Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

CHƯƠNG BẢY_NHỮNG NGÀY XANH


CHƯƠNG BẢY


Bà tôi tức giận vô cùng về chuyện bộ áo quần. Tôi bị tát tai, buổi tối vào giường tôi còn phải nghe một bài giảng dài ngoằng về tội vong ân bội nghĩa, và bà kết luận:

- Nếu cháu muốn là cháu trai yêu của bà thì phải ngoan.

Càng ngày, tôi càng được bà chăm sóc hơn về sức khỏe và hạnh kiểm. Tôi hắt hơi một cái ư? Bà tin là tôi có thể bị sưng phổi đến nơi và tức thì ngừa bằng cách bắt tôi uống thứ xi rô đen ngòm không rõ xuất xứ, do bà bào chế.

Tuy vậy, tôi thực sự sung sướng, sung sướng hơn bao giờ cả: việc tôi táo gan đánh nhau với Gavin, mà lại do chính tôi khiêu khích trước làm cho lũ bạn kiêng nể ra mặt, hết dám khinh thường. Song điều làm tôi được nhìn bằng con mắt đặc biệt, chính là do câu chuyện tôi chảy máu mũi. Chuyện đó trở thành một biến cố quan trọng trong lịch sử nhà trường, cho đến nỗi mỗi khi bàn về một điều gì xảy ra, chúng thường dùng một câu đại khái như:

- Điều này xảy ra sau ngày Robert chảy máu cam...

Hay là:

- Chuyện đó đến trước ngày Robert chảy máu cam...

Nghĩa là chuyện tôi chảy máu mũi được dùng để đánh dấu, để làm mốc ghi thời gian như thể là ngày một vị anh hùng dân tộc khởi nghĩa vậy.

Ngoài ra, nhờ bộ y phục xám lịch sự tôi không còn bị chế nhạo nữa. Bọn Jamieson làm hòa với tôi và bạn bè đều biết rằng sau ngày lịch sử đó, tôi với Gavin trở thành đôi bạn chí thân. Tôi hết lòng ghi ơn chị Julia.

Gavin, như tôi đã kể cùng các bạn, vốn ít chơi với bạn cùng lứa tuổi, không phải nó kiêu căng hay lập dị – dù cha nó không chỉ là Thị trưởng, ông ta còn là chủ một công ty bán thóc lâu năm và phát đạt nhất vùng – Thật ra, Gavin rất dè dặt, có cuộc sống nội tâm phong phú.

Thứ sáu, kế ngày đánh nhau, tan học ra, tôi thấy Gavin đã đợi tôi ở cổng trường. Nó không nói gì chỉ hơi mỉm cười một cách rụt rè và hai đứa sóng đôi cạnh nhau. Mấy tuần qua, tôi chỉ dám đi những ngã hẻm quanh co, các bạn tưởng tượng xem: hôm nay tôi hãnh diện biết chừng nào! Hai đứa dừng lại nửa giờ trước kho hàng của cha Gavin rồi đến chuồng ngựa xem Tom-Drin, viên tài xế trưởng cho một chú ngựa uống thuốc đau bụng.

Chúng tôi đi ngang những kho rộng chứa đầy rơm, những thùng thóc, những bao bột mì, đậu tằm, lúa mạch, ngang những thợ lăng xăng làm việc, mặc tạp dề trắng. Khi trông thấy tôi, ông Thị trưởng vẫy hai đứa lại gần, cười với tôi bằng nụ cười đôn hậu, giọng âu yếm:

- Hai cậu đã thân nhau rồi đấy ư?

Rồi ông chìa cho chúng tôi hai nắm "Locustes".

Trên đường về, trong bóng tối nhá nhem, vừa cắn hạt tôi vừa nói chuyện vui vẻ với Gavin. Và tôi còn vụng về bảo nó là thật sung sướng có được ông cha như cha nó. Thật vậy, tôi ao ước địa vị nó biết bao! Gavin có vẻ sung sướng vì câu nói của tôi lắm. Sau cùng, trước khi chia tay, Gavin cúi nhìn mũi giày dí dí trên lề đường báo cho tôi biết:

- Mùa xuân này, tao sẽ lên đồi Winton kiếm trứng chim, tao thích nhất là trứng con óc cau (Pluvier Doré). Này Robert, mày có thích đi với tao không?

Tôi thích mê đi ấy chứ, còn phải hỏi!

Nhưng đâu đã đến mùa xuân? Vì vậy, tôi phải nén lòng chờ đợi.

*

Một buổi chiều, mẹ tôi ra mở hộp thư, bà kêu lên một tiếng mừng rỡ. "Có thư Adam". Bà bảo chúng tôi khi trở vào bếp, nơi cả nhà đang dùng bữa ăn chiều. Và bà nói thêm cho ai nấy cùng biết là cậu Adam sẽ về đến nhà lúc một giờ trưa thứ bảy, ở lại một lát, có việc.

Bà giành lấy bức thư, mẹ có vẻ phật ý. Thư được chuyền tay khắp nhà và chỉ mình dì Kate bình thản trước tin này.

Riêng phần tôi, tôi hết sức nôn nao vì nghe mẹ kể lại nhiều lần các kỳ công của cậu Adam, một cậu bé tài giỏi luôn luôn thắng các bạn trong trò chơi bắn bi; chưa đầy 13 tuổi cậu ấy đã biết buôn bán kiếm lời: cậu mua một cái xe đạp cũ, bán lại lấy lời được 10 shillings. Một năm sau, cậu được nhận vào làm trong văn phòng luật sư Mc Kellar mà không cần có một sự gởi gắm hay giới thiệu của ai, ngoài ra cậu còn làm thêm giờ phụ trội ở hãng bảo hiểm "Le Rocher". Cậu để dành tất cả số tiền kiếm được. Cho đến năm 27 tuổi cậu nghiễm nhiên trở thành người Đại diện cho các hãng bảo hiểm "Le Rocher" và "La Caledonia". Cậu có mở một văn phòng sang trọng tại Winton. Hiện nay hằng năm cậu kiếm không dưới khoảng 400 livres (1). Hơi do dự một chút, mẹ kết luận: "Nó kiếm tiền khá lắm... hơn... hơn cả ba".

Bà còn hãnh diện khoe thêm cái broche vàng chóe đeo trên áo của cậu tặng và nói là rất đắt tiền, theo lời cậu nói.

Trưa thứ bảy, chưa đầy một giờ, có tiếng động cơ xe hơi vang dậy trước nhà. Ấy, xin các bạn đừng lầm, không phải xe cậu Adam đâu nhá, song quả thật là cậu về bằng xe hơi, cái xe đầu tiên của hãng Argyll, màu đỏ chóe, bánh xe cao, cửa mở ở phía sau.

Cậu tôi, vẻ tự tin và kiêu hãnh bước vào nhà, nụ cười trên môi, áo khoác có cổ viền bằng da thú, màu nâu. Cậu ôm hôn mẹ, người đã hết lòng chuẩn bị đón cậu về hôm nay, đoạn tiến lại siết tay ba thật chặt (chao ơi! Y như một ông khách lạ, mà là một quý khách chớ không phải là con trai của gia đình!). Cuối cùng, cậu cười với tất cả mọi người. Râu cạo nhẵn, người hơi đẫy đà những khá cao, da nâu sậm, nom cậu Adam thật là... đáng phục đối với tôi lúc bấy giờ!

Trên bàn ăn trước mặt cậu, mẹ đã dọn thịt bít tết, su lơ, khoai tây, mọi thứ đều vừa được lấy ra khỏi lò, thơm nức mũi. Chúng tôi ngồi quanh cậu, nhìn cậu ăn uống ngon lành – cả nhà cũng đã xong bữa rồi: ăn thịt nguội! – Và nghe cậu kể chuyện một cách vui vẻ:

- Ông Kay, giám đốc hãng xe Argyll sẵn dịp đi Alexandria đã rủ con cùng đi... Ôi chao! 75 cây số mà không đầy hai tiếng đồng hồ đã tới, ghê không?

Ghê thật chứ! Cậu quen lớn cả với ông giám đốc hãng xe! Đâu phải chuyện tầm thường? Tôi thấy mình quá nhỏ bé, vô nghĩa trước một ông cậu xã giao rộng, làm việc nhiều tiền như vậy. Và tôi không khỏi buồn rầu mà nghĩ rằng cậu không rỗi hơi, thừa thì giờ để bận lòng đến một đứa cháu mồ côi như tôi.

- Đáng lẽ con về sớm hơn kia, 12 giờ đã đến rồi cơ đấy, nhưng tại bận ghé lại văn phòng ông Mc Kellar thu xếp vài công việc cho hãng...

Đôi mắt ti hí của cậu cùng mầu với ba nhưng hơi nhạt hơn, bỗng – Chúa ơi! Tôi không ngờ đấy! – Cậu chăm chú nhìn tôi, mỉm cười làm tôi đỏ bừng mặt vì sung sướng quá!

Mẹ tôi, từ nãy mãi ngắm cái ba đờ xuy mới, cổ viền lông thú sang trọng của con trai, bây giờ càng thêm mến phục. Thỉnh thoảng, cậu dừng lại giữa hai câu nói và mỉm cười với mẹ.

- Có một điều chúng ta cần phải bàn ngay: chuyện tiền bảo hiểm của ông ngoại.

- Con có lý lắm, Adam ạ!

Ba nán lại trong dịp quan trọng này, kéo ghế lại gần con trai, nói.

Cậu Adam tiếp:

- Việc bảo hiểm sẽ mãn hạn: vào ngày 17, tháng 2 này... 450 livres sẽ được trả cho mẹ.

- Số tiền khá đó chớ?

Ba kêu lên, không giấu nổi vẻ sung sướng.

- Phải rồi, ba ạ! Nhưng nếu mình muốn, số tiền có thể được tăng lên.

Ba trố mắt kinh ngạc, trong lúc cậu nhếch mép ra vẻ thành thạo:

- Rất dễ dàng: mình chỉ xác nhận là mình bằng lòng gửi lại số tiền, con sẽ lo mọi thủ tục. Như vậy khi ông ngoại 75 tuổi hay khi ông mất, mẹ sẽ lãnh tất cả vốn lẫn lời đến 600 livres.

- 600 livres?

Ba lại kêu lên thích thú, song ông lại thở dài ngay sau đó:

- Và... như vậy thì hiện tại mình không được xu nào hết, phải không?

- Dĩ nhiên! – Cậu Adam nhún vai – Ba nên nhớ hãng bảo hiểm Le Rocher cũng chắc chắn như một ngân hàng, một chỗ gửi tiền lý tưởng, bảo đảm. Mẹ nghĩ sao?

Kỳ chưa: mẹ tôi không có vẻ háo hức như con và chồng. Bà lúng túng:

- Mẹ thì mẹ không muốn lợi dụng ông ngoại con, theo cách đó...

Cậu Adam bênh vực ý kiến mình một cách nồng nhiệt:

- Đâu phải là lợi dụng, mẹ? Từ khi ba mẹ phải nuôi ông ngoại trong nhà cho đến giờ đã... khá lâu, như vậy thì ba mẹ có quyền về số tiền đó chớ? Vả lại, cách đây mấy năm ông gửi tiền bảo hiểm ở hãng Castle, mỗi tháng chỉ phải đóng có 5 shillings và rồi khi hãng này sắp sập tiệm, đóng cửa, nếu con không lanh lẹ như người ta mà lo chuyển tiền qua hãng Rocher kịp thời thì kể như tiền ông tiêu tùng rồi, còn đâu?

Mẹ tôi thở dài khó hiểu, không nói gì cả. Ba tôi do dự một lát rồi hỏi con trai trưởng:

- Nếu tiếp tục gửi tiền ở hãng bảo hiểm, con cũng được thù lao chứ?

Cậu Adam cười hề hề:

- Dĩ nhiên là thế. Công việc là công việc mà, thưa ba!

Ba im lặng như tuồng suy tính lung lắm, sau cùng nói:

- Phải đó, Adam! Ba đồng ý với con, việc này có lợi cho ta...

- Như thế là khôn ngoan! – Cậu Adam tiếp lời cha – Đây! Con có đem về tất cả để giao mẹ đây! Mẹ thưa ông ngoại ký trước ngày 17 nhé?

Cậu vừa nói vừa lôi cặp tài liệu trong cặp đưa cho mẹ tôi. Tôi trông thấy mẹ tôi gật đầu một cách miễn cưỡng. Câu chuyện chứng tỏ khả năng xoay sở của cậu Adam, song lúc đó tôi chả hiểu gì sốt.

Sau khi ba đi làm, cậu tôi tìm dịp bắt chuyện với tôi trước khi đáp chuyến xe tốc hành lúc 14 giờ 30. Cậu đứng lên, nhìn tôi với vẻ thản nhiên:

- Robert, chốc nữa cháu đưa cậu ra ga nhé? Cậu muốn tặng cháu một món quà để làm kỷ niệm ngày cậu cháu ta gặp nhau. Xem này: một đồng vàng mới tinh! Đó là một vật quý giá và hữu ích, dù cho bọn kiết xác thường nói ngược lại. Này cháu! Cậu muốn cháu phải hiểu rõ giá trị đồng tiền, ngay khi còn nhỏ như cậu vậy! Cháu đừng nghĩ rằng thích tiền là biển lận. Cháu nghĩ coi: tiền có thể mang đến cho ta thức ăn ngon, áo quần may cắt khéo, chỗ ở sang trọng và được nhiều người vồn vã. Quan niệm sống của cậu thế đấy! Đó, cháu coi coi: tỉ như ông ngoại đó thì biết, không một xu dính túi, ăn toàn phô ma với bánh mì, thuốc lá cũng không có chớ đừng nói chi đến...

Cậu chợt ngừng vì thấy đã đến giờ lên tàu, chao! Cái cười của cậu mới tươi làm sao. Cho đến nỗi tôi chỉ biết cười theo và suýt nữa, tôi muốn công nhận lời cậu rất đúng.

Trong lúc chờ cậu ở hành lang, tôi ngạc nhiên thấy mình ao ước cuộc sống... y như cậu. Một ngày nào đó, rủng rỉnh túi tiền, tôi bước vào một nhà hàng sang trọng, cất giọng oai vệ gọi bồi bàn, bảo mang đến những món thật ngon, tôi mặc áo thật đẹp, tôi... ôi chao! Những đồng vàng xủng xoẻng trong túi cậu Adam! Chúng mới cám dỗ tôi làm sao chứ! Tôi chợt tỉnh mộng vì tiếng cậu:

- Nào, cháu mang va li cho cậu được chứ?

Mong ước làm vui lòng cậu – thần tượng của tôi – tôi hăng hái đón lấy cái xách nặng chĩu, nặng hơn tôi tưởng, có lẽ chứa toàn những sách vở giấy tờ quan trọng trong lúc mẹ tôi hôn từ biệt con trai.

Cậu Adam có bộ giò dài dễ nể, cậu đi như sải trong lúc tôi chạy theo hụt hơi, phần thì vướng cái xách nặng phải đổi tay liên hồi, mà vẫn chưa theo kịp.

- Nào, cháu thích món quà gì?

- Thưa cậu, món gì cũng được! – Tôi lễ phép trả lời.

- Không! Cậu muốn tặng thứ gì cháu thích cơ!

Chao! Cậu tôi rộng rãi làm sao! Cậu yêu tôi biết bao nhiêu! Vậy thì, còn ngại gì mà không nói phăng ra món quà mình ao ước chớ? Tôi nghĩ ngay đến hồ nước trong công viên đã đông đá dày trên 10 phân mà những lúc đi học về tôi vẫn ngừng lại ngắm nhiều người trượt trên nước đá.

- Thưa cậu! Tôi mạnh dạn nói – Cháu thích đôi giày trượt băng, ở cửa hiệu Langland trên đại lộ có bán.

- À!... giày trượt tuyết hở? Cậu nghĩ là nó sẽ vô ích trong mùa hè. Cháu đồng ý chứ?

Tôi thất vọng nhưng công nhận lời cậu nói rất đúng. Cậu tiếp:

- Nếu mua giày trượt đá thì thà mua cho cháu quả bóng còn hơn. Nhưng cháu nghĩ coi, cháu có thể chơi banh một mình không? Phải cho bạn cùng đá mới vui, và như vậy chúng sẽ làm hư liền, nếu không cũng đến cũ... Quả bóng, ồ...

Tôi gần kiệt sức vì cái xách, mồ hôi nhễ nhại, vai mỏi nhừ đi. Cậu bàn tiếp về món quà xứng đáng:

- Cháu thích một con dao không? (Vừa nói cậu vừa gật đầu chào một người quen bên kia đường). Con dao... Ý! Quên, không được, cháu sẽ đứt tay và cậu sẽ bị bà rầy nữa, chưa kể... Nào! Để cậu nghĩ coi có món gì vô hại không...

Tôi cố sức để hóng nghe cho rõ lời cậu, cậu "ồ" lên một tiếng vui vẻ:

- Cậu nghĩ ra rồi, cậu có món quà hữu ích cho cháu, bà sẽ rất hài lòng! (Cậu vỗ vào trán). Có sẵn đây!

- Cảm ơn cậu!

Tôi trả lời vồ vập nhưng tay chân thì rã rời, tự hỏi không hiểu mình có lê chân đến ga nổi không? (Tôi rất sợ bị cậu chê: "Bây lớn mà bết quá, xách có cái xách như vậy mà không nổi". Song may thay, cậu không nói thế).

Cậu chỉ xem đồng hồ tay, ôn tồn giục:

- Còn hai phút nữa. Nhanh lên một tị cháu ạ! Ý, cháu đừng kéo lê cái va li của cậu như vậy, hư hết, va li đó đắt tiền lắm à!

Sau rốt, cậu cháu tôi cũng vào đến sân ga. Tàu đã chờ sẵn, cậu tôi nhảy lên toa hạng nhất, đỡ cái túi xách lục lạo một lúc trong khi tôi thở ra nhẹ nhõm, vì thoát cái xách như cái cùm, quên cả món quà cậu hứa.

Nhưng cậu không quên: nghiêng mình ra cửa, cậu đặt vào đôi tay ướt đẫm của tôi một cái giá đựng lịch vàng rực chói sáng như cái "bờ rốt" đeo trên áo của mẹ, có nút vặn để thay đổi mỗi ngày trong tuần. Trên cái mặt giá có khắc hàng chữ trịnh trọng:

"HÃNG BẢO HIỂM LE ROCHER"

- Đây, cho cháu! Đẹp ghê, há?

Bộ điệu cậu tôi như bộ điệu của một đế vương ban tặng châu báu cho thần dân.

Tôi bị mê hoặc vì bộ điệu đó cũng như cái mầu vàng chói lọi, nói theo không kịp suy nghĩ:

- Dạ, đẹp ghê! – Và tôi còn lễ phép, thêm – Cháu cảm ơn cậu!

Kỳ thật, tôi chỉ ngạc nhiên, không phải tôi vô ơn, trời chứng cho tôi, tôi biết ơn cậu, nhưng thất vọng về món quà quá đỗi. Viên xếp ga thổi hoét một cái, tàu chuyển bánh. Và tôi, khư khư với món quà xinh đẹp mà vô dụng, trở về.

Đến nhà, tôi lên ngay phòng ông cố khoe món quà, không quên hỏi:

- Bằng vàng hay bằng đồng vậy, hả ông?

- Bằng đồng đó, cháu à!

Tôi đọc lại hàng chữ trên giá lịch lần nữa, hỏi ông:

- Ông ơi! Ông bảo hiểm nhân mạng ở hãng này phải không?

Đột nhiên ông tôi nổi giận – rất vô lý, theo tôi nghĩ – ông đỏ bừng mặt, quát to:

- Robert! Mày còn nhắc đến trò bịp đó nữa, tao bẻ cổ mày, nghe chưa?

Tôi kinh ngạc, xịu mặt, đứng yên không hiểu gì cả. Ông tôi thì đứng lên, đi lui đi tới trong phòng, dáng bộ nóng nảy:

- ... Nhưng bần tiện, bỉ ổi nhất là cuốn lịch này! Bỉ ổi quá đi! Tao hết chịu nổi.

Cứ ngần ấy tiếng, ông nói đi, nói lại, ban đầu chua chát, giận dữ, sau dịu bớt đi. Rồi hình như chợt hối đã nóng nảy vô lý với tôi, ông quay lại, dịu giọng:

- Robert! Con thích trượt băng lắm phải không?

- Thưa ông, vâng, nhưng ông hỏi làm chi? Con đâu có giày?

Ông tôi vẫn ngọt ngào:

- Đừng nản lòng chứ! Nào, nào! Để ông xem! Nhìn trước nhìn sau không thấy ai, ông ra nhà kho mang một thùng đầy ngập chứa nào đinh vít, bù long, giày cũ – trong nhà này không vật gì bị vứt bỏ – những thứ đã tích trữ hàng bao nhiêu năm.

Ông cặm cụi đem những đôi giày trượt băng ra ướm thử cho tôi nhưng than ơi: chẳng đôi nào vừa hết! Cho đến nửa giờ sau, khi tôi bắt đầu thất vọng thì ông lôi dưới đáy thùng lên một đôi "patins" bằng gỗ, có lẽ của dì Kate khi còn bé. Ông lấy cái cờ lê vặn vào giày tôi. Chao ơi! Vừa vặn quá đi! Ông thay chỗ dây đứt bằng dây mới.

Thế là hai ông cháu nắm tay cháu, hớn hở đến hồ.

------------------
(1) Livre : đồng bạc Anh, mỗi liver bằng 20 shillings.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG TÁM
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>