Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

Xông Nhà Ngày Tết

 

Các cụ ta đã có dạy "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Thế nên việc xông nhà, xông đất vào ngày đầu năm được các cụ chú ý đặc biệt.

Các cụ bảo rằng ngày đầu năm, hễ nhà nào mà được người vui vẻ, hiền lành, dễ tính đến xông nhà thì suốt năm, nhà ấy sẽ gặp may mắn, làm ăn tới đâu, thành công tới đó. Nhưng nếu chẳng may gặp một người hung hăng, độc ác hoặc ngây ngô, khờ khạo tới xông nhà thì cả năm nhà ấy sẽ gặp toàn điều xui, cất đầu lên không nổi, làm ăn thì đụng đâu hỏng đó, học hành thi đâu rớt đấy.

Bởi vậy, nhiều người rất cẩn thận, muốn tránh việc làm ăn thất bại, trước ngày tết họ đã lo kén người tới xông đất. Nhiều gia đình trong đêm giao thừa sau khi đi lễ chùa, lễ miễu về, thường chọn người nết na nhất trong nhà vào xông đất. Có người quá cẩn thận, đã khăn áo chỉnh tề, tự xông nhà, xông đất lấy.

Người xông nhà theo lệ xưa thường mang theo một phong pháo để đốt mừng chủ nhà. Sau đó, tùy theo, chủ nhà là thành phần nào trong xã hội mà cất giọng chúc những điều thật tốt lành.

Nếu chủ nhà là nhà nông thì chúc "Phong đăng hòa cốc".

Nếu chủ nhà là thương gia thì chúc "Nhất bản vạn lợi" hay "Buôn may bán đắt".

Nếu nhà có bậc già lão thì chúc "Tăng phúc tăng thọ".

Nếu chủ nhà là quân nhân, công chức thì chúc "Thăng quan tiến chức".

Để đáp lễ chủ nhà cũng lựa những lời đẹp đẽ nhất chúc lại khách cùng với sự đón tiếp rất nồng hậu. Có người còn lấy tiền phong bao điều biếu khách gọi là tiền mừng tuổi và mở hàng.

NHỮNG ĐIỀU KIỆN

Nếu việc xông nhà, xông đất đã trở nên quan trọng thì việc giữ gìn lời nói hành động trong ngày đầu năm mới cũng là một mối quan tâm của đồng bào ta.

Theo các cụ thì đầu năm mới không được nói phạm tới những điều gì hoặc có những hành động nào mà các cụ cho là sẽ mang lại sự không may cho mình trong suốt năm.

Các cụ dạy muốn tránh khỏi bị xui hay bị giông thì trong ba ngày tết, ta không nên gắt gỏng, cau có, không la hét, giận dữ, không nói con khỉ, con tiều, không đánh đổ điếu, không làm bể bát đĩa, không được mặc đồ trắng là điềm tang chế, không được để cho con nít la khóc.

Người đang có đại tang kiêng không đi chúc tết bà con bạn hữu, tránh không nên mang đồ tang sô gai đến nhà người khác.

Khi quét nhà thì kiêng không được quét rác ra ngoài hoặc hốt vứt đi, mà phải đánh đống vào xó nhà, chờ sau lễ động thổ mới được hốt bỏ đi.

Tục kiêng đổ rác này do sự tích con hầu Như Nguyệt ở bên Tàu mà ra. Theo sách sưu thần ký thì xưa ở bên Tàu có một người lái buôn khi đi ngang qua hồ Thanh Thảo, được thần hồ tặng cho một con hầu tên là Như Nguyệt. Người lái buôn mang con hầu về nhà nuôi và được ít lâu thì trở nên giàu có lạ thường.

Nhưng một hôm đúng vào ngày mồng một tết, người lái buôn đánh nó, làm nó sợ chạy rúc vào đống rác, rồi biến mất. Sau đó, người lái buôn làm ăn sa sút và trở nên nghèo khó.

Tục kiêng hốt rác này sau truyền sang nước ta và được đa số dân chúng tin theo.


VĂN TRUNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>