Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Thế Giới Học Trò (II)


ĂN QUÀ
(bài thứ hai)

Học trò ăn quà dài dài, bởi vậy nên mới có bài lần này “ “ăn quà trước cổng trường” tiếp theo bài “ăn quà trong lớp” ở số trước.

Ta vẫn nghe câu thơ giễu học trò rằng:

Học trò thò lò mũi xanh
Cầm tấm bánh đúc chạy quanh nhà trường.

Nghe đến khiếp! Nhưng đó là học trò ngày xưa. Họ trò bây giờ không thò lò mũi xanh mà lại sạch sẽ, trắng trẻo, áo quần tha thướt trông xinh xắn cứ như là tiên nga giáng thế. Quà bây giờ cũng không phải chỉ có tấm bánh đúc đơn sơ mộc mạc, mà là… kinh khủng lắm, như sẽ kể ra dưới đây. Và… chúng ta quá rõ: cảnh tượng “tiên nga giáng thế” ngay giữa “chợ hàng quà” họp trước cổng trường không phải là một hình ảnh xa lạ trong “thế giới học trò” hôm nay.

Đi quanh một vòng cổng trường lúc sắp vào học, hoặc sau giờ tan học, ta thấy rõ được quang cảnh đông vui sầm uất của “chợ hàng quà” là thế nào. Người ta có thể đếm được quãng dăm chục thứ quà: quà “ăn cho no” thì có bún riêu, bánh cuốn chả lụa, bánh mì, bánh bao, xôi (ba bốn thứ) mì, hủ tíu, bò kho v.v… Quà “ăn chơi cho vui” hoặc “ăn cho đỡ buồn” thì có bò bía, bột chiên, thịt bò khô, thịt bò viên, bánh tráng, các thứ bánh kẹo linh tinh. Quà “để uống” cũng không thiếu: đậu đỏ, đậu xanh, chè, xâm bổ lượng, nước sinh tố, nước dừa, sữa đậu nành v.v… Quà “trái cây” cũng rất dồi dào: ổi, cóc, xoài, me, thơm, mít, trái sơ ry… nói chung, đa số thuộc những loại chua, chát, nhắc tới là muốn tiết tâm linh tức khắc.

Người bán, người mua, đều vui vẻ, dễ dãi, hể hả cả. Các ông, bà, cô, bác, chú, cậu bán hàng làm việc nhanh thoăn thoắt, tiếng bào nước đá, tiếng mỡ xèo xèo, tiếng ồng ộc của chai nước mắm bị dốc ngược nghe đều… êm tai và quyến rũ. Người mua thì tiêu thụ… món hàng ngay tại chỗ, miệng cứ tươi như hoa, nhưng hoa này biết… cắn, nhai, nuốt một cách chăm chỉ và hăng hái vô cùng. Vừa ăn, các cô cậu học trò vừa xuýt xoa vừa khen ngon, than nóng, kêu cay cứ loạn cả lên. Pha vào đấy là những tiếng cười ròn tan, những câu chuyện tíu tít. Thật là một cảnh tượng “làm đẹp thành phố” có một không hai. Thực vậy, còn cảnh nào đẹp hơn một bầy tiên nữ ăn uống cười nói hồn nhiên vô tư, đứng dài dài có khi chắn ngang cả khúc đường làm các bác tài tha hồ than khổ và xe cộ thì nối đuôi nhau một chuỗi mà không nhúc nhích được (!)

Chuông, trống vào học vang lên! Lúc đó chợ mới dần dần tan, nhưng sự dần dần ấy cũng kéo dài lối 15 phút. Những kẻ chậm tay đành mua quà bỏ kín trong cặp, để dành vào tiêu thụ… trong lớp. Nếu cảnh họp “chợ hàng quà” xảy ra vào sau khi tan học thì ít nhất cũng phải kéo dài chừng nửa giờ rồi mới tan phiên chợ.

Ngoài hai “phiên chợ’ chính thức, “chợ hàng quà” còn họp một phiên phụ vào lúc xê xế. Gọi là phụ nhưng cũng náo nhiệt không kém, có điều khách hàng và người bán bị phân làm hai khối rõ rệt bởi cái cổng trường đóng kín. Đó là phiên họp chợ vào lúc học trò ra chơi. Hàng trăm bàn tay thò ra ngoài cổng sắt, vẫy, múa loạn cào cào ; khen cho những vị bán hàng không bao giờ rối tay hoa mắt, vẫn tiếp tế lương thực một cách chính xác và nhận tiền không thiếu một cắc. Thật là một nghệ thuật tuyệt hảo. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh có khác!

Học trò kể ra cũng… giàu, ta cứ thử làm một vòng khảo giá tất biết: đậu đỏ sáu chục một ly, bò bía ba chục một chiếc, ổi dầm hai chục một miếng, thịt bò khô (hạng xoàng) năm chục một dĩa, xí muội mười đồng một trái v.v… vậy mà các gánh quà ngày nào cũng đắt hàng. Học sinh có thể hy sinh nhiều thứ, nhưng “hy sinh” không ăn quà thì coi bộ khó quá. Thế mới biết câu “dĩ thực vi tiên” là đúng.

Có người đề nghị phải dẹp bỏ hàng quà tại cổng trường. Chao ôi, nhiều lý do lắm, nào là đồ ăn mất vệ sinh, cảnh tụ tập làm mất vẻ mỹ quan của thành phố, học trò ăn quà nhiều quá đâm “mụ” người đi, học dốt, nhiều khi lại đâm ra lơ đãng: trong giờ học cứ ngong ngóng mong giờ chơi, để chen nhau mua quà qua khe cổng v.v… Lý do nào nghe cũng mạnh mẽ và hợp lý hết. Nhưng, cứ theo thiển ý, tôi thấy không bao giờ đề nghị của quí vị có thể thực hiện. Bởi vì nếu đền nghị đó được áp dụng, chỉ nội ngày hôm sau, số học sinh đi học chắc chỉ còn 50% mà thôi. Hàng quà là một trong những phương tiện quyến rũ học sinh tới trường, cũng như mục “ngoáy tai” của mấy ông thợ cạo là lý do khiến nhiều người bước vào tiệm hớt tóc.

Lần trước, về cái vụ ăn quà trong lớp, tôi đã không có ý kiến, lần này, trước cảnh tượng ăn quà trước cổng trường, tôi lại càng khó mà có ý kiến. Tuy nhiên, tôi nghĩ có lẽ học sinh nên kính nể Đức Khổng Tử, mà thực hiện cái lẽ Trung Dung của Ngài trong công chuyện này. Chắc chắn nếu không có cảnh học trò ăn quà trước cổng trường, trường sẽ buồn thảm ghê lắm. Nhưng nếu… ăn quá thì nó cũng thế nào ấy. Đề nghị học sinh chúng ta vẫn cứ ăn quà như thường. Tuy nhiên, nếu cho thể xác ăn quà thì cũng nên cho tinh thần ăn quà với. Nhất bên trọng, nhất bên khinh coi nó không tiện. Tôi muồn nói thỉnh thoảng em cũng nên bắt thằng “thể xác” nhịn miệng, lấy tiền mua một cuốn báo tốt, cho thằng “tinh thần” được nhấm nháp chút đỉnh. Tội nghiệp, nó là thằng thường bị bỏ đói và em hay quên điều đó. Có thương thì thương cho đồng. Em đồng ý chứ?


QUYÊN DI      


 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 132, ra ngày 15-11-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>