Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Cậu Hoàng và Thần Thiên Lôi

 

Tại một làng nhỏ bên Trung Hoa có một chàng thơ sinh tên Hoàng. Bẩm sinh có tấm lòng quảng đại, Hoàng rất thích làm việc từ thiện và được thiên hạ ca tụng. Tuy nhiên Hoàng có tính khiêm nhượng.

Trong các làng mạc nhỏ bé, việc gì dù nhỏ nhen đến mấy đều chóng thấu tai mọi người. Tiếng đồn khen thấu đến tai Hoàng nhưng chàng rất hổ thẹn.

Một ngày nọ, một người bạn thân nhất của Hoàng tên Sửu từ trần. Vì Sửu là rường cột của gia đình, nên khi Sửu qua đời, bà mẹ và sáu người em trai lâm cảnh túng thiếu.

Nhận thấy cảnh đáng thương tâm, Hoàng nhất quyết thay Sửu để giúp đỡ gia đình kẻ bạc phước. Nhưng Hoàng chỉ là một thơ sinh, chưa từng biết lao khổ, và chưa có kinh nghiệm trong nghề đi buôn. Tuy nhiên Hoàng tỏ ra là một người rất can đảm, vì chàng chỉ là một cậu học trò, và chút ít tài sản của chàng xuất ra làm vốn cũng sắp hết.

Kế hoạch của Hoàng đã được mọi người trong làng hay biết, nên ai ai cũng cảm động và ca ngợi gương hy sinh của chàng. Vì vậy nên Hoàng được giúp đỡ tài chánh và khuyến khích, không bao lâu Hoàng đã trở nên một thương gia giàu có.

Một ngày nọ, từ Nam Kinh về, Hoàng ghé vào một quán trọ nghỉ ngơi. Trong khi ngồi uống trà, Hoàng thấy một người kỳ dị bước vào quán. Vóc người cao lớn nhưng gầy đến đỗi trông thấy da bọc xương. Lão ấy vào ngồi trong góc, hai tay ôm đầu, tỏ vẻ lo lắng suy tư. Hoàng thương tâm đến gần lão, nhã nhặn thăm hỏi lý do âu sầu.

Ông lão lắc đầu không trả lời. Thấy ông quá gầy ốm, Hoàng đoán là ông đói lâu ngày, vì không tiền phải nhịn ăn. Hoàng bèn gọi một đĩa cơm chiên lạp xưởng đầy vun, đích thân bưng đặt trước người khốn khổ ấy. Ông lão ăn rất nhanh, không mấy hồi dĩa hết sạch.

Hoàng nhỏ nhẹ hỏi: "Thưa bác, bác xơi ngon miệng chớ?".

Thế rồi chẳng đợi trả lời, Hoàng gọi dọn thêm một mâm cơm cho hai người ăn.

Ông lão ăn hết mấy dĩa thịt và cũng ăn nhanh như trước. Lần nầy thấy đã no đủ, nên ông lão bèn đứng dậy và vái chào Hoàng một cách cung kính: "Từ ba năm nay chưa bao giờ tôi được ăn ngon như hôm nay!"

Hoàng ngạc nhiên nhìn ông lão và cung kính hỏi:

"Thưa bác, bác có thể cho cháu biết được quý danh không? Bác quê quán ở vùng nào tại Trung Quốc?"

"Bây giờ tôi chưa có thể cho cậu biết tên tôi được. Hơn nữa, tôi không có nhà cửa đâu hết."

Bị ông lão trả lời một câu bông lông như vậy, Hoàng e rằng mình không được kín đáo, nên không dám hỏi thêm nữa và trở về chỗ cũ.

Hôm sau, Hoàng bảo gia nhân sửa soạn hành lý lên đường. Ra đi được ít lúc, Hoàng ngoảnh lại thấy ông lão lạ mặt theo mình. Lễ độ, Hoàng hỏi: "Thưa bác, bác đi theo tôi làm gì? Có ai xui khiến bác theo tôi chăng?" Hoàng hỏi vậy để ông lão hiểu rằng mình muốn đi một mình mà thôi.

Ông lão đáp: "Ông bạn ơi, bạn sắp bị tai nạn lớn đó, vì muốn tỏ lòng biết ơn bạn, nên tôi cần theo giúp đỡ bạn đó thôi."

Hoàng đành để ông lão cùng đi, không hỏi han gì nữa.

Đến chặng sau, Hoàng bảo dọn một bữa tiệc thật ngon để thết đãi người đồng hành. Nhưng ông lão từ chối không dùng cơm, nói rằng đừng lo cho ông, vì ông chỉ ăn một lần mỗi năm. Nghe vậy, Hoàng nghĩ rằng đây là một vị tiên hay thần gì đây, không phải người phàm. Hoàng càng tỏ vẻ lịch sự và lễ độ hơn nữa.

Trong chuyến hành trình nầy, Hoàng cần phải đi theo con sông một khoảng khá dài bằng đò.

Đi được một đỗi, bỗng nhiên, gió bắt đầu thổi mạnh, con thuyền lắc lư rất nguy hiểm. Rồi trận giông tố nổi lên. Bão thổi quá mạnh, sóng quá lớn, thuyền chìm. Tất cả hành khách bị văng xuống sông. Hoàng mất hết của cải và gia nhân. Mấy hành khách khác đã chết đuối. Còn Hoàng thì nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Lần lần gió lặng sóng êm. Nay Hoàng mới hiểu vì sao mình khỏi chết: chính ông lão mà chàng đãi ăn trong quán trọ đã cõng chàng trên vai và lội thật mạnh đưa chàng tới một chiếc đò đậu nơi êm lặng. Lão giúp Hoàng lên khỏi mặt nước, rồi lặn và biến mất dưới nước. Hoàng đang buồn rầu vì mất của, thì bỗng ông lão trồi lên, hai tay ôm gói hàng đưa lên thuyền. Hoàng không biết làm sao cảm tạ người ân nhân:

"Tôi được bác cứu sống, nay bác lại cứu vớt cả của cải cho tôi nữa."

"Có chi đâu, bây giờ tôi có thể từ giã cậu."

"Không được đâu bác. Xin bác đừng làm vậy. Bác cháu mình hãy cùng đi với nhau cho vui. Nhờ bác giúp tôi kiểm điểm lại hàng hóa của mình."

Sắp đặt lại hành lý, Hoàng nói:

"Trong chuyến đi nầy, bao nhiêu sanh linh đã mất mạng, riêng tôi chỉ mất mỗi một cây trâm vàng."

Vừa nói đến đó, Hoàng thấy ông lão lặn xuống sông. Trong khoảnh khắc đã thấy ông lão trồi lên cầm trong tay trâm vàng. Hoàng cảm tạ ông lão: "Nếu bác không biết đi về đâu, thì cháu đề nghị với bác đến ở cùng cháu cho vui."

Ông lão chấp thuận, bằng lòng đến ngụ nhà Hoàng.

Một năm trôi qua.

Ngày kỷ niệm gặp gỡ nhau tại quán trọ, Hoàng dọn bữa tiệc long trọng thết đãi ông lão. Hoàng không quên ông lão chỉ ăn một lần mỗi năm. Thật vậy, tất cả những món ăn dọn ra có thể khoản đãi cả trăm người, đều biến mất trong chốc lát trong miệng người khách kỳ lạ. Chừng không còn chi trên bàn tiệc nữa, ông lão đứng dậy bái anh Hoàng.

Ông lão nói: "Chưa bao giờ tôi được gặp một người như anh là người chỉ nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác, trước hạnh phúc của chính mình. Tôi sắp từ giã anh vĩnh viễn. Bây giờ tôi cho anh biết tôi là ai. Tôi là thần Thiên Lôi đây. Trong suốt năm năm, tôi phải đi lưu vong khắp địa cầu, nay tôi đã mãn hạn."

Nghe nói vậy, Hoàng vừa hoảng sợ vừa kính trọng vị Thần. Chàng nghĩ tiếc không có nhà xứng đáng để tiếp đãi Thần.

Thần Thiên Lôi nói: "Bây giờ muốn cầu xin gì cứ khấn vái, ta sẽ chấp nhận."

Vừa nói tới câu ấy, thì ngoài trời mây bao phủ, tiếng sấm gầm rền rĩ đằng xa. Hoàng khấn vái được đi trên mây.

Thế là chàng được ngồi trên đám mây lúc lắc nhẹ nhàng trên không trung. Hoàng bị ngộp, hoảng sợ. Mở mắt nhìn khắp nơi, chàng thấy hàng ngàn ngôi sao trên trời chiếu lóng lánh như hạt kim cương trên chiếc vương miện nhà vua, Hoàng chỉ cần đưa tay ra là có thể nắm lấy sao dễ dàng. Vì vậy chàng vớ được một vì sao nhỏ nhất nhưng đẹp nhất.

Bỗng nhiên, Hoàng thấy hai con rồng oai nghi kéo một chiếc xe có màn the màu xám che phủ. Đuôi rồng ngoắc ngoắc nghe như tiếng chuông chùa. Nhìn qua bức màn the, Hoàng thấy một nàng tiên thiệt là tuyệt đẹp ngồi kề bên lu nước. Trong đám người hầu cận, Hoàng nhận thấy vị Thần Thiên Lôi.

Vị Thần đến bên Hoàng cười và nắm tay chàng, ông chỉ trỏ nàng tiên ngồi trong xe, nói: "Đó là Vũ Thần, hiện giờ thần rất giận loài người. Đồng quê phải bị hạn hán lâu dài."

Quay lại nàng tiên, Thần Thiên Lôi nói: "Chàng trai trẻ đây là bạn hữu đã giúp đỡ tôi khi tôi ở địa cầu."

Nàng tiên chúm chím cười, chào Hoàng duyên dáng và ra dấu bảo lấy một cái gáo móc quanh chiếc xe. Tuân lời, Hoàng đợi lịnh. Thần Thiên Lôi ra dấu hiệu, mây vạch ra. Hoàng thấy làng mình bị khô cháy. Chàng hiểu rồi, bèn lấy gáo múc nước trong lu đổ xuống làng. Chàng làm nhiều lần như vậy mà nàng tiên không cản trở.

Thần Thiên Lôi nói với Hoàng: "Bây giờ anh trở về địa cầu. Anh hãy dùng sợi dây sau xe mà tuột xuống, đừng sợ."

Kỳ thật, Hoàng sợ quá. Nhưng vì mấy người chế nhạo tính nhát gan của anh, nên anh níu dây tuột xuống. Trong nháy mắt anh đã thầy nằm trong phòng, ngủ trên giường, hình như không có việc gì xảy ra hết.

Hoàng thức giấc, ra khỏi nhà. Cả làng đều mừng rỡ:

"Nay đã có mưa, mùa màng ta được cứu vãn, bằng không mình phải phá sản mất."

Hoàng không nói cho làng biết là nhờ mình mà có mưa, cũng không tiết lộ về chuyến phiêu lưu của anh.

Tối hôm ấy, khi sắp đi ngủ, một viên đá màu sậm từ tay áo Hoàng rơi xuống. Hoàng lượm lên và sực nhớ ngôi sao mà chàng hái trên trời. Cục đá không còn màu và lạnh ngắt. Hoàng định giữ để kỷ niệm.

Suốt đêm ngủ, Hoàng đều bị đánh thức dậy. Trên bàn, ngôi sao chiếu sáng kỳ diệu, Hoàng có cảm tưởng phép lạ sắp diễn ra. Thật vậy, ngôi sao càng lúc càng to lớn dần, giãn ra và biến thành một thiếu nữ tuyệt đẹp, mỉm cười với chàng.

"Thưa ngài, em là Vân An. Thần Thiên Lôi gởi em xuống đây để kết duyên cùng chàng, làm bạn trung thành với chàng.

Hoàng mừng rỡ và cảm động vô cùng. Chàng trấn tĩnh và gọi gia nhân mời cha mẹ, bằng hữu của chàng và dọn tiệc cưới.

Trong lúc cử hành hôn lễ, người ta nghe tiếng sấm nổ vang rền và có trận mưa rỉ rả. Người ta cho đó là hội quần tiên chúc tụng đôi vợ chồng mới.


MINH CAO        
 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 28, ra ngày 5-3-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>