Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

CHƯƠNG II_NGÔI NHÀ HOANG


CHƯƠNG II


Sớm hôm sau, khi Dũng bừng mắt tỉnh thức thì đã thấy Cường đang đứng ngoài sân tập thể thao. Cả hai vừa qua một đêm ngủ ngon. Dũng rón rén vén màn, nhẩy xuống đất đi nhẹ chân về phía Cường. Anh định hù bạn nhưng Cường đã quay lại :

- Ngủ ngon chứ cậu ?

- Ừ, mê mệt, tuy nửa đêm hơi lạnh.

Hơi thở thoát từ cửa miệng Dũng như khói trắng. Trời chưa sáng hẳn, không khí còn ướt sương đêm. Gió thoảng nhẹ đem hương thơm dìu dịu của giàn hoa lý trước cửa thấm vào khứu giác đôi bạn. Họ tưởng chừng da thịt mình cũng được ướp thơm. Dũng vươn vai hít mạnh rồi từ từ thở ra :

- Chắc Nga vẫn còn ngủ ?

Cường không đáp, liếc nhanh vào nhà trong rồi khoác tay Dũng xuống sân sau. Qua bếp, hai anh thấy cô Tư, con gái bác Tư, đang lui cui bắc nồi nước khỏi hỏa lò, lưng cô quay về phía cửa. Từ bếp, mùi gạo nếp tỏa ra thơm ngát.

Xuống đến sân sau, Dũng ngạc nhiên thấy em gái đã ở đấy từ hồi nào. Nga chào đôi bạn trai bằng câu đùa nhỏ nhẹ :

- Lêu lêu mấy ông con trai ngủ sớm dậy muộn…

Cường giả vờ nghiêm nét mặt :

- Cô dậy từ khi nào ?

- Hơn mười lăm phút rồi !

- Như thế là dậy sau rồi. Tôi thức giấc trước cô hai mươi phút nhưng nằm trên giường tập yoga.

- Anh nói dối.

- Hì hì - Dũng cười giảng hòa - Hôm hay cho cô thắng, kể từ ngày mai sẽ thua liểng siểng cho coi.

- Được rồi ! - Nga nghiêng đầu, tiếp tục vốc nước lên má.

Trong lúc đó Dũng ra vườn, chỗ bác Tư đang mải miết tưới mấy luống cải :

- Bác để cháu giúp.

Bác Tư thoáng giật mình quay lại :

- À, mấy cháu dậy sớm vậy ? Khỏe không cháu ?

- Dạ cám ơn bác, cháu khỏe, nhờ bữa qua ngủ ngon.

Dũng nhắc lại đề nghị giúp đỡ lần nữa, nhưng bác Tư lắc đầu :

- Thôi mấy cháu ra lu rửa mặt rồi lên nhà trên dùng điểm tâm. Hôm nay bác thổi nếp thơm để mấy cháu thưởng thức.

Dũng chưa biết đối đáp ra sao thì may mắn Cường đã đến gần, tay xách gàu nước đầy :

- Bác để tụi cháu tưới giúp, ở nhà tụi cháu vẫn tưới bông mỗi sáng.

Bác Tư nhìn Cường trìu mến :

- Thôi chiều ý mấy cháu. Nhưng từ ngày mai không ai được làm thế tôi nữa nghe.

Bác Tư trao chiếc gàu cho Dũng, rời vườn vào phụ cô Tư dọn bữa sáng.

*

Nắng đã lên cao, khi bọn Cường rời nhà bác Tư. Sau bữa điểm tâm có nếp thơm muối vừng, Nga đã tình nguyện ở lại giúp bác công việc chợ búa cơm nước, nhưng bác nhất quyết khước từ.

Ra đến đầu ngõ, Cường đứng lại nói với hai bạn :

- Ta cần nhắc lại địa điểm đóng trại.

Dũng phát biểu trước :

- Vì chưa rõ địa thế và cảnh trí ở đây nên tạm thời ta lấy tiêu chuẩn : biển, núi, sông, hồ, rừng.

Nga khẽ lắc đầu nhìn anh trêu :

- Nga xin điều chỉnh lại địa điểm : xin bỏ biển, hồ vì nơi đây làm gì có và xin thêm suối.

Dũng bị em gái "sửa lưng" bèn tiu nghỉu. Cường phá lên cười khoái trá :

- Ha ha, người anh hùng mới ra quân đã bị thục nữ hạ cho thân bại danh liệt. Ha ha ha…

Dũng huých nhẹ cạnh sườn bạn :

- Im nào, ai thắng ai thua đâu đã rõ.

Rồi anh nhìn Nga vờ nghiêm nghị :

- Nếu có cái hồ nào cô sẽ biết tay tôi.

Cả ba cất bước trong tiếng cười rộn rã. Hôm nay Nga cảm thấy đầy tin tưởng vào sức chịu đựng bền bỉ của mình. Cô đăm đăm nhìn đỉnh núi hùng vĩ xa xa phía chân trời với niềm kiêu hãnh sôi nổi : "Ta sẽ chinh phục mi!"

Đoán ra tư tưởng thầm kín của cô bạn gái nhỏ, Cường gợi chuyện :

- Anh của Cường bảo đỉnh núi trước mặt chúng ta kỳ bí không kém ngọn "Văn- Dú" ở vùng thượng du Bắc Việt.

- Vì sao hả anh ?

- Cách đây mấy ngàn năm, đấy còn là một ngọn núi lửa và vùng này thường xuyên bị những cơn địa chấn kinh hoàng. Mới năm ngoái, trong một cơn giông dữ dội sấm sét đã đánh vỡ một tảng đá lớn trên đỉnh núi và suýt gây nạn cháy rừng.

- Eo ôi, ghê quá !

- Dân quê chất phác đã nhân đó thêu dệt nhiều chuyện hoang đường. Chẳng hạn họ kể lại rằng nhiều đêm vào giữa khuya, họ đã chứng kiến từng đàn đom đóm có đến hàng ngàn con từ khắp nơi bay về tập trung thành một chiếc vòng tròn sáng khổng lồ. Chiếc vòng tròn từ từ di chuyển theo lưng chừng núi, khi đến một tàn cây cổ thụ, đàn đom đóm dừng lại và từ nơi đó dân làng nghe thấy có tiếng thú dữ gầm thét rung chuyển núi rừng.

- Anh Cường có tin chuyện đó không ?

- Dĩ nhiên đấy chỉ là chuyện mê tín, nhưng tôi vẫn thấy bị tính tò mò thúc đẩy phải lên núi thám du một chuyến.

Dũng gật đầu tán thưởng :

- Phải đấy, tớ cũng đang có ý định tương tự.
Dũng bỗng có cảm tưởng mình đang lao vào một cuộc chinh phục hào hứng. Anh cất tiếng huýt sáo một bản hành khúc. Âm điệu phấn khởi loang vào không gian nho nhỏ quanh họ, và anh hình dung ra các nốt nhạc như những sợi tơ trời đang được gió núi cuốn đi khắp nơi.

Ba người đã đi khá lâu mà vẫn chưa ra khỏi làng. Trán Nga bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Cô bé lấy làm thú vị được nhìn tận mắt những ao rau muống xanh ngát, những đống thóc vàng óng ả dưới nắng mặt trời, nhiều mảnh vườn đầy tiếng chim hót và mùi thơm của trái cây chín.

Ngang qua một khu vườn rộng trồng bắp, Nga nảy ra ý định tạt vào mua một ít để dùng trong cuộc vui trại. Cô bé ngỏ ý với đôi bạn và cả ba mạnh dạn đi vào.

Chủ nhân đang mải miết chăm sóc giàn mướp sai quả phía cuối vườn. Ông ta nhón chân giơ cao tay đuổi những chú ong vo ve đang chực đậu xuống những nụ mướp vàng. Thoáng nghe tiếng chân người phía sau lưng, người đàn ông quay lại, nhíu mày ngạc nhiên.

Dũng nhanh nhẩu :

- Thưa chào ông, chúng cháu có ý định vào mua của ông một ít bắp cho cuộc vui trại.

Ông ta không đáp, chăm chú nhìn bọn Dũng rồi đột ngột hỏi cộc lốc :

- Trại gì ?

Dũng cố dằn sự bất bình, giải thích sơ qua ý nghĩa cho ông ta nghe. Anh cũng đề cập đến chương trình sáng nay của bọn anh.

- À, à… Ông ta gật đầu với vẻ thiện cảm - Tôi hiểu. Chắc mấy cô cậu từ xa đến đây ?

- Vâng đúng thế, Cường đáp thay bạn.

- Hèn gì…

Rồi ông ta vui vẻ kể cho Cường nghe về những nhóm học sinh đến đây nghỉ hè vào các năm trước. Hầu như nhóm nào đến đây cũng ghé vườn ông ta mua bắp. Ông ta đã lựa cho họ những trái bắp thật ngon với giá hạ.

- Mấy cháu vào kia nghỉ đỡ chân, chú sẽ cho người hái đem vào.

Dứt lời, chủ nhân đi trước dẫn khách. Không ai lấy làm khó chịu về lối xưng hô thay đổi đột ngột. Mọi người đều thầm nghĩ ông ta đã quen xưng như vậy với các nhóm học sinh khác. Đi sau lưng chủ nhân, Cường bắt đầu phân tích. Đấy là một người đàn ông có vóc dáng vạm vỡ, cử chỉ nhanh nhẹn tuổi trạc trên dưới bốn mươi. Ông ta phục sức giản dị như bao nông dân yêu ruộng đồng khác, cũng cái quần dài đen rộng, chiếc áo bà ba nâu hơi bạc màu may bằng vải thô. Lên đến sân trước, chủ nhân hướng xuống bếp gọi lớn :

- Lợi ơi !

Có tiếng đáp từ phía nhà dưới vọng lên :

- Dạ !

- Cháu ra vườn hái cho bác chục bắp đi, chọn những trái ngon nhé.

- Vâng.

Cường nhận thấy vẻ gay gắt và bất bình trong tiếng đáp. Anh tò mò ghé đầu liếc xuống phía nhà dưới xem người đối thoại là ai, nhưng thất vọng.

- Mấy cháu kéo ghế ngồi chơi.

Chủ nhân mời khách rồi đi vào nhà trong, vài phút sau ông ta đi ra, tay bưng đĩa trái cây :

- Để mấy cháu dùng cho vui. Mùa này vườn tôi có nhiều trái cây chín, ban đêm chim chóc tới phá như giặc.

- Chú có cả cây ăn trái nữa à ? Cường ngạc nhiên hỏi vì anh không thấy bóng dáng một loại cây ăn quả trong khu đất thuộc quyền sở hữu của chú.

- Ừ mấy cháu, phía sau nhà, đất còn khá rộng, trồng đủ mọi thứ và trại gà cũng đàng đó luôn. Trong làng và ngay cả các làng kế cận, mấy cháu muốn tìm tôi cứ hỏi họ chỉ nhà chú Năm Cối là ai cũng biết vì mấy thửa ruộng và trại gà của tôi đã trở thành quen thuộc với mọi người.

Chú ngừng nói, lim dim đôi mắt hãnh diện rồi tiếp :

- Hồi tôi bằng tuổi mấy cháu cũng không mấy khi chịu bó gối ở nhà. Có dịp là tôi đi giang hồ. Lớn lên cha mẹ cho ít sào ruộng rồi tôi làm ăn sinh cơ lập nghiệp đến ngày nay. Bây giờ đến lượt con cái mình, đến lượt mấy cháu…

Chú kể cho bọn Dũng nghe quãng đời thanh niên bay nhảy của chú. Chú đã từng đặt chân trên khắp nẻo quê hương và các xứ lân bang : từ Vân Nam đến thượng du Bắc Việt qua các vùng đồi núi miền Trung đến miền Nam mầu mỡ. Chú từng trải qua những ngày sống đế vương nhưng cũng không thiếu dịp nếm mùi gian khổ long đong.

Đáp lại, Dũng kể cho chú nghe những chuyến phiêu lưu gây cấn của anh và Cường trong các vụ nghỉ hè mấy năm trước. Chú nhìn bọn Dũng chứa chan cảm tình và bỗng thấy bọn thiếu niên gần gũi chú :

- Nếu các cháu thích chuyện phiêu lưu mạo hiểm thì ở vùng này không thiếu…

Dũng nhấp nhổm trên ghế :

- Thưa, chú nói sao ?

Thấy vẻ nôn nóng của Dũng, chú Năm Cối nói :

- Tôi có một ngôi nhà phía chân núi, một chỗ nghỉ mát khá lý tưởng, nhưng… ngôi nhà đã bị bỏ hoang từ hơn một năm nay…

Cường hỏi :

- Tại sao vậy chú ?

Chú Năm cười :

- Vì có nhiều chuyện… khá kỳ dị xảy ra ở ngôi nhà đó…

- Xin chú nói rõ cho hai cháu nghe đi.

Chú Năm Cối đăm chiêu, rồi lắc đầu nhè nhẹ :

- Tôi đã cho nhiều nhóm học sinh mượn ngôi nhà ấy trong các vụ hè trước, nhưng tất cả chỉ ở đấy được đêm hôm trước thì ngay sáng hôm sau đã phải khăn gói ra đi. Nhiều người trước khi rời vùng này, còn đến gặp tôi buông những lời trách móc hằn học. Sau đó, tôi đã cho yết bảng bán nhà, nhưng không ai thèm hỏi han…

- Nhưng những người trú ngụ đã gặp chuyện gì ?

- Họ bảo đấy là một ngôi nhà khủng khiếp. Nửa đêm có tiếng thú rừng kêu gào khắp nơi, tiếp sau đó là tiếng đập cửa dồn dập rung chuyển…

- Chú đã ngủ đêm nào ở ngôi nhà ấy chưa ? - Nga hỏi với giọng xúc động như thể cô bé đang chứng kiến cẩn thận.

- Chú đã định lên đó ngủ một đêm để rõ thực hư. Nhưng vì không có ai coi căn nhà này hộ chú, đàng khác chú cũng e ngại rằng tuổi tác hiện tại của chú không cho phép chú ứng phó nổi với tình thế. Phải chi chú ở vào tuổi của mấy cháu…

Cường nhân cơ hội lựa lời khéo léo :

- Bọn cháu có thể thay chú làm chuyện đó và hứa rằng chỉ ở đó cho đến khi cô chúng cháu về.

Chú Năm Cối lắc đầu :

- Không phải chú sợ mấy cháu làm hư hao ngôi nhà, nếu muốn mấy cháu có thể ở đến hết vụ hè, nhưng chú chỉ e ngại lỡ có chuyện chi nguy hiểm thì…

- Xin chú đừng bận tâm chuyện đó - Dũng sôi nổi cắt lời chú Năm Cối - Bọn cháu tự hứa sẽ khôn ngoan để kịp thời rút lui khi thấy nguy hiểm, điều thứ hai nữa là cô chúng cháu sẽ trở về trong vòng vài hôm nữa, cháu chắc rằng khi chúng cháu ngỏ lời xin phép thế nào cô cũng chấp thuận vì bao giờ cô cũng chiều ý tụi cháu.

Chú Năm Cối chớp chớp mắt suy nghĩ. Chú lần lượt nhìn sâu vào ánh mắt từng đứa. Sự khẩn khoản thiết tha của bọn trẻ cuối cùng làm chú xiêu lòng :

- Thôi được, chú không nỡ từ chối mấy cháu, nhưng mấy cháu phải chịu một điều kiện.

Đôi bạn trai đồng thanh hỏi :

- Điều kiện gì ạ ?

- Là nếu có chuyện nguy kịch xảy ra, chú buộc lòng phải yêu cầu các cháu rút lui ngay.

- Dạ, đồng ý.

Bọn trẻ vỗ tay hoan hô chú Năm Cối nồng nhiệt. Đúng lúc chú định bước vào nhà lấy chìa khóa, thì mọi người nhận ra một thiếu niên trạc tuổi bọn Dũng đang lấp ló ở ngưỡng cửa, tay bưng rổ bắp. Ánh mắt tò mò của khách lạ khiến mặt cậu đỏ bừng.

Chú Năm hỏi :

- Cháu đứng chờ lâu mau rồi ?

- Dạ… cháu… mới ra.

Cậu bé ấp úng trả lời và lại đỏ mặt hơn trước. Chú Năm Cối thản nhiên đi khuất vào trong nhà, một phút sau chú trở ra với chùm chìa khóa rỏn rẻn. Chú nhìn cậu bé vẫn đứng trân trân ở ngưỡng cửa :

- Chiều nay cháu có phải lên phố thăm ba cháu không ?

- Dạ không.

- Nếu khỏe, cháu có thể dẫn những người bạn mới nầy đến ngôi nhà của bác phía chân núi. Cháu biết đường tắt chứ gì ?

- Dạ biết. - cậu bé cúi gầm mặt trả lời. - Nhưng cháu nhức đầu quá !

Dứt lời, Lợi chạy vụt xuống bếp.

Bọn Cường đứng dậy xin chú Năm Cối vẽ bản đồ đường đất rồi vội vàng kiếu từ, sợ chú đổi ý bất ngờ…

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>