Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Làm Nũng

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Em ưa chiếc nón lá
Xin mẹ mua cho
Để em khoe cùng mí bạn
 
Nhưng mẹ không chìu em
Bắt em đội hoài nón rơm cũ kỹ
Nón gì mà... có 2 cái đuôi đàng sau
Tụi con Hương theo chòng em mãi
 
Thôi! Em "xít" mẹ ra
Không chơi với mẹ nữa
Tối không ngủ với mẹ đâu

Nhìn em rưng rưng giọt lệ
Thương con mẹ khéo vỗ về:
"Rồi mẹ sẽ mua cho,
Con bé con của mẹ"

Nụ cười bừng lên mắt
Làm giọt lệ khô đi
Em nghe lòng vui rộn rã
Mi lên má mẹ thật kêu.

                           (Tặng bé 8)
                        BẠCH TUYẾT

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)


Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Cậu Hoàng và Thần Thiên Lôi

 

Tại một làng nhỏ bên Trung Hoa có một chàng thơ sinh tên Hoàng. Bẩm sinh có tấm lòng quảng đại, Hoàng rất thích làm việc từ thiện và được thiên hạ ca tụng. Tuy nhiên Hoàng có tính khiêm nhượng.

Trong các làng mạc nhỏ bé, việc gì dù nhỏ nhen đến mấy đều chóng thấu tai mọi người. Tiếng đồn khen thấu đến tai Hoàng nhưng chàng rất hổ thẹn.

Một ngày nọ, một người bạn thân nhất của Hoàng tên Sửu từ trần. Vì Sửu là rường cột của gia đình, nên khi Sửu qua đời, bà mẹ và sáu người em trai lâm cảnh túng thiếu.

Nhận thấy cảnh đáng thương tâm, Hoàng nhất quyết thay Sửu để giúp đỡ gia đình kẻ bạc phước. Nhưng Hoàng chỉ là một thơ sinh, chưa từng biết lao khổ, và chưa có kinh nghiệm trong nghề đi buôn. Tuy nhiên Hoàng tỏ ra là một người rất can đảm, vì chàng chỉ là một cậu học trò, và chút ít tài sản của chàng xuất ra làm vốn cũng sắp hết.

Kế hoạch của Hoàng đã được mọi người trong làng hay biết, nên ai ai cũng cảm động và ca ngợi gương hy sinh của chàng. Vì vậy nên Hoàng được giúp đỡ tài chánh và khuyến khích, không bao lâu Hoàng đã trở nên một thương gia giàu có.

Một ngày nọ, từ Nam Kinh về, Hoàng ghé vào một quán trọ nghỉ ngơi. Trong khi ngồi uống trà, Hoàng thấy một người kỳ dị bước vào quán. Vóc người cao lớn nhưng gầy đến đỗi trông thấy da bọc xương. Lão ấy vào ngồi trong góc, hai tay ôm đầu, tỏ vẻ lo lắng suy tư. Hoàng thương tâm đến gần lão, nhã nhặn thăm hỏi lý do âu sầu.

Ông lão lắc đầu không trả lời. Thấy ông quá gầy ốm, Hoàng đoán là ông đói lâu ngày, vì không tiền phải nhịn ăn. Hoàng bèn gọi một đĩa cơm chiên lạp xưởng đầy vun, đích thân bưng đặt trước người khốn khổ ấy. Ông lão ăn rất nhanh, không mấy hồi dĩa hết sạch.

Hoàng nhỏ nhẹ hỏi: "Thưa bác, bác xơi ngon miệng chớ?".

Thế rồi chẳng đợi trả lời, Hoàng gọi dọn thêm một mâm cơm cho hai người ăn.

Ông lão ăn hết mấy dĩa thịt và cũng ăn nhanh như trước. Lần nầy thấy đã no đủ, nên ông lão bèn đứng dậy và vái chào Hoàng một cách cung kính: "Từ ba năm nay chưa bao giờ tôi được ăn ngon như hôm nay!"

Hoàng ngạc nhiên nhìn ông lão và cung kính hỏi:

"Thưa bác, bác có thể cho cháu biết được quý danh không? Bác quê quán ở vùng nào tại Trung Quốc?"

"Bây giờ tôi chưa có thể cho cậu biết tên tôi được. Hơn nữa, tôi không có nhà cửa đâu hết."

Bị ông lão trả lời một câu bông lông như vậy, Hoàng e rằng mình không được kín đáo, nên không dám hỏi thêm nữa và trở về chỗ cũ.

Hôm sau, Hoàng bảo gia nhân sửa soạn hành lý lên đường. Ra đi được ít lúc, Hoàng ngoảnh lại thấy ông lão lạ mặt theo mình. Lễ độ, Hoàng hỏi: "Thưa bác, bác đi theo tôi làm gì? Có ai xui khiến bác theo tôi chăng?" Hoàng hỏi vậy để ông lão hiểu rằng mình muốn đi một mình mà thôi.

Ông lão đáp: "Ông bạn ơi, bạn sắp bị tai nạn lớn đó, vì muốn tỏ lòng biết ơn bạn, nên tôi cần theo giúp đỡ bạn đó thôi."

Hoàng đành để ông lão cùng đi, không hỏi han gì nữa.

Đến chặng sau, Hoàng bảo dọn một bữa tiệc thật ngon để thết đãi người đồng hành. Nhưng ông lão từ chối không dùng cơm, nói rằng đừng lo cho ông, vì ông chỉ ăn một lần mỗi năm. Nghe vậy, Hoàng nghĩ rằng đây là một vị tiên hay thần gì đây, không phải người phàm. Hoàng càng tỏ vẻ lịch sự và lễ độ hơn nữa.

Trong chuyến hành trình nầy, Hoàng cần phải đi theo con sông một khoảng khá dài bằng đò.

Đi được một đỗi, bỗng nhiên, gió bắt đầu thổi mạnh, con thuyền lắc lư rất nguy hiểm. Rồi trận giông tố nổi lên. Bão thổi quá mạnh, sóng quá lớn, thuyền chìm. Tất cả hành khách bị văng xuống sông. Hoàng mất hết của cải và gia nhân. Mấy hành khách khác đã chết đuối. Còn Hoàng thì nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Lần lần gió lặng sóng êm. Nay Hoàng mới hiểu vì sao mình khỏi chết: chính ông lão mà chàng đãi ăn trong quán trọ đã cõng chàng trên vai và lội thật mạnh đưa chàng tới một chiếc đò đậu nơi êm lặng. Lão giúp Hoàng lên khỏi mặt nước, rồi lặn và biến mất dưới nước. Hoàng đang buồn rầu vì mất của, thì bỗng ông lão trồi lên, hai tay ôm gói hàng đưa lên thuyền. Hoàng không biết làm sao cảm tạ người ân nhân:

"Tôi được bác cứu sống, nay bác lại cứu vớt cả của cải cho tôi nữa."

"Có chi đâu, bây giờ tôi có thể từ giã cậu."

"Không được đâu bác. Xin bác đừng làm vậy. Bác cháu mình hãy cùng đi với nhau cho vui. Nhờ bác giúp tôi kiểm điểm lại hàng hóa của mình."

Sắp đặt lại hành lý, Hoàng nói:

"Trong chuyến đi nầy, bao nhiêu sanh linh đã mất mạng, riêng tôi chỉ mất mỗi một cây trâm vàng."

Vừa nói đến đó, Hoàng thấy ông lão lặn xuống sông. Trong khoảnh khắc đã thấy ông lão trồi lên cầm trong tay trâm vàng. Hoàng cảm tạ ông lão: "Nếu bác không biết đi về đâu, thì cháu đề nghị với bác đến ở cùng cháu cho vui."

Ông lão chấp thuận, bằng lòng đến ngụ nhà Hoàng.

Một năm trôi qua.

Ngày kỷ niệm gặp gỡ nhau tại quán trọ, Hoàng dọn bữa tiệc long trọng thết đãi ông lão. Hoàng không quên ông lão chỉ ăn một lần mỗi năm. Thật vậy, tất cả những món ăn dọn ra có thể khoản đãi cả trăm người, đều biến mất trong chốc lát trong miệng người khách kỳ lạ. Chừng không còn chi trên bàn tiệc nữa, ông lão đứng dậy bái anh Hoàng.

Ông lão nói: "Chưa bao giờ tôi được gặp một người như anh là người chỉ nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, trước hạnh phúc của chính mình. Tôi sắp từ giã anh vĩnh viễn. Bây giờ tôi cho anh biết tôi là ai. Tôi là thần Thiên Lôi đây. Trong suốt năm năm, tôi phải đi lưu vong khắp địa cầu, nay tôi đã mãn hạn."

Nghe nói vậy, Hoàng vừa hoảng sợ vừa kính trọng vị Thần. Chàng nghĩ tiếc không có nhà xứng đáng để tiếp đãi Thần.

Thần Thiên Lôi nói: "Bây giờ muốn cầu xin gì cứ khấn vái, ta sẽ chấp nhận."

Vừa nói tới câu ấy, thì ngoài trời mây bao phủ, tiếng sấm gầm rền rĩ đằng xa. Hoàng khấn vái được đi trên mây.

Thế là chàng được ngồi trên đám mây lúc lắc nhẹ nhàng trên không trung. Hoàng bị ngộp, hoảng sợ. Mở mắt nhìn khắp nơi, chàng thấy hàng ngàn ngôi sao trên trời chiếu lóng lánh như hạt kim cương trên chiếc vương miện nhà vua, Hoàng chỉ cần đưa tay ra là có thể nắm lấy sao dễ dàng. Vì vậy chàng vớ được một vì sao nhỏ nhất nhưng đẹp nhất.

Bỗng nhiên, Hoàng thấy hai con rồng oai nghi kéo một chiếc xe có màn the màu xám che phủ. Đuôi rồng ngoắc ngoắc nghe như tiếng chuông chùa. Nhìn qua bức màn the, Hoàng thấy một nàng tiên thiệt là tuyệt đẹp ngồi kề bên lu nước. Trong đám người hầu cận, Hoàng nhận thấy vị Thần Thiên Lôi.

Vị Thần đến bên Hoàng cười và nắm tay chàng, ông chỉ trỏ nàng tiên ngồi trong xe, nói: "Đó là Vũ Thần, hiện giờ thần rất giận loài người. Đồng quê phải bị hạn hán lâu dài."

Quay lại nàng tiên, Thần Thiên Lôi nói: "Chàng trai trẻ đây là bạn hữu đã giúp đỡ tôi khi tôi ở địa cầu."

Nàng tiên chúm chím cười, chào Hoàng duyên dáng và ra dấu bảo lấy một cái gáo móc quanh chiếc xe. Tuân lời, Hoàng đợi lịnh. Thần Thiên Lôi ra dấu hiệu, mây vạch ra. Hoàng thấy làng mình bị khô cháy. Chàng hiểu rồi, bèn lấy gáo múc nước trong lu đổ xuống làng. Chàng làm nhiều lần như vậy mà nàng tiên không cản trở.

Thần Thiên Lôi nói với Hoàng: "Bây giờ anh trở về địa cầu. Anh hãy dùng sợi dây sau xe mà tuột xuống, đừng sợ."

Kỳ thật, Hoàng sợ quá. Nhưng vì mấy người chế nhạo tính nhát gan của anh, nên anh níu dây tuột xuống. Trong nháy mắt anh đã thầy nằm trong phòng, ngủ trên giường, hình như không có việc gì xảy ra hết.

Hoàng thức giấc, ra khỏi nhà. Cả làng đều mừng rỡ:

"Nay đã có mưa, mùa màng ta được cứu vãn, bằng không mình phải phá sản mất."

Hoàng không nói cho làng biết là nhờ mình mà có mưa, cũng không tiết lộ về chuyến phiêu lưu của anh.

Tối hôm ấy, khi sắp đi ngủ, một viên đá màu sậm từ tay áo Hoàng rơi xuống. Hoàng lượm lên và sực nhớ ngôi sao mà chàng hái trên trời. Cục đá không còn màu và lạnh ngắt. Hoàng định giữ để kỷ niệm.

Suốt đêm ngủ, Hoàng đều bị đánh thức dậy. Trên bàn, ngôi sao chiếu sáng kỳ diệu, Hoàng có cảm tưởng phép lạ sắp diễn ra. Thật vậy, ngôi sao càng lúc càng to lớn dần, giãn ra và biến thành một thiếu nữ tuyệt đẹp, mỉm cười với chàng.

"Thưa ngài, em là Vân An. Thần Thiên Lôi gởi em xuống đây để kết duyên cùng chàng, làm bạn trung thành với chàng.

Hoàng mừng rỡ và cảm động vô cùng. Chàng trấn tĩnh và gọi gia nhân mời cha mẹ, bằng hữu của chàng và dọn tiệc cưới.

Trong lúc cử hành hôn lễ, người ta nghe tiếng sấm nổ vang rền và có trận mưa rỉ rả. Người ta cho đó là hội quần tiên chúc tụng đôi vợ chồng mới.


MINH CAO        
 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 28, ra ngày 5-3-1972)
 

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

Giá Trị Của Sách Báo

 

Các em thân mến,

Cứ mỗi tuần, đến ngày chủ nhật, các em đến các sạp báo hoặc các hiệu sách, các em có thể chỉ với một số tiền nhỏ, các em mua được dễ dàng tờ báo Thiếu Nhi của các em.

Cầm tờ báo trên tay, các em có bao giờ nghĩ rằng hàng trăm người, từ anh thợ sắp chữ, thợ máy in, máy cắt, người đóng xén, làm cliché, nhà văn, nhà giáo, nhân viên tòa soạn, tất cả đã tận tụy để đem lại dúng hẹn tờ báo đến cho các em.

Các em có biết rằng chỉ cách đây sáu trăm năm, chưa có tờ báo hay quyển sách nào in ra ở trái đất nầy. Vì thời đó, chỉ có ít sách viết bằng tay bán với một giá rất cao, người giàu có lắm mới có thể mua được.

Một trăm năm sau đó, người ta mới nghĩ ra cách khắc chữ nổi trên bản gỗ, rồi bôi mực và lấy giấy áp vào mà in. Cách in như thế rất chậm chạp và tốn kém lại cũng chỉ những người có nhiều bạc nhiều tiền mới hòng mua nổi mà đọc.

Đến thế kỷ 15, người ta mới phát minh ra loại chữ in như hiện nay nhờ vậy, từ đó sách, báo được bán với giá hạ, khiến cho mọi người ai cũng có thể học hỏi, tư tưởng cũng được truyền bá sâu rộng dễ dàng.

Ngày nay, sách báo được bày bán la liệt khắp nơi. Các em có thể mua đọc không mấy khó khăn ở các hiệu sách hoặc nếu các em không có tiền, các em có thể mượn đọc ở các thư viện.

Với tiền mua một nắm xôi, các em có thể mua một tờ báo hay một quyển sách nhỏ. Với tiền mua một vé hát, các em có thể một hai quyển sách đọc cả tuần. Với số tiền đặt may một chiếc áo sơ mi thường, các em có thể mua một quyển tự vị to tướng.

Ngày xưa, người ta thường xem sách ban ngày vì ban đêm, đèn dầu lu mờ, người nghèo lại phải đốt lá cây để học.

Ngày nay các em được hưởng nhiều sự dễ dàng : sách vở có nhiều, các em muốn đọc lúc nào cũng được, đêm cũng như ngày.

Vậy các em hãy cố gắng đọc nhiều sách báo và nhớ chọn sách báo lành mạnh trí óc các em sẽ được mở mang và tâm hồn các em được nâng cao hơn.

Hoàng đế Nã Phá Luân đã nói : Những người khờ không bao giờ đọc sách, vì thế dịp may không bao giờ đến với họ. Không phải với lưỡi kiếm mà tôi đã chinh phục được thế giới, song chính là với cái đầu chất chứa những gì tôi đã thâu thập trong khi đọc sách.

Ông Benjamin Franklin cũng đã khuyên : Hãy đặt tài sản của anh trong đầu óc, nơi đó chắc chắn không ai đánh cắp của các anh được.

 
Thân mến                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 28, ra ngày 5-3-1972)

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Tiếc Xuân




 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nắng thôi óng ả tơ vàng
Mây thôi phơn phớt sắc mênh mang hồng
 
Gió thôi man mác không trung
Diều thôi xoãi cánh mênh mông giữa trời
 
Cánh buồm bạt gió trùng khơi
Lên đường phiêu lãng chơi vơi mịt mờ
 
Đào phai từng cánh hững hờ
Một mùa xa cũ ngẩn ngơ mắt nhìn
 
Tiếc xuân chiều mãi đi tìm
Vần thơ dấu kín trong tim u hoài
 
Chẳng còn đâu dưới khóm mai
Rộn ràng đón tết những đài xuân tươi
 
Vườn xuân thược dược hé cười
Pháo xuân rộn rã ngàn nơi tưng bừng
 
Nàng xuân quay gót... ngập ngừng...
Trên thềm tơi tả  pháo xuân giã từ
 
Hẹn mùa sau thắm mộng mơ
Nàng xuân lại đến duyên thơ trao tình...

                                                Thơ Thơ
                                      (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Lời Chị

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mặt trời lòng đỏ trứng gà
Vừa leo lên khỏi nóc nhà cuối thôn!

Bé ơi, muốn khỏi đánh đòn
Dậy mau đi học sao còn ngủ say?

Đêm qua có học, thuộc bài
Hay là làm biếng đợi mai ra trường?

Muốn cho ba má yêu thương
Bé nên chăm chỉ, theo gương bạn bè.

Những lời thầy dạy lắng nghe
Kẻo không dốt nát kẻ chê người cười.

Giỏi giang mai mốt giúp đời
Trí khôn mở rộng chân trời bao la!

Còn như học dốt ở nhà
Chăn trâu, cắt cỏ người ta khinh thường.

                                  TÚ KẾU TRẦN ĐỨC UYỂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 27, ra ngày 20-2-1972)

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Con Bồ Câu Xanh

 

1. Một con bồ câu xanh có chiếc chuồng xinh xắn trên cành cây bưởi. Cành cây rậm lá, tươi mát, đến mùa Xuân trổ đầy bông thơm ngát. Chim câu xanh sống ở đó thật êm đềm, sung sướng. Nhưng vốn là một con vật có từ tâm, nó thường thở dài bảo:

- Mình được sung sướng như thế này cũng nên chia sẻ hạnh phúc với kẻ khác xấu số hơn. Phải vậy không cô chú se sẻ?

2. Vợ chồng chim sẻ là chỗ lân bang với chim câu xanh. Thường chim câu xanh vẫn trò chuyện với đôi vợ chồng này, nhưng chỉ nói vọng xa xa thôi, vì vẫn chê đôi sẻ ở bẩn, có bộ lông xù dính đầy bụi bậm. Vả tính vợ chồng nhà sẻ thường lắm điều chiêm chiếp luôn miệng nên ít khi chim câu xanh cho phép họ bén mảng lại gần. Tuy vậy đôi sẻ cũng không lấy làm giận nên đồng thanh đáp:

- Phải, phải bác nên tìm một người bạn sống chung cho vui cửa vui nhà.

3. Thuận ý, chim câu xanh liền bay đi tìm bạn. Nhưng những chim câu như nó phần đông đều có nơi ăn chốn ở tử tế không có con nào muốn theo về với nó cả.

Một buổi sáng, nó gặp trên nóc một tòa cổ miếu một con chim câu trắng. Nom bộ dạng bơ phờ mệt mỏi của con chim bạn, nó đến gần bảo:

- Chào bác câu trắng, xem chừng bác có vẻ lẻ loi mệt nhọc. Vậy mời bác về ở với tôi, chúng ta cùng chia nhau ở chung một chuồng xinh xắn trên cành bưởi đầy hoa thơm ngát.

4. Nhưng chim câu xanh rất đỗi ngạc nhiên khi thấy câu trắng nghểnh cao cổ kiêu hãnh trả lời:

- Một cành bưởi à? Thế thì đáng buồn lắm nhỉ! Bác có lòng tốt song tôi ưa cuộc đời phóng khoáng, thích xê dịch. Tôi chỉ tạm nghỉ cánh một chút rồi lại bay bổng chu du khắp chốn. Ruộng xanh bát ngát, đồi núi chập chùng mới thỏa tầm mắt của tôi, vì tôi bay rất nhiều, rất cao chẳng khác gì một chiếc phi cơ trên mây xanh vậy.

Bất mãn, chim câu xanh để mặc chim câu trắng đứng đó, bay về tổ.

5. Từ xa, vợ chồng nhà sẻ vừa thấy bóng chim câu xanh trở về đã tranh nhau cất tiếng hỏi:

- Thế nào, bác đã tìm được người bạn nào chưa?

Ngượng ngùng, chim câu xanh kể lại chuyện vừa gặp.

Chị sẻ liền an ủi:

- Ồ, có gì đáng buồn đâu bác? Gã câu trắng kia thích giang hồ lang bạt, thì kệ gã. Hơi đâu bác phải buồn vì lời lẽ kiêu hãnh của gã! Theo thiển kiến của em thì có ngu xuẩn mới thích phiêu bạt như thế.

6. Anh sẻ chõ ngay mỏ vào:

- Ờ, thế mà mới hôm qua cô còn ước ao được bay la cà khắp chốn, cô cũng muốn lang bang như... "một cánh chim bạt gió" đó thôi!

Chị sẻ gân cổ cãi:

- Tôi à? Tôi có nói thế bao giờ?

Vợ chồng nhà sẻ cãi nhau loạn xạ làm bác câu xanh không nhịn được cười. Bác đã biết tính đôi bạn hàng xóm này. Chỉ vài phút sau họ lại thuận hòa vui vẻ với nhau ngay.

7. Nhưng vài hôm sau, đứng rỉa mấy cọng rau tươi, chim câu xanh lại mong có một bạn mới.

Ăn xong bữa, chim câu xanh kêu đôi sẻ bảo:

- Tôi lại đi đây. Hẳn cô chú cũng biết tôi đi đâu chứ?

- Phải, chúng em biết rồi. Chúc bác thành công nhé!

Lần này, chim câu xanh tìm gặp một anh chim gáy. Chẳng cần nghe rõ, chim gáy đã từ chối ngay. Cuối cùng, chim câu xanh đến gần một chú chim én đang mơ mộng trên một mảnh tường và rủ chim én về ở chung.

8. - Tôi chắc chú không nhà không cửa nên mời chú về ở với tôi cho vui. Nhà tôi rộng rãi, có lá xanh che mát, có hoa ngát xông hương, như chú có ưng làm bạn với tôi thì tôi đưa chú cùng về.

Chim én vui vẻ nhận lời. Vừa thấy chim câu xanh dẫn chim én về, đôi sẻ nhảy nhót kêu:

- Hay quá! Hoan hô!

Và chim câu xanh thầm nghĩ: "Lần này ta đã tìm được người bạn như ý ta muốn!"

9. Ngày qua ngày, đôi bạn chim sống vui vẻ êm đềm trên cành bưởi.

Nhưng rồi có một chiều, bác câu xanh bắt gặp chú én buồn bã đứng nhìn mải miết về phía chân trời xa thẳm đến nỗi hầu như không còn thấy bác câu xanh đứng gần đó. Lặng lẽ, câu xanh liền sang cho vợ chồng nhà sẻ biết chuyện.

10. - Thật tôi chẳng hiểu ra sao cả! Chú én vẫn bảo với tôi rằng: nhà tôi đẹp đẽ rộng rãi, cây cối xanh tươi, mát mẻ, thế mà không hiểu tại sao chú ấy lại buồn? Hay tôi có điều gì làm phật lòng chú ấy chăng?

Chị sẻ lắc đầu:

- Không không, bác không có điều gì làm phật ý anh ấy đâu. Là loài én, anh ấy mơ ước không trung, thèm khát tự do đấy, nhưng vì nể lòng quảng đại của bác nên không tiện nói ra sợ làm phiền bác đấy thôi...

11. Chim câu xanh buồn bã gật đầu:

- Thôi, tôi hiểu rồi. Cảm ơn lời chỉ vẽ của cô chú.

Trở về, chẳng hiểu chim câu xanh đã bảo chim én ra sao mà ngày hôm sau chú én ta vui vẻ giã từ bạn với những lời cám ơn nồng nhiệt.

Thế rồi... bác câu xanh lại cô độc một mình. Tuy có hơi buồn nhưng rồi bác bỗng đổi buồn làm vui, lớn giọng gọi vợ chồng chim sẻ:

- Này cô chú se sẻ ơi! Tại sao cô chú lại chẳng sang ở chung với tôi cho vui nhỉ? Rõ thật lẩn thẩn, có cô chú ở gần đây còn phải tìm kiếm tận đâu cho mệt.

Thế là từ đó, đôi chim sẻ hồn nhiên nhưng phải cái hơi ồn ào và không mấy đỏm dàng sang chia sẻ cùng chim câu xanh ngôi nhà xinh xắn trên cành bưởi xanh tươi đầy hoa thơm ngát.


Bích-Châu        
 
 (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)
 
 

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Con Búp Bê Sống

 Bé nhẩm lại bài Việt sử một lần nữa: "Gớm! Sao hôm nay học lâu thuộc làm sao ấy! À phải rồi, bữa nay ba mình về ăn tết" bé lẩm bẩm.

Cảnh vật trong phòng, cái nào cũng như đang có một sự vui mừng, và chúng đang nhảy múa để chọc tức bé. Nhất là cái hộp mứt để trong "gác-măng-dê" nó cứ đưa cái mặt ra quyến rũ bé mới chết chứ! Tức quá, bé vác tập ra ngoài cửa học và... trông ra ngoài vườn.

Học bài xong, bé đem tập cất vào nhà, rồi lại chạy vù ra vườn để khỏi bị chúng nó "chọc tức". Một mình bé ở ngoài vườn, bé cảm thấy mình cô đơn quá ; ba thì không nói, giá mà chó chị Thủy ở nhà thì sướng biết mấy. À! Hay là mình có em bé như con Mai cũng thích nữa cơ. Nghĩ đến em bé, bé bỗng sực nhớ đến con búp bê mà bé hằng mong ước: cái con búp bê này bán ở tiệm hóa gần trường bé ấy mà! Chao ôi! Nó xinh như mộng, bé thích nhất cặp mắt của nó! Thật chẳng khác "hai viên bích ngọc" mà má kể cho bé nghe tí nào, mà nó lại còn biết chớp chớp nữa chứ, giá mà bé có, bé sẽ hôn nó hoài...

- Úi chà! Làm sao mà bé thừ người ra thế?

Bé giật mình quay lại:

- A! Má đi chợ về! Hổng biết má đâu! Má đền con đi! Má làm con giật mình đó!

Bé sà vào lòng má nũng nịu.

- Gớm! Con gái gì mà nhõng nhẽo thế! À! Buông má ra rồi vào đây má đền cho cái này hay lắm!

Bé ngước lên:

- Thật nhá má?

- Thật đấy!

Bé buông má ra, rồi cùng má đi vào nhà. Má để giỏ lên bàn, rồi móc ra một gói giấy:

- Thư của ba con đây này! Đọc cho má nghe với!

Cha! Cái gì chứ thư của ba là bé thích nhất rồi! Bé chạy lại đón lấy thư... và bóc ra:

- Ủa! Sao có tiền trong này, má?

- Má cũng không biết nữa! Bé đọc thư coi, chắc ba có nói trong thư.

Bé mở thư ra, rồi đọc:

"Bé yêu của ba,

Bé vẫn mạnh đấy chứ? Má của bé có mạnh không? Ba muốn báo với bé một tin buồn đấy! Ba của bé Tết này không về được như đã báo trước ; ba còn phải đi hành quân. Ba chúc bé một năm mới ngoan và "lì xì" bé một trăm đồng đấy!

Hôn bé của ba"
 
- Hết rồi má!
 
- Hết rồi à? Buồn quá nhỉ! Tết này không có ba.
 
Bé chẳng nghe má nói gì vì còn mải nghĩ đến con búp bê mà bé khát khao... và bây giờ thì được rồi! Bé sẽ dùng tiền "lì xì" của ba để mua con búp bê...
 
*
 
Bé mỉm cười sung sướng! Kia rồi! Tiệm bán búp bê chỉ còn cách bé một khoảng đường ngắn.
 
Đang suy nghĩ về con búp bê, bé bỗng nghe thấy tiếng một đứa bé khóc... bé giật mình quay lại. Một đứa bé bụ bẫm nằm trong cánh tay của bà mẹ mặt mày xanh xao, mặc một bộ quần áo rách rưới, giọng nói run rẩy khi thấy bé nhìn:

- Cô giúp tôi ít đồng mua thuốc cho cháu...

Đứa bé thấy bé nhìn ngưng khóc đưa mắt nhìn bé, rồi nở một nụ cười.

Ý nghĩ dùng tiền mua búp bê giúp lóe qua đầu óc bé... Phải rồi! Tai sao mình lại không giúp một con búp bê biết nói, biết cười với mình nhỉ? Bé quyết định móc lấy tiền và đặt vào chiếc nón của người mẹ... Và chạy vụt về, trước khi tặng đứa bé một nụ cười... Bé nghe loáng thoáng có tiếng cám ơn bé.

Bé bước nhanh về nhà... lòng bé bỗng thấy dâng lên một niềm vui rạt rào. Vì bé vừa làm được một việc... mà theo ý nghĩ của bé, là một việc thiện.


MẶC NHIÊN      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)



Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Lời Tự Tình Ngày Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mùa về một thuở còn thương
Gởi qua lời gió chút hương thơm nồng

Heo may những sợi cuối đông
Chắc đang luyến tiếc giữa lòng Xuân sang

Có đây là ánh nắng vàng
Cùng đôi bím tóc với hàng nơ xanh

Đường reo sỏi trắng thênh thênh
Đôi săn-đan nhỏ hát thành lời ca

Trông đây giờ phút ngọc ngà
Chút tình nở thắm ngàn hoa giữa vườn

Kìa đôi mắt biếc là thương
Kìa đôi má đỏ thẹn thuồng vẩn vơ

Mùa về đẹp ý vần thơ
Trên muôn sợi tóc em chờ Chúa Xuân.

                                            NGUYÊN NHÂN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Những Đóa Hoa cho Năm Mới

 

Nếu đời sống có thể tái bản được, tôi sẽ sửa không biết bao nhiêu là lỗi. JOHN CLARE

Tôi không tìm sự cộng tác ở những người có kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm luôn luôn bảo tôi biết tại sao một việc không thể làm được. Họ thông minh, và họ có thể giải đáp tất cả.

Nhưng người không có kinh nghiệm say mê đến nỗi không biết rằng việc đó không thể làm được. Bởi vậy họ cứ làm. Và họ thành công. CHARLES KETTERING.

Tư tưởng thì bay mà chữ viết thì đi bộ. Đó là tất cả cái khổ của nhà văn. JULIEN GREEN

Muốn hiểu ý nghĩa cuộc đời, xin hãy quay về quá khứ ; nhưng muốn sống cho đáng sống thì phải nhìn về tương lai. S. KIERKEGAARD

Một người đàn bà nếu đi làm bếp được bảy ngàn một tháng thì người ấy là đầy tớ. Nhưng nếu người ấy làm mà không được một đồng xu nhỏ nào hết, thì được gọi là nội tướng. PASSING SHOW

Không bao giờ có một trận giặc tốt hay một nền hòa bình xấu. B. FRANKLIN

Sự đam mê cũng như nước và lửa. Đó là những đầy tớ tốt, nhưng những ông chủ xấu. ROGER L'ESTRANGE

Khi người ta hỏi tôi lạc quan hay bi quan, tôi trả lời rằng kiến thức tôi bi quan song ý chí và hy vọng của tôi lại lạc quan. BS. A. SCHWEITZER.

Về mặt tương lai, óc suy xét có giá trị hơn trí thông minh. Trí thông minh cho thấy tất cả điều gì có thể xảy ra. Óc suy xét phân tách xem trong số những gì sắp xảy ra đó, cái gì có hy vọng thực hiện được. G. LE BON.

Trong tuổi trẻ, người ta hưởng thụ ; trong tuổi già, người ta sám hối. Bà DE LA SABRIERE.

Thắng không phải là tất cả. Muốn thắng mới là cần thiết. VINCE LOMBARDI.

Vĩ nhân thường sống theo những câu danh ngôn. Người tầm thường thì chỉ thích chép những câu danh ngôn đó. MAX JACOB.
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão, 1975)
 

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Dáng Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mộng thấy xuân về trên má em
Xinh xinh dáng nhỏ đứng sau rèm
Ta đứng bên này nghiêng ánh mắt
Em có nghe lòng xao xuyến thêm

Mơ thấy xuân về trên tóc mây
Tay thon vin nhẹ nụ mai gầy
Ta vẽ khoảng trời nơi em đó
Bằng ngàn tha thướt dáng mơ say

Nhìn thấy xuân về trong mắt em
Long lanh ánh mắt tuổi xuân mơ
Hãy nhẹ môi cười như cúc nở
Cùng ta ngâm hết một bài thơ.

                                          THƯ - H

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

Hương Xuân

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Im nghe gió mùa Xuân
Thổi về thơm môi ngọc
Cho bé hồn bâng khuâng
Vần thơ tìm mời mọc

Im nghe sáo vườn mơ
Hót muôn lời tình tự
Bé thả hồn vu vơ
Nhìn mây bay tư lự

Im nghe tiếng diều lên
Trên cánh đồng xanh biếc
Và tiếng hò mênh mông
Bên kia sông tha thiết

Im nghe nắng Xuân hồng
Ngủ hai hàng bím tóc
Thơ còn tìm mời mọc
Và bé hồn bâng khuâng

                  TRỊNH CÔNG TRUYỀN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

Nụ Cười Đầu Năm

 
CÁM ƠN

Điện tín của Cu Tí đánh đi cám ơn ông bác về món quà nhận được cuối năm: "Cám ơn Bác đã cho cháu chiếc máy bay chạy pin STOP - Nó cũng đẹp gần bằng chiếc cháu hằng mơ ước STOP - Cu Tí STOP -

 
DANH DỰ

Ông nội giảng dạy cháu đích tôn về hai chữ danh dự, rồi kết luận:

- Cháu nên nhớ thà chết vinh hơn sống nhục. Đừng bao giờ để ai xúc phạm đến danh dự của mình cả. Cháu biết không, hồi còn trẻ, ông đã từng lội bộ hàng chục cây số để "hỏi cho ra nhẽ" một đứa nói xấu nội đó.

- Tội nghiệp nội quá. Xong rồi, nội lại phải lội bộ về, hả nội?

Ông chép miệng
, buồn bã:

- Không... khi về nội đã có xe Hồng thập tự đón, cháu ạ!

 
PHÂN TRẦN

Bé Ty đi chơi về, quần áo bê bết sình. Mẹ hỏi tại sao:

- Thưa, con bị té xuống đường mương.

- Vậy là rồi đời nộ đồ tết, con ạ!

- Mẹ tính... trước khi té con làm sao cởi ra kịp!

 
CHÚC THỌ

Một thiếu niên loại Hoa Tím, đến mừng tuổi một cụ già 102 tuổi:

- Năm mới cháu chúc cụ mạnh khỏe bằng năm bằng mười năm ngoái, và mong sang năm Dần cháu lại được đến mừng tuổi cụ nữa.

Cụ già nghiêng đầu ngắm nghía chàng hoa tím:

- Được lắm, được lắm chớ... già trông cháu còn khỏe mạnh lắm mà!

 
KHÔNG SAO

Cu Tí tay cầm đinh, miệng ngậm búa, đang kiếm chỗ đóng để treo lịch. Má trông thấy la lên:

- Coi chừng, Cu Tí! Con ngậm đinh như vậy, lỡ nuốt vào bụng thì sao?

- Không sao đâu má! Ba mới mua nguyên một ký đinh sáng nay kia ạ!

 
VIỆC THIỆN

Huynh trưởng Hướng Đạo hỏi các sói con về việc thiện trong tuần:

- Tâm, cho anh biết việc thiện của em trong tuần rồi?

- Thưa, em dẫn một bà lão qua đường ạ.

- Tốt... Thế em Dũng?

- Thưa anh, em giúp Tâm dẫn bà lão qua đường ạ!

- Cũng được, anh khen các em. Còn Hùng?

- Thưa em cũng giúp Tâm và Dũng dẫn bà lão qua đường ạ!

- Ủa! Sao lại phải ba em mới dẫn được một bà lão qua đường lận?

- Thưa anh, vậy mà chúng em phải vất vả lắm mới xong đấy, vì bà lão nhất định không chịu qua ạ!
 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Quý Sửu, 1973)

Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

Cánh Thơ Mùa Xuân

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chiều qua quét lá trên thềm
Mùa xuân vừa đến nắng nghiêng môi cười
 
Mùa xuân hoa nở trên đồi
Bầy chim ríu rít ngỏ lời tri âm
 
Mùa xuân nắng mới ngoài sân
Mai vàng khoe sắc gió phần phật bay
 
Khung trời biêng biếc màu mây
Lụa là vạt áo mới may ửng hồng
 
Tầm xuân nở rộ ngoài song
Xuân về thơm ngát cánh đồng lúa xa
 
Hoàng hôn buông vội nắng tà
Cánh diều lả lướt, la đà tiếng tiêu
 
Gió xuân lướt nhẹ hiu hiu
Nghe trong làn gió bao điều ước mơ
 
Mùa xuân nắn nót vần thơ
Gửi theo cánh gió chiều mờ chân mây
 
Mùa xuân gió xoáy ngàn cây
Có người lưu luyến những ngày xuân qua...

                                                             Thơ Thơ
                                                 (Bút nhóm Hoa Nắng)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>