Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

CHƯƠNG MỘT_NHƯ BÓNG MÂY QUA


Một

Lợi dụng mười phút ra chơi, tôi đi tìm cô giáo Vinh. Tôi đến phòng nghỉ của các giáo sư và thấy cô Vinh đang ngồi chuyện trò với thầy Cơ dạy Lý Hóa. Tách nước trà nhỏ xíu chắc chưa được cô đụng tới. Giữa những khuôn mặt mô phạm nghiêm trang, cô Vinh nổi bật như một khác biệt xa vời. Không phải vì cô đẹp. Cái đẹp đôi lúc cũng không làm người ta nổi bật. Ở đây, là vẻ tươi trẻ, thuần hậu toát ra từ ánh mắt, từ nụ cười của người đàn bà ngoài ba mươi. Cái hấp lực đó, không biết có đủ sức cuốn hút người khác không. Nhưng với tôi là một tình thương mến vô cùng dành cho cô. Tình thương duy nhất mà tôi dành cho một người đàn bà từ sau ngày mẹ yêu quý của tôi qua đời.

Cô Vinh cũng rất mến tôi. Cô biểu lộ bằng những ánh mắt trìu mến, những nụ cười trọn vẹn tươi hồng. Tình cảm đó làm cho những giờ học cô dạy trở nên là những giờ phút hạnh phúc đối với tôi.

- Vào đây, Hà Lan. Có chuyện gì đấy cưng?

Cô Vinh nói với nụ cười trên môi. Tiếng “cưng” dường như cô chỉ duy nhất dành để gọi tôi trong hơn năm mươi đứa học sinh của lớp đệ nhị C2 trường Mai Khôi. Tôi đến cạnh cô Vinh, ngập ngừng:

- Thưa… chiều nay cô có bận gì không ạ?

Cô Vinh nheo mắt:

- Bận thì không. Nhưng chuyện gì mà cô bé quan trọng thế?

Tôi nói nhỏ:

- Em mời cô dùng cơm chiều nay.

- Nữa. Lại mời cô. Sao Hà Lan mời cô hoài vậy?

Tôi nắm cánh tay cô nũng nịu:

- Thôi mà, cô nhận lời đi cho Lan vui mà. Chiều nay vú Sáu hứa sẽ làm món tôm hùm đặc biệt. Lan muốn cô ăn món đó. Những con tôm đặt hàng chứ không phải mua ở chợ đâu.

-Thế cơ à. Nghe Lan diễn tả cô đã thấy đói rồi đấy. Thôi được, chiều cô sang nghe.

- Cô về một lượt với em luôn đi.

Tôi đòi hỏi. Vì chỉ sợ một việc bất trắc nào đó cô Vinh sẽ không đến được, như vậy bữa cơm sẽ mất vui. Nhưng cô Vinh đưa lý do:

- Lan phải để cô về tắm rửa thay đồ chứ. Không lẽ đến nhà em dùng cơm lại mặc chiếc áo dài đã nhàu sau một buổi dạy hay sao?

Tôi ngần ngừ rồi đành phải chấp nhận cái lý do chính đáng của cô. Lý do giản dị nhưng quan trọng của một người đàn bà : Làm đẹp. Vả lại tôi không muốn cô Vinh xấu đi dưới bất cứ khía cạnh nào.

Trở về lớp học tiếp hai giờ, tôi cảm thấy vui vui. Tôi nghĩ đến bữa cơm chiều nay với sự hiện diện của cô Vinh chắc sẽ trở nên đầm ấm, không như những buổi cơm thường lệ chỉ có hai cha con tôi. Sự có mặt của một người đàn bà bao giờ cũng cần thiết cho không khí gia đình.

Mất mẹ từ năm lên mười, tôi sống với cha đã tám năm nay. Ba tôi, với tình yêu tha thiết đối với mẹ, với tình thương bao la dành cho tôi, người đã chịu đựng được sự cô đơn của một người đàn ông đang ở vào lứa tuổi đẹp: Bốn mươi hai. Mặc dù ở địa vị của ba, ở sản nghiệp tương đối lớn đủ bảo đảm tương lai cho một đại gia đình, và nhất là vẻ đẹp nghiêm nghị, quý phái của người, không khó gì trong việc tìm kiếm một người đàn bà để tục huyền.

Thế nhưng ba không làm. Tôi hiểu, chỉ vì ba thương tôi.

Ba thường nói với tôi về mẹ. Người đàn bà tuyệt diệu nhất đời. Mẹ như hiện thân của một sự dịu dàng nhất, một sự chịu đựng dễ thương đến tội nghiệp. Ba kể lại cuộc sống hàn vi ngày ba mới cưới mẹ: Hai vợ chồng trẻ trắng tay. Rồi chiến tranh đẩy đưa lưu lạc, rời quê hương để tìm kế sống. Mẹ ở cạnh ba như hình với bóng. Mẹ chịu đựng những cơn bệnh trầm kha của ba một cách trìu mến, thiết tha. Mẹ an ủi ba những lúc thất bại chua cay. Nếu không có mẹ lúc đó chắc ba đã quị vì không đủ kiên nhẫn và tin tưởng. Ngày tôi ra đời là lúc ba quyết định đưa mẹ lên thành phố. Mẹ sinh tôi trong ánh nắng chan hòa của bầu trời phương nam, nhưng cũng chưa phải là lúc ba hết vất vả. Có thêm đứa con, gánh gia đình càng nặng. Một đứa bé nặng gấp hai người lớn, bởi những nhu cầu cần thiết vô tình. Ba cắn răng xông xáo vào guồng máy xã hội để giành một chỗ đứng bé nhỏ cho cái xã hội ba người. Số phận mong manh, đôi tay yếu đuối, nhưng niềm tin vững mạnh, ba đưa mẹ con tôi vượt qua những cuồng sóng dữ của cuộc đời. Vậy mà đến khi ba tạo lập được sự nghiệp thì mẹ lại vĩnh viễn ra đi sau một cơn bạo bịnh, kết quả của những chuỗi ngày hy sinh lao khổ.Tôi lên mười. Chưa thấu hiểu niềm đau mất mẹ, chưa thấu hiểu nỗi đau đớn của ba, nhưng tôi khóc vì lần đầu tiên thấy ba khóc. Tôi linh cảm giấc ngủ của mẹ không phải là điều lành và lần đầu tiên, ba bế tôi dang xa vòng tay mẹ.

Tôi lớn dần. Ngày mưa tháng nắng tạo thành hình hài một đứa con gái dậy thì. Bạn bè khen tôi đẹp. Gương mặt tôi hao hao Romy ngày xưa khi đóng vai Hoàng Hậu Sissi. Ba bảo tôi giống mẹ thuở nào.Và dù trí nhớ ngày mẹ mất thật non nớt, tôi vẫn thấy rằng mẹ đẹp.

Mẹ mất đi trong ngôi biệt thự này. Ngôi biệt thự nhỏ, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi thấp, ba đã mua lại của người bạn để mẹ “dưỡng bệnh”. Và mẹ đã muôn đời ở lại trong tòa nhà mà những ngày hạnh phúc sau cuối đã bao phủ lấy người thật trọn vẹn.

- Ê, Hà Lan, cuốn Vacances Romaine mày đọc hết chưa?

Thúy khều vai tôi hỏi nhỏ. Tôi hơi ngả người ra sau để trả lời nó, tránh tia mắt tò mò của giáo sư:

- Gần xong. Chi vậy?

- Tao mượn.

- Đọc xong tao đưa nghe.

Thúy nao nức:

- Hay không mày? Tao nghe nói đó là một thiên tình sử cảm động lắm phải không?

Mỹ Hòa ngồi cạnh tôi góp ý:

- Cuốn đó quay thành phim rồi mà.

Thúy lắc đầu:

- Tao chưa coi. Nhưng chắc hay phải biết.

Tôi cười:

- Hay không cũng không chắc lắm. Có điều chắc chắn là dễ thương, hợp với lứa tuổi tụi mình. Chuyện nàng công chúa du hành qua La Mã rồi trốn khỏi tòa Đại Sứ. Trong lốt thường dân nàng đã sống qua những giờ phút thoải mái thích thú và có một mối tình tuyệt đẹp…

Thúy mơ mộng:

- Diễm lệ quá. Tao thích những tình yêu chớm nở trong hoàn cảnh như vậy.

Mỹ Hòa trêu:

- Như mối tình của cô Thúy và chàng Duy Sang chứ gì.

Thúy đỏ mặt:

- Mày đoảng. Cứ chọc tao hoài.

Tôi “báo động”:

- Ê, im kìa. Coi đôi mắt “cú vọ” của ổng đang chiếu tướng tụi mình đó. Tụi mày làm bài tập hết chưa? Ổng kêu lên bảng lớ ngớ thì vỡ mặt à.

Mỹ Hà vênh mặt:

- Suya là xong rồi. Tao mà. Đâu có ngán.

- Được, vậy mày có quyền phây phây chọc tức cho “ổng” kêu lên lấy điểm. Bài tao chưa làm, tao… rút lui.

Tôi “quay về vị trí cũ”, ngồi yên, mắt liếc chừng thầy Cơ đang nhìn xuống các bàn kêu bài kiểm. Thúy hiền lành cắm cúi làm bài tập. Nếu tôi không ưa Mỹ Hà bởi tánh kênh kiệu thì Thúy trái lại, tôi thương thật nhiều bởi nét thùy mị của nó.

*

Đi học về tôi chạy ngay vào bếp. Vú sáu đang lui hui với chiếc lò và những son chảo lẩm cẩm. Mùi thơm của món “sốt” làm tôi thấy đói. Những búp sà lách mơn mởn và trong lò nướng, mấy con tôm hùm cứng vỏ đỏ hồng.

- Xong chưa hả vú?

Vú Sáu nhìn tôi hóm hỉnh:

- Gần xong. Làm gì mà hối dữ vậy con?

Vú vẫn gọi tôi bằng con từ bé, và đối với tôi, vú là người đàn bà duy nhất có thể tín cẩn.

- Tối nay mình có thêm một người ăn nghe vú.

- Ai vậy? Sao không cho vú biết để làm thêm phần ăn.

- Người này họ ăn ít lắm vú ạ. Miễn đồ ăn ngon là được. Con đố vú đoán xem là ai?

Vú nheo mắt:

- Bạn của con hay của ông đã nào?

- Của cả con lẫn ba.

Suy nghĩ một lát rồi vú Sáu reo lên:

- Thôi vú biết rồi, cô giáo Vinh phải không?

Tôi vỗ tay:

- Vú giỏi. Sao vú đoán hay thế?

- Có gì đâu. Ở nhà vẫn có lệ hoặc bạn ông, là mấy ông bạn lớn tuổi, hoặc bạn con là mấy cô Thúy, Mai Yên… còn bạn của ông lẫn con thì vú thấy chỉ có cô giáo Vinh.

- Vú tuyệt. Vú làm thám tử… đoán mò được rồi đấy. Thế giờ vú lo thêm phần cô giáo nghe.

- Được. Có cô Vinh bữa ăn sẽ thêm vui.

Chính vú sáu cũng nhận biết điều đó. Tôi sung sướng đi thay quần áo. Tôi lựa bộ pyjama vải bông viền trắng, bộ này hợp với nước da trắng của tôi. Tôi cũng muốn cô Vinh thấy tôi đẹp.

Tôi đón ba ở cửa và nói cho ba biết tối nay có cô Vinh dùng cơm. Ba xoa đầu tôi:

- Tùy con. Miễn con vui là ba bằng lòng.

Tôi phụng phịu:

- Nhưng ba có vui không đã?

Ba gật đầu:

- Có chứ. Ba vui. Cô Vinh là người tốt.

Tôi lắc lắc mái tóc Franҫoise Hardy:

- Con muốn ba nhìn thấy cô Vinh là người đàn bà đẹp, và đối xử như một người bạn của ba, chứ không phải cô giáo của con.

Ba nhìn tôi đăm đăm:

- Con nói sao, Hà Lan? Từ lâu nay con không bằng lòng cách ba đối xử với cô giáo Vinh sao?

Tôi buồn buồn:

- Con không dám trách ba. Vì ba đối xử rất tốt với cô giáo. Nhưng con còn ước muốn một điều nữa là ba coi cô giáo như là người bạn thân của ba. Ba cởi mở hơn…

Ba bật cười:

- À, con muốn ba phải thật vui chứ gì? Nhưng con quên rằng không ai có thể làm ba vui ngoài mẹ.

Tôi xúc động và sung sướng bởi tình yêu ba dành cho mẹ. Ba nhìn lên tấm ảnh mẹ treo ở phòng khách:

- Nhìn xem Hà Lan. Mẹ đang cười với con đó.

- Con biết rồi. Và con còn biết rằng nếu mẹ có thể nói, mẹ sẽ nói với ba chìu ý con cho mà xem…

Ba dịu dàng:

- Đồng ý. Ba sẽ cố gắng.

Tôi sung sướng thấy ba nhận lời. Tôi nhìn đồng hồ và nôn nóng lạ thường. Tôi chờ nghe tiếng chuông reo ngoài cổng.

*

Cô Vinh đến bằng cyclo. Đứng trong vườn tôi đã nhìn thấy cô xuống xe, trả tiền. Rồi cô đi chầm chậm theo con đường trải sỏi lên nhà tôi. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy ra đón cô.

- Em chỉ sợ cô không đến.

- Hứa với Lan cô đâu dám quên. Nhất là món tôm nướng đã được Lan tận tình quảng cáo.

Tôi cười, nắm tay cô dắt vào phòng khách. Hôm nay cô giáo thật đẹp trong chiếc áo dài xanh màu biển thêu hoa vàng. Tôi tấm tắc:

- Cô đẹp ghê.

Cô nhìn tôi:

- Cám ơn Lan. Em thương cô quá.

Những món ăn của vú Sáu thật tuyệt nhưng không làm tôi vui bằng những câu chuyện khôi hài tế nhị của ba và những nụ cười tươi tắn của cô Vinh. Buổi ăn tối thân mật. Lần đầu tiên từ ngày mẹ mất, tôi thấy ba tỏ ra chú ý đến một người đàn bà.

Cô Vinh kể với ba về lớp học, về tôi. “Hà Lan nó ngoan lắm. Nó được giáo sư lẫn bạn bè thương mến”. Ba nhìn tôi đầy âu yếm:

- Tôi chỉ có mình cháu. Nó là nguồn an ủi cho tuổi già của tôi đấy cô Vinh…

Tôi chen vô:

- Ba cứ nói ba già hoài. Ba đâu có già.

Tôi nhìn cô giáo:

- Tuổi bốn mươi hai đối với người đàn ông đâu có già phải không cô?

Cô giáo có vẻ ngập ngừng. Nhưng rồi cô cũng trả lời:

- Theo tôi đó là tuổi đáng ngại nhất đối với một người đàn bà thôi.

Ba cười. Tôi cười. Tôi ngạc nhiên thấy ba hài lòng về một nhận xét tầm thường như vậy. Nhưng tôi đang mong ba hài lòng. Tôi nói:

- Ba biết không, ở trường con, cô Vinh đẹp nhất đó.

Sau lớp phấn hồng, tôi thấy má cô Vinh như hồng thêm. Cô chớp đôi mi đẹp:

- Lan chỉ nói thế. Thương cô thành ra Lan bất công với những người khác.

Tôi không nói, gắp bỏ cho cô một miếng thịt tôm trắng hồng. Thốt nhiên tôi thấy rõ sự thiếu thốn một người đàn bà, thiếu thốn sự ấm áp trong ngôi nhà quá rộng.

*

Ba nghĩ sao về cô giáo Vinh hả ba?

Buông tờ báo, ba nhìn tôi:

- Con muốn hỏi ba về khía cạnh nào? Một người bạn của ba hay một cô giáo của con?

Tôi nói thật mau:

- Dạ không. Con muốn hỏi ý nghĩ thuần túy của một người đàn ông dành cho một người đàn bà.

Câu hỏi có vẻ bất ngờ làm ba bối rối. Chắc ông không sửa soạn một câu trả lời theo chiều hướng của tôi. Tôi bắt kịp cái nhíu mày của ba nhưng rồi ông lại điềm tĩnh ngay.

- Câu hỏi của con hơi rắc rối đó nghe.

Tôi chẩu môi:

- Ba quên con gái ba đã lớn rồi sao?

Ba gật gù:

- Chỉ khi nhìn con ba mới thấy con lớn. Còn trong ý nghĩ của ba con vẫn cứ là Hà Lan bé tí tẹo.

Tôi dẫy nẩy:

- Con không chịu đâu. Con sắp mừng sinh nhật thứ 18 rồi đấy.

- Thế con định tổ chức gì nào? Tiệc hay mở bal?

Tôi biết ba muốn lảng tránh một câu trả lời khó. Tôi nhất định lôi ba trở lại vấn đề:

- Ba chưa trả lời câu hỏi của con mà. Trong cương vị của một người đàn ông, ba nghĩ sao về người đàn bà như cô Vinh.

- Đó là một người đàn bà có nhiều điểm khiến đàn ông dễ yêu.

Tôi sáng mắt:

- Thật hả ba?

Không hiểu ý tôi, ba gật đầu thành thật:

- Cô ta có thể là người bạn đời khả ái và tốt. Ba chắc chung quanh cô không thiếu gì những người theo đuổi.

Tự dưng tôi bênh vực cô giáo:

- Không, ba. Con biết chắc rằng cô không hề có bạn trai. Cô sống có một mình. Con dạo phố hoài và hay gặp cô nhưng bao giờ cô cũng đi “solo”. Ba cứ tin con đi.

Nhìn mắt ba hơi lạ, tôi hiểu mình hớ hênh, đã để lộ sự nhiệt thành của tôi dành cho cô Vinh quá nhiều. Ba nói:

- Con có vẻ mến cô giáo hơi kỹ nghe Lan. Điều đó làm ba vui lòng. Nhất là cô Vinh cũng tỏ ra thương con lắm.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là yên. Tôi cứ sợ ba nghi ngờ về việc tôi bênh vực cô Vinh quá nhiều. Thật ra, không hiểu sao tôi không muốn ba có ý nghĩ xấu về cô.

Tôi nhìn lên ảnh mẹ, mẹ vẫn tươi cười, nụ cười bao dung và ánh mắt đầy tình thương mến. Chắc mẹ không giận tôi về việc dành mến thương cho một người đàn bà khác. Nếu mẹ còn, mẹ cũng sẽ mến cô giáo như tôi. Chắc chắn, hơn ai hết, mẹ hiểu tôi đang thiếu tình mẫu tử, và tôi quí những săn sóc dịu dàng của một người đàn bà. Cô giáo thương tôi và tôi thương cô là điều hẳn nhiên, như thế không có nghĩa là tôi quên mẹ. Không tình thương nào lấp được hình ảnh mẹ trong tâm hồn tôi.

Đột nhiên tôi hỏi ba với một vẻ nghiêm trọng của một người bạn:

- Ba này. Có bao giờ ba thấy cô đơn không hở ba?

Lần này ba buông hẳn tờ báo xuống ghế, nhìn tôi ngạc nhiên:

- Có chuyện gì xảy đến với con vậy Lan?

- Thưa không.

- Thế sao con hỏi ba những câu có vẻ kỳ lạ thế?

Tôi hơi cúi mặt:

- Tại vì… nhà chỉ có hai cha con. Con tự thấy mình cũng nên thông cảm ba. Con không muốn như những đứa con gái khác, chỉ gần gũi được mẹ trong vấn đề tâm tình. Con không có mẹ, con muốn gần gũi ba hơn. Con muốn ba là một người bạn lớn chân thành, gần gũi chứ không muốn đứng xa nhìn ba như một thần tượng xa vời.

Ba vuốt mái tóc lòa xòa nghệ sĩ về một bên trán. Giọng ba thật trầm:

- Con nói đúng lắm. Hãy xem ba như ý con muốn. Ba cũng muốn được nghe con tâm sự. Ba cũng muốn được hòa đồng cảm nghĩ với con.

Ba đặt tay lên vai tôi:

- Nào, hãy nói những gì con thắc mắc, con gái cưng của ba.

Giọng ba nghèn nghẹn. Tôi hiểu ba xúc động nhiều trước khung cảnh đầm ấm đầy tình thương của hai cha con.

Tôi cũng xúc động không kém. Tiếng tôi như lạc đi:

- Không ba. Con chỉ hỏi về tâm tình của ba. Vì con biết ba thiệt thòi nhiều, từ ngày mẹ mất ba đã chịu đựng những năm cô đơn đằng đẵng. Còn con, có thiếu thốn gì đâu.

Ba nhìn tôi bằng ánh mắt biết ơn:

- Ba thấy không người đàn bà nào hơn được mẹ. Tuy nhiên, bao giờ ba cảm thấy thân với một người nào, con sẽ là người biết đầu tiên. Nhưng tốt hơn con đừng quan tâm điều đó. Hãy xây những giấc mộng đẹp cho tuổi trẻ của con.

*

Cô giáo Vinh ở một căn phòng nhỏ trong một tòa nhà hai từng. Đây là loại apartment người ta cất cho ngoại kiều thuê lúc trước. Cô Vinh nói cô đã sang căn phòng lại của một cô gái bán bar khi anh chồng cô này về Mỹ. Căn phòng tư vuông 6x6, khang trang, gọn và đẹp, lại được bàn tay dịu dàng của cô Vinh sắp đặt, tôi cảm thấy yêu thích cái vẻ riêng tư của một người đàn bà.

Tôi ngồi trước tấm gương lớn của bàn trang điểm. Chiếc bàn nhỏ đánh vẹc-ni bóng loáng. Trên bàn, hộp phấn Maxfactor, chai sữa Lait de lanoline, mấy ống son môi Revlon, Elizabeth đủ màu, mấy cây bút chì vẽ mắt màu xanh, màu đen. Tôi mở hộp phấn, mở ống son môi… Tôi đánh một lớp son nhẹ lên môi, chút phấn hồng lên má. Tôi nhìn mình với một chút đổi thay sắc diện trong gương và mỉm cười.

Loay hoay cạnh lò nướng bánh, cô giáo quay nhìn tôi:

- Thử trang điểm một chút xem sao, Hà lan? Em sẽ thấy sự kỳ diệu của mỹ phẩm.

Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe một giáo sư khuyến khích nữ sinh trang điểm. Hầu hết những nhà mô phạm, nhất là những bà giáo già lại càng nghiêm khắc trong vấn đề ăn diện của nữ sinh. Họ coi trang điểm gần như một tội lỗi. Cô Vinh, trái lại, cô biết giá trị của dung nhan và không hạn hẹp sắc đẹp trong những danh từ giáo học.

Tôi hít hà:

- Cha, nghe mùi kem hột gà em bủn rủn cả tay chân, chả còn cầm nổi thỏi son nữa.

- Gần xong rồi. Chỉ tí nữa là bánh chin. Chả biết có hấp sẫn như sự mong ước của cô bé không đây.

Cô Vinh đến cạnh tôi:

- Xem nào. Gương mặt em dễ trang điểm lắm nghe. Chỉ một chút thôi là xinh phải biết.

Tôi sung sướng trước lời khen tặng:

- Em thấy vụng về khi trang điểm cô ạ. Ở nhà, em cũng được ba sắm cho một bàn trang điểm với đầy đủ mọi thứ mỹ phẩm, nhưng em…ngượng tay ghê đi.

- Rồi sẽ quen đi. Lan lớn rồi, phải biết trang điểm chứ. Dung nhan rất cần cho người con gái. Cô thấy Lan đã đẹp sẵn. Nhưng trang điểm để tạo lộng lẫy thêm cho nhan sắc đâu có hại gì. Khi đi học thì chưa cần nhưng trong những tiệc tùng, bắt buộc…

Cô Vinh nhìn bóng mình trong gương:

- Cô ước ao trở lại tuổi mười tám của Lan. Tuổi của những mộng mơ, tuyệt vời.

Tôi tò mò:

- Năm bằng Lan, cô… ra sao nhỉ?

Giọng cô chân thành:

- Cô trẻ hơn bây giờ.

- Nhưng em chắc cô không đẹp hơn. Theo em, năm nay cô duyên dáng hơn năm ngoái.

Cô Vinh thở ra:

- Nếu mọi người đều nhận xét như Lan chắc cô sung sướng lắm.

Tôi cả quyết:

- Em tin nhận xét của em là nhận xét chân phương nhất.

- Ít ra, cô cũng đã ngoài ba mươi.

- Ba mươi mới là tuổi đẹp của một người đàn bà mà cô.

Cô Vinh không nói gì thêm. Cô vuốt nhẹ tóc tôi rồi trở lại lò bánh. Mùi thơm ngát mũi. Chất kem sữa ngọt dịu dàng. Cô bưng ổ bánh nướng vàng ươm đưa lên:

- Hà Lan xem này, cả một công trình đấy nhé.

Tôi vịn thành ghế đứng lên. Một chân bị tê điếng, tôi nhảy lò cò đến bên cô:

- Ui cha. Hết xẩy cô há.

Tôi nhìn cô giáo:

- Bao giờ cô định khai mạc?

- Lúc nào Hà Lan muốn. Cô làm cho Lan đấy.

Mắt tôi long lanh, niềm hạnh phúc vì được săn sóc chìu chuộng làm tôi như ngộp. Tôi nắm tay cô giáo:

- Lan cám ơn cô. Nhưng Lan muốn đề nghị với cô điều này.

- Gì đây cưng?

- Lan sẽ mang bánh về nói với ba rằng cô biếu.

Cô Vinh giật mình:

- Không được đâu Lan ạ. Đừng làm thế.

- Sao vậy cô? Em muốn ba có cảm tưởng được săn sóc như em đã cảm thấy như vậy.

Cô Vinh mỉm cười:

- Lẽ thứ nhất là chỉ một ổ bánh nhỏ, không đáng để ba Lan phải bận tâm. Lẽ thứ hai là cô làm cho Lan. Đặc biệt cho Lan chứ không phải cho ba.

Tôi bướng bỉnh:

- Nhưng nhân danh cô, em biếu lại ba mà.

- Thôi, để lần khác cô làm cho ba món tráng miệng đi, nghe, giờ thì Lan…

Tôi nhất định phải biếu ba ổ bánh, một công trình của cô giáo, dù không đáng gì nó vẫn biểu lộ được sự khéo léo đảm đang của bàn tay người nội trợ. Tôi nài nỉ:

- Nhưng Lan muốn. Bộ cô không chìu Lan hả? Lan sẽ nói với ba là cô không dự định làm cho ba, mà là một món ăn vặt dành cho Lan thôi, làm vội và bất ngờ, nhưng khéo và ngon như thế này thì… ba lé mắt luôn.

Nụ cười làm lõm hai lúm đồng tiền trên má cô giáo:

- Sao em không nghĩ rằng ba sẽ chê? Tại vì, hơn ai hết, cô biết cô không có tài làm bánh.

Tôi chu môi:

- Hơn ai hết, Lan lại biết rằng chiếc bánh này rất ngon.

Tồi tôi mơ màng:

- Ngày mẹ Lan còn sống, ba và Lan được ăn những món tráng miệng tuyệt hảo do mẹ làm. Mẹ Lan săn sóc cha con Lan từng ly từng tý. Hồi đó Lan còn bé nhưng vẫn cảm thấy được mình lãnh nhận tất cả hạnh phúc cuộc đời trong tình thương của mẹ.

Dường như buồn lây nỗi buồn của tôi, cô Vinh nói dịu dàng:

- Cô hiểu sự thiếu thốn tình mẹ Lan à. Ngày xưa cô cũng thế. Mẹ cô mất, khi cô mới tám tuổi cơ. Và từ đó, cô biết thế nào là sự bất hạnh của một đứa trẻ mồ côi mẹ. Hơn nữa ba cô lại không ở vậy như ba của Lan, ông cưới một người đàn bà trẻ hơn mẹ cô thật nhiều. Và từ khi có người đàn bà đó ngự trị trong gia đình, cô khốn khổ hơn bao giờ hết.

Tôi tò mò:

- Người mẹ kế không thương cô?

Cô Vinh lắc đầu:

- Thương sao được. Bà ta còn có con riêng. Còn tình thương nào dành cho con chồng nữa.

- Có chuyện mẹ ghẻ con chồng như trong cổ tích nữa sao cô?

Tôi băn khoăn hỏi. Cô Vinh thoáng vẻ trầm ngâm:

- Cô nghĩ bao giờ cũng có luật thừa trừ. Chắc rằng không thiếu những người mẹ kế yêu thương con chồng thật sự, vì những đứa bé vô tội, chúng cần được tấm lòng bao dung và bàn tay săn sóc của người mẹ. Nhưng cô bất hạnh không gặp được người hiểu biết như thế.

Tôi hỏi đột ngột:

- Ví dụ cô ở trong hoàn cảnh một người mẹ kế, cô sẽ đối với con chồng ra sao?

Cô Vinh nhìn tôi bằng ánh mắt hơi lạ. Dường như cô muốn dò xét tại sao tôi lại hỏi câu đó. Nhưng rồi cô cũng trả lời:

- Cô không dám tự hào, nhưng có lẽ cô đủ lý trí và lương tâm để phán đoán hành động của mình. Nếu người ta khắt khe hành hạ con chồng chỉ vì lòng ích kỷ mù quáng, không ai nỡ ác với những đứa trẻ vô tội đang khát khao chờ đợi tình thương của mình.

Tôi buột miệng:

- Ai được cô làm kế mẫu thật diễm phúc.

Cô Vinh vô tình:

- Nếu được đứa con chồng như Hà lan chắc cô cưng không để đâu cho hết.

Như chợt nhận thấy sự hớ hênh của mình, cô im bặt. Tôi nhìn gương mặt thoáng đỏ lên vì thẹn của cô giáo và thấy yêu mến cô lạ lùng. Tôi ôm lấy vai cô, ghì cô xuống hôn lên má:

- Lan thương cô ghê vậy đó.

Cô Vinh lảng sang chuyện khác:

- Hồi ở tuổi Lan cô cũng nhiều mơ mộng. Lan thường dệt những giấc mộng ra sao?

Tôi liếc nhìn mình trong gương:

- Lan nghĩ một ngày nào đó, sẽ có một người thương Lan và Lan cũng thương người ta… có vậy thôi à.

Cô Vinh nói nhỏ:

- Giấc mộng yêu đương đầu đời bao giờ cũng tuyệt diễm.

Tôi chợt muốn khơi tâm sự của cô:

- Cô cũng có một tình yêu đẹp?

Đôi mắt biêng biếc của người đàn bà chợt dưng như thăm thẳm hơn, như xa xăm hơn. Cô Vinh đang đến với một hồi tưởng viết bằng chữ xanh màu hy vọng trên nền mây hồng của tuổi mười tám. Giọng cô đầm ấm, vời vợi:

- Năm vừa lấy xong tú tài cô ghi tên học Luật. Rồi cô quen với một sinh viên năm thứ ba Khoa Học. Thời gian hai đứa yêu nhau dự định đi đến hôn nhân bị cản trở vì anh nghèo, không đủ tiền làm đám cưới dù một đám cưới đơn sơ. Anh ta mồ côi, sống nhờ người chú nên đâu thể làm phiền người ta về một món tiền lớn để lo việc riêng tư. Đã vậy bà mẹ kế của cô lại khắc nghiệt đòi hỏi phải làm nở mặt nở mày đàng gái bằng một tiệc cưới linh đình mới chịu gả cô. Hai đứa buồn nhưng không nản chí. Cô khuyên anh gắng học để tạo dựng tương lai rồi sẽ tính chuyện lâu dài khi hai đứa đã đủ phương tiện làm vừa lòng ba mẹ và đủ sức bảo đảm cuộc sống gia đình. Anh nghe lời cô, nhưng dường như sự bi quan thái quá làm anh không còn tâm trí để học, và năm đó anh không lấy được chứng chỉ thứ ba.

Cô Vinh ngừng lại. Tôi thấy mắt cô mờ đi như nhòa nhạt lệ. Giọng cô cũng nghẹn lại trong một xúc cảm vô cùng:

- Không lấy được chứng chỉ anh phải đi lính, tương lai hai đứa hầu như tan vỡ nhưng tình yêu vẫn kết chặt đôi tâm hồn. Cô đi thăm anh thường xuyên ở quân trường. Và sau chín tháng học anh ra Chuẩn úy, về đơn vị ở vùng bốn.

Tôi nôn nóng:

- Như vậy tình yêu cũng đâu có gì trở ngại phải không cô?

- Không. Tình yêu không gặp trở ngại mà là cắt đứt vĩnh viễn.

Tôi thảng thốt:

- Chúa ơi, sao vậy cô?

Cô Vinh lạc giọng:

- Vì anh ta không bao giờ về nữa.

Tiếng cô như ngập nước mắt:

- Anh tử trận khi mới ra trường được bốn tháng. Niềm đau đớn làm cho cô tê dại mất đi tri giác trong gần nửa năm trời. Cô bỏ học Luật, ghi tên vào Sư Phạm. Chính cô không hiểu tại sao lại chọn nghề dạy học. Có lẽ đó chỉ là một thay đổi để… có thay đổi, cho khỏi bị bức bách trong những ám ảnh điên người mà thôi. Từ đó cô sống với nấm mồ hoang trong tim và nghĩ rằng cô sẽ không bao giờ hết khổ.

- Rồi cô có quên không?

Cô VInh thở dài:

- Nhớ thương rồi cũng phôi pha dần. Mình không thể sống mãi với người chết.

- Bao nhiêu năm rồi cô nhỉ?

- Tám năm.

Tôi cười buồn:

- Khoảng thời gian cô mất người tình bằng khoảng thời gian em mất mẹ. Nhưng sau đó không có một mối tình nào đến với cô nữa sao?

- Cũng có những người đến với cô, nhưng tình cảm cô dành cho họ chưa đủ để tiến tới hôn nhân.

Tôi hỏi một câu rất hợp và thật:

- Không lẽ rồi cô cứ ở mãi vậy sao?

Và câu trả lời của cô Vinh cũng thật đến ngỡ ngàng:

- Làm sao hơn. Hiện tại những người theo cô thì cô không vừa ý. Còn những người cô nghĩ có thể tiến đến hôn nhân thì họ lại không nghĩ đến cô. Họ theo đuổi những cô gái trẻ đẹp hơn trong khi cô đã ở vào lứa tuổi hơi muộn cho một cô dâu.

Tôi thoáng nghe một xót xa len lén chiếm ngự tâm hồn. Tôi ngước nhìn cô giáo và nghĩ không phải cô khó khăn trong việc chọn lựa một đối tượng mới mà vì chưa ai có thể là một ánh nắng hồng đánh tan lớp băng giá đang vây phủ quanh nấm mồ kỷ niệm.

*

- Hà Lan.

Tôi quay lại, bắt gặp Thúy đang đi tới. Tôi dừng, chờ bạn. Thúy mặc đầm, tươi trẻ và giản dị. Trong số bạn bè ở lớp tôi mến Thúy nhất. Nó hiền và rất chìu bạn. Nhược điểm của tôi là rất thích ai chìu.

- Mày đi đâu đấy?

Thúy nhìn tôi chăm chăm:

- Tao đi mua đôi giày. Có loại mới ra coi được ghê. Còn mày? Cha, mặc quần patte màu tím áo trắng gien hay à Lan.

- Tao thích xin ba tiền may quần nhung đen nè. Có điều ghét nó hay bị chai, lỳ mặt hết. Mà đã mặc không lẽ mình đứng hoài… không ngồi.

Hai đứa song song trên con đường lớn của thành phố. Những tiệm may, tiệm vải làm chóa mắt những đứa con gái ham thời trang ăn diện, trong đó có tôi, có Thúy. Thành phố nhỏ nên hay gặp người quen. Thúy kéo tôi vào một tiệm kem vừa ăn vừa nghe nhạc.

Như chợt nhớ điều gì Thúy hỏi:

- In là mày nhờ cô Vinh kèm riêng Pháp Văn phải không?

Tôi gật:

- Sao mày biết?

- Có chuyện gì thoát được sự tò mò của thiên hạ đâu. Tao nghe nói từ hôm cô Vinh chưa về dạy cho mày kia.

- Tao kém sinh ngữ nên xin ba tao cho học thêm.

Thúy thành thật:

- Cô Vinh dễ thương đấy chứ nhỉ. Tao ít thấy bà giáo nào lại thân mật với học trò được như cô ấy.

- Trông cô ấy tươi trẻ chứ hả? Khác với bà giáo Sử Địa, lúc nào cũng khó đăm đăm thấy mà ớn. Bà ấy coi học trò gần như kẻ thù.

- Bộ mày không biết mấy bà gái già không chồng à, khó ai chịu cho nổi. Chả trách tụi nó gọi bà ấy là Ác Tiên. Sao không ông nào làm phúc rước phứt bà ta cho được việc, may ra có tình yêu, có hạnh phúc con người sẽ dễ dàng thông cảm hơn.

Tôi trề môi:

- Sợ cũng còn khuya mới có người rước bà ta. Gần năm mươi rồi còn gì. Dường như bà ta cáu kỉnh thêm mỗi khi nhìn về tuổi trẻ của chúng mình.

- Mặc cảm mà. Bà ấy thèm muốn tuổi trẻ nên thế. Tao thấy bà ấy thích hợp với vai trò những mụ phù thủy trong truyện cổ tích.

Thúy gạt đi:

- Mày nói ác, nên thông cảm nỗi khổ của bà ấy mới phải.

Tôi thầm công nhận mình không được cái nhân hậu như Thúy. Thỉnh thoảng tôi có những ý tưởng thật tàn nhẫn. Đồng ý đó là con người, nhưng con người tôi Chúa đã cho một bản năng gần như cứng cỏi, tàn ác hơn nét dịu dàng trên mặt.

Thúy bỗng tủm tỉm cười:

- Mày biết tụi nó đồn gì không Hà lan?

- Về việc gì?

- Chuyện cô Vinh về kèm riêng cho mày đó.

Tôi chú ý:

- Sao? Có chuyện gì nữa?

- Tao nói mày đừng giận nghe.

Tôi gật. Thúy ngập ngừng:

- Tụi nó nói sở dĩ cô Vinh nhận lời đến kèm riêng  Pháp Văn cho mày là vì ba mày.

Mắt tôi tròn lên:

- Vì ba tao?

- Ừ. Vì ba mày có địa vị và lại… bô trai, nên cô giáo Vinh hy vọng chiếm cảm tình.

Tôi nghe nóng hai bên má. Lời đồn như một sự mạ lỵ cô Vinh tôi quí mến. Tôi rất muốn cô thương ba tôi nhưng không muốn ai nghĩ rằng việc cô đến với tôi là để lợi dụng dịp thuận tiện chen chân vào gia đình tôi. Không, cô Vinh tốt vô cùng. Không bao giờ trong đôi mắt dịu hiền của cô có những tia nhìn độc ác thì không bao giờ tâm hồn cô lại tính chuyện mờ ám. Người ta ác miệng đặt điều. Người ta ganh tị với nhan sắc của cô nên dèm pha. Chính tôi đang muốn cô đến với gia đình tôi mà còn phải khó khăn, miệng đời thật ghê gớm.

Thúy chờ đợi phản ứng của tôi, chắc nó đoán tôi phải giận dữ lắm nhưng nó chỉ thấy tôi cười:

- Mặc thiên hạ muốn nói sao thì nói. Tao hiểu cô Vinh là đủ. Nói thật với mày, nhiều khi tao nghĩ giá cô Vinh chịu lấy ba tao thì chắc tao sẽ thêm một lần có mẹ. Dù không được như mẹ tao nhưng cô cũng là người sẵn sàng để thông cảm và săn sóc cho tao. Cô thương tao lắm. Tao cũng thương cô mà không biết làm cách nào. Cô luôn luôn giữ một mức thân mật… vừa phải.

Thúy gật gù:

- Chuyện gia đình mày tao không hiểu nhưng tao thấy giá trong nhà có thêm một người đàn bà quán xuyến thì hơn. Căn nhà rộng quá mà chỉ có bác, mày và vú Sáu. Một người đàn bà khéo léo thường làm ấm không khí gia đình. Nhưng thường tao thấy những đứa con ít khi muốn cha hay mẹ bước thêm bước nữa.

- Nếu một người khác chưa chắc tao tán thành. Nhưng với cô Vinh thì lại khác. Nếu cô không được như một người mẹ thì cũng là một người bạn. Tình thương tao dành cho cô và ngược lại đủ khỏa lấp thành kiến không đẹp về “mẹ ghẻ con chồng”.

*

Tôi chỉ cô Vinh tấm ảnh ba mẹ chụp lúc mới cưới:

- Cô thấy Lan giống mẹ không?

Cô Vinh gật đầu:

- Giống lắm. Mẹ Lan đẹp quá. Sắc đẹp tự nhiên không cần đến son phấn.

Tôi hãnh diện:

- Cô biết không, mẹ còn hiền hơn Lan nữa. Đôi khi Lan thấy tánh Lan không được dịu dàng, đáng yêu như mẹ. Ba vẫn bảo không người nào thay thế được hình bóng mẹ trong tim ba.

Giọng cô Vinh buồn buồn:

- Phải. Đôi khi một chuỗi hạnh phúc quá thần tiên người ta không thể nào quên nổi. Không ai xứng đáng để thay thế mẹ Lan.

Tôi định nói: “Nếu có một người, thì người đó phải là cô”, nhưng tôi dằn kịp. Tôi không thể để cô Vinh biết được dụng ý của mình. Phải để cho cả ba lẫn cô nghĩ rằng tự họ tìm đến với nhau chứ không phải qua sự sắp đặt của tôi.

Là vì, ngoài tình thương đậm đà dành cho cô Vinh, tôi còn cảm thấy thương những chuỗi ngày cô đơn của ba. Tôi thấy rõ tuổi trẻ của ba không còn bao lâu, nhiệt huyết của ba không còn lâu dài nữa. Tôi muốn ba được hưởng những ngày hạnh phúc bên cạnh một người đàn bà trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời. Tôi thấy mình không nên ích kỷ níu kéo mãi những kỷ niệm về mẹ để buộc ràng ba trong đó. Mẹ đã chết. Mẹ đã yên rồi. Chắc chắn mẹ cũng không muốn ba phải kéo dài chuỗi ngày hoang vắng của một người đàn ông ở lứa tuổi còn tràn trề ý sống. Ba đã hy sinh cho tôi quá lâu, quá nhiều. Tôi biết nhiều khi ba cảm thấy đơn độc, nhiều khi ba thèm thuồng cái hạnh phúc bình thường của một con người nhưng ba dằn lại. Ba viện trợ đến hình ảnh mẹ, đến những kỷ niệm sung sướng lẫn đau buồn để quên khoảng trống hiện tại. Và ba uống rượu để quên. Tôi đã đến tuổi đủ để hiểu biết những uẩn khúc đó. Vì tôi, ba đã quên ba. Vì tôi, ba đã tạo chung quanh ba một sự già nua cằn cỗi. Tôi thương ba và không muốn ích kỷ. Không. Ba còn trẻ. Ba mới bốn mươi hai. Tuổi này nhiều người đàn ông mới bắt đầu nghĩ đến việc lấy vợ, thì tại sao ba lại không? Cô Vinh là một người đàn ba tôi tin sẽ mang hạnh phúc lại cho ba. Cô xinh đẹp và tế nhị. Một người đàn bà trong ý tưởng hôn nhân của những người đàn ông.

Cô Vinh dạy kèm cho tôi gần bốn tháng rồi. Khoảng thời gian cô hầu như có mặt thường xuyên trong gia đình tôi. Thỉnh thoảng cô dùng cơm gia đình, và vú Sáu cũng biết thêm nhiều món ăn mới do cô chỉ.

Sự đồn đãi của dư luận rồi cũng lắng dịu. Cô Vinh nghiễm nhiên là người của gia đình tôi. Vả lại ba tôi có vẻ yêu cô thì cũng không có gì đáng nói: một người đàn ông góa vợ không có quyền yêu hay sao?

Tôi cảm thấy sung sướng trong tình thương của ba và cô giáo. Dường như trong niềm hạnh phúc mới chớm nở, ba thương tôi hơn lên. Ba chìu tôi mọi sở thích, dĩ nhiên là sự chìu chuộng đó có sự biểu đồng tình của cô Vinh. Muốn gì tôi không nói với ba mà nói với cô. Thế là tôi toại nguyện. Ban đầu cả cô giáo lẫn ba đều có vẻ dè dặt trong tình cảm riêng tư của họ, nhưng những tia mắt trao đổi lén lút dần dần trở nên công khai. Bởi sự tán trợ của tôi làm dễ dàng cho mọi vấn đề nên tôi trở thành một “bà mai” thật độc đáo.

Càng gần cô Vinh tôi càng thấy cô cần cho cha con tôi. Ngoài tình thương cô còn là một người đàn bà khéo léo sắp đặt mọi việc trong nhà. Đôi khi suy nghĩ lẩn thẩn, tôi thấy tức dùm người tình xưa của cô Vinh, không sống để hưởng những ngày hạnh phúc bên người vợ tuyệt vời như cô giáo.

Vú Sáu bưng lên cho tôi ly kem hột gà. Tôi reo lên:

- Thích quá, con đang thèm ăn ngọt. Cám ơn vú.

Vú đưa mắt nhìn cô giáo đang xếp lại mấy chai rượu trong tù búp phê:

- Của cô giáo làm đấy, không phải vú đâu. Vú tính mua chè cho con nhưng cô giáo bảo chè thạch không có nhiều chất bổ bằng kem hột gà. Con đang học thi, mất sức cần phải tẩm bổ.

Vú đi xuống. Tôi chạy đến bên cô giáo, ôm lấy cánh tay cô:

- Cô thương Lan quá.

Cô Vinh ngẩng mặt mỉm cười:

- Hồi này Lan hơi gầy đi đấy. Đừng thức khuya quá, sức học của Lan cô tin rằng em sẽ không đến nỗi thất vọng. Còn mấy món ăn rất có lợi cho sức khỏe, cô mong em sẽ vừa miệng.

Chưa bao giờ, từ ngày mẹ mất, tôi được săn sóc đến thế. Tôi cảm động run giọng:

- Có lẽ cô là phần thưởng Chúa dành cho Lan trong nỗi bất hạnh mất mẹ.

Cô Vinh chợt hỏi:

- Hôm trước nghe ba nói Lan sẽ tổ chức sinh nhật thứ 18. Bao giờ hở cưng?

Tôi sang mắt:

- Chỉ hơn tuần nữa thôi cô. Lan đã xin phép ba mở bal, mời… đông đông bạn bè một tí. Dù sao 18 tuổi cũng đánh dấu sự khôn lớn của mình chứ cô nhỉ.

- Sinh nhật 18 đẹp nhất Lan ạ.

Tôi bá vai cô:

- Cô giúp em tổ chức nhé. Cả ba nữa. Ba cũng phải giúp em. Có ba và cô, sinh nhật của em sẽ là một dạ vũ huy hoàng.

Cô Vinh khiêm tốn:

- Lan nên tin tưởng ở ba nhiều hơn. Cô chỉ phụ giúp một vài ý kiến nhỏ.

- Nhưng không có cô, có lẽ ba sẽ chả giúp được gì cho Lan đâu.

Ánh mắt người đàn bà như cám ơn lời nói của tôi. Cô đề nghị:

- Chiều mai cô mời Lan đi phố. Cô muốn tặng em bộ y phục sinh nhật.

Tôi reo:

- Thật hở cô? Thích quá. Chiều mai cô sang nhé.

- Ừ. Nhưng Lan phải giữ bí mật, đừng cho ba biết. Như thế ba cũng sẽ may cho lan một bộ và… em “lời” đấy.

Tôi gật đầu:

- Vậy là nhất cô rồi. Lan chả thích gì hơn là áo mới. mà Lan muốn cô cũng phải may áo mới cơ, nhé cô nhé.

Chìu ý tôi, cô Vinh đồng ý. Tôi chợt nghĩ nếu một mai cô Vinh trở thành mẹ kế của tôi, chắc chắn cuộc sống của chúng tôi sẽ làm ngạc nhiên dân chúng trong tỉnh, vốn là những kẻ ưa tò mò và thích nhảy chồm vào đời tư thiên hạ. Họ sẽ chờ đợi những màn lủng củng trong gia đình tôi, họ sẽ chờ nhìn thấy ba tôi thỉnh thoảng đóng sầm cửa cổng ra lái xe đi đến tiệm ăn nhậu cho quên nỗi bực tức vì sự xích mích giữa con riêng và vợ. Họ sẽ chờ nghe tôi nói xấu mẹ kế, xiên xỏ đủ điều về cô giáo cũ và ngược lại. Nhưng rất tiếc, họ sẽ không bao giờ được chứng kiến cảnh đó. Họ sẽ phải mím môi căm tức trước hạnh phúc đầm ấm của “bộ ba” chúng tôi chứ không thể nào cười đắc thắng được.

*

Lần đầu tiên, sinh nhật của tôi được tổ chức với sự góp mặt của những “người lớn” ngang hàng với ba. Ba giáo sư của tôi, trong đó có cô Vinh. Hai người bạn làm việc ở tòa Hành Chánh với ba. Và ba mươi đứa bạn học của tôi, nam lẫn nữ, với partenair của tụi nó. Tổng cộng tới một trăm người.

Ba, cô Vinh, vú sáu và mấy đứa bạn thân của tôi bận rộn suốt ngày để lo cho buổi dạ vũ được hoàn toàn. Những bóng đèn màu được giăng khắp các bụi cây trong vườn. Trên cổ con nai bằng cây được cắt xén công phu giữa vườn là một vòng đèn đủ màu chớp tắt rực rỡ. Đó là ý kiến của cô Vinh. Chiếc bánh sinh nhật của tôi còn được giữ bí mật vì là của cô Vinh mang đến.

Tôi nôn nao chờ đợi. Tôi muốn mặc chiếc áo sinh nhật để ngắm nghía xem nhưng cô Vinh cản lại. Để trước giờ khai mạc và sau khi trang điểm xong tôi sẽ mặc để tránh một vài nếp gấp do bất cẩn. Tôi ngoan ngoãn vâng lời cô như một đứa trẻ. Cô Vinh nhìn vẻ nôn nao của tôi phải bật cười.

7 giờ 30… Đèn mờ và tiếng nhạc. Khách chật cả căn phòng khách và một khoảng sân rộng. Ba đứng lên giới thiệu tôi – Trịnh thị Hà Lan – hôm nay vừa đúng 18 tuổi.

Tôi bước lên micro – Chiếc soirée hồng viền cổ và tay trắng, với hàng nút bạc chạy dài đến gót, ôm gọn lấy thân mình mảnh mai của tuổi mới lớn. Chiếc áo, cả một công trình chọn lựa của cô Vinh. Và gương mặt tôi, lần đầu được trang điểm kỹ. Tóc chải gọn với vương miện lóng lánh trên tóc. Trước tấm gương soi tôi đã sung sướng trước sự đổi thay của mình: Tôi đẹp hơn, đẹp hơn nhiều lắm, đến nỗi cô Vinh phải bật kêu thảng thốt:

- Em xinh quá Lan ơi. Cứ như một nàng công chúa, lộng lẫy, quí phái lạ lùng.

Tôi sung sướng khen lại chiếc áo dài màu hồ thủy của cô đẹp. Và cô cười vuốt sống áo tôi, vừa như ôm choàng lấy tôi.

Tôi đứng cạnh ba. Ba cao lớn và che chở. Ba trìu mến và yêu thương. Tôi nhìn quanh, thấy nụ cười và ánh mắt long lanh của cô Vinh. Giọng tôi run run:

- Hà Lan xin cảm ơn ba đã cho phép Lan tổ chức cuộc vui hôm nay. Cả cô giáo Vinh và vú Sáu của lan, đã giúp Lan hoàn tất trang trí. Lan cũng cám ơn cô giáo về bộ y phục sinh nhật – Và tôi nhìn về phía chiếc bánh sinh nhật hai tầng lộng lẫy được tô điểm bằng những bông hồng và giòng chữ “Mừng tuổi 18 tuyệt đẹp của Trịnh thị Hà Lan” màu xanh thẫm. Chiếc bánh sinh nhật, một công trình của cô. Mọi người vỗ tay, tôi tiếp:

- Lan cũng vô cùng xúc động được sự tham dự của các chú, các thầy. Và các bạn Lan đã đến chung vui hôm nay.

Nhạc bắt đầu chuyển sang điệu Pa-sô-đốp để khai mạc dạ vũ. Tôi nói lớn vào micro:

- Lẽ ra Hà Lan phải khiêu vũ với ba để mở đầu dạ vũ. Nhưng Lan xin nhường ba lại cho một người – Lan xin tuyên bố cô giáo Vinh sẽ cùng ba Lan ra piste để khai mạc – Lan xin mời.

Tôi bước khỏi micro nhưng cũng đủ nhìn thấy vẻ ngỡ ngàng trong mắt cô Vinh. Ba đứng lên đến mời cô giáo. Tôi khẽ mỉm cười khi đáng dấp mảnh mai của cô khép nép bên cạnh vẻ cao lớn của ba trong những bước nhảy thật tình tứ, điêu luyện.

_____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG HAI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>