Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Khung Kính Vỡ và Chiếc Nhẫn Đồi Mồi


1
Lớp học khai giảng với vừa đúng hai mươi học sinh. Võ là đứa thứ hai mươi ghi tên học, và cũng mang số hai mươi trong sổ điểm danh. Hai mươi học sinh, trong đó chỉ có sáu trò là con gái, ngồi khá rộng rãi trong một căn phòng ở tầng lầu một của một ngôi trường vốn đã cũ kỹ và đã lâu rồi vẫn không có một tí gì cải tiến. Hình như năm phút sau khi chuông reo vào học, người giám đốc già có đi lướt ngang cửa lớp nhìn vào và hơi lắc đầu – Võ đoán thế, bởi lúc đó lớp học cũng còn đang xôn xao lắm. Hai mươi cái miệng chỉ cần mở ra vài tiếng cũng đủ làm mất trật tự lớp học. 

Thầy giáo mới bắt đầu giảng bài đầu tiên – môn Sử K‎ý. Đúng ngay môn Võ không thích, lại ngay giờ đầu niên học, nên tâm trí Võ không tài nào theo dõi thầy được. Võ vẫn ngồi trong tư thế ngoan ngoãn lắm, mà trí nhớ thì dẫn đi xa, trở về những ngày hè vừa qua. Võ tha hồ nghĩ đến bãi cát trắng, đến những tảng đá lớn chồng chất lên nhau, nơi Võ tung tăng chạy chơi như một đứa bé. Võ nhớ có lúc anh Bản bảo Võ đứng bên dưới một tảng đá cheo leo, hai tay giơ lên chạm vào tảng đá cơ hồ một lực sĩ nâng cả trái núi, để cho anh Bản chụp hình. Võ nhớ có lúc Võ dầm mình cả buổi dưới nước, lúc trở lên mình mẩy rát bỏng vì nắng. Võ nhớ gió biển mặn và làm cho da mặt Võ chai như đá. Những ngày rong chơi ngoài xứ cát trắng hiện về như in trong óc. Đối với Võ, lần đầu tiên đi biển là một kỷ niệm khó phai. Võ nhớ, và Võ tiếc vì đã không được ở luôn ngoài ấy. Bây giờ ngồi thu mình trong lớp học, Võ không tài nào không hồi tưởng những ngày thoải mái ấy. 

Trên kia thầy đang nói về những ngày gian khổ của vị vua kháng chiến Hàm Nghi. Võ nghe tiếng được tiếng mất. Hình như lời giảng của thầy lôi cuốn được cả lớp, ngoại trừ Võ. Võ thấy mặt đứa nào cũng như nghệt ra. Có đứa há cả miệng nghe mà không biết rằng cái hàm dưới đưa xuống làm cho bộ mặt thộn ra trông buồn cười ghê gớm. Võ che miệng định cười, nhưng lại tự trách mình đã lơ đãng không chịu nghe giảng bài. Sáng nay khi Võ sửa soạn đi học, anh Bản đã nhắn nhủ Võ: “Rán học nghen! Tiền học bây giờ đắt lắm đó!”. Anh ấy có cái tật không bỏ được là mỗi câu nói đều có kèm theo chuyện tiền bạc. Nhưng không phải giống như những ông thương gia nói chuyện ăn xài lớn, mà luôn luôn anh Bản gợi cho Võ nghĩ đến sự làm ăn khổ cực, sự tranh sống hàng ngày của anh, sự chắt móp của bà ngoại ở ngoài Huế. Anh Bản mà biết được rằng sáng nay, buổi học đầu tiên, Võ đã không nghe một chữ nào của thầy, mà mải thả hồn đi về những ngày rong chơi, chắc anh sẽ buồn lắm. Và Võ thì không bao giờ muốn làm cho anh thất vọng về mình. 

Đứa bạn ngồi cạnh bên Võ bỗng mở nắp bút máy và mở vở ra ở trang đầu. Võ mới hay là thầy bảo cả lớp chép bài. Võ cũng làm theo, thật ngoan ngoãn, nhưng không một ý niệm gì về bài giảng của thầy vừa qua. Trên kia, giọng thầy sang sảng:
 
- “Nước Pháp lấy binh lực ép triều đình Việt Nam ký hòa ước bảo hộ 1884. Tinh thần bất khuất của dân tộc không chịu được sự cắt xén ức hiếp, vùng nổi dậy gây nên những phong trào tranh đấu mãnh liệt…”
 
Ồ hay quá! Chưa bao giờ Võ nghe được một câu khích động như vậy. Có lẽ thầy giáo Sử Địa năm nay hay hơn thầy năm ngoái. Võ cúi xuống chép theo lời đọc. Tự nhiên Võ cảm thấy mình có lỗi. Võ lén nhìn thầy. Thầy vẫn bình thản và có vẻ hơi vui vì nghĩ rằng lớp học này ngoan.

2
Những tia nắng ló ra sau dãy nhà cao, đến thẳng cửa kính và chiếu ngay chỗ Võ ngồi. Võ đặt tay trái lên bàn, ngắm nghía. Chiếc nhẫn đồi mồi Võ đeo ở ngón trỏ, dưới ánh nắng trông thật đẹp. Anh Bản mua chiếc nhẫn này trong ngày cuối ở Nha Trang. Võ thắc mắc mua để làm gì, anh cười không đáp. Buổi lên xe Võ thấy anh nâng niu mãi chiếc nhẫn. Võ đoán là anh để dành tặng ai – nhất định phải là tay con gái, vì anh Bản đeo chiếc nhẫn không lọt. Nhưng Võ chẳng thấy anh quen với ai là con gái cả. Bạn bè anh, toàn là những anh đồng đội. Võ định im lặng xem anh sẽ tặng ai chiếc nhẫn này, thì bỗng sáng nay, anh Bản rút ra cho Võ. Trong khi Võ còn ngơ ngác, thì anh nói:
 
- Võ đeo mà chơi. Nhẫn… xấu òm.
 
Mặt Võ còn chưa hết ngớ, thì anh quay đi, lẩm bẩm:
 
- Mua về để đeo, mà đeo không vừa, thì để làm chi?
 
Võ chợt có một ý nghĩ ngộ nghĩnh trong đầu. Đáng lẽ anh Bản phải nói: “Mua về để tặng, mà không có ai để tặng, thì để làm chi?”. Võ thấy anh Bản buồn ra mặt. Võ muốn trêu anh, nhưng thấy hơi tội tội. 

Võ cũng nghe theo lời anh, đeo chiếc nhẫn vào, không một ý kiến. Cho đến lúc vào lớp, ngồi soi bàn tay dưới ánh nắng, Võ bỗng thấy mình vô lý. Con trai mà đeo nhẫn, để làm gì? Nhất là nhẫn đồi mồi, người ta chỉ mua để tặng nhau, như một món quà mỗi khi đi biển. Võ bật cười. Đúng là anh Bản xem tay Võ như một nơi… chứa đồ phế thải. Võ nhớ có lần anh Bản kể về những ngày học tập trong quân trường, anh ăn quà vặt bị bắt gặp, thế là phải phạt. Hình phạt rất kỳ khôi: anh phải chạy vòng quanh sân, la lớn: “Miệng tôi không phải cái thùng rác! Miệng tôi không phải cái thùng rác!...”. A, nhất định trưa nay Võ phải trêu anh, rằng “Tay Võ không phải cái thùng rác” mới được. 

Hình như lớp học đang xôn xao bàn tán về bài toán Điện bỗng dưng dịu lại. Võ hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi Võ cũng ngớ ra nhìn. Một cô bé vừa đi vào lớp. Học sinh mới chăng? Có vài tiếng xuýt xoa ở cuối dãy nam sinh. Tụi con trai láo lếu thật, sắp trêu chọc người ta rồi đây. Nhưng cô bé này không có vẻ gì rụt rè cả. Cô tiến tới bàn thầy giáo và trình sổ điểm danh cùng với một hộp phấn màu. Thầy giáo cám ơn. Cô bé hơi cúi đầu và rồi đi ra khỏi lớp. Mấy tên con trai bỗng dưng huý‎ch nhau cười. Thầy đập tay lên bàn hai cái, rầy:
 
- Làm bài đi! Mấy em chuyện gì cũng cười được.
 
Một trò ngồi ở bàn đầu nói:
 
- Thưa thầy, chúng em tưởng… học trò mới.
 
- Thì có gì đâu mà cười?
 
Thầy nói thế, nhưng thầy cũng nhận thấy rằng chính thầy cũng lầm như vậy. Một cô bé nhỏ nhắn xinh đẹp giúp việc văn phòng. Một điều ngộ nghĩnh! 

Võ thật sự nghệt mặt ra, khi cô bé đi ngang khung cửa kính. Dáng cô bé dễ thương lướt qua làm mất ánh nắng chiếu trên người Võ trong một giây và để lại trong lòng Võ một nỗi gì êm êm. Cô bé đã đi mất rồi. Võ không cười như mấy đứa con trai kia. Mà bỗng nhiên Võ thấy mình ngây ngô lạ. Một cô bé mười ba – Võ đoán thế- tóc thắt bím nơ hồng và mặc áo cũng màu hồng. A, hình như đôi guốc cô bé mang cũng màu hồng nữa. Giá cô bé cũng tên Hồng nhỉ! Võ thấy nao nao trong lòng. Bỗng nhiên Võ như quên đi rằng quanh đây là lớp học, bạn bè đang suy nghĩ để làm bài toán Điện, và thầy đang chờ đợi một trò xung phong lên bảng. Võ chỉ thấy dáng của “Hồng” lượn lờ trước mắt, như một con bướm.
 
- Em ngồi gần cửa sổ kia, lên bảng!
 
Võ giật mình, và như cái máy, Võ đứng dậy. Cả lớp quay lại nhìn Võ. Võ vẫn ngoan ngoãn đi lên bảng. Đứng trên bục, Võ không biết phải viết gì. Hình như thầy chưa nhận thấy vẻ lúng túng của Võ. Thầy nói, trong khi vẫn nhìn xuống dưới lớp:
 
- Em tính xem điện lượng phóng thích trong một giây là bao nhiêu.
 
Câu nói vô tình của thầy làm Võ chộp lấy như gặp một vị cứu tinh. Võ viết ngay lên bảng:
 
Cả lớp bỗng cười khúc khích. Thầy quay lại nhìn và nói hơi gắt:
 
- Em làm cái gì vậy? Chưa gì hết đã vội tính điện lượng phóng thích trong một… trời ơi! Một gì? Trong một “hồng”! Tôi chẳng hiểu gì cả. Em viết cái gì vậy???
 
Võ giật mình, muốn xóa những chữ của mình đi nhưng không kịp. Tay Võ cứng ngắc. Võ muốn mình biến mất đi trước mặt thầy. Võ biết phía sau lưng có sáu đứa con gái ngồi ở hai bàn đầu. Chúng nó chắc đang che miệng cười… Võ muốn mình tan ra thành nước. Thầy vẫn chưa hết ngạc nhiên. Võ đứng chìm trong tiếng lao xao. 

3
Hôm nay cô bé mặc áo màu xanh, cột nơ xanh và đi guốc màu xanh. Bây giờ Võ biết cô bé không phải tên “Hồng” nữa, cũng không lẽ tên “Thanh”. Mà là cô bé làm dáng quá mức. Nhưng cái làm dáng đó khiến cho cô bé xinh như một nàng công chúa. Mấy tên con trai nghịch ngợm cũng vẫn xuýt xoa khi cô bé đi vào trình sổ điểm. Chưa bao giờ thấy cô bé nhìn ai, chỉ hơi cúi đầu và làm phận sự. Cô bé thoáng vào và thoáng ra chỉ trong một phút. Và khi đi ra hành lang cô bé có đi ngang qua khung cửa kính có Võ bên trong nhìn ra. Chưa bao giờ nghe cô bé mở miệng nói với ai một lời. 

Nhưng bữa nay có một điều mới, lạ, khác hẳn những bữa trước. Không phải là màu xanh của cô bé. Mà là lúc đi ngang khung cửa kính, cô bé có nhìn vào. Hình như cô bé có nhìn Võ nữa, bởi lúc ấy Võ cũng ngóng mắt nhìn ra chờ đợi “ngắm hắn một tí”. Ôi chao! Hai con mắt của cô bé sao mà đen láy và tròn xoe. Võ không biết phải ví như là gì. Hai con mắt như chớp lấy hồn Võ. Võ ngơ ngác. Võ nghệt mặt ra. Nhưng rồi đôi mắt ấy đã theo con người xinh đẹp kia mất hẳn sau khung cửa kính. Võ nén nỗi tiếc rẻ, cúi xuống chép bài. Bỗng Võ nhìn thấy chiếc nhẫn đồi mồi trên tay. Ừ đúng rồi, Võ là con trai đeo nhẫn kỳ lắm! Võ sẽ… Võ sẽ tặng cho cô bé đó. Nhưng Võ chưa quen, làm cách nào để Võ quen? Ngày nào cô bé cũng thoáng vào rồi thoáng ra. Có bao giờ cô bé đặt chân đến cuối lớp, nơi có cậu bé Võ đang ngồi trong góc kẹt, mắt nhìn như dán vào cửa kính và quên cả học bài. Nếu cô bé mà biết như thế hẳn sẽ cảm động lắm? Chắc cô bé sẽ chớp chớp đôi mắt tròn xoe kia và mở lời cám ơn Võ. Võ chờ nghe giọng nói ấy. Người dễ thương thế kia chắc phải có một giọng nói êm như ru và ngọt như kẹo? Võ thầm cám ơn chiếc nhẫn đồi mồi. Nhất định Võ sẽ tặng chiếc nhẫn cho cô bé. 

Võ cởi chiếc nhẫn, trịnh trọng gói vào một mảnh giấy trắng. Rồi Võ xé tập lấy một tờ giấy nữa, Võ định viết những lời làm quen. Nhưng Võ viết mãi vẫn chỉ được hai chữ “Ấy mến!” rồi Võ bí luôn. Võ thấy mình bất lịch sự, vì chẳng biết tên người ta mà cứ gọi bừa là “ấy”. Thôi thì chiếc nhẫn đồi mồi làm quen giùm Võ. Võ xé tờ giấy, vò nát và vô tình để rơi dưới đất. 

Tan giờ học, Võ ôm cặp chạy nhanh xuống lầu. Võ gặp cô bé đang đứng ở hành lang. Trông cô bé oai như một người giám thị. Võ đến gần, dúi gói giấy có chiếc nhẫn vào tay cô bé, và đỏ bừng cả hai tai, Võ ù té chạy. 

4
Gần hết giờ Việt văn, cô bé đi lên cùng với người giám thị già. Ông giám thị cầm theo một con roi dài. Cả lớp còn đang ngạc nhiên thì ông giám thị cúi xuống nhìn dưới gầm bàn của các trò gái. Ông gằn giọng:
 
- Hừ! Mấy trò này xả rác bừa bãi trong lớp quá nhỉ! Xem nào, vỏ cóc, vỏ ổi, hột me, giấy kẹo… quá lắm rồi! Cuối tháng này mỗi trò bị trừ hai điểm hạnh kiểm nhé!
 
Mấy đứa con gái nhìn nhau sợ sệt. Có đứa cúi xuống nhặt vội rác dưới chân mình. Nhưng ông giám thị đã đưa mắt nhìn sang bọn con trai.
 
- Còn mấy trò trai cũng vậy. Giấy xếp máy bay, giấy kẹo “sinh-gôm”.., bẩn thỉu quá!
 
Cô bé bỗng cất tiếng:
 
- Còn trò ngồi gần cửa kính nữa kìa ông Tổng! Nó vò giấy bỏ đầy dưới bàn.
 
Võ giật mình nhìn xuống chân: giấy của Võ viết thư “làm quen” cô bé hôm qua. Võ ngượng quá. Ông giám thị nói to:
 
- Mấy trò phải giữ sạch sẽ và trật tự cho lớp học. Ngày mai mà vẫn còn xả rác thì bị năm roi đấy. Lớp học có hai chục học trò thì phải đàng hoàng hơn người ta chứ!
 
Chuông reo báo hiệu giờ ra chơi. Ông giám thị rời lớp cùng với thầy giáo. Cô bé còn đứng lại giở sổ điểm ra nhìn. Môi cô bé hơi trề ra. Võ bỗng nghĩ đến con số 01 to tướng của mình hôm lên bảng làm bài toán Điện. Võ nghe mặt nóng bừng. Mấy đứa con gái nhìn nhau, có vẻ bất bình lắm. Chúng nó bàn tán lao xao. Rồi thì một đứa đứng lên, la lớn:
 
- Nè, trò kia, có phải trò méc ông Tổng là tụi tôi xả rác trong lớp không?
 
Cô bé ngẩng mặt, nhìn lại. Đôi mắt tròn xoe kia long lên như biểu dương một quyền uy, và cô bé đáp lại:
 
- Ừa, tui méc đó, có sao không?
 
Nhỏ kia tức giận ngồi phịch xuống, và cả bọn nhao nhao:
 
- Đồ lẻo mép. Đồ làm tàng. Là cái quái gì mà hách quá vậy?
 
Đôi mắt kia càng long lên dữ tợn hơn nữa:
 
- Là gì à? Là tiểu giám thị ở đây nghe chưa! Đứa nào ở dơ, phá lớp, nghịch ngợm… là tui méc bị đòn.
 
Ôi! Cái giọng nói mà Võ ao ước được nghe từ đôi môi dễ thương kia, thật chẳng giống như Võ tưởng tượng tí nào cả. Nó chát chúa và đanh thép, nghe rít vào tai Võ làm Võ ngớ ngẩn. Đến lượt bọn con trai nổi giận. Một đứa nói:
 
- Con gái gì mà dữ quá vậy?
 
- Ừa! Có sao hông?
 
Cả lũ con trai phá lên cười. Cô bé vẫn không lộ vẻ nao núng, mà bỗng rút chiếc nhẫn đồi mồi từ ngón tay áp út, giơ lên cao:
 
- Hôm qua đứa nào đưa cái này đây? Trả lại nè! Coi chừng méc ông Tổng là nhừ đòn đó à nghen!
 


Dằn một cái lên bàn, cô bé ngoe nguẩy đi ra. Một đứa con trai nghịch ngợm lấy dây thun bắn theo, trúng ngay lưng. Cô bé kêu lên, và quay lại giận dữ. Cả lũ con trai được thể trêu ghẹo cho bõ ghét. Cô bé bây giờ vừa chửi vừa la. Một sợi dây thun nữa tung ra. Cô bé điên tiết cúi xuống nhặt chiếc guốc màu xanh ném ngay vào lớp… 

Không trúng ai cả, nhưng chiếc guốc bay thẳng đến tấm kính cửa ngay bên Võ. Võ nghe hàng chục tiếng loảng xoảng bên tai. Khung kính đã vỡ toang. Võ ngồi trơ như tượng đá.
 
Bây giờ đến một chiến thuật mới: Cô bé khóc to hu hu, và hăm đi méc ông Tổng. Phen này cả lớp phải bị quỳ là cái chắc. Tà áo xanh đi ngang khung cửa kính, nhưng Võ không nhìn theo. Không một ý nghĩ nào hôm qua còn tồn tại trong đầu. Giọng nói của cô bé như còn xoáy mạnh vào tai Võ. Một con người xinh đẹp và một giọng nói không thương được. Điều mà Võ tưởng tượng không giống như sự thật. Sự thật là khung kính bên cạnh Võ đã vỡ. Sự thật là chiếc nhẫn đồi mồi nằm trơ trẽn trên bàn. Võ đến, cầm chiếc nhẫn lên và nghĩ ngay đến anh Bản. Tự nhiên Võ nghe thẹn. Võ còn nhỏ quá mà! Võ mới học qua lớp Đệ Ngũ. Võ chỉ là thằng bé con. Giống như con bé “tiểu giám thị” đó, cũng chỉ là một con bé con mà thôi. 

Võ đứng ngượng ngùng giữa lũ bạn nhỏ. Tất cả đều đã biết Võ là đứa tặng chiếc nhẫn đồi mồi cho con bé. Tự nhiên Võ tưởng như mình đang đứng trên một mỏm đá cheo leo. Bên ngoài khung kính vỡ là biển cả. Và Võ ném chiếc nhẫn ra khỏi khung cửa. Võ không nghe một tiếng vang nào hết. Chỉ nghe rõ ràng có tiếng chân người đi ngoài hành lang. Thầy Sử Địa đi vào, theo sau là ông giám thị, và có cả con bé nữa. Võ nghĩ thế nào hôm nay Võ cũng xin trả bài. Võ sẽ trả bài như một tạ lỗi, dù thầy cũng chưa bao giờ hay biết rằng khi trên bảng thầy nói về những ngày vua Hàm Nghi gian nan ở vùng núi rừng Mai Lĩnh, Cam Lộ thì Võ, bên khung cửa kính, thả hồn theo những ngày rong chơi ở Cầu Đá, Hòn Chồng… 

Thầy bước lên bục gỗ. Ông giám thị đi vào, mặt giận dữ. Con roi gờm gờm trên tay ông, ngầm bảo với cả lớp rằng sắp có một hình phạt. Con bé chỉ còn mang một chiếc guốc xanh. Gương mặt của nó không còn một chút gì dễ thương trước mắt Võ nữa cả. Và Võ nhìn bàn tay nó, bàn tay mủm mỉm trắng hồng. Võ nghĩ hôm qua đã có lần nó đeo vào chiếc nhẫn đồi mồi. Võ quay mặt đi. Có một nỗi gì vỡ đôi trong lòng.

Nguyễn Thị Mỹ Thanh   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa, số 209, ra ngày 15/9/1973)

Bìa của Vi Vi : Mưa chiều

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

CHƯƠNG BA _NHƯ BÓNG MÂY QUA


Ba


Rồi cuộc sống lại tuần tự trôi. Còn ba người: Tôi, ba và vú Sáu, với từng tháng ngày tiếp nối, như thuở mẹ vừa mất. Tôi vẫn đi học. Vẫn theo thời trang. Vẫn thân với những đứa bạn cũ, và tâm hồn trở nên thoải mái phần nào dù không còn một “cô giáo Vinh” yêu thương. Tôi cố quên dù nhiều khi cuộc sống hàng ngày gợi nhớ. Dì Vinh đi rồi, tôi không còn ghét dì nhưng vẫn không thương trở lại. Vú Sáu không thay đổi. Có chăng, kẻ thay đổi là ba.

Phải, ba thay đổi nhiều, ba trầm mặc hơn, đăm chiêu hơn. Ba hay uống rượu hơn trước và đôi khi ghé nhà bạn bè chơi đến khuya mới về, điều mà trước kia ba không có. Tôi hiểu, ba nhớ dì Vinh.

Tôi thương ba nhưng không làm gì giúp ba được. Bởi nếu giúp ba được thì tôi phải làm một điều mà tôi không bao giờ làm: nhắn dì Vinh về. Vú Sáu thỉnh thoảng nhìn ba với ánh mắt xót xa. Tôi thầm ước giá tôi nghĩ được như vú.

Đôi khi, vô tình hay cố ý, trong bữa ăn ba nhắc đến dì Vinh “món này mợ Vinh chỉ cho vú Sáu làm đấy hả?” Hoặc “Sao vú không mua thứ trái cây trước mợ vẫn hay mua, tôi thích thứ đó…” Những khi đó tôi lảng đi.

Căn nhà quen vắng vẻ, rộng tênh. Chợt có tiếng nói, giọng cười của dì Vinh, ấm lại một chút. Khi vắng dì, căn nhà như rộng thêm ra. Bàn tay sắp đặt ngăn nắp của người đàn bà dù sao cũng thật cần thiết. Tôi có thế giới của tôi, căn phòng nhỏ, chứ không thể quán xuyến tất cả trong nhà. Tôi thấy rõ khuyết điểm của mình nhưng không dám hé môi. Tôi thấy rõ cần nhiều tháng, nhiều năm học hỏi nữa tôi mới có thể như dì Vinh được.

Mặc dù buồn, nhưng thấy tôi trở lại thung dung, nhí nhảnh, cười giỡn với bạn bè thoải mái như ngày nào, ba cũng yên lòng. Ba vẫn chìu tôi, vẫn thương tôi. Nhưng tôi chợt thấy trong mắt ba hình như dè dặt hơn đối vối một đứa con đã lớn. Tôi cố gắng để ba hòa hợp lại với những ngày gia đình chưa có dì Vinh.

Tôi biết ba gắng gượng cho tôi không thấy nỗi buồn của ba dù đã có lần tôi hỏi:

- Ba có buồn lắm không ba? Ba có giận con?

Ba lắc đầu:

- Ba không dối con là đôi khi ba buồn vì nhớ dì Vinh. Nhưng giận con thì không.

Tôi nũng nịu:

- Con sợ ba giận con. Dù sao con cũng có lỗi. Con biết ba thương dì.

- Thôi đừng nhắc nữa con. Ba muốn con vui và đừng nghĩ gì cả.

Tôi cũng chỉ mong ba nói câu đó. Và tôi im lặng tán đồng.

*

- Hà Lan.

Tôi rời chiếc piano đến ngồi đối diện ba:

- Ba gọi con?

Ba gật, hỏi:

- Sáng mai con bận lắm không? Có thể nghỉ học một buổi không?

- Thưa ba chi vậy?

- Ba muốn đãi cơm một người.

- Được chứ ba.

Ba gật gù:

- Con ở nhà lo cơm nước với vú Sáu. Đãi buổi trưa đi. Nhớ làm tươm tất chút nghe.

Tôi tò mò:

- Đãi ai vậy ba?

- Một người mới được bổ nhiệm về làm dưới quyền ba.

Tôi lắc đầu:

- Phó Giám Đốc Hành Chánh? Lại một ông già như… rùa phải không ba?

- Không. Một người trẻ.

Tôi lập lại:

- Trẻ? Ai lại chịu làm cái công việc như rùa ấy ba?

Ba mỉm cười:

- Anh ta vừa ra trường Quốc Gia Hành Chánh, được bổ về đây.

- Vâng, ba. Con sẽ tiếp vú Sáu lo bữa ăn.

*

Tôi quen Thành từ bữa cơm trưa hôm đó. Khác với dự tưởng của tôi về một “con mọt sách” : xanh xao, èo uột và nhất là… cù lần, Thành trái lại, hoạt bát, nói chuyện rất có duyên và không có vẻ… cù lần chút nào.

Gặp lần đầu tiên tôi đã thấy mến gã thanh niên có dáng người cao dong dỏng ấy. Đôi mắt nâu, với ánh nhìn thật xa vời, nhưng nụ cười của hắn thì chân thật vô cùng. Có lẽ do vậy mà ba có cảm tình với Thành, ba có vẻ thân mật dù anh ta chỉ là một thuộc hạ. Hình như ba tìm thấy ở Thành một điểm tương đắc nào đó.

Ba hay mời Thành đến dùng cơm, đánh Domino hay cờ tướng. Có Thành ba cũng ít uống rượu với bạn bè hơn trước. Tôi cám ơn anh về điểm đó. Chúng tôi có dịp gặp nhau luôn. Thành nói với tôi về gia đình anh: Cha mẹ già, các anh chị đã lập gia đình và một cô em gái hai mươi hai vừa làm đám cưới xong và Thành là trai út.

Ra khỏi cổng trường Thúy bỗng huých tay tôi:

- Ai chờ mày kìa?

Tôi quay sang, nhìn gã con trai đang đi về phía mình, kêu khẽ:

- Thành.

Thúy ngạc nhiên:

- Ai vậy?

Tôi nói nhanh:

- Người bạn. Hắn làm dưới quyền ba tao.

Thành đi nhanh và tôi tự dưng cũng bước nhanh hơn. Chúng tôi gặp nhau ở khoảng giữa. Thành gật đầu chào Thúy. Tôi giới thiệu:

- Anh Thành, đây Thúy, bạn em.

Thành mỉm cười:

- Cô Thúy chắc biết nhiều về Hà Lan?

Thúy dạn dĩ:

- Đương nhiên. Tôi bạn với Lan từ mấy năm nay.

Thành nhìn tôi:

- Tôi đang muốn tìm hiểu về cô bé. Nhưng Lan kín đáo quá. Đôi khi muốn chìu cũng không biết sở thích.

Tôi chớp mắt:

- Ai cho anh đến đón Lan để nói những chuyện đó vậy?

Thành phân trần:

- Cô Thúy thấy chưa? Hà Lan khó tính ghê không?

Thúy cười:

- Anh đưa nó về đi, ráng mà dỗ nó. Tôi biết tánh Hà Lan, nó mà giận lên là…

Tôi cắt ngang:

- Ê, “lên” năm phút thôi nghe Thúy. Làm gì mà tố dữ vậy.

Thúy cười ranh mãnh “rút lui”. Còn lại tôi và Thành.

- Anh đến chi vậy?

Giọng Thành ấm:

- Đến đón em không được sao? Hay là… có gì phiền?

Tôi vội lắc đầu:

- Chả có gì. Nhưng Lan hơi ngạc nhiên.

Thành nhìn sâu vào mắt tôi:

- Anh nhớ.

Tôi cúi mặt im lặng.

- Hà Lan cho phép chứ?

- Tôi bỡ ngỡ:

- Cho phép gì anh?

- Cho phép… nhớ em.

- Quyền anh mà.

- Nhưng anh muốn lệ thuộc em trong tình cảm nhung nhớ đó.

Bước chậm, Thành chỉ chiếc Vespa dựng bên lề:

- Anh đưa Lan về.

Tôi gật nhẹ.

Lần thứ nhất nhận lời ngồi sau xe một người con trai, tôi ngường ngượng thế nào. Xe chạy, gió đùa tóc tôi vướng vít áo Thành. Tôi cảm nghe một thích thú ngấm ngầm len lỏi vào hồn. Thành chạy xe thật chậm.

- Sao anh không chạy nhanh một chút? Đường ít xe.

- Lan thích chạy nhanh?

- Dạ không. Nhưng Lan thấy con trai hay phóng xe như bay.

Thành dịu dàng:

- Nếu anh đi một mình anh cũng phóng nhanh cho mau đến nơi mình muốn đến. Chở Lan, trái lại, anh chạy chậm vì sợ phải đến nơi quá nhanh. Anh quí những phút bên em.

Tôi nghe hai má nóng bừng. “Anh chàng tán khéo ghê”. Tôi thầm nghĩ, rồi lại giận mình sao nghĩ quấy cho “người ta”. Thành chân thật, không lém lỉnh tán nhăng tán cuội như những anh con trai khác. Tôi lại cười vì sự biện hộ của mình.

Thành ngừng xe trước cổng nhà tôi.

- Anh vô uống nước rồi về.

- Cám ơn Lan. Nhưng anh muốn xin em một cái hẹn hơn.

Tôi chớp mắt:

- Bao giờ?

- Chiều mai. Sáu giờ rưỡi anh đến đón. Mình đi ăn tối, nghe nhạc cho vui.

Tôi hơi ngập ngừng:

- Để em xin phép ba.

- Anh xin cho. Ba thương anh lắm.

- Lỡ ba không bằng lòng?

Thành tự tin:

- Ba rất hiểu tuổi trẻ. Để rồi em xem.

Nhìn bóng Thành mất hút cuối đường, tôi cảm thấy những tình ý phức tạp đang làm chao động tâm hồn từ lâu bình thản của mình.

*

Trăn trở hoài tôi cũng không thể nào chợp mắt. Hình ảnh Thành với lời hẹn làm tôi nôn nao. Những mơ ước đầu đời dường như được tụ đọng quanh người con trai đó. Tôi không phân tách nổi tình cảm của mình bởi thật khó mà phân tách. Tôi chỉ biết sự bâng khuâng như muốn xoáy lấy tôi một cách mãnh liệt. Trong nụ cười, trong ánh mắt Thành, tôi bị chi phối hoàn toàn.

Tôi bắt đầu đặt câu hỏi chiều mai phải mặc áo màu gì? Và phải chải tóc ra sao? Có nên điểm trang một chút? Và tôi đã ngồi hàng giờ trước gương để mỉm cười, để cúi mặt, để… nhìn mình như một diễn viên tập tuồng trước khi diễn xuất.

Tôi thấy vụng về lạ lùng. Dù Thành không phải là người bạn trai đầu tiên của tôi. Không. Trước Thành tôi đã có Liêm, có Khải. Nhưng chỉ với Thành tôi thấy bối rối. Tôi thấy tên anh thật dễ thương, “Lưu Việt Thành” nghe trìu mến mà chất phác.

Rồi buổi chiều cũng đến. Tôi nghe đồng hồ gõ và thấy thời gian trôi thật chậm. Lúc trưa ba đã bảo tôi: “Thành nó xin phép chiều nay được mời con ăn cơm rồi đi nghe nhạc, con nghĩ sao?” Tôi nhìn ba và thấy ba tự nhiên không có vẻ gì buồn giận, tôi ấp úng: “Ba cho phép không ba?” Ba gật:

- Con nên đi cho vui. Tuổi con phải có bạn chứ.

Mắt tôi nhìn ba long lanh biết ơn. Ba hiểu tôi nhiều quá. Ba hiểu giá trị tình yêu và hạnh phúc của tôi, ba quí trọng tình yêu và hạnh phúc của tôi trong khi tôi lại khe khắt với hạnh phúc của người.

Nhưng ý nghĩ đó của tôi không kéo dài được lâu. Tôi còn bận nghĩ đến Thành. Tôi ngần ngại khi đứng trước tủ áo. Lựa mãi. Chọn Mãi. Sau cùng bộ pant-tunique xanh nhạt làm tôi hài lòng. Coi “con bé” cũng sang lắm.

Ngồi vào bàn trang điểm tôi chợt nghĩ đến dì Vinh. Có dì những lúc này đỡ cho tôi biết bao. Chắc chắn dì sẽ cho ý kiến và những ý kiến đó thật quí giá đối với tôi. Dì sẽ biết tôi trang điểm vừa mắt hay quá lố. Dì sẽ… Tôi thở dài, loay hoay với những hộp phấn, ống son còn nguyên vẹn chưa dùng.

Cố gắng tôi cũng sửa soạn được lớp phấn hồng trên má! Mắt kẻ đậm hơn, môi thoa son màu naturelle và dùng chì đỏ kẻ tròn theo vành. Tôi chải đôi mi sẵn đã dài và cong. Mỉm cười, với một chút tự hào rằng mình đẹp.

Tôi ra phòng khách: Thành đã ngồi đó.

- Anh!

Thành ngước lên, sững đi một giây:

- Ồ, Hà Lan.

Tôi chớp mắt:

- Sao anh?

- Hà Lan xinh lạ lùng.

- Xinh chứ không đẹp?

Thành lắc đầu:

- Xinh là đẹp và duyên dáng hợp lại. Có người chỉ đẹp mà vô duyên. Cũng có người có duyên thôi chứ không đẹp.

- Còn em?

- Cả hai. Bởi vậy anh nói em xinh.

Tôi cầm chiếc ví nhỏ:

- Thật không đó?

- Anh không khen với em, mà là chính anh.

Tôi gọi vú sáu:

- Vú coi nhà, ba về vú dọn cơm ba ăn nhé.

- Còn con?

Tôi nhìn Thành:

- Chiều nay con không ăn cơm nhà. Con có xin phép ba rồi.

Thành nói với vú:

- Hà Lan đẹp quá phải không vú?

- Em nó đẹp từ bé cậu ạ.

Thành quay sang tôi:

- Thấy không? Vậy mà anh nói em không tin.

Tôi mỉm cười sung sướng:

- Em tin rồi. Thôi mình đi đi anh.

*

Chúng tôi chọn một nhà hàng thật ấm cúng. Tôi ngồi đối diện Thành và thấy anh như rạng rỡ sau làn khói thuốc. Gương mặt đó, nụ cười đó đã quá quen thuộc với tôi.

Suốt buổi cơm, Thành nói tôi nghe về tuổi thơ của anh. Tuổi thơ đẹp như cánh đồng xanh cỏ mướt. Tuổi thơ mộng tràn như tiếng diều reo trên gió, như lời ve than mùa hạ. Tôi cũng kể lại tuổi ấu thơ, đoạn nhớ, đoạn quên, nhưng tình thương của mẹ, của ba thì trải bàng bạc vô tận.

Thành săn sóc tôi miếng ăn: “Lan phải ăn thêm chén nữa mới được. Ăn ít thế làm sao em khỏe được, anh mà ở cạnh em là phải biết, mỗi bữa anh bắt ăn cho được ba chén cơm”.

Tôi lắc đầu, tôi le lưỡi, nhưng tôi sung sướng bởi những săn sóc đó. Tôi chợt nhớ những cử chỉ dì Vinh đối với ba, cũng như Thành đối với tôi hiện giờ: vì yêu! Vậy mà tại sao với Thành tôi thương, với dì Vinh tôi lại ghét? Tất cả đều bởi tình yêu nhiệm mầu. Tại sao tôi ghét dì Vinh yêu ba? Tôi yêu Thành ba có cấm đâu? Tôi yêu Thành, nếu dì Vinh biết chắc dì sẽ khuyến khích tôi, và biết đâu chừng dì lại không giúp tôi chinh phục tình cảm Thành nồng nàn hơn? Có thể như thế lắm.

- Hà Lan.

Tiếng Thành đột ngột làm tôi giật mình buông rời ý nghĩ:

- Em nghĩ gì mà bỏ đũa vậy?

- Em có nghĩ gì đâu anh?

- Sao Lan giấu anh? Lan không cho phép anh chia sẻ nỗi vui buồn với em sao?

- Em…

Thành với tay nắm bàn tay bé bỏng của tôi, siết nhẹ:

- Em nghĩ về anh?

- Có thể.

Người con trai nhăn mặt:

- Sao lại có thể?

- Vì nhiều ý nghĩ quá, phức tạp quá, em chỉ biết em có nghĩ đến.

Giọng Thành tha thiết:

- Anh nghĩ đến em bất cứ lúc nào. Hình ảnh em chiếm ngự tất cả mọi khoảng thời gian và không gian quanh anh, em có tin như thế không Lan?

Tôi lắc lắc mái tóc:

- Em không biết.

- Em phải biết chứ. Em phải tin vì đó là sự thật.

Thành tấn công vũ bão dù lời nói dịu dàng. Mắt anh nhìn tôi đắm đuối. Tôi thấy ngợp. Tôi chới với thật sự.

Tôi hỏi Thành:

- Tình yêu làm cho người ta ích kỷ phải không anh?

- Để lo lắng cho người tình, và giữ gìn hạnh phúc chứ em.

- Ngăn trở hạnh phúc kẻ khác không nên anh nhỉ?

Thành lắc đầu:

- Với tình yêu, điều tối kỵ là khe khắt. Nếu em nghĩ rằng mình cần hạnh phúc thì người khác cũng thế.

Thành vô tình, làm sao hiểu được tôi đang nghĩ đến ba và dì Vinh.

Đêm vào sâu khi Thành đưa tôi về. Gió đêm lành lạnh, tôi ngồi sát vào anh.

- Lạnh không em?

- Cũng hơi. Thu rồi anh hở?

Tôi có cảm tưởng quen Thành từ kiếp nào. Tôi thấy như không có khoảng cách bao nhiêu từ ngày hai đứa ra đời đến bây giờ quen biết.

Ba đang đọc sách ở phòng khách. Thành và tôi vào chào ba.

- Cô cậu vui chứ?

Tôi liến thoắng:

- Ăn cơm ngon lắm ba.

Thành “tố”:

- Hà Lan ăn chỉ hơn chén cơm bác ạ.

Ba gật đầu:

- Nó vẫn thế.

Tôi chợt nói:

- Hồi còn dì Vinh con ăn khá hơn. Dì làm bếp tuyệt.

Tôi thấy mắt ba sáng lên khi nghe tôi nói đến dì Vinh nhưng ba không nói gì. Và tôi cũng không hiểu sao bỗng dưng mình rộng rãi, nghĩ đến dì Vinh bằng thiện cảm nhiều đến thế.

Tôi nói:

- Ba cho phép tụi con ngồi ngoài băng đá nói chuyện há ba?

Ba gật. Thành chào và dìu tôi ra sân.

Trời nhiều sao, trăng khuyết mỏng, ánh đèn từ phòng khách chiếu sáng mù mờ. Tôi ngồi xuống bên Thành trên băng đá. Thành hỏi trước:

- Lúc nãy anh nghe em nhắc dì Vinh. Dì đâu em?

Tôi bối rối:

- Dì đổi về Định Tường anh ạ.

- Dì là em mẹ?

- Không. Kế mẫu của em.

- Sao dì không xin ở đây cho gần ba và em?

Tôi nói dối:

- Người bạn dì ở Định Tường bị tai nạn thình lình nên dì tình nguyện về dạy thế. Chắc cũng độ vài tháng thôi anh.

Thành gật gù:

- Em có vẻ mến dì ấy lắm nhỉ? Anh ít thấy con chồng nào lại thương được mẹ ghẻ, em vậy là tốt. Mà chắc dì cũng hiền lắm?

Tôi đắng như ngậm bồ hòn. Lời Thành vô tình như một lời buộc tội gay gắt dành cho tôi. Nếu tôi tốt được như Thành nghĩ thì giờ này làm gì dì Vinh phải ra đi để ba cô độc. Tôi lắc đầu, cố xua đuổi những ý tưởng “phục hồi tình cảm” dành cho người đàn bà đó bắt đầu đâm rễ trong đầu óc.

Thành tiếp:

- Anh nghĩ ba cũng đã lớn. Tuổi ba cần có một người đàn bà lo lắng và an ủi. Một ngày kia rồi em cũng lập gia đình, cũng sẽ xa rời ba. Hơn nữa, ngay như lúc này, em còn ở cạnh ba, cũng không thể nào lo cho ba như dì Vinh được.

Thành nói đến dì Vinh như nói đến một người thân. Tôi lảng đi:

- Anh có nhiều bạn gái không?

- Sao em hỏi anh câu đó?

- Vì em thấy anh… nói chuyện hay, chắc các cô thích lắm.

Thành cười:

- Còn Lan, em có thích anh không?

- Em mến anh.

- Anh không muốn Lan mến anh.

Tôi giương mắt thật tròn:

- Sao… kỳ vậy?

- Anh muốn em… yêu anh thôi.

Trong bóng tồi, tôi vẫn “thấy” được hai má mình đỏ lên. Tôi lúng túng:

- Em… nhưng còn anh?

Thành choàng nhẹ tay qua vai tôi, đầu tôi gần ngã vào ngực anh.

- Hà lan.

- Dạ.

Tôi “dạ” nhỏ như hơi thở. Từng tế bào rung động. Môi tôi run như những âm thanh rối loạn trên môi. Thành cúi xuống:

- Anh yêu em.

- Dạ.

- Hà Lan.

Tôi ngước lên:

- Anh bảo gì em?

- Cho anh được diễm phúc làm người bạn đường của em mãi mãi không Lan?

Hình như tôi gật đầu. Và nụ hôn thứ nhất tôi đón nhận trong đời con gái làm cả vũ trụ như chao nghiêng, run rẩy.

*

- Ba.

Tôi líu lo như chim vành khuyên. Tình yêu làm tôi trở nên vui tươi, nhí nhảnh hơn số tuổi 18.

- Gì đấy con?

- Con tặng ba món quà nè.

Ba cầm chiếc hộp gỗ nhỏ:

- Của con hay Thành?

- Của con. Sao ba cứ nghĩ là chỉ có Thành mới biết mua quà tặng ba?

Ba nheo mắt:

- Vì ba nghĩ rằng còn gái ba còn bé con, chưa đủ tế nhị.

- Lúc nào ba cũng khen Thành.

- Nó đáng khen.

Ba trả lời thật gọn. Tôi thấy sung sướng với nhận xét của ba lạ lùng. Ba đã quá rộng lượng trong tình yêu của con gái. Ba đã đặt cho hạnh phúc của tôi một cái giá cao quí trong khi tôi ích kỷ không coi trọng tình yêu của ba chút nào. Tôi bỗng hỏi:

- Lâu nay ba có được thư dì Vinh không ba?

Ánh mắt ba lạ lùng:

- Chi vậy con?

Tôi nói nhanh:

- Dì mạnh không ba?

- Cũng thường thôi. Với lại đôi khi bà ấy bịnh cũng không nói cho ba biết đâu.

Tôi gật đầu:

- Dì sợ ba lo. Tánh dì vẫn thế!

- Sao hôm nay con hỏi đến dì Vinh?

Tôi ngập ngừng:

- Thỉnh thoảng con cũng hay… nhớ dì Vinh.

Và tôi ranh mãnh:

- Ba nhớ dì Vinh không ba?

Ba cười:

- Làm sao quên được nhanh thế con. Ít ra cũng vài năm.

Tôi tính nhẩm:

- Hai năm? Vậy mà dì mới đi năm tháng. Vậy là còn một năm bảy tháng nữa tức mười chin tháng hết thảy, ba mới quên được dì Vinh… lâu quá, thôi ba đừng thèm quên nữa, “nhớ” đại cho rồi.

Lần đầu tiên từ ngày dì Vinh đi, tôi và ba mới nói về dì một cách thân mật như thế.

Dường như ba muốn nói nhiều với tôi về dì Vinh, nhưng nghĩ sao ba lại thôi. Tôi nhìn mái tóc bắt đầu điểm những sợi bạc của người cha thân yêu mà thương vô tả. Ba đã hy sinh vì tôi nhiều và sẽ còn tiếp tục dù tôi có xử tệ với người. Vì tôi, ba đã đánh mất những năm tươi trẻ hạnh phúc và đến giờ, tình yêu vừa đến cũng chia xa. Tôi muốn nói với ba: “Con hiểu con lỗi nhiều với ba, nhưng ba vẫn thương con vô bờ bến. Nước mắt chảy xuống chứ có bao giờ chảy lên. Một chút hạnh phúc sau cuối của đời ba rồi cũng vì con mà tan vỡ… ba ơi!”. Nhưng tôi nghẹn lại. Tôi cắn môi để khỏi bật tiếng khóc. Vẻ biến đổi của tôi khiến ba có vẻ nghi ngờ thiện chí vừa rồi của tôi đối với dì Vinh.

*

Tôi ngồi với Thành trong phòng khách.

Chúng tôi chính thức yêu nhau được sự chấp thuận của ba và vú Sáu. Vú có vẻ hân hoan, khen Thành hiền và biết điều. Vú thích làm những món bánh ngọt để đãi Thành. Anh trở thành người khách thường xuyên của gia đình.

- Anh định vào nửa tháng tới được không em?

Thành và tôi đang bàn về lễ đính hôn. Thành muốn vào nửa tháng tới. Nhưng tôi thấy quá sớm.

- Vài tháng nữa đi anh.

Thành ngỡ ngàng:

- Em không muốn trở thành vị hôn thê của anh?

- Không phải. Em yêu anh, em mong muốn điều đó lắm chứ, nhưng… sợ bạn em nó cười quá à. Gì mà… lấy chồng, kỳ, tụi nó chưa đứa nào…

Lý luận đơn giản của tôi làm Thành bật cười:

- Trời ơi, sao em tôi trẻ con quá đi mất. Bạn nào mà cười kỳ vậy? Sau này khi đến lượt các cô thì sao?

Tôi ấp úng:

- Tùy anh, sao cũng được. Miễn ba bằng lòng.

- Mình tổ chức một bữa tiệc thân mật nghe em?

- Dạ.

- Em mời trước bạn bè đi. Để gần ngày lo không kịp.

Thành nhìn vào mắt tôi:

- Có cô vợ đẹp như em, suốt ngày anh chỉ nhìn cũng đủ no.

Tôi nũng nịu:

- Anh nịnh em không à.

- Mình nịnh người yêu mình. Đừng nịnh người yêu… thiên hạ thôi chứ.

- Anh kỳ.

Thành vuốt tóc tôi:

- Bé của anh dễ thương ghê.

- Tại sao anh yêu em?

Thành hỏi lại:

- Tại sao anh lại không yêu em?

- Em… chả đẹp gì cả.

- Anh yêu vì… anh yêu, giản dị chỉ có thế Hà Lan ạ – Giọng Thành thật trìu mến – Anh không thể định nghĩa được tại sao anh yêu em. Nếu có, là chỉ khi nào anh hết yêu.

Tôi rưng rưng:

- Bao giờ thì anh… hết yêu em?

Thành nắm bàn tay tôi, đan những ngón tay vào tay anh:

- Không bao giờ.

Anh nhìn tôi, tia mắt dịu dàng mà xoáy lốc:

- Hà Lan.

- Dạ.

- Em chớp mắt đi.

Tôi… chớp mắt:

- Chi vậy anh?

- Để anh nhìn. Anh thích nhìn vẻ ngoan hiền bé bỏng trong cử chỉ đó.

Tôi ngả nhẹ đầu vào ngực người tình. Khép mi, tôi hình dung đến một ngày đám cưới và tôi là cô dâu, Thành là chú rể. Chắc là ngượng chết, nhưng mà vui. Hơn bao giờ hết tôi biết sự mầu nhiệm của tình yêu.

Từ ngày yêu Thành, tôi xây đắp những ước mơ nho nhỏ, xinh xinh như những đóa hoa hồng hé nụ, như những búp huệ ngát hương. Tình yêu làm tôi thuần tính lại. Tình yêu làm tôi dễ dãi, khoan dung. Tôi nghĩ Thượng đế không phải thành công vì đã tạo ra một con người với tất cả thể xác trí óc tinh vi ảo diệu mà sự thành công là vì đã tạo cho người ta một linh hồn, với sự rung cảm của con tim.

Có tình yêu, tôi trở nên một kẻ sung sướng nhất trên đời. Và cho đến giờ phút này, giờ phút bước vào đường yêu tôi mới hiểu đúng nghĩa thâm thúy kỳ diệu của nó. Và tôi mới cảm thông được cho ba và dì Vinh trước kia. Vì yêu ba nên dì Vinh muốn làm tất cả những việc gì có thể làm cho ba vui, vì yêu ba dì Vinh đã muốn được tự săn sóc ba từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi ganh ghét nghĩ rằng dì giành mất ba, không phải dì Vinh giành mà là tình yêu trong con tim dì đã làm việc đó.

Tôi bắt đầu thấy mình thật có lỗi khi đã chia rẽ ba và dì Vinh. Nhìn những nếp nhăn hằn đậm trên trán ba tôi nghĩ đến lúc ba già nua. Có lẽ là tôi không thể giúp gì được cho ba mà phải là dì Vinh, người đàn bà mà ba yêu thương.

*

Thúy ngạc nhiên trước vẻ vội vã của tôi. Nó tròn mắt:

- Thì từ từ tao đi, làm gì mày lôi dữ vậy?

- Tao nóng ruột mà mày làm như…

- Thôi được rồi.

Thúy chìu tôi, hai đứa đi nhanh vào phòng. Trưa nay học xong, tôi kéo Thúy về nhà luôn.

Thúy ngồi phịch xuống giường:

- Rồi đó. Có gì nói đi, nhà cháy cũng không bằng mày. Cái thứ có bồ rồi bỏ lơ bạn bè, khi có việc lôi kéo người ta như… giẻ rách.

Tôi vòng tay khôi hài:

Các hạ tha lỗi. Tại hạ đâu dám vô lễ… Xin các hạ trút bỏ… áo dài cho đỡ nóng rồi… nằm nói chuyện với tại hạ.

Tôi với tay mở quạt. Thúy lên tiếng trước:

- Chuyện tình Roméo et Juliette đến đâu rồi? Hôm nào thì mày chính thức đưa chàng ra mắt bá quan thiên hạ?

- Tháng tới…

Thúy nhỏm dậy:

- Nhanh thế? Trời đất, anh chàng này bộ tính cưới vợ chạy giặc sao kìa.

- Tụi tao đính hôn thôi. Cưới cũng còn lâu. Tao bận học.

Thúy bĩu môi:

- Chưa gì tao thấy con đường học vấn của mày nó dài bằng… gang tay rồi đó. Lo học làm “nội tướng” đi là vừa.

- Mày thấy Thành ra sao?

- Được. Mặt mày khá, tướng cũng beau ra gì. Nhất.

- Điều quan trọng là tao yêu.

- Đúng. Nếu mày không yêu thì chả là cái giải gì cả.

- Nhưng chuyện tao bàn với mày hôm qua không phải là Thành.

- Vậy à? Ai?

- Dì Vinh.

Thúy kêu:

- Lại dì Vinh. Mày còn làm trò gì nữa đây? Nhờ tao đi… giết bà ta à?

Tôi lắc đầu:

- Nói chuyện đứng đắn chút mày. Tao ân hận.

- Ân hận?

- Ừ. Tao đối xử có vẻ… không đẹp với dì ấy.

- Còn “có hơi không đẹp” nữa hả? Mày giết khô giết héo người ta rồi mày còn nói vậy được? Thử hỏi ai bắt mày xa ông Thành mày sẽ nghĩ sao?

Tôi cáu:

- Thì tao biết lỗi thôi chớ. Bộ thấy tao xuống nước rồi mày xài xể tao hả? Vừa thôi nghe.

Thúy cười hòa:

- Thì vừa thôi, đủ rồi. Giớ mày định làm gì?

- Tao chưa biết phải làm cách nào để đưa dì về với ba.

Thúy gật gù:

- Chuyện khó chứ không giỡn đâu nghe Hà Lan.

- Tao hiểu, bởi vậy tao nhờ mày.

Thúy thở ra:

- Tao giúp gì được cho mày bây giờ? Đã xua đuổi người ta đi, làm chạm tự ái người ta đâu dễ gì hàn gắn, nhất là đối với một người đàn bà trí thức như dì Vinh?

Tôi cũng thở ra:

- Tao chỉ còn cách xuống Định Tường gặp dì năn nỉ xin lỗi. Tao hy vọng chính vì là người hiểu biết nên dì sẽ không chấp những hành động nông nổi của tao. Mày đi với tao. Ngày mai mình đi. Tao biết chỗ dì Vinh trọ.

*

Dì Vinh ở trọ một gia đình hai ông bà cụ già, một cô con gái mười lăm mười sáu tuổi và hai đứa cháu nội. Căn nhà khá rộng, lầu đúc. Dì chiếm nguyên căn lầu.

Tôi và Thúy ngồi chờ. Gần mười hai giờ dì về. Nhìn thấy Thúy và tôi, dì ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên biến nhanh trong mắt, dì ôm chầm lấy tôi:

- Hà Lan. Trời ơi, dì nhớ con quá.

Tôi xúc động rưng rưng nước mắt. Sự xúc động chân thành. Đồng thời tôi hiểu mọi việc sẽ không đến nỗi khó khăn.

Tôi lặng đi một lúc lâu trong vòng tay dì. Tôi nghe lại tất cả những âu yếm quen thuộc của ngày xưa. Tôi run giọng:

- Con cũng nhớ dì.

Dì Vinh nhìn tôi:

- Mới xa mấy tháng mà con như lớn hẳn, đẹp hẳn.

Tôi thì thầm:

- Ba nhớ dì lắm.

Dì hỏi vội:

- Ba sao? Vẫn khỏe?

- Ba gầy nhiều.

Dì kéo tôi và Thúy:

- Lên phòng đi, mình nói chuyện.

Rất tế nhị, Thúy nói:

- Dì và Hà Lan lên trước, em lại đằng này chút, nhà người mợ ở đây.

Dì Vinh kêu lên:

- Không được. Thúy đến thì ở đây chứ.

- Vâng. Lát Thúy trở lại mà.

Nó nháy mắt với tôi. Dư hiểu tài xoay sở của bạn, tôi gật đầu; còn lại tôi và dì Vinh.

- Hà Lan làm dì ngạc nhiên quá đấy.

Tôi hỏi nhỏ:

- Dì không giận con sao?

- Không. Dì hiểu Lan còn trẻ con mà. Trẻ con thì nông nổi. Nhưng dì không ngờ Lan lại hiểu dì sớm thế.

Tôi thành thật:

- Nếu chưa yêu, chắc Lan chưa hiểu được dì đâu.

Dì Vinh vui vẻ:

- Anh chàng nào tốt phước thế?

Tôi kể chuyện tôi và Thành. Dì Vinh nghe chăm chú. Tôi kết luận:

- Và trong tháng tới tụi con đính hôn. Dì Vinh nói như reo:

- Tuyệt. Dì mừng con gái của dì.

Và dì hôn tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể ác với một người đàn bà như vậy.

Tôi chúi đầu vào ngực dì:

- Tha lỗi cho Lan nghe dì. Lan hiểu đã có lỗi với ba và dì quá nhiều. Nhìn ba khổ Lan thấy tội mình lớn quá.

Giọng dì Vinh nghèn nghẹn:

- Dì cũng nhớ ba ghê gớm. Nhiều khi muốn bỏ dạy về thăm ba, rồi ra sao thì ra. Nhưng nghĩ lại dì cố dằn. Đã muốn con vui dì phải giữ niềm vui đó cho trọn vẹn.

Tôi thủ thỉ:

- Bây giờ cũng vì con mà dì về với ba nhé dì.

Người đàn bà nhìn lên trần nhà, mơ màng:

- Dì muốn lắm. Nhưng chưa được.

- Sao vậy dì? Dì không biết một ngày vắng dì là ba như già thêm?

- Dì biết chứ Lan. Nhưng mỗi lần xin đổi về đâu có dễ. Cũng phải một thời gian.

Tôi rướn giọng:

- Thì dì đừng dạy học nữa. Dì ở nhà lo cho ba, bộ ba không đủ sức nuôi dì sao mà phải vất vả?

Dì Vinh mỉm cười:

- Lan muốn dì về dữ vậy sao?

- Dì không tin con thành thật?

- Dì tin. Nhưng dì không biết con đã suy nghĩ kỹ chưa?

Tôi cả quyết:

- Dì đừng nghi ngờ con. Con chỉ mong dì về với ba, và cả với con nữa. Ngày con đính hôn không thể thiếu dì.

Dì Vinh có vẻ suy nghĩ. Rồi dì hỏi tôi về Thành, về tình yêu hai đứa. Đến khi Thúy trở lại thì dì đã có một quyết định: dành ngạc nhiên cho ba ngay hôm lễ đính hôn của tôi.

*

Tất cả mọi việc đều được sắp đặt xong xuôi. Tôi nhìn đồng hồ và nôn nóng lạ thường. Tại sao dì Vinh chưa lên? Tôi đã đánh điện nói rõ ngày giờ với dì rồi cơ mà? Khách đến khá đông, bạn bè tôi đến gần hết. Còn dì Vinh? Hay dì không đến? Hay dì bị bệnh bất ngờ?

Tôi đặt trăm ngàn câu hỏi rồi tôi không thể tự trả lời.

Thành lo lắng:

- Hình như em có điều gì không yên?

Tôi gật đầu:

- Em đợi một người. Mãi sao giờ này chưa đến?

- Ai vậy em?

Tôi nói nhỏ:

- Dì Vinh. Một ngạc nhiên em muốn dành cho ba.

- Em báo tin đúng chứ?

- Đúng mà. Nhưng sao giờ này…

Tôi chợt ngưng ngang câu nói. Từ ngoài cổng đi vào, dì Vinh. Dì mặc chiếc áo dài xanh hôm sinh nhật tôi. Tôi chạy bổ ra cửa, kéo Thành ra theo.

- Dì, con sợ dì không đến.

- Dì giá nào cũng không thể để Lan thất vọng.

Tôi ôm vai dì:

- Thành của con đó.

Dì Vinh mỉm cười:

- Rất vui được biết Thành. Con gái tôi yêu cậu lắm đấy.

Thành cảm kích:

- Cám ơn dì.

Tôi đưa dì Vinh vào ngang cửa.

- Dì đứng đây. Để ba ra đón dì.

Tôi chạy nhanh vào. Ba đang tiếp chuyện người bạn đồng sở. Tôi đến bên ba:

- Có người đến tìm ba.

Ba ngạc nhiên:

- Khách hả con?

- Thưa không. Họ có việc gấp. Ba ra họ nói gì rồi đi ngay.

Ba xin lỗi ông bạn, hấp tấp ra cửa.

Ba sựng lại. Dì Vinh đứng giữa tôi và Thành. Dì cười mà nước mắt rưng rưng. Ba lắp bắp:

- Mình… anh không ngờ. Sao em biết hôm nay…

- Chính con nó đi đón em về.

Ba nhìn tôi. Sự sửng sốt trong mắt ba dần dần lắng đi, chỉ còn lại vui mừng. Ba cười:

- À, ra con gái ba đã làm việc này? Thành, con nên cám ơn Chúa đi, con có một người vợ tế nhị lắm đấy.

- Con cám ơn Chúa từ ngày mới gặp Hà Lan kia ba ạ.

Ba nheo nheo mắt:

- Giỏi. Vậy là con khám phá sự thông minh của nó trước ba. Giờ này ba mới hiểu.

Tôi nắm tay dì Vinh:

- Thôi dì vô với ba để chủ tọa lễ đính hôn của tụi con chứ. Ba nè, con trả “mẹ” lại cho ba đấy.

Tôi gọi “mẹ” một cách trìu mến. Tiếng mẹ vắng từ tám năm nay trở về trên môi bằng âm thanh chân thật không ngờ.

Ba dìu dì Vinh bước vô. Tôi thấy bước đi của ba không còn nặng nhọc và những sợi tóc điểm bạc trên đầu ba như tự dưng đen trở lại.

Thành âu yếm nắm tay tôi:

- Bé cưng. Giờ sắp đến lượt chúng mình tuyên hứa một hạnh phúc trọn đời. Em nghĩ sao?

Tôi nhìn người yêu. Ánh mắt thay lời nói.


NGUYỄN THỊ DUY AN   




oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>