Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Đêm 30 Tết Bắt Trộm

 

Có thể nói, trong thời đại văn minh này, người ta không còn được hưởng cái thú đêm đêm mọi người quây quần bên bếp sưởi hoặc dưới ánh trăng để kể cho nhau nghe những mẩu chuyện cổ tích đầy quyến rũ nữa.

Thời thơ ấu, tôi đã từng được trải qua những đêm vui tương tự mà bà nội là nhân vật chính. Bà đã thuật cho chúng tôi vô số chuyện: loại tiếu lâm, loại thần tiên hoang đường, loại ngụ ngôn... Nhưng tôi vẫn thích nhất là loại chuyện ma và ăn trộm. Vì những chuyện này đã gây nơi tôi những cảm giác hào hứng và ghê sợ.

Nói đến ăn trộm thì phải nói đến miền Bắc, đó là sự thực. Trộm ở ngoài ấy đi làm ăn như một cái nghề nghiệp cha truyền con nối. Lại có gia đình, tôi biết rõ bị mất trộm tới 17 lần trong ba năm, đến cái áo tang cũng bị mất trộm. Sở dĩ có chuyện ấy vì kẻ trộm cũng ưa tin nhảm. Họ thờ một vị thần, hễ thần ra hiệu bảo đi về hướng nào, ăn trộm ở đâu, thì cứ y lời, đêm đó chắc chắn làm ăn xuôi đẹp. Chỉ xui xẻo cho gia đình nào đó đã bị lọt vào mắt xanh của ông thần ăn trộm tới 17 lần liên tiếp.

Đêm nay, nhân dịp xuân về, Thổ Địa xin cống hiến các bạn vài trong số trăm ngàn câu chuyện về ăn trộm mà Thổ Địa đã được nghe hay xem ở nơi này nơi kia, gọi là để sống lại cái thú đêm 30 tối đen như mực thủ thỉ bên nhau những mẩu chuyện lý thú.

Xin được phép bắt đầu...

KHÔNG KHÁ!

Đêm 30, trời tối mù. Không gian chìm đắm trong một màu đen sậm, khiến cảnh vật trong làng càng thêm âm u vắng lặng.

Trống canh ba đã điểm. Bỗng một bóng đen xuất hiện trong ngõ xóm, bước đi bay bổng như hồn ma. Đến ngôi nhà đã định, bóng đen vạch hàng rào chui vào, công việc dễ dàng quen thuộc. Con chó vàng thấy hơi người và tiếng động sủa ầm ĩ. Nhanh như chớp, một miếng thịt bò bay tới, thấy mồi, chú chó im tiếng.

Bỗng có tiếng mở cửa, một người đi ra vườn, tên trộm đoán biết chủ nhà muốn đi tiểu tiện đêm, hắn liền chạy đến nấp vào một bên tam cấp (nền nhà ngày xưa thường đóng rất cao, có bậc gạch đi xuống) để chờ chủ nhà ra vườn sẽ lẻn vào.

Hắn vẫn yên lặng ngồi chờ, thời gian kéo dài hồi hộp. Trời tối quá chủ nhà không thấy rõ cảnh vật, và có lẽ, ông ta cũng là tay nhát gan nên chẳng dám ra vườn. Ông chỉ đứng ngay trên thềm nhà... làm việc! Xúi quẩy thay, đó cũng là chỗ mà tên ăn trộm đang nấp. Hắn ta phải lãnh đủ những dòng nước oan nghiệt xối xả trên đầu và mình, với một mùi không mấy dễ chịu.

Tưởng chủ nhà chủ ý chơi xỏ mình, giận quá hắn vùng chạy một mạch vào trong bóng tối, để lại cho chủ nhà một mối lo sợ ghê gớm và một nụ cười vẩn vơ.

CON ĐƯỜNG XUỐNG GIẾNG

Kể ra, đi ăn trộm mà gặp xui như nhân vật trên đây thì đúng là ra ngõ gặp gái. Nhưng đến như hai chú ăn trộm này thì không biết ra ngõ gặp thứ gì, mà xui xẻo không kém.

Đêm hôm ấy, có hai tên ăn trộm - trộm thường bao giờ cũng đi hai đứa - vào làm ăn tại một ngôi nhà kia, nhà thì bằng gạch, xung quanh lại là vườn rộng, cây cối um tùm, nên trước khi vào làm ăn, hai chú đã tính đến chuyện rút lui nhanh nhẹn nếu chủ nhà biết được mà đuổi theo.

Hai chú thắp 10 cây nhang rồi đem đến cắm từ chỗ hàng rào dễ thoát nhất, vào đến nhà. Nếu có biến, hai chú cứ theo... chiến lược.

Nhưng chuyện đời éo le, thường khi mình tính kỹ thế lại hay gặp tai ương. Hành động của hai chú đã bị ông chủ nhà theo dõi, có lẽ chỉ do vô tình. Ông liền nhè nhẹ mở cửa đi ra vườn và thừa lúc hai chú trộm mải miết đào ngạch - lỗ chui vào nhà - ông lặng lẽ lấy mấy cây nhang kia cắm thành một con đường khác. Làm xong công việc đó, ông liền trở về nhà la lên ỏm tỏi:

- Có trộm! Có trộm ở đây làng xóm ơi...

Tức thì ông nghe có tiếng chân chạy thình thịch. Ông đứng đó không cần đuổi theo vì ông đã biết rõ thế sa cơ của hai chú trộm. Một phút sau, hai tiếng "tủm, tủm" vang lên khiến cho ông cười sặc sụa. Vừa lúc ấy hàng xóm láng giềng chạy đến, kẻ gậy gộc, người đốt đuốc hỏi ông:

- Trộm đâu, trộm đâu?

Ông chủ nhà mỉm cười bảo:

- Các ông theo tôi.

Mọi người đã đến bên thành giếng, ông nói:

- Đấy, chúng nó ở dưới ấy.

Khi các cây đuốc sáng được soi đến thì hai chú trộm đang vẫy vùng dưới nước. Thì ra con đường "rút lui vô sự" chính là đường... xuống giếng.


HÃY CHO NÓ CÁI CÀY

Đã sang canh tư mà tên trộm vẫn cứ loay hoay đào. Các ngạch dưới ngưỡng cửa đã khá sâu và rộng. Tiếng đào đất thật êm, nếu không chú ý thì không tài nào nghe được. Một tên bạn đi theo đang moi đất ra.

Trong nhà, gia chủ là một bà già vốn khó ngủ và nổi tiếng dữ tợn trong làng. Bà ở với hai con gái và một con trai. Chồng bà đã qua đời, mà con trai lại còn thiếu nhi quá. Đêm nay, bao nhiêu động tác của tên ăn trộm đều đã lọt mắt xanh của bà già. Vốn gan dạ, bà vẫn nằm im trên giường xem "bọn nó" giở trò trống gì.

Cái ngạch đá lớn đủ một người chui lọt, tên trộm bắt đầu làm ăn. Hắn cắm một cây nến đốt sáng trên lưng con cua rồi thả con cua bò vào nhà. Con cua đi soi sáng một vòng, tất cả đều yên tĩnh. Tên trộm lấy làm hài lòng kéo vội con vật ra. Giai đoạn đầu xong, bà già bỗng thấy một cái đầu đen thui thủi đưa vào, nhưng phải bình tĩnh mới được, đó chỉ là cái nồi đất úp vào đầu một thân cây chuối. Tên trộm dùng cách này để thử lần thứ hai cho chắc. Nếu chủ nhà có rình thấy sẽ vội vàng thưởng cho cái nồi đất một cây đòn gánh, và tên trộm biết có nguy, đủ thời giờ rút đi nơi khác.

Đến cơ sự này, bà già tự nhủ "bọn này ghê gớm thật, bà phải cho chúng mày biết tay" và bà để ý cái cày to tướng để ở góc nhà.

Cây chuối được lôi ra, bà già biết đã đến giờ phút sát phạt. Tấm thân còm cõi nhanh nhẹn nhẩy xuống đất đi lại góc nhà, bà khệ nệ bê cái cày đứng dạng cẳng chặn ngang cái ngạch của tên trộm. Tất cả, đối với bà già tinh quái thì không có gì đáng kể. Đúng lúc ấy, tên trộm bất hạnh đưa cái đầu thật vào, tưởng chừng phen này ta sẽ vơ một mẻ đã đời. Ngờ đâu cái cần cổ bỗng thấy bị kẹp cứng. Thì ra bà già đã nhẹ tay hạ cái cày xuống cổ tên trộm và leo cả tấm thân bồ liễu của mình lên đó. Tên trộm ở trong cái thế tiến không được mà lui thì có nước mất đầu nên đành nằm chịu chết. Bà già bèn gọi con cái dậy đốt đèn sáng choang và chỉ vào mặt tên trộm đau khổ mà phán rằng:

- Nằm đó mà chờ tuần đinh ra bắt nghe con.

Còn tên trộm thứ hai đứng ở ngoài, biết sự việc đổ bể bèn co giò chạy mất, quên cả ông bạn quí đang nằm với bao nỗi thất vọng ê chề. Thật đúng là "thằng trộm mắc lỡm bà già".


ANH CẢ KHIÊNG LỢN

Trên đây Thổ Địa đã kể ba câu chuyện mà trong đó kẻ trộm đều gặp xui xẻo. Để thay đổi không khí, tưởng cũng nên thả lỏng để ăn trộm qua mặt chủ nhà một vài keo cho thêm phần... linh động.

Ngày trước, tại làng Xuân Vũ tỉnh Thái Bình có một tay ăn trộm đại tài tên gọi Cả Trường, thiên hạ thường gọi là Anh Cả Trường Xuân Vũ. Tài ăn trộm của anh Cả thì trong làng ai không biết và ai không nể sợ. Duy có ông Bá Hộ nọ, nhà giàu có lúc nào cũng kín cổng cao tường, trộm đạo vào được nhà ông cũng thật khó khăn. Ông Bá Hộ thường cười khinh khỉnh mỗi khi có ai ngỏ ý khen anh Cả. Ông không biết rằng, sở dĩ anh Cả chưa đến viếng nhà ông chỉ vì anh không muốn lấy trộm của người cùng làng, vì tình làng xóm cũng có mà cũng chính vì thành tích bất hảo, anh sợ họ trình báo phiền phức.

Bấy giờ vào hồi gần tết. Trong một đám giỗ, ông Bá gặp anh Cả. Trước mặt đông đủ thực khách ăn giỗ, ông Bá bảo anh Cả rằng:

- Tôi nghe nói anh trèo tường khoét vách vào bậc nhất nhì trong thiên hạ. Nhưng chính tôi, tôi chưa thấy tài anh ở chỗ nào cả! Anh phải làm thế nào trổ tài cho tôi trông thấy hai năm rõ mười, tôi mới phục.

Anh Cả phân bua với mọi người:

- Trên thưa các cụ các ông, tôi tuy tài cán rất hèn mọn, nhưng nếu ông Bá muốn thử, tôi xin sẵn sàng chiều ý. Vậy ông Bá đặt cái gì làm chuẩn đích, tôi sẽ lấy cho xem.

Ông Bá trong lúc rượu ngà say liền hách dịch bảo anh Cả:

- Nhà tôi có con lợn để ăn Tết, vậy từ nay tới tết, nếu anh lấy được con lợn ấy, tôi sẽ không trình báo gì, mà còn thưởng cho anh thêm 100 đồng bạc nữa. Nhưng nếu anh không lấy nổi con lợn thì sao?

Anh Cả nói:

- Thưa ông Bá, tôi nghèo nàn, không có gì, nếu thua cuộc chỉ xin đến để ông Bá đét cho mười roi vào đít.

Nghe nói ông Bá đắc chí cười ha hả và nhờ mọi người làm chứng.

Thế là cuộc đố bắt đầu. Còn 10 hôm nữa đến tết, dĩ nhiên ông Bá lo tổ chức canh phòng chuồng lợn rất cẩn mật. Lũ người nhà được một phen canh gác vui vẻ. Anh Cả thừa biết vậy nên chẳng buồn rình mò làm gì. Ai có hỏi anh chỉ cười đáp lửng lơ:

- Để còn xem đã chứ. Ông Bá ấy canh chừng kỹ lưỡng lắm. Mà nếu lấy không được thì chịu mười roi ăn nhằm gì?

Ngày này qua ngày khác, con lợn của ông Bá vẫn là con lợn của ông Bá. 26, 27, 28 rồi 29 tháng chạp, anh Cả vẫn chưa làm gì nổi con lợn trong chuồng nhà ông Bá. Và đến sáng 30 tết, một mũi dao nhọn đã hóa kiếp cho con lợn. Ông Bá bảo:

- Xem chuyến này thằng đại bợm có thua ta không?

Một tên người nhà nói:

- Thế là kẻ cắp gặp tay... ông già. Phải ông Bá mới trị nổi anh Cả.

Ông Bá hả dạ lắm. Mọi người ra sức làm cho xong con lợn. Họ bàn tán nhau : chắc gì anh Cả chịu tội. Ngày xưa bị đánh đòn giữa chỗ đông người là một hình phạt nhục nhã.

Nhưng anh Cả đã đến, khăn áo rất chỉnh tề. Thấy anh, ông Bá mỉm cười đắc thắng bảo:

- Anh đến chịu đòn, thật là một kẻ anh hùng.

Lũ người nhà thấy vui đổ xô lên nhà trên chứng kiến, ông Bá càng lấy làm hãnh diện. Anh Cả nói với ông Bá trước mặt mọi người:

- Tôi đến để vui lòng chịu đòn. Nhưng thưa ông Bá, phải có người làm chứng, kẻo ông Bá đánh tôi xong lại bảo chưa đánh, thì lúc đó tôi cãi vào đâu? Vậy sẵn người nhà đây, xin ông cho đi mời mấy cụ có mặt tại đám giỗ bữa nọ lại, để chứng kiến vụ chúng tôi chịu đòn.

- Tưởng gì chứ thế thì khó gì? Lại còn thêm vui là đằng khác.

Ông Bá liền mau mắn sai người nhà đi mời người chứng kiến theo lời đề nghị của anh Cả. Trong lúc chờ đợi, ông sai rót nước mời anh Cả, vẻ vui ra mặt. Trong khi đó, anh Cả vẻ mặt tỉnh queo, lại còn khen:
 
- Nhà ông Bá kín đáo và kỹ lưỡng thật, chúng tôi rình năm bảy bận mà không sao vào được. Chó ở nhà lại dữ nữa, kẻ trộm chúng tôi đành chịu thôi.

Ông Bá có vẻ hài lòng, vuốt râu cười bảo:

- Anh biết tay tôi như thế là phải, chứ những hôm ấy, ông mà chờn vờn vào nhà tôi thì chỉ có què.

Vừa lúc đó bốn năm cụ khăn đóng áo dài kéo tới đông đủ. Bọn người nhà đứng vây quanh, mọi người mong chứng kiến cảnh tên đại bợm chịu đòn. Ông Bá nói với những người vừa được mời tới:

- Hôm nay nhà tôi mổ thịt con lợn. Anh Cả thua cuộc đành đến chịu đòn, muốn mời các cụ lại chứng kiến.

Ông Bá vừa dứt lời thì anh Cả đã tiếp:

- Thưa các cụ, không phải thế ạ! Đấy là ông Bá muốn mời các cụ lại làm chứng để ông Bá thưởng cho tôi thêm 100 bạc như lời đã hứa, vì con lợn của ông Bá, tôi đã mạn phép lấy và cho người mang đi rồi.

Ông Bá giựt mình cãi:

- Anh nói láo! Đâu có chuyện ấy! Con lợn sáng ngày tôi đã cho làm thịt rồi còn gì.

Anh Cả ung dung thưa:

- Thưa ông Bá, tôi vừa lấy lúc nãy xong. Không tin ông Bá thử cho người nhà ra vại nước xem có còn con lợn không?

Thật là sét đánh ngang tai, ông Bá vội bảo lũ người nhà lúc ấy đang đứng ở cửa đi xem lại con lợn, thì quả thật, con lợn đã không cánh mà bay, đến chậu tiết cũng bị ai khuân đi khuất mắt, chỉ còn đống lông ngoài sau nhà.

Được tin, ông Bá tức điên ruột nhưng cũng đành làm mặt tỉnh táo đàn anh, đưa cho anh Cả 100 bạc, rồi quay lại mắng lũ người nhà:

- Chỉ tại lũ chúng mày vô ý.

Thế là tết năm ấy, anh Cả được ăn một cái tết khá no đủ với một con lợn được làm sẵn.

Chắc các bạn cũng thừa rõ, trong khi tất cả người nhà ông Bá dồn lên nhà trên để chực xem anh Cả chịu đòn, thì đồng bọn của anh đã nhanh chân trèo tường, chuyển chiến lợi phẩm đi một cách êm nhẹ.

Thưa các bạn, chuyện này tuy không xảy ra vào ban đêm nhưng cũng vào ngày 30 tết, cái ngày lắm chuyện nhất trong năm. Vì khuôn khổ tờ báo có hạn nên dù đang say mê kể Thổ Địa cũng phải gạt bút sang một bên. Ước mong sẽ được dịp kể cho nhau nhiều chuyện lý thú nữa...


THỔ ĐỊA        
Tết Nhâm Tý      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)


-

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>