Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CHƯƠNG VII_XANH NHƯ MÂY TRỜI


CHƯƠNG VII


- Sao lâu nay anh đến nhà buổi tối không gặp Thịnh?

Buổi sáng chủ nhật căn nhà vắng vẻ, Nghiêm ngồi trên ghế, khuôn mặt ngẩng cao, giọng nói ấm và thẳng, mầu sơ mi trắng… luôn luôn là mầu áo trắng. Thịnh nhỏ giọng:

- Buổi tối Thịnh bận:

Nghiêm trầm giọng:

- Anh đoán Thịnh lại đi làm thêm ở đâu đó để kiếm tiền phụ gia đình phải không? Anh vẫn thắc mắc, sao những gánh nặng lại chỉ sang qua cho Thịnh mà không cho ai khác.

Thịnh lắc đầu:

- Đáng lẽ anh đừng nói với Thịnh như vậy. Những gì Thịnh làm, là bởi vì nó ở trong khả năng của Thịnh, thế thôi.

Nghiêm cúi mặt:

- Đôi khi nhìn Thịnh, anh thấy thẹn cho chính mình. Chưa bao giờ anh nói với Thịnh về thân thế anh phải không? Ba mẹ anh ly thân, anh sống với ông cụ. Thế mà chưa bao giờ, suốt từ tuổi nhỏ đến ngày nay, anh làm được một điều gì gọi là góp phần vào cuộc sống của hai cha con. Anh chỉ biết sống an nhiên trong tầm lo lắng của người khác.

Thịnh thản nhiên:

- Ngày trước chính Thịnh cũng sống an nhiên như anh. Hoàn cảnh biến đổi mình. Nếu anh tự trách anh như vậy thì có lẽ Thịnh phải tự trách Thịnh sao ngày trước không biết lo toan.

Nghiêm cười nhẹ:

- Mới một thời gian ngắn mà Thịnh trưởng thành hẳn ra, anh muốn nói trong ý nghĩ Thịnh.

Thịnh cười buồn:

- Đời sống thổi phồng mình lên rồi buộc mình phải thích ứng.

Nghiêm nhịp nhè nhẹ những ngón tay dài trên mặt bàn. Anh bỗng nhìn thẳng vào mắt Thịnh:

- Anh có cảm tưởng như Thịnh muốn tránh mặt anh.

Thịnh nhìn xa về một hướng khác. Anh Nghiêm, chính Thịnh cần gặp anh hơn ai hết! Nhưng Thịnh không dám, Thịnh sợ càng ngày hình ảnh anh càng đậm nét trong Thịnh. Anh tha thứ cho Thịnh đã làm buồn lòng anh, nhưng anh hãy thông cảm, đó là cách tự vệ duy nhất của Thịnh…

- Sao anh hỏi Thịnh không nói?

- Vì Thịnh đang tự hỏi sao anh lại hỏi Thịnh câu đó.

- Vậy không phải sự thật sao?

Thịnh nghiêm giọng:

- Tại sao Thịnh phải tránh anh?

Thịnh biết mình lỡ lời và làm Nghiêm ngượng. Nhưng Nghiêm vẫn bình thản:

- Thịnh cứ bình tĩnh. Anh nghĩ như vậy, nếu không phải sự thật thì thôi, sao lại giận anh?

Thịnh buồn buồn:

- Thịnh không giận anh đâu. Không bao giờ Thịnh giận anh.

Câu nói ẩn chứa tất cả tâm sự nhưng làm sao Nghiêm hiểu được. Thịnh muốn quay mặt chạy đi, đừng nhìn Nghiêm nữa để nghĩ Nghiêm vẫn muôn đời xa vời vợi… Thịnh tìm cách chuyển đề tài:

- Hình như lúc sau này chị Thanh hơi giận anh.

Nghiêm hững hờ:

- Thế à.

Thịnh lúng túng:

- Thịnh… Thịnh nghĩ vậy. Anh thấy vậy không?

Nghiêm lắc đầu:

- Anh cũng không rõ. Thanh có quyền giận nếu Thanh muốn. Có điều anh nhận thấy ở anh là anh không làm gì động chạm đến Thanh để Thanh buồn cả.

Im lặng. Một lúc lâu thật lâu, Nghiêm nói:

- Sao Thịnh lúc nào cũng nghĩ đến người khác, cho người khác?

- Bởi vì Thịnh đâu có gì để nghĩ.

- Thịnh lầm! Theo anh, chính Thịnh có nhiều điều để nghĩ mà Thịnh không nhớ tới.

Thôi anh, Thịnh tự hiểu được mà, anh đừng nói với Thịnh nữa. Đừng đâm thêm vào quả tim nhỏ bé tội nghiệp của Thịnh những nhát dao vô tình nữa. Anh Nghiêm, hãy nói về đời sống hoa mộng của anh, một tương lai nắm chắc bằng khả năng và triển vọng. Hãy bỏ quên Thịnh trong những góc tối  tìm thấy của ngôn ngữ.

Chị Thanh về đến. Thấy Nghiêm và Thịnh, chị hơi chau mày rồi tươi ngay lại nét mặt.

- Anh Nghiêm đến lâu chưa?

Nghiêm gật đầu:

- Khá lâu.

Chị Thanh chanh chua:

- Tâm sự quá trời hả Thịnh?

Thịnh đỏ mặt nhìn Nghiêm cầu cứu. Nghiêm hắng giọng:

- Anh nói chuyện với Thịnh, Thanh đừng nói như vậy.

Chị Thanh hơi mím môi:

- Vào làm cho tao ly nước đi, mệt quá!

Thịnh bước ra nhà sau, cô bé cảm tưởng ánh mắt của Nghiêm đang đuổi theo mình với một chút thương hại…

*

Nguyệt nhìn chồng sách học của Thịnh, ngồi xuống:

- Năm nay Thịnh chưa thi phải không?

- Chưa chị ạ, sang năm.

Nguyệt cười:

- Tôi thấy Thịnh chăm lắm, chắc sang năm thế nào cũng đậu.

Thịnh đùa:

- Vậy mà thấy bói nói số em năm ba keo mới đậu.

Nguyệt lắc đầu:

- Hơi nào mà tin. Bói ra ma quét nhà ra rác mà.

Nguyệt rất dễ thương và tế nhị trong lối đối xử với Thịnh. Những buổi tối ở cạnh bà Tâm, mẹ Nguyệt, Thịnh mang bài ra học. Thịnh ngủ trên chiếc giường con cạnh giường bà Tâm. Bà lại có thói quen để đèn sáng lúc ngủ nên Thịnh dễ dàng học bài. Trong nhà ít người, lúc nào cũng lặng lẽ, buổi tối càng lặng lẽ hơn. Công việc lại nhàn hạ, hầu như chỉ việc… ở cùng phòng với bà Tâm. Thỉnh thoảng bà sai bảo một vài việc lặt vặt vậy thôi. Những buổi tối ở đây, Thịnh ưa thả hồn vào những suy tưởng không thật để rồi mỗi sáng đạp xe về nhà cho kịp giờ đi học. Thịnh kiểm điểm lại rồi tự trách mình mơ mộng. Thịnh được biết Nguyệt năm nay lên năm thứ hai luật. Thịnh thích Nguyệt vì Nguyệt xinh, con nhà giàu lại học giỏi mà không kiêu căng hợm mình. Nguyệt đối xử với Thịnh thật dễ chịu và nhã nhặn, như một người bạn vậy. Thịnh nhớ đến chị Thanh mà bạn bè Thịnh chê là kiêu căng. Một lần Thịnh nói với Nguyệt về cái giàu và sự kiêu căng. Nguyệt đã giải thích:

- Giàu có đâu phải là căn bản của đời sống. Nếu mình cứ ỷ lại nó mà quên đi nhân cách thì mình đâu còn là con người nữa.

Nguyệt điềm đạm và đáng mến. Nguyệt đáng hưởng những hạnh phúc Thượng Đế mang tặng. Thịnh không bao giờ hỏi về gia đình Nguyệt và Nguyệt cũng không nói gì. Chỉ có những gì Thịnh thấy trước mắt thì biết có thế thôi.

Một lần Nguyệt hỏi Thịnh học ở đâu. Thịnh đáp tên trường. Nguyệt cười cười.

- Học ở đó có biết Thanh lớp 12 không? Nghe nói là hoa hậu?

Thịnh muốn nói Thanh là chị em nhưng Thịnh không dám, Thịnh sợ làm như thế tình cờ chị Thanh biết chị sẽ buồn, vì chị Thanh không bao giờ muốn gia đình có một người đi giúp việc kiểu như Thịnh. Thịnh nói trớ đi.

- Dạ biết. Mà sao chị Nguyệt biết?

- Nghe đứa bạn nói cô nhỏ đó đẹp mà kiêu.

Thịnh lặng người, không ngờ tiếng tăm của chị Thanh bay xa đến như vậy. Nhưng Thịnh chắc mình sẽ không dám nói lại với chị Thanh vì chị hẳn sẽ không tin chút nào. Thịnh muốn binh chị Thanh, nhưng thấy mình không thể vịn vào tư thế nào để bênh vực nên thôi.

*

Hai cô bé bước chầm chậm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bóng mát. Hiền hát khe khẽ:

- Trả lại em yêu, khung trời Đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát…

Khuôn mặt cô bé thật buồn. Hiền hỏi Thịnh:

- Thật không Thịnh?

Thịnh gật đầu:

- Tao dối mày làm gì? Cả nhà tao cũng đang buồn. Biết làm sao được.

Thịnh vừa nói cho bạn nghe việc anh Thái phải nhập ngũ. Nỗi buồn không giấu giếm của bạn làm Thịnh thấy thương Hiền thật nhiều. Hiền cũng như Thịnh thôi. Sao con gái hay vướng vào những mối tình đơn phương để khổ cả đời. Đôi mắt to và đen của Hiền thường ngày trong sáng là thế, ngây thơ là thế bây giờ đã rưng rưng nỗi khổ đầu đời. Thịnh bỗng nắm bàn tay bạn:

- Chiều đến nhà tao chơi.

Hiền hỏi:

- Chiều mày bận đi làm mà?

Thịnh lắc đầu:

- Không, chiều nay tao rảnh công việc, về sớm để làm cơm tiễn anh Thái.

Hiền cảm động:

- Cám ơn mày, tao sẽ đến.

Hai cô bé cúi đầu đếm những xác lá me đang vương vướng  bước chân. Đầu óc mỗi người mang một hình ảnh, một tâm trạng. Thịnh nghĩ đến việc chiều nay về nói trước với anh Thái rằng Hiền sẽ đến. Thịnh không hiểu được anh Thái. Hình như anh chỉ coi Hiền như Thịnh hay như chị Thanh... Tội nghiệp Hiền cũng như tội nghiệp mình. Thịnh ơi! Đời sống không bao giờ vẽ ra những đường nét theo mình tưởng tượng cả, mà nó luôn luôn là những khúc rẽ không ngờ. Như Nghiêm đó, bây giờ còn nhìn thấy, còn gặp gỡ... biết rằng nhìn thấy là đau xót, nhưng chia xa lại còn khổ hơn. Phải tập chịu đựng và khoan dung với định mệnh... Thịnh nhớ, anh Thái đã dặn dò Thịnh! Anh đi để chưa tròn bổn phận là tìm cách đưa ba về ánh sáng. Còn lại Thịnh, anh tin tưởng Thịnh và anh đặt hy vọng vào Thịnh. Thịnh hãy dìu dắt  các em vì anh biết các em nghe lời Thịnh hơn chị Thanh. Ráng làm vui lòng ba má... Thịnh khóc và hứa với anh như vậy...

*

Buồi trưa cả nhà ăn cơm xong, Thịnh nói với anh Thái:

- Chiều nay em có rủ Hiền đến ăn cơm tiễn anh đó.

Anh Thái cười:

- Mấy cô thì cứ vẽ vời tiễn với đưa cho mất công. Trước sau gì rồi anh cũng đi.

Thịnh cãi:

- Thì chính vì vậy mới tiễn. Nếu anh ở nhà, ai tiễn đưa anh làm chi. Kỳ cục.

Anh Thái dễ dãi:

- Thôi thôi, các cô muốn sao cũng được.

Thịnh ngập ngừng:

- Anh Thái…

- Sao Thịnh?

- Anh đừng làm Hiền nó buồn tội nghiệp. Nghe tin anh đi nó buồn lắm.

Anh Thái nhè nhẹ lắc đầu. Không phải là anh không hiểu Hiền đâu, nhưng đáng lẽ Hiền đừng nên nghĩ đến anh sẽ đỡ khổ hơn. Đời con trai vào quân đội lang thang rày đây mai đó, ổn định được đời sống mình đã là điều khó, cầu mong chi đến việc lo toan cho đời người khác. Anh Thái cũng thấy Hiền ngoan ngoãn dễ thương, nhưng có lẽ không bao giờ anh dám tiến tới. Anh sợ để khổ cho Hiền...

Hai anh em cùng nhìn ra bầu trời nặng mây đen. Anh Thái bỗng nói:

- Sắp mùa mưa rồi Thịnh…

*

Chị Thanh đang ngồi tiếp chuyện với Tuấn thì Nghiêm đến. Khuôn mặt chị hơi tái nhưng rồi chị Thanh lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Chị đứng lên giới thiệu:

- Anh Tuấn, dân Y Khoa, bạn Thanh. Và anh Nghiêm, bạn của nhỏ Thịnh.

Nghiêm bắt tay Tuấn, thản nhiên. Chị Thanh tiếp:

- Thịnh nó ở nhà sau ấy, anh Nghiêm.

Một câu đuổi khéo thiếu lịch sự. Nghiêm đi thẳng vào sau khi chào Tuấn. Thịnh đứng ở nhà sau nghe rõ tất cả. Cô bé tái người trước thái độ của chị Thanh. Không ngờ chị Thanh lại có thể trắng trợn với Nghiêm như vậy. Sao Nghiêm bình tĩnh thế, nếu là người khác, không hiểu phản ứng sẽ bất lợi cho chị Thanh đến đâu.

Nghiêm đi vào. Thịnh không dám ngước nhìn Nghiêm, cô bé sợ bắt gặp nơi Nghiêm một nét nào đó! Nhưng Nghiêm đã đến bên Thịnh:

- Thịnh!

- Dạ!

Thịnh ngước nhìn Nghiêm. Nụ cười Nghiêm thật ngọt:

- Chúa nhật, Thịnh không đi chơi đâu sao?

Thịnh lắc đầu:

- Không anh ạ. Thịnh bận lo công việc nhà với má.

Thịnh ngần ngừ rồi nói nhanh:

- Anh đừng giận chị Thanh nghe, anh Nghiêm. Tính chị vẫn thế.

Nghiêm nhìn Thịnh, tia nhìn thật khó hiểu:

- Anh không giận Thanh đâu, Thịnh đừng lo. Tính anh vẫn không thích giận những người không liên hệ đến mình.

Thịnh ngừng ý nghĩ lại một chút. Có thật chị Thanh không liên hệ gì với anh không?Hay anh đang tự dối lòng? Thịnh không dám hỏi nữa, cô bé sợ những câu trả lời sẽ tới của Nghiêm. Tiếng Nghiêm:

- Thịnh sắp nghỉ hè phải không?

- Dạ, còn một tháng nữa.

- Sang năm Thịnh thi, anh kèm sinh ngữ cho Thịnh. Cô bé có bằng lòng không đó?

Thịnh lặng người nhìn Nghiêm. Sao anh cứ mang đến cho Thịnh những hy vọng vàng son như thế, sao không để Thịnh nằm im trong cái kén bất hạnh, anh đưa Thịnh ra rồi một mai Thịnh bị đẩy trở vào, Thịnh đáng thương lắm anh Nghiêm ơi!...

Giọng Nghiêm cất lên:

- Thịnh thu hẹp đời sống mình quá. Anh vẫn đến đây thường mà ít khi nào anh nói chuyện được với Thịnh.

Thịnh cười buồn:

- Tại Thịnh thấy nhiều người nói chuyện với anh Nghiêm rồi.

Nghiêm lấy tay vò mẩu giấy vụn trên mặt bàn. Giọng anh bỗng lạ hẳn:

- Thịnh là cô bé lạ lùng nhất mà anh gặp. Anh muốn nói đến đời sống nội tâm của Thịnh. Có lẽ không ai xuyên thủng được lớp kén Thịnh xây đâu, phải không Thịnh?

Lời nói Nghiêm như dao nhọn, Nghiêm vô tình không biết đang làm Thịnh khổ đến đâu. Thịnh cắn chặt môi ngăn giòng lệ. Nước mắt nghẹn đâu đó trong cổ làm tiếng nói không bật thốt được. Thịnh lắc đầu không đáp. Nghiêm lặng lẽ nhìn khuôn mặt Thịnh, khuôn mặt trông nghiêng không có những nét xuất sắc nhưng khá vừa phải hơn nhìn thẳng. Và Nghiêm bỗng muốn nhìn cô bé thật lâu...

Chị Thanh tiễn khách, tiếng máy xe hơi nổ vang. Chị trở vào, đầy hãnh diện:

- Xin lỗi anh Nghiêm nghe, hồi nãy bận khách.

Nghiêm bình thản:

- Có sao đâu. Anh đến vẫn vào trong này hoài mà.

Chị Thanh cười cười:

- Bạn thân của Thanh đó. Hắn học Y khoa, nhà giàu dễ sợ mà ăn chơi cũng ghê lắm. Có điều gặp Thanh là hắn phải khớp chớ…

Ánh mắt Nghiêm kỳ lạ không thể diễn tả được, chị Thanh vẫn nói tiếp:

- Dạo trước Thanh đâu có cho hắn biết nhà, sợ khó tìm. Vậy mà biết nhà rồi, hắn đến hoài, đeo riết làm bực cả mình. Hồi nãy anh đến Thanh định tống hắn về cho rồi mà không được.

Nghiêm ngạc nhiên:

- Sao lại tống anh ta về?

Chị Thanh không đáp, mỉm cười. Nụ cười chị vẫn đẹp quá, thu hồn quá. Thịnh cúi mặt không dám nhìn…

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VIII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>