Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

CHƯƠNG IX_NGỤC THẤT GIỮA RỪNG GIÀ


CHƯƠNG IX


Sinh chạy chân không bén gót, thân mình nó nhẹ bổng, nó chạy như gió lướt trên ngọn cỏ, thỉnh thoảng nó ngẩng lên nhìn sao tìm phương hướng nhưng rừng dày che mất bầu trời. Cho đến một lúc Sinh vấp ngã và hết sức cố gắng vẫn không đứng lên nổi. Nghĩ đến chuyện mình bỏ con vật lại trong hoàn cảnh bi thảm, Sinh lại khóc nức nở, sau cùng quá mệt, Sinh ngủ thiếp.

Giấc ngủ giúp cậu bé đáng thương lại sức song cũng rất nguy hiểm. Trên cành cây, tiếng khỉ báo động chí chóe, cách đó năm mươi thước có tiếng gà mái cục tác liên hồi hoảng hốt rồi có tiếng công bay xào xạc: một con trăn vừa nuốt gọn con gà mái rừng đang ấp trứng ! Vậy mà Sinh vẫn mê mệt, chìm trong giấc ngủ chẳng hay biết tí gì, ngay cả tiếng gà rừng gáy vang, tiếng các loài vật khác chào đón bình minh. Có lẽ, Sinh còn ngủ lâu hơn nếu tiếng khỉ quanh đó không kêu to lên đồng loạt. Cách đó nửa dặm đường một con cọp vừa vồ được con nai tơ, ác thú xé con mồi ra ăn từ từ, không vội vã.

Khi bóng tối tan loãng hoàn toàn, ác thú rời nơi đó đi tìm nước và chỗ mát mẻ để ngủ sau bữa thịt tươi, hơn ba chục kí lô thịt nai làm cho bụng cọp nặng nề, cọp trở thành lạc quan, chậm chạp và hiền lành. Cũng không cần kín đáo làm chi, các loài vật khác cứ lo tránh nó, chứ nó, nó chỉ ẩn mặt khi cần rình mồi mà thôi, nó không sợ con vật nào mà phải lẩn mặt. Khi chúa sơn lâm đến cách Sinh năm mươi thước, con khỉ già trông thấy bộ lông vằn là kêu ầm lên và cả đoàn hợp nhau báo động, Sinh bừng mở mắt, song vẫn nằm bất động. Thằng bé cố tìm hiểu xem mình đang ở đâu, làm gì. Khi Sinh hoàn toàn nhớ lại mọi việc và toan đứng lên, con cọp đã xuất hiện giữa hai thân cây, nếu không ngạc nhiên dừng lại, cọp đã dẫm một chân lên ngay vai Sinh. Sinh đờ người trong lúc hổ há miệng ra, lùi lại một bước, cặp mắt vàng ánh tần ngần nhìn Sinh. Hổ đang no không muốn vồ mồi làm gì, nhưng nếu bị trêu tức, thì những móng nhọn của nó sẵn sàng xé nát, không tha sinh vật nào trước mặt.

Sinh như bị thôi miên, nhìn sững ác thú không cựa quậy. Đôi bên cứ nhìn nhau như vậy trong vài giây đồng hồ, song đối với Sinh lâu như cả năm dài. Cọp nhe răng ra, gầm gừ nho nhỏ rồi như thấy không đáng quan tâm đến thằng bé gầy nhom, ác thú ngậm miệng lại, hai hàm răng khuất mất sau đôi môi dày, cái đầu to lớn quay đi, đuôi phe phẩy nhè nhẹ và sau rốt, thân mình vằn vện chìm khuất trong vòm lá.

Tận lúc đó, Sinh mới dám thở phào một cái, rồi khi hổ dữ biến mất, Sinh bắt đầu run. Dần dần cảnh vật lặng lẽ giúp Sinh định thần, một con ác thú đi qua trước mắt nó mà như đi qua trong giấc mộng !

Sinh bàng hoàng dụi mắt, ngờ ngợ như mình vừa qua một cơn mơ ! Rồi Sinh đứng lên, bắt đầu đổ dốc, xuống ngọn đồi um tùm, tiến về bình nguyên, vì Sinh cho là mình đã phí quá nhiều thì giờ trong lúc ngủ. Rừng thưa dần khiến Sinh tìm được phương hướng rất dễ dàng.

Một giờ sau, khi mặt trời đứng bóng, Sinh lên đỉnh một ngọn đồi, từ trên đó nhìn xuống thung lũng : làng mạc trải dài dưới chân. Sinh biết rằng sự cố gắng của mình đã được đền bù. Nó sung sướng vô cùng khi nghĩ đến việc cứu thoát được chủ mình, người mà nó quí mến hết lòng. Sinh tiếp tục bước tới, không cho đôi chân mỏi nhừ và bắt đầu sưng tấy lên dừng lại nghỉ, dù trong vài phút.

Chỉ chốc sau, một con chó dữ trong làng thấy bóng người lạ, sủa hóng lên. Một bầy chó khác cũng nhe nanh, gầm gừ. Sinh không mảy may e ngại vì nó biết rõ lũ chó hèn này ! Chúng chỉ chuyên bắt nạt kẻ nào nhút nhát và không tự vệ được. Sinh vừa đi vừa la mắng ầm ỹ cốt để đánh thức dân làng đang ngủ trưa. Mười hôm trước đây thầy trò Sinh đã qua làng này. Ông Ngọc Sơn dẫn nó đến nhà ông Xã trường xin phép cắm trại tại một cánh đồng. Đoạn mua trứng, mua sữa và nhờ thế, Sinh biết ông ở chỗ nào.

Khi Sinh vào con đường hẹp, hai bên là nhà có vách đắp bằng bùn khô, vài người gọi nó, song nó không dám ngừng lại trả lời, phần thì sợ mất thì giờ, phần nữa nó e rằng ngừng lại nó sẽ không đủ can đảm bước thêm bước nào. Nhà ông Xã thật dễ nhận ra : lớn hơn các nhà khác. Sinh dừng chân trước cửa, lên tiếng chào ông bằng những lời lễ phép cung kính nhất. Sau đó, nó thêm :

- Kính thưa ông, con biết rằng thì giờ của ông quí báu, nhưng xin ông bớt cho con ít phút...

Theo tục lệ địa phương, một đứa trẻ không bao giờ được ông Xã tiếp chuyện, nhưng Sinh vừa sung sướng vừa kinh ngạc khi nghe tiếng chân trên đất và ông Xã xuất hiện tức thì, không đợi nó dứt lời. Vừa bước ra, ông vừa nheo mắt để tránh ánh nắng chói. Sinh thu hết can đảm vào đầu lưỡi:

- Dạ, kính thưa ông, chủ con, cái ông người Anh đó, suýt bị giết chết, hiện giờ...

Nhưng Sinh nghẹn cứng ngang cổ họng: nó thấy trong bóng tối sau lưng ông Xã già nua có bộ râu xám là hình dáng lực lưỡng của Giang Khâm. Tên này hài lòng thấy Sinh không nói tiếp được, hắn tiến lên một bước, cười nham hiểm, đón lời :

- Khỏi ! Khỏi mất công thú tội, tao đã kể hết cho ông Xã biết rồi. Trong cơn nóng giận mày đã dùng dao đâm vào lưng chủ, tuy nhỏ mà đã gian hùng...

Sinh càng nghẹn thêm, nó muốn gào to lên, muốn hiểu rõ hơn lời Giang Khâm. Nó không bao giờ dám tin hai tai nó : Giang Khâm, tên sát nhân đó mà dám vu cho nó giết ông chủ nó yêu kính hay sao ? Đâu có thể có chuyện đó ? Nhưng rồi Sinh biết là tên bất lương dám làm mọi chuyện. Và như một phép lạ, Sinh nói được, nói ngay những lời quan trọng :

- Thưa Ngài, chủ tôi bị trọng thương, nếu không được cứu chữa gấp, ông sẽ chết.

Viên Xã trưởng gật đầu, giọng lạnh băng :

- Ta biết rồi, Giang Khâm đến đây trước mày, có nhờ ta báo cảnh sát vụ này...

- Thưa Ngài, Ngài nhận lời của tôi, đến săn sóc cho chủ tôi chớ ?

Sinh nóng nảy hỏi, hết nhìn viên Xã trưởng nghiêm khắc lại nhìn kẻ gian ác trước mặt mình. Giọng chậm rãi, ông Xã nói :

- Chúng ta đợi cảnh sát đến, trong khi đó, ta giam mi! Kẻ giết chủ phải bị trị tội xứng đáng.

Sinh tròn xoe mắt nhìn ông Xã, quá phẫn uất và tức giận, nó không còn kiêng nể ông ta, nó hét to :

- Nhưng chủ tôi cần cứu gấp. Tôi đã đi suốt hai ngày không nghỉ để đến đây xin tiếp cứu !

- Không ai ngu mà đi tiếp cứu một cái xác chết ! Cần gì vội vã ? Phải đợi cảnh binh tại đây, như thế họ sẽ biết rằng người làng này không dính dáng đến tội ác.

Giang Khâm nói với ông Xã trưởng, không đếm xỉa đến lời Sinh. Ông này gật đầu :

- Đúng như vậy ! Cảnh sát mà thấy ai ở nhà nấy, họ hiểu ngay chúng ta vô tội...

- Chủ tôi chưa chết ! (Sinh lại hét dựng lên). Giang Khâm đâm chủ tôi, tôi thấy rõ ràng. Tôi xin thề, tôi cũng xin thề là chủ tôi còn sống ! Và chủ tôi sẽ không chết nếu mọi người đến cứu kịp thời... Xin Ngài nghe tôi: nếu chủ tôi chết rồi, tôi còn nài nỉ với Ngài làm chi ? Sáng hôm qua, khi tôi sắp đi, ông còn sống. Thưa Ngài, cảnh sát sẽ nói sao, bác sĩ sẽ nghĩ sao khi họ đến đó và họ biết rõ rằng chủ tôi vừa tắt thở vì Ngài từ chối không mang đến thức ăn và nước uống cho chủ tôi ? Tôi lạy Ngài !

- Tôi đã cho ông hay rằng thằng mày ranh quái hơn chồn. Nó tưởng ông không biết gì nên mới dám đi ngang đây, bây giờ thấy chuyện đổ bể ra, nó tìm kế khác để thoát thân. Nếu ông nghe nó, khi đi vô rừng nó sẽ chuồn. Thưa ông Xã ! Ông nên nhốt nó lại, cho người canh chừng. Rồi cảnh sát tới, họ sẽ xét xử, không ai phiền trách gì ông cả. Bằng không...

Viên Xã trưởng già vuốt bộ râu màu xám, gật gù :

- Nếu ông Sơn còn sống, khi đó ông ta sẽ nói rõ ai là kẻ có tội. Trong khi chờ đợi, ta giữ thằng này. Ta không muốn làng ta bị nghi ngờ.

Sinh nén khóc mà hỏi, vì nó sợ khóc người ta sẽ hiểu lầm là nó có tội :

- Ngài đã cho tìm bác sĩ và cảnh sát chưa ?

- Chưa ! Nắng quá ! Mát trời một lúc sẽ hay. Cần gì phải đi liền giữa trưa ? Chủ mày chết rồi...

Sự tức giận làm Sinh liều lĩnh, nó gào lên :

- Chưa ! Chủ tôi chưa chết ! Nếu vậy, tôi sẽ chạy đi kêu bác sĩ, tôi không thể để chủ tôi chết... Ngài sẽ thấy, người ta sẽ nói sao về Ngài. Ngài có mắt mà như mù, có tai mà chỉ biết nghe lời man trá.

Nói xong nó lao mình xuống đường, nhưng chưa được năm mươi thước, nó bị bàn tay gân guốc của Giang Khâm giữ lại. Hắn bóp mạnh lên đôi vai gầy gò của Sinh, nghiến răng, khôi hài một cách độc ác vừa đủ Sinh nghe :

- Trời còn nắng quá ! Em ơi ! Em nên nghỉ mát cho khỏe trong tù ! Đừng lo cho ông chủ vô ích : ông không cần giúp đỡ nữa vì anh đã cho ba bạn anh trở lại hỏi thăm sức khỏe ông rất kỹ càng !

Sinh ù tai, hoa mắt vì những lời nói ác độc của Giang Khâm, nó vùng vẫy một cách tuyệt vọng trong đôi tay như hai gọng kìm bằng sắt. Rồi nó bị lôi xềnh xệch trước mắt dân làng, bị tống vô trong một ngôi nhà bỏ hoang, khóa cửa lại. Tuy vậy, ông Xã không tin hẳn rằng Sinh có tội, ông ra lệnh mang thực phẩm và nước cho Sinh. Tên tù trẻ tuổi đau xé lòng vì lo cho chủ nên không biết đói, nó chỉ uống nước thôi. Ý nghĩ của nó hướng về chủ trong rừng, nó khóc y như ngày cha mẹ nó bị ác thú giết vậy.

Một giờ sau khi Sinh vô tù, tiếng chó sủa inh ỏi phía bắc. Đó là tiếng của bầy chó trong làng, nhưng lạ thay : Sinh nhận ra một tiếng sủa khác, tiếng con Bốp, tiếng chó như một tia sáng xuyên qua đám sương mù vây quanh Sinh. Sinh nhón gót nhìn qua cửa nhà giam, ban đầu Sinh chẳng thấy gì, trừ một người đứng ở cửa nhìn về hướng ấy. Tiếng chó càng lúc càng dữ dội hơn và gần thêm. Tiếp đó, Sinh thấy một con chó vàng xấu xí vừa sủa vừa chạy đến bên một con chó mực, bộ lông dày bụi đến nỗi trở nên luông luốc. Sau hai con chó này là một lũ chó nữa, gầm gừ không ngớt. Đúng là Bốp ! Con chó khập khiễng tiến tới, vừa tiến vừa quay lại sủa chừng chừng để dọa lũ chó kia. Bầy chó này vừa nhe răng, nghểnh cổ về phía Bốp vừa sủa nhưng không dám lại gần. Chúng ưa tụ tập lại, bắt nạt những con chó lạ lạc đến làng, nếu thấy chó lạ kia không có bản lĩnh, chúng xông đến xé xác, chia nhau, nhưng gặp chó dữ thì chúng chỉ tìm cách chạy, chớ không chống cự bao giờ. Bốp tuy bị thương nhưng là con vật can đảm, nó ngang nhiên theo một hướng nhất định tìm chủ mình, vừa đi vừa đánh hơi. Hễ chó nào đến gần, nó há miệng nhe răng dọa liền.

Sinh kêu to "Bốp ! Bốp ! Đến đây" nhưng tiếng Sinh bị át đi vì sự ồn ào bên ngoài nhà tù. Một người đàn ông trờ tới, định nắm cổ Bốp nhưng thấy gã ta, tức thì Bốp gầm gừ như muốn tấn công làm gã rút lui ngay. Mọi người ùa ra, tò mò nối đuôi bầy chó, còn bầy chó thì nối đuôi Bốp như đám rước rất ngộ nghĩnh.

Sinh nhìn theo Bốp, yên tâm chờ đợi. Bốp lần đường đến nhà ông Xã trưởng, dừng lại sủa lên, ông Xã bước ra ngay, theo sau là Giang Khâm. Vừa chợt thấy hắn, lông trên mình Bốp dựng đứng lên, làm tên gian hoảng hốt tháo lui liền.

Bốp hít hít dưới đất, chỗ thềm nhà rồi chạy về hướng nam như thể muốn bỏ đi. Bốp không sủa nữa, nhưng chỉ một lát sau, con vật ngừng lại chỗ Sinh bị tên gian tóm chặt, xem xét một lúc, do dự khá lâu, rồi nó lại chạy đến nhà ông Xã nhưng không ngừng nữa, cứ vừa chạy vừa ngửi dưới đất đến gần nhà giam.

Lần thứ nhất từ khi Bốp đến làng, nó vẫy đuôi tỏ ra mừng rỡ, làm dân làng chú ý ngay đến phản ứng này. Sinh kiễng chân, kêu khan cả cổ :

- Bốp ! Bốp ! Sinh đây !

Con chó cũng nhảy cẫng lên, rồi nó ngồi bằng hai chân sau, hai chân trước giở lên cao y như lúc nhỏ ông Ngọc Sơn dạy nó chào người bạn quí nhất của ông.

Dân làng xôn xao, nhấp nhỏm như bầy ong vỡ tổ. Ông Xã cũng có mặt, ông điềm đạm hỏi trong lúc tay mở khóa nhà tù :

- Chó sủa mày phải không ? Ta thấy...

Nhưng ông ngưng lại vì con vật đã xô vào ông làm ông suýt ngã để lao vào vòng tay chủ nó đang giang ra đón đợi. Sinh nghẹn ngào không thốt ra được tiếng nào. Nó ôm Bốp vào lòng, trong khi Bốp liếm nước mắt chảy dài trên má nó, những giọt nước mắt sung sướng... Sau cùng, Sinh quẹt vội hai giòng nước mắt, không trả lời câu hỏi mà hỏi lại ông :

- Thưa ngài, nếu tôi giết chủ tôi, làm sao con Bốp nó mừng rỡ khi gặp lại tôi thế này ? Ngài tin tên Giang Khâm sát nhân hơn là con vật trung thành không biết nói dối hay sao ?

Ông Xã trưởng lặng lẽ vân vê bộ râu xám của ông, suy nghĩ. Ông không ưa mua việc: Không muốn dính dáng tới vụ sát nhân, không muốn có liên lạc với cảnh binh; nhưng lương tri ông cũng bảo ông rằng thằng bé này vô tội : nó có lý, chó không nói dối và không biết che đậy tình cảm của nó bao giờ. Ông do dự một chút rồi quả quyết ra lệnh cho dân làng :

- Hãy tìm ngay tên Giang Khâm, bảo hắn đến đây, ta có cách biết ai là người có tội.

Nói xong, ông cho phép Sinh ra ngoài. Ông tránh nhìn cái cảnh cảm động : con chó nằm gọn trong tay Sinh, trong lúc thằng bé nức lên khóc tức tưởi, không cần cầm giữ. Người làng xầm xì bàn tán về vết dao đâm bên hông con chó.

Những con chó khác bị người làng xua đuổi tránh xa ra, chúng lại kéo nhau tụ tập ở đầu làng, nô giỡn và... gãi rận !

Yên lặng trở lại.

Vài phút sau, bóng dáng Khâm xuất hiện. Dân làng nhường lối cho hắn đến gần chỗ ông Xã trưởng đang đứng với Sinh.

Giang Khâm nhíu mày, tia mắt như nẩy lửa khi nhìn thấy Bốp trong tay Sinh. Tuy vậy hắn vẫn làm bộ tỉnh :

- Thưa ngài, ngài cho gọi tôi đến làm chi ?

Con vật từ nãy đang liếm vết thương, chợt nhận ra giọng kẻ thù, quay phắt lại và định chồm lên nếu Sinh không giữ kịp, hằn học chiếu cái nhìn căm phẫn vào mặt tên Khâm. Ông Xã trưởng kinh ngạc chứng kiến cảnh ấy đến nỗi quên cả trả lời hắn. Trong lúc ấy dân làng vây quanh càng dày, bình phẩm lao xao, vẻ ác cảm với Khâm rõ rệt trên mặt họ. Ông Xã nghiêm giọng hỏi Khâm :

- Này Giang Khâm ! Anh kể cho tôi nghe một vụ ám sát và cho tôi biết kẻ có tội là thằng bé kia. Tôi, tôi biết hết : ông Ngọc Sơn, thằng bé và con chó mực, vì họ đã đến đây một lần. Tôi hơi ngạc nhiên : tại sao con vật không ghét kẻ giết chủ nó ? Mà lại ghét anh ? Tại sao kỳ vậy ?

- Ồ ! Đồ thứ chó ngu ! Nó không thấy gì hết, nó làm sao biết ? Tôi, tôi thấy...

- Khoan ! ông Xã ngăn lại còn câu nữa, tôi thấy như anh cũng sợ nó ? Tại sao ?

- Ông định vu oan tôi giết người Anh chắc ?

Vừa nói, Khâm vừa đứng thẳng lên và không suy nghĩ, hắn đưa tay sờ vào cán dao được găm nơi nịt. Ông Xã không bỏ sót cử chỉ nào của hắn, ông cười nhạt:

- Ta thấy anh rất ưa dùng dao trong mọi trường hợp. Thằng bé không dữ tợn như anh. Khi tôi định nhốt nó chờ cảnh sát, nó không có rút dao...

Giang Khâm vênh mặt lên, ngạo nghễ trả lời :

- Dân Bản Thượng là giống dân can trường, quả cảm; ông là thứ gì mà dám vu cáo tôi về tội sát nhân ?

Ông Xã trưởng không cao lớn, lực lưỡng bằng Khâm, ông chỉ là một ông già, song ông từng trải, can đảm và khôn ngoan. Vẫn bình tĩnh, ông vuốt râu, chậm rãi :

- Ta biết ! Ta biết ! Nhưng nên nhớ một con hổ dữ vẫn có thể bị xé xác do đàn chó tầm thường. Giang Khâm ! Hãy vứt dao đi !

Giang Khâm do dự, hắn toan nhận lời thách thức xong lại đủ kiên nhẫn để nhịn nhục cho qua. Đúng như lời ông Xã, dân làng ai cũng đứng ngang vai hắn, thân hình lại gầy ốm vì thiếu ăn. Nhưng họ đông lắm, Giang Khâm có thể giết chết vài người, rồi sau đó... hắn không muốn chết về tay họ, vì còn kho vàng chờ hắn trong rừng. Hắn vứt dao, nói cứng :

- Một người vô tội không sợ gì hết, ông giữ dao đi. Rồi đây, ông sẽ phải xin lỗi tôi cho coi !

Hắn ném một cái nhìn hằn học vào mặt Sinh và cười mỉa, tiếp :

- Tôi không ngờ ông già ngần ấy tuổi mà bị một thằng quỉ nhỏ lừa dối dễ dàng. Nó chính là kẻ sát nhân ! Ông Ngọc Sơn đã chết queo rồi...

- Câm đi ! Chủ tôi chưa chết, chính tôi biết rõ điều đó hơn anh, ông yếu chứ không hấp hối. Chính tôi đã rửa vết thương, băng bó, đã kiếm nước cho ông, đã nấu thịt báo cho ông ăn, đừng nói bậy ! Tôi dám cam đoan rằng khi ông Xã cho người đến ngay, sẽ gặp chủ tôi. Chừng đó, sẽ biết ai là kẻ sát nhân.

Giang Khâm lại cười lanh lảnh :

- Mày vừa gian lại vừa ngu, Sinh ơi ! Mày chưa thấy xác chết, tao, tao thấy nhiều lần rồi (quay sang ông xã, hắn nói tiếp) Thưa ông đừng nghe lời nó, vô rừng chi cho mệt. Ai lại đi cứu một cái xác bao giờ !

Ông Xã lắng tai nghe đôi bên lời qua tiếng lại. Ông cương quyết nói :

- Chỉ có một cách giải quyết vụ này : đến tận nơi xem cho tận tường. Trong khi ta đi, một người dân tại đây phải đến trạm điện thoại cấp báo cho cảnh sát hay và mời y sĩ.

- Ông khờ lắm ! Làm rộn một y sĩ, vời đến giữa rừng sâu để săn sóc cái xác ư ? Ông không nghĩ đến lúc nó thừa dịp vô rừng tẩu thoát ư ?

- Anh không được xấc xược với ta ! Ta có tuổi nhất tại làng này và chưa một kẻ nào dám gọi ta là tên khờ hết. Anh không cần lo thằng bé trốn. Nó đuối sức rồi, chính ta sẽ cho nó lên nằm trên võng mà khiêng đi cho chóng. Con chó cũng vậy.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG X
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>