Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Thú Chơi Chữ

 

Tục truyền có một cặp vợ chồng trẻ vừa mới cưới nhau được vài bữa. Hồi xưa tuy yêu nhau nhưng vẫn còn... e thẹn - e thẹn nên thơ - chớ không trơ trẽn như nếp sống văn minh Âu Mỹ hiện giờ. Bà vợ nấu cơm xong, muốn kêu chồng về ăn cơm nhưng không biết làm sao... mắc cỡ chết... Cuối cùng bà ta kêu đại:

- Ai ơi về ăn cơm!

Ông chồng nghe thế, biết vợ mắc cỡ bèn hỏi chọc:

- Ai thổi cơm đó?

Bà vợ mắc cỡ quá, không biết trả lời làm sao cho ổn, bèn nói đại:

- Ai thổi chớ còn ai thổi nữa?

Đẹp mà tình quá! Đố người ngoại quốc đến đất nước này mà hiểu được những ý nhị của các tiếng "Ai" trên?

Cũng một tiếng "ai" mà mỗi chỗ nghĩa lại khác, nhưng nếu giả sử ta bỏ tiếng "ai" thế vào nghĩa đích thực của nó thì lại mất hay và thi vị đi! Sử dụng được tiếng "ai" như thế là đã đạt được nghệ thuật tuyệt cao về thú chơi chữ. Có thể nói thú chơi chữ là một thú tinh thần hết sức thanh tao nhưng nhiều khi lại hết sức cay độc - cay độc để châm biếm quân thù hay chỉ trích những cái rởm của người đời - của dân tộc Việt Nam, một dân tộc thi sĩ tuy sống với ca dao nhưng vô cùng bất khuất.

Nhân dịp xuân về, tôi sưu tầm được một số giai thoại về thú chơi chữ, xin thuật lại cho các bạn xem để gọi là:

Lời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh (Kiều)


ĐẠI CHÍ

Đời xưa, có một quan lớn trên Ty đi kinh lý các làng để xem dân tình. Tất cả các cổng làng đều dựng cổng chào và có chăng "biểu ngữ" ca ngợi công đức quan lớn. Quan lớn rất lấy làm đắc ý khi xem nhiều câu đối ca tụng mình. Nhưng quan lớn có một điều thắc mắc là có một làng chỉ viết có hai chữ thật to ĐẠI CHÍ để tiếp đón mình. Quan lớn vốn là một tay hay chữ nên suy nghĩ mãi. Thình lình, quan lớn bừng bừng nổi giận:

- Láo thật! Bọn này dám chửi xỏ mình!

Liền lúc đó, quan lớn hạ lệnh lôi tất cả quan viên trong làng đó đến dinh quan lớn để quan lớn trừng phạt.

Vốn là dân làng đó đa số đều có học nên đã dùng lối nói lái để chửi xỏ quan lớn Ty. "Đại" là "to", "đại chí" là "chí to" nói lái lại là "Chó Ty". Ai mà không tức được, phải không bạn?!
 

ĐẠI ĐIỂM QUẦN THẦN

Cách đây gần hai chục năm có một người Việt làm thủ tướng tay sai của thực dân Pháp. Theo sử ghi lại, hồi năm 1945, chính người này đã đích thân dẫn quân Pháp đi về miền Tây Nam Việt chỉ chỗ cho quân Pháp bắn giết đồng bào mình. Vì thế người ấy đã được mang danh là "hùm xám Cai Lậy". Sau khi được công trạng "cứu nước" trên, có lẽ vì thế, người ấy được Pháp cho làm thủ tướng bù nhìn. Làm thủ tướng lúc đó oai lắm, tết đến mọi người từ trên xuống dưới đều phải lo chúc mừng quan lớn thủ tướng. Một tết nọ, có một cụ đồ đến tặng quan lớn một bức hoành có để bốn chữ nho thật to gọi là mừng xuân quan lớn. Vừa xem xong, quan lớn nhà ta khoái chí cười.

Bạn có biết bốn chữ đó là chữ gì không? Đó là "ĐẠI ĐIỂM QUẦN THẦN".

Quần thần nghĩa là bầy tôi, đại điểmchấm to, bầy tôi chấm to ý nói quan lớn là bậc khai quốc công thần giống như xưa vậy. Ai mà không khoái khi được tặng như vậy!? Nhưng quan lớn nhà ta quên là các nhà nho chân chính của dân tộc có bao giờ theo quân ngoại xâm để vinh thân phì gia giết hại đồng bào chớ đừng nói đi theo "bợ" bọn bồi, bọn tay sai của chúng. Cụ đồ kia đã dùng nghệ thuật chơi chữ chửi ông ta mà ông ta không biết. Đại điểmto chấm, to chấm nói lái là Tâm chó (Tâm là tên quan lớn), quần thầnbầy tôi, bầy tôi nói lái lại là bồi Tây. Đại điểm quần thần nghĩa là Bồi Tây Tâm chó.

Bạn thấy nghệ thuật chơi chữ cao và thâm chưa? Nhưng cũng chưa thâm và độc bằng chuyện dưới đây.


DĨ DI PHU NHÂN

Cách đây hơn mười lằm năm, có một mệnh phụ phu nhân vợ một ông thủ tướng thời thực dân Pháp (có lẽ vợ ông Đại điểm quần thần trên) nổi tiếng áp phe bóc lột đồng bào đi sắm Tết. Ra điều ta đây là một người trọng chữ nghĩa, bà ta mới đến một cụ đồ đang ngồi ở vỉa hè đại lộ viết câu đối cho các khách chơi chữ. Bà ta hách dịch nói:

- Ông hãy viết cho tôi mấy chữ nho về treo Tết.

Nói tới đây bà ta gằn giọng:

- Khi viết ông nên nhớ tôi là bà thủ tướng đó nghe!

Nghe đến ba tiếng "bà thủ tướng" đầy vẻ trịch thượng khi người, cụ đồ bèn sửa lại gọng kính rồi từ từ ngước mặt lên ngó bà thủ tướng:

- Dạ! Dạ! Thưa bà lớn... l... ớ... n... để con suy nghĩ chút đã, con sẽ tìm cho bà l... ớ... n... mấy chữ thật hay.

Nghe thế, bà lớn khoái chí mỉm cười. Suy nghĩ một chút, cụ đồ lấy bút lông đại tự ra viết bốn chữ thật to và thật đẹp trên một tờ giấy hồng điều có lấm tấm nhiều đốm vàng. Bốn chữ đó là "DĨ DI PHU NHÂN". Chờ cho chữ khô xong, cụ đồ cẩn thận cuốn vào tờ giấy nhựt trình cũ và trịnh trọng hai tay cầm "dâng" lên bà lớn. Bị xỏ đau điếng mà bà ta biết gì, bà ta về dinh kêu ngay thợ đến đóng khung lộng kính treo ngay tại phòng khách của bà. Mùng một tết tất cả các quan lớn bé đến chúc tết bà thủ tướng đều trầm trồ khen ngợi bốn chữ nho "Dĩ di phu nhân", duy chỉ có một cụ đồ (lại cụ đồ!) mặc áo thụng xanh cứ ngó 4 chữ ấy mỉm cười mãi. Thấy lạ chờ khách về hết, bà lớn bèn mật giữ cụ đồ lại để hỏi. Sau khi rào đón trước, cụ ấy giải thích như thế này:

- nghĩa là đã, di. Dĩ di đã dì, đã dì nói lái lại là đĩ già. Dĩ di phu nhân đĩ già phu nhân.

Thế có chết hay không?! Vậy mà lại trịnh trọng treo vào ngày mồng một tết, một ngày thiêng liêng đầy kiêng cữ nhất của dân tộc.

Bà lớn bèn đùng đùng nổi giận còn hơn Tề thiên nổi giận nữa. Bà lập tức sai người tìm cụ đồ "dám hỗn láo" kia nhưng than ôi... biết đâu mà tìm... cụ đồ ở nơi "mô" hãy trở về để bà lớn trừng phạt cho đã tức... tiếc thay mùa xuân đang đến độ nở tuyệt đỉnh rồi, và cụ đồ đã mất hút trong mùa xuân đầy sinh khí rồi!!!...

Sau cái tết tủi nhục tức uất người đó, năm ấy, chồng bà mất chức thủ tướng và bà ung dung vào khám Chí Hòa nằm.


BÁT CỬU, ÔNG ĐUI

Tôi đã kể cho các bạn ba giai thoại chơi chữ sử dụng lối nói lái một lối rất đặc biệt trong ngôn ngữ Việt. Bây giờ tôi xin kể một lối chơi chữ khác, đó là nghệ thuật câu đối.

Có hai người bạn nói chuyện với nhau. Một ông ngó ông kia nói:

- Bát cửu!

Thật là tuyệt diệu đối nhau chan chát! Bạn có thấy "cái tài tình" của bốn tiếng trên không? Bát cửu (chữ Hán) nghĩa là tám chín. Còn ông đui (tiếng Pháp onze douze) nghĩa là mười một, mười hai. Chữ Hán đối với tiếng Pháp. Tám chín (số) đối với mười một mười hai (cũng số). Đó là hình thức. Còn nội dung thì sâu sắc hơn nhiều, bác cửu nói giống như bác cẩu (bác chó). Ông đui tức là ông đui mù. Bác chó đối với ông đui thì còn gì hay cho bằng! Tài tình chưa hả các bạn!?


HAI CÂU ĐỐI CỦA CỤ TẢN ĐÀ

Nói đến cụ Tản Đà là tôi nhớ đến ngay bốn câu thơ mà thầy Việt văn của tôi đã dạy tôi hồi còn bé:

Trách ai đánh đá nung vôi
Trách ai đẵn gỗ trên đồi đốt than
Làm cho vôi bạc than đen
Làm cho đen bạc thế gian lắm người

Cụ Tản Đà đã chơi chữ "vôi trắng" "than đen" để ám chỉ lòng đổi thay đen bạc của con người. Nhưng chưa tuyệt diệu bằng hai câu đối dưới đây cũng của cụ Tản Đà:

Có tôn, có tổ, có tổ có tôn, tôn tổ tổ tôn tôn tổ cũ
Còn nước còn non, còn non, còn nước, nước non non nước nước non nhà

Bạn hãy ngâm nga hai câu trên, bạn sẽ thấy lòng yêu nước dâng lên dạt dào, dâng lên trong từng thớ thịt của bạn tuy rằng cụ Tản Đà chỉ sử dụng có bốn tiếng tôn tổ nước non đệm thêm hai tiếng còn.


NHỮNG BÀI THƠ YÊU NƯỚC

Các nhà cách mạng khi bị tù thường làm những bài thơ tỏ bày nỗi lòng mình trước sự tồn vong của dân tộc, nhiều khi vì quá uất ức chua cay trong cảnh tù đày các vị ấy đã chơi chữ một cách chua cay nhưng vô cùng tài tình.

Chẳng hạn như Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân khi bị tù có làm một bài thơ tựa là TẮM TRONG TÙ như sau:

Vùng vẫy mình trong bể nước đầy
Hết kỳ lại cọ, chẳng rời tay
Ông Tây cứ bảo mình yêu nước,
Ừ, chẳng yêu sao lại thế này!

Nhượng Tống làm bài thơ trên là vì trong nhà tù, mỗi tuần người ta chỉ cho tắm một lần, nên khi được tắm, các "tù nhân" đã cố gắng tắm cho đã thèm! Nhân sự yêu nước đó Nhượng Tống đã chơi chữ nói đến yêu quê hương giống nòi. Mới đây ban kích động nhạc AVT cũng có hát một bài tựa Yêu nước ý giống giống bài thơ Tắm trong tù của Nhượng Tống, tôi thích nhất bốn câu cuối của bài hát này:

Nước non đâu của riêng ai
Mà sao họ bán công khai nhãn tiền
Lại còn đầu nậu chợ đen
Chung quy chỉ khổ dân hèn chúng tôi

Thơ của các nhà cách mạng làm trong tù có sử dụng nghệ thuật chơi chữ nhiều lắm, tôi chỉ xin kể một bài nữa hay tuyệt diệu của cụ Nguyễn Đình Kiên sáng tác khi cụ bị Tây nhốt trong tù:

Gặp gỡ nhau đây mới biết nhau
Nói càng chua xót, nghĩ càng đau
Văn minh Âu-Mỹ, ba thằng cướp;
Con cháu Rồng-Tiên, một lũ tù.
 
Tài giỏi gì hơn tay sẵn súng;
Ngu hèn cũng bởi túi không xu.
Trời đương quay tít, người đương ngủ
Giận muốn vò tan quả địa cầu.

Thật là hay! Nhất là bốn câu giữa, càng đọc càng thấy thấm thía và buồn cho thân phận quê hương.

Ngoài ra, còn một bài thơ "móc họng" của cụ Tú Xương có liên quan đến Xuân, tôi xin kể thêm cho vui:

Mừng Xuân

Xuân từ trong trong Huế mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà
Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là
Ướm hỏi những ai nơi cố quận
Rằng Xuân, Xuân vẫn thế ru mà!

Bài này cụ Lãng Nhân giải thích như sau:

"Sở dĩ Xuân từ trong Huế mới ban ra, là vì, mỗi năm, gần đến Tết, nhà vua ban lịch mới cho các tỉnh, có nghĩa là ban ngày Nghiêu tháng Thuấn cho dân được sống, vì ngày tháng là của vua, sông núi là của vua, ngọn rau tấc cỏ cũng đều là của vua.

Song thời thế đã đổi khác, vua đã ở trong tay Pháp, thì ngày tháng vua ban liệu có được như khi còn độc lập chăng. Vì thế nên mới chuyển xuống được hai câu kết vô cùng cảm khoái:

Ướm hỏi những ai nơi cố quận
Rằng Xuân, Xuân vẫn thế ru mà!
(Trích tác phẩm Chơi Chữ 
của Lãng Nhân trang 158)

Tôi xin lập lại:

Ướm hỏi những ai nơi cố quận
Rằng Xuân, Xuân vẫn thế ru mà!
 
 
NGƯỜI PHÁP CHƠI CHỮ
 
Nhà văn lừng danh Pháp Anatole France vào một nhà hàng kêu một ly cà phê sữa, bị bà chủ nói móc như sau:
 
 - Apportez du café au laid.
 
Thật ra đáng lẽ bà ta phải nói:

- Apportez du café au lait! (mang lên một ly cà phê sữa)

Nhưng bà ta lại nói trại tiếng laid thành laid, thành ra câu trên lại trở thành: mang ly cà phê cho thằng xấu xí kia!

Nhà văn Anatole Frnce đâu phải tay vừa, ông ta bèn đáp lại ngay:
 
- Vous avez du meilleur café, mais vous n'avez pas de bonté
 
Thật ra đáng lẽ ông ta phải nói như sau:

- Vous avez du meilleur café, mais vous n'avez pas de bon thé (thưa bà, bà có cà phê ngon nhưng bà không có trà ngon). Nhưng, ông ta lại nói trại bon thé (trà ngon) thành bonté (lòng tốt).

Qua giai thoại trên, ta thấy người Pháp chơi chữ cũng khá nhưng không sâu sắc bằng dân tộc Việt. Dân tộc Việt chơi chữ hay hơn nhiều.


BÀI THƠ HỒI VĂN KÉP

Bài thơ hồi văn là một bài thơ mà các chữ đầu câu họp thành câu có ý nghĩa hay một đề mục nào đó. Chắc các bạn cũng đã gặp những bài thơ thuộc loại này. Nhưng chúng ta cũng phải thành thực mà nhìn nhận tiếng Việt chúng ta khó làm được bài thơ hồi văn kép như sau (một chữ đầu câu và mỗi chữ cuối câu họp thành một tiếng ý nghĩa).

Amour parfait dans mon coeur imprima
Non trè heureux d'une que j'aime bien
Non, non, jamais cet amoureux lien
Autre que mort défaire ne pourra.

Bạn hãy để ý bốn chữ đầu câu và bốn chữ cuối câu đều hợp thành chữ ANNA (hay là ở chỗ đó). Đó là một bài thơ trữ tình và Anna có lẽ là tên người yêu tác giả.

Nhưng tuy cũng thuộc loại thơ hồi văn, với tiếng Pháp lại không thể có được như bài thơ dưới đây gọi là loại thơ điệp tự hồi văn:

ÔNG KHUYÊN BÀ ĐỪNG ĂN SỢ MẬP

Đừng ăn sợ mập liệu coi chừng
Mập liệu coi chừng bụng lửng lưng
Lưng lửng bụng chừng coi liệu mập
Chừng coi liệu mập sợ ăn đừng.
DIÊN HƯƠNG

Trước tiên bạn đọc như thường, xong rồi bạn bắt đầu chữ đừng ở câu cuối được ngược lại... kế đến chữ mập thứ ba đọc ngược lại... bạn sẽ thấy điểm đặc biệt và vô cùng ngộ nghĩnh của bài thơ này.

NHÂN bài thơ điệp tự hồi văn trên, tôi xin thuật thêm vài bài thơ chơi chữ khác tuy không có ý nghĩa gì hết nhưng ta cũng phải thành thực nhìn nhận kỳ công các tác giả trong nghệ thuật chơi chữ.

Bài thơ tam giác
 

Bài thơ trên viết ra như thế này:

Nương mây cánh nhạn tiếng nghe thương
Nhạn tiếng nghe thương tửu đoạn trường
Trường đoạn tửu thương nghe tiếng nhạn
Thương nghe tiếng nhạn cánh mây nương
(vô danh)

Bài thơ cái vòng lẩn quẩn

Nhạn về đông gởi bạn tình chung
Gởi bạn tình chung một tấm lòng
Chung một tấm lòng ngơ ngẩn đợi
Lòng ngơ ngẩn đợi nhan về đông
(vô danh)

Bài thơ chữ thập

Đây
anh
gởi
Thiếp nhớ chàng thơ đặng em hay
bỏ
nghĩa
này
 
Đây anh gởi thơ đặng em hay
Hay em đặng thơ bỏ nghĩa này
Này nghĩa bỏ thơ chàng nhớ thiếp
Thiếp nhớ chàng thơ gởi anh đây
(vô danh)

Nói đến bài thơ trên mà không nói đến bài thơ tả "dây thừng" làm từ đời Trần dưới đây thì kể cũng bất công:

Dan díu dằng dai dáng dật dờ
Vấn vương vô vị việc vu vơ
Tưởng tin tươm tất, tình tươi tốt
Mong mỏi mặn mà má mởn mơ
Đắm đuối đầu đình đi đớ đẩn
Ngập ngừng ngang ngửa ngó ngu ngơ
Lâm ly lưu luyến lòng lai láng
Thấp thỏm thương thầm thả thẩn thơ.
(vô danh)

To cut

Năm ấy, tôi học lớp Troisième Moderne tại trường Leuret (bây giờ là Pasteur), tôi được nghe thày dạy Anh văn tôi giải thích chữ to cut nghĩa là cắt như sau:

- Các em có biết không? Dân tộc mình lập quốc đã hơn bốn ngàn năm, còn nước Anh mới hơn hai ngàn năm. Vậy dân tộc mình là dân tộc già, đầy kinh nghiệm. Còn dân tộc Anh là dân tộc trẻ thiếu kinh nghiệm nên phải học hỏi dân tộc mình. Lúc ấy, người Anh chưa đủ tiếng nói, không biết phải dùng tiếng gì để chỉ hành động lấy một con dao cắt một vật nào đó, khi thấy người Việt mình nói cắt là người Anh liền bắt chước theo, nhưng vì là người ngoại quốc, nên người Anh đọc trại ra là cut... cut, do đó người Anh mới có động từ to cut nghĩa là cắt.

Bạn nào học tiếng Anh hãy đọc thử tiếng to cut coi? Có phải âm giống như cắt không?!

Tuy câu chuyện trên có thể là thày tôi bịa, nhưng tôi thích vô cùng vì thầy tôi đã dùng nghệ thuật chơi chữ để nói lên niềm tự hào của dân tộc vì có tự hào về dân tộc mình thì mới tin tưởng và yêu quí dân tộc mình, mới khỏi bị vong bản đê hèn.

ĐỂ GỌI LÀ...

Qua những giòng chữ lai rai trên, tôi vừa trình bày cho các bạn thấy những ý nhị, cay độc khôn lường của nghệ thuật chơi chữ. Để gọi là tạm biệt các bạn để... ăn Tết, tôi có nổi hứng làm vài câu thơ "con cóc" theo lối yết hậu xin tặng tất cả các bạn yêu cũng như ghét mục Tuổi Hoa lai rai:

Chúc Tết

Xuân về chúc bạn được lì xì
Trong túi áo quần đầy nhóc tì
Mặt mũi tròn quay như bánh tét
Hì!

Hì! Hì! Chúc các bạn, các em ăn Tết vui thật là vui và hẹn tái ngộ trong Tuổi Hoa Tân Niên và chúng ta sẽ cùng nhau "lai rai" hơn năm cũ nhiều!


Hoàng Đăng Cấp      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)




Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>