Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CHƯƠNG VIII_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG VIII


Chị Thanh đã bắt đầu tâm sự với Thịnh về Tuấn. Có thể chị sẽ lập gia đình với Tuấn khi thi xong. Chị Thanh đang chờ lời cầu hôn của Tuấn. Chị bảo:

- Tuấn giầu lắm mày ạ. Tao hy vọng lấy chồng cho đời sống khả quan hơn. Nói thật với mày, dạo trước tao có chấm tên Nghiêm, nhưng sau thấy hắn cù lần và nghèo quá, tao đâm nản.

Thịnh không bình phẩm, chấm ai, đó là quyền của chị. Chị đẹp quá nên chị mặc nhiên có quyền lựa chọn. Còn Thịnh, cờ đợi sự lựa chọn của người ta một cách thụ động mà có lẽ không bao giờ đến...

Chị Thanh may sắm khá nhiều, Thịnh hỏi thì chị cho biết là Tuấn tặng.

- Tuấn hào hoa lắm chớ bộ mày tưởng. Người ta con nhà giầu, tiền bạc đâu có làm gì cho hết.

Động một chút là chị nói đến cái giầu, cái nghèo. Thịnh lảng xa những câu chuyện kiểu đó của chị.

Từ ngày anh Thái đi, Thịnh thấy cô đơn hơn tước. Dù anh ở nhà không giúp gì cho Thịnh nhưng sự hiện diện của anh làm Thịnh thấy an tâm hơn. Chúa nhật này là chúa nhật đầu tiên Thịnh sẽ đi thăm anh Thái. Thịnh rủ Hiền cùng đi cho vui, phần chị Thanh, chị từ chối.

- Đi từ đây lên Quang Trung xa thấy mồ, nắng ăn da đen hết trơn. Mày không sợ đen sao?

Thịnh cười:

- Em vốn đen rồi, đen thêm chút nữa đâu có sao. Câu nói chua xót nhưng chị Thanh không nhận thấy. Chị không bao giờ nhận thấy một điều gì không thuộc quyền lợi của chị.

*

Thanh cầm mẩu giấy nhỏ ghi đại đội, tiểu đội của anh Thái, hỏi Hiền:

- Bây giờ làm sao kiếm ảnh đây, người ta đông quá trời.

Hiền lắc đầu:

- Tao cũng không biết! Hay là mình hỏi đại mấy ông này coi.

Một SVSQ đi ngang, Hiền hỏi nhanh:

- Thưa anh, cho hỏi thăm, muốn tìm người quen thì làm sao ạ?

Người thanh niên rất trẻ với mái tóc hớt cao. Anh ta cầm mảnh giấy nhỏ trong tay Thịnh rồi chỉ tay về phía xa:

- Hai cô lại chỗ kia, đó là nơi đại đội của Thái ghi tên thân nhân đấy. Lại đó chờ chút xíu.

Hiền kéo tay Thịnh đi. Cô bé mạnh dạn lạ. Có lẽ nỗi nôn nao được gặp lại Thái làm Hiền thêm can đảm. Một nhóm khoảng sáu người đang ngồi. Hiền đưa mảnh giấy ra. Một anh cười:

- Hai cô là thân nhân hả?

Hiền gật đầu:

- Dạ.

Người con trai quay nói gì với bạn.

- Hai cô cờ một chút, tụi tôi gọi anh Thái cho.

Thoạt tiên, Thịnh và Hiền không nhận ra anh Thái. Anh đen và ốm. Nhưng đặc biệt nhất là mái tóc anh... mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh ngày nào bây giờ đã được cắt ngắn thật ngắn. Trông anh lạ hẳn đi. Anh Thái vui vẻ:

- Thịnh chịu khó nhỉ. Lại cả Hiền nữa. Hai cô đi lên bằng xe gì vậy?

Hiền im lặng, e lệ. Thịnh đáp:

- Tụi em đi Honda của Hiền.

Anh Thái cười:

- Sao biết đường hay vậy?

- Vừa chạy vừa hỏi đường đó anh. Nắng thấy mồ.

Anh Thái xuýt xoa:

- Chết anh quên. Thôi mời hai cô vào câu lạc bộ, anh khao chầu nước.

Khung cảnh lạ mắt đối với Thịnh. Những câu diễu cợt của mấy người bạn của anh Thái làm Thịnh cũng phát ngượng. câu chuyện ba anh em xoay quanh lính tráng. Anh Thái than nhớ Sàigòn, anh nói:

- Ở đây vui với bạn bè, nhưng vẫn thèm không khí Sàigòn. Nhiều lúc, buổi tối, anh bỗng tưởng tượng nếu mình đang ở Sàigòn giờ này chắc anh sẽ đi lang thang đến một quán café nào đó, chui vào ngồi để thấy ấm hơn một chút.

Hiền nhỏ nhẹ:

- Anh Thái mà còn lãng mạn quá:

Anh Thái nheo mắt:

- Thế bộ lớn rồi là không có quyền lãng mạn sao Hiền? Vả lại, anh đâu có lãng mạn. Đó chỉ là ý thích bình thường. 

Thịnh cho anh hay gia đình vẫn bình thường. Hai cô bé từ biệt anh Thái để về lúc gần trưa. Thịnh hỏi Hiền:

- Mày thấy anh Thái thay đổi nhiều không?

Hiền mơ màng:

- Trông ảnh khỏe ra.

Khuôn mặt Hiền đánh dấu những mộng mơ mới. Thịnh giành lái xe, Thịnh muốn cho Hiền được thảnh thơi với những gì vừa đến cùng Hiền...

*

Thịnh đã để dành được một số tiền kha khá nhưng vẫn chưa đủ cho việc chạy chữa cho ba. Bác sĩ Niên cho biết là vị bác sĩ kia còn ở lại Việt Nam lâu nên Thịnh cũng đỡ lo. Bây giờ, ngoài số tiền mà Thịnh phụ giúp má mỗi tháng, Thịnh không bao giờ tiêu một chút gì vào đồng lương của mình. Thịnh nhất quyết đưa ba trở lại đời sống bình thường…

Hè đến rồi hè qua. Thịnh đã học lớp 12. Chị Thanh thi hỏng khóa một. Chị không có vẻ buồn bao nhiêu. Hình như chị chờ đợi ở đời sống một cái gì khác hơn là mảnh bằng. Chị vẫn nói với Thịnh, Tuấn sắp đi hỏi chị, Thịnh không biết ngày ấy sẽ đến vào lúc nào, nhưng Thịnh vẫn cầu mong cho chị Thanh đạt được những gì chị mơ ước. Một người con gái đẹp phải được hưởng mọi đặc ân của Thượng Đế.

Thịnh cảm nhận tuổi lớn đến với mình. Tìm đủ mọi cách để an thân trong bổn phận. Thịnh thấy càng ngày mình càng xa lạ với con bé Thịnh của những ngày trước. Thịnh bây giờ đắn đo trong mọi việc, chi li trong mọi việc. Đời sống không ưu đãi Thịnh nên Thịnh phải tìm cách thích hợp với đời sống. Anh Thái đã được về thăm nhà vào mỗi tuần. Thịnh nhìn thấy hạnh phúc trong mắt bạn mỗi lần anh mình về phép. Có lẽ anh Thái cũng quý mến Hiền… Hiền dễ thương, Hiền thanh nhã. Thịnh đôi lúc hơi buồn cười khi thầm nghĩ nếu một ngày nào đó, anh Thái muốn lập gia đình với Hiền. Đứa bạn thân bỗng trở thành chị dâu chắc là ngộ lắm. Mà Hiền có thể đạt được mơ ước. Chỉ có Thịnh…

… Và Nghiêm, vẫn không bao giờ Thịnh quên được dù Thịnh cố tình trốn lánh Nghiêm.Rất huy hoàng ở giữa quả tim Thịnh, hình ảnh Nghiêm ngự trị muôn đời. Nghiêm là người con trai duy nhất đã đến trong tâm hồn Thịnh rồi định cư tại đó. Đôi khi Thịnh đã lầm tưởng mình lạ lùng được với Nghiêm, khi một hay hai tuần không gặp Nghiêm. Nhưng rồi... tình cờ Nghiêm đến, chỉ nhìn thấy Nghiêm thôi, nỗi xao động đã lớn dậy làm Thịnh hốt hoảng. Thịnh kềm chế mình đến tội nghiệp nhưng cô bé vẫn thất bại.

Con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy lá me bay, những buổi trưa tan trường bóng lá xanh sân, Thịnh đã đi với bao nhiêu mơ mộng.

Căn nhà Nguyệt, những buổi tối quạnh hiu nằm cạnh một người đàn bà còm cõi... tất cả những điều đó vây quanh cuộc sống Thịnh không nguôi... Có những hôm, Nguyệt rủ Thịnh ra vườn hoa ngồi... Nguyệt nói với Thịnh về tình yêu... thì ra con người, dù sống trên đống vàng vẫn bị tình cảm làm khổ và chi phối... Nguyệt có một người yêu, hai người sắp lấy nhau thì người con trai qua đời trong một tai nạn xe hơi. Nguyệt đã nói:

- Khi được tin, Thịnh biết là tôi như rơi từ trên đỉnh thác cao xuống đáy vực sâu. Mới cách đấy một tiếng đồng hồ, anh ấy còn trò chuyện với tôi tại nhà, hai đứa còn nhìn thấy nhau, tay trong tay, mắt trong mắt. Chỉ một giờ sau, từ tạ tôi, anh ấy đã ra người thiên cổ. Từ lúc ấy tôi thấy đời sống phù du quá, và cái nghĩa của sự chết không phải là quá khó hiểu như mọi người vẫn tưởng. Anh ấy mất đi. Tôi hiểu cái chết không phải là chấm dứt tất cả, và người chết không phải là người khổ mà chính người sống khổ. Người chết họ thảnh thơi ra đi, phó thác tất cả cho người còn ở lại. Tôi đã khổ, bây giờ tôi không phải là đã hết nhưng lâu dần mình quen đi Thịnh ạ. Tôi học được một kinh nghiệm đó là bất cứ điều gì, ngay cả đau khổ, mình cũng có thể tập làm quen dần dần được...

Nguyệt mới hai mươi hai, nhưng ý nghĩ Nguyệt rất người lớn. Những lần nói chuyện với Nguyệt, Thịnh học được nhiều điều hay nơi thiếu nữ này. Thịnh đâm ra mến Nguyệt thật nhiều. Nguyệt như một người chị, khoan dung và dịu dàng. nếu Nguyệt làm quen được với nỗi khổ thì tại sao Thịnh lại không? Hay bởi vì Nguyệt biết chắc rằng người yêu Nguyệt đã mất đi, có nghĩa là mãi mãi, anh đã thuộc về Nguyệt cho nên Nguyệt dễ nguôi ngoai... còn Thịnh, Nghiêm vẫn đâu đó, gần gũi bên cạnh cuộc sống này, nụ cười, ánh mắt, giọng nói. Sự hiện diện thường xuyên gợi nhớ không nguôi làm sao Thịnh quên cho được.

Đôi lúc Thịnh cũng muốn nói cho Nguyệt hiểu về mình nhưng cô bé lại thôi. Tốt hơn hết mình nên im lặng. Cuộc sống mình đã như thế, đừng phô bày thêm cho người khác nhìn nữa.

*

Mấy hôm nay chị Thanh buồn buồn. Thịnh không hiểu tại sao, cũng không dám hỏi chị. Thịnh sợ khơi động một điều gì mà người khác muốn giấu kín.

Buổi tối bây giờ Thịnh không còn ở nhà, không còn ngủ chung với chị Thanh nên cũng không nghe được những lời chị tâm sự. Có điều, hình như cả tuần nay không thấy Tuấn đến nữa. Thịnh lờ mờ đoán có lẽ hai người giận nhau cũng nên!

Trưa, Thịnh vào giường nằm nghỉ, định dỗ giấc ngủ một chút trước khi đến hãng buôn nhưng vừa vào, Thịnh khựng lại khi thấy chị Thanh đang nằm úp mặt trên gối khóc. Thịnh định rút lui nhưng chị Thanh đã gọi lại:

- Thịnh.

Thịnh bước nhè nhẹ đến ngồi bên mép giường:

- Sao chị buồn?

- Tao chán sống lắm.

Thịnh lo lắng:

- Chuyện gì đến nỗi chị phải nói như vậy. Em nghe được không?

- Tuấn đi rồi!

Thịnh hơi ngạc nhiên:

- Đi? Mà ảnh đi đâu hả chị?

- Đi nước ngoài.

Thịnh thở phào nhẹ nhõm:

- Vậy thì chị lo gì. Ảnh đi mai mốt ảnh về, càng có tương lai hơn nữa.

Chị Thanh lắc đầu:

- Không phải đâu, Tuấn đi... ở luôn.

Thịnh thắc mắc:

- Chị nói gì em không hiểu?

Giọng chị Thanh đầy nước mắt:

- Thì chính tao cũng đâu có hiểu. Tuấn hứa hẹn với tao đủ điều, nào là nhất định đi hỏi tao trong năm nay, nào là đám cưới sẽ thế này thế nọ… đùng một cái, hắn bị đi lính, gia đình hắn tìm cách đưa hắn đi trốn lính.

Thịnh mở tròn mắt:

- Anh Tuấn đang học Y Khoa mà, sao lại đi lính?

Chị Thanh bĩu môi:

- Y Khoa cái mốc xì! Hắn có học hành khỉ gì đâu, chỉ nói láo để lòe tao thôi. Tại tao ngu... thấy cái mã bề ngoài của hắn tao tưởng hắn giỏi thật...


Thịnh thấy thương hại chị Thanh. Quả thật, chị chỉ xét người qua cái vỏ bề ngoài. Cũng may là sự lầm lẫn của chị chưa có gì tai hại lắm. Chị Thanh bỗng hỏi:

- Cả tuần nay anh Nghiêm không đến à?

Thịnh sựng người lại. Quả tim cô bé nhói đau. Chị Thanh sao đột nhiên lại nhớ đến Nghiêm? Hay chị định quay trở lại với Nghiêm sau khi giữa chị và Tuấn đã hết? Thịnh nghẹn giọng trong khi chị Thanh vẫn mơ màng:

- Chắc anh Nghiêm giận tao nhiều… nhưng kệ, để tao làm lành với ảnh thử coi… anh Nghiêm dù sao cũng học giỏi, chỉ tội nghèo… tao hết ham giàu rồi.

Thịnh đứng lên đi ra. Cô bé thấy bầu trời quay cuồng. Chị Thanh! Đáng lẽ chị không nên làm như thế, nghĩ như thế. Chị phải hiểu... em khổ đến đâu... nhưng, lâu nay em đã chịu đựng được thì bây giờ em phải tiếp tục chịu đựng được. Không ai giúp em được đâu. Chị hãy làm tất cả những gì chị muốn. Chị đẹp, và chị sẽ thành công... em chưa là gì của Nghiêm cả... em chỉ là nhỏ Thịnh xấu xí trong quên lãng của người khác. Chị sẽ về với Nghiêm... còn em, cho dù chị không vè với Nghiêm thì em cũng chả bao gờ là gì cả. Em là một thứ lãng quên của mọi người...

*

- Trưa mai Thịnh ghé nhà tôi ăn cơm nghe.

Nguyệt nói, tay cầm một lô sách đưa cho Thịnh. Đây là số sách Nguyệt đã đọc rồi, cho Thịnh mượn. Lâu nay Nguyệt vẫn đưa cho Thịnh những loại sách học hỏi như thế này. Thịnh đón chồng sách trên tay Nguyệt.

- Buổi trưa em bận lắm chị Nguyệt. Em đi học về, ăn cơm xong em lại phải đi làm buổi chiều ngay.

Nguyệt ngạc nhiên:

- Thế mà lâu nay tôi không biết. Thì ra Thịnh phải đi làm thêm buổi chiều nữa ư? Thịnh làm gì lắm vậy, rồi tiền bạc để đâu cho hết?

Thịnh thật thà:

- Ba em đau, ông cụ bị hỏng hai mắt trong tai nạn xe hơi chị ạ. Bây giờ, em phải kiếm tiền cho đủ để ba em chữa bệnh.

Nguyệt xúc động:

- Tôi không ngờ Thịnh thương gia đình đến như vậy. Sao lâu nay Thịnh không nói với tôi?

Thịnh cúi đầu:

- Em nghĩ đó là chuyện riêng gia đình em nên em không nói ra. Vả lại…

Nguyệt cắt lời:

- Không, tôi muốn nói một ý khác. Sao Thịnh không nói ra với tôi, tôi có thể đưa cho Thịnh mượn trước một số tiền để đưa bác đi chữa mắt.

Thịnh run run nhìn Nguyệt cảm động. Không ngờ cô gái này tốt như vậy!

- Em sợ làm phiền chị, vả lại em không dám lợi dụng lòng tốt của chị đâu.

Nguyệt lắc đầu:

- Có gì mà Thịnh nói quá. Tôi chỉ cho Thịnh mượn trước rồi trả dần vào tiền lương Thịnh. Đối với tấm lòng Thịnh lo cho bác, tôi làm thế không có gì đáng gọi là quá lắm đâu Thịnh cứ cho tôi biết rõ số tiền Thịnh cần?

Thịnh rụt rè:

- Dạ, để em đi hỏi lại bác sĩ đã.

- Vậy trưa mai Thịnh ghé ăn cơm nhé.

Rồi để cho Thịnh khỏi thắc mắc, Nguyệt tiếp:

- Ngày mai anh tôi về nhà… mẹ tôi cho gọi anh ấy… nhà không có ai mà tôi làm cơm đãi ảnh nên… mời Thịnh làm khách vậy.

Thịnh ngạc nhiên:

- Anh chị.. sao em không thấy lâu nay?

Nét mặt Nguyệt thật buồn:

- Ba mẹ tôi ly thân, tôi sống với mẹ còn ảnh sống với ba. Mẹ tôi giận ba và ảnh nên không bao giờ ảnh về đây hết. Không hiểu sao lúc này mẹ tôi đổi ý, bảo mời ảnh về cho mẹ tôi nói chuyện… có lẽ bà cụ muốn anh tôi về sống chung cho vui?

Thịnh áy náy:

- Nếu một mình chị thì.. em dám đến. Có ảnh nữa, em lại ăn kỳ quá.

- Không đâu. Ảnh hiền và dễ thương mà. Vả lại, ăn cơm có hai anh em buồn chết. Thịnh đến nhé.

Thịnh không muốn làm buồn lòng Nguyệt. Cô bé gật đầu.

*

Nguyệt cười thật vui đón Thịnh:

- A! Thịnh. Cứ lo Thịnh không đến. Thịnh đi bằng gì vậy?

Thịnh cười nhẹ chào Nguyệt:

- Dạ em đi xe lam.

- Đi xe lam phải đi bộ xa hả Thịnh?

- Dạ, đi bộ một chút xíu hà.

Nguyệt nắm tay Thịnh vào nhà.

- Thịnh thấy không, nhà vắng hoe hà, tính tôi với anh tôi khác nhau lắm, hai đứa ăn cơm với nhau thế nào cũng gây lộn. Có thêm Thịnh, ảnh không lộn xộn với tôi.

Rồi Nguyệt cười thân ái. Thịnh ngạc nhiên không thấy anh Nguyệt đâu, Nguyệt nói:

- Ảnh ở trong phòng mẹ tôi. Mình vào bàn trước là vừa.

Cánh cửa ăn thông sang phòng bà Tâm chợt mở… và Nghiêm, vẫn Nghiêm với áo chemise trắng, nụ cười thân quen… sao lại là Nghiêm ở đây, giờ phút này? Thịnh mở lớn đôi mắt đến nứt khóe, không tin sự thật trước mắt mình…

Nghiêm gọi:

- Thịnh!

Thịnh thấy mắt mình như hoa lên, tai ù đi… Nghiêm… Nghiêm. Khuôn mặt Nguyệt và những nét hao hao quen biết… tại sao mình không nhớ là ba mẹ Nghiêm cũng ly thân… chắc tại mình không thể nào ngờ… Nhòa nhạt chung quanh Thịnh là giọng Nghiêm và khuôn mặt Nguyệt…

… Thịnh bỗng quay mình chạy đi. Thịnh không nhìn thấy gì nữa. Cô bé chỉ còn thấy con đường lát sỏi từ nhà ra cổng, cánh cổng mở tung rồi cô bé chạy băng ra đường. Thịnh gọi đại một chiếc xích lô rồi gieo mình vào… Mơ hồ sau lưng Thịnh, có giọng Nghiêm trầm ấm và tiếng Nguyệt thanh cao cất lên…

*

Thịnh đi lang thang trên những con đường thật vắng, bước chân cô bé vô định dẫm lên những lề đường lạ… Thịnh không hiểu bây giờ là mấy giờ… Thịnh không hiểu công việc ở hãng buôn có chờ đợi mình không? Thịnh không còn biết giờ và muốn gì nữa. Cuộc gặp gỡ Nghiêm bất ngờ và gieo vào lòng cô bé mối xáo trộn quá lớn… Thịnh không biết mình nên đi đâu và mình muốn gì? Sao Nghiêm lại là anh Nguyệt? Mình chạy trốn đâu cũng gặp Nghiêm… bây giờ mình đã biết Nghiêm từ đâu đến… Nghiêm từ gia đình rất giầu sang quí phái, thảo nào nhân dáng Nghiêm thanh lịch, cử chỉ Nghiêm hòa nhã, ý tưởng Nghiêm coi thường vật chất... Mình đã biết Nghiêm để thêm khoảng cách. Mình làm gì bây giờ. Chắc Nghiêm sẽ không bao giờ đến với mình nữa... chắc mình sẽ trốn Nghiêm, mình không dám gặp. Không hiểu tại sao thế... Nghiêm sẽ nghĩ gì, những buổi tối mình vắng nhà đó... Thịnh thấy chung quanh hiu quạnh quá! Sao định mệnh khắt khe với mình đến như vậy? Nếu mình không tình cờ gặp Nghiêm ở đây, chắc chẳng bao giờ mình hiểu gì về Nghiêm... Nghiêm ơi! Anh vốn đã xa Thịnh trong ý nghĩ Thịnh, bây giờ anh lại càng lạ lẫm hơn. Xin anh hãy vì lòng nhân đạo với một con bé đáng thương mà đừng cho Thịnh gặp nữa. Anh bây giờ đã xứng đáng với chị Thanh... Nếu chị Thanh biết rằng anh xuất thân từ một gia đình quyền quý... nếu... nếu... biết bao nhiêu câu hỏi trong đầu Thịnh. Cô bé nhìn bầu trời mà như không thấy sắc xanh.

*

Một tháng trời trốn lánh, Thịnh vùi đầu vào việc học và công việc kế toán để tìm quên. Nghiêm đến chơi, bình thường chỉ có Thịnh biến đi. Hiền vẫn hỏi Thịnh, sao như mất hồn, Thịnh cười buồn với bạn. Câu trả lời dường như xa tít tắp ở một thủa nào…

Chuông tan trường vang lên. Hiền hỏi bạn:

- Hôm nay mày đi bộ à?

Thịnh gật:

- Tao đi xe bus. Xe đạp thằng Thuận mượn.

- Vậy đi với tao. Tao cũng đi bộ.

Hai cô bé sánh bước đi, im lặng. Bỗng Hiền nói:

- Ai in là anh chàng hay đến nhà mày kìa.

Thịnh giật mình nhìn theo tay Hiền chỉ. Bên kia đường, Nghiêm và chiếc xe P.C. băng qua. Thịnh thấy mắt mình như tối lại. Hiền nói nhanh:

- Thôi ô-voa nghe, mai gặp.

Cô bé lẩn nhanh. Thịnh nghe thấy tiếng Nghiêm:

- Anh đưa Thịnh về.

Thịnh thấy chân mình vẫn bước đều. Thịnh không hiểu sao mình không nói được gì. Nghiêm dịu dàng:

- Thịnh!

Thịnh dừng lại. Họ đối diện nhau, thật gần, Thịnh cúi đầu, không dám nhìn Nghiêm. Anh ác lắm, tìm Thịnh làm gì tội nghiệp Thịnh. Vẫn tiếng Nghiêm:

- Anh nghe Nguyệt nói nhiều về Thịnh. Sao Thịnh lại giấu anh về việc chạy chữa cho... ba? Sao Thịnh trốn lánh anh trong khi anh cố tình tìm kiếm Thịnh?

Giọng cô bé thổn thức:

- Thịnh sợ.

Nghiêm cười ấm cả buổi trưa:

- Anh đã làm gì cho Thịnh sợ? Thịnh, anh rất hiểu Thịnh, đừng bao giờ quên điều đó. Nếu Thịnh coi anh tầm thường như tất cả những người con trai khác thì thôi, chúng ta chia tay nhau ở đây. Còn nếu Thịnh còn nhìn thấy ở anh một điều gì khác như anh đã nhìn thấy ở Thịnh thì Thịnh lên đây anh đưa bé về… như một buổi sáng tình cờ, anh đã gặp bé… bé chưa quên phải không, Toàn Thịnh?

Hai giọt nước mắt long lanh trên má thiếu nữ. Thịnh vén vạt áo dài trắng, ngồi lên yên sau chiếc P.C. Nghiêm cười với Thịnh rồi rồ ga. Qua vai áo Nghiêm, Thịnh thấy không gian bỗng chừng xanh ngát màu hy vọng, xanh như mây trời...


NGUYỄN THỊ DUY AN 

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHƯƠNG VII_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG VII


- Sao lâu nay anh đến nhà buổi tối không gặp Thịnh?

Buổi sáng chủ nhật căn nhà vắng vẻ, Nghiêm ngồi trên ghế, khuôn mặt ngẩng cao, giọng nói ấm và thẳng, mầu sơ mi trắng… luôn luôn là mầu áo trắng. Thịnh nhỏ giọng:

- Buổi tối Thịnh bận:

Nghiêm trầm giọng:

- Anh đoán Thịnh lại đi làm thêm ở đâu đó để kiếm tiền phụ gia đình phải không? Anh vẫn thắc mắc, sao những gánh nặng lại chỉ sang qua cho Thịnh mà không cho ai khác.

Thịnh lắc đầu:

- Đáng lẽ anh đừng nói với Thịnh như vậy. Những gì Thịnh làm, là bởi vì nó ở trong khả năng của Thịnh, thế thôi.

Nghiêm cúi mặt:

- Đôi khi nhìn Thịnh, anh thấy thẹn cho chính mình. Chưa bao giờ anh nói với Thịnh về thân thế anh phải không? Ba mẹ anh ly thân, anh sống với ông cụ. Thế mà chưa bao giờ, suốt từ tuổi nhỏ đến ngày nay, anh làm được một điều gì gọi là góp phần vào cuộc sống của hai cha con. Anh chỉ biết sống an nhiên trong tầm lo lắng của người khác.

Thịnh thản nhiên:

- Ngày trước chính Thịnh cũng sống an nhiên như anh. Hoàn cảnh biến đổi mình. Nếu anh tự trách anh như vậy thì có lẽ Thịnh phải tự trách Thịnh sao ngày trước không biết lo toan.

Nghiêm cười nhẹ:

- Mới một thời gian ngắn mà Thịnh trưởng thành hẳn ra, anh muốn nói trong ý nghĩ Thịnh.

Thịnh cười buồn:

- Đời sống thổi phồng mình lên rồi buộc mình phải thích ứng.

Nghiêm nhịp nhè nhẹ những ngón tay dài trên mặt bàn. Anh bỗng nhìn thẳng vào mắt Thịnh:

- Anh có cảm tưởng như Thịnh muốn tránh mặt anh.

Thịnh nhìn xa về một hướng khác. Anh Nghiêm, chính Thịnh cần gặp anh hơn ai hết! Nhưng Thịnh không dám, Thịnh sợ càng ngày hình ảnh anh càng đậm nét trong Thịnh. Anh tha thứ cho Thịnh đã làm buồn lòng anh, nhưng anh hãy thông cảm, đó là cách tự vệ duy nhất của Thịnh…

- Sao anh hỏi Thịnh không nói?

- Vì Thịnh đang tự hỏi sao anh lại hỏi Thịnh câu đó.

- Vậy không phải sự thật sao?

Thịnh nghiêm giọng:

- Tại sao Thịnh phải tránh anh?

Thịnh biết mình lỡ lời và làm Nghiêm ngượng. Nhưng Nghiêm vẫn bình thản:

- Thịnh cứ bình tĩnh. Anh nghĩ như vậy, nếu không phải sự thật thì thôi, sao lại giận anh?

Thịnh buồn buồn:

- Thịnh không giận anh đâu. Không bao giờ Thịnh giận anh.

Câu nói ẩn chứa tất cả tâm sự nhưng làm sao Nghiêm hiểu được. Thịnh muốn quay mặt chạy đi, đừng nhìn Nghiêm nữa để nghĩ Nghiêm vẫn muôn đời xa vời vợi… Thịnh tìm cách chuyển đề tài:

- Hình như lúc sau này chị Thanh hơi giận anh.

Nghiêm hững hờ:

- Thế à.

Thịnh lúng túng:

- Thịnh… Thịnh nghĩ vậy. Anh thấy vậy không?

Nghiêm lắc đầu:

- Anh cũng không rõ. Thanh có quyền giận nếu Thanh muốn. Có điều anh nhận thấy ở anh là anh không làm gì động chạm đến Thanh để Thanh buồn cả.

Im lặng. Một lúc lâu thật lâu, Nghiêm nói:

- Sao Thịnh lúc nào cũng nghĩ đến người khác, cho người khác?

- Bởi vì Thịnh đâu có gì để nghĩ.

- Thịnh lầm! Theo anh, chính Thịnh có nhiều điều để nghĩ mà Thịnh không nhớ tới.

Thôi anh, Thịnh tự hiểu được mà, anh đừng nói với Thịnh nữa. Đừng đâm thêm vào quả tim nhỏ bé tội nghiệp của Thịnh những nhát dao vô tình nữa. Anh Nghiêm, hãy nói về đời sống hoa mộng của anh, một tương lai nắm chắc bằng khả năng và triển vọng. Hãy bỏ quên Thịnh trong những góc tối  tìm thấy của ngôn ngữ.

Chị Thanh về đến. Thấy Nghiêm và Thịnh, chị hơi chau mày rồi tươi ngay lại nét mặt.

- Anh Nghiêm đến lâu chưa?

Nghiêm gật đầu:

- Khá lâu.

Chị Thanh chanh chua:

- Tâm sự quá trời hả Thịnh?

Thịnh đỏ mặt nhìn Nghiêm cầu cứu. Nghiêm hắng giọng:

- Anh nói chuyện với Thịnh, Thanh đừng nói như vậy.

Chị Thanh hơi mím môi:

- Vào làm cho tao ly nước đi, mệt quá!

Thịnh bước ra nhà sau, cô bé cảm tưởng ánh mắt của Nghiêm đang đuổi theo mình với một chút thương hại…

*

Nguyệt nhìn chồng sách học của Thịnh, ngồi xuống:

- Năm nay Thịnh chưa thi phải không?

- Chưa chị ạ, sang năm.

Nguyệt cười:

- Tôi thấy Thịnh chăm lắm, chắc sang năm thế nào cũng đậu.

Thịnh đùa:

- Vậy mà thấy bói nói số em năm ba keo mới đậu.

Nguyệt lắc đầu:

- Hơi nào mà tin. Bói ra ma quét nhà ra rác mà.

Nguyệt rất dễ thương và tế nhị trong lối đối xử với Thịnh. Những buổi tối ở cạnh bà Tâm, mẹ Nguyệt, Thịnh mang bài ra học. Thịnh ngủ trên chiếc giường con cạnh giường bà Tâm. Bà lại có thói quen để đèn sáng lúc ngủ nên Thịnh dễ dàng học bài. Trong nhà ít người, lúc nào cũng lặng lẽ, buổi tối càng lặng lẽ hơn. Công việc lại nhàn hạ, hầu như chỉ việc… ở cùng phòng với bà Tâm. Thỉnh thoảng bà sai bảo một vài việc lặt vặt vậy thôi. Những buổi tối ở đây, Thịnh ưa thả hồn vào những suy tưởng không thật để rồi mỗi sáng đạp xe về nhà cho kịp giờ đi học. Thịnh kiểm điểm lại rồi tự trách mình mơ mộng. Thịnh được biết Nguyệt năm nay lên năm thứ hai luật. Thịnh thích Nguyệt vì Nguyệt xinh, con nhà giàu lại học giỏi mà không kiêu căng hợm mình. Nguyệt đối xử với Thịnh thật dễ chịu và nhã nhặn, như một người bạn vậy. Thịnh nhớ đến chị Thanh mà bạn bè Thịnh chê là kiêu căng. Một lần Thịnh nói với Nguyệt về cái giàu và sự kiêu căng. Nguyệt đã giải thích:

- Giàu có đâu phải là căn bản của đời sống. Nếu mình cứ ỷ lại nó mà quên đi nhân cách thì mình đâu còn là con người nữa.

Nguyệt điềm đạm và đáng mến. Nguyệt đáng hưởng những hạnh phúc Thượng Đế mang tặng. Thịnh không bao giờ hỏi về gia đình Nguyệt và Nguyệt cũng không nói gì. Chỉ có những gì Thịnh thấy trước mắt thì biết có thế thôi.

Một lần Nguyệt hỏi Thịnh học ở đâu. Thịnh đáp tên trường. Nguyệt cười cười.

- Học ở đó có biết Thanh lớp 12 không? Nghe nói là hoa hậu?

Thịnh muốn nói Thanh là chị em nhưng Thịnh không dám, Thịnh sợ làm như thế tình cờ chị Thanh biết chị sẽ buồn, vì chị Thanh không bao giờ muốn gia đình có một người đi giúp việc kiểu như Thịnh. Thịnh nói trớ đi.

- Dạ biết. Mà sao chị Nguyệt biết?

- Nghe đứa bạn nói cô nhỏ đó đẹp mà kiêu.

Thịnh lặng người, không ngờ tiếng tăm của chị Thanh bay xa đến như vậy. Nhưng Thịnh chắc mình sẽ không dám nói lại với chị Thanh vì chị hẳn sẽ không tin chút nào. Thịnh muốn binh chị Thanh, nhưng thấy mình không thể vịn vào tư thế nào để bênh vực nên thôi.

*

Hai cô bé bước chầm chậm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bóng mát. Hiền hát khe khẽ:

- Trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát…

Khuôn mặt cô bé thật buồn. Hiền hỏi Thịnh:

- Thật không Thịnh?

Thịnh gật đầu:

- Tao dối mày làm gì? Cả nhà tao cũng đang buồn. Biết làm sao được.

Thịnh vừa nói cho bạn nghe việc anh Thái phải nhập ngũ. Nỗi buồn không giấu giếm của bạn làm Thịnh thấy thương Hiền thật nhiều. Hiền cũng như Thịnh thôi. Sao con gái hay vướng vào những mối tình đơn phương để khổ cả đời. Đôi mắt to và đen của Hiền thường ngày trong sáng là thế, ngây thơ là thế bây giờ đã rưng rưng nỗi khổ đầu đời. Thịnh bỗng nắm bàn tay bạn:

- Chiều đến nhà tao chơi.

Hiền hỏi:

- Chiều mày bận đi làm mà?

Thịnh lắc đầu:

- Không, chiều nay tao rảnh công việc, về sớm để làm cơm tiễn anh Thái.

Hiền cảm động:

- Cám ơn mày, tao sẽ đến.

Hai cô bé cúi đầu đếm những xác lá me đang vương vướng  bước chân. Đầu óc mỗi người mang một hình ảnh, một tâm trạng. Thịnh nghĩ đến việc chiều nay về nói trước với anh Thái rằng Hiền sẽ đến. Thịnh không hiểu được anh Thái. Hình như anh chỉ coi Hiền như Thịnh hay như chị Thanh... Tội nghiệp Hiền cũng như tội nghiệp mình. Thịnh ơi! Đời sống không bao giờ vẽ ra những đường nét theo mình tưởng tượng cả, mà nó luôn luôn là những khúc rẽ không ngờ. Như Nghiêm đó, bây giờ còn nhìn thấy, còn gặp gỡ... biết rằng nhìn thấy là đau xót, nhưng chia xa lại còn khổ hơn. Phải tập chịu đựng và khoan dung với định mệnh... Thịnh nhớ, anh Thái đã dặn dò Thịnh! Anh đi để chưa tròn bổn phận là tìm cách đưa ba về ánh sáng. Còn lại Thịnh, anh tin tưởng Thịnh và anh đặt hy vọng vào Thịnh. Thịnh hãy dìu dắt  các em vì anh biết các em nghe lời Thịnh hơn chị Thanh. Ráng làm vui lòng ba má... Thịnh khóc và hứa với anh như vậy...

*

Buồi trưa cả nhà ăn cơm xong, Thịnh nói với anh Thái:

- Chiều nay em có rủ Hiền đến ăn cơm tiễn anh đó.

Anh Thái cười:

- Mấy cô thì cứ vẽ vời tiễn với đưa cho mất công. Trước sau gì rồi anh cũng đi.

Thịnh cãi:

- Thì chính vì vậy mới tiễn. Nếu anh ở nhà, ai tiễn đưa anh làm chi. Kỳ cục.

Anh Thái dễ dãi:

- Thôi thôi, các cô muốn sao cũng được.

Thịnh ngập ngừng:

- Anh Thái…

- Sao Thịnh?

- Anh đừng làm Hiền nó buồn tội nghiệp. Nghe tin anh đi nó buồn lắm.

Anh Thái nhè nhẹ lắc đầu. Không phải là anh không hiểu Hiền đâu, nhưng đáng lẽ Hiền đừng nên nghĩ đến anh sẽ đỡ khổ hơn. Đời con trai vào quân đội lang thang rày đây mai đó, ổn định được đời sống mình đã là điều khó, cầu mong chi đến việc lo toan cho đời người khác. Anh Thái cũng thấy Hiền ngoan ngoãn dễ thương, nhưng có lẽ không bao giờ anh dám tiến tới. Anh sợ để khổ cho Hiền...

Hai anh em cùng nhìn ra bầu trời nặng mây đen. Anh Thái bỗng nói:

- Sắp mùa mưa rồi Thịnh…

*

Chị Thanh đang ngồi tiếp chuyện với Tuấn thì Nghiêm đến. Khuôn mặt chị hơi tái nhưng rồi chị Thanh lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Chị đứng lên giới thiệu:

- Anh Tuấn, dân Y Khoa, bạn Thanh. Và anh Nghiêm, bạn của nhỏ Thịnh.

Nghiêm bắt tay Tuấn, thản nhiên. Chị Thanh tiếp:

- Thịnh nó ở nhà sau ấy, anh Nghiêm.

Một câu đuổi khéo thiếu lịch sự. Nghiêm đi thẳng vào sau khi chào Tuấn. Thịnh đứng ở nhà sau nghe rõ tất cả. Cô bé tái người trước thái độ của chị Thanh. Không ngờ chị Thanh lại có thể trắng trợn với Nghiêm như vậy. Sao Nghiêm bình tĩnh thế, nếu là người khác, không hiểu phản ứng sẽ bất lợi cho chị Thanh đến đâu.

Nghiêm đi vào. Thịnh không dám ngước nhìn Nghiêm, cô bé sợ bắt gặp nơi Nghiêm một nét nào đó! Nhưng Nghiêm đã đến bên Thịnh:

- Thịnh!

- Dạ!

Thịnh ngước nhìn Nghiêm. Nụ cười Nghiêm thật ngọt:

- Chúa nhật, Thịnh không đi chơi đâu sao?

Thịnh lắc đầu:

- Không anh ạ. Thịnh bận lo công việc nhà với má.

Thịnh ngần ngừ rồi nói nhanh:

- Anh đừng giận chị Thanh nghe, anh Nghiêm. Tính chị vẫn thế.

Nghiêm nhìn Thịnh, tia nhìn thật khó hiểu:

- Anh không giận Thanh đâu, Thịnh đừng lo. Tính anh vẫn không thích giận những người không liên hệ đến mình.

Thịnh ngừng ý nghĩ lại một chút. Có thật chị Thanh không liên hệ gì với anh không?Hay anh đang tự dối lòng? Thịnh không dám hỏi nữa, cô bé sợ những câu trả lời sẽ tới của Nghiêm. Tiếng Nghiêm:

- Thịnh sắp nghỉ hè phải không?

- Dạ, còn một tháng nữa.

- Sang năm Thịnh thi, anh kèm sinh ngữ cho Thịnh. Cô bé có bằng lòng không đó?

Thịnh lặng người nhìn Nghiêm. Sao anh cứ mang đến cho Thịnh những hy vọng vàng son như thế, sao không để Thịnh nằm im trong cái kén bất hạnh, anh đưa Thịnh ra rồi một mai Thịnh bị đẩy trở vào, Thịnh đáng thương lắm anh Nghiêm ơi!...

Giọng Nghiêm cất lên:

- Thịnh thu hẹp đời sống mình quá. Anh vẫn đến đây thường mà ít khi nào anh nói chuyện được với Thịnh.

Thịnh cười buồn:

- Tại Thịnh thấy nhiều người nói chuyện với anh Nghiêm rồi.

Nghiêm lấy tay vò mẩu giấy vụn trên mặt bàn. Giọng anh bỗng lạ hẳn:

- Thịnh là cô bé lạ lùng nhất mà anh gặp. Anh muốn nói đến đời sống nội tâm của Thịnh. Có lẽ không ai xuyên thủng được lớp kén Thịnh xây đâu, phải không Thịnh?

Lời nói Nghiêm như dao nhọn, Nghiêm vô tình không biết đang làm Thịnh khổ đến đâu. Thịnh cắn chặt môi ngăn giòng lệ. Nước mắt nghẹn đâu đó trong cổ làm tiếng nói không bật thốt được. Thịnh lắc đầu không đáp. Nghiêm lặng lẽ nhìn khuôn mặt Thịnh, khuôn mặt trông nghiêng không có những nét xuất sắc nhưng khá vừa phải hơn nhìn thẳng. Và Nghiêm bỗng muốn nhìn cô bé thật lâu...

Chị Thanh tiễn khách, tiếng máy xe hơi nổ vang. Chị trở vào, đầy hãnh diện:

- Xin lỗi anh Nghiêm nghe, hồi nãy bận khách.

Nghiêm bình thản:

- Có sao đâu. Anh đến vẫn vào trong này hoài mà.

Chị Thanh cười cười:

- Bạn thân của Thanh đó. Hắn học Y khoa, nhà giàu dễ sợ mà ăn chơi cũng ghê lắm. Có điều gặp Thanh là hắn phải khớp chớ…

Ánh mắt Nghiêm kỳ lạ không thể diễn tả được, chị Thanh vẫn nói tiếp:

- Dạo trước Thanh đâu có cho hắn biết nhà, sợ khó tìm. Vậy mà biết nhà rồi, hắn đến hoài, đeo riết làm bực cả mình. Hồi nãy anh đến Thanh định tống hắn về cho rồi mà không được.

Nghiêm ngạc nhiên:

- Sao lại tống anh ta về?

Chị Thanh không đáp, mỉm cười. Nụ cười chị vẫn đẹp quá, thu hồn quá. Thịnh cúi mặt không dám nhìn…

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

CHƯƠNG VI_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG VI


Sáng nay Thịnh xin nghỉ hai giờ sau. Hiền ngạc nhiên:

- Sao hôm nay mày nghỉ? Có chuyện gì hả.

Thịnh lắc đầu:

- Sáng này tao mang hồ sơ bệnh lý của ba tao xuống bệnh viện, đến ngày hẹn rồi.

Hiền thắc mắc:

- Nhà thiếu gì người, sao không ai đi, mà mày đi?

Thịnh lắc đầu:

- Tao đi quen rồi.

Cô bé thu xếp tập vở ra về… Hiền nhìn theo bạn, thương cho người con gái một đời sống dành cả cho người thân.

Thịnh mang xấp hồ sơ vào, vị bác sĩ già ngước lên. Thấy Thịnh, ông mỉm cười hiền từ.

- Thế nào cháu, ông cụ có khá không?

- Dạ thưa, ba cháu cũng đỡ.

Bác sĩ Niên lật xấp hồ sơ xem. Một lát sau, ông chợt ngước lên, bảo Thịnh:

- À, báo tin cho cháu hay, tháng tới đây sẽ có một vị bác sĩ lừng danh về nhãn khoa ở Tây Đức sang đây. Bác hy vọng bệnh tình ba cháu có thể thuyên giảm được nếu được ông ta chữa trị.

Thịnh nghe như mình vừa bay lơ lửng trên một vùng mây trời nào. Thịnh chồm người tới:

- Thưa bác sĩ... ba cháu có thể chữa được không ạ?

Bác sĩ Niên lắc đầu:

- Bác cũng không rõ. Bác chỉ được tin là ông ta sẽ sang thế thôi. Và vì ông ta không sang với tính cách chữa từ thiện nên cháu và gia đình có lẽ phải lo tiền đầy đủ trước đi…

Ông ký vào giấy tờ rồi giao lại cho Thịnh. Trên đường trở về nhà, Thịnh suy nghĩ thật nhiều. Việc trước tiên, có lẽ kiếm ra thêm tiền. Thịnh nghĩ, sẽ bàn với anh Thái để hai anh em cùng chạy, lo được tới đâu hay tới đó. Má đã tảo tần nhiều, không nên gieo thêm gánh nặng cho má. Trên đường về, Thịnh ghé Pharmacie mua cho ba hai hộp thuốc bổ. Đó là số tiền dành dụm của Thịnh tháng này. Cầm thuốc trong tay, Thịnh thấy vui thật nhiều. Dạo sau này sức khỏe ba suy yếu thấy rõ, có lẽ tại ba đau, một phần nữa ông biết vợ con ông lao lực kiếm sống, ông không đành lòng.

Thuận hỏi chị ngay khi nhìn thấy Thịnh:

- Chị Thịnh hôm nay có gì vui mà coi chị hớn hở quá vậy?

Thịnh lắc đầu:

- Có gì đâu. Thuận dắt xe vào dùm chị đi, chị ra nhà sau rửa mặt.

Cầm hộp thuốc lên nhà, Thịnh đến cạnh ông Diệp đang ngồi trên ghế, một mình. Thịnh gọi nhỏ:

- Ba.

Ông Diệp ngước đôi mắt vô hồn lên.

- Thịnh phải không?

- Dạ, con. Ba khỏe không ba?

Ông Diệp cười nhẹ:

- Ba vẫn thế. Sao con hỏi vậy?

Thịnh ngồi cạnh cha:

- Con thấy lúc sau này ba yếu quá mà, ba. Con có mua hai hộp thuốc bổ, ba uống thử có hợp không, nếu hợp tháng sau con mua thêm.

Ông Diệp xúc động run run. Ông không ngờ con ông lại có đứa biết lo cho cha mẹ như vậy. Ông vuốt tóc Thịnh:

- Sao con không để dành tiền mà may mặc thêm cho tử tế, tuổi con cũng lớn rồi, cần tươm tất với chúng bạn.

Thịnh lắc đầu nhè nhẹ:

- Dạ con đầy đủ nhiều rồi, ba. Vả lại, đầy là tiền con dành dụm chỉ để phòng khi lỡ túng thôi.

Ông Diệp lần mò cầm gói thuốc. Bàn tay ông run run. Thịnh chua xót nhìn tuổi già và bệnh hoạn đang cướp dần người cha thân yêu. Thịnh muốn nói với cha, Thịnh sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong khả năng của Thịnh để đưa cha trở lại với ánh sáng đời sống nhưng Thịnh không dám gieo vào ba một hy vọng nào. Thà rằng bao giờ mình làm được hẵng hay.

Trưa chị Thanh đi học về, chị càu nhàu:

- Con khỉ, mày về hai giờ sau sao không cho tao hay, làm tao đợi mỏi cả chân.

- Sáng nay em có nói trước với chị mà.

Chị Thanh gắt:

- Thì lúc về mày cũng phải đảo lên lớp nhắc tao chớ.

Thịnh im lặng không cãi lại. Chị Thanh đã nói thì cãi lại cũng vô ích. Bà Diệp chứng kiến câu chuyện, rầy con:

- Sao con hay bắt bẻ em vậy Thanh. Nó nói với con buổi sáng rồi, vả lại, nó về đi lấy hồ sơ cho ba chứ có nó đi chơi đâu.

Chị Thanh vùng vằng:

- Ở nhà này bây giờ ai cũng binh con Thịnh, tại nó biết làm ra tiền mà…

Anh Thái quát to:

- Thanh, không được hỗn với má.

Chị Thanh bỏ xuống nhà. Thịnh thấy hai giọt lệ long lanh trên mắt mẹ… Câu nói của chị Thanh đã khơi động nỗi tủi thân của bà. Thịnh muốn tìm một câu an ủi mẹ nhưng cô bé thấy không danh từ nào làm người nguôi ngoai được ở giờ phút này…

*

Thịnh kết luận:

- Như thế đó, nếu mình có tiền thì hy vọng ba có thể khỏi. Nhưng em chỉ mới nói với anh thôi, ba má em chưa nói. Em nghĩ rằng, anh em mình có thể tìm cách kiếm thêm tiền, dành lại để giúp ba…

Anh Thái gật gù:

- Thịnh ạ, nếu ai nhìn thấy được rõ con người em, chắc họ sẽ quý mến em bằng một thứ tình cảm không bao giờ phai nhạt. Em đã nghĩ được như vậy, anh cũng sẽ cố gắng hết sức anh.

Thịnh buồn rầu:

- Anh đừng an ủi em. Em biết, em xấu xí và tầm thường. Tất cả những gì em làm không phải để cầu mong cho một ai hiểu em. Em chỉ muốn tìm quân bình cho đời sống của ba, của gia đình mình…

Anh Thái hỏi:

- Thế em định làm gì?

Thịnh lắc đầu:

- Em cũng chưa biết. Hiện giờ, em đang làm kết toán buổi chiều, như vậy buổi tối em rảnh. Em định tìm việc vào buổi tối, như đi dạy kèm chẳng hạn.

Anh Thái thở dài:

- Dạy kèm thời buổi này khó tìm chỗ lắm Thịnh ạ. Như anh, đã khá hơn em nhiều, thế mà đi dạy lắm khi còn phải lao đao với người ta. Anh sợ em chịu không nổi đâu.

Thịnh lắc đầu:

- Anh đừng lo điều đó. Em tin là em sẽ chịu được, chỉ cần có chỗ nhận em để em kiếm tiền lo cho ba thôi.

Hai anh em ngưng câu chuyện khi thấy chị Thanh đi ra. Cả anh Thái và Thịnh, vô tình đều cùng một ý nghĩ là không nên nói gì cho chị Thanh biết vì chị chắc chắn sẽ không giúp được gì nếu không làm rộn thêm.

Chị Thanh đến bên anh Thái:

- Anh có tiền cho em xin mấy trăm.

Anh Thái hỏi:

- Cần không Thanh, vì anh cũng có việc cần tiền.

Chị Thanh hơi ngần ngừ rồi lắc đầu:

- Cũng hơi cần thôi, nếu anh dư thì cho.

Thịnh lên tiếng:

- Em còn mấy trăm, để lát em đưa chị

Chị Thanh buông thõng tiếng “cám ơn” rồi rút lui. Anh Thái nhìn theo lắc đầu:

- Thật không ngờ con nhỏ càng ngày càng đổi tính.

Giọng anh thật buồn…

*

Thịnh bấm chuông ngôi biệt thự. Một người đàn bà đứng tuổi có vẻ là quản gia ra mở cửa:

- Thưa cô hỏi ai?

Thịnh rụt rè:

- Thưa bà… tôi đọc báo thấy ở đây cần một người săn sóc bệnh nhân buổi tối…

Người đàn bà gật đầu:

- Phải rồi, mời cô vào nhà.

Thịnh theo chân người đàn bà vào căn phòng khách rộng mênh mông. Căn phòng trang hoàng thật đẹp chứng tỏ sự giàu có của chủ nhân. Người đàn bà mời Thịnh:

- Cô ngồi đây chơi, tôi mời cô chủ ra.

Một người con gái trạc hai mươi tuổi bước ra. Thoạt nhìn thiếu nữ, Thịnh mơ hồ nhớ như có nét quen thuộc với mình, như Thịnh đã gặp ở đâu rồi, nhưng Thịnh chịu không nhớ ra. Cô gái tự giới thiệu:

- Tôi là Nguyệt. Chắc cô đọc báo thấy ở đây cần săn sóc người bệnh buổi tối.

Thịnh gật đầu:

- Thưa vâng. Nhưng… tôi sợ không đủ điều kiện. Tôi không phải là y tá.

Nguyệt mỉm cười:

- Chúng tôi không cần y tá. Mẹ tôi ốm đã lâu, bà muốn có người bên cạnh buổi tối, nhưng bà rất ghét y tá. Chắc cô cũng hiểu người bệnh lâu ngày thường có mặc cảm như vậy…

Thịnh hồi hộp không hiểu người ta có nhận mình không? Nguyệt nói huyên thuyên về chứng bệnh của bà mẹ, nhà chỉ có hai mẹ con. Cuối cùng, Nguyệt hỏi:

- Vậy cô Thịnh có ở luôn ban ngày không?

Thịnh lắc đầu:

- Dạ, không. Ban ngày tôi ở nhà lo cho gia đình. Cha tôi cũng đang đau.

Nguyệt xin lỗi trở vào nhà trong một chút. Lát sau, Nguyệt trở ra với lời nhận cho Thịnh làm việc. Số tiền mỗi tháng được lãnh Nguyệt nói ra nhiều quá, nhiều hơn mơ ước của Thịnh. Thịnh cáo từ ra về, cô bé nghĩ đến cách thuyết phục mẹ bằng lòng cho mình đi làm mỗi tối như thế. Chắc chắn là phải viện trợ đến anh Thái, may ra…

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

CHƯƠNG V_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG V


- Thịnh ơi! Có Hiền đến này.

Tiếng anh Thái. Thịnh rửa vội đôi tay đầy bọt xà phòng rồi chạy lên. Hiền mang một bao xoài thật lớn. Thịnh kêu:

- Mày lại mang gì cho tao rồi?

Hiền cười nhẹ:

- Xoài của bà dì mang dưới tỉnh lên. Bả cho nhiều quá, tao mang chia bớt cho mày.

Thịnh nghĩ đến tâm hồn bạn… thấy anh Thái vẫn còn đứng đó, Thịnh cầm một quả xoài lên:

- Hiền nó cho em… nhưng chắc nó cũng biếu cả anh nữa đấy.

Hiền đỏ mặt, Thịnh nhìn rõ nét e lệ của bạn:

- Sợ anh Thái chê của chua là của con gái.

Anh Thái dễ dãi:

- Anh hả? Ai cho gì ăn đó.

Khuôn mặt Hiền mang một niềm vui mới. Thịnh kéo Hiền ra nhà sau:

- Tao đang giặt đồ, ra chơi.

Hiền để giỏ xoài lên bàn rồi theo bạn. Thịnh vừa vò vò chiếc áo anh Thái vừa than:

- Anh Thái mặc đồ dơ nhất nhà mày ơi, mồ hôi của ảnh bắt bụi quá hà. Tao giặt đồ ảnh đau cả tay.

- Sao mày không đánh bàn chải?

Thịnh lắc đầu:

- Đánh bàn chảy nó sờn vải, mau rách thấy mồ.

Thịnh ngậm ngùi cho câu nói của mình, Ừ, rách thì đào đâu ra tiền mà may, bây giờ phải tiết kiệm tối đa, đâu phải như ngày xưa nữa… ngày xưa… đã qua mất rồi. Đời sống bắt mình làm quen dần dần với những tập quán mới. Chỉ có chị Thanh hầu như là người duy nhất, còn luyến tiếc ngày cũ… chị vẫn hận không sống được như trước… Chị không muốn thích ứng với hoàn cảnh, một hoàn cảnh bất đắc dĩ…

Dạo này, Nghiêm đến chơi thường lắm. Thịnh đã tập cho mình thói quen bình tĩnh, không xao động mỗi khi nghe tiếng xe Nghiêm ngừng trước hiên nhà. Thịnh tập coi thường Nghiêm, quên đi Nghiêm là hình ảnh rực rỡ trong lòng mình. Bên ngoài thì Thịnh có vẻ thành công nhưng thực ra thâm tâm Thịnh , Thịnh vẫn âm thầm khổ! Nghiêm vẫn là Nghiêm, cao vời vợi mà Thịnh vẫn hoài vọng! Nghiêm đến chơi, trò chuyện với anh Thái, ông bà Diệp và các em Thịnh. Nghiêm như một người anh trong nhà, như anh Thái! Hình như Nghiêm cố gắng để cho mọi người chấp nhận Nghiêm như một phần tử trong gia đình.

Chỉ có chị Thanh, hình như càng ngày chị càng bất mãn với anh Nghiêm. Có lẽ sự chờ đợi lâu ngày của chị làm chị khó chịu. Thịnh đã thấy chị Thanh nói với anh Nghiêm về những người bạn trai giầu có, sang trọng của chị, rằng họ tán tỉnh chị, theo đuổi chị… nhưng hầu như Nghiêm vẫn không tỏ một thái độ gì.

Thịnh không thể hiểu được Nghiêm. Nghiêm muốn gì, nghĩ gì về cả gia đình này! Nhưng Nghiêm đóng kín quá, Nghiêm vẫn đến, thường là buổi tối trò chuyện với cả nhà hay đánh cờ với anh Thái… Thịnh không biết Nghiêm từ đâu, tìm Nghiêm nơi nào! Chỉ biết, nghe tiếng xe là có Nghiêm lại, là nhìn thấy Nghiêm, thế thôi! Nghiêm như một cơn gió thổi qua mà không cho biết xuất xứ…

Hiền đập tay bạn:

- Sao mày hay ngẩn ngơ như người mất hồn vậy?

Thịnh gượng cười:

- Đâu có.

Hiền chúm chím:

- Dạo này chắc mày tương tư ai quá hà. Tao thấy mày kỳ thế nào ấy?

Thịnh chống chế:

- Tại tao yếu trong người.

Hiền lắc đầu:

- Yếu trong người thì cũng có, mà... ngẩn ngơ thì cũng có. Bộ tao ngu sao.

Thịnh định nói “mày cũng như tao”, nhưng sợ bạn buồn nên thôi. Anh Thái chợt đi xuống. Anh kêu lên:

- Khách đến nhà mà Thịnh dắt luôn xuống bếp giặt đồ như thế này thì thật không khá được.

Thịnh cười:

- Khách này lại cứ đòi xuống bếp mới chịu. Tề gia mà anh.

Hiền có vẻ hơi luống cuống. Cứ có mặt anh Thái là Hiền mất hẳn tự nhiên, mất hẳn vẻ nghịch ngợm thường xuyên.

Thịnh đỡ cho bạn:

- Xoài ngọt không anh Thái?

Anh Thái gật đầu:

- Ngọt lắm Thịnh ạ. Cám ơn Hiền nghe. Lần sau nhớ… cho nhiều hơn chút xíu.

Ba anh em cùng cười. Hiền bỗng hỏi Thịnh khi anh Thái đã trở lên nhà:

- Chị Thanh đâu mày?

- Tao không rõ. Chỉ đi chơi đâu đó mà.

Hiền chắc lưỡi:

- Tao nói mày đừng buồn. Nhà mày gặp lúc túng hụt như thế này mà bà Thanh bả đi ra đường, diện quá trời quá đất.

Thịnh dịu giọng:

- Quần áo cũ của chỉ chứ lâu nay đâu có may.

Hiền gật đầu:

- Thì tao đồng ý, nhưng thử hỏi mày, tùy lúc mà ăn mặc chứ! Chị Thanh mày, đi ra đường như bà hoàng, coi không được. Đáng lẽ chỉ phải sao cho hợp với gia đình.

- Thôi kệ chỉ mày ơi!

- Tao nói cho mày nghe cho vui vậy thôi! Tại tao gặp chỉ đi chơi dài dài.

- Chỉ không có đi làm.

- Còn mày, công việc dồn đống cho mày như vậy đó hả? Thiệt tình tao không hiểu nỗi chị mày.

Thịnh cười một mình. Làm sao Hiền hiểu được chị Thanh. Ngay như Thịnh mà còn không hiểu nổi chị nữa là. Cũng có thể nói rằng, đời sống mọi người không ai hiểu được ai! Mà như thế có lẽ lại hay hơn. Nếu mọi người đều nhìn rõ Thịnh, hiểu rõ cảm tình của Thịnh dành cho Nghiêm chắc Thịnh chết mất. Thà rằng tất cả cứ vô tình...

*

Chị Thanh gác một chân qua đùi Thịnh, tư thế nằm đó có lẽ giúp chị thoải mái hơn. Chị nói:

- Tao mới quen một tên khá lắm mày.

- Ai vậy chị?

- Tuấn, sinh viên Y Khoa, được không?

Thịnh muốn bật cười vì lối nói của chị Thanh. Giọng chị mơ màng:

- Con nhà giầu, mà lại học giỏi… tuy hắn không được đẹp trai lắm nhưng tao cũng thấy có cảm tình với hắn.

Thịnh hỏi:

- Chị không mời ảnh về nhà chơi?

Chị Thanh đắn đo:

- Tao cũng đang do dự đây. Tao muốn mời hắn về nhà chơi. Mà tao còn ngại… nhà mình nghèo quá mày thấy không? Tao thì lần nào đi chơi với hắn tao cũng diện áo quần sang hết trơn… tao ớn hắn nhìn thấy gia đình mình, hắn dội luôn.

Thịnh bất mãn:

- Chị nói vậy lỡ ba nghe được ba lại buồn. Chị thấy, như anh Nghiêm đó, ảnh thấy gia đình mình nghèo rồi ảnh có thái độ gì đâu, trái lại, ảnh còn quý hơn lúc trước.

Chị Thanh bĩu môi:

- Thôi mày, đừng nhắc đến thằng cha cù lần đó. Người gì đâu…

Chị Thanh bỏ lửng câu nói… im lặng, rồi chị tiếp:

- Thế nào tao cũng dẫn Tuấn về nhà một lần, gặp Nghiêm cho biết tay. Hắn cứ tưởng đâu hắn ngon lắm, mặt kênh kênh.

Thịnh hơi tức, cô bé cãi:

- Chị nói vậy chứ em thấy anh Nghiêm ảnh có gì đâu. Ảnh đối với gia đình mình vẫn như xưa, nếu không muốn nói là thân thiện hơn.

Chị Thanh xoi mói nhìn Thịnh:

- Mày binh hắn hả? Hay mày cảm hắn rồi?

Thịnh đỏ mặt:

- Đâu có, chị đừng nói bậy. Em chỉ nêu những nhận xét khách quan của em thôi.

- Khách quan cái mốc xì! Mày binh chằm chặp còn nói. Ờ mà tao thấy hắn cũng có vẻ cảm tình với mày đấy…

Nụ cười mỉa mai trên môi chị Thanh làm Thịnh muốn bật khóc nhưng cô bé dằn lại được. Phải rồi, mình xấu xí, mình không đáng cho một ai cảm tình hết cho nên chị Thanh mới mỉa mai mình!

Chị Thanh vẫn không tha:

- Tên đó cũng được, phải cái tội nghèo, vô gia cư nghề nghiệp. Mày với hắn coi bộ được.

Trong giọng nói chị Thanh có chút gì là lạ. Thịnh nức nở không dằn được:

- Chị đừng chế diễu em. Em không biết gì hết.

Chị Thanh bĩu môi quay đi.

- Thôi nín đi bà nội. Nói đùa vậy thôi chứ hạng tên đó tao búng tay một cái là văng. Tuấn hơn hắn gấp ngàn lần.

Chị Thanh tìm đôi dép đứng lên ra sau bếp. Lát sau, Thịnh nghe tiếng chị dội nước ào ào. Thịnh cũng không ngủ được, đầu óc nặng lầng quầng những câu nói của chị Thanh. Tại sao chị Thanh nhạo báng Thịnh? Hay… Nghiêm thật sự có cảm tình với Thịnh? Không, Thịnh không nên nghĩ như thế. Chị Thanh chỉ bông đùa với Thịnh cho vui thôi. Chị đâu có nghĩ gì, bởi vì tất cả vẫn đâu có gì cho chị nghĩ. Nghiêm có lẽ chỉ coi Thịnh như một đứa em. Một đứa em đáng thương, thế thôi.

Thịnh rời phòng, định ra học bài để quên đi những dằn vặt nhức đầu. Anh Thái đang ngồi trước chồng sách vở của Thịnh. Thấy Thịnh, anh định đứng lên nhường chỗ nhưng rồi lại thôi. Thịnh thấy tay anh cầm một mảnh giấy trắng. Anh Thái vừa nhìn vào tờ giấy vừa hỏi Thịnh:

- Bài thơ dễ thương quá, Thịnh làm phải không?

Thịnh nhìn mảnh giấy mình đã chép bài thơ của Khôi Nguyên, lắc đầu:

- Dạ không, em chép trên VNTP đó.

Anh Thái cười cười:

- Không ngờ Thịnh cũng mơ mộng ghê.

Thịnh hơi ngượng:

- Đâu có anh Thái. Tại tụi bạn đứa nào cũng khen bài thơ hay và thích chép nên em cũng chép theo.

Anh Thái nheo mắt:

- Thơ văn hay, mình thấy hay là vì nó hợp với tâm trạng mình. Thế Thịnh thấy bài thơ này có điểm nào tương đồng với tình cảm Thịnh không?

Thịnh bỗng thấy bạo dạn hẳn lên trong câu chuyện với anh Thái. Từ lâu nay, Thịnh ít trò chuyện với anh. Thịnh buồn giọng:

- Em không may mắn như tác giả bài thơ, dù ngay trong bài thơ cũng đã tỏ lộ nỗi bất hạnh. Điều đó có nghĩa là em bất hạnh gấp đôi.

Anh Thái hơi nhíu mày, giọng anh dịu dàng:

- Sao Thịnh không bao giờ nói gì với anh?

Thịnh lắc đầu:

- Em quan niệm một khi mình chịu đựng được nỗi khổ của mình một cách âm thầm thì việc tâm sự với người khác là điều vô ích. Em sẽ chỉ tâm sự khi nào em bất lực không kềm chế được nỗi buồn.

Anh Thái hạ giọng:

- Thịnh cam đảm lắm. Nhưng Thịnh quên rằng một nỗi buồn được giải tỏa bao giờ cũng đỡ làm mình khổ tâm hơn một nỗi buồn bị cô đọng.

Thịnh cúi mặt:

- Với em, chưa hẳn như vậy. Em sợ...

Anh Thái nhìn thẳng vào mắt Thịnh:

- Thịnh này, Thịnh có tin rằng thỉnh thoảng anh hiểu Thịnh không?

- Em chả có gì khó hiểu cả. Đời sống em phơi bày.

- Anh muốn nói ở một khía cạnh khác hơn đời sống phơi bày Thịnh nhắc nhở.

Thịnh vịn tay vào mép bàn. Nãy giờ cô bé vẫn đứng yên. Tại sao hôm nay anh Thái lại nói như vậy? Hay anh Thái đã nhìn thấy từ những cử chỉ cố gắng tìm quên của mình một cái gì tố cáo tất cả tâm trạng? Như thế có phải mình có tội với gia đình không? Có tội ngay với bản thân mình nữa? Thương người khác một cách thầm kín là một lầm lỗi đáng kết án hay đáng thương hại? Thịnh chịu không trả lời được cho mình những câu hỏi xoáy lốc. Anh Thái:

- Anh không muốn làm Thịnh buồn, anh cũng không muốn tò mò, đi sâu vào đời tư của Thịnh. Mỗi người có một đời sống riêng. Thịnh có quyền suy tưởng và mơ mộng theo chiều hướng của Thịnh. Anh chỉ muốn nhắc nhở với Thịnh, anh có thể là một người bạn để Thịnh nói những điều mà Thịnh thấy không thể nói với ai khác.

Thịnh ngước nhìn anh. Ánh mắt hai anh em gặp nhau, thẳng thắn, tin tưởng. Thịnh bỗng nói:

- Em cảm ơn anh. Có lẽ anh đã hiểu em.

Anh Thái mỉm cười:

- Thôi anh vào, Thịnh học bài đi.

Anh Thái đi rồi, Thịnh ngồi vào bàn học nhưng đầu óc Thịnh không đậu được trên sách vở. Anh Thái biết gì và nghĩ gì mà nói với Thịnh những câu như vậy? Hay là Nghiêm đã nói gì với anh Thái? Hay là… anh Thái tự tìm biết. Thịnh chịu. Nhưng ít ra, như vậy, Thịnh cũng thấy dễ chịu phần nào.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

CHƯƠNG IV_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG IV


Thịnh giở tờ lịch cho rơi xuống đất! Hai tháng nay Thịnh tránh mặt Nghiêm. Trong nhà hầu như đã coi Nghiêm là bạn của chị Thanh mà quên đi Nghiêm đầu tiên là bạn Thịnh… Lần nào Nghiêm đến cũng chị Thanh tiếp chuyện. Mãi rồi ở nhà quen, Nghiêm đến là gọi chị Thanh… Kể cũng lạ, chị Thanh có nhiều bạn trai, thế mà không hiểu sao chị lại thích nói chuyện với Nghiêm! Thịnh không hiểu tương giao giữa hai người đã đi đến đâu, nhưng chị Thanh vẫn chưa tuyên bố gì cả! Thường, mỗi khi có ai ngỏ ý yêu thương chị, chị Thanh đều nói cho cả nhà nghe… Riêng Nghiêm... Thịnh chưa thấy Nghiêm mời chị Thanh đi chơi một lần nào… chỉ là những lần Nghiêm đến nhà thăm, thế thôi. Riêng chị Thanh, Thịnh thấy chị hơi thay đổi. Chị ít đi chơi, chị sợ… Nghiêm đến nhà mà không gặp chị. Thịnh đau xót khi nghĩ chị Thanh đã có quá nhiều tình cảm với Nghiêm. Mình chỉ là chiếc bóng cô độc và buồn phiền. Mình phải biết an phận, phải tìm vui trong những gì khác hơn...

Một lần, chị Thanh nói với Thịnh:

- Anh Nghiêm lạ ghê. Quen nhau lâu rồi mà tao thấy không thấy ảnh mời tao đi chơi lần nào.

Rồi chị cười khanh khách nhưng Thịnh nghe trong âm thanh tiếng cười có cả nỗi buồn… Có lẽ tự ái chị cũng bị tổn thương nặng nề! Tự ái của một người con gái đẹp bao giờ cũng mãnh liệt…

Vậy mà, riêng Thịnh, thỉnh thoảng Thịnh vẫn bắt gặp mình mơ mộng về Nghiêm, dù Thịnh đã gò mình vào một khuôn khổ khác… phải quên Nghiêm với bất cứ giá nào. Nhiều lúc Nghiêm đến, Thịnh nằm trên phòng, Thịnh muốn xuống nhà, nhìn Nghiêm một lần, Nghiêm với nụ cười trìu mến, đôi mắt sáng… Nghiêm và Thịnh đã quen buổi sáng tình cờ… nhưng Thịnh không dám xuống. Thịnh sợ…

Thịnh vẫn ước mong mình được đi xa một chuyến, đi xa để quên! Nếu hè này được ba má cho phép, Thịnh sẽ xin về cô Hồng ở Cần Thơ chơi…

Sáng hôm qua, trong lớp bọn bạn bè Thịnh chuyền tay nhau đọc một bài thơ trong cuốn Văn Nghệ Tiền Phong. Bài thơ thật hay của tác giả Đỗ thị Khôi Nguyên. Thịnh cũng đọc và cô bé tỉ mỉ chép lại. Thịnh thích lời thơ dễ thương mà tội nghiệp, sao mà giống tâm sự của Thịnh quá:

Em đã lớn tuổi hồng hơn má phấn
Mắt chiêm bao hồn mộng tuổi bình yên
Tóc buông dài vai con gái bình nguyên
Tình chưa kết nên đời chưa biết khổ.

Rồi người đến cho hồn thơ mở ngỏ
Hội tương phùng em chúc tụng duyên mơ
Má thật hồng em hát bản tình ca
Môi thật đỏ em cắn vào trái cấm.

Tay người lạnh vòng lưng em chợt ấm
Mắt người hiền giòng mật ngọt đôi môi
Bước chân hoang qua một nửa quãng đời
Em đến muộn trong hồn người sương gió.

Một nụ hôn cho đời cô gái nhỏ
Một vòng tay cho lại tuổi bình yên
Em đi về lối nhỏ kết hoa tiên
Đường đời đẹp xanh mơ tình thứ nhất.

Bằng ưu ái em trao người chân thật
Bằng đam mê em gởi nhớ thương đầu
Nhưng trong người mộng một thủa ngôi cao
Đã đánh mất bằng gian truân bội bạc.

Nên tình em phai trong giòng nước mắt
Nên người đi không quay mặt lại nhìn
Một thủa nào người nói tiếng yêu em
Âm thanh ngọt như mắt nhìn thật ấm.

Em trở về tuổi nhạt hơn má phấn
Hồn xôn xao đánh mất tuổi bình yên
Tóc vẫn dài vai con gái bình nguyên
Tình đã kết nên đời em biết khổ.

Mình cũng thế, đã biết khổ bởi vì đã biết mộng. Nỗi khổ lớn lấp tràn đời. Nghiêm đó, vẫn đến, mà Thịnh không bao giờ còn dám gặp. Thịnh nghĩ, có thể mình có lỗi với Nghiêm nhưng kệ, Nghiêm cần gì mình...

Mỗi lần Nghiêm đến rồi Nghiêm về, Thịnh chờ đợi chị Thanh tâm sự rằng Nghiêm đã yêu chị Thanh... nhưng Thịnh chờ mà chị Thanh chưa nói. Thịnh chờ đợi trong đau xót của mình, cái hạnh phúc của hai kẻ Thịnh yêu thương...

Chị Thanh thỉnh thoảng nói với Thịnh, anh chàng Nghiêm có vẻ vô gia cư nghề nghiệp, nghèo nàn quá. Thịnh biết, tính chị Thanh ưa xa hoa dù gia đình dư dật cho chị ăn tiêu. Chị Thanh chọn người yêu trên ba tiêu chuẩn: Con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai. Nghiêm hội đủ hai điều kiện sau nhưng thiếu điều kiện đầu thì cũng… hơi lo. Thịnh nghĩ vậy rồi cười thầm. Mình khéo vẩn vơ dùm người…

Chị Thanh vừa đi phố với hai ba người bạn trở về. Chị hỏi Thịnh:

- Ở nhà anh Nghiêm có đến không?

Thịnh lắc đầu:

- Hình như không.

Chị Thanh cau có:

- Sao lại hình như? Có hay không mày ở nhà mày phải biết chứ.

- Em ở trên lầu không biết.

Chị Thanh lầu bầu:

- Hồi nãy tao đi phố với hai đứa bạn, gặp ai giống anh Nghiêm… tao tính kêu ảnh mà rồi đi luôn, sợ ảnh gặp.

Thịnh nhỏm dậy:

- Sao chị lại sợ anh Nghiêm gặp?

Chị Thanh không trả lời, mặt hơi buồn. Thịnh buông mình xuống lại. Hai chị em lặng thinh!

*

Vừa dắt xe ra cửa, Thịnh gặp Nghiêm. Hai bàn tay của Thịnh run lên, cô bé giữ chiếc xe không muốn vững. Thịnh nhỏ giọng:

- Anh ạ!

Nghiêm nhìn Thịnh:

- Thịnh sắp đi đâu?

Thịnh lí nhí:

- Thịnh lại nhà bạn. Mời anh vào nhà chơi, có chị Thanh ở nhà đó.

Nghiêm trầm hẳn nét mặt:

- Tôi vẫn đến mà không gặp Thịnh. Sao lại nói với tôi rằng có chị Thanh ở nhà?

- Vì… Thịnh nghĩ… anh muốn nói chuyện với chị.

Nghiêm chùng giọng:

- Thôi, tôi về!

Thịnh hơi hốt hoảng như mình đánh mất một cái gì.

- Anh về sao?

- Thịnh đi, anh về đây.

Lần đầu tiên Nghiêm xưng anh với Thịnh, thật tự nhiên. Thịnh đỏ bừng má. Cô bé bỗng nhiên thấy bầu trời xanh quá vá đẹp quá. Thịnh nhìn Nghiêm rồi cúi nhanh mặt. Nghiêm bỗng nói:

- Để anh đưa Thịnh đi đến nhà cô bạn…

Nghiêm hơi ngập ngừng rồi tiếp:

- Như buổi đầu tiên tình cờ quen Thịnh, anh đưa Thịnh về nhà vậy.

Từng lời nói gợi xúc động sâu xa trong lòng Thịnh. Cô bé nhắm mắt lại, tự an ủi mình đừng dại dột bước xa hơn vào những viển vông...

*

Bữa cơm tối dọn ra đã lâu, ông Diệp vẫn chưa về. Anh Thái lên tiếng:

- Chắc hôm nay ba bận việc gì đó, má.

Anh nói để trấn an bà mẹ, không hiểu sao lần này ông Diệp về trễ mà bà nóng ruột lạ lùng. Chuông điện thoại bỗng reo vang. Anh Thái nhấc máy. Khuôn mặt anh biến đổi dần theo cuộc điện đàm. Anh Thái buông máy, quay lại nhìn tất cả mọi người. Giọng anh rõ từng tiếng một:

- Ba bị tai nạn rồi!

Không khí lặng lẽ đến nỗi một con ruồi bay qua cũng rõ. Rồi tiếng khóc bà Diệp đột ngột cất lên. Thịnh lặng người bên bàn ăn. Những khuôn mặt bất động tưởng chừng không có hồn sống. Anh Thái:

- Má cứ bình tĩnh. Bây giờ đến bệnh viện. Nghe họ báo tin bệnh tình ba không đến nỗi trầm trọng đâu má.

Nhìn nét mặt anh Thái, Thịnh biết anh đang trấn an má… thật ra, có lẽ ba đã gặp phải một chuyện gì…

Anh Thái quay nhìn cả bọn:

- Anh đưa má lại đằng bệnh viện đây. Mấy đứa ở nhà cứ an tâm, không sao đâu. Nhớ canh điện thoại, anh gọi về ngay.

Anh Thái và má đi rồi, bốn chị em không ai nói với ai một tiếng nào. Nỗi lo sợ quá lớn chận đứng mọi ý nghĩ. Ba, cột trụ gia đình, ba là tất cả, bữa cơm, manh áo, nhà ở, xe đi! Nếu ba có mệnh hệ nào đồng thời với tất cả những thứ đó ra đi…

Thịnh không nghĩ gì cả. Đầu óc cô bé lùng bùng. Thịnh thương ba nhất, dù trong nhà, ba quý chị Thanh hơn Thịnh, Thịnh là đứa con gái không được ai thương nhưng lại thương tất cả mọi người...

Mười một giờ đêm, anh Thái điện thoại về cho hay ba vừa qua cuộc giải phẫu nguy hiểm nhất, phân định giữa cái chết và sự sống của con người. Cả bọn thở ra nhẹ nhõm, nhưng Thiện lên tiếng:

- Mặc dù ba đã qua cuộc giải phẫu, nhưng thường thường sau những tai nạn, hậu quả, mình không lường được. Thiện thấy lo lắm.

Chị Thanh trừng thằng bé:

- Mày câm đi. Người ta đang lo chết người đây, ở đó mà nói vô nói ra…

Thiện bỗng nhìn thẳng chị Thanh:

- Tại sao chị lo?

Trong nhà, Thiện vẫn là đứa chống chị Thanh nhất, nó cho rằng chị Thanh không có tinh thần trách nhiệm, chỉ biết a dua theo bạn bè, ham trình diễn. Chị Thanh thản nhiên:

- Tao lo vì tao thương ba.

- Vậy mà em nghĩ chị lo vì sợ ba mà có mệnh hề nào chị mất đi những tiện nghi đang có.

Bốp!

Thiện chưa dứt câu, chị Thanh chồm tới tát vào mặt thằng bé. Thiện không phản ứng. Nó đừa tay xoa nhè nhẹ gò má rồi bỏ lên lầu.

*

Căn nhà đã được trả lại cho sở, gia đình Thịnh dọn về một căn nhà khác trong một ngõ lao động. Sau tai nạn, mắt ba không còn nhìn được như xưa nữa.Số tiền cấp dưỡng của sở quá ít không thể nào đủ chi dụng trong gia đình. Vấn đề được đặt ra bây giờ là làm sao kiếm tiền sống! Lâu nay, cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương của ba. Bất ngờ ba quỵ xuống, mọi người chới với. Trước tiên, bà Diệp tìm một căn nhà nhỏ hợp với túi tiền, còn một ít làm vốn, bà ra chợ sang lại một sạp bán những thứ đồ lặt vặt. Bà Diệp lâu nay chưa biết đến buôn gánh bán bưng, bây giờ làm quen với công việc, bà khổ sở thấy rõ. Thịnh hiểu mẹ nên chính cô bé là người phụ giúp bà Diệp đắc lực nhất trong việc buôn bán. Anh Thái kiếm thêm chỗ dạy kèm tư gia để vừa đi làm vừa đi học. Riêng Thịnh, Thịnh bắt đầu nghĩ đến việc làm một cái gì để kiếm tiền phụ giúp thêm cho mẹ. Một buổi tối, khi hai chị em vào giường nằm, Thịnh đã bàn với chị Thanh:

- Chị Thanh, em thấy má buôn bán túng hụt quá, em nghĩ mình có thể kiếm việc làm.

Chị Thanh chán nản:

- Làm! Mày nghĩ mình làm cái bây giờ bây giờ? Bằng cấp chưa có, khả năng chuyên môn cũng không. Ai mà mướn.

Thịnh rụt rè:

- Mình có thể bán hàng.

Chị Thanh quay nhìn Thịnh như nhìn một quái vật:

- Cái gì? Như tao mà đi bán hàng? Xin lỗi à! Năm nay là năm thi của tao, tao phải lo học.

Thịnh im lặng không bàn tiếp nhưng những ngày sau đó, Thịnh âm thầm tìm được một nơi có thể kiếm tiền. Chị Thanh viện cớ năm nay chị thi, còn Thịnh, Thịnh mới học lớp mười một, chưa phải năm thi, Thịnh còn dư thời giờ.

Một lần, đọc thấy một bảng quảng cáo cần người, Thịnh tìm đến nhưng cô bé thất vọng khi biết tiêu chuẩn thu nhận nhân viên ở đó là phải duyên dáng để đi giao tế. Cuối cùng, Thịnh cũng xin được việc làm ở một hãng buôn. Công việc của Thịnh mỗi buổi chiều là kết toán một lô những sổ sách các chi nhánh gởi về… Cuộc đời tạm yên bên những chật vật do đời sống mang lại…

Mọi người trong nhà bỗng thay đổi hẳn tính tình. Những tiện nghi vật chất không có, ai cũng phải tự lo lấy công việc của mình. Anh Thái trầm lặng hơn, mấy đứa nhỏ hết nhí nhố, chị Thanh thu mình lại vào những mộng mơ của chị… chỉ có ông Diệp, như một chiếc bóng. Bóng tối trên đôi mắt, bóng tối trong đời sống hầu như đã giết chết ngôn ngữ của ông. Suốt ngày, ông ngồi một nơi, im lặng, và mọi người cũng tránh không dám đụng chạm đến ông. Căn nhà nhỏ với những người đang bước vào cuộc sống mới lặng lẽ quá… chỉ có những tờ lịch rơi mỗi ngày lá đánh dấu thời gian trôi…

*

Thịnh dắt xe đạp vào nhà. Chiều nay sổ sách nhiều quá, Thịnh phải làm thêm cả tiếng đồng hồ mới xong. Ngày hôm qua đi về lại mắc mưa. Hôm nay Thịnh uể oải trong người lạ lùng. Vừa dựng xe đạp xong định vào trong buồng thay áo, Thịnh thấy Thuận bước vào, giọng thằng bé đầy sôi nổi:

- Chị Thịnh, em mới gặp một người quen của nhà mình. Đố chị đoán là ai.

Thịnh lắc đầu:

- Thuận gặp thì làm sao chị đoán được.

- Anh Nghiêm đó, chị Thịnh.

Thịnh tưởng mình nghe lầm, nhưng chị Thanh đã hỏi ngay:

- Anh Nghiêm hả? Rồi… mày có chỉ nhà không? Anh có hỏi thăm tao không?

Thuận lườm chị:

- Chị hỏi như vậy ai mà nói cho kịp. Có, em có chỉ nhà, ảnh nói sẽ tới chơi… ảnh chở em bao bò viên nè.

Chị Thanh nạt em:

- Mày làm như chết đói trăm năm mới được cho ăn… mà ảnh có hỏi thăm tao không?

Thuận lắc đầu:

- Không. Ảnh hỏi thăm chị Thịnh.

Chị Thanh cười lên khanh khách:

- Thằng này diễu hay quá ta. Mà… mày chỉ nhà, lỡ anh lại, ảnh thấy nhà mình bây giờ nghèo quá, ảnh khinh thì sao?

- Bộ ai nghèo cũng đáng khinh sao?

Tiếng nói sắc và cao của ba đột ngột cất lên làm ba chị em cùng giật mình quay phắt lại. Ông Diệp đã lần mò ra tự lúc nào, đứng sau lưng các con. Chị Thanh bối rối thấy rõ. Ông Diệp gằn từng tiếng:

- Con học đâu cái thứ ngôn ngữ kỳ cục đó? Người nghèo, có phải là cái tội của họ không? Gia đình mình bây giờ tuy nghèo, đó là tại ba bất lực không còn làm ra nhiều tiền để nuôi các con cho đầy đủ, nhưng má các con vẫn tảo tần buôn bán nuôi các con ăn học, các con chưa phải làm điều gì bất lương, chưa đi ăn cắp, ăn trộm để kiếm sống, đời sống trong sạch và lương thiện như thế, các con không tự hào được hay sao mà lại sợ khinh! Ba không ngờ bao nhiêu học hành của Thanh thu trong mớ kiến thức hẹp hòi như vậy.

Thịnh đứng nhìn cha trân trân. Đau nhói vì câu diễu cợt của chị Thanh, Thịnh càng muốn khóc hơn khi nghe những lời ba nói… Chị Thanh lặng lẽ rút lui, Thuận cũng thế, chỉ còn Thịnh. Tiếng ông Diệp:

- Còn đứa nào đứng lại đó?

Thịnh đáp:

- Thưa ba, con.

- Thịnh phải không?

- Dạ.

Giọng ông Diệp hơi run. Dạo sau này, ông càng cảm thương đứa con bất hạnh của mình. Ông biết Thịnh đi làm thêm phụ giúp gia đình ngoài giờ học, ông biết Thịnh cáng đáng công việc trong nhà trong cửa cho bà Diệp đỡ gánh lo… đứa con mà trước kia ông ít lưu tâm tới, ngày nay là đứa con chí hiếu chí tình… Ông Diệp muốn nhìn thủng qua màn bóng tối che võng mô để thấy khuôn mặt con… nhưng ông bất lực. Giọng ông như nghẹn lại:

- Con muốn đau rồi đó. Ba nghe giọng con nghẹt.

Thịnh cắn môi dìu cha:

- Ba vào giường nghỉ đi ba. Con không đau, tại con khóc lúc nãy đó.

Ông Diệp đi theo con. Bước chân ông vấp váp. Thịnh bỗng muốn quỳ xuống, khóc bên cạnh nỗi bạc phước của ba.

Buổi tối lo hết công việc xong, Thịnh vào giường nằm. Cơn mệt mỏi kéo đến thật nhanh. Thịnh nhắm mắt cố tìm giấc ngủ nhưng cô bé chợt thấy, trong mơ màng, hình ảnh Nghiêm hiện ra, nụ cười trìu mến, đôi mắt sáng, vóc dáng dễ thương. Ôi Nghiêm! Thịnh đã tưởng quên được anh từ những chông gai gia đình Thịnh gặp... Thịnh tưởng, anh rồi cũng chỉ là một hình bóng thoáng qua. Bằng tất cả khả năng, Thịnh tìm cách làm mặt lạ với hình ảnh anh. Thịnh xô đẩy anh ra khỏi tầm ký ức của Thịnh. Anh, mà hình ảnh gắn liền với chuỗi ngày phong lưu, ăn, học, ngủ, không lo nghĩ đến ngày mai. Anh, mà hình ảnh gắn liền với những tiện nghi vật chất, căn phòng rộng, vườn hoa đẹp, giường nệm êm êm mỗi buổi tối Thịnh đã ngả lưng mơ mộng đến anh. Chấm dứt một đoạn đời xa hoa, Thịnh tưởng hình ảnh anh đã cáo chung theo đó... Thịnh muốn giết chết anh trong tâm hồn Thịnh vì Thịnh biết, muôn đời, Thịnh chỉ là Thịnh đáng thương bất hạnh. Anh ở một hành tinh khác sáng rực rỡ, soi ánh sáng cho Thịnh nhưng lại không bao giờ ban cho Thịnh diễm phúc đến gần. Thịnh bây giờ đâu thảnh thơi như ngày xưa nữa. Đầu óc đã chật cứng với những lo toan cho cuộc sống...

Anh Nghiêm, thế mà Thịnh đã lầm. Trong một góc tối nào đó của tâm hồn Thịnh, hình ảnh của anh vẫn âm thầm sống, chờ dịp để lớn dậy làm đảo điên Thịnh. Có lẽ Thuận đã nói đùa với Thịnh phải không anh Nghiêm? Anh thì chỉ hỏi thăm chị Thanh. Thịnh có đáng gì đâu cho anh phải nhớ tới. Thịnh quá tầm thường để mơ mộng những cao xa... Hay là anh đừng đến như lời anh đã hứa với Thuận. Anh hãy biến mất đi, để Thịnh sống với ảo tưởng của mình, dù Thịnh vẫn rất muốn nhìn thấy anh, nhìn anh cười, nghe anh nói. Anh Nghiêm ơi, nếu có ai chỉ cho Thịnh làm cách nào để mua được liều thuốc quên lãng, chắc Thịnh sẽ mua với bất cứ giá nào... Anh Nghiêm, mà có thật sự anh còn nhớ đến Thịnh không anh Nghiêm? Con bé Toàn Thịnh xấu xí vô duyên anh đã quen trong một buổi sáng tình cờ. Con bé Thịnh xấu xí có một bà chị đẹp như Tây Thi mà anh đã gặp và còn gặp mãi... Thịnh bây giờ lại lem luốc hơn nữa anh Nghiêm ơi, gầy còm hơn nữa và xấu xí hơn nữa, thôi anh đừng có gặp Thịnh...

*

Hiền ân cần hỏi bạn:

- Sao trông mày bơ phờ vậy?

Thịnh thở ra:

- Tối hôm qua tao làm việc nhiều. Thôi mày cho tao mượn tập về chép bài lại đi. Bây giờ tao chép không nổi đâu.

Hiền sốt sắng:

- Thôi, mày lên phòng y tế xin nằm đi. Để tập tao chép cho.

Thịnh lắc đầu:

- Khỏi cần. Tao ngồi im một tí cũng đỡ.

Hiền cắm cúi chép bài. Thịnh nhìn bạn. Hiền thương Thịnh nhất cho nên bất cứ điều gì Thịnh cũng tâm sự với Hiền, trừ tình cảm của Thịnh đối với Nghiêm. Không phải Thịnh sợ bạn chê mình lãng mạn nhưng Thịnh sợ bạn cười mình không an phận. Việc gia đình Thịnh gặp biến, Thịnh đi làm thêm giúp gia đình, Hiền đều biết, và chính Hiền đã giúp cho Thịnh bằng cách xin với người bà con cho Thịnh vào làm ở hãng buôn. Vào lớp, Hiền luôn luôn săn sóc Thịnh, Hiền bắt Thịnh phải kiếm một khoảng thời gian ngơi nghỉ để không hại đến sức khỏe… Sự lo lắng của Hiền đôi khi cũng làm Thịnh áy náy. Thịnh không dám nghĩ xấu cho bạn nhưng Thịnh biết, bằng linh tính con gái, Hiền có nhiều tình cảm với anh Thái. Anh Thái thì lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm nghiêm, mỗi lần Hiền đến nhà, anh chỉ kêu Thịnh rồi lảng đi. Có lẽ anh cho Hiền còn bé? Đâu có, Thịnh nghĩ Hiền đã lớn, đã có quyền mơ tưởng vì chính Thịnh cũng thế. Đôi lúc Thịnh nghĩ mình sẽ tìm cách giúp Hiền… dù có được hay không...

- Đưa tập mày tao chép cho, Thịnh.

Câu nói của Hiền lôi Thịnh về thực tại. Thịnh nói:

- Mày chép của mày cho xong đã.

- Xong rồi nè.

Thịnh đưa cuốn tập cho bạn. Hiền hý hoáy chép, Thịnh lơ đãng nhìn ra sân, hàng cây cao xanh bóng lá… trời xanh và đẹp lạ lùng!

Buổi trưa tan trường, vừa về đến nhà, Thịnh chợt giật mình sựng lại. Chiếc P.C. dựng ngay trước cửa. Chiếc xe của Nghiêm mà. Hai chị em vào nhà. Nghiêm đang ngồi nói chuyện với anh Thái. Thấy anh, chị Thanh reo lên:

- Anh Nghiêm! Lâu quá không gặp anh.

Nghiêm cười nhẹ:

- Tại không biết gia đình dọn đi đâu.

Chị Thanh quay sang Thịnh:

- Mang cặp tao vào nhà dùm đi.

Chị ngồi cạnh anh Thái. Thịnh dợm bước nhưng Nghiêm lên tiếng:

- Thịnh dạo này trông ốm và xanh.

Thịnh gượng cười! Anh ngồi đó, Thịnh muốn nói một câu gì với anh mà không tìm ra ngôn ngữ. Cô bé lủi thủi ôm hai chiếc cặp vào nhà sau. Thiện đang nấu cơm, nó có vẻ vui, bảo Thịnh:

- Anh Nghiêm hứa tuần này dẫn bọn em đi chơi.

Thịnh không đáp, Thiện tiếp:

- Cả chị nữa, đi không?

Thịnh lắc đầu:

- Tụi bay đi chơi, tao đâu có rảnh.

Giọng cười nói trong trẻo của chị Thanh lại vang lên. Thịnh muốn ôm đầu tìm quên nhưng không được.

Anh Thái đi xuống:

- Thịnh, sao lại không lên nói chuyện với Nghiêm?

Thịnh cúi đầu:

- Em bận.

Anh Thái nhìn đứa em gái, anh thấy thương Thịnh, một đời chạy trốn tình cảm thật của mình. Anh hiểu Thịnh và anh bắt đầu cảm phục đứa em nhỏ bé của mình: Thịnh can đảm và có ý chí... Anh buông thõng:

- Tùy em. Nhưng anh thấy Nghiêm tốt.

Thịnh im lặng chờ anh Thái quay lên nhà. Thịnh bỗng muốn khóc nức nở.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

CHƯƠNG III_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG III


Nghiêm hạ giọng:

- Sao lần trước đang nói chuyện với tôi, Thịnh đi đâu?

- Thịnh nhức đầu.

Ánh mắt Nghiêm nhìn Thịnh làm cô bé bối rối. Bàn tay Nghiêm gõ nhè nhẹ như một thói quen nào đã có:

- Thịnh không dối tôi phải không?

Thịnh bối rối:

- Không. Thịnh không dối anh.

- Tôi chờ lâu không thấy Thịnh. Cô Thanh bảo Thịnh ốm.

Thịnh bỗng nói:

- Có chị Thanh trên lầu. Để Thịnh gọi chị xuống nói chuyện cho vui.

Giọng Nghiêm trở nên khó hiểu:

- Sao lại cho vui, hả Thịnh?

Thịnh im lặng. Thịnh không hiểu sao mình lại nói với Nghiêm như vậy! Sao mình không can đảm để tiếp chuyện Nghiêm, sao mình muốn chạy trốn Nghiêm đến thế…

Chị Thanh xuất hiện từ lúc nào. Tóc cột cao, trông chị đẹp quý phái.

- Anh Nghiêm đến bao giờ thế?

Giọng chị trong như chim hót. Bao giờ cũng thế, đứng bên cạnh chị Thanh, Thịnh mất hết ý chí. Chị Thanh ngồi xuống salon .

Nghiêm đáp:

- Tôi cũng vừa đến.

Chị Thanh mời nước:

- Anh dùng nước đi chứ anh Nghiêm. Làm khách với bọn này hoài… Sao lâu nay anh không đến chơi?

Chị như thân với Nghiêm từ lâu. Thịnh thấy mình thừa thãi đến tội nghiệp khi Nghiêm và chị Thanh đối diện nhau. Vừa lúc đó, Hiền đến. Thịnh mừng như bắt được vàng! Cô bé sẽ có lý do để tránh mặt Nghiêm. Thịnh giới thiệu bạn rồi kéo tay Hiền lên lầu, Nghiêm nói với chị Thanh:

- Hình như Thịnh không thích tôi đến.

Tiếng chị Thanh:

- Con nhỏ đó như vậy, kệ nó, anh đừng để ý…

Thịnh đi như ma đuổi. Hiền hỏi bạn:

- Ai vậy mày?

- Bạn chị Thanh!

- Xạo! Bạn chị Thanh mà mày ngồi được nói chuyện như vậy tao cùi. Quen mày hả?

Thịnh bỗng nổi cáu:

- Bạn ai thây kệ, mày hỏi gì hỏi dữ vậy?

Rồi thấy mình vô lý, Thịnh nhỏ giọng:

- Tao xin lỗi mày!

Hiền không nói gì nhưng cô bé mơ hồ hiểu nỗi khổ tâm của đứa bạn thân. Thịnh nằm xuống giường. Hiền nói:

- Định lại rủ mày đi mua ít sách. Tao thiếu nhiều lắm.

Thịnh chép miệng:

- Sao mày không lại đằng nhỏ Liên, nhỏ Mai? Tao lười đi đâu lắm.

Hiền thẳng thắn:

- Vì tao thương mày nhất, tao muốn cho mày đi chơi đây đó, mày cứ ru rú trong nhà hoài tao thấy mày khổ quá. Lúc sau này, tao hay thấy mày buồn.

Hiền nói đúng. Sao Thịnh cứ rút lui vào bóng tối của đời sống trong khi đường sáng dành cho tất cả mọi người chứ không riêng một ai? Thịnh buồn bã:

- Tao cảm thấy… mình không được quyền sống bình thường như mọi người.

Hiền cau mặt:

- Sao mày nói thế?

Thịnh cười héo hắt:

- Mày còn hỏi tao câu đó sao?

Hiền gật gù:

- Tính tao ưa nói thẳng, tao nói gì mày đừng buồn. Tại mày có một bà chị quá đẹp cho nên mày hay mặc cảm này nọ. Mày nên nhớ, mỗi người có một quan niệm thẩm mỹ riêng. Có người nhìn mày thấy… mày đẹp thì sao?

- Mày đừng an ủi tao.

- Tao đồng ý là tao có an ủi mày, nhưng trong câu nói của tao có một phần lớn sự thật. Không tin, mày cứ hỏi những người hiểu biết hơn tụi mình xem.

Thịnh nhếch môi:

- Cảm ơn mày, mày nói với tao thế cũng là đủ rồi, cần gì tao phải hỏi ai nữa.

Hiền kéo tay bạn:

- Thôi, vậy là hết thắc mắc phải không? Đi lựa sách với tao cho rồi.

Thịnh thay áo dài. Hiền nói:

- Mày mặc áo màu xanh nhạt đi Thịnh, coi dịu nước da.

Thịnh lắc đầu:

- Tao mặc áo trắng quen rồi, mặc áo mầu tao ngượng lắm.

- Vậy mày may làm chi?

Thịnh cười nhẹ:

- Để… thờ! Đùa chứ, má cho vải thì tao may kẻo má buồn… thật ra…

Cô bé bỏ lửng câu nói. Đôi bạn xuống lầu. Nhà không có cửa hông nên Thịnh và Hiền phải đi ngang phòng khách. Thịnh định làm lơ đi luôn nhưng chị Thanh đã gọi giật:

- Đi đâu đó Thịnh?

Thịnh bắt buộc phải dừng:

- Em đi lựa sách với Hiền. Xin phép anh Nghiêm.

Nghiêm gật nhẹ nhưng Thịnh đọc thấy trong mắt Nghiêm một điều gì dường như là nỗi khổ. Thịnh không dám tin là mình nghĩ đúng, cũng như không còn dám hy vọng mơ tưởng gì... Thịnh đã mất những thứ đó rồi. Thịnh chỉ còn là Thịnh đáng thương thôi.

*

Chị Thanh xoay người một vòng trước gương. Chị đang mặc một bộ áo tắm hai mảnh thật đẹp mới lấy từ tiệm về. Bộ bikini mầu vàng hoa đỏ làm tăng làn da mịn màng của da thịt chị. Nụ cười kiêu hãnh nở trên môi, chị Thanh nhìn Thịnh đang đứng cạnh:

- Sao mày?

- May khéo quá.

Chị Thanh cười lớn:

- Chỉ may khéo thôi sao?

- Và đẹp nữa.

Chị Thanh lấy tay kéo nhẹ vòng dây sau lưng:

- Hơi chật, nhưng không sao. Tao chỉ ngán nó rộng.

Chị Thanh sắp đi Cấp với nhóm bạn bè chỉ. Chỉ đi có mấy ngày thôi nhưng chị Thanh cũng cậy cục xin ba tiền cho bằng được để may bộ đồ tắm này. Có thể nói, chị Thanh chỉ dồn tiền cho việc may mặc… Nhan sắc chị như thế, có lẽ cũng chả cần đến lụa là… Chị Thanh chắc lưỡi.

- Chà, kỳ này bọn tao đi chắc vui.

Thịnh hỏi:

- Chị không biết bơi mà đi Cấp nỗi gì. Ra ngoài đó, chị mặc đồ tắm… đi dạo mát à?

Chị Thanh vẫn ngắm mình trong gương.

- Cần gì phải biết bơi mới mặc đồ tắm? Con này sao ngu tệ. Tao chỉ cần mặc… biểu diễn chơi thôi, phơi nắng không cũng đủ rồi. Mày đi với bọn tao không, tao giữ chỗ cho.

Thịnh lắc đầu:

- Em không hạp mấy vụ đi như vậy.

Chị Thanh bĩu môi:

- Mày chỉ hạp với ba cuốn sách thôi.

Chị xoay mình ngắm sau lưng một lần nữa rồi bắt đầu thay đồ. Thịnh hỏi:

- Sáng mai chị đi hả chị Thanh?

Chị Thanh gật đầu:

- Ừ! Bởi vậy mấy hôm nay tao cứ lo lấy áo quần không kịp… bây giờ thì yên tâm rồi. Mày leo lên kệ lục cái vali, tìm dùm tao hai cái quần short cũ…

Chị thu xếp đồ vào cái sac marin nhỏ mượn của anh Thái. Trông chị thật nôn nao. Thịnh bỗng nghe thèm vô cùng những niềm vui vô tư như của chị Thanh…

Tiếng chị Thanh:

- Mày muốn quà gì ngoài Cấp?

- Cho em một nắm cát.

Chị Thanh trợn mắt:

- Nhỏ này điên hả? Xin gì không xin, xin cát.

- Vì chỉ có cát, chị mới không tốn tiền mua thôi.

Chị Thanh lườm Thịnh. Cô bé cười nhẹ rồi bỏ xuống lầu.

Thằng Thiện nhảy ba bậc một lên, suýt đụng phải Thịnh. Cô bé kêu lên:

- Thằng khỉ. Làm gì như chạy giặc vậy?

Thiện nhe răng cười:

- Em kiếm chị.

Thịnh ngạc nhiên:

- Kiếm tao chi?

- Anh Nghiêm tới kìa. Ảnh chờ chị nãy giờ… em tìm chị mà thấy cửa phòng đóng.

Thịnh nhớ chị Thanh cài cửa phòng để thay áo.

- Sao không gõ cửa.

Thiện không đáp, bỏ đi xuống. Chị Thanh ló đầu ra:

- Gì đó?

Thịnh đáp nhỏ:

- Anh Nghiêm lại.

Thịnh biết mình sẽ không còn là khách của Nghiêm nữa. Chị Thanh sẽ lên, và câu chuyện nổ dòn như pháo Tết sẽ đẩy Thịnh ra ngoài vòng thoại đề.

Chị Thanh nói lớn:

- Xuống nói dùm với ảnh tao xuống ngay bây giờ.

Thịnh chán nản lên phòng khách.Nỗi buồn mênh mông như bầu trời chiều đang mênh mông. Có bao giờ Nghiêm đến chỉ để nói chuyện với Thịnh không? Có lần nào anh sẽ đưa Thịnh đi trên một đoạn đường không xa nhưng sao Thịnh thấy đằm thắm quá, thân thiết quá như lần gặp gỡ đầu tiên không?

Khuôn mặt Nghiêm thân thuộc hết sức, anh ngồi đó mà Thịnh ngỡ rất xa… Tiếng chào thật nhỏ:

- Anh ạ!

Nụ cười làm ấm khoảng không gian hiện diện. Nụ cười làm sáng những tĩnh vật chung quanh.

- Thịnh ngủ trưa à?

Thịnh lắc đầu:

- Dạ không anh ạ. Tại Thiện không biết Thịnh ở trong phòng.

Ngưng một chút, cô bé ngập ngừng:

- Anh chờ tí xíu… Chị Thanh xuống bây giờ.

Khuôn mặt Nghiêm chợt nghiêm hẳn lại:

- Thịnh!

- Dạ.

Tiếng “dạ” của người con gái nhỏ bé và mỏng manh. Có lẽ Nghiêm cũng đã đọc thấy trong âm thanh ngắn ngủi đó một cái gì thân thiết. Giọng anh nhỏ lại:

- Thịnh cứ nghĩ tôi đến thăm cô Thanh sao?

Thịnh cúi mặt:

- Không phải Thịnh nghĩ.

- Thế thì sao?

- Thịnh nhìn thấy.

- Có bao giờ Thịnh thấy là Thịnh nhìn lầm?

Thịnh ngước lên. Nụ cười héo hắt trên đôi môi khô. Có lẽ Thịnh không nhìn lầm đâu anh Nghiêm ạ. Chỉ có anh đang tự dối anh thôi… sao chị Thanh lâu xuống thế?...Chị Thanh xuống để cho Thịnh rút ngắn những phút giây đối mặt với một người mà Thịnh vẫn gọi tên từng đêm...

Chị Thanh rạng rỡ đi xuống. Thịnh nghĩ chị đẹp quá, không riêng gì Nghiêm mà bất cứ một người con trai nào khi nhìn thấy chị cũng phải chiêm ngưỡng… sự chiêm ngưỡng của một kẻ nhàn du dành cho đóa hoa đẹp…

Chị Thanh chào Nghiêm, ngồi đối diện. Thịnh định rút lui nhưng Nghiêm giữ lại:

- Thịnh ngồi nói chuyện, lần nào tôi đến Thịnh cũng... rút lui hết vậy?

Chị Thanh cười dòn:

- Con bé này nó nhát lắm anh ạ! Khách của Thanh đến nó trốn mất tiêu.

Nghiêm hạ giọng:

- Đó là khách của Thanh. Còn tôi, tôi không phải là khách của Thịnh sao?

Câu nói làm cho chị Thanh đỏ mặt. Có lẽ chị giận lắm. Thịnh muốn làm một cử chỉ gì hay nói một câu nào đó để cứu vãn tình thế nhưng cô bé không tìm ra. Nghiêm không biết rằng cầm Thịnh ở lại chỉ khổ Thịnh thêm. Có lẽ Nghiêm vô tình, Nghiêm chỉ nghĩ rằng giữ Thịnh lại nói chuyện… cho vui.

Chị Thanh cười gượng:

- Thanh vẫn la nó hoài… sống cho tự nhiên. À, mai bọn này đi Vũng Tàu.

Nghiêm có lẽ cũng nhận thấy nên chuyển đề tài câu chuyện, gật gù:

- Mùa này đi Vũng Tàu là nhất. Thế Thịnh và Thanh định đi bằng gì?

Chị Thanh lắc đầu:

- Không, Thịnh nó không đi. Thanh đi với tụi bạn.

Nghiêm im lặng. Một chút sau, anh trầm giọng:

- Thịnh đã đi Vũng Tàu lần nào chưa, nếu chưa cũng nên đi một lần cho biết.

Thịnh nhỏ giọng:

- Chưa anh ạ! Nhưng Thịnh không thích đi.

Nghiêm nói một chút về Vũng Tàu. Chị Thanh háo hức:

- Tụi này đi bằng xe nhà anh ạ. Mượn anh của nhỏ bạn lái nhưng… uống thuốc liều mới dám nhờ ông mãnh đó.. lái ghê thấy mồ.

Nghiêm gật đầu:

- Nên thận trọng một chút. Đường Sàigòn Vũng Tàu xe chạy nhiều. Đi chơi một chuyến lỡ có gì…

Chị Thanh chu môi:

- Chưa gì anh đã trù ẻo tụi này.

Nghiêm lắc đầu:

- Tôi chỉ có lời khuyên của một người đã trải qua, dạo trước có mấy thằng bạn đưa nhau đi ngoài đó, cũng lái xe nhà… cuối cùng, đứa ở đứa đi…

Chị Thanh rút vai:

- Eo ơi! Ghê thấy mồ! Thanh chưa đi mà nghe anh nói Thanh ớn lạnh.

Nghiêm lắc đầu nhè nhẹ. Cái lắc đầu của một kẻ nhìn sự việc chung quanh với tất cả hờ hững…

*

Không có chị Thanh, buổi sáng chủ nhật căn nhà thanh vắng lạ. Nếu chị Thanh ở nhà, chị đã mở máy cassette ồn ào nghe nhạc hoặc kéo bạn bè về kháo chuyện thật huyên náo. Thịnh ngồi trên ghế salon, nhìn lọ hoa cắm mấy nhánh cúc tím thật dễ thương. Thịnh thích loại hoa này, loại hoa có vẻ mộc mạc đáng yêu, không hương nhưng dáng hoa thuần hậu. Nhìn những cánh hoa, Thịnh liên tưởng đến một cánh đồng rực rỡ những cỏ nội, hoa tươi. Cái sắc hoa đồng quê luôn luôn gợi trong trí tưởng một ý nghĩ thanh bình…

Anh Thái vừa trở về. Thấy Thịnh anh ngạc nhiên:

- Ủa, Thịnh không đi với Thanh sao? Anh tưởng Thịnh đi lúc sáng rồi chứ.

Thịnh lắc đầu:

- Dạ không. Em ở nhà.

Anh Thái chép miệng:

- Năm nay là năm thi mà Thanh nó chơi hoài, anh ít thấy nó lo học hành.

Giọng anh Thái buồn. Anh lo và thương chị Thanh. Anh Thái lo cho tương lai các em nhưng anh ít khi gần gũi bọn Thịnh. Anh Thái mỉm cười:

- Còn Thịnh, nhàn dữ hả?

Thịnh mỉm cười nhẹ, đáp lời anh trầm lặng. Anh Thái bỏ vào nhà sau. Còn lại một mình, cô bé lặng lẽ chống tay vào cằm nhìn thẳng trước mặt. Kìa là chiếc ghế Nghiêm vẫn đến và vẫn ngồi. Hôm nay nếu Nghiêm đến… ừ… nếu Nghiêm đến có lẽ mình sẽ tự nhiên hơn, thoải mái hơn… Không phải Thịnh ganh ghét với chị Thanh nhưng đứng trước chị, cạnh vẻ lộng lẫy của chị, Thịnh bối rối lạ. Không khí tĩnh mịch buổi sáng lặng lẽ quá, buộc tâm hồn người con gái quay về với buổi sáng nào… không nguôi…

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

CHƯƠNG II_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG II


Hiền nhéo cánh tay Thịnh, nói nhỏ:

- Ê, chiều hôm qua gặp chị Thanh.

Thịnh nhìn bạn:

- Ở đâu?

- Trong café REX. Chị mày diện quá xá.

Thịnh hơi chau mày:

- Diện gì đâu? Chị tao vẫn thế.

Hiền bĩu môi:

- Ở đó mà vẫn thế! Bả đi với kép sức mấy bả hổng diện. Mày thì cứ binh bả chầm chập.

Thịnh lắc đầu:

- Không phải tao binh, nhưng diện hay không là quyền của chị tao, sao tụi bay ưa soi mói chi vậy?

Hiền cười khẩy:

- Nói là nói cho mày nghe cho vui vậy thôi, chứ bả là chị mày chứ có phải chị tao đâu mà tao lo.

Rồi chừng như nhìn thấy vẻ buồn rầu của bạn, Hiền nói nhỏ:

- Thôi đừng buồn tao.

Thịnh không nhìn bạn. Các cô bạn của Thịnh, không đứa nào ưa chị Thanh. Tụi nó bảo chị Thanh kênh kiệu, làm phách này nọ. Thịnh đã nhiều lần binh chị Thanh.

Thịnh nói với bạn:

- Hay là tụi mày thấy chị Thanh quá đẹp rồi tức?

Bọn bạn Thịnh đã cười dài:

- Xin lỗi mày à! Đời thiếu gì người đẹp mà người ta nhìn vào vẫn mến, vẫn cảm tình. Đồng ý là bà chị mày có đẹp đấy, nhưng tánh tình bả kênh quá, ai mà ưa. Như mày không đẹp mà sao tụi tao thương.

Tụi nó biết lỡ lời nên im luôn, nhưng câu nói của tụi bạn chính là hồi chuông cáo chung cho những mộng vàng Thịnh đang manh nha xây đắp. Ừ, mình xấu thật mà. Ai cũng biết là mình xấu… Phải tự bằng lòng đi Thịnh. Hãy an nhiên mà sống đi Thịnh! Đừng bao giờ tìm cách đánh lừa mình cả Thịnh ạ…

Giọng nói của Hiền kéo Thịnh về thực tế:

- Lát nghỉ hai giờ sau đi chơi với bọn tao đi Thịnh.

Thịnh hỏi:

- Đi đâu?

- Thì.. đi vòng vòng vậy mà. Chứ còn sớm mày về nhà làm gì!

Thịnh nhìn lơ đãng qua cửa sổ, nghĩ đến căn nhà vắng hoe buổi sáng, nghĩ đến những nhộn nhịp thành phố sẽ làm mình xao lãng phần nào những phiền muộn đã đến. Thịnh gật:

- Ừ, thì đi. Mà đến giờ tao phải trở lại trường đón chị Thanh đó.

Hiền “xì” một tiếng:

- Bà chị mày có khối người đón về ấy. Mày cứ kè kè theo bả làm như là gạc-đờ-co không bằng. Tao thấy bữa nào mày cũng ra cổng chờ bả thấy mồ luôn, rút cuộc bả đi... xe hơi về.

Thịnh hơi ngượng, nói lấp:

- Ừ thì thôi, không đón chị Thanh.

Bốn cô bé gởi xe xong đi vòng ra Lê Thánh Tôn. Hiền hỏi:

- Đi đâu?

Liên khoát tay:

- Đi cái đã. Mới gởi xe xong đã hô “đi đâu”. Qua bên thương xá tao chỉ cho tụi bay xem mấy cái quần loại nhập cảng đẹp ác liệt.

Mai nheo mắt:

- Chỉ cho xem, thèm thấy mồ rồi hổng có tiền mua cũng dzậy.

Liên rùn vai:

- Mày bi quan, thì cứ biết cái đã, khi nào có tiền là thốc lên mua liền.

Mai chê:

- Đồ trong thương xá bán mắc bỏ xừ. Tao thấy cứ mua vải về may là tiện nhất! Vừa vặn lại rẻ nữa.

Hiền góp:

- Con Mai nói vậy là lầm. Đây tao tính cho nghe, như vải bây giờ bốn năm ngàn một thước. Mày mua đi, rồi công may này nọ cũng lên đến bảy ngàn cái quần. Trong khi mua cũng chừng đó mà đồ nhập cảng phải tốt hơn không? Phải không Thịnh?

Thịnh lơ đãng:

- Ờ…

Liên chửi:

- Con khỉ này, đi với tụi tao mà hồn mày để tận đâu đâu vậy? Hay lại tương tư anh chàng nào rồi?

Câu nói vô tình của bạn làm Thịnh giật mình, tưởng như Liên nhìn thấy ruột gan Thịnh, Thịnh nói nhanh:

- Mày chỉ nói bậy:

Liên gắt:

- Thì mày phải vui lên với tụi tao coi nào. Gì đâu mà mày bí xị như đưa đám.

Vòng vào thương xá. Cả bọn đi xăm xoi hàng vải. Thật lâu, Mai kêu:

- Đói quá tụi mày.

Thịnh tán đồng:

- Ừa đói thật. Kiếm gì ăn đi.

Liên hỏi:

- Tụi mày còn bao nhiêu, nếu khá thì mình hùn lại tao dẫn tụi mày vào quán này ăn đồ Huế, hết xẩy.

Hiền cười:

- Mày thì cái gì chứ cái ăn là sành nhất. Tao còn ba trăm. Còn Thịnh?

Liên góp số tiền của mình và các bạn cho vào tập:

- Lát tao trả tiền.

Mai bĩu môi:

- Con này khôn dữ. Hôm nay nó muốn đóng vao công tử hào hoa phong nhã, chi tiền đưa ba cô nương đi ăn.

Liên chu môi:

- Chứ sao! Lâu lâu tụi mày phải cho tao lên chút xíu chứ. Thôi, đi về Lê Thánh Tôn!

Bốn đứa an tọa; Liên nói:

- Tao kêu bánh khoái nghe. Thịnh biết ăn bánh khoái không?

Thịnh lắc đầu:

- Đây là lần đầu tiên tao nghe.

- Vậy thì tốt, mày nên ăn cho biết món bánh trứ danh của đất thần kinh hoa mộng này.

Liên kêu thức ăn. Một lúc sau, Mai hỏi:

- Gì lâu vậy mày?

Liên gật đầu:

- Phải lâu chứ, vì khi mày gọi người ta mới bắt đầu đổ bánh. Món bánh này phải vừa nóng vừa dòn mình chấm vào nước lèo ngọt ngọt ăn, chậc…

Cả bọn bật cười vì gương mặt nặng phần trình diễn của Liên. Thịnh chợt ngước lên khi một cặp trai gái bước vào quán. Quả tim cô bé thắt lại như bị ai bóp chặt rồi chợt nhẹ lâng lâng! Người con trai thoạt trông giống Nghiêm… nhưng may quá, không phải. Thịnh chả hiểu sao mình lại nhẹ nhõm khi người này không phải là Nghiêm! Nếu là Nghiêm thì đã sao? Nghiêm có là gì của mình đâu và mình có là gì của Nghiêm đâu, tại sao lại buộc mình vào những mơ tưởng để tự đày đọa mình? Nghiêm… Nghiêm… một tình cờ buổi sáng rồi kéo theo những ước mơ dậy thì làm xốn xang từng giấc ngủ trưa sáng. Nghiêm! Sao mà khuôn mặt dễ thương đến thế, nụ cười trìu mến thân quen đến thế. Mình chỉ gặp một buổi sáng rồi đã xa mà tưởng chừng quen anh chàng từ lâu lắm rồi. Mà thôi đừng mơ tưởng Thịnh ơi! Nghiêm với mẫu người lịch sự như thế, với phong thái hòa nhã, hào hoa như thế chắc chắn không phải dành cho mình đâu. Thịnh đau nhói như khi một so sánh nhỏ bất chợt đến trong đầu cô bé : Nghiêm, có lẽ dành cho chị Thanh thì hợp biết bao, đẹp đôi biết bao...

*

Bà Diệp chiên món cá thu. Thịnh đứng bên cạnh mẹ:

- Má à, mai mốt má làm món bánh khoái ăn đi má.

Bà Diệp hỏi, không nhìn con:

- Má không biết món đó, chắc trong mình không có. Con ăn ở đâu rồi hả?

- Hôm trước nhỏ Liên dẫn con vào tiệm  má,bánh Huế má à, mà… ngon ghê. Để hôm nào chị Tư đi chợ con dặn chỉ mua đồ về làm ăn thử coi.

Bà Diệp cười:

- Làm được không đó cô, hay lại cho cả nhà ăn bột nhão như kỳ con Thanh làm bánh bột lọc.

Thịnh nhớ, một lần chị Thanh về khoe với cả nhà, chị học được món bánh lạ. Rồi chị hô đi mua đủ thứ món về, làm cả buổi sáng chủ nhật , trưa hôm đó cả nhà dở khóc dở cười ăn những cái bánh nhão nhẹt! Thịnh nói:

- Con bảo đảm mà má. Nhưng cái này con phải đi mượn khuôn, bánh này đổ khuôn nhỏ bằng bàn tay thôi.

Bà Diệp trở miếng cá thu chiên vàng rồi đổ xốt cà chua vào. Mùi thơm làm đói bụng lạ… Có tiếng chuông reo ngoài cổng, bà Diệp bảo Thịnh:

- Chạy ra xem ai đến vậy Thịnh?

Thịnh lắc đầu:

- Có anh Thái về, thằng Thuận trên nhà đó mà.

Một thoáng sau, thằng Thuận ló đầu xuống hét:

- Chị Thịnh có khách!

Thịnh nhăn mũi trêu em:

- Xạo mày, ai kiếm tao.

Thuận gật đầu:

- Thật mà, có anh nào kiếm chị.

Thịnh nạt em:

- Thôi đừng đặt điều, lên nhà đi. Tao đâu có quen anh nào…

Thuận chưa kịp nói gì thì anh Thái đã bước xuống:

- Thịnh, có anh nào kiếm em.

Quả tim Thịnh đập nhanh trong lồng ngực. Ai kiếm mình? Mình đâu có quen ai? Bước chân Thịnh cuống quít, cô bé khựng lại nơi khung cửa phòng khách? Nghiêm đó, mầu sơ mi trắng, khuôn mặt rực rỡ của những ngày mình chờ đợi. Thịnh tưởng mình nhầm, nhưng chính là Nghiêm bằng xương bằng thịt!

Nghiêm mỉm cười chào Thịnh:

- Chắc Thịnh ngạc nhiên?

Thịnh cắn nhẹ môi, bỗng thấy mình ngượng nghịu và cứng đơ như tảng đá! Nói gì bây giờ, khi anh bỗng trở lại bất ngờ trong lúc mình tưởng đã lãng quên! Không phải là một tình cờ nữa phải không anh Nghiêm, chính là sự cố ý… nhưng có phải vì mình? Tại sao đầu óc mình lâng lâng bàng hoàng thế này? Niềm vui chợt đến lớn quá làm ngợp hơi thở. Thịnh ngồi đối diện Nghiêm:

- Sao… sao anh Nghiêm biết nhà?

Nghiêm gõ nhè nhẹ những ngón tay dài xuống thành ghế:

- Tôi nhìn thấy Thịnh vào nhà hôm sáng đó.

Thịnh im lặng. Tiếng Nghiêm:

- Hình như Thịnh đang bận?

Thịnh lắc đầu:

- Dạ không!

- Sao Thịnh có vẻ không vui?

Thịnh cắn môi. Không lẽ Thịnh nói cho anh biết là Thịnh đang vui lắm sao? Niềm vui bất ngờ làm Thịnh choáng váng. Sao anh không đọc thấy những điều đó trong mắt Thịnh.

- Hôm đó về, Thịnh còn bị đau không?

- Không anh ạ, té… sơ sơ, đâu có sao?

Tiếng cười Nghiêm thật ấm:

- Vậy mà tôi cứ sợ Thịnh về bị ốm.

Thịnh xúc động. Lần đầu tiên một người có ý săn sóc đến Thịnh như vậy! Ước gì những lời nói của anh là sự thật! Ước gì anh đừng bao giờ làm cho Thịnh thất vọng. Không khí im lặng nhưng sao Thịnh thấy dịu dàng quá, dễ thương quá! Phải chi thời gian ngừng lại để Nghiêm còn ngồi đó hoài với Thịnh. Nghiêm! Khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói, tiếng cười!... Thịnh thấy mình ngu ngơ.

Có tiếng xe ngừng trước nhà, rồi tiếng giày của chị Thanh đi vào. Chị dừng lại, hơi ngạc nhiên. Thịnh đành giới thiệu:

- Chị Thanh, chị của Thịnh. Anh Nghiêm.

Chị Thanh nhoẻn miệng cười. Nụ cười của chị đẹp rực rỡ, mầu áo của chị đẹp rực rỡ và khuôn mặt chị đẹp rực rỡ. Thịnh bỗng muốn mình trở thành một tĩnh vật để không nhìn thấy nụ cười của chị… Thịnh bỗng thấy mình nên biến khỏi đây… Khuôn mặt Nghiêm chợt như nhòa nhạt... Nghiêm nhìn chị Thanh gật đầu chào. Chị Thanh lịch sự:

- Hân hạnh được biết anh.

Đáng lẽ chị Thanh phải đi vào nhưng không hiểu sao chị vẫn chần chừ. Thịnh cắn môi mình muốn bật máu. Không khí bỗng trở nên nặng nề. Thịnh đứng lên nói nhỏ.

- Chị Thanh nói chuyện với anh Nghiêm hộ em. Em vào lấy nước.

Chị Thanh gật đầu, thật tự nhiên ngồi đối diện Nghiêm, Thịnh đi như chạy ra khỏi phòng khách… Không, mình không xứng đáng nói chuyện với Nghiêm, mình... xấu xí quá, tầm thường quá, hãy để chị Thanh với những câu nói duyên dáng tự nhiên... Thịnh xuống bếp bảo chị Tư:

- Chị mang nước lên phòng khách hộ đi.

Bà Diệp nhìn Thịnh khi thấy con gái không trở lên:

- Sao con không lên tiếp khách?

Thịnh lắc đầu:

- Dạ không. Chị Thanh nói chuyện dùm con.

Bà Diệp cau mày:

- Sao lại là con Thanh? Khách của con mà.

Thịnh tránh nhìn mẹ.

- Con nhức đầu. Con lên phòng nghỉ đây, nếu chị Thanh có gọi con má nói dùm con.

Thịnh bước lên lầu. Những bước chân cô bé trở nên nặng nề như đeo đá. Thịnh buông mình xuống nệm. Giọng cười trong trẻo của chị Thanh vang lên khanh khách. Thịnh muốn bịt tai lại. Sao Nghiêm đến thăm mình làm gì! Những tưởng không còn nghĩ gì về Nghiêm nữa… và chị Thanh… và Nghiêm! Có lẽ mình nên thu xếp lại ý nghĩ đừng cho nó lãng du quá xa như vậy! Có lẽ mình nên chịu khó thực tế hơn và đừng mơ mộng nữa. Không có gì ở đời sống này dành cho mình ngoài sách vở và bạn bè. Ừ, Thịnh phải biết suy nghĩ. Thịnh phải tự chủ. Thịnh ơi! Thịnh ơi!

Thật lâu, chị Thanh mở cửa bước vào phòng. Chị đập chân Thịnh:

- Ngủ à?

Thịnh làm bộ mở mắt:

- Khách về rồi hả chị?

Chị Thanh cười:

- Con khỉ. Sao mày trốn biệt vậy?

- Em nhức đầu.

Chị Thanh thay y phục, khuôn mặt như rạng rỡ hơn. Chị hỏi:

- Mày bắt ở đâu thằng bạn coi khá quá vậy?

Thịnh im lặng. Chị Thanh tiếp:

- Học Văn Khoa hả? Coi bô chứ há, nói chuyện nghe cũng được.

Thịnh lí nhí:

- Em không biết.

Chị Thanh phá lên cười:

- Con nhỏ này hay ạ. Bạn mày mà mày không biết. Này, tao khai cho mày nghe nhé, hai mươi tuổi nè, cao học Văn Khoa nè… ừ… gia đình ở xa nè… đủ chưa…

Cổ họng Thịnh như khô đắng, nghẹn lại. Tròng mắt cô bé rưng rưng. Thịnh trở mình nằm sấp để che dòng lệ sắp tuôn ra. Thịnh thấp giọng:

- Không phải bạn em.

Chị Thanh vẫn cười:

- Vậy là bạn tao chắc?

Chị xuống lầu, tiếng cười vẫn vang bên tai Thịnh. Câu nói vô tình của chị Thanh làm Thịnh thấy hợp lý. Ừ, thì là bạn chị. Nghiêm là bạn chị đúng hơn là bạn em. Mình quen biết Nghiêm trước, thế mà chị Thanh đã rõ tất cả về Nghiêm hơn mình rồi. Mình rụt rè quá, mình sợ sệt quá. Mình có lý khi cứ thu mình lại như vậy không? Có lẽ mình nên tập làm quen dần dần với những sự việc như vậy. Có lẽ mình phải cố gắng đẩy Nghiêm ra khỏi đời sồng này.

Chị Tư lên gọi xuống ăn cơm trưa. Thịnh đứng trước gương, tẩy xóa tàn tích của nỗi buồn trên khuôn mặt rồi bước xuống lầu.

Trưa nay ông Diệp đi vắng. Bà Diệp hỏi Thịnh:

- Bớt chưa con?

Thịnh cúi mặt:

- Dạ đỡ rồi má.

Chị Thanh cười ròn rã:

- Coi chừng nó ốm tương tư ai đấy.

Thịnh muốn trách chị Thanh nhưng cô bé biết chị Thanh vô tâm và hời hợt. Trách chị làm gì! Chị có quá nhiều diễm phúc, đời sống dành tặng cho chị bao nhiêu hạnh phúc trong khi tước đoạt của mình tất cả…

Anh Thái bảo Thịnh:

- Ăn đi chứ Thịnh. Gì mà như người mất hồn vậy.

Chị Thanh ồn ào kể chuyện đi chơi về. Thằng Thuận đòi đi coi phim "Thiên Đàng dưới đáy biển", thằng Thiện đòi đi trại ngày mai. Thịnh ăn rất nhanh rồi cáo lui, lên phòng. Thịnh thèm được nằm một mình, cố dỗ giấc ngủ để quên đi…

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>