Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

CHƯƠNG 3_LÁ KHÔ MÙA MƯA


3


Huyên mở mắt thức dậy, bàng hoàng. Buồng ngủ tối mờ. Nhưng Huyên thấy rõ cả một màn mưa dày đặc ngoài cửa sổ. Tiếng mưa rơi ào ào, lẫn với tiếng sấm sét nghe giận dữ. Trời có lẽ đang buổi chiều. Huyên như người thức giấc sau một lúc hôn mê. Không biết mình ốm đã từ bao lâu nhỉ? Huyên muốn nhớm người dậy nhưng thấy tay chân uể oải vô cùng.

Có tiếng dép nhẹ nhàng sau vách, và chị Lam Hương bước vào buồng, tay cầm một ngọn đèn cầy. Chị nhỏ nến trên bàn rồi cắm đèn xuống. Ánh lửa soi sáng một góc buồng, lung linh. Chị quay lại nhìn Huyên, chị cười, và hỏi:

- Ủa, Huyên đã dậy rồi à? Thấy trong người làm sao hở bé?

- Em đỡ rồi chị, nhưng sao còn mỏi quá! Em nằm đã bao lâu rồi, chị?

- Từ trưa hôm qua. Thỉnh thoảng Huyên có thức dậy một tí nhưng nói lảm nhảm vài tiếng rồi lại ngủ vùi.

Chị ngồi xuống bên cạnh, sờ trán Huyên:

- Bây giờ hơi mát rồi đây. Chị không ngờ sau ngày cuối cùng Huyên lại bị ốm như vậy. Thật… chị có lỗi với mẹ Huyên vô cùng. Dễ Huyên bị sụt đến năm ký-lô là ít. Ai lại đi nghỉ hè mà khổ sở như vầy…

Huyên nắm tay chị Lam Hương, buồn buồn:

- Chị đừng nói thế. Em buồn quá mà bệnh thôi, chứ không phải do làm việc mệt. Bao nhiêu ưu phiền dồn lại và vật mình một ngày. Đầu em bây giờ nhức bưng lên chị ạ. Em muốn quên hết những ngày làm việc ở bệnh xá, nhưng… cứ nhớ hoài.

Huyên nhắm mắt lại, lẩm bẩm:

- Nhất là trại C, sao lại khiến em có cảm tình sâu đậm đến thế?

Chị Lam Hương thở dài:

- Thôi Huyên đừng nghĩ đến nữa. Để chị đi lấy cháo Huyên ăn nhé!

Chị xuống bếp và một lát sau trở lại cùng với Hạnh Đào. Chị để tô cháo nóng lên bàn trong khi Hạnh Đào đến bên cạnh Huyên. Cô nhoẻn miệng cười:

- Huyên, Huyên bớt mệt chưa?

- Cám ơn chị Đào, Huyên sắp khỏi.

- Thật khổ! Mình đã ốm mà Huyên lại bị bệnh gấp mấy lần mình. Thấy thương Huyên quá! – rồi cô hỏi nhỏ - Ngày mai mình về Sài Gòn, Huyên về không?

- Chị Đào về à?

- Chứ còn ở đây làm gì? Về đi Huyên ạ, dầu sao cũng phải chuẩn bị để nhập học niên khóa tới chứ!

- Còn hơn một tháng nữa mà!

- Nhưng bộ Huyên định giam mình ở đây sao? Phải có một thời gian nghỉ ngơi nữa chứ! Công việc coi như đã chấm dứt rồi. Chúng mình có về cũng đâu có tội lỗi gì.

Huyên gật đầu:

- Ừ nhỉ! Chúng mình có ở lại đây cũng đâu có làm gì. Huyên cũng phải về chứ! Nhưng… Huyên còn đang mệt quá! Hay là chị Đào về trước đi nhé! Huyên ở thêm vài ngày cho khỏe đã. Với lại còn phải đi thăm quận này cho biết, chứ nói là về thăm quê chị Lam Hương mà cả hai tháng nay chưa đi đâu hết. Nào là chợ quận này, nào là chùa này, nào là nhà thờ này, nào là khu gia binh này… Chú Lãm vẫn thường nhắc mãi khu gia binh, mà Huyên có biết nơi ấy ra sao đâu!

Chị Lam Hương đưa tô cháo cho Huyên:

- Cháo vừa rồi, Huyên ăn đi. Cứ nhắc chú Lãm, chú Lãm mãi, khổ ghê!

- Chị chờ em một lát – Rồi Huyên vói tay lấy trong túi áo blouse xếp để trên đầu giường chiếc hộp xinh xắn hình chữ nhật của Hạnh, đưa cho Hạnh Đào – Mai chị Đào về lại Sài Gòn, nhớ đến nhà chị Thu Tâm trao cho chị ấy, bảo là của anh Hạnh ở trại C gửi. Chị nhớ kể hết những chuyện ở bệnh xá lúc sau này cho chị ấy nghe. Tí nữa Huyên viết cho mẹ Huyên ít chữ và nhờ chị trao lại giùm luôn nhé! Huyên chưa muốn về lúc này vì còn đang gầy mòn quá, phải… tẩm bổ ít hôm cho lại sức đã. Chẳng có quà gì cho mẹ cả, dù là một mẩu chuyện vui. Điều cần nhất là chị Đào nhớ giấu đừng cho mẹ Huyên biết là Huyên đang buồn, đang bệnh. Chị cứ nói là Huyên vẫn làm việc ở bệnh xá, rất vui, và sẽ có quà về cho mẹ.

Chị Lam Hương chép miệng:

- Tội nghiệp bé Huyên! Sao bé lại vui buồn chuyện của người khác và toàn nghĩ đến người khác không vậy? Chị hiếm thấy có ai như Huyên.

Huyên mỉm cười, gắng nghĩ rằng mình sẽ vui.

*

Huyên quay người nằm nghiêng, và bắt gặp chị Lam Hương cũng đang mở mắt. Chị hỏi nhỏ:

- Huyên,… nghe gì không?

- Có. Em nghe những tiếng giống như tiếng sấm.

- Nhưng không phải sấm Huyên ạ!

Huyên cố lắng tai nghe những âm thanh vang dội, hình như rất gần. Màn cửa, vách nhà cũng rung theo sau mỗi tiếng động. Huyên ngồi phắt dậy, nói thảng thốt:

- Súng chị ạ! Hình như là tiếng đại bác???

Chị Lam Hương vùng dậy theo, lo âu:

- Đánh nhau ở gần đây sao?

Tiếp theo những tiếng đại bác, hai chị em nghe tiếng súng máy nổ dòn, cùng những tiếng súng khác rời rạc. Những âm thanh cùng hòa điệu nghe dồn dập, nghe đe dọa…

Chị Lam Hương bước vội xuống đất, cùng lúc với sự thức dậy gọi nhau của người trong nhà. Mẹ chị Lam Hương gõ tay lia lịa vào vách, gọi:

- Hương ơi! Dậy đi, dậy đi!...

Chị Lam Hương đáp:

- Con dậy rồi, mẹ. Mẹ cứ cho mấy em xuống hầm cả đi!

- Gọi Huyên dậy luôn!

- Vâng.

Chị quay lại nói với Huyên:

- Tụi mình xuống hầm đi Huyên, ở trên này rủi có pháo kích thì khổ.

Huyên theo chân chị Lam Hương xuống hầm. Hầm được làm bên cạnh buồng ngủ. Khi tấm ván dùng làm nắp hầm được mở ra, Huyên nhìn thấy bên trong tối om. Chị Lam Hương đẩy Huyên vào trước. Hai chị em đi lom khom, lò dò trong bóng tối. Chưa được mấy bước, Huyên chạm phải một đứa em của chị Lam Hương. Có tiếng nói khẽ của mẹ chị:

- Ngồi xuống đây đi cháu! Đợi hết tiếng súng rồi ra.

Huyên nghe theo. Và khi ngồi xuống được một phút, định thần lại, Huyên mờ mờ thấy chung quanh mình những gương mặt âu lo ngơ ngác, những gương mặt ngây thơ vẫn còn ngái ngủ của mấy đứa em chị Lam Hương. Căn hầm thì rộng không đầy hai thước vuông mà chứa trọn cả một gia đình. Huyên nghĩ phía bên trên chắc cũng không mấy an toàn, chỉ một tấm ván đậy hờ. Nếu rủi ro một trái đạn rớt ngay trên đó thì việc gì sẽ xảy ra? Huyên nghe lành lạnh dọc suốt xương sống, đồng thời thấy thấm thía niềm cảm thương những người dân sống ở miền quê hẻo lánh.

Chị Lam Hương hỏi:

- Huyên sợ không?

Huyên lắc đầu:

- Sợ thì ít thôi, nhưng lo…

- Huyên lo gì?

- Em lo… không biết trong trận giao tranh này, có ai là người quen của mình không.

- Lạy Trời không có.

Huyên lẩm bẩm:

- Chú Lãm…, không biết chú Lãm giờ này đi đâu? Đơn vị của chú thường hành quân vùng này. Không lẽ… Nhưng chú ấy mới xuất viện mà!..

- Huyên đừng lo quá như thế. Chú không sao đâu. Phải chi sáng hôm kia Huyên cùng về với Hạnh Đào thì chị đỡ lo. Tội nghiệp Huyên…

- Chị bảo em đừng lo, mà bây giờ đến phiên chị quá lo cho em.

Hai người yên lặng. Tiếng súng vẫn ầm ì vang dội. Huyên nghe tiếng ngáy đều đặn của em bé ngồi cạnh mình. Huyên nhìn trân trân vào bóng tối và những tư tưởng hỗn độn nhảy múa trong đầu. Rồi Huyên thiếp ngủ hồi nào không biết….

*

Chị Lam Hương bỗng lay nhẹ vai Huyên:

- Huyên ơi, hình như có ai gọi mình.

Huyên giật mình mở mắt, lắng nghe: tiếng đập cửa cùng tiếng gọi phát ra ở cửa sau nhà bếp.

- Cô Hương ơi! Cô Hương! Có cô ở trong nhà không?

Huyên nói:

- Giọng của cô Trang, chị à.

- Cô Trang??? Không biết có việc gì?

Tiếng của mẹ chị Lam Hương:

- Con ra xem thử đi Hương! Hết tiếng súng rồi.

- Vâng.

Chị Lam Hương đứng khom người giở nắp hầm chui lên. Huyên cũng lên theo. Hai người đi thẳng xuống bếp. Tiếng gọi của cô Trang nghe dồn dập hơn. Chị Lam Hương mở vội cánh cửa. Cô Trang xuất hiện, mặt mũi bơ phờ, nói hổn hển:

- Cô Hương ! Tôi làm phiền cô…

- Có việc gì, chị nói liền cho em nghe. Nhưng khoan đã, chị hãy vào trong nhà đi!

Cô Trang lách người bước vào và nói:

- Thật khổ ghê cô Hương ạ! Cô có nghe súng không? Đánh nhau ở bên cạnh quận mình, gần lắm! Vừa giao tranh vừa bị pháo kích từ đầu hôm. Bác sĩ Lân lại vừa mới đi công vụ ở Sài Gòn. Ba ông y tá ở bệnh xá được lệnh phải ra mặt trận để lo việc cứu thương và tải thương. Họ đi từ một giờ sáng. Ở bệnh xá chỉ còn có tôi và ông y tá ở phòng thuốc. Trong vài giờ nữa hoặc có thể trong lúc này thương binh sẽ được đưa về. Việc cấp cứu và băng bó sẽ không thực hiện kịp nếu chỉ có hai người y tá…

Ánh mắt của cô Trang như van nài:

- Cô Hương ! Cô có thể… giúp tôi một tay? Công việc mà chậm trễ e sẽ nguy đến tính mạng nếu người ta bị thương nặng…

Chị Lam Hương nói vội:

- Như thế thì chúng ta đi ngay chứ! Huyên đi không?

- Em cũng đi nữa. Chúng ta nhanh lên!

*

Khi ba người đến bệnh xá thì đã đúng bốn giờ sáng. Trong sân, lờ mờ bóng một chiếc quân xa. Huyên thấy loáng thoáng một bóng người quen thuộc đang cõng một thương binh chạy lên thềm. Cô Trang giục chị Lam Hương và Huyên đi nhanh đến bên chiếc xe. Dưới ngọn đèn vàng vọt, trên sàn xe, chừng hai mươi người thương binh nằm san sát nhau, hay ngồi dựa vào thành xe ôm lấy đôi chân. Có người máu thấm ướt cả vạt áo. Có người băng kín đầu. Trong một giây, Huyên đứng sững như tượng đá và tự hỏi không biết mình sẽ phải làm gì. Những đôi mắt lờ đờ mệt mỏi gượng nhìn ra. Huyên vùng chạy vào các phòng bệnh và Huyên tìm thấy những chiếc băng-ca trong góc phòng của trại B. Huyên ôm các băng-ca nặng nề đó chạy ra, và phụ với chị Lam Hương cùng cô Trang khiêng từng người vào trại bệnh. Dù mới ốm dậy, Huyên vẫn tưởng như mình có một sức mạnh ghê hồn.

Công việc di chuyển thương binh từ ngoài sân vào phòng cũng khá mau lẹ. Khi khiêng đến người thương binh cuối cùng trên xe, Huyên mới thấy đàng trước mình là Hạnh – trong bộ quân phục đầy mồ hôi. Huyên kêu lên:

- Thì ra nãy giờ là anh Hạnh?

Hạnh quay đầu lại:

- Trời! Cô Huyên! Và chị Hương nữa sao? Chúa ơi, tôi mệt quá không biết đang làm việc với ai.

Đặt người thương binh lên giường, Hạnh gạt mồ hôi trên mặt, nói:

- Không ngờ lại gặp nhau… Bây giờ nhờ cô Huyên ở đây rửa vết thương và băng cho họ nghen! Tôi còn phải lái xe ra đó. Còn độ mấy chục người nữa. Hai ông y tá của trại bệnh cũng đang ở ngoài đó để cấp cứu.

Hạnh đi nhanh ra cửa, nói vói vào:

- Trăm việc nhờ tay các cô hết đấy!

Huyên nghe tiếng máy xe nổ ì ầm và mất hút trong đêm.

Bây giờ là lúc bắt đầu công việc. Chị Lam Hương vào bếp để nấu nước sôi. Cô Trang đi lên phòng lấy thuốc. Còn Huyên đi thắp nến cho sáng thêm vì điện bị cúp từ lúc khuya. Huyên nghe những tiếng rên siết đau đớn. Huyên phải dừng lại ở mỗi giường để lau mồ hôi và trấn an họ. Dưới nền nhà, từng chỗ máu giọt đọng lại, sẫm màu. Huyên nghe thấm thía nỗi xót xa như chính những giọt máu đó đang nhỏ ra từ huyết quản của mình.

Cô Trang đứng trước cửa phòng, nói vọng vào:

- Bây giờ chỉ có ba người chúng ta thôi. Ông y tá trên phòng đang lo liên lạc với trên tỉnh để xin thêm thuốc men. Cô Huyên cứ ở đây băng bó nhé! Tôi và cô Hương sang các trại kia. Sáng mai chúng ta sẽ dồn những người cũ sắp lành vào một trại, để các thương binh mới nằm một trại cho dễ săn sóc.

Huyên bắt đầu đi lấy nước nóng để rửa các vết thương. Phần nhiều các vết thương vừa có máu vừa lẫn với bùn đất bê bết, làm cho công việc trở nên khó khăn hơn. Nhiều người mệt quá mê thiếp đi, mặc cho Huyên loay hoay băng bó.

Công việc trải qua một cách âm thầm. Một mình Huyên lặng lẽ trong trại bệnh. Đôi mắt Huyên mở trao tráo. Huyên hầu như không biết mệt mỏi là gì.

Văng vẳng từ phía xóm nhà đằng sau bệnh xá, có tiếng gà gáy sáng.

*

Buổi sáng Hạnh lại chở về bệnh xá hơn mươi người thương binh nữa. Lần này có cả ông Đạt và ông Vỹ về theo nên việc tản thương và băng bó đỡ vất vả hơn. Tiếng súng gần như tạm im nhưng thỉnh thoảng cũng còn nghe ì ầm xa xa. Huyên thấy Hạnh dán một miếng băng keo từ mép đến gần mang tai, lo sợ hỏi:

- Anh Hạnh làm sao vậy?

- Tôi chui qua hàng rào kẽm gai kéo một ông thương binh, bị sướt da.

- Có sâu không ạ?

- Không sâu lắm. Nhưng chắc phải may lại. Tôi chờ ông bác sĩ Lân về.

Thấy Huyên nhăn mặt xuýt xoa, Hạnh cười:

- Tôi không chết là may. Vẫn còn hy vọng mà cô.

Hạnh nhìn vào trại bệnh, và nói:

- Không dè bệnh xá này bỗng dưng đông đảo thế. Một bệnh xá ở một quận lỵ nhỏ, vậy mà trở nên quan trọng vô cùng. Cô biết vì sao không? Vì quận mình ở ngay ngã ba đường, nên việc tiếp nhận thuận lợi hơn là đưa về tỉnh. Đợi mà đến ngay tỉnh thì con người ta mất hết máu.

- Nhưng ở đây thiếu phương tiện, Huyên sợ săn sóc không được chu đáo.

- Thì phải để bác sĩ Lân về đây quyết định. Trong khi chờ đợi chúng ta cứ làm hết sức chúng ta. Thế nào mấy người bị nặng cũng sẽ phải đưa về Sài Gòn.

Hạnh lẩm nhẩm tính trên đầu ngón tay rồi nói một mình:

- Chắc hôm nay hay ngày mai ông ấy về.

Huyên bỗng nhớ đến gương mặt nghiêm khắc của bác sĩ Lân và những thái độ của ông, những điều mà Huyên tưởng mình đã quên, nay lại hiện đến rõ mồn một trong trí. Huyên buồn bã nói với Hạnh:

- Nếu bác sĩ Lân về và lại thấy chị em Huyên ở đây, chắc là ông khó chịu lắm?

Hạnh nhíu mày:

- Cô Huyên! Bỏ việc ấy ra ngoài đầu óc đi! Ông ấy phải biết ơn các cô chứ. Nếu không có sự phụ giúp của hai cô, thử hỏi một mình cô Trang làm được gì trong đêm vừa qua? Cô hãy nghĩ đến các thương binh. Vấn đề không phải là ở bác sĩ Lân.

- Nhưng về phần bác sĩ Lân…

- Tôi tin rằng ông ấy không phải là người quá hẹp hòi. Với lại đây là việc chung chứ đâu phải riêng gì của ông ấy. Nếu ông ấy được chứng kiến cảnh làm việc hăng say của cô và cô Hương thì chắc ông ấy sẽ hối hận về sự nóng nảy của ông trước đây.

Hạnh thở dài nói như để một mình anh nghe:

- Phải chi có Thu Tâm ở đây để cùng chia xẻ nỗi khó khăn này.

Huyên đi vào trại A. Ở đây ông Vỹ đang thu xếp giường cho các thương binh cũ nằm, để dành hai trại kia cho những người mới về. Nghe tiếng dép của Huyên, ông Vỹ quay lại. Và, thật bất ngờ, Huyên thấy ông nhoẻn miệng cười. Huyên chưa kịp phản ứng, ông Vỹ lên tiếng:

- Chào cô.., cô gì nhỉ? À, cô Huyên, tôi nhớ ra rồi. Cô là cái cô làm bên trại C mấy lúc trước phải không?

Huyên ngạc nhiên, vì từ hồi đêm đến giờ Huyên chỉ mặc chiếc áo bà ba, không phải áo blouse có thêu tên họ, thế mà ông Vỹ nhớ tên, và lại chào hỏi tươi cười nữa. Gương mặt ông không còn vẻ khó chịu như trước. Huyên ngơ ngác một giây, rồi vội vàng đáp:

- Vâng, cháu là Huyên. Đêm hôm qua chú đi chắc mệt lắm hở chú?

- Tôi suý‎t chết đó cô! Mai mốt tôi kể cho cô nghe. Bây giờ tôi sắp chỗ cho mấy ông này rồi nghỉ một chút đã. Cô cũng nên về nghỉ đi! Đêm qua nếu không nhờ mấy cô… chắc khổ lắm.

Ông nói xong, vươn vai ngáp dài.

Huyên chào ông Vỹ rồi đi qua trại B. Ở đó có cô Trang đang mắc dây kẽm để giăng từ đầu phòng đến cuối phòng, rồi dùng những cuộn băng lớn máng lên đó làm thành những “dây treo” sà xuống tận giường của những người bị thương nặng ở tay chân. Huyên nhẹ nhàng nâng những cánh tay, những cẳng chân đau nhức đó đặt vào từng “dây treo” cho cô Trang cột lại. Nhờ cách đó, họ giữ được tay chân ở yên một chỗ và máu bớt chảy nhiều.

Huyên sửa lại “ra” giường cho các thương binh, phần đông họ đang thức dậy, đưa mắt nhìn cảnh trại bệnh mới mẻ mà lờ mờ trong trí nhớ họ chỉ biết rằng đêm hôm qua họ mới được đưa về. Một người thương binh nói với Huyên:

- Phòng bệnh này… ngó vui mắt quá!

Huyên hỏi:

- Sao vậy anh?

- Cô nhìn kìa!

Và anh chỉ những “dây treo”, mỉm cười. Huyên cũng cảm thấy trại bệnh như có vẻ linh hoạt lên, nhờ những “dây treo” – những “dây treo” trông giống như những ngọn đèn lồng.

Chị Lam Hương xuất hiện ở cửa, gọi:

- Huyên ơi! Đói bụng không? Ông nhà bếp mời chúng mình xuống ăn cơm rang.

Chợt nhìn thấy nét mặt của Huyên, chị hốt hoảng:

- Chết! Huyên bơ phờ quá đi thôi! Mắt thâm quầng rồi kìa! Mất ngủ mệt lắm đó Huyên!

Huyên cười:

- Em không cảm thấy buồn ngủ tí nào. Bây giờ em muốn… ăn cơm nhà bếp.

- Thôi đi cô! Không khéo ngã bệnh lại đấy! Chị sẽ nấu cháo cho Huyên ăn.

- Không phải cho một mình em ăn, mà cho cả trại bệnh ăn, được không chị? Họ đã về đây hồi ba bốn giờ sáng, đến bây giờ hẳn là đói bụng lắm. Em sẽ cùng nấu với chị.

- Ừ phải, bây giờ mình đi xuống bếp.

*

Huyên đứng trước một người thương binh bị băng kín đôi mắt và cả bàn tay. Huyên không biết anh đang thức hay ngủ, nên thử kéo nhẹ mép “ra” giường. Quả là anh đang thức, nghe động bèn hỏi:

- Ai đấy?

Huyên lúng túng không biết trả lời thế nào, nói nhỏ:

- Dạ..., là tôi. Anh đã thức phải không?

Người thương binh mỉm cười:

- Vâng. Cô… chắc không phải là người băng cho tôi đêm qua? Nghe giọng cô hơi khác.

- Dạ. Tôi mới gặp anh lần đầu.

- Cô là y tá ở đây?

Huyên lặng thinh, và không hiểu sao Huyên lại gật đầu mà quên rằng người thương binh không thấy được cử chỉ ấy. Không nghe trả lời, anh lại hỏi:

- Ủa, cô đi đâu rồi?

- Dạ… tôi vẫn đứng đây.

- Cô không sao chứ?

- Xin lỗi anh, tôi quên mất… Vâng, tôi là y tá tình nguyện ở trại bệnh này.

Người thương binh gật gù ra dáng hài lòng. Và gác cánh tay lành lặn lên trán, anh nói:

- Tôi chưa bao giờ nghe nói đến cái bệnh xá này. Đến bây giờ đụng trận lại được vào đây. Mà lại chẳng thấy mặt ngang mày dọc của nó ra sao nữa.

- Anh bị vào mắt?

- Không, mảnh nhỏ găm vào hai mi mắt thôi cô ạ. Nhưng bị băng như thế này, tôi có cảm tưởng là mình đang mù.

- Anh không bị mù đâu.

Người thương binh cười:

- Tôi may mắn quá cô nhỉ!

Nhớ lại mục đích của mình, Huyên hỏi:

- Anh đói không? Anh ăn cháo nhé!

Tiếng cười lại cất lên:

- Tôi đang không thấy đường, lại bị thương ở tay, ăn thế nào được, cô?

- Anh khỏi lo, miễn là… anh không đau miệng.

Và bưng đến một bát cháo mới lấy ở nhà bếp, Huyên đút từng muỗng cháo cho người thương binh. Anh nói, giọng cảm động:

- Cô tốt quá! Cô làm việc ở đây bao lâu rồi?

- Dạ, được hai tháng thôi anh ạ.

- Hồi nãy cô nói cô là y tá tình nguyện?

- Vâng. Nhưng tôi không phải là y tá. Tôi học ở Sài Gòn, về đây chơi và đến giúp cho bệnh xá này.

- Vậy tôi xin lỗi cô nhé!

- Không có gì đâu anh. Chính chúng tôi cũng mong muốn rằng mọi người xem chúng tôi như những nữ điều dưỡng, những y tá.

Huyên đút xong bát cháo cho người thương binh và đứng lên đi lấy nước. Lúc ấy chị Lam Hương đi vào và nói:

- Bé Huyên không mệt sao mà làm việc mãi vậy?

Huyên lắc đầu:

- Không, em phải lo xong bữa ăn cho trại này đã chị.

Huyên bưng nước đến cho người thương binh. Anh hỏi nhỏ:

- Tôi vừa mới nghe ai gọi cô là cô Huyên?

- Vâng, tên tôi là Huyên.

Người thương binh đưa tay lên sờ băng mắt:

- Cô tên là Huyên? Và giọng nói của cô nữa…, nghe quen quá! Xin lỗi cô, cô có phải là… Hạ Huyên, hồi năm lớp Mười cô có học ở trường Tinh Thần Mới không?

Huyên tròn đôi mắt nhìn người thương binh:

- Sao anh biết? Vâng, tôi là Hạ Huyên…

Người thương binh nói vui mừng:

- Chị Huyên, chị không nhớ tôi sao? Tôi là Dũng đây.

Huyên ngờ ngợ:

- Anh Dũng… Anh Dũng??? A, anh là anh Dũng, trưởng ban báo chí lớp Mười A phải không?

- Chị nhớ đúng rồi đấy!

Huyên reo lên:

- Trời ơi! Anh Dũng, lâu quá… Mà anh băng kín đôi mắt… làm sao tôi nhận ra?

Huyên tưởng như câu nói của mình cả trại bệnh đều nghe. Huyên lắp bắp:

- Thật, tôi không tin là gặp anh Dũng ở nơi này.

Dũng cười:

- Tôi cũng không ngờ. Nhưng thật thú vị được gặp chị Huyên ở đây. Đã hơn ba năm rồi chứ ít sao! Tôi đi lính và ở trong rừng nhiều hơn ở thành phố. Tôi vẫn thường tự hỏi không biết các bạn của mình đã ra sao. Thỉnh thoảng về phép, có địa chỉ trong tay nhưng tôi không đến thăm các bạn.

- Tại sao vậy?

- Tôi muốn mọi người xem tôi như một cái gì… của quá khứ và không bận lòng đến tôi.

- Anh Dũng nói thế, chứ các bạn vẫn nhắc đến anh luôn.

- Cám ơn chị. Tôi cũng không quên được những kỷ niệm ngày học lớp Mười A.

Huyên ngồi lặng yên nghe Dũng nói. Giọng Dũng trầm ấm, đều đều:

- Chị Huyên chắc còn nhớ, ngày đầu nhập học lớp mình chỉ có hai mươi người. Lớp thì rộng thênh mà học sinh chỉ ngồi có mấy dãy bàn đầu. Vậy mà vui vô kể, chị nhỉ! Cũng tổ chức bầu trưởng lớp, thủ quỹ và các trưởng ban. Hai mươi người, hầu như ai cũng được làm “trưởng” một cái gì đó.Tếu vô cùng! Tôi được bầu làm trưởng ban báo chí, lúng túng thực hiện tờ bích báo lúc gần Tết. Ngày nào cũng màu với mực, dính đầy người. Chúng tôi ở luôn trong lớp để lo cho xong. Còn mấy chị thì lo tổ chức Tất niên. Kỳ đó tụi mình làm thật luộm thuộm mà vui ghê chị Huyên nhỉ! Không biết với chị thì sao, chứ với tôi, tôi nhớ và qu‎ý nhất những kỷ niệm ở lớp Mười A, vì đó là những kỷ niệm cuối cùng của đời đi học. Sau Tết, tôi nhập ngũ. Nghe nói lớp mình giải tán để dồn lên lớp buổi sáng. Tôi tiếc cái lớp học mát mẻ của mình và những buổi học trưa im lặng vô cùng. Chị Huyên nhớ lớp học của mình có hàng gạch lỗ ở trên cao không? Buổi trưa thường có những con chim sẻ ở ngoài sân bay vào theo lối này rồi bay thẳng ra theo lối kia. Đó là những lúc tôi ngưng nghe thầy giảng, nhìn theo chim sẻ cho đến khi khuất dạng nó mới thôi. Đi lính, không còn cái mơ mộng ấy nữa. Lúc nào mình cũng phải đề phòng, cũng phải nghi hoặc. Nhưng tôi không chối bỏ rằng mình vẫn còn giữ ít nhiều lòng tin yêu của thuở học trò. Chính là nhờ các thầy của mình đó chị Huyên.

Huyên vẫn chăm chú nghe. Giọng Dũng trầm thêm nữa:

- Tôi thương nhất thầy Ái, thầy Cấp và thầy Quang. Còn thầy Toàn dạy nhạc, chị Huyên nhớ không? Tôi chắc là chị không quên những bài hát thầy viết và dạy cho cả lớp. Thầy Toàn với đôi mắt sáng, với nụ cười tươi làm rộn rã lớp học, tôi vẫn không quên. Tôi may mắn được ở cùng đơn vị với thầy Toàn. Thầy Toàn cũng đi Pháo binh. Lúc đi học ở trường, tôi là học trò của thầy. Vào quân ngũ tôi lại được làm học trò của thầy, mà lại sống với nhau như anh em. Thế mà… thầy đã hy sinh rồi đó chị Huyên. Tôi nói ra chắc chị sửng sốt lắm, bởi mấy năm rồi thầy cũng như tôi đâu có về thành phố. Tôi nghiệp thầy quá hở chị! Chị còn nhớ bài hát mà thầy Toàn hát trong buổi họp mặt tất niên của lớp không? Những lời hát thật sâu đậm, tôi không bao giờ quên…

Huyên, nước mắt nhạt nhòa, lặng người nghe tiếng của Dũng trầm ấm bên tai, lời nói như lời thầy Toàn nhắc nhở:

- “Ai chối được rằng mình có một trái tim…..”

*

- Bác sĩ Lân về từ chiều hôm qua Huyên ạ! Sáng nay chị mới vào trại A đã thấy ông đứng chờ ở đó. Ông ấy đã đổi thái độ với mình. Ông cám ơn rối rít và muốn gặp cả Huyên nữa vì cô Trang đã nói với ông rằng trong đêm đó có hai chị em mình đến giúp.

Huyên giả vờ le lưỡi, rụt cổ:

- Thôi, em sợ lắm! Ông ấy mà biết… lại cái con nhỏ tác giả bài phóng sự làm ông bực mình thì khổ nữa.

- Ông ấy muốn gặp em để cám ơn thật mà!

- Vậy thì em phải thay băng cho họ xong xuôi đã, rồi em sẽ đi gặp ông sau. Chị nói giùm với cô Trang là cô cứ ngủ cho lại sức đi, để em lo cho. Chiều hôm qua hai chị em mình nghỉ ngơi chán rồi.

Huyên vuốt thẳng lại vạt áo blouse đã mấy ngày nay để quên trong một góc, rồi bước vào trại bệnh tiếp tục làm công việc như xưa. Lại thấy Hạnh đang lui cui soạn thuốc, và đốt cồn sát trùng những kéo kẹp. Huyên nghe lòng bồi hồi.

Những vết thương mới – cần phải rửa thật nhẹ nhàng. Những gương mặt mệt mỏi đau đớn – cần được trấn tỉnh và an ủi hết sức. Bây giờ cuộc giao tranh vẫn còn diễn ra xung quanh quận lỵ. Tiếng súng vẫn còn nghe văng vẳng. Và từng phút, từng giờ, mọi người vẫn như ngầm bảo nhau rằng trách nhiệm càng lúc càng nặng nề. Và thật đúng như Hạnh nói, cái bệnh xá nhỏ bé ở quận lỵ hẻo lánh này bỗng nhiên trở thành quan trọng.

Huyên gặp lại Dũng. Dũng đang ngồi thẳng trên giường, lần mò gỡ băng tay một mình. Khi miếng “gạc” đẫm máu khô rơi xuống đất, Huyên bàng hoàng nhìn bàn tay Dũng. Bàn tay đã mất ngón cái. Huyên cắn môi, cố nén nỗi xúc động đang làm nước mắt chực trào ra. Huyên nhớ bàn tay này đã vẫn thường vẽ vời trang trí lớp học, vẫn tô điểm những hình ảnh trên tờ bích báo tất niên, vẫn phóng bút làm những bài thơ chan chứa tình cảm học trò. Những hình ảnh xưa trở về tràn đầy trí nhớ. Rồi nhìn Dũng rắn rỏi phong sương, Huyên muốn khóc.

Dũng lên tiếng:

- Phải chị Huyên đó không?

Huyên toan gật đầu, nhưng kịp tự chế nhạo mình, Huyên cố lấy giọng tự nhiên:

- Vâng, sao anh Dũng biết?

Dũng cười nhẹ ra vẻ hài lòng:

- Tôi nghe tiếng dép quen quen, giống tiếng dép hôm qua chị Huyên đi đến, và cũng giống tiếng dép mỗi lần chị Huyên lên bảng làm bài.

Huyên lặng thinh. Dũng nói tiếp:

- Chị nhớ giờ Anh văn của thầy Long không? Tôi nhớ… hồi đó tôi dốt Anh văn lắm chị ạ. Mỗi lần lên bảng đặt câu là tôi bị ông trách: “Tôi không biết phải sửa anh thế nào”, còn mỗi lần xem bài của chị, ông cũng nói: “Tôi không còn biết sửa chỗ nào”. Cùng một lối nói, mà thầy nói với chị là khen đấy!

Tự nhiên một giọt nước mắt của Huyên rơi xuống, không ngăn được. Huyên sịt mũi. Dũng ngạc nhiên hỏi:

- Chị Huyên sao thế?

- Không, có gì đâu! Để Huyên thay băng cho anh Dũng.

Huyên đẩy đồ nghề đến và xịt thuốc lên bàn tay Dũng. Dũng nắm chặt lấy cổ tay, xuýt xoa. Huyên trấn an:

- Anh Dũng chịu khó nhé! Thuốc này rưới vào hơi đau nhưng rất sạch, mau lành.

Dũng gượng cười:

- Chị Huyên cứ tự nhiên mà làm. Tôi bị thương lần này là lần thứ tư rồi, không còn lạ gì nữa. Ba lần trước chỉ để sẹo. Lần này mới thật là mất mát.

Trên chỗ ngón tay mất mát đó, thuốc đang làm sủi bọt trắng. Huyên khóc thật sự, không còn kềm chế nổi. Dũng ngơ ngác:

- Ơ, chị Huyên, phải chị khóc không?

Huyên không đáp, gắp một miếng “gạc” sạch thấm khô thuốc và máu mủ.

Dũng thở dài:

- Chị Huyên! Nếu mà chị biết rằng tôi đang vui, rất vui, và thấy tự tin hơn bao giờ, thì chị sẽ không khóc đâu.

Huyên vẫn sụt sùi khóc trong khi băng kín bàn tay cho bạn. Dũng vẫn nói đều đều:

- Chị thấy, tôi có gì đáng bi quan đâu! Nếu bàn tay này không dùng được, tôi còn bàn tay kia. Rồi chị sẽ thấy tôi tập viết bằng tay trái rất nhanh. Tôi còn một bàn tay mà! Bàn tay đó sẽ làm việc gấp đôi năng lực của hai bàn tay ngày trước.

Huyên băng xong bàn tay cho Dũng, và lấy khúc băng thừa làm dây choàng qua cổ để treo tay lên. Dũng cười:

- Tôi có ý‎ nghĩ chị đang choàng “vòng hoa chiến thắng” cho tôi. Nhưng cái vòng hoa này có ý nghĩa hơn mọi chiếc vòng hoa mà người ta thường cho nhau một cách ước lệ.

Huyên nói:

- Những việc Huyên làm nhỏ bé quá đi! Và Huyên chẳng thấy kết quả đâu cả. Huyên khổ tâm trước những nỗi đau đớn khó khăn của mọi người.

- Kết quả tâm lý không bao giờ được thấy trước mắt. Tôi tin rằng chị Huyên đã làm được rất nhiều mà chị không thấy đó thôi.

Huyên đỡ Dũng nằm xuống ngay ngắn, và kéo thẳng lại tấm “ra” giường. Dũng nói tiếp:

- Những người thương binh sẽ rất vui nếu biết chị không phải là y tá, chị làm việc tự nguyện, tất cả vì họ. Chính tôi đã có cảm xúc đó. Rồi đây tôi sẽ nói với những người bạn cùng đi lính với tôi, rằng họ hãy dẹp bớt những buồn phiền, những bất mãn. Bởi vì trong lúc họ xông pha gian khổ, không phải những người ở lại đều sống phè phỡn, vô tình. Bởi vì ít ra cũng còn có những người những người như chị Huyên. Và tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người như chị Huyên.

Huyên lau nước mắt, mỉm cười:

- Cám ơn anh Dũng đã có ý nghĩ ấy.

- Tôi nghe nói có bác sĩ về rồi phải không? – Dũng đưa tay sờ băng mắt – Vậy tí nữa tôi nhờ chị Huyên đưa tôi lên khám mí mắt nhé! Cô y tá Trang hôm qua dặn thế đấy.

Hạnh đang thay băng cho một người ở gần đó, lên tiếng:

- Tôi cũng phải khâu miệng nữa cô Huyên ơi, hết duyên rồi!

Huyên nghe có tiếng giày ngoài cửa, bèn nhìn ra và thấy ngay bác sĩ Lân đang đi đến. Người quân y sĩ tươi cười khi gặp Huyên:

- Chào cô. Tôi vui mừng khi cô trở lại giúp cho bệnh xá.

Huyên lí nhí chào lại và không biết nói gì. Bác sĩ Lân nói tiếp:

- Cô chắc hẳn còn giận chúng tôi lắm? Tôi thật chẳng biết làm sao để cô thông cảm và bỏ qua cho những việc đáng tiếc trước đây. Tôi đã nghe đầy đủ về những hành động đẹp của các cô, và nghĩ lại, tôi thấy mình sai lầm khi đã làm giảm sút thiện chí của các cô.

Huyên cúi đầu nói nhỏ:

- Thưa bác sĩ, chúng cháu không dám buồn giận bác sĩ. Lúc nào chúng cháu cũng muốn góp sức với bệnh xá này để săn sóc các thương binh.

Bác sĩ Lân thở dài:

- Tôi thật nóng nảy nên đã có những hành động làm các cô không vui. Có lẽ tuổi tác làm cho tôi cứng cỏi và nghiêm khắc đến độ hời hợt trong khi các cô còn trẻ tuổi, có những việc làm bất vụ lợi thật đáng khen như thế này. Tôi thành thật xin lỗi…

Huyên như trút được gánh nặng đè nén lòng mình bấy lâu nay, vội nói:

- Thưa bác sĩ, cháu cũng xin lỗi bác sĩ nếu cháu đã có gì làm buồn lòng bác sĩ. Bây giờ xin bác sĩ đừng thắc mắc về việc xưa nữa.Tất cả nên để cho qua và chúng ta hướng nỗ lực vào việc phục vụ cho bệnh xá ạ.

Bác sĩ Lân nhìn quanh phòng, và gật gù khen:

- Các cô làm những “dây treo” khéo quá, tôi phục sáng kiến của các cô đấy. Trại bệnh trông vui mắt đấy chứ nhỉ!

Bác sĩ Lân bắt đầu khám cho các thương binh. Trong khi ông đang nghe mạch cho người đầu tiên, trời bỗng đổ mưa to bên ngoài. Mưa được hai phút thì từ những chỗ thủng trên mái bắt đầu có nước giọt xuống. Huyên đã biết trước điều này từ lâu nên không sắp giường cho thương binh ngay chỗ ấy. Hạnh bắc ghế leo lên giật tấm “các-tông” thấm hoen nước mưa sắp rách lủng lẳng trên trần nhà xuống. Mái tôn lộ ra với các lỗ thủng. Nước giọt càng lúc càng nhiều, Hạnh phải lấy thùng kê bên dưới để hứng. Bác sĩ Lân ngừng tay, nhìn quang cảnh đó và lẩm bẩm:

- Quả thật cái trại C này đã thảm hại quá đỗi.

*

Huyên thấm thuốc vào một miếng “gạc” nhỏ rồi lau vết khâu nơi hai mí mắt Dũng. Xong rồi Huyên nói:

- Bây giờ anh Dũng mở mắt ra đi!

Dũng từ từ hé mắt, rồi vội vàng nhắm lại vì ánh sáng chói chang. Anh cười:

- Đã mấy ngày nay làm người mù bất đắc dĩ, mắt này cũng đến làm biếng thôi. Nào, một, hai, ba, chào mừng gặp lại chị Huyên.

Huyên bật cười:

- Anh Dũng làm Huyên tưởng như đang học giờ Anh văn của thầy Long.

Dũng nói nhỏ:

- Ba năm rồi, chị Huyên vẫn không thay đổi gì hết. Chỉ khác là chị mặc áo blouse trắng, giống như một nữ y tá quá!

- Anh Dũng xem, cái áo này đúng nghĩa là áo “bờ-lu dơ”, nó dính cả thuốc Povidon đen sì.

Dũng tiếp lời:

- Và đôi khi dính cả máu, mủ của các vết thương nữa. Nhưng đối với tôi, đó là cái áo trắng đẹp nhất.

Dũng khoan khoái nhìn quanh trại bệnh:

- Phòng này sạch sẽ ghê chị Huyên nhỉ! Nhưng phải cái tội là có mấy chỗ dột. Bây giờ tôi không còn băng mắt nữa, tôi sẽ đi vòng quanh để xem hết cái bệnh xá này, nơi mà chị Huyên đã làm việc mấy tháng nay.

- Nhưng… cấm anh Dũng xuống nhà bếp.

- Sao vậy?

- Vì anh sẽ hết hồn khi thấy những xoong chảo, dao thớt khổng lồ.

Dũng cười thích thú, và ngồi yên trên giường xem Huyên băng bó cho những người thương binh khác. Huyên rửa tay, và nhìn Hạnh, cười tủm tỉm. Hạnh trố mắt:

- Cô Huyên có gì vui?

- Huyên nhìn vết khâu trên má anh Hạnh, thấy…

Hạnh tiu nghỉu:

- Tệ quá hở?

- Dạ không, thấy… có duyên lắm.

- Thật sao? Tôi phải xét lại mới được.

Hạnh lộ vẻ vui, nhưng không dám cười mạnh. Anh lại hát nho nhỏ trong khi làm việc. Chợt nhớ ra điều gì, anh nói:

- Cô Huyên này! Trại C sắp dẹp rồi.

Huyên ngạc nhiên:

- Ơ! Sao lại dẹp?

- Chứ cô xem, mưa càng to càng dột nhiều. Mái tôn lại lung lay nữa. Có lẽ nay mai phải dồn người qua trại A và trại B để sửa chữa lại.

- Nhưng đông quá làm sao đủ chỗ nằm? Theo Huyên tính sơ thì hiện nay bệnh xá đang có khoảng từ tám mươi đến chín mươi thương binh.

- Chắc chưa tính việc ấy bây giờ đâu. Tôi mới nghe bác sĩ Lân nói sơ sơ thôi.

Trong khi Huyên đang rửa vết thương cho một người bị ở chân, chị Lam Hương bước vào. Nét mặt chị tươi cười hơn bao giờ hết. Chị đến phụ băng cho nhanh rồi kéo Huyên ra ngoài, nói:

- Có tin này vui lắm Huyên ơi!

- Tin gì hở chị?

- Bác sĩ Lân vừa mới nói cho chị hay là có một vị “mạnh- thường- quân” ở Sài Gòn gửi đến bệnh xá này một số tiền lớn để tu sửa lại tất cả. Vị ấy bảo rằng biết được bệnh xá xa xôi này là nhờ đọc được bài phóng sự của Huyên với đầy đủ chi tiết. Hơn nữa, vị ấy có một người con trai đã chết trận nên muốn dồn hết cả tình thương cho các thương binh.

Huyên bồi hồi:

- Trời ơi! Chị nói làm em không dám tin…

- Nhưng sự thật là thế, bé Huyên ạ. Chưa hết đâu, bác sĩ Lân còn nói là bệnh xá sẽ được cấp vật liệu và phương tiện để tổ chức một phòng giải phẫu có thể lo cho các trường hợp cần thiết mổ mà không đợi đưa về Sài Gòn. Trong tháng tới sẽ có bác sĩ Trí ở Sài Gòn xuống cộng tác với bác sĩ Lân để cùng quản lý bệnh xá này. Họ đã nhận thấy sự quan trọng của nơi đây rồi đó.

Huyên nắm chặt tay chị Lam Hương:

- Em không ngờ… Em không ngờ… Bệnh xá này sẽ đổi mới.

- Nhưng điều quan trọng nhất của chúng ta là sự chuộc lại cảm tình nơi bác sĩ Lân.

- Vâng, cái “tự ái của người lớn” đã được thỏa mãn. Em phải vào nói với anh Hạnh về chuyện vui này mới được.

Huyên thoăn thoắt đi vào như cánh bướm. Ngang qua giường của Dũng, Huyên nghe Dũng nói:

- Tôi biết chị Huyên có chuyện vui lắm, tôi không biết là chuyện gì nhưng cũng vui lây đây!

Và Dũng rút dưới gối ra một cây khẩu cầm, đưa lên miệng thổi một bản thật vui.

*

Huyên cho hai tay vào túi áo trắng, bước nhanh nhẹn lên thềm và gặp ngay ông Vỹ đang vác ba-lô trên vai đi ra. Ông toét miệng ra cười trong khi Huyên ngạc nhiên:

- Chào chú. Chú đi đâu vậy?

- Tôi được đổi về Nha Trang, gần gia đình. Mừng ghê cô Huyên ơi!... Ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” này buồn muốn chết.

Huyên bật cười:

- Vậy cháu xin chúc mừng chú.

Ông Vỹ cúi xuống sửa lại dây giày và nói:

- Tôi cũng xin chúc các cô ở lại vui vẻ. Mai mốt bệnh xá sẽ được tăng cường thêm nhiều y tá nữa. Còn tôi đã được thỏa mãn nguyện vọng rồi!

Ông cười, nói đùa:

- Từ nay về sau, mỗi khi nói đến cái bệnh xá này, nói đến trại A, các cô sẽ không còn… le lưỡi sợ sệt vì “cái ông y tá hay châm biếm, mặt lạnh như tiền”… là tôi đấy nhé! Tôi xin trả lại các cô những danh hiệu đó. Bây giờ tôi được về quê rồi, tôi vui lắm.

Ông Vỹ vác ba-lô lên vai và chạy ra chiếc xe chở thuốc để quá giang ra bến xe. Huyên nhìn theo, lắc đầu, cười và cảm thấy vui vui.

Bây giờ không có ông Vỹ, chị Lam Hương thay thế ông, giúp ở trại A. Trại B có ông Đạt. Huyên vẫn ở trại C với Hạnh, còn cô Trang thì chạy đi chạy lại. Bệnh xá đông đảo hơn bao giờ.

Huyên bước nhanh về phía trại C. Huyên nghĩ bước vào phòng sẽ thấy Dũng như mọi ngày, ngồi trên giường thòng hai chân xuống đất và tự tay tháo băng, chờ đợi. Nhưng Huyên đứng khựng lại, ngơ ngác. Giường của Dũng trống không, “ra” giường cũng đã được cuốn đi, chứng tỏ không còn người nằm nữa. Huyên chạy đến bên Hạnh, hỏi:

- Anh Hạnh, anh Dũng nằm ở giường kia đi đâu rồi?

- Phải anh bị thương ở tay và mí mắt không?

- Dạ.

- Anh ta xin xuất viện rồi. Sáng sớm này có năm người xuất viện, theo xe thuốc để ra chợ quận rồi về đơn vị.

Huyên chợt nhớ đến chiếc xe thuốc đậu trước sân. Chiếc xe đã chuyển bánh sau khi ông Vỹ leo lên. Huyên đâu ngờ có Dũng trên ấy.

- Anh ấy có đưa cho tôi cái này, bảo nhờ trao lại cho cô Huyên.

Hạnh lấy trên bàn thuốc cây khẩu cầm và một bức thư, đưa cho Huyên. Huyên cầm lấy, bước nhanh ra hành lang. Nén xúc động, Huyên mở mảnh giấy ra, đọc:

“Bệnh xá, ngày…

Chị Huyên thân mến,

Tôi về đơn vị sớm hơn dự liệu, chắc chị ngạc nhiên lắm. Lý do tôi không giải thích được, bởi chính tôi cũng không hiểu tại sao mình xin xuất viện sớm. Chỉ biết rằng tôi cảm thấy sung sướng mơ hồ trong cái hành động “không lý do” đó. Đáng lẽ phải gặp mặt chị Huyên để chào từ giã, nhưng thôi, tôi không muốn phút tiễn đưa làm bận lòng chị. Vì như chị đã biết, tính tôi kỳ lắm, tôi muốn mọi người xem tôi như là… một cái gì của quá khứ và không bận lòng đến tôi.

Trước kia tôi không tin rằng những ngày cuối cùng của đời binh nghiệp tôi lại ở cái bệnh xá hẻo lánh này, mà nơi đó có chị Huyên, người bạn mà tôi quý nhất lớp Mười A buổi chiều. Tôi thành thật cám ơn chị đã cho tôi niềm vui được chị săn sóc vết thương và ít nhiều sự hãnh diện về một người bạn hăng say, về một trái tim nhân ái. Tôi mãi mãi không quên những dòng thuốc chảy trên thịt da đau nhức, những miếng “gạc” êm ái lau sạch bàn tay tôi, những lớp vải băng trắng ngần như áo blouse. Bàn tay tôi đã mất ngón cái. Một bàn tay thiếu ngón cái sẽ không làm gì được nữa. Nhưng tôi không muốn cuộc sống của mình thiếu thốn niềm tin tưởng và hy vọng. Chính chị đã cho tôi món quà tinh thần đó. Chính niềm tin tưởng và hy vọng là “ngón-cái-của-cuộc-sống”. Tôi hãnh diện về nó cũng như tôi đã hãnh diện về sự dâng tặng một phần thân thể của mình cho mảnh đất này. Còn bàn tay, còn trái tim, tôi sẽ trở về quê thực hiện ý muốn của ba tôi: làm một nhà giáo. Tôi đã tập viết tay trái từ mấy ngày nay. Và bằng chứng về sự thành công của tôi là bức thư trước mắt chị đây.

Không có gì lưu lại, tôi xin gửi chị cây harmonica của Thầy Toàn. Khi Thầy Toàn chết, tôi cất giữ nó để nhớ những phút êm ả nghỉ chân trong rừng, thầy trò thổi nhạc và hát cho nhau nghe. Chỉ có những người thân mới giữ kỷ vật cho nhau. Và tôi trao chị với ý nghĩa đó. Xin chúc chị Huyên đạt được mọi ý nguyện.

Thân mến,

Dũng”

*

Theo lời đề nghị của Huyên, ông đầu bếp đồng ý với bác sĩ Lân và cô Trang thuê thợ đóng một lô bàn ghế dài đặt ở nhà ăn. Và vì nhà ăn không rộng rãi lắm nên mọi người bảo nhau chia thời gian ăn thành ba xuất: trại A dùng cơm trước, đến trại B và trại C theo thứ tự, dĩ nhiên không kể những trường hợp thương binh quá yếu không tự mình đi ăn ở nhà ăn được. Như thế ai cũng có chỗ ngồi ăn đàng hoàng không phải chen chúc như trước. Ngoài ra ông đầu bếp cũng được “khuyến cáo” về cách thức nấu ăn để bảo vệ sức khỏe cho các thương binh. Bây giờ, cũng trong khuôn khổ đó, cũng với những xoong chảo khổng lồ đó, cũng với những người bếp đó, nhưng mỗi khi Huyên xuống bếp lại không cảm thấy sợ sệt gì cả. Huyên cũng thỉnh thoảng dùng cơm với các thương binh. Và bây giờ có bàn ghế ngay ngắn, Huyên nhớ đến những lần ăn cơm với Nam, ăn đứng ăn ngồi…. Ngày đó Nam như chim sáo luôn luôn vui cười, không để ý đến những khó khăn chật vật xung quanh. Bây giờ không còn Nam ở bệnh xá để cùng ngắm với Huyên cảnh khang trang của nhà bếp. Huyên nhớ dáng Nam lom khom múc nước giếng trao cho Huyên , và tự hỏi không biết bây giờ Nam ở đâu, đang ra sao.

Chiếc giường của Dũng hôm nay lại được trải “ra” để đón một người thương binh . Có hai người nữa cũng được đưa về, mà nằm bên trại B.Cả trại bệnh náo lên vì người thương binh bị phản ứng với thuốc, co giật cả thân mình. Hạnh phải vội vàng chích thuốc giải ngay. Chưa bao giờ Huyên gặp trường hợp như thế, nên đứng lặng người nhìn anh thương binh mệt nhoài, đau đớn. Nhờ sự săn sóc của Hạnh, anh tỉnh lại và đưa mắt lờ đờ nhìn quanh. Cũng một gương mặt còn trẻ tuổi nhưng rắn rỏi phong sương. Huyên pha cho anh một ly sữa. Người thương binh chớp mắt, thều thào cám ơn. Sau khi uống hết ly sữa, người có vẻ khỏe lại, nói với Huyên:

- Cô ơi, ở đây có chỗ nào bỏ thư không?

- Dạ, anh có thể đưa chúng tôi gửi giùm cũng được ạ. Ngày nào cũng có xe ra ty bưu điện ở gần chợ.

- Tôi… nhờ cô gửi về cho gia đình một bức thư, hay vài dòng chữ cũng được, cho nhà biết tin.

- Hay là đánh điện tín cho nhanh, anh nhé! Tôi sẽ lo hết cho.

- Vậy thì hay biết mấy, cám ơn cô.

Anh nhờ Huyên viết vắn tắt mấy chữ nhắn tin và đọc số khu bưu chính của đơn vị anh. Khi nghe đến đại đội của anh, Huyên giật mình và nhìn bộ quân phục xếp để ở đầu giường, hỏi:

- Anh ở đại đội này, có biết… Nam không?

- Nam nào? Tây Nam hả cô? Đại đội tôi chỉ có một Nam đó thôi… Cô quen hắn?

Huyên mừng rỡ:

- Vâng. Anh có biết tin Nam không? Nam có đi cùng với anh trong trận này không?

- Không cô ạ. Hắn bị thương nhẹ một lần, được cho về phép thăm nhà. Hắn đi về nhà ngoại hắn rồi từ đó tôi chưa gặp lại.

Huyên thất vọng, như thế là cũng vẫn chưa biết gì thêm về Nam cả. Huyên im lặng. Người thương binh nói:

- Tôi là Đông, bạn thân của hắn. Tôi cũng hay về nhà hắn chơi mỗi lần đi phép.

- Nhà ngoại của Nam?

- Vâng. Bà ngoại Nam người miền Trung, hiền lành ghê lắm.

- Nam còn ông ngoại không?

Đông bóp trán, nhíu mày:

- Chẳng thấy, nhưng có lần hắn nói không biết ông ngoại còn hay mất, mà hắn chỉ biết là ông đi đâu sang Lào từ lâu rồi.

- Cám ơn anh Đông. Vì tôi mới gặp Nam và nhận Nam làm em ở bệnh xá này nên chưa rõ lắm về Nam.

- Hắn có một tâm tư buồn, phức tạp. Nhưng tôi thương hắn nhất ở tính dễ thương, hòa nhã…

- Đúng rồi! Nam rất dễ thương...

Rồi Huyên chợt im, nhìn chiếc giường Nam nằm lúc trước, nghe buồn buồn.

Huyên giúp Đông nằm lại ngay ngắn rồi đi ra hành lang. Trời gần trưa, không một ngọn gió. Đám cỏ xanh hình như đang chờ đợi cơn mưa. Những cây Bã Đậu – loài cây đặc trưng ở các trại lính – hồ như sắp vươn vai. Huyên thấy nhung nhớ những buổi trưa vui nhộn trong trại bệnh, ngày còn có Nam, có chú Lãm, chú Tám; còn có anh Thiếu sang hát chung hòa với tiếng đàn. Rồi chợt nghe như mơ màng có tiếng harmonica của Dũng trổi lên, nhắc nhớ…

Và có tiếng đàn “ghi-ta” vang lên sau lưng, thật sự. Huyên quay lại. Hạnh đang ôm một cây đàn đi tới. Anh cười tươi:

- Cô Huyên! Đã lâu rồi cô không đàn hát cho chúng tôi nghe. Hôm nay tôi muốn “phục hồi” lại không khí cũ.

Huyên trêu:

- Nhưng không có chị Thu Tâm ở đây, “không khí cũ” sao được hở chú?

Hạnh gảy một nốt cao rồi cười:

- Cô Huyên có biết rằng tôi đang vui không? Tôi vừa nhận được thư của Thu Tâm. Có gì vui tôi sẽ kể cho cô nghe sau. Bây giờ, tôi xin yêu cầu cô Huyên hát cái bản gì… mà Thu Tâm hát hôm trời mưa đấy!

Huyên vẫn trêu:

- Mưa thì có nhiều hôm mưa lắm. Huyên đâu có nhớ hôm nào.

Hạnh nhăn nhó:

- Cái hôm… à, cái hôm trời mưa mà tôi đi đổ trứng gà cho các cô ăn đấy!

Huyên bật cười, và chìu ý Hạnh, hát bản tình ca mà Thu Tâm hát hôm đó.

Hạnh nghe xong bài hát, đôi mắt vẫn mơ màng như còn đang hồi tưởng những ngày thơ mộng nhất trong cuộc đời anh. Sau đó, Hạnh nói:

- Cô Huyên ơi, bác sĩ Lân đã biết trại C này có một “nhạc sĩ”. Ông ấy muốn rằng “nhạc sĩ” đó sẽ ôm đàn đi đến từng trại bệnh để hát cho thương binh nghe, đừng e lệ bó mình ở trại C nữa, nghen cô Huyên!

- Huyên không có ý nghĩ giới hạn việc làm ở trại C. Hồi trước vì chị Lam Hương phân chia mỗi trại hai người, nên ai ở trại nào thì lo trại nấy. Còn bây giờ anh Hạnh xem, chỉ còn chị Lam Hương và Huyên. Không còn có sự riêng cách giữa trại này và trại kia nữa. Huyên bây giờ… là Huyên của bệnh xá này.

*

Những lời cuối cùng của bản “Anh hùng ca” chấm dứt một cách vội vàng, vì Huyên đã trông thấy Nam từ ngoài cửa, đi vào. Huyên kêu lên vui mừng:

- Nam!

Đúng là Nam rồi, nhưng không phải Nam với bộ đồ xanh của bệnh xá, mà là Nam trong bộ quân phục màu hoa, chiếc mũ bê-rê đỏ đội nghiêng trên đầu. Nam ngồi xuống giường của Đông, giở mũ để lên nệm, cười tươi:

- Mầy không sao hở Đông?

Hai người bạn thân siết chặt tay nhau vui mừng. Nam ngước lên nhìn Huyên, nói nhỏ:

- Chị Huyên vẫn còn làm ở đây?

Huyên gật đầu:

- Chị vẫn ở đây. Không ngờ… gặp lại Nam…

- … giữa lúc chị đang hát bản “Anh hùng ca”. Em còn một ngày phép về đây thăm chị và thăm tên bạn thân của em: Đông.

Huyên nhìn cánh tay Nam. Chỗ vết thương đã trở thành một cái sẹo mới. Còn vết thương nơi chân, chắc cũng đã liền da. Ban nãy thấy Nam đi vào dáng bình thường. Nam đưa mắt nhìn quanh phòng, và bật cười khi nhìn thấy mấy lỗ thủng trên mái tôn:

- Vẫn những lỗ thủng này à? Em tưởng đến nay trại bệnh đã trở thành lộ thiên rồi chứ!

Huyên đưa ngón tay trỏ lên môi:

- Sụyt! Mai mốt sẽ không còn cảnh này đâu. Bệnh xá sẽ được tu sửa. Nhưng ngay bây giờ đã có sự đổi mới dưới nhà bếp rồi, tí nữa Nam xuống coi với chị nhé!

- Nhà bếp có gì lạ?

- Có bàn mới, ghế mới, đầy đủ cho thương binh ngồi ăn hẳn hoi.

- Oai dữ vậy? Nhưng khoan, bây giờ em hỏi chị: sao chị không viết thư cho em?

- Có nhiều việc xảy ra từ ngày Nam rời bệnh xá làm chị không rảnh viết thư. Nhưng lúc nào chị cũng mong tin Nam.

- Từ hôm đó em về nhà bà ngoại. Ngày hôm nay là ngày chót được đi chơi. Mai em về đơn vị trình diện.

Huyên rủ Nam ra ngoài sân cỏ. Hai chị em bước trên những dấu xe nhà binh hằn lõm xuống cỏ xanh. Huyên chỉ xuống đó:

- Nam thấy không? Đây là vết tích của những ngày chiến trận xảy ra ở tỉnh này. Bệnh xá đã tiếp nhận thêm nhiều thương binh.

Nam nói:

- Đông bạn em cũng dự trận đó.

- Chị mới biết Đông là bạn thân của Nam.

- Đông có nói gì về em không?

Huyên lắc đầu:

- Không có gì khác với những điều chị biết. Chị muốn rõ hơn nữa cơ.

Nam cúi đầu, hạ thấp giọng:

- Em có gì đâu! Cuộc đời giản dị hết sức: đi lính, thế thôi! Về phép thì về nhà ngoại, chỉ bà ngoại thôi chị nhé! Không biết ông ngoại, vì ông ngoại phiêu bạt qua Miên hay Lào gì đó, sau khi bà ngoại sinh mạ em. Bà ngoại nuôi mạ em lớn lên. Và… như em đã kể cho chị nghe đó, mạ em có một kỷ niệm khó phai mờ, dù bây giờ mạ em đã có một mái gia đình ấm cúng khác.

Đôi mắt Nam trĩu nặng, buồn thiu:

- Em có gì đâu!

Huyên nói, giọng xúc động:

- Nhưng Nam có một điểm giống chị: không biết ông ngoại. Mà ông ngoại của chị cũng lãng du ghê lắm. Xưa ông ngoại là một nhà cách mạng, rày đây mai đó, nên không sống với bà ngoại chị được lâu. Khoảng mẹ chị được ba tuổi, ông ngoại đi ra Trung, rồi sau đó biệt tăm. Mẹ chị vẫn hằng cầu mong gặp lại ông ngoại cho thỏa tình cha con. Nhưng từ đó tới nay, bao nhiêu là thay đổi mà ông ngoại vẫn biền biệt nơi nào. Chắc ông ngoại chị ngược đường ra Bắc, trong khi bà ngoại xuôi mãi về Nam…

- …Còn bà ngoại em vẫn ngàn đời nơi xứ Huế.

Huyên nói, giọng mơ màng:

- Biết đâu chừng… ông ngoại của chị cũng đi qua Miên hay Lào gì đó, giống như ông ngoại của Nam…

Nam cười:

- Ừ nhỉ! Hai ông là bạn của nhau.

Huyên bùi ngùi:

- Nhưng cũng biết đâu, ông ngoại đã không còn.

Hai chị em đã đến gần một cây Bã Đậu và đứng dừng lại. Huyên ngắt một chiếc lá, nhìn dòng mủ trắng như sữa từ cuống lá chảy ra, cười nhẹ:

- Chúng mình lẩm cẩm quá đi Nam ạ! Bàn chuyện của người lớn, của những thế hệ trước, biết đâu mà nói. Chỉ toàn tưởng tượng. Chị mong có cơ hội tìm được ông ngoại, chứ từ hồi nhỏ đến giờ chỉ biết mặt ông trong vài tấm ảnh cũ.

- Em cũng vậy. Bà ngoại em quý‎ nhất những hình ảnh của ông ngoại. Bà ngoại bảo em cất giữ một tấm để biết mặt ông. Suốt đời ngoại, chỉ có ông ngoại là người thân yêu tha thiết nhất.

Nam móc trong túi áo ra một chiếc ví nhỏ đựng giấy tờ, cẩn thận rút ra một tấm ảnh đã vàng cũ, đưa cho Huyên xem:

- Ảnh của ông ngoại em đây! Ảnh này ông chụp trước ngày ra đi đó chị!

Huyên nhướng mắt nhìn kỹ gương mặt người trong ảnh. Tự nhiên Huyên rùng mình, nhớ đến những bức ảnh được xem ở nhà, trong tập album cũ, từ tay mẹ nâng niu… Huyên có cảm tưởng như mình bị cảm lạnh. Cổ họng chợt đắng nghét nhưng Huyên vẫn thốt lên những lời xúc động:

- Nam ơi! Đây cũng là… ông ngoại của chị nữa.

Nam trợn tròn đôi mắt màu nâu hạt dẻ. Huyên nghẹn ngào:

- Phật ơi! Chúng con là chị em.

Nam kêu lên:

- Chúa ơi! Trái đất tròn đến thế sao?

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>