Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

CHƯƠNG VI_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG VI


Sáng nay Thịnh xin nghỉ hai giờ sau. Hiền ngạc nhiên:

- Sao hôm nay mày nghỉ? Có chuyện gì hả.

Thịnh lắc đầu:

- Sáng này tao mang hồ sơ bệnh lý của ba tao xuống bệnh viện, đến ngày hẹn rồi.

Hiền thắc mắc:

- Nhà thiếu gì người, sao không ai đi, mà mày đi?

Thịnh lắc đầu:

- Tao đi quen rồi.

Cô bé thu xếp tập vở ra về… Hiền nhìn theo bạn, thương cho người con gái một đời sống dành cả cho người thân.

Thịnh mang xấp hồ sơ vào, vị bác sĩ già ngước lên. Thấy Thịnh, ông mỉm cười hiền từ.

- Thế nào cháu, ông cụ có khá không?

- Dạ thưa, ba cháu cũng đỡ.

Bác sĩ Niên lật xấp hồ sơ xem. Một lát sau, ông chợt ngước lên, bảo Thịnh:

- À, báo tin cho cháu hay, tháng tới đây sẽ có một vị bác sĩ lừng danh về nhãn khoa ở Tây Đức sang đây. Bác hy vọng bệnh tình ba cháu có thể thuyên giảm được nếu được ông ta chữa trị.

Thịnh nghe như mình vừa bay lơ lửng trên một vùng mây trời nào. Thịnh chồm người tới:

- Thưa bác sĩ... ba cháu có thể chữa được không ạ?

Bác sĩ Niên lắc đầu:

- Bác cũng không rõ. Bác chỉ được tin là ông ta sẽ sang thế thôi. Và vì ông ta không sang với tính cách chữa từ thiện nên cháu và gia đình có lẽ phải lo tiền đầy đủ trước đi…

Ông ký vào giấy tờ rồi giao lại cho Thịnh. Trên đường trở về nhà, Thịnh suy nghĩ thật nhiều. Việc trước tiên, có lẽ kiếm ra thêm tiền. Thịnh nghĩ, sẽ bàn với anh Thái để hai anh em cùng chạy, lo được tới đâu hay tới đó. Má đã tảo tần nhiều, không nên gieo thêm gánh nặng cho má. Trên đường về, Thịnh ghé Pharmacie mua cho ba hai hộp thuốc bổ. Đó là số tiền dành dụm của Thịnh tháng này. Cầm thuốc trong tay, Thịnh thấy vui thật nhiều. Dạo sau này sức khỏe ba suy yếu thấy rõ, có lẽ tại ba đau, một phần nữa ông biết vợ con ông lao lực kiếm sống, ông không đành lòng.

Thuận hỏi chị ngay khi nhìn thấy Thịnh:

- Chị Thịnh hôm nay có gì vui mà coi chị hớn hở quá vậy?

Thịnh lắc đầu:

- Có gì đâu. Thuận dắt xe vào dùm chị đi, chị ra nhà sau rửa mặt.

Cầm hộp thuốc lên nhà, Thịnh đến cạnh ông Diệp đang ngồi trên ghế, một mình. Thịnh gọi nhỏ:

- Ba.

Ông Diệp ngước đôi mắt vô hồn lên.

- Thịnh phải không?

- Dạ, con. Ba khỏe không ba?

Ông Diệp cười nhẹ:

- Ba vẫn thế. Sao con hỏi vậy?

Thịnh ngồi cạnh cha:

- Con thấy lúc sau này ba yếu quá mà, ba. Con có mua hai hộp thuốc bổ, ba uống thử có hợp không, nếu hợp tháng sau con mua thêm.

Ông Diệp xúc động run run. Ông không ngờ con ông lại có đứa biết lo cho cha mẹ như vậy. Ông vuốt tóc Thịnh:

- Sao con không để dành tiền mà may mặc thêm cho tử tế, tuổi con cũng lớn rồi, cần tươm tất với chúng bạn.

Thịnh lắc đầu nhè nhẹ:

- Dạ con đầy đủ nhiều rồi, ba. Vả lại, đầy là tiền con dành dụm chỉ để phòng khi lỡ túng thôi.

Ông Diệp lần mò cầm gói thuốc. Bàn tay ông run run. Thịnh chua xót nhìn tuổi già và bệnh hoạn đang cướp dần người cha thân yêu. Thịnh muốn nói với cha, Thịnh sẵn sàng làm bất cứ điều gì trong khả năng của Thịnh để đưa cha trở lại với ánh sáng đời sống nhưng Thịnh không dám gieo vào ba một hy vọng nào. Thà rằng bao giờ mình làm được hẵng hay.

Trưa chị Thanh đi học về, chị càu nhàu:

- Con khỉ, mày về hai giờ sau sao không cho tao hay, làm tao đợi mỏi cả chân.

- Sáng nay em có nói trước với chị mà.

Chị Thanh gắt:

- Thì lúc về mày cũng phải đảo lên lớp nhắc tao chớ.

Thịnh im lặng không cãi lại. Chị Thanh đã nói thì cãi lại cũng vô ích. Bà Diệp chứng kiến câu chuyện, rầy con:

- Sao con hay bắt bẻ em vậy Thanh. Nó nói với con buổi sáng rồi, vả lại, nó về đi lấy hồ sơ cho ba chứ có nó đi chơi đâu.

Chị Thanh vùng vằng:

- Ở nhà này bây giờ ai cũng binh con Thịnh, tại nó biết làm ra tiền mà…

Anh Thái quát to:

- Thanh, không được hỗn với má.

Chị Thanh bỏ xuống nhà. Thịnh thấy hai giọt lệ long lanh trên mắt mẹ… Câu nói của chị Thanh đã khơi động nỗi tủi thân của bà. Thịnh muốn tìm một câu an ủi mẹ nhưng cô bé thấy không danh từ nào làm người nguôi ngoai được ở giờ phút này…

*

Thịnh kết luận:

- Như thế đó, nếu mình có tiền thì hy vọng ba có thể khỏi. Nhưng em chỉ mới nói với anh thôi, ba má em chưa nói. Em nghĩ rằng, anh em mình có thể tìm cách kiếm thêm tiền, dành lại để giúp ba…

Anh Thái gật gù:

- Thịnh ạ, nếu ai nhìn thấy được rõ con người em, chắc họ sẽ quý mến em bằng một thứ tình cảm không bao giờ phai nhạt. Em đã nghĩ được như vậy, anh cũng sẽ cố gắng hết sức anh.

Thịnh buồn rầu:

- Anh đừng an ủi em. Em biết, em xấu xí và tầm thường. Tất cả những gì em làm không phải để cầu mong cho một ai hiểu em. Em chỉ muốn tìm quân bình cho đời sống của ba, của gia đình mình…

Anh Thái hỏi:

- Thế em định làm gì?

Thịnh lắc đầu:

- Em cũng chưa biết. Hiện giờ, em đang làm kết toán buổi chiều, như vậy buổi tối em rảnh. Em định tìm việc vào buổi tối, như đi dạy kèm chẳng hạn.

Anh Thái thở dài:

- Dạy kèm thời buổi này khó tìm chỗ lắm Thịnh ạ. Như anh, đã khá hơn em nhiều, thế mà đi dạy lắm khi còn phải lao đao với người ta. Anh sợ em chịu không nổi đâu.

Thịnh lắc đầu:

- Anh đừng lo điều đó. Em tin là em sẽ chịu được, chỉ cần có chỗ nhận em để em kiếm tiền lo cho ba thôi.

Hai anh em ngưng câu chuyện khi thấy chị Thanh đi ra. Cả anh Thái và Thịnh, vô tình đều cùng một ý nghĩ là không nên nói gì cho chị Thanh biết vì chị chắc chắn sẽ không giúp được gì nếu không làm rộn thêm.

Chị Thanh đến bên anh Thái:

- Anh có tiền cho em xin mấy trăm.

Anh Thái hỏi:

- Cần không Thanh, vì anh cũng có việc cần tiền.

Chị Thanh hơi ngần ngừ rồi lắc đầu:

- Cũng hơi cần thôi, nếu anh dư thì cho.

Thịnh lên tiếng:

- Em còn mấy trăm, để lát em đưa chị

Chị Thanh buông thõng tiếng “cám ơn” rồi rút lui. Anh Thái nhìn theo lắc đầu:

- Thật không ngờ con nhỏ càng ngày càng đổi tính.

Giọng anh thật buồn…

*

Thịnh bấm chuông ngôi biệt thự. Một người đàn bà đứng tuổi có vẻ là quản gia ra mở cửa:

- Thưa cô hỏi ai?

Thịnh rụt rè:

- Thưa bà… tôi đọc báo thấy ở đây cần một người săn sóc bệnh nhân buổi tối…

Người đàn bà gật đầu:

- Phải rồi, mời cô vào nhà.

Thịnh theo chân người đàn bà vào căn phòng khách rộng mênh mông. Căn phòng trang hoàng thật đẹp chứng tỏ sự giàu có của chủ nhân. Người đàn bà mời Thịnh:

- Cô ngồi đây chơi, tôi mời cô chủ ra.

Một người con gái trạc hai mươi tuổi bước ra. Thoạt nhìn thiếu nữ, Thịnh mơ hồ nhớ như có nét quen thuộc với mình, như Thịnh đã gặp ở đâu rồi, nhưng Thịnh chịu không nhớ ra. Cô gái tự giới thiệu:

- Tôi là Nguyệt. Chắc cô đọc báo thấy ở đây cần săn sóc người bệnh buổi tối.

Thịnh gật đầu:

- Thưa vâng. Nhưng… tôi sợ không đủ điều kiện. Tôi không phải là y tá.

Nguyệt mỉm cười:

- Chúng tôi không cần y tá. Mẹ tôi ốm đã lâu, bà muốn có người bên cạnh buổi tối, nhưng bà rất ghét y tá. Chắc cô cũng hiểu người bệnh lâu ngày thường có mặc cảm như vậy…

Thịnh hồi hộp không hiểu người ta có nhận mình không? Nguyệt nói huyên thuyên về chứng bệnh của bà mẹ, nhà chỉ có hai mẹ con. Cuối cùng, Nguyệt hỏi:

- Vậy cô Thịnh có ở luôn ban ngày không?

Thịnh lắc đầu:

- Dạ, không. Ban ngày tôi ở nhà lo cho gia đình. Cha tôi cũng đang đau.

Nguyệt xin lỗi trở vào nhà trong một chút. Lát sau, Nguyệt trở ra với lời nhận cho Thịnh làm việc. Số tiền mỗi tháng được lãnh Nguyệt nói ra nhiều quá, nhiều hơn mơ ước của Thịnh. Thịnh cáo từ ra về, cô bé nghĩ đến cách thuyết phục mẹ bằng lòng cho mình đi làm mỗi tối như thế. Chắc chắn là phải viện trợ đến anh Thái, may ra…

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>