Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2024

Truyền Thuyết Về Rồng

 

Từ thuở xa xưa, con người còn ăn lông ở lỗ và nhất là cuồng tín kinh khủng. Từ đấy do óc tưởng tượng của họ, của tổ tiên nhân loại, tất cả đã dựa vào một tượng thần quái đản nghĩa là hình dung cổ quái, mà nghĩ ra một thứ dị vật hão huyền, không bao giờ được trông thấy nó cả, nhưng chẳng ai là không tin. Đó là con Rồng.
 
Cho mãi tới ngày hôm nay, con người, chúng ta đây vẫn cứ cho rằng: Rồng là một loài thủy quái ở tận sâu đáy bể, thỉnh thoảng mới hiện lên một lúc và gieo biết bao kinh hoàng sợ hãi. Như giữa lúc bầu trời quang đãng, biển lặng như tờ, thì đột nhiên trên mặt bể giao động, thấy nhô lên một con vật dài... hàng kí lô mét, trên lưng có bờm ngũ sắc, vẩy lóng lánh vân rất đẹp, vùng vẫy ngoài khơi, tạo thành những đợt sóng khổng lồ nối tiếp nhau văng tung tóe và nước bể sôi sùng sục.

Đối với người Tây phương, thì con Rồng chỉ là một sản phẩm tưởng tượng ra một con quái vật có cánh như cánh chim, có móng vuốt như sư tử và một cái đuôi như đuôi rắn chẳng hạn... Trong thánh kinh của đạo Công Giáo thì Rồng tượng trưng ma quỷ. Cuốn 12 chương 2 sách "Apocalypse" do thánh Jean biên chép, có nói tới câu chuyện một người đàn bà đẻ một con Rồng lửa tới 7 đầu và 10 sừng lận... Con Rồng lửa ở đây hiện thân của quỷ dữ Satan kẻ thù của Thượng Đế.

Vào thời Trung Cổ, người ta coi Rồng là một bảo vật cao quí, thiêng liêng, trong những truyện cổ tích hoang đường. Các hiệp sĩ thời ấy, thường lấy Rồng biểu dương cho sức mạnh. Đại để là thế. Khác với quan niệm của Tây phương thì cho Rồng là những quái vật tàn ác và dữ dội. Như quái vật hồ Loch Ness. Hồ này là một cái hồ dài và sâu nằm ngay trong vùng núi non cao nguyên xứ Ecosse.

Tục truyền nơi ấy có một con vật dị kỳ. Không ai biết rõ hình dạng. Nhưng tưởng chừng như nó là một thứ Rồng đất, vừa ở dưới nước, vừa ở trên bộ. Nó tựa như một con rắn khổng lồ. Người Anh Cát Lợi đặt tên con rồng đó là Nessie.

Về truyền thuyết con Rồng thì lắm lắm.

Như dân Việt Nam ta đã phong cho Rồng được cái hân hạnh làm thủy tổ giống nòi. Dân ta có câu: "Con Rồng Cháu Tiên". Thật quả là đúng lắm. Xét ra một phần lớn là dân ta chịu ảnh hưởng thần thoại Trung Hoa.

Theo thần thoại Trung Hoa thì con Rồng là Long Vương họ Ngao tên Vương và có bốn anh em, mỗi vị làm chủ một vùng đại dương, nhưng đều chịu mệnh lệnh của ông anh là Ngao Vương. Ngoài ra còn có một tên khác là Ngao Quảng hay ông Đông Hải. Đã từng giúp Tề Thiên Đại Thánh, cứu thoát thầy Đường Tam Tạng khỏi tay ma nữ và khỏi bị luộc chín trong lòng chảo.

Ngày nay, không còn ai được trông thấy ông Ngao Quảng hiện nguyên hình nữa. Song vẫn còn được mục kích ông diễn trò: "hút nước lên trời". Được gọi là vòi Rồng vậy. Vòi Rồng là một luồng gió lốc quay vòng tròn, có một sức mạnh vô địch một không hai. Đi tới đâu là tàn phá tới đó. Trên bộ thì rút cạn sông hồ, lật tung nhà cửa, mà ngoài biển thì hút hẳn cả một vòi nước lên mây và cuốn theo luôn những thuyền bè vô phúc ở trong phạm vi tung hoành của Long Vương. Người Tây phương gọi là Trombe hay Cyclone. Làm cho ta liên tưởng tới cái vòi voi (trombe). Biết đâu đấy, người phương Tây lại cũng như người phương Đông tin là có vòi Rồng hay cơn gió lốc thật.

Không ai rõ được hình dáng của Rồng cùng những bộ phận bên trong. Ấy thế mà thuật sĩ đời Tam Quốc là Tả Từ đã có lần hiến cho Tào Tháo món gan rồng còn đẫm máu tươi và nóng hổi. Chẳng hiểu Tả Từ đã dùng phép thuật ra sao? Mà đích thực ấy có phải là gan Rồng hay chăng? Song cứ như sách Tam Quốc chép lại thì quả thực là Tào Tháo được cái diễm phúc nếm món gan Rồng đặc biệt đó. Đến như các vì vua chúa uy quyền lừng lẫy, cũng chưa mấy ai đã được thưởng thức.

Cũng theo dã sử Trung Quốc, thì một đôi khi các bậc đế vương cũng thấy Rồng xuất hiện.

Ngoài ra con Rồng là một giống linh vật hiếm có, biến hóa vô cùng, khi thì ở dưới đáy bể, khi thì ở mãi chín từng mây. Trên trời thì bay, dưới nước thì lội. Và tùy theo hoàn cảnh mà thay hình đổi dạng. Cho nên các nho gia lấy Rồng tượng trưng cho quẻ Kiền. Quẻ Kiền trong kinh dịch là quẻ Thuần Dương.

"Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình".

Khi Rồng chưa gặp vận thì Rồng ẩn náu ở ao tù. Rồng ở ao tù tức là khí dương mới có. Cho nên không đủ sức vẫy vùng. Do đó quẻ Kiền đầu tiên là quẻ "Sơ Cửu", có nói: "Tiềm Long vật dụng". Rồng ẩn không dùng. Cho đến khi mỗi ngày một lớn, khi tới quẻ "Cửu Ngũ" thì đã đủ điều kiện để: "Phi Long tại thiên". Rồng bay lên trời.

Cổ nhân cũng lấy Rồng để tượng trưng cho người quân tử. Người quân tử có đức độ thì cũng có thể biến hóa như Rồng. Khổng Tử ví Lão Tử như một con Rồng là cũng theo cái nghĩa ấy.

Rồng có thiệt hay không? Người Á Đông ta không bao giờ đặt câu hỏi ấy cả. Nhưng ngày nay Rồng cứ "Phi Long tại thiên" và không còn ở dưới chốn nhân gian này nữa.


VÂN NGHÈ           
sưu tầm và biên khảo.   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 105, ra ngày 31-8-1973)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>