Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Trông Trăng Nói Chuyện


Tiếng Pháp là “La Lune” tiếng Anh là “the Moon” tiếng Nhật là “tsuki” tiếng ta là “trăng” hay gọi theo danh từ hán văn là “nguyệt”. Chung qui cũng chỉ là một khối vàng óng ánh, đêm đêm hội ngộ cùng nhân loại. Ấy vậy mà không ai nghĩ giống ai về mặt trăng. Bạn chỉ hỏi một người lớn và một đứa trẻ con, một thi sĩ và một nhà khoa học, một người dân nông thôn và một người thành thị, một cậu trai và một cô gái… bạn sẽ thấy cái ý niệm về trăng của họ hoàn toàn khác biệt. Kể ra cũng là một cái hay hay nên QD sẽ hướng dẫn các bạn đi vào ý nghĩ về trăng của một số người…

1. NGOẠI DIỆN

Vào những đêm 15, 16 âm lịch hay tốt nhất là đêm Trung Thu, trong lúc mọi người trong gia đình quây quần quanh đĩa bánh nướng, bánh dẻo và khay trà ướp hoa nhài, hoa sói bốc hương thơm phức ; bạn hãy chịu khó rời khỏi cảnh ấm cúng đó một chút (nếu có thèm ăn bánh thì bảo em nó để phần cho, lát ăn sau cũng ngon chán!) chúng mình đi ngắm trăng.

Thật ra trăng chẳng lạ lùng gì đối với bạn, phải không ạ? Từ thuở còn bé tí bé ti cho đến bây giờ đã bao nhiêu lần bạn trông thấy trăng rồi? Chắc nhiều quá đếm không xuể! Tuy vậy, vì bận rộn với nhiều công việc, ít khi chúng mình có thì giờ để ngắm kỹ xem trăng nó ra “nàm thao”, hôm nay mới có dịp thuận tiện đây.

Mặt trăng đang lên, vượt khỏi nóc mấy ngôi nhà cao rồi, vừa tầm mắt lắm! Hôm nay ngày rằm, trăng tròn vành vạnh và sáng rực rỡ ; tuy không đến nỗi chói lọi làm người ta khó chịu như ánh sáng mặt trời. Bây giờ với một đôi “mắt thịt” nghĩa là không nhìn qua một ống kính nào cả (tuy vậy ai cận thị cứ việc đeo kính vào, không cấm), với đôi mắt người trần mắt thịt như vậy bạn chỉ thấy trăng là một khối tròn màu vàng óng ánh như vàng diệp, phát ra những tia sáng chiếu xuống mặt đất… và chỉ vậy thôi.

Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó một tí, nghĩa là đêm nào cũng ngắm trăng một lần, bạn sẽ thấy trăng thay đổi dung nhan luôn (chắc hẳn cô ta muốn làm dáng với người trần thế?) Trước chúng ta, các cụ ngày xưa đã chịu khó ngắm dung nhan mặt trăng vào mỗi đêm trong tháng và đã tả lại như thế này:

Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bẩy sẩy giường chiếu
Mười tám trăng lẹm
Mười chin dụn dịn
Hai mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai bằng đầu
Hăm ba bằng tai
Hăm bốn ở đâu
Hăm lăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bảy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chin thế ấy
Ba mươi không trăng.

Thật ra những câu ở trên còn thiếu sót và có vẻ lờ mờ lắm nhất là từ 24 đến 29. Bạn nào có tài thử ra ngắm trăng mỗi đêm rồi tả lại thật đầy đủ dung nhan chị Hằng vào từng đêm xem. Và dĩ nhiên khuôn mặt chị Hằng chỉ thấy vào những đêm tạnh ráo, còn nếu trời mưa thì bạn đừng nhọc công đi tìm chị ấy, chị ta sợ mưa trốn biệt mất rồi.

2. CÁI NHÌN CỦA TRẺ CON

Trẻ con thì nhiều khi chả cần biết bao giờ trăng tròn, bao giờ trăng khuyết ; bao giờ không trăng. Có biết những cái ấy cũng chẳng ích lợi gì mấy, trẻ con chỉ cần biết trên trời có một “ông trăng”, ông trăng này rất thân thiết với trẻ con, mỗi đêm đều hiện ra với trẻ con. Cứ mỗi tối ông ấy từ sau rặng tre hay bên chân đồi hoặc sau ngôi nhà cao từ từ đi lên, ấy là cuộc hội ngộ của trăng và trẻ con bắt đầu. Trẻ con mến trăng lắm, coi trăng như một ông bạn quí,  “nói chuyện” với trăng một cách rất tương đắc. Phải bảo là nói chuyện, thực vậy vì khi trẻ nhìn trăng mà ngỏ lời thì cũng cám thấy ông trăng cười và nói với mình. Ngôn ngữ trẻ dùng để nói với trăng là những bài hát. Ta hãy nghe đây:

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám đu…

Ấy, có khi trăng được trẻ mời mọc một cách vui vẻ như thế, nhưng cũng có lúc trăng bị trẻ trêu ghẹo. Chẳng hạn nó trêu  như thế này:

Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông mười cỗ
Đánh nhau lỗ đầu.

Bị trẻ nó trêu thật là khổ, tuy nhiên trăng chẳng giận bao giờ, vẫn đêm đêm lân la lại chơi với trẻ con. Khi trẻ con ngủ vẫn chịu khó soi sáng, vì trẻ con sợ bóng tối lắm. Quả thật trăng là một ông bạn hiền.

Ở đây xin bàn ra ngoài một chút, là cái chữ “ông giẳng ông giăng” nghe nó thân mật lắm, mà đặc biệt ở chỗ chỉ trẻ em Việt Nam mới có quyền gọi ông bạn trăng của mình bằng cái tên thân mật ấy, chứ trẻ con Pháp đâu có thể gọi ông bạn trăng là “La luỷn La luyn”, trẻ con Anh cũng không được gọi ông bạn trăng của mình là “Dơ mủn dơ mun”!

Trẻ con không những chơi với trăng thường đêm mà còn hiểu rõ được ông bạn quí của mình qua những chuyện cổ tích, như chuyện Quải, truyện Hằng Nga, Hậu Nghệ… và lạ một điều là trong những câu chuyện đó, trăng lại là những cô tiên thật đẹp. Nhưng đối với trẻ con, dù là ông trăng hay là chị Hằng thì cũng chẳng can gì, vẫn được tuốt, miễn trăng vẫn là người bạn tốt. Dĩ nhiên nói đến trăng, phải nhắc đến cả cái Club đó: Hằng Nga Thỏ Ngọc, Đa Thần và chú Cuội hay nói dối. Bởi vậy mới có nhạc sĩ đặt ra những câu hát:

Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Ở Âu Châu, có lẽ trẻ con đối với trăng không thân mật như trẻ con Á đông và chắc hẳn nhiều đêm trăng không được ai đoái tưởng tới, chỉ lặng lẽ nhìn những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa cũng trầm mặc như mình. Tuy vậy chắc hẳn thể nào chẳng có những cậu bé, cô bé Âu châu hằng đêm ra ngắm trăng và khen trăng sáng, trăng đẹp. Ở Âu Châu trẻ con cũng cho rằng mặt trăng là một bà chị đẹp dịu hiền, và muốn xin điều gì với chị ấy thì đợi đến nửa đêm, trong lúc mọi người đi ngủ, lén chạy ra vườn nhìn chị ấy, nói những điều mình mơ ước, nhớ là trong tay phải cầm một đồng bạc mới, thế nào chị ấy cũng ban cho những điều mình xin.

Chả biết có đúng không, nhưng thấy nó vớ vỉn làm sao ấy!

3. TRĂNG ĐỐI VỚI DÂN QUÊ

Người dân quê đây ý nói những người lớn, còn các nhóc tì thì đã nói ở đoạn trên rồi. Tuy là người lớn cả, nhưng những người ở thành thị không mấy để ý đến trăng, phải chăng những ánh đèn đô thị rực rỡ đã làm át mất ánh trăng diệu hiền? Ở thành thị người ta chỉ xem trăng để có thể biết được tối nay trời mưa hay không và bởi đó cuộc vui buổi tối của họ nên tổ chức cách nào cho hợp với thời tiết.

Với người dân quê thì khác, đối với họ trăng như một người bạn tốt luôn luôn đi sát với họ để chỉ dẫn, “mách nước” cho họ trong công việc đồng áng. Nhìn trăng người nông dân có thể biết nên gieo mạ không, có nên tát nước không. Nhìn trăng, người nông dân biết những ngày tới đây sẽ mưa, sẽ bão, sẽ hạn hán… Ta hãy xem những câu ca dao dưới đây sẽ biết mặt trăng ích lợi thế nào đối với công việc đồng áng:

- Muốn ăn lúa tháng năm trông trăng rằm tháng tám

- Giăng mờ tốt lúa nỏ
Giăng tỏ tốt lúa chiêm

- Trăng cuồng thì hạn
Trăng tán thì mưa…

Còn nhiều, còn nhiều nữa. Bởi vậy rằm tháng tám ở nhà quê trong lúc trẻ con bầy cỗ trông trăng, múa đầu sư tử, đánh trống lung bung một cách thích thú, trong lúc các cậu trai cô gái trong làng giả vờ ra vườn ngắm trăng để rồi thỉnh thoảng lại cố ý liếc nhìn nhau một cái, thì những người đứng tuổi và các cụ già ngắm trăng một cách thực sự, họ bắc ghế ngoài vườn, vừa uống trà vừa nhìn trăng rồi cùng nhau đàm đạo. Nếu trăng sáng họ sẽ bàn thế này, trăng mờ sẽ bàn thế khác, cốt sao để công việc đồng áng họ sắp thực hiện thuận với thời tiết mà trăng đã báo trước.

Ở nhà quê vào dịp ngày mùa, khi mà công việc gặt hái đã xong, tiếp đến là việc đập lúa, giã gạo. Đó thật là một công việc thích thú và đầy tính cách văn nghệ nếu được thực hiện vào những đêm trăng sáng. Kẻ hèn này kém may mắn vì được sinh trưởng ở thành thị ít được diễm phúc chứng kiến cảnh tượng đó nhưng cứ như những bạn trưởng thành ở nông thôn tả lại thì những đêm trăng như vậy quả là một dịp vui mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào, lúc nào. Mặt trăng tròn vành vạnh treo trên lũy tre làng giãi tỏa ánh sáng trong xanh, thứ ánh sáng mà người ta có cảm tưởng như mát mẻ, như huyền diệu. Nó là thứ ánh sáng vừa đủ cho người ta có thể trông rõ mặt nhau nhưng không sáng đến nỗi có thể nhận ra được những khuyết điểm trên mặt người khác. Bởi vậy dưới ánh sáng trăng trong dịp ngày mùa bạn có thể tin chắc mình… đẹp hơn bất cứ lúc nào! Nghĩa là tóc bạn sẽ óng ả chảy dài như dòng suối, đôi mắt bạn sẽ trong và sáng như hai vì sao, răng bạn sẽ trắng bóng và nụ cười của bạn thật là hữu duyên.

Đêm trăng ngày mùa ít người nào ở lì trong nhà, tất cả đều tụ họp nhau để làm việc tập thể, trẻ con không có công việc cũng chạy lăng xăng nô đùa cho rậm đám. Giữa tiếng giã gạo thình thịch thường xen lẫn tiếng cười đùa: tiếng cười vô tư của đám trẻ lên năm lên sáu, tiếng cười khúc khích của những cô thôn nữ vừa độ trăng tròn, tiếng cười chín chắn của những người trung niên và nụ cười thỏa mãn của những bậc lão thành khi nhìn đám con cháu vui vẻ và nhìn thấy cái kết quả đem lại do những ngày cày bừa mệt nhọc. Thỉnh thoảng trước cảnh trăng thanh gió mát, nhiều người tức cảnh sinh tình cất lên một giọng hò, một câu hát, lập tức một giọng khác phái sẽ cất lên “đáp lễ”, nghe thật là “vui ơi là vui”! Người đẹp, người vui thì cảnh cũng đẹp, cũng vui. Nhìn lên bạn sẽ thấy mặt trăng như treo vào một ngọn tre, đẹp một cách quyến rũ và nếu bạn là thi sĩ, bạn sẽ “xổ” ra một “mớ” thơ. Xung quanh bạn là cây rì rào nói chuyện, ánh trăng loang loáng chiếu trên từng chiếc là khiến bạn có cảm tưởng như chúng ướt nước ; thoang thoảng trong không gian mùi hoa khế làm ngây ngất lòng người.

Khi công việc đã xong mọi người không có thu xếp đi ngủ đâu ; trời sáng trăng mà ngủ ngay là dại. Đây mới là pha hấp dẫn: những người bạn nông thôn của chúng ta tổ chức hát, hò rất là vui vẻ. Sau bao ngày làm lụng vất vả, bây giờ mới có lúc xả hơi, bởi vậy nên ca hát lắm chứ. Những người bạn nông thôn sẽ hát để ca tụng bông lúa vàng, để ca tụng ánh trăng và để ca tụng… nhau. Những câu hát tuy đơn sơ mộc mạc nhưng có tác dụng vô cùng gợi cảm và làm… xiêu vẹo lòng người.

Không thể nào tả cho hết được cái vui của đêm trăng sáng trong làng. Bây giờ mới có bài hát “Gạo trắng trăng thanh” một bài hát “Trăng sáng trong làng”, nhưng giả thử có cả hai ba chục bài hát kiểu đó đi nữa cũng không sao nói lên cho hết cái vui, cái đẹp, cái tính cách đầy vẻ nghệ thuật và dân tộc tính của những đêm trăng sáng ở thôn quê, từ đó ta nhận ra rằng cái duyên giữa người dân nông thôn và mặt trăng tuy mộc mạc nhưng rất thắm thiết đậm đà.

4. TRĂNG VÀ THI SĨ.

Dù có nói cũng bằng thừa, ai cũng quá hiểu cái tiền duyên của trăng với các thi sĩ. Thi sĩ yêu trăng như yêu người tình và ngược lại chắc trăng cũng mến thi nhân như người tri kỷ. Phải chăng vì cái mối duyên đó mà Lý Bạch tiên sinh một đêm quá chén đã nhảy luôn xuống sông định ôm cả vầng trăng diễm lệ vào lòng cho thỏa tình hâm mộ. Đối với thi nhân, giả như ánh trăng không còn tồn tại nữa thì biết bao vị đã bẻ bút không thèm làm thơ vì cho rằng không còn cái gì đáng gọi là thơ trên cõi đời này nữa.

Thi nhân cho rằng cảnh vật thiên nhiên dù có đẹp đến đâu nếu thiếu bóng trăng cũng trở thành trơ trẽn: Cảnh núi rừng trong đêm, nếu không có bóng trăng thì còn đâu cái đẹp hùng vĩ, thẳm bí và làm sao người ta trông thấy những lùm cây đầy vẻ bí mật ; còn đâu cái đẹp của con nai vàng uống trăng bên bờ suối, còn đâu cái đẹp của chị Hằng sau ngọn núi dần dần ló dạng. Biển cả trong lúc đêm về nếu thiếu ánh trăng sẽ mất hẳn vẻ quyến rũ vì còn thấy đâu những ngọn sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa, sẽ chẳng còn thấy bãi cát phẳng lặng với hàng phi lao rì rào trong gió, sẽ chẳng còn những gộp đá nằm phơi mình dưới ánh trăng trong. Làng quê trong lúc đêm về sẽ mất hẳn vẻ thi vị nếu thiếu ánh trăng, còn đâu cảnh vườn cây ướt ánh trăng xanh và đường làng cũng sẽ thiếu thứ ánh trăng dìu dịu soi dẫn, mùi hoa bưởi, hoa khế, hoa cau vì thế cũng mất đi phần nào hương vị.

Với thi nhân trăng không phải là một vật vô tri vô giác mà là một nàng thơ, một nàng thơ đầy vẻ quyến rũ và đầy ma lực khiến đôi khi thi nhân bị ám ảnh như điên dại. Từ Âu sang Á, đã mang phải nghiệp dĩ thi nhân thì chắc chắn thế nào cũng phải yêu trăng. Đây là một đoạn thơ tiếng Anh của P.B. Shelley:

And like a dying lady lean and pale
Who totters forth, wrap’d in a gauzy veil
Out of her chamber, led by the insome
And feeple wanderings of her fading brain,
The moon arose up in the murky east
A white and shapeless mass…

- Xanh xao gầy yếu nàng trăng
Nghiêng đi hấp hối trong màn xa thưa
Ý song hồ nhẹ cuồng đưa
Ngoài song trăng lạnh trí mờ mờ tan
Trời đông tối, bóng trăng vàng
Dáng tròn vành vạnh đã dần dần cao…

(HOÀI CHÂU thoát dịch)

Thi sĩ Âu Châu, thi sĩ Á Đông còn yêu trăng hơn nữa, và các vị này đã không ngớt làm thơ để ca tụng trăng. Bạn có muốn xem một bài thơ trăng chữ Hán không? Thì đây:

SƠN NGUYỆT

Ẩn ẩn lâm sao quýnh
Liên không hạo khí phù
Hàm sơn ngân kính khuyết
Cách vụ ngọc bàn thu
Ảnh lạc tùng quan tĩnh
Lương hồi trúc viện u
Thanh quang tùy xứ hữu
Hà tất thướng Nam lâu.

Lược dịch:

TRĂNG NÚI

Sau rừng khí sáng lên cao
Long lanh gương bạc gác vào đỉnh non
Bóng soi mát dịu tâm hồn
Lên lầu nam, lọ phải còn tốn công

(Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ trang 97 98)

Riêng các thi nhân Việt Nam cũng thế, một Tản Đà, hay gần hơn nữa: một Hàn Mặc Tử, một Bích Khê đã quá đủ để nói lên cái mối tình giữa trăng và người thi nhân nước Việt. Mời bạn hãy thưởng thức một vài đoạn thơ Trăng của Hàn Mặc Tử:

…Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rung rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,
Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực…

H.M.T (Hồn là ai)

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết…

H.M.T (Phan Thiết! Phan Thiết!)

Và đây là một đoạn thơ của thi sĩ Bích Khê:

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tựa bài thơ
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của thu hồn đi lạc ở trong mơ…

(Tinh Huyết trang 24)

Không thể nào nói cho hết thi hứng của thi nhân qua ánh trăng, trăng thật là nguồn thơ vô tận, một thi hứng triền miên, một nét đẹp ngây ngất hồn người. Ngay cả đám trẻ chúng ta, thi phú chẳng biết làm hoặc có làm cũng chỉ là tập tễnh, vậy mà vào một đêm vắng, một mình ngắm trăng chũng còn nẩy ra ý tưởng hay hay, tuy không thể hiện được bằng những vần thơ tuyệt tác, nhưng những ý tưởng đó, tự nó, nó vẫn rất là thơ.

5. TRĂNG DƯỚI CON MẮT NHÀ KHOA HỌC, NHÀ ĐẠO ĐỨC HỌC

Với thi nhân, trăng là một nàng tiên, một mỹ nữ, một vẻ đẹp tuyệt trần nhưng dưới con mắt nhà khoa học, trăng hiện ra với một bộ mặt khác nghĩa là một bộ mặt… sần sùi và rỗ chằng chịt vì những ngọn núi lửa. Hằng Nga đâu, cung Quảng đâu chẳng biết, nhà khoa học chỉ ra công tìm cho được bộ mặt thật của mặt trăng, một bộ mặt mà nếu Lý Bạch biết được đã chẳng công đâu nhảy xuống sông mà ôm lấy để đến nỗi chết đuối. Thật vậy chị Hằng mà các thi nhân mê đắm chỉ là một hộ tinh quay xung quanh trái đất và toàn là những cánh đồng đầy cát bụi, thỉnh thoảng nhô lên những dãy núi với đủ hình thù quái quỉ và đó đây đầy những miệng núi lửa. Công việc giúp các bạn tìm hiểu bộ mặt thật của chị Hằng, anh hà Tĩnh đã làm cách đây 2 năm (xem Tuổi Hoa số 21) Q.D chỉ nhắc lại rằng các nhà khoa học cũng bận tâm không ít vì cái “khối vàng” ấy, bao nhiêu vệ tinh, phi thuyền được chế tạo, bao nhiêu dự án, kế hoạch được soạn thảo cũng chỉ vì muốn biết rõ mặt chị Hằng.”

Trong khi nhà khoa học nhìn trăng với con mắt muốn lột trần sự thật như vậy, thì những nhà đạo đức lại khác, những vị này sau khi ngắm trăng chán mắt, mới trầm tư mặc tưởng, nghĩ ngợi liên miên. Chẳng hạn các ngài sẽ nghĩ như thế này: huyền diệu thay, cao siêu thay! Thật là trí óc con người chẳng suy cho thấu! Tại sao lại có mặt trăng soi sáng ban đêm, và tại sao trăng luôn luôn biến đổi hình dạng theo một chu kỳ nhất định. Tại sao trăng quay quanh mặt đất mà không bao giờ ngừng! Tại sao không bao giờ lại “đụng” phải một ngôi sao nào khác nhỉ !? Sau bao nhiêu những câu hỏi tại sao, các nhà đạo đức kết luận: đúng là phải có một đấng rất uy quyền sắp đặt thành vũ trụ với bao nhiêu là tinh tú, bao nhiêu là thái dương hệ. Đấng uy quyền ấy là Thượng đế, ngài đã dựng nên vạn vật, dựng nên chúng ta, bởi vậy ta có bổn phận phải tôn thờ người.

Các nhà đạo đức có cái lý của các nhà đạo đức, cái lý ấy thường ai cũng chấp nhận. Cũng vậy, nhà khoa học có cái lý của nhà khoa học, thi sĩ có cái lý của thi sĩ, trẻ con có cái lý của trẻ con, ông già có lý ông già. Đối với mặt trăng chắc hẳn những nhà địa lý lại nghĩ khác, người quân nhân chiến đấu ở tiền tuyến nghĩ khác. Tuy nhiên kẻ viết bài này không muốn trình bầy thêm những cảm nghĩ nào khác nữa, và xin kết thúc bài này ở:

TUỔI TRĂNG TRÒN

Vào đêm 16 âm lịch, trăng sẽ tròn và đẹp nhất. Những người ở lớp tuổi 16, 17 cũng có một vẻ tươi đẹp tựa như trăng mười sáu. Kẻ viết bài vốn thích những cái đẹp, vì vậy xin lạm dụng phần cuối bài này để bàn về tuổi 16.

16 tuổi? “mình đã lớn rồi!” những người 16 tuổi thốt lên lời đó với một vẻ hãnh diện. Mà đáng hãnh diện thật, vì chính ở tuổi này đây, trong lòng những cậu trai tuấn tú bắt đầu có những ý tưởng cao cả, cái ý tưởng muốn trở thành một cái gì, cái ý tưởng khinh ghét sự thấp kém và ỷ lại. Chính vì thế mà người thiếu niên 16 bắt đầu đặt cho cuộc đời mình một lý tưởng và sẽ hăng say phục vụ cái lý tưởng đó. Chẳng hạn cái lý tưởng của cậu là sẽ trở nên một nhân vật nổi tiếng trong nước, có đủ tài để giúp ích dân tộc. Để phục vụ lý tưởng đó, cậu sẽ ra sức học tập, miệt mài với sách vở, với những công thức toán, những phản ứng hóa học khô khan hoặc những bài Việt văn nhàm chán. Tuy thật ra có thể cậu không thích những môn học đó, nhưng để mai này có thể thực hiện được lý tưởng mình đã vạch sẵn, cậu đã hăng say học các môn đó với hết khả năng của mình.

Giả như cậu chỉ việc học hành và không có gì khác xảy ra thì cũng không có gì đáng nói. Đàng này, một thiếu niên 16 tuổi trong khi ra sức học hành lại phải lưu ý không ít tới những trạng thái tâm lý mới lạ vừa xuất hiện trong con người của mình. Cậu sẽ cảm thấy tự nhiên mình hóa ra nhút nhát, không còn hồn nhiên như khi còn bé nữa, mỗi khi làm một việc gì, cậu sẽ không làm tự nhiên được vì phải để ý đến cái dáng điệu cử chỉ của mình. Mặt khác người thiếu niên 16 sẽ cảm thấy gia đình hình như quá nhỏ bé, do đó cần phải tìm tới bạn bè, và trong khi giao du cùng các bạn cậu vẫn cảm thấy cô đơn và cho rằng không ai có thể hiểu nổi mình cả…

Tất nhiên ai đã qua tuổi 16, 17 đều trải qua một thời kỳ xáo trộn về tâm lý và tình cảm như vậy, và can đảm thay những người đã vượt qua thời kỳ đó mà ý chí vẫn vững vàng, vẫn theo đuổi lý tưởng của mình mà không hề rẽ ngang. Nói là can đảm, vì biết bao nhiêu người đã phải rẽ ngang và chính vì hành động đó, đã không giữ được vẻ đẹp tinh tuyền của tâm hồn 16. Có những thiếu niên đã không ấp ủ nổi những tình cảm của mình và để nó bộc phát một cách tự do và quá sớm, đó thật là một điều vô cùng đáng tiếc vì những thiếu niên đó sẽ chẳng còn đôi mắt trong sáng không một chút sầu tư để có thể thấy rõ lý tưởng cao xa của mình nữa. Tâm hồn những thiếu niên ấy luôn luôn bị xáo trộn, và đôi mắt của các cậu chỉ còn nhìn thấy những cái gì tầm thường thấp kém mà thôi.

Thật đáng tiếc nếu trong tuổi thiếu niên đôi mắt của ta đã mất vẻ trong sáng, vì theo Tihamer Toth cặp mắt trong sáng không chút sầu tư chính là một kỷ niệm của địa đàng “Thượng đế đã duy trì cho thế gian 3 kỷ niệm của địa đàng: ánh huy hoàng của tinh tú, vầng tươi tắn kiều diễm của muôn hoa và cặp mắt trong suốt của một thanh niên khiết bạch”.

Cũng vậy, các bạn gái khi đến tuổi 16 trăng tròn sẽ cảm thấy mình thay đổi. Người ta gọi tuổi 16 của các cô là tuổi mơ mộng, vì quả thật các cô rất ư là mơ mộng. Có những cô ngồi trong lớp mà lại mơ mộng những chuyện đâu đâu, giáo sư gọi tên hai ba lần mà cũng không nghe thấy ; trường hợp này đã xảy ra rất nhiều va cam đoan không phải là phịa.

Vào những đêm trăng sáng bọn con trai cùng tuổi với các cô cũng chẳng thèm để ý gì đến trăng đến sao cả, chỉ đang hùng hục học, đang vật lộn với bài toán, đang đôi co với bài Việt văn, và đến lúc mệt quá thì lăn đùng ra… ngủ. Nhưng các cô lại khác, những đêm trăng sáng hoặc nhiều sao là một dịp tốt để các cô phát triển cái khả năng mơ mộng của mình. Tuy ngồi ở bàn học nhưng các cô sẽ nhìn ra cửa sổ, các cô ngắm trăng và mơ màng đến một cái gì xa xôi đẹp đẽ và đôi khi thích thú quá lại nhe răng ra cười hoặc xụ mặt xuống theo cái điệu “tôi buồn chẳng hiểu tại sao tôi buồn”. Ngoài cái đặc tính mơ mộng, các cô đôi tám lại còn có những đặc tính sau đây: làm dáng, giận hờn vu vơ vớ vẩn, buồn vô cớ và hay khóc.

Hay e ấp là tuổi trăng 16
Hay giận hờn vì những chuyện không đâu
Buồn lắng đọng mang cả vạn nỗi sầu
Lệ hay lén dâng đầy lên khóe mắt

                       *

Tuổi 16, tuổi những nàng hay khóc
Mắt buồn mơ mi chĩu nặng trời sương
Lệ hồng rơi, tô thắm cả môi hường
Thăm thắm cả màu khăn tay trăng trắng (*)

Kể ra, tất cả những mơ mộng, làm dáng và cả giận hờn, khóc lóc nữa đều là những đặc tính đẹp cả và tôi có thể đoan chắc rằng chính vì những đặc tính ấy mà tuổi 16 có một cái đẹp riêng mà không thể có được ở những tuổi khác. Tuy nhiên cái gì chúng ta cũng chỉ nên vừa phải. Cần mơ mộng, nhưng đừng mơ mộng đến độ quên cả việc bổn phận. Nên làm dáng nhưng đừng làm dáng quá, sẽ mất nét đẹp tự nhiên mà Thượng đế đã ban cho. Lâu lâu cũng giận hờn đôi chút cho nó hay hay, nhưng đừng giận lâu quá đến nỗi làm tan vỡ cả tình bạn. Thỉnh thoảng buồn tí xíu cũng được nhưng đừng buồn nhiều sẽ già và xấu, và nếu có muốn khóc thì cứ việc… miễn là đừng khóc nhiều quá, mắt sẽ sưng đỏ, mất cả vẻ trong sáng.

Đối với những vị 16 tuổi, kẻ hèn này không muốn nói nhiều cũng như đâu dám nói nhiều, chỉ xin thêm 1 lời cuối: “dù là trai hay gái mong rằng những ai ở tuổi 16 sẽ sống cho trọn vẹn như ánh trăng tròn. Sống trọn vẹn nghĩa là để trọn vẹn tâm hồn mình cho công việc học hành, cho bổn phận hằng ngày và ấp ủ trọn vẹn mọi mơ mộng cũng như mọi ước vọng để nó như một động lực thúc đẩy mình cố gắng hầu tiến tới 1 ngày mà mình có đủ hoàn cảnh và phương tiện biến những ước vọng thành sự thực”.

Trung thu năm nay, kẻ hèn này không có bánh dẻo bánh nướng để biếu các bạn, chỉ có vài dòng chữ tầm phào này thôi, mong các bạn đọc đừng trách móc. Riêng với các bạn ở tuổi trăng tròn, mình tha thiết gửi tới các bạn những dòng chữ ở đoạn sau cùng.

Q.D.   

(*) Hai đoạn thơ trên, Q.D. đã quên mất tác giả



(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>