Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Về Làm Chim Sáo Nhỏ


Tên em là Mây Thu, Hoàng Nguyệt Mây Thu. Các bạn nói tên em đọc lên nghe dịu dàng như một bài thơ. Mùa Thu là mùa em chào đời và chắc hẳn ba me là những người mang đầy nghệ sĩ tính trong tâm hồn.

Em mười lăm tuổi, và em không được bình thường như những đứa trẻ khác.

Khi em bắt đầu bước vào bậc Trung học, điều đó mới được nhìn thấy rõ ràng. Em không thể nào học hành bình thản như các bạn cùng tuổi. Sách vở làm em đau ốm, kiệt quệ. Em nằm dài hàng tháng trên giường mỗi khi cầm đến quyển vở. Bằng đủ mọi cách, ba me chữa chạy, lo lắng để em có thể tiếp tục việc học. Vô ích, em không lười nhưng em không thể học được. Nói như ba em thì có nghĩa rằng em học không vào. Mãi rồi ba me cũng đành chịu thua không cho em học nữa. Ba nói thà thế con hơn là mỗi lần đi học em lại về ốm không dậy được. Em nghỉ học. Tháng ngày đều đặn trôi qua làm em buồn nản, đôi khi em tự hỏi vì sao mình không thể sống bình thường như mọi người. Em không thích vui đùa, chị Thúy Cúc nói em không có sinh khí. Em thầm lặng như một chiếc bóng, không nói, không cười. Em lười biếng nói chuyện với tất cả. Các bạn bảo em trầm mặc như triết nhân, như thi sĩ. Sự thật đầu em trống rỗng chẳng có tư tưởng nào, khiếu thưởng thức thơ văn của em gần như không có. Em không thiết đọc sách, em cũng chẳng biết làm thơ. Em không thích gì cả ngoại trừ một điều: Pháp văn.

Như thể đền bù lại khuyết điểm tồi tệ của em, em rất có khiếu về môn Pháp văn. Chỉ có khi cầm một quyển sách Pháp, nghiên cứu những thắc mắc, tìm hiểu những thú vị của môn học này em mới thấy không mệt mỏi, không nhức đầu. Em học Pháp văn nhanh chóng dị thường, và mặc dù những môn học khác không thể nào nuốt nổi, em lại băng băng tiến những bước rất xa trong địa hạt Pháp văn. Trong nhà không ai vượt nổi em môn này. Kể cả chị Thúy Cúc sắp giật Bac I và anh Huy hiện đang học Đại học năm thứ nhất.

Suốt ngày, em chỉ có thể có việc đi học Pháp văn thôi chứ không đụng đến môn nào khác. Ba, anh Huy hay anh Hải thay phiên nhau đưa em đi học Cours Pháp văn riêng tại nhà giáo sư Hùng. Lớp tư gia này chỉ vỏn vẹn năm học trò mà em là người được cưng nhất.

Trong gia đình, từ chị Thúy Cúc trở xuống, ba đều cho học chương trình Pháp. Chỉ riêng em không thể kham nổi tất cả các môn học nên ba cho em học riêng về văn chương và ngôn ngữ này. Giáo sư Hùng là một người đứng tuổi, em quen gọi là Papa Hùng. Papa Hùng người không được cao, cái bụng tròn quay cũng như khuôn mặt. Không lúc nào mà em không thấy Papa cười. Papa Hùng rất có duyên với một lõm đồng tiền trên má phải. Hai con mắt sáng lóng lánh, trông Papa có vẻ trẻ hơn tuổi rất nhiều. Mỗi buổi sáng em học từ tám đến mười một giờ với Papa. Papa Hùng tương đối dư dả và nhàn hạ, Papa chuyên dạy giờ cho tư gia. Rất ít, Papa dành một vài giờ vào buổi tối cho một trường Tư thục lớn. Thường khi Papa gọi em là Bé con. Papa thiên vị em một cách rõ rệt làm các bạn cùng học phải bực tức vì ganh. Em không lưu tâm đến điều ấy, em chỉ biết là em thích môn Pháp Papa dậy và em kính mến Papa như một người cha.

Với sức học của em về môn Pháp văn, ba tỏ ý rất hài lòng. Ít ra cũng có một chút gì đền cho em chứ. Lớp tư gia có ba gái, em, Ỷ Lan, Ngọc và Duy Nghi, Tú – hai người con trai. Em đến và về đúng giờ, không cười đùa, không nói chuyện. Ỷ Lan nói em là một cục nước đá và Tú thì phê bình em là một con bé kênh kiệu. Mặc, em có cần lưu ý đến họ làm chi. Thỉnh thoảng em mới mỉm cười khi nghe nói về một câu chuyện vui nào đó, gần như không bao giờ em hé môi phát biểu ý kiến gì nếu không có ai hỏi và buộc em phải trả lời. Sự nhút nhát lâu dần làm em trở nên lười biếng nói năng, biến em thành kiêu kỳ, lãnh đạm trước mắt mọi người. Nhưng với em, điều ấy nào có nghĩa gì.

Em tên là Thu, Hoàng Nguyệt Mây Thu.


Đồng hồ chỉ đúng tám giờ khi em bước chân vào phòng học. Bảng đen ở cuối tường, cửa sổ trông ra vườn hoa của nhà Papa Hùng, xinh xắn với nhiều bông hoa đẹp. Em thích nhất những cành Tử la lan tím, hương thơm của nó sao vừa dịu dàng lại vừa nồng nàn đến thế. Chỉ có khi đứng xa mới ngửi thấy mùi hương dễ chịu đó. Đặt bông hoa trước mũi sẽ chẳng thấy hoa có mùi gì cả. Em đã thí nghiệm nhiều lần và kết quả vẫn như nhau. Theo thói quen, em lạnh lùng bước vào vị trí quen thuộc của mình, không nhìn ai. Tú nhiều lần nói em “kên” với cử chỉ này. Em không kên, thói quen của em thế, nhưng cần gì phải biện minh kia.

Em đặt tập vở trước mặt yên lặng chờ đợi. Kim đồng hồ chậm chạp quay. Tám giờ năm, rồi tám giờ mười. Papa Hùng vẫn chưa thấy vào phòng. Mọi lần em bước vào phòng là Papa vào ngay không đầy hai phút. Lần này, Papa Hùng đã đánh rơi thói quen điều độ. Bọn Ỷ Lan bắt đầu bàn tán nho nhỏ về sự kiện đáng ngạc nhiên này. Em kiên nhẫn ngồi yên lặng không nói tiếng nào. Tám giờ mười hai phút, cửa phòng nhẹ nhàng mở. Mấy cái miệng đang se sẽ thì thầm bỗng im thin thít. Papa Hùng bước vào với một nụ cười quen thuộc. Nhưng Papa không vào một mình, còn một cô gái nhỏ theo sau Papa. Papa nói, giọng êm và vui:

– Xin giới thiệu một nhân vật mới: Phan Thơ Thơ.

Những cặp mắt dồn về cô gái Thơ Thơ. Thơ Thơ mỉm một nụ cười bẽn lẽn. Đôi mắt to có vẻ ngơ ngác một cách dễ thương. Trông Thơ Thơ rất dễ yêu trong chiếc jupe mầu hồng nhạt, áo chemise hơi xám trắng. Em không mỉm cười, chỉ lặng lẽ nhìn Thơ Thơ. Trong thâm tâm em đã có cảm tình với người bạn mới này. Papa Hùng nói tiếp, giọng vui vẻ:

– Phan Thơ Thơ, mười bốn tuổi, một địch thủ đáng ngại của các em đấy nhé.

Papa xem đồng hồ tay, cười tiếp:

– A, trễ mười lăm phút, thầy xin lỗi.

Chúng em ngồi im không nói. Papa vẫn vẻ đùa cợt chỉ chỗ cho Thơ Thơ ngồi, đầu nghiêng lại:

– Đây là nguyên nhân của sự trễ muộn. Thôi, chúng ta bắt đầu học, các em đừng làm quen nhau ồn ào quá nhé.

Lõm đồng tiền trên má thầy tròn xoe với một nụ cười. Em nghiêm trang mở quyển sách không nói lời nào, không nhìn sang hai bên.

Chỗ ngồi của Thơ Thơ xếp ở đầu bàn, cạnh em.


Bây giờ, em có lẽ linh hoạt hơn một chút so với ngày trước. Em đã bắt đầu chịu mở miệng và trên môi em, những nụ cười đã bớt miễn cưỡng hơn. Em mất bớt đi vẻ trầm lặng, lòng em vui, em bớt mặc cảm. Với em, ngày tháng không còn đầy phiền muộn như xưa. Tất cả sự thay đổi đó là nhờ công trình của Thơ Thơ. Phan Thơ Thơ, người bạn nhỏ với chiếc jupe hồng và áo xám nhạt. Với mái tóc chấm ngang vai nghịch ngợm, với đôi mắt trong suốt lúc nào cũng như ngơ ngác điều gì, Thơ Thơ linh động với tất cả sự linh động một người có thể có được. Em không thể im lặng trước Thơ Thơ. Thơ Thơ là mùa xuân, là suối trong, là chim hót, là hoa dịu dàng của đồng nội, là nắng nhảy nhót vui trên cành. Thơ Thơ hiện thân của sức sống, của tự tin và tươi trẻ tràn đầy. Nhìn thấy Thơ Thơ là nhìn thấy nỗi vui mừng rạng rỡ khắp nơi.

Papa Hùng nói:

– Ở đây có hai mùa: Mùa Xuân Thơ Thơ và mùa Đông Mây Thu.

Em là mùa Đông, một mùa Đông lạnh lẽo và u buồn. Thơ Thơ đã đem những tia nắng mùa Xuân làm ấm áp mùa Đông buồn tẻ. Thơ Thơ kể chuyện cho em nghe, giảng cho em những điều lạ lùng. Mười bốn tuổi, Thơ Thơ có một tầm hiểu biết quá nhiều so với tuổi. Em chỉ quanh quẩn trong những khung cảnh quen thuộc của gia đình, Thơ Thơ không thế. Thơ Thơ biết nhiều điều hay lạ để kể em nghe. Thơ Thơ học Pháp văn chỉ ngang ngửa với em, có khi em thắng Thơ Thơ, có khi Thơ Thơ thắng em. Nhưng riêng về các phương diện khác em không tài nào bằng Thơ Thơ được. Thơ Thơ biết cách sinh sống của các loại chim, từng mầu, từng vẻ. Thơ Thơ hiểu cách gieo trồng những hạt giống hoa, biết giảng giải về đời sống tự nhiên của nhiều loại côn trùng. Tỉ như về bướm, Thơ Thơ phân biệt được rất nhiều thứ bướm với mầu sắc trên cánh chúng. Bằng một giọng trong trẻo và dễ thương, Thơ Thơ bảo:

– Mây Thu có biết không, có những con bướm to bằng bàn tay, đen tuyền, người ta gọi là bướm ma hay bướm bà. Rồi lại có những con bướm nhỏ xíu rực rỡ trông như những đóa hoa nhỏ sinh sống ở miền Phi Châu xa lạ. Có loại bướm màu sắc non xanh giống nhau như bướm cải ; loại bướm này thấy rất nhiều ở những vườn cải và hoa dại ven đường. Vào mùa hạ, Mây Thu cũng có thể trông thấy chúng đầy dẫy trên cành phượng, bay dập dìu từ đóa hoa này sang đóa hoa khác. Trông xa xa, có thể nhầm tưởng hoa phượng bỗng nhiên ửng sắc xanh vàng.

Em mở tròn đôi mắt nhìn Thơ Thơ:

– Thật à, Mây Thu chưa hề biết điều đó bao giờ, Thơ Thơ đã nhìn thấy lần nào chưa?

Thơ Thơ cười, hàm răng xinh xinh và trắng muốt lộ ra rất có duyên:

– Có chứ. Mùa hạ, Mây Thu sẽ nhìn thấy chúng. Nhưng những loại bướm ấy chỉ xinh xắn khi nhìn xa. Thơ Thơ đã từng trông thấy nhiều loại bướm rất xinh. Có con đen tuyền với hai chấm đỏ hồng long lanh trên hai đầu cánh như hai viên ngọc. Có con mầu vàng sẫm có pha những chấm tròn xanh và nâu rất xinh. Cũng có con vàng tươi hoàn toàn, cánh mịn mướt như phấn…

Em ngắt lời Thơ Thơ:

– Phải rồi, thỉnh thoảng Mây Thu cũng nhìn thấy một vài con bướm lạc vào nhà. Chúng nâu nâu với nhiều chấm nhỏ điểm khắp thân và cánh. Có con giống như một cái sọ người rằn ri, Mây Thu sợ và ghét chúng.

Thơ Thơ lại cười, hai mắt mở ra vẻ ngơ ngác:

– Coi chừng Mây Thu sẽ nhầm con ngài ra con bướm đó. Có phải chúng không bao giờ có mầu sắc tươi tắn và cánh chúng hơi nhọn với nhiều đường nét thẳng. Chúng xấu xí và có vẻ mệt mỏi, phải không?

Em gật đầu:

– Thơ Thơ nói đúng lắm.

– Như vậy, Mây Thu gọi chúng là con ngài mới phải. Chúng gần như bướm nhưng không phải là bướm.

Thơ Thơ cười tiếp:

– Như thế, chắc Mây Thu cũng không biết con chuồn chuồn là gì nữa quá.

Em phản đối:

– Sao lại không? Có một lần chị Thúy Cúc bắt được một con chuồn chuồn cho Mây Thu. Nó dài, cánh mỏng như lụa và có nhiều gân nhỏ li ti chạy dọc theo cánh. Mầu nó nâu nâu hơi xám phải không?

– Thế còn loại chuồn chuồn kim?

Em ngẩn người nhìn Thơ Thơ. Cô bạn nhỏ dễ thương và thông minh lắc đầu mỉm cười:

– Có những con chuồn chuồn bé tí, thân mỏng và nhỏ như que tăm chuốt. Rồi cũng có những con xanh lá cây rực rỡ, có những con đỏ thắm tươi thật tươi. Chúng đều bé nhỏ và hay bay từng đôi. Loại chuồn chuồn đó xinh hơn loại chuồn chuồn lớn tầm thường rất nhiều.

– Thế thì Mây Thu chịu thôi. Sao Thơ Thơ biết nhiều thế, Thơ Thơ đi nhiều lắm à?

Thơ Thơ dịu dàng trả lời:

– Ô, không. Thơ Thơ rất ít đi. Những điều Thơ Thơ kể cho Mây Thu nghe phần lớn nằm trong những quyển sách mà Thơ Thơ đã đọc.

– Thơ Thơ đọc sách?

Cô bạn nhỏ nhìn em bình thản:

– Thơ Thơ đọc sách. Nếu Mây Thu thích đọc như Thơ Thơ sẽ thấy sách rất thú vị cho chúng ta.

– Làm thế nào mà Thơ Thơ nhớ hết?

Nụ cười làm xinh tươi khuôn mặt Thơ Thơ hẳn lên:

– Dĩ nhiên là Thơ Thơ không nhớ hết, nhưng để khỏi quên, kể chuyện lại cho người khác nghe cũng là một cách. Cũng như chúng ta ôn bài vậy.

– Thơ Thơ giỏi quá.

– Ồ, Thơ Thơ cũng như Mây Thu mà thôi.

Em ngó xa xăm, buồn bã:

– Mây Thu làm sao bằng Thơ Thơ được.

– Sao lại không? Mây Thu học giỏi. Mây Thu có ba me, Mây Thu có anh chị. Còn Thơ Thơ, Thơ Thơ có được gì đâu?

Khuôn mặt Thơ Thơ vẫn có vẻ bình thản khi nói câu nói ấy và đôi mắt trong suốt vẫn ngơ ngác như bao giờ. Vẻ kiên nhẫn và không xúc động trước bất cứ điều gì của Thơ Thơ làm em cảm phục. Em không thế, em chỉ có bề ngoài lạnh lùng còn thực tâm em yếu đuối vô cùng. Em dễ dàng khóc vì bất cứ chuyện cỏn con nào. Còn Thơ Thơ, em chỉ thấy Thơ Thơ cười chứ không thấy Thơ thơ buồn bao giờ. Thơ Thơ không có ba me, Thơ Thơ chỉ còn duy nhất một bà ngoại ở Nha Trang và Thơ thơ được gửi đi học ở Saigon tại nhà bác, anh ruột ba Thơ Thơ. Bà ngoại rất nghèo và bác Thơ Thơ lại rất giầu. Gia đình bác Thơ Thơ sống lạnh lẽo, thừa tiền cho Thơ Thơ ăn học nhưng không thừa tình thương. Không riêng gì với Thơ Thơ, con cái trong gia đình đó đều chịu cùng một nếp sống như thế. Tiền bạc rất thừa, hỏi là có, vật chất không bao giờ thiếu thốn nhưng hai bác của Thơ Thơ vô cùng lơ là trong sự giáo dục con cái. Thơ Thơ sống ở đó, kiên nhẫn và chịu đựng. Với hoàn cảnh như thế mà Thơ Thơ luôn luôn vui và hẳn nhiên là một điều đáng phục cho em. Nhưng em, không bao giờ em có thể bằng thơ Thơ được. Em là em, em là Mây Thu.


Em yêu Thơ Thơ và em biết là em yêu Thơ Thơ. Cô bạn nhỏ của em được cảm tình của tất cả mọi người trong gia đình. Thỉnh thoảng Thơ Thơ có đến chơi với em, dù rất ít khi gặp gỡ tại nhà Thơ Thơ vẫn được gia đình em thương mến. Ai cũng thích dáng nhanh nhẹn và hồn nhiên như một con sóc của Thơ Thơ. Đôi mắt Thơ Thơ là một đầu đề hấp dẫn cho mọi người bàn tán. Đôi mắt trong làm sao, ngơ ngác và hiền dịu làm sao. Rất thường khi Thơ Thơ nghiêng đầu ngó em, nói:

– Mây Thu cười đi.

– Chi vậy?

– Vì Mây thu cười xinh lắm.

Em không thể nhịn được một nụ cười bẽn lẽn. Thơ Thơ quả thật đem đến cho em những tia sáng hạnh phúc tuyệt vời. Mỗi khi em mở miệng là nhắc đến Thơ Thơ. Thơ Thơ làm em vui và khi em vui là cả nhà đều vui. Ba nói:

– Con nhỏ đó thật là tuyệt, con có muốn giữ nó lại không Mây thu, ba nhận Thơ Thơ làm con nuôi.

Em mỉm một nụ cười buồn bã, đáp:

– Thơ Thơ không chịu đâu ba à.

– Con bé thật thông minh và dễ thương.

Em muốn mãi mãi được gần bên Thơ Thơ lắm nhưng làm gì được như thế. Điều đó làm em lại buồn mỗi lần nghĩ đến. Em không muốn Thơ thơ nói chuyện với ai ngoài em ra. Thơ Thơ bảo:

– Mây Thu làm chim sáo nhỏ đi, Mây Thu vui đùa đi, ca hát đi.

– Chim sáo là chim gì?

– Là… chim sáo. Là một loài chim nhỏ dễ thương, có mỏ mầu vàng, có hai con mắt đen huyền như hai hột cườm, có đôi chân hồng hay nhẩy nhót .

Em làm thinh. Em là Mây thu, em là mùa Đông, mùa Đông không có chim sáo. Chim sáo chỉ thích mùa Xuân. Chim sáo chỉ có thể là Thơ Thơ thôi. Em, em cũng muốn làm con sáo lắm chứ. Mây Thu cũng muốn làm chim sáo nhỏ lắm Thơ Thơ ạ.

– Sao Mây Thu không nói, Mây Thu cười đi.

Em lặng lẽ mỉm cười ngó Thơ Thơ, em buồn muốn khóc. Con sáo Mây Thu không biết hót, Thơ Thơ.


Ba nói:

– Mai mình đi Đalat vài ngày Mây Thu à.

Em mở to hai mắt nhìn ba:

– Đi ngay ngày mai sao ba?

– Ừ, sáng mai.

– Con phải nghỉ học sao?

Em nghĩ đến Thơ Thơ khi thốt ra câu đó. Ba cười nhẹ:

– Con nghỉ vài ngày, đâu có sao. Con học không tùy thuộc vào chương trình mà.

Em nín thinh một lúc rồi tiếp:

– Đi chi vậy ba?

Ba đáp:

– Đi chơi, cho con nghỉ ngơi một vài ngày, con không thích đi à?

Em không muốn ba phật ý nên vội mỉm cười:

– Con thích, nhưng sao ba đi gấp thế?

– Rảnh lúc nào đi lúc đó, công việc của ba mà.

Ba cười, tiếp:

– Để ba gọi điện thoại cho giáo sư Hùng không thôi giáo sư không hiểu lý do con nghỉ, ông ấy lại tưởng con ốm nặng nữa.

– Papa Hùng thương con lắm.

– Ba biết.

Ba cười đi ra văn phòng gọi điện thoại. Chỉ hai phút sau ba đã trở vào, nói:

– Giáo sư đi vắng. Thôi để sáng mai mình ghé qua rồi đi luôn. Nhân tiện ba cũng có một vài chuyện muốn nói với giáo sư.

Ý nghĩ ngày mai sẽ được gặp Thơ Thơ trước khi rời Saigon làm khuôn mặt em tươi lên. Em ngó ba vui mừng:

– Phải rồi ba, mai mình ghé qua luôn.

Ba âu yếm ngó em, nói:

– Con lo soạn hành lý trước đi Mây Thu, sáng mai khỏi lục đục.

– Một mình con thôi sao ba?

– Cả anh Huy nữa. Nhưng con lo phần con đủ rồi.

– Dạ.

Em lại bàn viết lúi húi viết thư cho Thơ Thơ, em thương Thơ Thơ quá đỗi. Giá ngày mai Thơ Thơ được cùng em đi Đalat. Em nghĩ ngợi, rồi buông bút chống tay lên cằm. Em không có khiếu văn chương chút nào. Chả bù cho Thơ Thơ. Thơ Thơ vui vẻ, linh hoạt là thế. Trông Thơ Thơ không có dáng “thi sĩ” như em mà Thơ Thơ lại viết văn làm thơ buồn và có nhiều ý tưởng thật lạ lùng.

Em đứng lên qua phòng anh Huy xin một chiếc phong bì. Mai, đưa lá thư này cho Thơ Thơ chắc Thơ Thơ ngạc nhiên ghê lắm. Em tưởng tượng ra đôi mắt ngơ ngác của Thơ Thơ và cười một mình. Phải không Thơ Thơ?


Papa Hùng vỗ nhẹ lên mái tóc em, cười tươi tắn:

– Thơ Thơ nghỉ học rồi Mây Thu.

Em sững sờ nhìn Papa:

– Thơ Thơ?

– Thơ Thơ nghỉ luôn.

Papa thò tay vào túi áo rút ra một phong bì trao em:

– Chiều qua Thơ Thơ lại nhờ Papa đưa cho Bé con. Thơ Thơ đi Nha Trang sáng sớm nay.

Em nghẹn ngào cúi nhìn lá thư trong tay mình, lá thư em định gửi cho Thơ Thơ trước khi rời Saigon. Em hỏi lúc mắt cay nồng:

– Thơ Thơ nghỉ thật sao Papa?

– Thật, papa thấy Thơ Thơ đến gấp với một cô nữa rồi đi ngay. Tiếc quá, con bé thật thông minh. Ơ, Bé con khóc đấy à?

Một giọt nước mắt thấm ướt trên chiếc phong bì, em cảm thấy lòng thắt lại. Ba ngó em không nói. Papa Hùng êm đềm bảo:

– Nín đi, Mây Thu. Bé con sắp được du lịch mà khóc à?

Em ngước mắt nhìn Papa, thút thít:

– Thơ Thơ không nhắn gì sao Papa?

– Không.

Ba nói:

– Thôi, mình đi chứ Mây Thu?

Ba bắt tay Papa Hùng rồi dẫn em ra xe, nước mắt em nhỏ giọt trên đường đi. Hai chiếc phong bì lem nước. Anh Huy ngạc nhiên nhìn em:

– Ủa, Mây Thu sao vậy?

Ba lắc đầu không nói, chỉ ngồi vào tay lái từ từ cho xe chạy. Em ngồi gọn cạnh anh Huy vừa khóc vừa rút thư ra đọc. Chữ Thơ Thơ viết vội và ngắn.

Mây Thu. Thơ Thơ phải trở về Nha Trang ngay. Thơ Thơ buồn lắm. Tiếc không gặp Mây Thu một lần cuối. Thơ Thơ bận nhiều thứ quá.

Thơ Thơ đi rồi Mây Thu rán vui nghe. Học cho thật giỏi. Thơ Thơ chắc không được học nữa rồi. Bà ngoại Thơ Thơ nghèo lắm.
 

Thơ Thơ ước mong Mây thu sẽ làm chim sáo nhỏ reo cười, nghe Mây Thu.
 

Thương Mây Thu nhiều lắm.
  Phan Thơ Thơ.”         

Anh Huy hỏi:

 – Sao?

Em im lặng nắm chặt lá thư trong tay không trả lời, nước mắt tiếp tục chảy dài. Thơ Thơ, rốt cuộc rồi Mây Thu cũng chỉ là Mây Thu lẻ loi như hồi nào. Sao Thơ Thơ đi vội thế, Thơ Thơ không đến gặp Mây Thu lần cuối.

Lần đầu tiên em nghe Thơ Thơ nói Thơ Thơ buồn. Phải rồi, hẳn là buồn, buồn ghê gớm lắm, buồn kinh khủng. Nhưng dù thế nào thì Thơ Thơ cũng chả buồn bằng Mây Thu đâu, phải không Thơ Thơ? Thơ Thơ có hàng trăm bạn gái khác nhưng Mây Thu chỉ có một mình Thơ Thơ thôi. Chả có cái gì vĩnh viễn cả, Thơ Thơ yêu quý.

– Mây Thu làm sao thế hả ba?

Ba nói dịu dàng:

– Thơ Thơ đi rồi.

Em cảm thấy anh Huy đang nhìn với tia mắt thương hại, em bỗng òa khóc lớn, khóc nức nở, khóc ngon lành. Anh Huy vỗ về em:

– Nín đi, Mây thu, nín đi. Đi Đalat rồi em sẽ quên.

Không, không bao giờ em có thể quên được Thơ Thơ. Cô bạn nhỏ yêu quý của em. Hạnh phúc và nỗi vui mừng của em. Thơ Thơ ước mong Mây thu sẽ làm chim sáo nhỏ reo cười. Em cắn môi lại. Thơ Thơ à, không được đâu. Mây Thu không thể nào làm chim sáo. Nếu thơ Thơ đừng đi…

Ba yên lặng cho xe lướt trên mặt đường êm ái, viền cỏ hai bên xanh mướt, thấp thoáng những bóng dừa cao. Em ủ rũ không nói, lòng em buồn. Anh Huy nói:

– Mây Thu thấy không, ra khỏi thành phố là thấy dễ chịu. Đường từ đây lên Đalat rất đẹp, có nhiều hoa dại, tha hồ cho Mây thu ngắm.

Em yên lặng nhìn bờ cỏ, thấy nhớ Thơ Thơ vô cùng. Như là một giấc mơ. Em không bao giờ nghĩ đến một ngày Thơ Thơ sẽ rời bỏ em như hôm nay. Giờ này, có lẽ Thơ Thơ cũng đang trên đường ra Nha Trang. Không biết Thơ Thơ có nghĩ đến em không. Em thầm cảm ơn chuyến đi Đalat hôm nay của ba. Ừ, nếu không, em sẽ ra sao với ngày đầu tiên vắng Thơ Thơ trong lớp học quen thân. Em lại muốn khóc, thật nhiều. Thơ Thơ ơi Thơ Thơ.

Gió lùa những sợi tóc bay ngang mặt, em đột ngột hỏi anh Huy, giọng mơ hồ:

– Anh Huy à, chim sáo nhỏ là gì?

Anh Huy ngập ngừng:

– Chim sao nhỏ hở? Ừ, như…

Anh bối rối tiếp:

– À… như Thơ Thơ cũng gọi là chim sáo nhỏ được đấy. Phải rồi, như Thơ thơ.

Em mỉm cười héo hắt:

– Như Thơ Thơ, còn Mây Thu thì không, phải không anh Huy?

Anh Huy ngó em, êm ái:

– Không, Mây Thu, em cũng là một con sáo vậy.

– Thật sao?

– Nhưng là một con sáo nhỏ lười biếng, không thích nhẩy nhót, reo cười. Mây Thu cười cho anh Huy xem.

Em cười, hai con mắt ướt nước.

– Phải rồi, như thế. Mây Thu cười xinh lắm.

Sao bỗng nhiên em thấy anh Huy giống Thơ Thơ quá đỗi. Bao nhiêu lần Thơ Thơ nói với em như thế. Em lại cười. Một giọt nước mắt làm ấm bàn tay. Anh Huy nói nhẹ nhàng:

– Con sáo nhỏ của anh Huy xinh lắm.

Phải như thế không, Thơ Thơ yêu dấu?

Thụy Đỗ   

 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 204205, ra ngày 1 và 15-7-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>