Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

CHƯƠNG MƯỜI LĂM_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG MƯỜI LĂM


Sáng hôm sau, trong căn nhà mát ven hồ, chúng tôi thức giấc. Mặt trời đã lên cao. Bà Glen dọn cho chúng tôi bữa điểm tâm.

Rồi, dưới ánh nắng Gavin lấy con dao săn của cha cắt con cá thành hai khúc đều nhau. Thịt cá hồng, rắn chắc, xương sống trắng ngời chứng tỏ thịt đang tươi ngon. Gavin bảo tôi:

- Chúng ta rút thăm, nghe? Vậy mới công bình. Mỗi phần nặng cỡ 6 livres đấy (1), nhưng phần đuôi nhiều thịt hơn.

Chúng tôi lấy đồng pence quăng lên không để xem ra sấp hay ngửa, và tôi đã được phần đuôi con cá. Gavin là một người bạn tốt, nó tỏ ra mừng cho sự thắng cuộc của tôi:

- Nhớ đấy! Đừng nấu quá 20 phút, ngon lắm đấy!

Gói phần cá của mình bằng những lá cói, đặt vào giỏ gắn trước ghi đông xe đạp, chúng tôi vào từ giã bà Glen đoạn ra về. Gavin ngồi đằng trước, chở tôi phía sau. Chốc chốc, chúng tôi lại thay phiên nhau đạp xe, vì chúng tôi muốn chia nhau tất cả, mồi ngon cũng như khó nhọc.

Đúng giờ ăn trưa, tôi về đến nhà. Ba mẹ đã ngồi vào bàn ăn, tôi ngại ngùng vì đã đi chơi suốt ngày song cũng hãnh diện bởi câu được phân nửa con cá tươi quý làm quà ba mẹ. Chắc chắn với nửa con cá thu tươi này, chúng tôi sẽ có những bữa ăn ngon lành.

- Đi đâu về đó?

Tựa lưng ra thành ghế, ba hỏi tôi bằng giọng ồm ồm chán nản, y như giọng ông tuyên bố cái bữa mẹ tôi dọn trứng cho ông:

- Khỏi! Từ nay khỏi làm la cót cho tôi. Chúng ta đã ăn nhiều quá rồi. Theo các y sĩ, ăn nhiều là nguồn gốc mọi bệnh hoạn.

Mẹ tôi đỡ lời:

- Tôi có nói với ông rồi, quên sao: cháu nó đi câu với Gavin ở...

Tôi vội vàng đặt phần cá trước mặt hai người:

- Ba mẹ nhìn xem: nửa con cá thu tươi rói! Gavin câu nhưng chính con móc và giật nó lên...

Mẹ tôi vạch mớ lá xanh ra, kêu lên:

- Hoan hô Robert! Ngon tuyệt!

Nghe mẹ khen, mặt tôi tươi lên, cùng một lúc tôi chờ đợi ba khen. Ông nhìn sững khúc cá như bị thôi miên. Bình nhật ba rất ít khi cười, nhưng hôm ấy, tôi nhớ rõ ràng ông đã cười thành tiếng và nói:

- Ngon thật... nhưng chúng ta ăn sao được cá thu? Không khéo bịnh chết! Trưa nay đem lại đằng hiệu Donalson đi cho xong.

- Thôi đi, tôi xin ông lần này. Hãy để lại vài lát nếu không cho ăn hết...

Mẹ tôi buồn bã nói, mấy nếp nhăn cày sâu xuống vầng trán phẳng của bà. Ba tôi nghiêm giọng:

- Tôi đã nói không ăn là không ăn. Mùa này cá thu hiếm, được giá lắm. Ít gì cũng được 3 shillings 6 mỗi livre, nhưng đó là bán lẻ kia, chớ còn mình bán cho cửa hiệu thì chắc ít hơn. Lão Donalson chỉ dám trả 2 shillings 6 mỗi livre là cùng... Cũng được tiền rồi.

Tôi nghẹn ngào không thốt được một lời. Đem bán cho hàng cá trọn nửa con cá ngon lành này thay vì để thêm vào những bữa ăn nghèo nàn của gia đình chúng tôi? Hay là bà nói chơi đây? Tôi thầm ao ước.

Ba tôi cúi xuống tiếp tục ăn. Mẹ tôi mím chặt môi, dùng cái muỗng cán dài moi mấy củ khoai tây lùi trong tro ra, dọn cho tôi, giọng bà thảm não:

- Đây! Phần ăn của con, ngồi xuống ăn đi con!

Xế hôm ấy, tôi đi bán cá. Ông Donalson dáng người mập mạp, da dẻ hồng hào, tạp dề có sọc xanh mang trước ngực, che khuất một phần áo trắng tinh, đội mũ rơm, vui vẻ.

Tôi còn đang lúng túng vì không biết giá cả ra sao, thì ông ta cho biết là ba tôi đã ghé đây trong khi đi làm, cho nên ông ta không chút ngạc nhiên, mà sẵn sàng đón chờ tôi mang cá đến. Khúc cá nặng trên 6 livres. Ông hàng cá đẫy đà vuốt râu, nhìn tôi:

- Cháu câu được, hả?

- Vâng!

Tôi đáp xuôi xị.

- Nó vùng dữ lắm, hả?

- Vâng!

Tôi cúi mặt đáp, cùng một lúc hồi tưởng lại đêm qua, đến mặt hồ lấp lánh ánh trăng, đến tình bạn của chúng tôi, đến buổi câu lý thú...

- Đây! 2 shillings 6 mỗi livres, tất cả a livres, vậy là 15 shillings chẵn. Cháu đem tiền về cho ông Leckie nhé?

Rồi ông dõi mắt theo tôi trong khi tôi rời hàng.

Chiều hôm ấy, ba đi làm về tôi liền trao tiền cho ông, ông gật đầu tỏ vẻ hài lòng, cho hết cả vào cái ví da. Suốt bữa ăn, ông vui vẻ kể lại rằng ông vừa gặp ông Giám đốc Thủy cục, rằng ông ấy dạo này có vẻ "xuống dốc" quá: bị sạn trong thận mà! Như vậy, chuyện ông ta về hưu chỉ là chuyện chờ đợi từng ngày.

Ông nói chuyện này bằng giọng hăng hái khác thường. Sau bữa ăn, ba bảo tôi:

- Robert! Vào xa lông, ta có chuyện nói...

Trong gian phòng ít khi có dịp sử dụng này, tôi và ba đối mặt nhau, cạnh cửa sổ. Trên kệ, bó hoa bất tử khô quắt. Qua khung kính, tôi thấy mấy cành đào xanh ngắt lung linh trong gió nhẹ. Mấy ngón tay ba đan vào nhau. Vẻ ân cần song lưỡng lự ông nhìn tôi, môi mím chặt:

- Robert! Con học giỏi, ta bằng lòng lắm, con lớn rồi đấy.

Tôi đỏ mặt vì được khen – ông rất hà tiện lời khen – ông tiếp:

- Ta hy vọng là con hiểu những cố gắng của ta đối với con.

- Thưa ba, con rất hiểu, con biết ơn ba mẹ nhiều lắm.

- Thầy Reid vừa đến tìm ta...

Tôi run rẩy lắng tai. Ba tôi điềm nhiên tiếp bằng giọng chậm rãi:

- ... Ông ấy yêu cầu ta ký một hồ sơ... Ta và ông ấy đã bàn kỹ về tương lai con – ông ngưng lại, dặng hắng một cái – Robert! Chắc con cũng đã nghĩ đến điều này chứ?

Tim tôi đập loạn xạ trong lồng ngực:

- Thưa ba, chắc thầy con có cho ba biết là con có thể hy sinh tất cả để được theo đuổi Y khoa tại Đại học Winton.

Ba cố gắng mỉm cười:

- Con phải hiểu điều này: ta không giàu có gì.

- Nhưng thưa ba, thầy Reid có cho ba hay về học bổng Marshall chớ?

- Có, Robert ạ!

Khuôn mặt tai tái của ba hồng lên một chút và cái nhìn như cảnh cáo tôi để tôi khỏi nuôi cái ảo tưởng nguy hiểm:

- ... Và ta đã trả lời rằng thầy Reid rất lầm lẫn khi nhen nhúm cái hy vọng hão đó trong lòng con. Ta, ta không ưa những tư tưởng quá tiến bộ của ông ấy. Ai biết trước được kết quả cuộc thi tuyển? Bằng chứng như thằng cậu mày đó. Chao! Học bổng Marshall! Khó lắm con ơi! Thành thực mà nói, ta không chê con điểm nào nhưng ta không tin là con đậu nổi...

- Nhưng ít ra, ba cũng vui lòng cho con thi thử chứ?

Cổ tôi như bị nghẹt vì lo lắng, mặt ba tôi tối sầm lại, để khỏi nhìn tôi, ông đưa mắt ra khung cửa sổ:

- Robert, không được! Đó là lợi ích cho riêng con, mỗi mình con thôi. Vả lại, dù cho con đậu, ta không đủ sức để con theo đuổi Đại học 5 năm. Trong năm năm đó con sẽ không mang về nhà một trinh con. Ta đã tốn kém nhiều cho con. Giờ đây là lúc con đền đáp lại công ơn ta đôi chút...

- Thưa ba, xin ba...

Tôi hết lời nài nỉ một cách vô ích và sau cùng tôi im bặt vì chán nản, tuyệt vọng. Tôi muốn nói là tôi sẽ trả lại cho ông gấp trăm những gì ông đã cho tôi nếu ông cho tôi thử thời vận, rằng nếu trong 5 năm bận học đó, tôi không mang tiền về thì bù lại, tôi sẽ cố học hết sức. Tôi sẽ... nhưng tôi chạm phải sự lạnh lùng sắt đá của ông nên tôi cứng họng luôn.

Như mọi người yếu đuối khác, ông đặt danh dự vào việc không thay đổi ý kiến, cho như thế là tốt nhất. Ông không ghét bỏ tôi nhưng mù quáng vì tính keo kiết đáng sợ, ông nghĩ rằng quyết định của ông có ích lợi cho tôi và cả gia đình.

Giọng khuyến khích, ông bảo:

- Tuần rồi ta đã nói chuyện với anh Cai. Mùa hè này con được nhận vào xưởng thép, con sẽ có một nghề chắc chắn trong tay trước tuổi thành nhân. Ban đầu, lương không cao mấy, nhưng con cũng có thể góp thêm vào ngân quỹ gia đình. Ta thấy như vậy là thực tế hơn.

Tôi ấp úng mấy lời chi đó, tôi không muốn trở thành thợ và học việc ba năm trong một xưởng thép là điều tôi chẳng hề ao ước. Dù xem ra ba có lý, tôi không khỏi đau xót ngậm ngùi. Ba đứng lên, thở dài và vỗ vai tôi:

- Ta biết con thất vọng lắm, nhưng biết làm sao hơn? Khi không đủ phương tiện ta không nên đòi hỏi.

Tôi ngồi nán lại một mình trong xa lông. Ra ba đã lo chuẩn bị cho tôi vào học việc trong xưởng và mẹ tôi đã tin cho dì Kate hay trong bức thư cho nên dì mới nhìn tôi cách khác thường như vậy.

Nhớ đến niềm hy vọng, đến dự định, đến những lời tâm sự với Gavin, đến sự háo hức của tôi trong những ngày qua, bất giác tôi không sao cầm nước mắt. Tôi khóc lặng lẽ, âm thầm. Không bao giờ tôi trở nên người mà tôi ao ước, tôi sẽ chỉ là người thợ thôi sao?

------------------
(1) Mỗi livre nặng cỡ nửa kí lô.

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG MƯỜI SÁU
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>