4
TRONG TẬP BÚT KÝ CỦA HẠ HUYÊN
“….
Mặc nhiên, tôi đã xem như năm nay không có mùa hè.
Mùa
hè, trong khi những người bạn trẻ tuổi như tôi xa lánh đô thị huyên náo
để tìm hơi sương lạnh miền núi cao hoặc làn gió mát từ biển rộng, thì
chúng tôi âm thầm đi vào một bệnh xá nhỏ bé ở cái quận lỵ xa xôi heo hút
này để làm công việc của những nữ điều dưỡng tự nguyện. Có biết bao
nhiêu nỗi vui buồn chưa đầy ba tháng mà đã tràn ắp trong tâm trí. Có
biết bao nhiêu niềm cảm xúc, nỗi kinh hoàng khi đối diện với từng vết
thương và đã biết bao lần không cầm được nước mắt khóc cho sự nhức nhối
xót xa của da thịt con người. Sáng nay tôi rửa vết thương cho một người
thương binh mới, nằm ở trại A. Cũng như với mọi vết thương, phải thấm
nước vào lớp băng cũ, để thật lâu, rồi mới dám gỡ từ từ. Sự thận trọng
và nhẹ nhàng đến tối đa vẫn không ngăn được sự nhức xót. Từng cử động
của cây kẹp là từng cơn co giật của bàn tay anh. Tôi nhìn gương mặt anh.
Tôi nghĩ nếu là tôi, chắc tôi sẽ la hét không can được. Nhưng anh vẫn
cố giữ nét bình tĩnh dù tôi biết sự đau đớn đã cùng cực. Tôi yêu cầu anh
nằm xuống giường và đừng nhìn gì đến bàn tay. Nhưng anh lắc đầu, can
đảm ngồi thẳng lên nhìn xuống chỗ cụt hai ngón tay đỏ loi lói và hai
lóng xương còn lại nhô đầu ra trắng xanh. Tôi bậm môi nén khóc. Chúa,
Phật và những đấng thiêng liêng ơi! Làm sao con có thể chia xẻ hết những
nỗi đau đớn này?
Ngay
trong những lúc băng rửa vết thương cho họ, tôi muốn nói với họ những
lời khâm phục nhất. Khâm phục sự chịu đựng bền bỉ thần thánh của họ đối
với vết thương đau nhức cũng thản nhiên như đối với những lần ra mặt
trận chiến đấu gian nan. Và tôi không hề cảm thấy tiếc khi đã đến với
các vết thương trong suốt mùa hè này.
Đã
bao nhiêu lần tôi vào ra nơi bệnh xá, chân bước lên sân cỏ cơ hồ quen
thuộc từng hạt đất, từng cọng cỏ xanh non. Cỏ vẫn mướt xanh dưới mỗi cơn
mưa và lũ Bã Đậu non nớt vẫn chờ ngày khôn lớn. Nhưng đứng trong hành
lang vắng nhìn ra tôi vẫn không cảm thấy một chút thơ mộng nào. Tôi cảm
thấy như cỏ thì khô vàng, và lá Bã Đậu thì héo úa.
Bởi trên thảm cỏ
còn hằn vết bánh quân xa ngày ngày chở đến những người thương binh. Bởi
lũ Bã Đậu còn trơ trơ đứng nhìn những cặp nạng gỗ đi qua mà chưa đủ lớn
để chở che. Ôi đến một ngày nào đó cỏ thật xanh lá thật tươi dưới mắt
tôi, hẳn sẽ vui vô hạn.
Tôi
vẫn đều đặn đến bệnh xá mỗi buổi sáng với chị Lam Hương, đứng ngoài cửa
trại bệnh nhìn cảnh thức giấc của những người thương binh cùng sự chờ
đợi rửa sạch vết thương và thay cho lần băng mới. Tiếng đàn tiếng hát
vẫn là niềm vui nhỏ, giúp những người thương binh quên đi phần nào những
ngày căng thẳng vì chiến trận. Trại bệnh vẫn thiếu bóng Thu Tâm nhưng
anh Hạnh không còn vẻ buồn rầu vì anh vẫn đều đặn nhận được thư của
người mà anh yêu mến. Thu Tâm đã đem đến cho anh Hạnh những lời khuyên
thành thật nhất, giúp anh có được sự quyết tâm tiếp tục con đường học dở
dang. Vâng, cuộc chiến nào rồi cũng đến ngày chấm dứt. Rồi đây sau khi
im tiếng súng mọi người sẽ chung sức xây dựng lại những gì đã đổ vỡ. Thu
Tâm thì bây giờ đang nỗ lực trong một công tác xã hội khác: dạy học cho
các em cô nhi. Thật vui mừng. Và tôi nhớ đến lời hát của Thầy Toàn: “Ai
chối được rằng mình có một trái tim”. Vâng, những người trẻ tuổi Việt
Nam, ai cũng có một trái tim hăng say đầy nhiệt huyết và tình nhân ái.
Mỗi người trong chúng mình đều có thể trồng một bông hoa trên sự tàn
phá.
Tôi
đã viết cho mẹ một bức thư. Và tôi đã đúng như lời hứa là có cho mẹ một
món quà. Đó là Nam. Chỉ có mẹ mới chia xẻ với tôi sự vui mừng to lớn
này. Một giọt máu xa xôi nào đó đối người bình thường thì vô nghĩa,
nhưng với những tấm lòng mong đợi một chút thân tình trọn suốt cuộc đời
thì có nghĩa vô cùng. Nếu sự điêu linh của đất nước làm cho ông ngoại
bặt vô âm tín kéo dài sự mong nhớ của hai mái gia đình, thì cuộc chiến
này đã vô tình kéo hai chị em xa xôi mà thương mến là chúng tôi đến gần
nhau. Bây giờ tôi có thể giải thích được tại sao khi mới gặp Nam tự
nhiên tôi muốn khóc và tại sao tôi lại cảm thấy giữa chúng tôi có một sự
buộc ràng nào rất thiêng liêng.
Nhưng
mẹ tôi sẽ chưa gặp Nam được bây giờ, cũng như tôi chưa kể lể được gì
cho thỏa, bởi vì sau ngày hôm ấy Nam phải trở lại đơn vị ngay. Bây giờ
đơn vị của Nam đang hành quân ở một tỉnh địa đầu. Tôi biết làm gì cho
Nam? Chỉ còn biết cầu xin những đấng thiêng liêng phù hộ cho Nam luôn
được bình yên – để tôi, để mẹ còn vui còn hy vọng mà đợi mong hòa bình.
Em
tôi vẫn còn đi, vẫn còn say sưa theo “khúc anh hùng ca vang nơi biên
cương” để xung phong trên những cánh đồng lửa, trên những ngọn đồi khô,
trên vòng thành cất cao ngọn cờ. Và những cánh chim giang hồ như chú Lãm
vẫn chưa ngừng bước. Thì tôi vẫn còn ước mơ, vẫn còn hy vọng. Tôi vẫn
còn đều đặn đến với cái bệnh xá không tên hẻo lánh này để ngày ngày xoa
dịu những vết thương, nhìn vào đó mà nghĩ đến thực tế của đất nước.
… Và tập bút ký này, tôi còn viết mãi, ít nhất là đến hết chiến tranh”.
NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Tân Định, Sài Gòn, 1/8/1972