Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Ẩn Ức


Bà Hân liếc nhìn lên đồng hồ vừa buông rời rạc bảy tiếng. Bà hỏi bé Lan đang hý hoáy với mấy chiếc ly trong chậu rửa:

- Cu Bi hôm nay không đi học à Lan?

- Thưa có chứ ạ!

- Thế sao giờ này cu cậu chưa dậy?

Lan đứng lên. Cô bé vẩy nhẹ bàn tay ướt nước trong lúc ánh mắt hướng lên cầu thang. Cũng như mẹ, Lan lấy làm lạ cho việc bê trễ của cậu ấm út. Mọi khi, mới 6 giờ sáng cu Bi đã trở dậy, tập thể dục, thay quần áo xong, chờ ăn sáng rồi đến trường. Không khí trong nhà như nhộn hẳn lên theo bước chân rầm rập của cậu bé lên xuống cầu thang, mồm không ngớt thúc dục:

- Cái áo của con di cư đâu mất rồi mẹ? Chị Lan nướng bánh nhanh lên chứ! Em trễ mất thôi!... Sửa uống muốn bỏng lưỡi sao chị Lan không pha sớm một tí?... v.v…

Cứ như cu cậu đi học là một vinh dự cho cả nhà không bằng! Lắm lúc đâm cáu vì cái mồm soèn soẹt dễ ghét, Lan muốn gắt nhặng lên cho bõ! Nhưng nhìn nét mặt tiu nghỉu đến tội của cậu ấm út Lan lại thôi. Kể ra thì cu Bi cũng ngoan! Được ba mẹ cưng chìu nhất nhà song cậu bé không lấy thế làm điều. Lan nghĩ có lẽ mẹ sinh lộn hay sao chứ cu cậu phải là con gái mới đúng. Tóc xoăn này, mắt to tròn, má phúng phính! Chỉ phải cái… hơi đen! Chả thế mà cu cậu mới có biệt danh “Bi”, “Tầm Bi” ấy chứ! Ở trường thì tên cu Bi được trang trọng nằm trong quyển sổ điểm danh của cô giáo “Trần bảo Hùng”! Thế nhưng mà của đáng tội, giá cậu ấm “hùng” được một tí đã là may. À mà cu Bi cũng hùng đấy chứ! Như đi học mẹ cho tiền ăn quà, bạn bèn nhỏ to mượn tất rồi phớt lờ luôn, cu Bi “anh hùng” không thèm đòi (nhưng về nhà khóc). Làm toán đố bị bạn giành lấy chép, “anh hùng” không giật lại, cũng không mách cô. Kết quả cả hai cùng được hưởng trứng ngỗng bởi bài giống nhau như đúc. Còn nhiều, nhiều chuyện chứng tỏ cái hùng của cậu ấm lắm cơ! Đến nổi bà Hân cứ chép miệng:

- Cái thằng này! Nó khôn một chỗ mà dại đến trăm nơi. Con giai như thế thì khổ con ạ!

Được cái là cu Bi rất chăm học. Tháng nào cu cậu cũng hí hửng mang bảng danh dự về cho ba ký để chủ nhật mẹ thưởng tiền rủ chị Lan đi đãi một chầu kem. Cu Bi vẫn tíu tít:

- Bi gắng học để sau lớn đi lính “thuốc” như anh Huỳnh í, chị Lan hở! Bi sẽ chích thuốc này, chích đau lắm nhưng người ta hết bệnh, phải không chị Lan? Bi vào bệnh viện với anh Huỳnh, Bi thấy mấy ông lính bị thương, nhiều lắm cơ! Bi thấy tội tội là…

Thế đấy! Cu Bi vẫn chỉ có những ước vọng thật dịu dàng, con gái. Con trai thì phải ưa oai hùng ngang dọc hơn chứ nhỉ? Thế nhưng Lan cũng không cãi em, vì Lan nghĩ chỉ cần Bi thích học là đủ. Vì nếu giỏi thì ba mẹ vui lòng này, chúng bạn không khinh chê. Lan thích nhất là lúc họ hàng đến chơi, mẹ hãnh diện khoe:

- Cậu út nhà này đấy! Suốt ngày cứ học học hành hành nhặng cả lên. Chăm lắm!

Cứ nhìn đôi má bầu bậu của cậu ấm đỏ dần là Lan thấy vui và buồn cười. Có một đứa em chứ nhiều đứa như thế Lan cũng vẫn thích. Dù đôi khi ngán vì Bi mè nheo đến điên đầu nhưng Lan nghĩ không có ai để mà tíu tít chắc là Lan buồn lắm.

Nhưng hôm nay, Lan lo âu nhìn lên đồng hồ, nhìn lên bàn điểm tâm trống trải hơn thường lệ. Ông Hân vừa dùng chiếc thìa nhỏ khuấy lanh canh vào ly café vừa dục:

- Hay Lan lên gọi em xem sao con ạ! Không chừng nó ốm!

À! Lan chợt nhớ ra rằng tối qua cu Bi ăn cơm rất ít, và ăn xong là cậu bé rút ngay lên lầu chứ không lẩn quẩn dưới bếp chờ chị Lan cùng lên học bài như mọi ngày nữa. Nhưng nếu cu Bi ốm sao lại chẳng đòi uống thuốc nhỉ? Lan nhìn cha. Cô bé toan tỏ sự thắc mắc vừa rồi với ông nhưng nghĩ sao cô lại im lặng chạy thoăn thoắt lên lầu.

- Ái cha!...

Lan đảo người, chụp nhanh vào tay vịn cầu thang khi va vào cu Bi đang “từng bước từng bước thầm” đi xuống. Cu cậu nhìn Lan, nét mặt cậu có vẻ nặng nề khó chịu:

- Chị Lan kỳ quá!

Lan đâm cáu:

- Kỳ cái gì? Biết mấy giờ rồi không?

Bi liếc Lan một cái rồi lặng lẽ xuống lầu. Lan theo sau, lòng thầm bực dọc cho thái độ của em.

Nơi bàn ăn ông Hân đã xong bữa. Ông đứng lên cầm lấy áo khoác:

- Bi dậy muộn thế? Ốm à con?

Bi lí nhí:

- Thưa không ạ!

Ông Hân tiến đến đặt tay lên trán cậu ấm út, không thấy gì lạ ông yên tâm quay sang Lan:

- Con đưa em đi học cẩn thận nghe!

Lan vừa trao chiếc mũ cho cha vừa vâng dạ trước lời dặn dò quen thuộc. Ông Hân đi làm lúc đồng hồ lại buông một hồi chuông ngân.

Lan đặt cốc sữa trước mặt Bi đang uể oải nhai mẩu bánh mì, cậu bé lắc đầu:

- Thôi em không uống.

Lan ngạc nhiên:

- Sao thế?

Bi lúng túng rồi gắt:

- Thì em không thích. Chị Lan kỳ quá!

- Ơ…

Lan tròn mắt nhìn cu Bi rồi ngó sang mẹ. Bà Hân lắc đầu:

- Cái thằng này! Dở hơi hở? Thôi Lan. Sửa soạn đưa em đi học không muộn mất!

- Nhưng nó đã thay quần áo cặp vở gì đâu. Mẹ xem!

Cu Bi hơi giật mình khi ánh mắt mẹ bỗng chuyển sang xoi mói, lạ lùng nhìn mình sau lời xúi của chị Lan. Bà Hân nghiêm giọng:

- Con không định đi học sao?

- ………

- Hay con khó chịu trong người thì nói mẹ cho uống thuốc?

Hình như Bi định nói với Mẹ điều gì đó nhưng cứ ấp a ấp úng chẳng ra hơi. Cậu bé bỏ dở mẩu bánh đang ăn để lại leo lên lầu thay quần áo. Bà Hân nhìn theo tặc lưỡi trong lúc Lan loay hoay đẩy chiếc xe đạp ra ngoài.

Dạo trước, công việc đưa rước cu Bi đi học là của anh Huỳnh. Dạo đó anh Huỳnh còn học y khoa, và dù trường Bi học không xa nhà mấy nhưng để cậu út đi một mình ông bà Hân không yên tâm. Nhưng rồi anh Huỳnh không còn tiếp tục học nữa, anh nhập ngũ, “trách vụ nặng nề” được trao cho Lan. Mấy ngày đầu, cu Bi cứ nằng nặc đòi cho được anh Huỳnh mới chịu đi học, mẹ phải dỗ dành mãi. Lan hiểu không phải cu Bi không tin vào tài “lái” xe đạp của Lan, song trong nhà cậu bé vẫn được anh Huỳnh chiều chuộng. Vả, dẫu sao ngồi sau xe Honda vẫn êm và mát hơn xe đạp chứ!

Lan ngồi chống chân trên xe chờ có đến hơn 15 phút, gọi vọng vào mấy lượt mới thấy cu Bi lò dò bước ra. Lan kêu lên:

- Áo bẩn quá! Sao Bi không thay?

Cu Bi nhìn xuống:

- Em không tìm ra áo.

- Thế mọi ngày thì sao? Chị vẫn để sẵn mắc ở đầu giường.

Cu Bi cau mặt im lặng. Lan dục:

- Đi! Lên thay áo nhanh lên đã!

Bi nhăn nhó:

- Thôi muộn rồi!

- Nhưng áo bẩn thế kia…

Bi bực tức:

- Chị Lan không đưa thì thôi vậy. Bi đi một mình.

“A! Thằng này dở hơi thật rồi!” Lan ngẩn ngơ nhìn theo cậu em đang ngúng nguẩy bỏ đi. Cô bé đạp xe theo gắt:

- Thôi lên cho rồi ông mãnh.

Cu Bi lầm lì ngồi lên yên sau xe. Dễ thường cả thân hình và bộ mặt nặng nề của của cậu bé cân có đến một tạ!

Hai chị em đèo nhau đến khúc quanh gần trường, cu Bi bỗng lên tiếng:

- Cho em xuống đây đi chị Lan.

Lan lại một phen ngạc nhiên:

- Xuống làm gì?

Bi lúng túng giải thích:

- Em vào nhà thằng Tân rủ nó.

Lan tặc lưỡi:

- Lắm chuyện! Mà muộn rồi, chắc nó đã đi còn gì.

- Thì chị cứ cho em xuống đã! Em hẹn với nó mà.

Sợ ông mãnh lại giở chứng lôi thôi, Lan đành phải ngừng xe cho cu Bi xuống! Cậu bé sẽ liếc nhìn Lan một cái rồi đi rẽ vào một con hẻm. Lan nhìn theo một lúc mới thong thả đạp xe về.

Trên đời này, những sự việc vốn mẫu mực, đều đặn quá thì vẫn dễ bị chú ý mỗi khi có một chút bất bình thường. Thế nên đối với Lan, sự thắc mắc về thái độ ương ương dở dở của thằng em vừa tạm lắng thì lại nổi lên khi độ hơn 1 giờ sau cu Bi lù lù ôm cặp về nhà. Cuộc đối đáp giữa bà Hân và cu Bi ở phòng ngoài vọng mồn một vào tai Lan đang ngồi nơi bàn ăn lẩm nhẩm ôn bài học.

- Sao con về sớm vậy?

- Thưa… thầy giáo ốm, ông hiệu trưởng cho cả lớp về.

- Thế không có thầy cô khác dạy thay sao?

- Thưa không ạ!

Hình như bà Hân đang bận tay với việc chi đó, Lan nghe mẹ buông một câu:

- Thôi con lên thay áo!

Thế là xong! Chấm dứt cuộc thẩm vấn. Có lẽ Lan đã không ngờ vực, thắc mắc lâu hơn nếu cu Bi dừng lại một chốc mà kể cho chị nghe những điều Bi đã thưa với mẹ ở nhà ngoài. Cậu bé có đi qua phòng ăn, có nhìn thấy chị Lan đang “chiếu tướng” mình hơi kỹ. Thế nhưng… cậu bé chỉ im lặng cúi xuống giấu đôi mắt hằn rõ vẻ bối rối rồi rút thẳng lên lầu. Cu Bi không biết rằng dù đã qua mặt được mẹ song bà Hân không là đầu mối cho những sự việc mà Bi phải quan tâm. Vì… ít phút sau đó, Lan đã lặng lẽ dắt xe đạp ra khỏi nhà. Cô bé quả quyết phóng xe đi mà cả nhà không ai biết nơi cô sẽ đến.

*

Khi Lan úp những chiếc đĩa sau cùng vào chạn thì cu Bi cũng vừa đánh bóng xong đôi giầy của ông Hân. Đánh giầy cho ba, đó là công việc mà Lan vẫn làm mỗi tối. Nhưng hôm nay Lan cố ý nhờ cu Bi làm để cu cậu không có thì giờ rút lên lầu ngủ sớm như tối qua.

Lan lau khô tay xong lại gần cầm đôi giầy lên ngắm nghía trong lúc Bi thu dọn vật dụng quanh đó toan đem cất. Lan gọi nhỏ:

- Bi này!

Bi ngẩng lên nhìn chị. Lan đặt đôi giầy xuống rồi kéo ghế ngồi bên em:

- Khi sáng này Bi không đến trường học. Sao thế?

Lan thấy rõ từng nét biến đổi trên khuôn mặt ngây thơ bầu bĩnh của đứa em. Cu Bi sững sờ một vài giây trước câu hỏi gọn gàng, chắc nịch của chị. Cậu bé lắp bắp:

- Sao… sao chị biết?...

“Sao chị biết” Lan buồn rầu nhận ra lòng mình vừa lo vừa mừng. Ít ra thì cu Bi cũng không có đủ lời lẽ và thái độ của một tên “cúp cua” chuyên nghiệp để đối đáp thay cho lời thú nhận vụng về vừa rồi. Nhưng như thế tức là cậu em vốn ngoan ngoãn, chăm học của Lan đã thực sự bước vào ngưỡng cửa hư hỏng đáng sợ nhất của một kiếp học trò. Động lực nào đã thúc đầy cu Bi làm công việc ấy?

Lan nghe mênh mang, sững buồn trong từng lời mình đang nói:

- Khi sáng chị đến trường Bi. Lớp vẫn học, chị phải nói dối với thầy giáo là Bi ốm để xin phép cho Bi tạm nghỉ. Sao…

- A! Quá lắm rồi! Hai đứa…

Lan choáng hồn quay lại. Ông Hân đang đứng sừng sững sau lưng hai chị em từ lúc nào. Lan nhìn em. Sự kinh hãi hiện rõ trên đôi mắt cu Bi mở ra tròn xoe, trên đôi môi run run, mấp máy. Cậu bé nhìn chị Lan, nhìn ba và như muốn thu hẳn người lại hoặc biến đi trước ánh mắt ông Hân lấp lánh, giận dữ. Ông Hân quát:

- Mẹ mày đâu? Vào đây!

Bà Hân từ phòng khách chạy vội vào. Bà chưa kịp hỏi lời gì thì ông Hân đã ồn ào hỏi:

- Sáng này cu Bi có đi học không?

Bà Hân ngơ ngác nhìn đám con, trả lời:

- Có! Mà một chút thì nó về bảo trường cho nghỉ vì thầy giáo bệnh chi đó.

Ông Hân à lên một tiếng:

- Thế là mẹ mày tin, phải không? Có thế cậu ấm mới ung dung trốn học đi chơi chứ! Và con chị thì nối giáo cho giặc, vào xin phép láo lếu để thằng này tự do rông ngoài đường. Khiếp chưa? May mà tôi tình cờ nghe được hai đứa tỉ tê với nhau. Mẹ mày tin con, nuông con thế đấy!

Bây giờ thì bà Hân không còn phân tách được những lời trách cứ của ông Hân là trúng hay sai nữa. Bà chỉ biết một cái gì “kinh khủng” bỗng chốc đã rơi xuống hồn bà. Bà giương đôi mắt sững sờ nhìn hai đứa đang nép sát vào nhau như đôi chim non đang thu mình trước cơn thịnh nộ của trời đất. Lòng bà quặn lên trước đôi ánh mắt van lơn, cầu khẩn sự chở che của bàn tay mẹ. Ôi! Đã đến lúc bà không còn được hãnh diện về sự ngoan hiền, chăm chỉ của chúng nữa hay sao?

Bà Hân nuốt nghẹn ngào xuống đáy ngực, bà cố trầm tĩnh cất tiếng hỏi con, giọng nhẹ như một hơi thở phào:

- Sao thế con? Sao con hư thế?

- Sao với trăng cái gì? Mẹ mày cứ thế rồi con cái đổ đốn ra. Thằng nhãi kia! Lại đây bảo.

Lan cuống quít nhìn cây phất trần lăm lăm trên tay ba. Xưa nay Lan vẫn sợ những cơn thịnh nộ của ba cũng như những giọt nước mắt của mẹ. Lan đâm hối đã không chịu chờ đến lúc hai chị em lên phòng học rồi hãy hỏi cu Bi về câu chuyện ban sáng. Ít ra thì cũng tránh cho mẹ được một cơn buồn, ít ra thì cũng tránh cho em khỏi những ngọn roi do lòng ba giận dữ. Nhưng lạ! Hình như sau phút kinh hãi đầu, cu Bi không lo như lòng Lan đang lo rối loạn. Cậu bé im lìm bước đến trước mặt ông Hân trong thái độ chịu đựng, khác với mọi khi vừa nhìn thấy ông cầm đến roi là Bi đã sợ rúm hồn. Điều khác thường đó hình như lại càng làm cho ông Hân cáu tiết. Ông quát:

- Tại sao lại trốn học? Nói mau không chết đòn.

Không khí trong nhà như đọng hẳn lại trong sự im lặng của cu Bi và như sôi réo lên sau hai tiếng vun vút của ngọn roi ông Hân vừa quật vào mông cậu bé.

- Lì hở? Con nhà vô phúc!

Lan trào nước mắt chạy đến níu chặt lấy tay mẹ. Bà Hân cất giọng nghèn nghẹn bảo con:

- Con trót dại trốn học làm gì thì nói đi! Chứ gan góc thế ba giận, mẹ không xin được đâu.

Nhưng cu Bi vẫn cương quyết “ngậm hột thị”. Cậu bé cứ cúi gầm mặt, mím môi nén tiếng khóc cùng với cơn đau buốt của cặp mông. Ông Hân thở dài đánh sượt, ngồi phệt xuống ghế:

- Thằng này hỏng! Mợ cưng chiều nó lắm vào.

Rồi cả nhà im lặng chìm trong sự ngột ngạt cho đến lúc Lan chợt nghe tiếng xe Honda chạy vào trong sân.

“A! Anh Huỳnh”.

Lan sáng mắt chạy ù ra mở cửa. Anh Huỳnh đang lúi húi đẩy xe vào. Anh gỡ sau yên xe trao cho Lan chiếc xắc nhỏ:

- Có bộ quần áo của anh trong này. Lấy bỏ giặt hộ anh.

Tự dưng, Lan đâm sờ sợ. Gương mặt anh Huỳnh lúc này thoáng vẻ mệt mỏi và cũng trở nên nghiêm thế nào ấy. Lan đã định không kể lể gì với anh Huỳnh nếu anh không bất chợt bắt gặp những giọt nước mắt còn đọng trên má Lan:

- Có việc gì vậy Lan?

Lan lúng túng, rồi im lặng. Anh Huỳnh đến gần cô em gái, giọng anh nhẹ nhàng:

- Sao? Việc gì mà em khóc?

Ở anh Huỳnh luôn luôn có giọng nói dịu dàng của mẹ và ánh mắt nghiêm nghị của ba. Lan nghe hơi nhẹ lòng. Cô bé nhỏ giọng tóm tắt tất cả câu chuyện. Anh Huỳnh thoáng cau mặt rồi anh lẳng lặng vào trong nhà.

Ông Hân vẫn còn ngồi đăm đăm trên ghế. Ông chỉ khẽ gật đầu đáp lời thưa của người con trai trưởng khi bà Hân ân cần:

- Con về đấy à? Cơm nước gì chưa?

- Thưa đã mẹ ạ! Con về thăm nhà một tí rồi vào trại ngay.

Ông Hân chợt xô ghế đứng dậy. Ông bảo với anh Huỳnh, giọng vẫn còn vương nét gắt gỏng:

- Đấy! Anh cả ở đây mà tra cho ra tội của thằng này. Chứ tôi mà điên tiết lên thì nó đến chết.

Rồi ông quày quả bỏ lên lầu. Cả mấy mẹ con, trừ cu Bi, đưa mắt nhìn theo. Bà Hân chép miệng thở dài ra ngồi ngoài phòng khách. Lan vờ soạn sành cái xắc của anh Huỳnh, mắt sẽ lén nhìn anh khẽ lắc đầu tiến lại gần cu Bi.

Anh Huỳnh kéo ghế ngồi ngay trước mặt cậu em út, anh nhỏ giọng:

- Cu Bi không ngoan nhé! Không nghe lời anh, làm phiền lòng ba mẹ. Sao thế?

Cu Bi khẽ liếc anh một cái, ánh mắt đong đầy sự ấm ức rồi lại tiếp tục im tịt quay đi.

Anh Huỳnh hơi cau mặt. Anh suy nghĩ một lúc rồi với tay kéo cu Bi vào lòng. Anh vuốt nhẹ lên mái tóc mun dầy có những lọn xoăn xoăn, giọng anh dỗ dành:

- Cu Bi còn thích học nữa không?

- … …

- Hay học ở trường không vui, có đứa nào bắt nạt em, phải không? Nói cho anh nghe!

Tiếng khóc cu Bi chợt òa lên khiến Lan giật mình. Cậu bé khóc ngon lành, nỉ non và anh Huỳnh cứ để yên như thế. Rồi anh lau nước mắt cho cậu bé, dỗ dành một lúc cu Bi mới tức tưởi:

- Em… lúc… vào trường, em không cho tụi bạn xem toán… hức… tụi nó oán em. Giờ chơi tụi nó xúm cả bọn chế em. Thằng Minh nghe chị Lan gọi em là Bi… hức… tụi nó trêu ầm lên là Bi sắc Bí, Bi nặng Bị. Em tức quá… hức… Em đánh nhau với tụi nó. Tụi nó kéo cả bọn vào mách thầy là em văng tục… hức… Thầy phạt em quì gối! Hức hức… Thầy còn dọa đuổi… Em tức quá…! Hức…

Anh Huỳnh ngẩng lên bắt gặp đúng vào ánh mắt của Lan. Hai anh em nhìn nhau trong lúc cu Bi lại tiếp tục tức tưởi:

- Em không học nữa… không học trường đó nữa… Em tức quá… hức hức…


HUỲNH CHÚC (M-Y)  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 97, ra ngày 8-7-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>