áo ngắn tay, hai ống quần túm lại bằng hai cái kẹp, chân mang giày đen có cột dây nhiều vòng, trên bàn trước mặt ông là ly bia sủi bọt và một máy quay dĩa.

Ông tôi vừa trịnh trọng tự giới thiệu thì thầy đã khoát tay bảo im và ra hiệu cho khách ngồi xuống. Hết bản nhạc, thầy lại nhanh nhẹn lật sang mặt khác và ngồi xuống ghế, lắng nghe. Thỉnh thoảng, thầy dùng khăn tay lau trán và hớp một ngụm bia. Tôi hiểu ngay thầy vừa đi chơi xe đạp về. Cứ mỗi lần có điều bực bội ông vớ lấy xe đạp, đạp thẳng trước mặt bất kể dốc đèo, khom mình trên tay lái, ông đạp như một tên tù khổ sai, mình mẩy đẫm mồ hôi, sau lưng bụi tung mù mịt. Sau đó, về nhà, thầy lại hăng hái trở lại, ăn uống bằng bốn người rồi thưởng thức nhạc hòa tấu của Beethoven. Tôi còn biết thầy cũng là tay dương cầm có hạng, song thầy rất ít khi đàn cho ai nghe vì thầy cho rằng ngón đàn tài tử của mình không lột hết được cái hay của bản nhạc.

Bản hòa tấu chấm dứt, thầy tắt máy, cho dĩa vào bao rồi mới quay sang ông tôi, giọng rất lịch sự:

- Thưa, tôi có thể giúp gì cho ông đây?

Mất dịp tự giới thiệu và bị bắt chờ đợi hơi lâu, ông tôi đổ cáu:

- Thế bây giờ ông có thể tiếp tôi vài phút chăng?

- Dĩ nhiên là được, thưa ông.

- Tốt quá! Tôi đến đây để nói với ông về chuyện cháu tôi và cái học bổng Marshall...

Thầy Reid hết nhìn ông tôi lại nhìn tôi rồi sau cùng bước lại buýt phê đặt dưới kệ sách lấy thêm chai bia rót đầy các ly, thầy mới cất giọng:

- Tôi được chỉ thị rằng phải ly gián thằng nhỏ này với cái học bổng kia, càng xa, càng tốt. Mà ông biết đó: hạng tép riu như tôi phải tuân theo...

Ông tôi mỉm cười một cách trịnh trọng, đầu can trong tay ông tôi gõ trên nền nhà. Tôi biết là ông tôi sắp sửa lên giọng thao thao bất tuyệt, một thói quen cố hữu mà cũng là tài của ông.

Giọng trầm bổng, lúc hùng hồn, lúc tha thiết... tôi hoang mang không nhớ rõ ông nói gì, chỉ nghe nhiều lần ông nhấn mạnh đến quyền Tự Do mà Thượng Đế đã ban cho con người, đến Công Bình, đến Lẽ Phải. Thầy Reid thích thú lắng nghe, thỉnh thoảng cười nhẹ. Cuối cùng thầy reo lên:

- Hay lắm! Hay lắm, thưa ông! Đây, sau một bài diễn văn ứng khẩu cách đó, ông hẳn khát lắm (thầy đưa ly bia cho ông tôi). Nhưng thật tình, tôi không thể nào giúp Robert được.

Ông tôi đón ly bia uống cạn rồi thản nhiên chùi miệng nói:

- Thầy cứ bí mật ghi danh cho cháu dự thi.

- Không được. Tôi đã gặp quá nhiều phiền phức rồi. Vả lại, đơn xin dự thi phải có chữ ký của người giám hộ.

- Tôi sẽ ký, thưa thầy.

Thầy Reid nhíu mày, bước tới bước lui trong phòng, dáng bộ suy tính dữ. Tôi biết thầy đang do dự về đề nghị của ông tôi và tôi chợt tràn trề hy vọng.

Thình lình, thầy dừng chân, nhìn thẳng và nghĩ ra tiếng nói:

- Tuyệt lắm: nếu ta đoạt được học bổng này. Không nói với ai cả. Làm việc tận lực và bí mật. Và sau đó...chà! Ta sẽ thắng cho chúng biết tay. Hừ! Từ lão giám học đến lão già Leckie bần tiện...

Thầy quay sang tôi:

- Nếu trò thắng, họ sẽ không ngăn trò vào Đại học được. Chúa ơi! Tuyệt quá!

Đôi mắt lộ của thầy nhìn tôi chăm chú như ước lượng khả năng tôi, tôi nóng bừng mặt, tay xoay quanh cái mũ, cố giữ bình tĩnh. Để đỡ tốn tiền, mẹ vẫn tự tay cắt tóc cho tôi, hôm qua bà vừa hớt mà lại hớt ngắn đến nỗi bày cả da đầu. Đầu tôi hiện giờ chắc chả có vẻ gì... trí thức.

Thầy Reid giơ nắm tay lên không.

- Đáng thử lắm chứ! Trò phải biết ta mong cho trò được dự thi đến ngần nào! Bây giờ ta còn mong ước hơn bao giờ, chúng ta sẽ không cho ai hay quyết định này và chúng ta sẽ thành công.

Chưa bao giờ tôi sống những phút giây kỳ thú như vậy. Hy vọng lại bừng lên trong lòng tôi, tương lai như mở rộng, đón mời. Thầy Reid gây thêm tin tưởng... Tôi vui như mở hội trong lòng.

Phát mạnh lên vai tôi một cách thân mật rồi thầy lại bắt tay ông tôi thật chặt. Trong ba người, tôi biết niềm phấn khởi cùng dâng cao. Song, một giây sau, vốn chừng mực thầy chặn lại:

- Này, đừng tưởng bở! (thầy kéo ghế ngồi cạnh chúng tôi) Robert, trò sẽ gặp nhiều khó khăn đấy nhé! Trò 15 tuổi thôi mà phải đương đầu với vô số đứa lớn hơn 2, 3 tuổi. Vả lại, trò cũng có những nhược điểm: chẳng hạn trò hay vội vàng kết luận trước khi suy luận. Phải bỏ cái tật này!

Tôi nhìn thầy, há hốc miệng, sáng ngời mắt không nói gì nhưng sự im lặng của tôi còn hùng hồn hơn những lời đoan quyết, hứa hẹn. Giọng thầy dịu lại khiến tôi hãnh diện:

- Ta hiểu rõ tình thế. Này, theo ta biết năm nay tình trạng như sau: đối thủ ít hơn thường lệ nhưng trình độ sẽ rất cao. Đây là ba thí sinh đầy triển vọng: Gavin-Blair, trường Larchfield, kế đến là Allardice, trường Cao đẳng Ardfillan và thứ ba là Mc Evan học ở nhà. Blair, trò biết đó, xuất sắc trong tất cả các môn. Allardice, 18 tuổi tròn, thì lần thứ hai, đây là một một điểm lợi rõ ràng cho nó. Song đứa làm ta thật sự lo sợ chính là Mc Evan.

Thầy Reid ngừng lại một chút, như thể muốn gây ấn tượng cho tôi và chưa chi tôi đã cảm thấy gờm tên Mc Evan lạ mặt rồi!

- Nó tuổi trạc trò thôi, cha nó dạy cổ ngữ La Tinh, Hy Lạp ở trường Under-shaws. Ông này chuẩn bị cho con trai dự thi từ lâu nay đấy, con ạ! 12 tuổi. Nó đã thạo tiếng cổ Hy Lạp rồi. Bây giờ ít ra nó cũng thạo thêm 5 ngoại ngữ nữa. Nó có vẻ thần đồng với cái trán cao và cặp kính dày cộm. Những ai quen biết nó đều quả quyết rằng nó sẽ thắng kỳ thi đặc biệt này...

Giọng thầy tôi hơi khôi hài nhưng không che giấu nỗi lo sợ. Tôi chua chát nghĩ: "Chà, thằng này trong bữa ăn dám xin cha nó đưa cho bánh mì bằng tiếng Phạn chứ không chơi!". Tôi chỉ nghĩ thế thôi chứ không hé miệng.

- Trò thấy chưa? Robert? Trò sẽ phải học tận lực đó nhé! Ờ! Ta sẽ không giết trò đâu... Đừng lo: mỗi ngày ta sẽ cho trò có một giờ nghỉ ngơi. Nếu trò hăng quá, không muốn nghỉ, ta sẽ buộc trò phải nghỉ, trò phải đi dạo ở đồng quê để đầu óc được thoải mái. Ta cho mượn cái xe đạp... nhưng liệu chừng đó, đừng làm bể bánh xe. Ta sẽ lo cho trò đầy đủ sách vở, trò sẽ phải giữ kỹ tất cả trong phòng và ta khuyên trò nên học trong đó, vì ngồi giữa bốn bức vách, trò sẽ không bị chia trí, lo ra. Để đây rồi ta sẽ sắp đặt chương trình cho trò học. Hiện giờ, trong hộc bàn ta ở trường còn giữ tất cả đề thi Marshall từ 10 năm qua. Ngày mai, chúng ta sẽ cùng xem xét lại từng điểm một, từng câu hỏi. Ta không quên gì chứ? Robert, con muốn hỏi chi không?

Tôi xúc động nhìn thầy, mắt ngời sáng, không biết nói gì để cảm ơn ông. Tôi lúng túng không biết dùng lời gì để biểu tỏ sự sẵn sàng tuân lời. Sẵn sàng làm việc, tranh đấu đến cùng.

- Con xin hứa, con xin hứa...

Tôi chỉ biết ấp úng ngần ấy lời thôi. Nhưng cần gì phải nói dài dòng? Tôi biết thầy hiểu tôi. Thầy nhanh nhẹn lại tủ sách, chọn cho tôi những sách cần thiết. Sau đó, ông tôi giúp tôi mang về nhà.

Tôi tưởng như mình đang bước trên mây!

______________________________________________________________________ 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>