Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

CHƯƠNG IV_NGÔI NHÀ HOANG


CHƯƠNG IV


Sáng hôm sau, bọn Dũng lên đường thám hiểm khu rừng lân cận. Nga, Dũng hăng hái vạch lá tiến đến gần khe núi nơi có giòng nước thanh khiết chảy róc rách. Chợt họ nghe có tiếng Cường gọi giật từ phía sau :

- Lại đây, nhanh lên, coi cái này.

Dũng, Nga chạy lại chỗ Cường và theo tay anh chỉ họ thấy một khoảng tối hun hút giữa vách đá có những bụi cây lớn phía trước. Cường đã chui tọt vào cửa hang. Một lúc sau anh trở ra hân hoan :

- Hình như phía trong còn sâu và rộng. Nhưng tối quá chẳng thấy gì. Dũng có mang theo đèn pin không ?

- Ban ngày ai đem theo đèn làm gì. Để tớ về lấy.

Dứt lời, Dũng cắm cổ chạy xuống triền núi. Cường, Nga đành ngồi đợi phía trước cửa.

- Nga này - Cường vờ nghiêm trang - lỡ đây là hang cọp thì cô tính sao ?

Nga tròn xoe mắt tưởng Cường hỏi thật :

- Eo ôi, khiếp ! Vậy anh đừng nên vào.

Nga ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi :

- Anh có ngửi thấy mùi tanh trong hang không ?

- Có - Cường cố dằn tiếng cười - Y như là mùi cá thỉnh thoảng cô vẫn làm ở nhà. Cô có cái khăn mùi soa cho anh mượn bịt mũi thì cọp…

- Đồ tồi, ghẹo Nga hoài. Lần sau không tin anh nữa cho coi.

Cường làm hòa :

- Thôi cho tôi xin lỗi. Nói dối để tập cho Nga bạo dạn thêm, chứ như đêm hôm qua thì các sói con của cô sẽ cười cho chết.

- Đêm qua anh Cường sợ không ?

- Có gì đâu mà sợ, vài con chim và thú rừng ban đêm đi kiếm mồi ấy mà.

Sáng sớm hôm nay khi tỉnh dậy, đôi bạn đã trở lại bình thường trong khi Nga vẫn còn bị những hiện tượng đêm qua ám ảnh. Chuyến thám du và lội suối sáng nay giúp đem lại tỉnh táo cho cô bé nhưng mỗi khi lẩn thẩn đi một mình, Nga lại hồi tưởng những chuyện kinh dị do bác Tư kể trưa qua trong bữa cơm.

- Nga thấy có vẻ gì là lạ trong tiếng thú rừng kêu tối qua. Anh Cường có nhận xét như vậy không ?

- Tại cô chưa nghe những tiếng ấy lần nào. Đêm nay tôi quyết ngủ một mạch đến sáng cho mà xem.

Nga nhìn sâu vào mắt Cường, đe dọa :

- Nếu đêm nay còn xảy ra hiện tượng như đêm qua thì Nga sẽ trở lại nhà bác…

Chưa nói hết câu, Nga giật nảy mình vì một tiếng hét nhức óc phía sau lưng. Khi hoàn hồn quay lại, Nga thấy Dũng từ gốc cây cách chỗ Nga vài thước, ôm bụng bước ra cười ngặt nghẽo. Cô bé giận quá, vơ một hòn sỏi nhỏ ném về hướng Dũng, mắt Nga đỏ ngầu.

Dũng bước lại xin lỗi em và dìu cô bé đứng dậy :

- Thôi từ nay anh chừa, đừng mách lại với ba mẹ nghe.

Anh nháy mắt với Cường, ôn tồn :

- Ta vào hang đi.

Dũng bật đèn pin, gạt cành cây che ngang cửa hang định chui vào nhưng Cường đã kịp thời kéo tay anh lại :

- Khoan đã, hình như có vết chân người.

Theo tay Cường trỏ, cả ba người ngồi sụp xuống chụm đầu quan sát. Vết dép kiểu "Bình Trị Thiên" cỡ lớn in sâu xuống nền đất.

Cường dáo dác nhìn quanh như sợ người lạ còn lẩn quẩn đâu đây.

Anh trầm giọng :

- Vết dép còn mới và mũi quay về phía cửa hang, chứng tỏ người lạ đã vào hang nầy cách đây không lâu. Không hiểu người lạ thuộc hạng nào ?

Dũng góp ý :

- Chắc người lạ phải là một người đàn ông to lớn vì vết dép in xuống đất khá sâu và…

- Hai anh có nhận thấy dân chúng trong làng đi kiểu dép nầy không ? Vậy có thể người lạ là một kẻ từ xa đến.

Cường đề nghị :

- Tất cả mới chỉ là giả thuyết, thử vào hang xem có gì lạ chăng ?

Dũng chui vào đầu tiên. Anh cẩn thận quét nhanh ánh đèn bấm một lượt lòng hang xem có thú dữ nào ẩn nấp. Hang sâu chừng tám chín thước, trần hang cao hơn đầu người một chút. Vách hang nứt nẻ.

- Kìa kìa ! - Dũng reo nhỏ tiến về phía cuối hang nơi ánh sáng chiếc đèn bấm vừa phát hiện một đống rơm còn khá mới.

- Có thể người lạ hoặc loài thú nghỉ đêm tại đây.

Dũng chiếu ánh đèn xuống nền đất tìm kiếm dấu vết khả nghi nhưng nền hang chỉ lổn ngổn đá núi có lẫn sỏi trắng, không có gì đáng chú ý. Họ rời hang ra ngoài.

Cường đi giật lùi cách cửa hang hơn chục thước rồi dừng lại nhìn kỹ cảnh trí bên ngoài. Anh kéo Dũng đang đứng tần ngần trước mặt nói nhỏ vào tai :

- Lạ lắm, hình như tối qua tớ thấy bóng người đi về hướng này, chắc chắn là tớ không thể lầm được.

Bất ngờ Nga quay lại. Cường vờ như không có chuyện gì quan trọng, đẩy vội bạn tới phía trước nói :

- Bọn mình nên xem kỹ lại vết dép để ghi nhớ vào đầu, sau đó chúng ta sẽ để ý những người dân làng nào đi loại dép và có cùng một khổ tương tự.


Đêm thứ hai, tại căn nhà hoang, sự kinh hoàng lại tái diễn dữ dội hơn cả đêm trước. Tiếng cú kêu, tiếng thú rừng cắn nhau, tiếng mèo gào, tiếng thét, tiếng hú hỗn loạn như nhất quyết khủng bố tinh thần ba khách trọ trẻ tuổi. Lần này tiếng cành cây gãy nghe gần hơn và cả cửa chính lẫn cửa sổ từng dưới nhà đều bị đập mạnh.

Cường, Dũng cầm gậy đi kiểm soát quanh nhà mấy lượt trong khi Nga lấy thìa khua soong nhôm inh ỏi để đuổi thú rừng lẩn quẩn ngoài vườn. Phản ứng mạnh mẽ của họ khiến mọi tiếng kêu im bặt. Nhưng khi bọn Dũng cài then đóng cửa định trở về phòng riêng nghỉ, sự kinh hoàng lại bắt đầu. Mãi đến một giờ sáng, sự yên tịnh mới trở lại hoàn toàn.

Nga ngồi bó gối trên giường, dáng bơ phờ. Ngọn đèn dầu leo lét đặt ở một góc phòng hắt ra ánh sáng yếu ớt. Lại thêm một đêm mất ngủ nữa. Lần nầy Nga không thấy sợ song bực bội vô cùng. Vừa nhận ra bóng Dũng, Cường lách cửa đi vào, Nga trút hết giận lên họ :

- Nga yêu cầu hai anh hãy bỏ ngôi nhà nầy đi cho rồi. Nếu hai anh cứ ở lại, ngày mai Nga nhất quyết đi.

Không thấy hai người nói gì, Nga tiếp :

- Chẳng lẽ hai anh có thể chịu đựng mãi sự căng thẳng như vậy sao ?

Cường ôn tồn phân trần :

- Nếu ngày mai không còn xảy ra như vậy, liệu Nga còn nhất quyết rời bỏ nơi nầy không?

- Làm sao anh dám quả quyết như vậy ?

Cường ngập ngừng :

- Có thể… có thể thú rừng sau khi nhận ra căn nhà có người ở, chúng sẽ tự ý tìm một nơi khác tụ tập… hoặc… chúng tôi có thể canh chừng để đuổi chúng đi khi chúng kéo đến.


Trưa hôm sau, khi dùng bữa tại nhà bác Tư như lệ thường, bọn Nga đã bị mọi người hỏi han. Nga tuy muốn rời bỏ ngôi nhà hoang nhưng không đành nói sự thật, vì cô biết chắc khi hay chuyện bác Tư sẽ bắt bọn trẻ trở về. Cô im lặng và chỉ trả lời những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Nga để mặc đôi bạn trai ứng đáp và lâu lâu lại bắt gặp tia mắt nửa van lơn, nửa e dè lúc thì của Dũng, lúc thì của Cường. Nhiều câu trả lời của họ khiến Nga suýt phì cười.

Xong bữa, Nga lái chiếc xe đạp của bác Tư cho mượn về "nhà riêng" của ba người. Dũng, Cường ghé qua chú Năm Cối mua bắp và nhân tiện sẽ hỏi chú một đôi điều quan trọng. Đôi bạn bắt gặp chú ngoài vườn, đang ngắm nghía mấy chậu hoa cảnh.

- Chào chú ạ.

- À, chào mấy cháu, mấy đêm nay ở bên ấy có gì lạ không ?

Cường tiết lộ nửa sự thật :

- Dạ, vào giữa khuya có vài tiếng chim và thú rừng nhưng lúc nầy tụi cháu bắt đầu quen với cảnh đó rồi, nên vẫn ngủ ngon lành.

- Thiệt hả, chú trợn mắt nửa vui mừng nửa ngờ vực, trời ơi chỉ có vậy mà tụi học sinh mấy năm trước đã co giò bỏ chạy.

Dũng sợ chú lại kể lể dài giòng, vội đi thẳng vào vần đề mà anh muốn biết :

- Gần đây chú có thấy người lạ mặt nào ra vào làng này không chú ?

Chú Năm ngạc nhiên hỏi :

- Không ! Mà sao mấy cháu hỏi chuyện đó chi vậy ?

Rồi chợt như hiểu được ý tưởng thầm kín của Dũng, chú cười hề hề :

- Mấy cháu đừng lo chú cho người khác mướn ngôi nhà đó. Chú đã cam kết cho các cháu mượn là chú giữ lời. Vả lại, cũng chẳng ai thiết đến nó. Trước kia, khi chú mua lại ngôi nhà ấy, chủ nhân đã treo bảng bán nhà cả hơn một năm mà không ma nào buồn hỏi!

- Thưa chú, vậy trước đó, chủ nhân của ngôi nhà ấy là ai ?

- Là một nông gia giàu có trong vùng này. Ông ta vừa trồng trọt vừa buôn bán các loại nông sản. Nhưng từ hai năm nay, công việc làm ăn của ông ta suy sụp vì sự cạnh tranh dữ dội của người Tàu. Gia tài ông ta dần dần khánh kiệt. Chú thấy tội nghiệp, nên mua hộ ông ta ngôi nhà ấy với giá cao hơn bình thường để giúp ông ta có ngay món tiền cần thiết trả nợ.

- Ông ta biết chuyện ngôi nhà ấy bị thú rừng quấy phá vào nửa đêm khi ông ta bán cho chú không ?

- À… à - Chú Năm Cối có vẻ bối rối - Chú… chú chưa bao giờ nói chuyện đó với ông ta và cũng chưa khi nào ông ta đề cập chuyện đó với chú.

Đôi bạn thấy câu chuyện đến đấy cũng khá đủ nên xin phép chú ra vườn hái bắp, trả tiền rồi kiếu từ.

Rời vườn chú Năm Cối chưa đầy vài chục thước, đôi bạn bất ngờ gặp Lợi giữa đường. Dũng chặn Lợi lại chào hỏi :

- Lợi đi đâu về đấy ?

Lợi trả lời, giọng cộc lốc :

- Đi chơi !

Dũng cố gợi :

- À, chiều qua Lợi bảo tôi quanh nhà có nhiều chó sói, sao hai đêm rồi chả thấy bóng con nào cả nhỉ ?

Lợi đột ngột gắt gỏng :

- Nay không thấy, mai mốt sẽ thấy !

Nói dứt, Lợi bỏ đi luôn để mặc cho bọn Dũng nhìn theo ngạc nhiên. Dũng bực tức lẩm bẩm : "Đồ bất lịch sự !" Cường cố làm bạn nguôi giận :

- Có lẽ anh ta không quen lối cư xử tế nhị như người thành phố, hoặc anh ta đang có chuyện bực hay vì mặc cảm gì đó.

Cả hai bước mau về ngôi nhà hoang sợ Nga chờ đợi sốt ruột. Gần đến nhà, Cường bỗng kéo Dũng đứng nép vào một bụi dứa, nghiêm trọng hỏi :

- Cậu có để ý bàn chân chú Năm Cối không ?

Dũng ngạc nhiên :

- Không, nhưng sao ?

- Chân chú gần đúng kích tấc vết dép trước cửa hang !

- Vậy hả… nhưng… chú lên hang núi làm gì ?

- Lúc nầy chưa trả lời được, nhưng bọn mình không thể bỏ qua một giả thuyết như vậy, và cậu nên nhớ lại rằng ngày xưa chú từng là một tay giang hồ khét tiếng.

Dũng ngẫm nghĩ rồi nói :

- Giả thuyết của cậu thiếu bằng cớ xác đáng, vì khổ chân của nhiều người có thể giống nhau.

- Đành vậy rồi, song tớ suy luận dựa trên hai điểm nầy : Thứ nhất một người từng giang hồ như chú có thể có những hành tung bất ngờ, điều thứ hai không những khổ chân của chú bằng kích thước vết dép trước cửa hang mà chú còn là người sử dụng loại dép này nữa.

- Làm sao cậu…

Cường ngắt lời bạn :

- Cậu còn nhớ ngày đầu đến gặp chú, bọn mình thấy chú đi dép Bình Trị Thiên đó không?

- Ừ,… ừ nhỉ… Nhưng một người lão luyện như chú làm sao sơ hở vậy được.

- Biết đâu được !

Cường chờ bạn tiếp tục đưa ra phản chứng, nhưng Dũng im lặng.

Anh bèn hỏi sang chuyện khác :

- Còn một điều quan trọng này nữa.

- Điều gì ?

Cường nhìn bạn không chớp mắt :

- Cậu có tin rằng những tiếng kêu từ hai đêm nay do chim và thú rừng gây ra không ?

Dũng suy nghĩ giây lâu, đáp :

- Tớ đang có nhiều yếu tố để ngờ vực điều này. Chẳng hạn những tiếng kêu ấy khi ngừng thì bỗng nhiên ngừng một cách đột ngột, răm rắp như thể được điều khiển. Điểm thứ nhì là chúng biết ngừng khi ta phản ứng và tái diễn đúng lúc tụi mình tưởng là đã êm xuôi mọi chuyện. Không hiểu có phải thú rừng ở vùng này tinh khôn hơn những con thú các khu rừng khác hay không mà chúng đã hành động như có trí khôn. Tớ có cảm tưởng chúng muốn phá rối tụi mình để buộc tụi mình phải rời ngôi nhà ấy. Điểm thứ ba là cho đến nay chưa có đêm nào bọn mình trông thấy một con thú !

- Như thế có nghĩa cậu ngờ rằng có điều bí ẩn đằng sau những tiếng kêu ấy ?

- Phải !

Cường nhăn vầng trán như phối kiểm các dữ kiện của Dũng vừa nêu ra :

- Tớ và cả Nga cũng ngờ vực tương tự !

Anh ngừng lời chăm chú nhìn bạn :

- Còn thêm một yếu tố đáng chú ý này nữa là : tớ đã hỏi dò bác Tư và những dân làng hiểu rõ ngôi nhà hoang ấy thì được biết rằng, ngôi nhà ấy chỉ bị thú rừng phá quấy từ ngày nó thuộc quyền sở hữu của chú Năm Cối… Chẳng lẽ trước đó thú rừng biết buông tha vị chủ nhân cũ… Mình quên không hỏi chú ông ta hiện giờ đang ở đâu.

Dũng vỗ vai bạn :

- Thôi được rồi ! Tụi mình thử chờ nốt đêm nay xem sao. Biết đâu sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ.

Đôi bạn rời bụi dứa bước nhanh về phía chân núi.

Ngày sắp tàn. Ánh hoàng hôn nhuộm vàng cây cỏ. Gió mát từ đồng trống nổi lên nhè nhẹ. Trên những ngọn cây, chim chóc ríu rít gọi nhau về tổ. Đôi bạn đi ra sau nhà dùng cơm chiều. Hôm nay họ xin phép miễn dùng cơm ở nhà bác Tư để Nga trổ tài bếp núc.

Bữa cơm thanh đạm có mướp luộc, muối mè, trứng chiên, khoai lang rán nhưng mọi người đều cảm thấy ngon miệng. Dũng, Cường ăn như hổ đói. Trái lại, Nga dùng ít hơn mọi bữa, chỉ chực để đơm cơm cho bọn con trai. Thấy vậy, Dũng ghẹo :

- Chắc cô đầu bếp ăn vụng lửng dạ rồi nên không còn thiết đến cơm chứ gì ?

- Xí, ai thèm, muốn ăn thì cứ đàng hoàng ăn công khai chứ dại gì làm thế.

- Thế tại sao hôm nay cô làm khách ?

- Làm khách thì mới có người xới cơm cho mấy anh đó.

Cường xen vào hòa giải :

- Nga không sợ tối nay đói à ?

Cô bé lắc đầu duyên dáng :

- Không, nếu lỡ… có đói một đêm chắc cũng chưa đến nỗi gì.

Nga cười khúc khích phô hai hàm răng trắng đều đặn :

- Chỉ có mấy anh mới ngại… Chưa gì đã vẹt hẳn nồi cơm.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>