Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

CHƯƠNG V_NGỤC THẤT GIỮA RỪNG GIÀ


CHƯƠNG V


Tên Kha quả nhanh nhẹn, không kém chi Giang Khâm. Thần kinh Sinh căng thẳng đến cùng độ, nhờ đó cậu né qua một bên, chuồi khỏi tay chúng một cách tài tình. Nhưng Sinh vấp vào cái rễ cây, tức thì Giang Khâm xông lại, toan bóp cổ Sinh. Nhanh như một con sóc, nên dù bị té Sinh vẫn giữ chặt tổ ong trên hai tay. Sinh đưa tổ ong ra trước mặt.

- Cứ nhào tới ! Tôi sẽ ném tổ ong vào mặt anh tức thì !

Một bức tường dưới ao mọc lên thình lình cũng không làm Khâm kinh ngạc bằng lúc này. Nụ cười đắc thắng trên môi hắn tắt liền, miệng hắn méo xệch trông thật buồn cười. Giang Khâm lùi lại như thể là Sinh mang bệnh dịch hạch. Thừa dịp đó, Sinh đứng ngay lên, vừa thở hào hển vừa hét to, dáng bộ của một kẻ sẵn sàng liều mạng.

- Vô lều mau ! Anh Kha cũng vậy. Ngồi hết lên giường? Nếu không thì biết...

Giang Khâm cũng dọa lại :

- Mày cũng phải coi chừng nữa !

Nhưng vẫn riu ríu nghe lời Sinh. Hắn bị ong đốt nhiều quá rồi, hắn không muốn bị một vết nào nữa; Kha cũng làm theo. Thà với khẩu súng, chúng còn hy vọng đối phương bắn lệch, còn với đạo quân hàng vạn con ong, phần thắng không ở trong tay chúng chút nào.

Cái giường lò xo kêu ken két dưới sức nặng của hai tên này. Sinh lại ra lệnh :

- Kêu cả anh Hiếu với Tư Gấc vô luôn ! Tôi ưng như vậy.

- Tao không biết họ ở đâu mà kêu, mày muốn kêu thì kêu đi !

- Anh không biết hả ? Ong sẽ giúp anh biết liền !

Khâm giận lắm song phải nghiến răng nghe lời Sinh. Hắn kêu nhiều lần, hai tên kia mới thò đầu vô. Đầu cúi thấp, hai tên này lấm lét nhìn quanh. Sinh giục :

- Mau lên ! Đến ngồi bên giường kia kìa ! Được rồi ! Bây giờ mấy người quăng ra cho tôi cái hộp có dấu thập đỏ, cái xô xách nước với cái ấm coi ! Quên, cái hộp đựng đạn nữa !

Sinh cứ đứng ngoài điều khiển cả bọn, nó nép bên cánh cửa lều, tránh không cho tên sát nhân và đồng lõa thấy mình. Giang Khâm đẩy hộp đạn và hộp cứu thương ra, nói :

- Đó, hộp đạn với hộp cứu thương đó, còn xô với ấm không có đây, ra bếp mà lấy. Ông Vua con !

- Đưa tôi cây súng săn !

- Không ! Mày tới mà lấy.

Cả hai khẩu súng săn của ông chủ đều treo trên cột lều. Sinh nhét hộp đạn vô túi quần, còn hộp cứu thương thì cặp vào nách. Lúc đó, có hai con ong bay ra khỏi tổ và tiếng vo vo tăng lên. Cả tổ sắp tỉnh dậy làm Sinh do dự trong một giây.

Ông chủ không đòi lấy khẩu súng nào cả, ông chỉ muốn vết thương được rửa và rửa bằng nước nóng. Nó chỉ cần kiếm cái xô, cái ấm để đun nước. Song nếu bây giờ nó ra khỏi lều là mấy tên địch thủ của nó đuổi theo, một chọi bốn, chắc là nguy cho nó quá ! Sinh hét lên :

- Lui cả về phía cuối lều !

Không tên nào nhúc nhích. Sinh đem tổ ong đến ngưỡng cửa giả vờ làm như sắp vứt xuống đất. Tức thì bốn tên vô lại xô nhau lùi vào góc lều. Làm sao không sợ ? Một cử động của Sinh là cả vạn con ong ùa ra chích liền. Cứ tưởng tượng ra lúc đó là đủ rùng mình.

Giang Khâm đã vớ được khẩu súng săn và lên đạn, hắn chỉ đợi dịp là bóp cò liền, còn gì làm hắn sung sướng hơn là bắn ngay giữa ngực thằng bé khốn kiếp đã làm hắn điêu đứng nhiều lần từ hai hôm nay ? Khổ thay: tổ ong lại được thằng bé ôm khư khư trước ngực như tấm bia đỡ đạn, nếu hắn nổ súng tổ ong sẽ vỡ ra và…

Vì lẽ đó, tên Khâm không dám động thủ, tuy hắn thấy rõ Sinh qua lớp vải lều.

Sinh quyết định thực hiện kế hoạch ngay. Bước vào lều, đặt tổ ong ngay chân, chính giữa lều rồi nó đá phốc một cái thực mạnh vào tổ ong như thể cầu thủ "sút" quả bóng vô khung thành đối phương và co giò chạy biến ra bếp lửa.

Bầy ong nửa tỉnh, nửa mê, khó chịu vì bị phá rầy. Chúng ùa ra khỏi tổ, bay vo vo làm bốn tên vô lại khiếp hồn, không dám cử động.

Nhờ vậy, Sinh được yên thân, kịp lấy xô, lấy ấm và biến mất dạng vào rừng.

Đến ao, Sinh đi dọc theo bờ tới tận nguồn. Chưa bao giờ Sinh xúc động quá như thế và cũng chưa bao giờ nó táo bạo đến như thế. Các dây thần kinh căng thẳng quá mức bây giờ như giãn ra. Sinh phải ngồi xuống một lúc để lấy sức, tim vẫn nhảy thình thịch trong lồng ngực nhỏ bé và cổ thì khô rốc.

Nước chảy róc rách cạnh đó, chỉ cúi xuống là đụng mặt nước. Sinh vục mặt uống từng hơi dài như vượt sa mạc vừa về. Một lúc sau, khi uống đỡ khát rồi Sinh múc một xô nước đầy và thủng thỉnh xách về lâu đài.

Rừng già vẫn lặng lẽ, chỉ có tiếng động của ngàn cây xào xạc và tiếng đập cánh của loài côn trùng bay dưới những tia nắng rọi xuyên qua kẽ lá, bụi rậm mà thôi.

Chợt Sinh hồi hộp lắng tai. Có tiếng khỉ kêu đâu đó. Ban đầu chỉ một con, dần dần, năm bảy con và sau cùng như cả mấy chục con phụ họa. Nhất định là sự cảnh báo, chúng đã thấy gì đáng nghi ngờ. Tiếng kêu không có vẻ âu lo lắm, nhưng vẫn có thể là một điềm chẳng lành sắp xảy ra, một con cọp, con báo, con lợn rừng hay một con linh cẩu. Mà biết đâu, chẳng phải là tên Giang Khâm hung ác ? Sinh dừng chân, ngồi lùi vào bụi rậm, lắng tai.

Tiếng khỉ náo loạn một lúc rồi im bặt. Hình như chúng không chú ý đến sự lạ nữa. Sinh kết luận : chính tên Giang Khâm gây ra sự náo động vừa rồi. Vì nếu là thú dữ thì chúng la hét dai lắm. Sinh bèn đứng lên nhưng cẩn thận hơn trước. Vài phút sau chợt có tiếng cành gãy răng rắc. Sinh vội vàng giấu xô nước, cái ấm, hộp cứu thương, đoạn mới đi về hướng có tiếng động. Chỉ một chốc Sinh đã thấy tên Kha. Hắn hỏi nhỏ đồng bọn :

- Có thật cần đốt lửa dọc theo mặt tiền lâu đài chăng ?

- Anh sẽ không hỏi như thế nếu anh được ong hôn. Tôi muốn tất cả tổ ong phải bị phá tan hết, ngọn lửa càng to, kết quả càng bảo đảm.

Giang Khâm trả lời giọng thành thạo.

Không nghi ngờ chi nữa, quả là lũ lưu manh nhất định phá tan tổ ong để mở lối vào lâu đài giết chủ tớ mình, thằng bé cau mặt kêu lên nho nhỏ.

Lập tức, Sinh trở lại bụi rậm nhặt lấy mọi vật rồi chạy bay về lâu đài. Đến cửa sổ, Sinh cột một đầu dây vào quai xô, trèo lên cây, theo cành cây vào trong, rồi kẻo xô nước thả vào. Lại men theo vách, trụt xuống. Chân vừa chấm đất Sinh đã thấy con Bốp vục mõm vào xô nước, không chờ lệnh. Sinh để cho con vật uống một lúc rồi lôi nó ra, bắt nằm xuống.

Sinh xách xô nước lại gần chủ, tay gác lên xô để ngăn Bốp, gọi nho nhỏ :

- Ông chủ ! Con đây ! Con đã về, có nước cho ông đây.

Ông Ngọc Sơn không cựa quậy, Sinh lay vai ông nhưng vô hiệu. Sau cùng, Sinh nhúng tay vô xô nước, vẩy lên khuôn mặt tái xanh của ông chủ. Vài giây sau bàn tay rám nắng đưa lên mặt như giữ những giọt nước, kẻo về phía miệng. Và đôi mắt ông từ từ mở ra. Sinh mừng quá :

- Ông chủ phải ngồi dậy một chút, ông nhìn coi : con mang nước về rồi !

Nụ cười héo hắt nở trên môi chủ Sinh. Ông gượng ngồi lên nhờ sự giúp đỡ của nó, thật khó nhọc, một phần cũng bởi ông chưa tỉnh hẳn.

Tuy vậy đến khi nước vào khỏi cổ hớp đầu, ông tỉnh ngay, uống cỡ nửa lít, ông ngửa đầu ra sau. Sinh đặt ông nằm xuống, hai tay rã rời .

- Nước ngon quá, Sinh ạ ? Ta cần nhiều nước ! Cảm ơn con. Hai tai ta có hơi nước thoát ra, chắc vậy !

Ông vừa nói vừa cười. Niềm vui này gây cho thằng bé một tia hy vọng về sự sống của ông. Nhưng chỉ một tia nhỏ mà thôi, Sinh không lạc quan lắm. Sinh biết hơi nước, nó thấy khi đun nước trên lửa, hơi bốc lên; nhưng còn tại sao mà hơi nước lại có thể bốc ra từ tai người ta thì thật là khó hiểu. Phải xem xét tai chủ coi sao. Xem kỹ tai chủ, nó la lên :

- Thưa ông chủ, hơi nước ? Con nhìn kỹ tai ông rồi, đâu có thấy gì ?

Ông Ngọc Sơn vẫn cười, đôi mắt xanh mở to, khuôn mặt tiều tụy với chiếc cằm tua tủa râu ria chợt tươi lên nhờ nụ cười :

- Ta đùa đấy thôi ! Trong mình ta đang nóng lắm, nên ta nói rằng nước vào miệng bốc hơi ra đấy mà !

- A ! Con hiểu rồi, thưa ông !

Thật ra, Sinh chẳng hiểu gì tất, nhưng dưới mắt nó, ông chủ luôn luôn có lý, ông không bao giờ làm điều quấy cũng như nói sai sự thật.

- Bốp ra sao ?

- Thưa, con chó uống rồi.

- Tốt lắm, cảm ơn con.

Sinh mỉm cười vì được chủ khen song cùng lúc đó nó sực nhớ ngay đến bọn khốn đang chất củi khô trước lâu đài. Vẻ đăm chiêu hiện lên khuôn mặt mệt nhọc, Sinh nói :

- Thưa, thằng Giang Khâm với tụi kia sắp vô đây, chúng muốn giết ông và con. Phải đi, ông ạ ! Đi khỏi đây liền mới được.

- Ơ ! Nếu vậy, con chạy lấy cho ta khẩu súng trường.

- Thưa, khẩu súng còn treo trong lều ông chủ...

Ông Ngọc Sơn nheo mắt tránh tia nắng làm lóa mắt, ông nhíu mày, tập trung trí nhớ. Rồi ông ôn tồn nói :

- Sinh ! Ta tỉnh táo nhiều sau khi con cho ta uống nước và cũng khỏe hơn. Đâu, con hãy kể lại mọi chuyện sau khi ta bị thương vì ta không nhớ nổi Sinh ạ !

Sinh vâng lời. Vừa kể, Sinh vừa nhìn mặt chủ. Ban đầu nó thấy ông ngồi lặng thản nhiên, rồi ông nhíu mày, rồi ông mím môi và, chao ơi ! nó chưa từng thấy thế đến đoạn nó bị ong đốt, ông nhắm nghiền hai mắt, nước mắt chảy dài xuống đôi má hóp của ông ! Rồi ông lại mở mắt ra, bây giờ mở thật to, có lúc như muốn chồm ngay dậy. Ông cười như mếu khi Sinh kể chuyện nó dùng tổ ong dọa quân gian. Nhưng ông không nói một lời nào cắt đứt lời Sinh. Khi Sinh kể xong, ông mới cất tiếng, giọng ông xúc động mãnh liệt :

- Sinh ? Chắc con không biết thi sĩ là gì, nhưng không sao. Con cứ nghe chuyện này : Cách đây lâu lắm có một thiên tài người xứ con, ông ta viết những truyện hay và làm những bài thơ dễ thương bằng Anh ngữ. Ông tên là Rudyard Kipling. Sách của ông ấy thường kể chuyện một người gánh nước. Tiếc quá ! Ta quên mất mấy câu thơ cuối…

Ông nhắm nghiền mắt cố nhớ mấy câu thơ. Sinh lo lắng nhìn chăm chăm vào mặt chủ, nó không muốn chủ mệt vì cái có tên là "mấy câu thơ". Trán ông nhăn nheo... nhưng không lâu lắm, ông mở mắt, tươi nét mặt lên :

- Sinh ! Ta nhớ ra rồi : nhân vật Ấn Độ ấy tên là Gunpa-Din, anh ta đã theo quân sĩ ra trận. Sau cuộc giao chiến, anh ta mang nước đến cho từng thương binh. Và nhà thi sĩ đã nói về Gunpa-Din như thế này:

"Gunpa-Din ! Chúng tôi đã hành hạ, đánh đập anh.

Nhưng có Thượng Đế xét soi !

Anh thật quả tốt lành

Hơn chúng tôi

Nhiều lắm !

Hỡi anh !"

Ông Ngọc Sơn nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ, trong sáng của Sinh, tiếp :

- Những câu thơ ấy có thể áp dụng để nói về con đấy Sinh ạ ! Con, với cái bề ngoài mảnh mai của một đứa trẻ là cả một tâm hồn dũng cảm, vị tha, một người lớn biết trách nhiệm, một người gan dạ và tốt bụng.

- Thưa ông chủ, vâng ạ !

Sinh trả lời chủ, nhưng trong bụng chẳng hiểu tí ti nào, bởi chưa bao giờ nó nhìn thấy bài thơ mà dù cho có nhìn thấy nó cũng không biết đọc Sinh mù chữ.

Điều Sinh đang canh cánh bên lòng là âm mưu của bọn lưu manh bên ngoài. Mặc kệ thơ và thi sĩ, Sinh không cần mấy thứ đó, lúc này Sinh không cho chủ mơ mộng lâu hơn, nó kéo ông trở lại thực tế.

- Thưa ông, hình như chúng đốt lửa rồi đó. Phải rời khỏi đây bằng cách trèo qua tường. Cửa sổ này có thể giúp mình.

- Trèo tường sao ?

Ông Ngọc Sơn quay sang trái rồi quay sang phải, ngắm kỹ tấm vách đá xám xịt nghĩ vẩn vơ, và ông lắc đầu :

- Không được đâu, con ! Ta trèo không nổi đâu...

- Ông chủ phải trèo chớ ! Hễ lửa đốt rụi tất cả các tổ ong rồi thì tụi nó sẽ xách súng vô đây, tụi nó hứa chắc thế nào cũng giết hết, cả ông, cả con và cả Bốp.

- Con hãy đi ! Hãy đi một mình......

Đột nhiên, ông ngừng bặt lại, không nói hết lời. Ông đọc trong mắt Sinh sự kinh ngạc, buồn rầu và đau đớn làm ông xấu hổ. "Vậy ra ta vứt cả rìu lẫn búa, ta đầu hàng trong khi thằng bé yếu đuối này liều mình nhiều bận chỉ bởi muốn cứu ta ?". Ông Ngọc Sơn nhủ thầm. Rồi đổi giọng :

- Được rồi, con hãy giúp ta, thử xem, nào !

Thầy trò loay hoay hơn năm phút và cả hai phải nhận một sự thực đau xót này : ông không thể leo dây, cũng không thể trèo tường nốt. Mất nhiều máu quá, ông không đứng vững nếu không có Sinh đỡ.

- Ta rất tiếc, Sinh ạ !

Ông Ngọc Sơn chỉ nói được có thể, ông nghẹn lời, không thể diễn tả nỗi thất vọng trĩu nặng trong lòng, trong lúc Sinh dịu dàng đỡ chủ nằm xuống lại như cũ.

Mặt ông Ngọc Sơn lấm tấm mồ hôi, quả tình ông không muốn phụ lòng tốt của Sinh : ông cố hết sức rồi. Sinh ngẩng lên, hít hít mạnh vài cái, kêu :

- Chúng đốt lửa rồi, thưa ông chủ!

- Con hãy đi đi ! Cảm ơn con ! Cảm ơn những gì con đã làm cho ta ! Con ruột ta cũng không thể làm hơn cho ta đâu, Sinh ạ ! Tiếc là chúng ta không có khẩu súng trường, chúng ta sẽ làm cho kẻ thù phải nể.

- Súng còn móc và khóa vào cột lều xanh, con đã nghĩ đến chuyện này mà con không có chìa khóa.

Ông Ngọc Sơn run tay lau mồ hôi tuôn trên trán, ông cũng hít mạnh trong không khí như Sinh và trỏ làn khói xám xanh đang cuồn cuộn luồn vào lâu dài mà rằng :

-Tao có chìa khóa đây, con ạ ! Ta cột chung nó với nhiều chìa khác...

Ông cho tay vào túi lôi ra một xâu chìa khóa và chỉ cho Sinh một chiếc. Sinh sáng ngời mắt, gật đầu. Ông Ngọc Sơn nghiêm giọng :

- Chạy ngay đi ! Nhưng giờ đừng liều mạng vô ích. Nếu Giang Khâm có để lại một tên canh chừng thì con khó lòng mà lọt vào lều, lấy súng ra. Trường hợp này, đừng cố gắng làm chi. Phải chạy báo tin cho cảnh sát là hơn. Không có lý gì con phải chết theo ta. Ta không muốn thế. Một mình ta…

- Ông đừng nói vậy, con sẽ đem súng về cho ông trị tụi nó. Con không...

Sinh nói một cách cương quyết, tự tin rồi lao đi như một mũi tên, con Bốp nhìn theo Sinh, dáng bộ rầu rĩ và chạy lại bên chủ, liếm tay ông.

- Tình trạng thật tuyệt vọng, nhưng ta không đau khổ chút nào vì ta có hai bạn tốt...

Vừa vuốt ve con vật, ông lại nói, bỗng ông ngưng lại nhăn nhó vì đau rồi lại tiếp :

-Phải ! Hai bạn tốt ! Bốp và Sinh ! Bốp ơi . Ta thương cả hai chúng mày.

Con chó kêu lên ve vẩy đuôi thật mạnh.

- Về phương diện vật chất, con không giúp ta nhiều nhưng con ở bên ta luôn, vậy là quí lắm rồi. Còn Sinh, con biết không : cả ngàn, cả vạn đứa trẻ không tìm ra được một đứa như nó. Nếu ta chết, con nhớ đừng rời nó, nó sẽ thay ta...

Ông ngừng nói, vuốt ve con vật trìu mến đoạn nằm yên. Ý định đi trốn làm ông đuối sức...

Tiếng cành khô cháy, nổ lách tách vọng đến tai ông. Mùi gỗ hăng hắc làm con vật lo lắng. Thỉnh thoảng, nó đưa mắt nhìn chủ như ngầm hỏi :

- "Thưa ông chủ, mình có thể thoát chứ ?"

Ông Ngọc Sơn vẫn lặng lẽ, nhưng sau cùng, ông đành nói với nó :

- Không ! Cùng đường rồi, Bốp ạ ! Bốp đáng thương ơi !

Con chó nghe chủ kêu tên mình, lại vẫy đuôi. Ông chủ nói tiếp :

- Nếu chúng giết sạch ong, chúng sẽ vào đây giết chúng ta. Đành thôi !

Ông nhắm mắt lại, mệt nhọc, thiếp đi một lúc. Rồi ông mở mắt ra, dặn :

- Này con ! Hắn sẽ vào đây bằng cửa này. Khi thấy hắn, con cứ nhảy lại vồ hắn trước khi hắn kịp ra tay. Con chưa cắn một người nào trừ hắn và bây giờ cứ cắn, đừng do dự gì cả.

Khói tan dần, tiếng nổ lách tách nghe thưa và nhỏ lại . Chỉ còn nghe tiếng thở hào hển của con Bốp. Chợt, nó đứng bật lên, tai vểnh, mắt nhìn về hướng cửa, đuôi nằm ngang, giống y như khi nó dự cuộc săn trong rừng mà đánh hơi thấy con mồi. Ông Ngọc Sơn đã hiểu cái gì xảy ra, ông đưa tay vuốt ve chiếc đầu lông mượt của Bốp, khẽ thì thào :

- Đừng vội ! Cứ từ từ. Đừng để ta phải làm bia đỡ đạn vô ích khi mà chúng ta có thể tránh. Để ta cố nói phải trái cho hắn nghe xem sao !

Vài giây trôi qua mà như lâu vô tận. Bốp làm ra vẻ cứng cỏi, nó gầm gừ trong cổ họng. Đúng là có người rình. Bốp liếc thấy một con mắt dữ dằn, một bên má da sạm nắng và một mảnh khăn quấn đầu bẩn thỉu. Ông chủ thì không thấy song ông biết, ông biết tên Giang Khâm đã đến. Ông đưa tay vẫy và nói to :

- Vào đây Giang Khâm ! Ta đợi anh đây ? Đừng sợ ! Ta không bắn anh đâu, chưa bắn bây giờ đâu.

Thò đầu vào, tên gian ác liếc nhanh khắp gian trong, hắn hài lòng lắm. Hắn tiến vào, bộ điệu nghênh ngang, tay trái cầm súng.

- Tôi muốn bắt tên đầy tớ của ông nhưng nó lanh lắm !

- Phải ! Lanh hơn anh tưởng nhiều. Hãy coi chừng nó ! Nếu anh có chút khôn ngoan thì nên ngừng trò sát nhân của anh đi ! Và săn sóc vết thương cho tôi. Tôi sẽ quên hết, tôi sẽ tha anh. Nếu tôi chết, anh bị truy tố đến cùng, anh biết kẻ giết người bị tội gì chứ ! Đừng tưởng anh có thể giấu kín vụ giết người này. Sinh nó sẽ tố cáo, hãy nghe tôi.

Tên Khâm cười một cách hỗn xược :

- Hì hì !!! Hôm qua tôi lỡ tay, tôi làm hỏng công việc… bậy quá ! Nhưng, thưa ông chủ ! Dao găm không phải sở trường của tôi, xin ông tha lỗi ! Một viên đạn nhanh hơn, chắc chắn nhiều mà lại sạch sẽ, thưa ông ! Tôi biết người Âu Châu sạch sẽ.

- Còn sợi dây thì không nhanh, không sạch sẽ nhưng cũng chắc chắn lắm đó, Giang Khâm ạ ? Nó sẽ treo cổ mi ! Đừng quên !

Mặc dù yếu đuối, không thể tự vệ và rất giận tên gian ác, ông cũng giữ thái độ bình tĩnh và giọng ông rắn rỏi làm tên gian phải khâm phục. Tiếng ông sang sảng vang tiếp :

- Bắn đi ! Giang Khâm ! Ta hứa với mi là sợi dây đang đợi mi, ngay trên đầu chớ không xa đâu ! Bắn đi !

Giang Khâm trả lời ông Ngọc Sơn bằng cách đưa súng lên nhắm. Ông Ngọc Sơn định nhỏm dậy tránh, nên ông buông Bốp ra. Con vật chồm tới, mắt quắc lên, môi xệ xuống, trông thật dữ tợn. Nhưng Giang Khâm là tay thiện xạ : "đoàng !".

Ông Ngọc Sơn hết sức ngạc nhiên, vì ông thấy tia lửa xẹt ra sau tiếng nổ (Thường thì lửa lóe lên trước khi tiếng nổ phát ra, vì vận tốc ánh sáng mau hơn vận tốc tiếng động). Tiếng "đoàng" thứ hai giúp ông hiểu ngay là do một cây súng khác.

Viên đạn của Giang Khâm thay vì trúng ông hay con Bốp lại lệch qua một bên, xuyên vô vách. Giang Khâm tròn mắt kinh ngạc, một viên đạn khác từ đâu bay đến , trúng ngay khẩu súng hắn, sự đụng chạm này làm lệch viên đạn nhắm kỹ, tính gởi cho ông chủ đã bị hắn giết hụt hôm qua. Bốp thừa dịp tên này mất bình tĩnh, lao tới liền.

Loạng choạng suýt ngã, Giang Khâm phải giở chân lên để giữ thăng bằng, một chiếc dép của hắn sút khỏi chân, văng ra, vừa vặn lúc Bốp táp mạnh vào chân hắn một cái nên trò. Giang Khâm kêu oai oái.

Song hắn chỉ mất bình tĩnh một chút, một chút thôi. Hắn từng đương đầu với những trường hợp gay cấn hơn khi hắn còn ở thung lũng Khyber, phía tây bắc vùng Peshawar Tại vùng này, nghe đến hai tiếng Giang Khâm, nông dân đều khiếp đảm Hắn dùng báng súng toan nện lên đầu con Bốp, song Bốp nhanh nhẹn nhảy qua một bên tránh được và định xông đến tấn công tiếp. Tên Khâm biết rằng súng trở thành vô dụng, vứt xuống, rút dao ra.

Đúng lúc ấy, tiếng nổ khác vang lên chát chúa như một ngọn roi, phát ra từ cửa sổ, nơi thằng bé vẫn leo ra, leo vào. Bận này, viên đạn trúng ngay vách, sau lưng tên vô lại. Giang Khâm không dám đợi đến phát thứ ba, quày quả quay lưng chạy, khập khiễng vì đất không bằng phẳng và một chiếc dép mất rồi !

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>