Vùng
Ardennes trải qua nhiều thế kỷ từng chịu đựng không biết bao nhiêu là trận
giặc, giặc to, giặc vừa vừa, giặc nhỏ… Nếu các nhà viết sử quan tâm đúng mức
thì e rằng tốn không biết bao nhiêu trang giấy, bao nhiêu lọ mực chứ không phải
chuyện tầm thường! Vâng! Sự thực nó là như vậy, Ardennes là vùng bị vó ngựa
quân thù băng ngang nhiều nhất mỗi khi muốn chiếm lĩnh, xâm lấn nước Pháp, một
quốc gia mà chúng cho là giầu có, mầu mỡ nhất Âu Châu!
Vì
lẽ ấy, dân vùng này thường có một bề ngoài cục cằn, nghi kỵ, khô khan làm cho
người ta có thể nghĩ lầm rằng tình cảm họ cũng cạn khô như con suối mùa hè. Kỳ
thực không hẳn thế, họ vốn là những người rất mực tế nhị, hiền lành và tử tế…
Làm sao người ta có thể giữ được một bề ngoài vui vẻ, tin tưởng, tao nhã khi mà
trong đời người ta không biết bao nhiêu lần người ta phải rời bỏ nơi chôn nhau,
cắt rốn, chồng chất cả vợ con lẫn với gia súc lên một chiếc xe bò hay xe kéo
chạy trốn bọn giặc tham tàn, biết bao lần họ phải thu nhặt vội vàng quần áo,
cột sau xe đạp, cùng bao nhiêu bè bạn nếm cảnh màn trời chiếu đất… Nhà cửa,
ruộng nương, mùa màng đang tươi tốt đành bỏ lại sau lưng để rồi khi trở về thì
bất lực trước cảnh nhà cửa bị thiêu đốt, mùa màng bị tàn phá, của cải bị cướp
mất, chỉ còn biết lau nước mắt và kêu Trời, nhưng Trời quá xa, Ngài không thấu
rõ nỗi khổ tâm của những con người lương thiện.
Chao
ơi! Nỗi khổ của dân vùng Ardennes, nó mới dai dẳng làm sao chứ: Bao nhiêu thế
kỷ trôi qua, họ vẫn kiên tâm chịu đựng: giặc đến họ chạy đi, giặc đi họ trở về
cày bừa, xây dựng lại nhà cửa ruộng vườn, chăn nuôi gia súc cho béo bở, nhịn
ăn, nhịn mặc chờ cho giặc đến chúng cướp thêm lần nữa, còn họ thì… tay trắng ra
đi! Rõ là một cái vòng lẩn quẩn!
Trong
thời kỳ đánh nhau với quân Anh một thế kỷ tròn, vùng Ardennes lại càng mất an
ninh. Trộm cướp hoành hành dữ tợn, coi pháp luật không được nửa kí lô! Ngoài
nỗi khổ vì vó ngựa, ngọn giáo quân thù, dân chúng còn là nạn nhân của bọn bất
lương kia nữa! Chúng chặn đường, cướp của giữa ban ngày ban mặt, không kiêng nể
bất cứ một ai, kẻ bần dân cũng như hàng quí tộc, tai mắt của triều đình!
Các
nhà quí tộc, để bảo toàn sinh mệnh và của cải, họ phải rời bỏ đất đai để đi
giúp vua dẹp giặc, vì họ biết đó là giải pháp hay nhất để tự cứu mình!
Trước
khi xông pha vào chốn lằn tên, mũi đạn, họ phải mất nhiều thì giờ chôn giấu bạc
vàng châu báu, vì họ biết nếu cứ để nguyên trong lâu đài thì khác nào mỡ béo
dâng tận miệng mèo hoang, hòng gì khi trở về các báu vật này còn nguyên vẹn?
Nhưng
đi đánh giặc! Ôi chao! Lại là một chuyện thập tử nhất sinh, đâu phải như đi du
lịch? Cho nên một số đông các hàng quí tộc không có dịp trở về như lòng ao ước
buổi đầu.
Vì
lẽ đó, bao nhiêu của quí trong một sớm, một chiều bỗng trở thành vô chủ, nằm
yên trong lòng đất, không ai chiếu cố!
Rồi
một ngày đẹp trời nào đó, một bác nông dân may mắn tình cờ đào được kho tàng.
Cho đến ngày nay, đôi khi ta cũng còn tìm được những túi da đầy nhóc đồng vàng
mang niên hiệu vua Charles VII hay vua Louis XI, dấu vết của một thời tao loạn
nhất, dù thời ấy đã trôi qua…
Thường
thường, không xảy ra một tranh chấp đáng tiếc nào khi kho tàng có người khám
phá: của cải được chia cho chủ đất và kẻ may mắn đào lên. Nhưng ngày xưa thì
không thế, khiến cho việc được vàng phát sinh nhiều chuyện buồn cười. Và đây là
một trong trăm nghìn chuyện vẫn được người ta nhắc nhở sau bữa cơm tối trong
gia đình, một chuyện tiêu biểu nhất về tấm lòng trung hậu, lương thiện của một
nông dân vùng Ardennes thân mến!
Thời
đó, vào khoảng giữa thế kỷ 17, một tiều phu nghèo, nghèo nhất trong số những
tiều phu nghèo khổ trong miền Ardennes: bác ta vô cùng vất vả vì phải nuôi một lũ
con đông đảo. Có phải chăng Tạo Hóa theo đúng luật bù trừ, nên Ngài không cho
bác nhiều của cải thì lại được nhiều con? Khác một điều, bác không giống như
các tiều phu nghèo khổ khác lúc nào cũng tỏ ra phiền khổ vì đàn con, lại càng
khác xa cha của Thằng Bé Tí Hon (kiếm cách xua đuổi các con ra khỏi nhà cho nhẹ
gánh, khỏe thân), bác rất mực yêu quí các con và chưa một lần nào cái ý tưởng
tàn nhẫn là mang con vứt trong khu rừng rậm của miền Ardennes lởn vởn trong đầu
óc bác!
Bởi
thế, dù khổ nhọc, quần quật từ sáng tinh sương đến tối mịt để kiếm đủ cho các
con được ăn no, mặc ấm, chưa bao giờ bác hé răng mở miệng phàn nàn. Tưởng cũng
nên kể rõ ra điều này: vốn là một người không mấy lanh lợi cho nên bác luôn
luôn bị bắt chẹt, bị lừa bởi những tên lái buôn gỗ láu cá và bọn sản xuất guốc
lưu manh. Người ta ngỡ rằng bác khổ sở lắm, buồn rầu lắm, xấu hổ lắm. Nhưng
không, bác luôn luôn tự nhủ: “Bị ăn chặn, bị bắt chẹt thì có gì là xấu hổ?
Chính bọn ăn chặn, bắt chẹt mình mới đáng xấu hổ chứ? Trời đã quá thương, quá
rộng lượng với ta, ban cho ta một đàn con kháu khỉnh và mụ vợ hiền lành, há
chưa đủ hay sao? Ta mạnh khỏe, sức vóc, thế không quá hạnh phúc rồi ư? Có gì
đáng cho ta buồn khổ đâu?” Và bác tiếp tục lao tác nuôi con, tiếp tục để cho
bọn lưu manh ăn chặn, bắt chẹt một cách tự nhiên, tự nhiên như chuyện bác hít
thở khí trời vậy!
Thế
rồi, bác tiều phu hiền lành đáng yêu của chúng ta bỗng gặp may. Của báu bất ngờ
đến… vào một buổi sáng đẹp trời kia. Vâng! Một buổi sáng đẹp trời kia, bác tiều
phu cắm cúi đẵn một cây sồi già mọc gần ngã tư La Marfée, khi lưỡi rìu chưa qua
một phần ba thân cây thì, ngạc nhiên làm sao: lưỡi rìu nhẹ tênh tênh, như qua
không khí.
-
Ha! Cây sồi này rỗng ruột!
Bác
kêu lên, tuy nhiên không ngừng tay. Một chốc sau, không nén được tò mò, bác
trèo lên ngọn cây quan sát thử xem sao – trước nay, bác chưa từng gặp một cây
sồi rỗng ruột bao giờ – bác cúi xuống nhìn vào, quả thật, ruột cây trống hốc
như một cái lòng cống lớn. Không chậm trễ một giây nào, tức thì bác tuột xuống
trong ruột cây và… Chúa ơi! Bác khám phá ra một chiếc xách tay được bọc kín và
nặng chĩu nằm chễm chệ dưới gốc!
Bác
lôi tuột chiếc xách ra khỏi đó một cách không mấy khó khăn. Việc đầu tiên là
bác mở xách ra. Chao ơi! Chiếc xách đựng đầy nhóc những đồng tiền vàng thật đẹp
và thật nặng: những đồng vàng xưa cách đây những hai thế kỷ rồi! Nếu không nhờ
những tia nắng xuyên qua kẽ lá, cành cây chiếu sáng rực trên những đồng vàng
lấp lánh ấy bác tiều phu của chúng ta ngỡ mình chiêm bao, chứ không tin là sự
thật! Bác lặng người vì kinh ngạc. Trong đời bác chưa bao giờ bác được thấy tận
mắt một đống vàng như thế. Bác chưa từng được trả công lấy một đồng, hay sờ tận
tay một đồng… chứ đừng kể chi đến ngần ấy đồng vàng.
Bác
xúc động mãnh liệt. Ai? Ai đã để số vàng vào ruột cây sồi? Của một nhà quí tộc
nào? Của Đức Vua hay của một ông Hoàng nào nhỉ? Ai được quyền làm chủ số vàng
ấy? Mình có thể tìm ra chủ nhân giao trả và chỉ xin lại vài đồng không? Không!
Chỉ xin lại một đồng thôi. Được không? Mình có quyền giữ một đồng chứ? Chính
mình đã tìm ra, lẽ nào chủ nhân kho báu lại hẹp lượng đến mức tiếc một đồng
vàng với kẻ lương thiện như mình?
Bác
tiều phu cảm thấy lao đao như sắp ngất đi. Thì đã bảo bác không mấy lanh lợi!
Đã không lanh lợi mà còn lương thiện, rất mực lương thiện. Bác không dám quyết
định một mình. Bác tự nhủ:
-
Không nên tối mắt vì của báu bất ngờ, mình không phải là chủ chính thức. Phải
hỏi ý kiến một bậc đáng tin cậy. Chúa ơi! Xin Chúa giúp con đủ bình tĩnh và sáng
suốt tìm bậc cố vấn đáng tin cậy. Con xin tuân theo lệnh người ấy. Con không
muốn trở thành kẻ tham lam, đánh mất linh hồn. Lạy Chúa.
Bác
cúi đầu suy nghĩ, moi móc cố tìm ra một bậc khả kính, đáng tin… Thình lình bác
chợt nhớ ra bậc quí nhân ấy: đó là
một vị ẩn tu thuộc giòng Đa Minh ở một căn lều nhỏ trong khu rừng cách đấy cỡ
nửa dặm đường. Đúng là đang buồn ngủ mà vớ được chiếu manh: tức tốc, bác ba
chân bốn cẳng đến ngay chỗ ở của các vị này xin giúp ý kiến cho. Bác không quên
cột kỹ miệng xách vàng vào chỗ cũ trước khi đi.
Trời
cho bác đôi chân khá khỏe, khá dẻo dai nên bác chỉ mất một khoảng thời giờ cỡ
hạ được hai cây sồi hạng trung thì đã thấy căn lều của Đức Cha thấp thoáng đằng
trước mặt.
Chắc
chắn vị tu sĩ này là bậc thông thái, quán triệt mọi điều nên hư, tốt xấu, theo
ý bác tiều phu của chúng ta. Bác không bao giờ tìm hiểu vì lý do nào khiến Ngài phải ở một vùng vắng vẻ, hẻo lánh đến như vậy,
vì lý do nào mà dân trong vùng không thiện cảm và tin cậy bậc tu hành?
Bác
đến nơi đúng vào lúc cha Đa Minh đang chăm sóc bầy ong mật của Ngài.
-
Chào anh bạn! Anh muốn gặp cha có việc gì đây?
Bậc
tu hành xúc động rõ rệt, xúc động không kém chi bác tiều phu ban nãy. Ngài hỏi
vội bằng giọng run run:
-
Anh nói, anh khám phá được một bao vàng đầy nhóc? Thật không?
Nhưng
không đợi bác tiều có thời giờ trả lời, Ngài hỏi tiếp, tới tấp:
-
Chắc không? Anh không nói điêu chứ? Anh thấy rõ ràng chứ? Không lầm chứ?
Giọng
điềm đạm và chắc nịch, tự tin, bác tiều đáp:
-
Thưa cha! Quả con thấy rõ ràng như con trông thấy cha vậy. Con không dám nói
điêu. Con không bao giờ nói điêu cả, thưa cha.
-
Cỡ bao nhiêu đồng vàng bên trong xách: anh có đếm không?
Bác
tiều ngẩn mặt ra, thật thà:
-
Thưa đếm ư? Ồ! Không! Con không đếm, nhưng chắc chắn là nhiều lắm, rất nhiều…
dù có đếm e đếm không xuể đâu, thưa cha!
Giả
vờ trầm ngâm một chút – chút xíu thôi – nhà tu nói:
-
Này con! Chúng ta phải đến tận nơi cái đã rồi cha sẽ giúp con ý kiến sau.
-
Vâng, thế thì tốt quá, con xin dẫn đường cho cha. Phải! Cha cần thấy tận mắt
mới dễ dàng quyết định.
Thế
là bác tiều phăng phăng đi trước dẫn đường, nhà tu hành te tái theo sau bén
gót, họ trực chỉ ngã tư La Marfée.
Đến
nơi, bác tiều lôi cái xách ra tháo dây trước mặt nhà tu. Vị ẩn tu trố mắt kinh
ngạc trước của báu. Một lần nữa, xuyên qua kẽ lá, ánh sáng mặt trời lại lấp
lánh trên những đồng vàng xưa, làm lóa mắt nhà tu.
-
Chuyện này quan trọng lắm đây! Đúng là một kho tàng đã được chôn giấu tại đây.
Giọng
trang nghiêm, nhà tu nói ngần ấy lời rồi như quên phắt sự có mặt của bác tiều,
cắm cúi đếm những đồng vàng – những đồng vàng thì va nhau xủng xoẻng gây một âm
điệu vô cùng hấp dẫn – làm y như của riêng mình! Trong khi đó, bằng dáng điệu
lễ phép, kính cẩn, bác tiều kiên nhẫn khoanh tay đứng đợi lời truyền phán của
bậc tu hành. Nhưng đợi mãi không thấy nhà tu lên tiếng, bác sốt ruột, rụt rè
thưa:
-
Kính thưa cha, theo ý cha, con phải làm sao? Mang trả cho chủ nó ở đâu? Và con
có thể (bác dừng lại, mặt đỏ bừng, lúng túng) xin lại… xin lại một vài đồng…
hay không ạ? Chắc là…
Vị
ẩn tu bật lên như cái lò xo, dẫy lên như dẫm nhằm tổ kiến:
-
Cái gì xin lại vài đồng? Anh điên chắc? Thôi! Đừng nghĩ đến điều xằng bậy ấy
con ơi! Hãy trọng linh hồn chon! Hãy nghe cha! Cha đã truy nguyên ra nguồn gốc
của chiếc xách vàng này.
Mắt
mở to, miệng há tròn như chữ o, bác nhà quê “à” lên một tiếng rồi chậm rãi hỏi:
-
Thưa cha, cha biết rõ nguồn gốc nó? Thế thì tốt quá! Con không dám làm gì xằng
bậy đâu, con chỉ…
-
Hãy nghe ta! Thuở trước, từ khi anh chưa ra đời kia, có một tu viện tại khu
rừng này… nhưng rồi bọn giặc cướp tràn tới… anh biết bọn giặc cướp là gì chứ? Chúng
tàn ác lắm, chúng không biết kiêng nể nhà Chúa, đất Chúa bao giờ. Anh hiểu điều
đó không?
Bác
tiều không thấy câu chuyện giặc cướp tới nhà Chúa, đất Chúa ăn nhập gì đến
chuyện túi vàng nặng chĩu mà bác tìm ra, song cũng lặng im nghe một cách kính
cẩn. Thình lình nhà tu như phật ý, như nổi giận bất ngờ, gặng hỏi:
-
Anh kia! Anh có nghe ta hỏi gì không? Sao không chịu trả lời? Hở?
Bác
tiều vội đáp:
-
Thưa cha có ạ! Cha hỏi con có hiểu điều đó không…
-
Nhưng điều đó là điều gì mới được chứ?
-
Thưa điều đó là… là bọn cướp không kiêng nể nhà Chúa, đất Chúa phải không ạ?
-
Phải! Thế sao anh không thèm trả lời?
-
Thưa cha, cha bận nói, con đâu dám chen vào? Con hiểu là lời cha nói đúng, đúng
lắm.
Vị
ẩn tu dịu giọng:
-
Thế thì tốt. Ờ, mà ta kể đến đâu rồi nhỉ? Anh làm ta quên khuấy đi mất…
Bác
tiều bạo dạn nhắc:
-
Thưa cha đến đoạn chúng không nể nhà Chúa…
Vị
ẩn tu chộp lấy:
-
Phải, bọn cướp không kiêng nể bất cứ một ai! Tu viện trưởng khả kính tại nơi ấy
không xa, đã mang tất cả của cải của tu viện giấu vào thân cây trước khi dắt
các tu sĩ lẩn tránh vó ngựa hung tàn, tham lam của chúng…
Bác
tiều phu vô cùng khâm phục sự hiểu biết sâu rộng của nhà tu, chăm chú lắng tai.
Bác tưởng tượng đến nỗi khổ sở vất vả của các nhà tu mà bồi hồi, xa xót.
Nhà
tu chợt ngừng lại, làm dấu thánh giá rồi rầu giọng tiếp:
-
Than ơi! Ngài và đoàn tùy tùng không bao giờ trở lại tu viện nữa. Tu viện thì
bị tàn phá thành đất bằng, cây cối tuần tự mọc lên, xóa tan dấu vết… Lạy Chúa,
xin Chúa cứu rỗi linh hồn các ngài! Bây giờ, chỉ còn lại kho tàng mà anh được
ơn Chúa soi sáng mới tìm ra…
Bác
tiều hí hửng:
-
Thưa cha, vậy nó trở thành vô chủ? Không còn…
-
Sao lại không? (nhà tu trừng mắt) Anh nghĩ sao mà dám có ý nghĩ phạm thượng như thế? Sở hữu chủ bây giờ
là Đức Chúa Trời, kho tàng ấy thuộc về Chúa. Không ai được quyền sờ đến, cả
anh, cả ta và tất cả mọi người. Hãy mang lại chỗ cũ để nguyên như hồi trước,
đừng làm sai lệch một ly con. Để rồi có dịp ta sẽ trình lên cho hàng giáo phẩm
hay, chỉ có các Ngài toàn quyền định đoạt.
Bác
tiều gãi tai, gãi đầu, thưa:
-
Thế nghĩa là… con không được một đồng nào hết? Không phải là con có công trong
việc khám phá ra kho tàng này ư? Xin cha nghĩ lại…
Lạy
Chúa! Cha thay mặt Chúa, cha cho phép con được xin vài đồng, hay chỉ một đồng
cũng quí lắm rồi… Bề gì, cũng chính tay con…
-
Vài đồng hay chỉ một đồng? (giọng nhà tu trở thành giận dữ thật sự) Đó là một
sự gian dối đáng ghê tởm. Anh sẽ sa địa ngục đời đời! Anh muốn thế không? Hả?
Anh muốn…
Lần
này, chính bác nhà quê chất phác dẫy lên như đỉa phải vôi:
-
Không! Thưa cha, không bao giờ! Con không muốn vào hỏa ngục đâu! Con xin nghe
cha…
-
Thế là tốt, là biết điều lắm, con ạ! Thôi! Con hãy dẹp cái tư tưởng hắc ám đen
tối ấy lại, nghe chưa?
-
Thưa, con xin dẹp, con đã dẹp rồi đấy ạ!
-
Bây giờ ( nhà tu dặng hắng một cái) con hãy cột kỹ miệng bao đem cất vào chỗ cũ
nghe không? Nhớ đừng tiết lộ cho ai hay và cố gắng đừng nghĩ bậy về số vàng của
Chúa mà phải tội. Con phải xử sự đúng như người lương thiện, nghe không?
Bác
tiều không dám mở miệng kêu nài thêm một tiếng nhỏ nào, lo phụ với bậc tu hành
xếp những đồng vàng cho vào bao, cột miệng bao thật chắc rồi thả tọt vào chỗ
cũ. Bác thở dài tiếc rẻ một cách lén lút, âm thầm, chỉ những sợ người thay mặt Chúa hay thì bị quở.
-
Tốt lắm rồi, thôi ta chia tay. Ta về nơi ta ở ẩn, còn anh, anh quay lại nhà cho
kịp bữa cơm.
-
Anh làm mất nhiều thì giờ của ta lắm đó, song ta không tiếc, vì để cứu rỗi một
linh hồn, ta không có quyền từ chối dù khó nhọc đến mức nào. Cầu Chúa giữ cho
linh hồn anh thanh sạch. Cần nhất là đừng bao giờ quay lại và không hở môi cho
bất cứ một ai. Nhớ kỹ, nghe chưa?
Bác
tiều lại một lần nữa, cúi đầu tuân lệnh. Đôi bên chia tay nhau. Không ai nói
với ai lời nào. Bác tiều lầm lũi trở về căn nhà tồi tàn của bác, chán nản, buồn
rầu tràn ngập trong lòng, song bác lẩm bẩm:
-
Lạy Chúa, xin Chúa gìn giữ linh hồn con thanh sạch. Con không muốn, con không
dám coi rẻ linh hồn, con không muốn để quỉ dữ lôi cuốn con vào tội lỗi.
Còn
nhà tu? Chỉ có Chúa cao cả mới biết những ý nghĩ của Ngài thôi. Chúng ta làm
sao biết nổi?
*
Khi
bác tiều phu thật thà về đến nhà thì bữa ăn chiều đã dọn sẵn trên bàn.
Lũ
trẻ háu ăn bu quanh mẹ chúng mè nheo không ngớt, song mẹ chúng nghiêm giọng mà
rằng:
-
Phải đợi cha về, ông vất vả trong rừng, ban trưa chỉ ăn có khúc bánh mì nguội,
mẹ con ta phải đợi cha về rồi mới ngồi vào bàn … đừng có láu ăn quá thế, các
con ạ!
Vốn
là những trẻ ngoan, cho nên tuy đói meo, chúng không dám trái lời mẹ, chúng cố
nán đợi cha.
-
Mình không nên nghiêm khắc quá như thế! Trẻ đói thì cứ cho chúng ăn ngay. Đợi
tôi làm gì…
Lũ
trẻ reo lên tán thưởng lời cha trước khi thấy mặt. Người mẹ gắt yêu:
-
Ông chỉ tập hư cho chúng, nuông chìu mãi thôi…
“Nuông
chìu”! Bác tiều lầu bầu trong miệng hai tiếng ấy. Ừ! Thì ta nuông chìu con ta
thế đấy, rồi có làm sao không? Thứ đàn bà lắm điều, nhiều chuyện. Có chút tình
thương mà cũng bủn xỉn với con… làm như của
báu không bằng… Thốt nhiên, bác thấy nghẹn cứng cổ, xót xa trong lòng khi
vô tình nhắc đến hai tiếng của báu, hai tiếng bác muốn chôn giấu tận đáy lòng,
bác muốn quên… Thì ra bác không quên. Bác thở dài đánh sượt một cái, buông rơi
đĩa thức ăn xuống bàn sau khi nhai qua loa một cách thờ ơ chiếu lệ. Dáng bộ uể
oải khác thường của chồng không lọt qua khỏi đôi mắt tinh anh của người đàn bà.
Thoạt đầu bác gái hơi phật ý: à, hóa ra công mình là công cốc, mình đã cố làm
món xúp cho ngon – hàng tháng mới có một lần – mà ông ta không thèm thưởng thức…
làm y như đã đánh chén ở đâu rồi ấy. Bác gặng hỏi:
-
Xúp dở lắm, không vừa miệng mình chăng? Nếu mình không thích thì bận sau tôi
không nấu nữa…
-
Chớ! (người chồng vội kêu lên) Mình hãy cứ nấu cho con và mình ăn nữa chứ, hôm
nay tại tôi mệt…
Bác
sợ vợ hờn bác thì khổ các con, vội gạt đi. Người đàn bà lại hỏi:
-
Mình mệt? Tôi chưa từng thấy mình mệt khi về đến nhà vào buổi chiều bao giờ…
Nhưng
bỗng người đàn bà nhận thấy vẻ buồn rũ thẫn thờ khác lạ in trên mặt chồng, bác
đâm thương xót, dịu giọng:
-
Hay là mình ốm? Nếu thế mình nên nghỉ vài hôm, để tôi làm thay… rõ khổ, mình
vất vả quá mà gì… Nhất định ngày mai mình phải nghỉ ngơi.
-
Không! Không đau ốm gì cả, đừng vẽ sự. Tôi vẫn như thường, có điều… tôi hơi
buồn ngủ, thế thôi.
Bán
tín bán nghi, người vợ vẫn không hết thắc mắc, tuy nhiên, không gạn hỏi nữa,
bác cặm cụi thu dọn chén bát và lo trải giường cho chồng đi nghỉ sớm.
Trong
bóng tối êm dịu bao quanh, bác tiều phu thao láo đôi mắt, sự bí mật đè nặng
chĩu trong lòng bác. Quả tình là bác đã cố hết sức mà tâm trí vẫn vương vấn câu
chuyện lúc ban ngày không tài nào chợp mắt.
Bên
cạnh bác, người đàn bà cũng băn khoăn không kém, thỉnh thoảng mụ nghe chồng thở
dài não nuột. Không dừng được, người vợ lựa lời:
-
Này mình, có điều gì lo nghĩ, mình hãy nói thật cho tôi biết, hai người cùng lo
thì nhẹ hơn là một người…
Chồng
chối biến:
-
Mình chỉ ngờ nhảm. Làm gì có chuyện gì?
-
Mình không tin tôi phỏng? Trông mình lo lắng không vui, tôi biết. Tôi chỉ muốn
chia xẻ với mình thôi… chúng ta làm bạn với nhau gần hai chục năm trời nay,
không ngờ mình còn ngờ tôi không thật bụng… Đáng buồn cho tôi quá! Tủi thân cho
tôi biết ngần nào!
Và
mụ nằm bên chồng ti tỉ khóc, khóc dai dẳng không thôi. Mụ kể lể nào khi đau khi
ốm, nào khi đói khi no, nào khi vui khi buồn, nào khi…
Bác
tiều nhà ta vô cùng bối rối, khổ sở. Niềm kia nỗi nọ ray rứt trong lòng. Sau
cùng không thể nào chịu được, bác kể phăng đầu đuôi câu chuyện không sót một
chi tiết nhỏ. Mụ vợ lẳng lặng nghe. Chờ khi chồng kể dứt, mụ gầm lên, giận dữ:
-
Thôi rồi! Ông ngần ấy tuổi trời mà khờ khạo như con nít, để cho hắn lừa…
Bác
quay bịt miệng vợ liền:
-
Chớ, chớ nói càn mà sa địa ngục, tôi cấm mình động đến vị ẩn tu.
-
Tôi cứ nói! Tôi cứ nói! Tôi sẽ mở mắt cho mình…
Người
vợ gỡ tay chồng, gằn giọng tiếp:
-
Nhà tu giả của ông mới là kẻ sa địa
ngục đó, ông ơi! Kho tàng gì của Đức Chúa Trời? Chúa cao cả, thiêng liêng, Chúa
cần sá gì đến của cải thế gian? Kho tàng thuộc về kẻ nào tìm ra nó, ông đã hiểu
chưa? Tôi cam đoan với ông rằng nhà tu giả chỉ đợi ông đi khuất là trở lại khuân
bao vàng, tếch thẳng rồi ông ơi! Chao ơi! Chồng tôi ngây thơ quá đỗi…
-
Không! Ông ấy không làm thế đâu, hạng phàm nhân như mình còn sợ mất linh hồn
thay, huống là một vị chân tu. Mình chớ đa nghi phải tội.
-
Không phải cãi cọ lôi thôi, nếu ông không tin tôi thì chúng ta thử đến tận nơi
xem. Chỉ có cách đó mới… sáng mắt mình ra, mình ạ! Phải, chỉ có cách đó mình
mới cho là tôi nói đúng. Nhưng tôi e rằng khi chúng ta đến nơi thì túi vàng đã mọc cánh mất rồi!
-
Hừ! (đến lượt ông chồng cáu giận) Mình không đứng lên đi ngay với tôi còn chần
chờ nỗi gì? Dễ chừng mình muốn cho ông ta khuân đi mất hay sao?
Hai
vợ chồng tung chăn ngồi dậy, khoác thêm áo ấm, trùm khăn, đội mũ lên đầu, rồi
vợ đánh thức đứa con gái lớn nhất dậy trông nhà ; đoạn cả hai băng mình trong
đêm tối để tìm sự thật.
Đến
nơi, mặc vợ đứng co ro vì lạnh và hào hển thở vì mệt, bác tiều lại một lần nữa,
chui tọt vào ruột cây sồi, bác mò mẫm hồi lâu… song vô ích: sự thật đúng y như
lời tiên đoán của vợ bác, ruột cây sồi trống rỗng!
Bác
tiều gầm lên:
-
Tên khốn, quả nó lừa tôi! Mình ơi! Mình nói đúng: tôi chỉ là tên ngốc!
Hắn
đã trở lại đây khi tôi đi khuất, ăn cắp bao vàng tếch mất rồi. Bây giờ chúng ta
làm sao đây? Mất tiêu rồi, thật không ai ngu xuẩn như tôi, của báu vào tay mà
để trôi tuột như vốc nước…
-
Không mất đâu, ông đừng vội thất vọng. Hắn không mang đi xa được đâu, vì vàng
nặng lắm. Chúng ta có thể dọ hỏi. Thấ nào chúng ta cũng tìm ra dấu vết hắn.
Chồng
đề nghị:
-
Mình thử tìm đến lều hắn ở xem?
-
Vô ích! Hắn không trở lại đó, đừng mất thì giờ.
Quả
đúng như lời người đàn bà khôn ngoan, chỉ một chốc sau là vợ chồng họ hỏi thăm
được hướng đi của tu sĩ. Không chậm trễ giây nào, họ hối hả đuổi theo.
Đến
một quán trọ đầu làng, hai người vào hỏi thăm cho chắc ý. Vì là một vùng hẻo
lánh, một làng nhỏ, nên chỉ có một quán trọ đêm cho khách lỡ độ đường. Quán
vắng vẻ, chắc khách trọ đã yên giấc trong chăn ấm. Lão chủ quán vừa tính sổ vừa
ngủ gật, cố nán chờ người khách cuối cùng. Nghe tiếng chó sủa ran, lão ta mở
bừng mắt, hỏi vọng ra bóng tối:
-
Ai đó? Khuya quá rồi, có muốn thuê phòng thì vào ngay, không có tôi đóng cửa
bây giờ đó…
-
Chúng tôi…
-
Chúng tôi là ai mới được chứ? Có thuê phòng không?
-
Thưa chúng tôi không muốn thuê phòng, nhưng muốn hỏi thăm một vị tu sĩ, Ngài
hẹn với chúng tôi tại quán này, chúng tôi có họ với Ngài…
-
À! Thế thì có. Có một nhà tu trọ đêm tại đây. Nhưng Ngài dùng cơm xong là đi
ngủ liền. Ngài bảo mệt, không muốn bị phá rầy nên đã đi nghỉ sớm.
-
Chúng tôi muốn gặp cha ngay.
Cả
hai reo lên, giọng mừng rỡ. Chủ quán cau mặt hỏi:
-
Chi vậy? Để muốn xưng tội hở? Giờ này mà định phá rầy nhà tu thì quả hai người
không phải là người biết chuyện chút nào. Hãy đợi đến mai.
-
Không! Chúng tôi cần xưng tội gấp. Lương tâm hành hạ, dằn vặt quá, không thể
đợi đến mai. Ông cứ cho chúng tôi lên phòng gặp cha, chúng tôi lại là chỗ họ hàng
Ngài không quở đâu mà ngại. Van ông, xin giúp chúng tôi!
-
Được rồi! Cứ việc lên đi. Ngài ở tầng trên đó, cửa thứ hai phía tay trái.
Hai
vợ chồng bác tiều mừng rơn, nhảy ba bước một lên lầu, quên cả nói cảm ơn. Chủ
quán gọi giật lại:
-
Này, hai người kia gõ cửa nhè nhẹ, nghe không? Mà nếu Ngài đã ngủ thì thôi đấy
nhá? Đừng làm cho tôi bị rầy oan, nghe không? Xem chừng Ngài mệt lắm đấy, đừng
phá giấc ngủ của Ngài đấy! Đèn đây, bưng lấy mà soi đường kẻo ngã.
-
Vâng! Ông yên tâm, chúng tôi gõ cửa rất sẽ.
Nói
xong, họ đón lấy đèn trên tay chủ quán và tiếp tục lên thang lầu. Họ không gõ
cửa gì cả, họ áp tai sát cửa lắng nghe động tĩnh bên trong. Chồng thì thào bên
tai vợ:
-
Hắn ngủ như chết, mình nghe không? Hắn ngáy ghê chưa?
Vợ
lo lắng:
-
Ừ, thì hắn ngủ say như chết, nhưng ta vào cách nào đây? Cửa khóa kỹ chả lẽ cạy
cửa à? Làm vậy không khéo họ bắt tội chúng ta là kẻ trộm cho coi, bắt trộm đâu
không thấy…
-
Xuỵt! Đàn bà không biết gì cả. Cứ đứng yên, mặc tôi lo.
Bác
tắt phụt ngọn đèn. May quá, phòng bên cạnh trống, bác xô nhẹ một cái là cánh
cửa bật ra, bác lẻn vào. Phòng này và phòng nhà tu chỉ được ngăn bằng một bức
tường thấp, bác tiều nhẹ nhàng bắc một cái bàn lại sát chân tường, trèo lên
bàn, chỉ hơi nhón chân lên là trông thấy ngay nhà tu giả nằm lù lù trên giường,
bên cái cửa sổ đóng kín.
Nhờ
ánh trăng xuyên qua hành lang, bác thấy rõ tất cả đồ đạc trong phòng. May mắn
làm sao: phòng bên ấy cũng có một cái bàn kê sát tường, cách chỗ bác kê bàn bên
này có một thước tây. Bác chỉ việc tuột xuống, dịch bàn tới một chút…
Tuy
khá vất vả, nhất là phải hết sức ý tứ mới không gây nên tiếng động, cỡ nửa giờ
sau, bác đã lọt vào phòng. Tên trộm mang áo nhà tu vẫn ngáy như lệnh vỡ, đầu
không kê lên gối mà kê trên túi vàng.
Bác
tiều không hành động vội vàng. Bác tiến về phía cửa, mở khóa rồi đút chìa khóa
vào túi đàng hoàng, đoạn mới se sẽ, se sẽ hơn bao giờ hết nhấc đầu kẻ gian lên,
thay gối vào chỗ túi vàng. Kẻ gian vẫn không hay biết. Sau rốt bác ôm túi vàng,
rút lui khỏi phòng, khóa cửa lại không gây một tiếng động từ đầu đến cuối!
Vợ
bác đã đứng sẵn bên cánh cửa, đỡ lấy túi vàng trên tay chồng. Cả hai không thốt
một lời nào, thoăn thoắt xuống thang lầu, chạy biến vào bóng tối. Nàng Trăng
như cũng thương tình, ẩn mặt để họ dễ dàng hành động!
Hai
người chạy được một khúc khá xa, bỗng nghe tiếng kêu giật sau lưng:
-
Quân ăn cắp! Thưa cha! Vậy mà chúng bảo là tìm cha xưng tội đó! Gớm thực!
Cùng
với giọng nói đó, tiếng chân huỳnh huỵch đuổi theo hai người. Giọng giận dữ của
nhà tu giả lại vang đến tai hai người:
-
Quân gian giỏi thực, nhưng chúng không thoát khỏi ta đâu, ta sẽ róc xương chúng
ra mới hả!
Tiếng người đuổi theo trong chốc lát xa dần. Có phải ông chủ quán bị mất cắp đâu mà ông chịu lạnh, chạy bộ hoài, kia chứ? Còn nhà tu? Chắc quá mệt từ chặp tối nên đuối sức chăng? Vả lại, sự việc xảy ra ngoài sự tiên liệu của hắn nên hắn không kịp ứng phó cũng nên? Chủ quán đề nghị:
-
Cha đừng gấp, chúng ta nên quay lại, tìm thêm người rồi thuê ngựa đuổi theo.
Quân gian chạy đâu cho thoát?
“Quân
gian”! Hai tiếng đó làm kẻ mặc áo nhà tu choáng váng, nghĩ đến khi sự thật được
phanh phui mà… hãi. Bằng giọng đạo đức, gã bảo chủ quán:
-
Thôi con ạ! Con hãy quay về, biết chừng đâu (thấy chủ quán do dự, gã gằn giọng)
biết chừng đâu trong lúc con giúp ta đuổi theo bọn này thì tại nhà con có đứa
thừa cơ đang làm thêm vố nữa. Hãy quay về giữ nhà đi. Để mình ta, ta có cách…
Chủ
quán kinh hồn, tán đởm khi nghe lời khuyên chí lý của nhà tu. Tức thì, ông ta
quay lại ngay, không đợi nhà tu nói thêm một lời nào.
Cuộc
rượt đuổi tiếp tục. Khoảng cách đôi bên như ngắn lại, vì cũng là lúc đôi vợ
chồng bác tiều thấm mệt, và nàng Trăng như không thể nén tò mò, chường mặt xem
thử cuộc đuổi bắt ra sao.
Hai
người bỏ đường lớn, băng ngã tắt, ngang qua một nhà thờ, định bụng ghé vào song
lại ngại ngùng, không dám. Sau cùng, họ theo một con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn
đến bờ sông. Nhìn dòng nước chảy xiết, hai người đâm cuống. Phía sau, tiếng
chân đuổi đã gần kề. Bác gái phàn nàn:
-
Chỉ tại mình vô ý: đã khóa cửa rồi mà còn để chìa khóa lại cửa không chịu đem
theo…
-
Thôi! Im! Đàn bà chỉ giỏi phá bĩnh. Người ta rối cả ruột đây mà còn… Nào! Xem!
Cái gì như là…
-
Như cái gì? Tôi chả thấy gì sốt, ông trăng quái quỉ, đúng lúc mình cần ánh sáng
lại nấp trong mây…
-
Xuỵt, im! Tôi đã bảo mình ngậm miệng cho tôi nhờ!
“Rõ
nhà ông này mất trí, làm như vì mình mà ông Trăng, ông ấy nấp không bằng” vợ
định cự lại nhưng không dám, chỉ nghĩ thầm trong bụng mà thôi.
Đúng
lúc đó, ánh trăng lồ lộ soi rõ cả một khúc sông, trên mặt nước loang loáng, quả
thật cái vật mà bác tiều ngờ ngợ hiện ra trước mắt: một chiếc xuồng! Chiếc
xuồng nép trong đám lau sậy um tùm, sát bờ sông, cách hai người đâu cỡ mười sải
tay. Hai người thoăn thoắt đâm bổ xuống, nhảy phóc lên, nhổ sào, dông thẳng, bỏ
mặc người khoác áo nhà tu đứng trên bờ giận dữ, gầm gừ.
-
Vĩnh biệt cha! Cha nên trở về gốc sồi nhặt lấy linh hồn, chắc nó còn loanh
quanh gần đó, chưa đi đâu xa, cha ạ!
Cùng
lúc ấy, vó ngựa cũng đến bờ sông, chủ quán thở hào hển:
-
Chả ai chịu lùng bắt kẻ gian với con, gớm! Con chạy bở hơi tai mới tìm được con
ngựa này đây…
-
Lũ chó má, chúng đã ra giữa sông rồi…
-
Thì ta tìm thuyền chứ, cha định bỏ cuộc sao? Phải trị quân gian…
Từ
dưới sông, giọng chế giễu của bác tiều vọng lên mồn một:
-
Vĩnh biệt nhà tu! Hãy gấp tìm lại linh hồn… ở gốc sồi!
-
Ủa, chúng nói gì lạ vậy, thưa cha?
Chủ
quán kinh ngạc hỏi. Nhà tu buồn rầu nặng nề cất giọng:
-
Thôi, mặc chúng, rồi ta sẽ tìm chúng, rồi ta sẽ tìm chúng sau. Đừng vội! Ta mệt
quá, trở về thôi!
Và
ông lẩm bẩm một mình:
-
Lưới trời khó thoát!
Như
tự nói với mình, làm chủ quán càng khó hiểu, nhưng kính trọng nhà tu, ông ta
không gạn hỏi lôi thôi, chờ nhà tu lên ngựa, cùng về.
-
Phải! Cứ ngủ một giấc, ngày mai sẽ tính sau. Cha nói đúng, đêm tối nguy hiểm
lắm.
Chủ
quán tán đồng.
*
Đôi
vợ chồng rẽ lối khác về nhà sau khi thoát được. Con thuyền được cột kỹ ở ven bờ
bên kia sông. Ngày mai chắc chủ nhân sẽ mất công tìm kiếm khá lâu, chửi rủa vài
câu rồi… thôi. Không thiệt hại gì. Họ rất yên tâm.
Của
báu thế là về tay họ nguyên vẹn, không mất mát một đồng. Nhưng họ không vội
tính đến việc tiêu pha. Ông chồng tuy nóng được may sắm cho các con, nóng được
sửa sang nhà cửa, tậu đất, tậu bò, nhưng bị mụ vợ khôn ngoan ngăn lại:
-
Đây là của cải do tay ông tìm ra, của trời cho, đành vậy, nhưng ta nên dè dặt,
phải tránh con mắt tò mò, ganh tị của hạng ngồi rồi, xấu mồm!
-
Ối chào! Tôi chỉ muốn cho con cái chúng ta được sang lành và… chia cho cả mọi
người cùng hưởng nữa kia, mình ạ!
-
Ai cấm ông đâu? Nhưng hãy thong thả, tôi chưa bao giờ nói bậy câu nào, có phải
không?
-
Đã hẳn! Mình chưa từng nói sai, bậy câu nào. Nhờ mình nên…
Chồng
trả lời, ra tuồng thán phục. Giọng hãnh diện, vợ nói thêm:
-
Bây giờ, mình cứ nghe tôi: sáng sáng vác rìu ra rừng như cũ…
Nghĩa
là… không có gì đổi khác trong nếp sống của gia đình này? Nếu thế thì của báu
để làm quái gì? Biết thế tôi chẳng nhọc công…
-
Đừng nóng, bạn ơi! Đi đâu mà vội? Không khác nhưng mà có khác đấy!!!
-
Nghĩa là?...
-
Nghĩa là mình sẽ không phải nhai bánh mì khô sầy da cổ nữa đâu!
Đúng
như lời vợ nói, ngày ngày, trong khẩu phần bác mang theo đều có kèm thêm thịt,
cá, đôi khi có cả nho, lê. Buổi tối gia đình bác quây quần bên bàn ăn, món xúp
không còn luễnh loãng như dạo trước. Bơ nhiều hơn, thịt muối nhiều hơn. Tụi trẻ
con tha hồ no đủ, áo quần lành lặn hơn trước. Song bác gái và chồng vẫn dè dặt,
không sắm sửa chi cho mình. Vả, họ thì chả cần chi sắm, nhìn lũ con no lành, họ
sung sướng chán ra rồi. Vợ chồng chỉ làm việc cầm chừng để che mắt mọi người,
làm cho có lệ ấy mà. Ngày tháng trôi qua. Sự thay đổi – tuy chậm chạp – của gia
đình bác cũng đủ gây sự chú ý giữa mọi người trong làng. Vốn được quí mến nên
ai cũng đồn rằng lúc này bác bán gỗ được giá chứ không ai thắc mắc chi nhiều.
Chỉ
riêng có một bà chị họ lắm điều vẫn theo dõi sự sung túc của gia đình em, mụ ta
lấy làm khó chịu, muốn truy rõ nguyên do những thay đổi đó. Khi bà ta hỏi em
thì bác chỉ đáp một cách lửng lơ con cá
vàng như sau:
-
Nào chúng em có phất chi đâu? Vẫn ăn
buổi mai, lo buổi tối đấy chứ, chị lầm rồi, chị ạ!
“Hừ,
ta mà lầm à? Ta có con mắt thánh đây, đừng hòng che mắt ta, rồi ta sẽ khám phá
ra, lũ khốn” Bà chị họ nguyện thầm trong bụng.
*
Một
hôm, trong mâm cơm, bác tiều bảo vợ, giọng băn khoăn:
-
Này mình ạ, tôi chịu không nổi nữa…
-
Lại muốn chuốc khổ vào mình chăng? Ông há không thấy đôi mắt cú vọ (ý bác gái
muốn ám chỉ bà chị họ quá quắt) đang chõ vào nhà mình rình động tĩnh đó ư? Cái
gì làm mình chịu không nổi? Ăn no quá bội thực chăng?
Vợ
gắt bằng giọng khó chịu. Chồng vẫn đấu dịu:
-
Không! Tôi đâu có đòi sắm sửa chi đâu. Nhưng tôi bực vì nỗi: làm chủ cả kho
vàng mà không biết rõ nó là bao nhiêu cân lượng, tức lắm!
-
Vậy mình muốn gì đây? Muốn mang ra hiệu kim hoàn cân chắc?
Vợ
dấm dẳng hỏi. Chồng trầm ngâm một lát rồi thấp giọng:
-
Việc gì phải thế, mình chỉ cần đong…
-
Dễ nghe nhỉ? Mình lấy gì đong?
-
Dễ quá, sai thằng An chạy qua nhà chị Nam mượn cái đấu nhỏ…
Vợ
ngắt lời:
-
Ái chà chà! Đúng là lạy ông tôi ở bụi này,
bà ta sẽ rêu rao cho cả xóm cùng biết cho mà xem!
-
Làm sao bà ta biết mình đong gì? Lâu lâu mình vẫn mượn đấu của bà đong lúa mì
đó thôi, làm gì biết nổi? Mình cứ đợi lúc xâm xẩm tối hẳn mượn, giờ đó bà bận
cho lũ con ăn, không thể tò mò chạy qua xem đâu mà lo.
Vợ
nghe chồng bàn tính bùi tai quá thuận ngay. Vả lại, chồng bác nói cũng giống ý
bác: cái gì mà cứ ôm giữ, không biết rõ nó là bao nhiêu, bực cả mình.
Nhưng
bà chị họ là một tay ma mãnh, bà ta muốn biết em đong gì. Trong lúc thằng cháu
bé đứng đợi, bà ta lấy nhựa thông bôi một lượt vào đáy đấu. Thế là vợ chồng bác
tiều mắc mớp: không dám đốt đèn to, họ mang đấu và vàng vào phòng tối đong
lường. Một đấu, hai đấu, ba đấu. Đấu thứ ba hơi lưng một tị.
Thế
là rất an tâm. Vội vàng xách đấu không ra, sai mang trả tức thì.
Chao
ơi! Lớp nhựa thông đã giữ khán lại đấu những hai đồng vàng, vàng chóe… mà nào
bác có hay biết chi đâu? Thì bác đã chẳng cẩn thận lật úp đáy đấu đó ư? Ai mà
ngờ được mưu sâu của bà chị họ tai quái cơ chứ?
Việc
gì đến đã đến: nhận ra hai đồng vàng, bà chị họ suýt ngất đi, mụ lầu bầu:
-
Chúa ơi! Tiền vàng! Vàng xưa? Quân gian dối, thế mà kín tiếng, im hơi! Chúng
làm gì có nổi vàng xưa? Thế nào cũng phải đem vụ mờ ám này ra ánh sáng. Người
lương thiện không chịu được sự mờ ám thế này!
Rồi
thì, a lê hấp! Chỉ trong vòng nửa ngày hôm sau, đầu trên xóm dưới đều hay tin
nhà tiều phu có trữ nhiều vàng! Họ đong những hàng đấu! Không phải chỉ những mụ
đàn bà rỗi miệng hay biết tin này mà Hội Đồng Xã và cả Cha Sở đều cũng được
thông báo rõ.
Cuộc
điều tra được tiến hành. Người vợ sợ hãi, ngồi đứng không yên, trong lúc bác
tiều bình chân như vại. Giọng tự tin, bác bảo:
-
Việc gì mà sợ? Mình có làm gì phi pháp đâu nào?
Thế
là, bác ung dung kể rõ ngọn ngành trước mặt nhà chức trách và cha sở.
Bác
dắt mọi người đến tận cây sồi chỉ cho họ thấy . Bác còn đưa họ đến gặp vị ẩn tu,
song vừa thấy bóng đoàn người lại gần mình, nhà ẩn tu tức thì trốn chạy.
Điều
đó chứng tỏ lời bác không ngoa. Vị Cha Sở biết rõ tông tích nhà ẩn tu, nhưng
Ngài không muốn tiết lộ trước mọi người, Ngài chỉ tuyên bố:
-
Cha biết cả đôi bên như biết bàn tay cha có mấy ngón. Lời nhà tiều phu đúng với
sự thật, cha bảo đảm.
Bác
tiều rất đỗi hân hoan. Bí mật không còn nữa. Hội Đồng xã bàn tính kỹ càng, sau
cùng cho bác trọn quyền sử dụng số vàng. Vì đất chỗ cây sồi là đất hoang, vô
chủ. Và kể từ đó, luật lệ được đặt ra: hễ đất có chủ thì kẻ đào và người chủ
đất được chia đôi của báu. Bằng như đất vô chủ thì kẻ khám phá của báu được
trọn quyền sử dụng, khỏi phải khai báo lôi thôi. Trừ khi có người khiếu nại.
Bác
tiều là người tốt bụng. Bác không muốn hưởng trọn của báu một mình. Tất cả
những người nghèo trong làng đều được bác biếu cho một số tiền đáng kể. Bác còn
bỏ tiền ra sửa sang lại nhà thờ, cất một trường học và một bệnh viện cho dân
chúng.
Nhà
cửa khang trang, vườn đầy quả ngọt, gia súc đầy chuồng, bác có thể ngồi thu hoa
lợi song bác không muốn thế: lâu lâu bác lại vác rìu đẵn gỗ… kẻo buồn tay và
ngồi không sinh bệnh. Vả lại bác rất ít khi muốn ngồi không, vì bác thường bảo:
-
Nhàn cư vi bất thiện!
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số
137, ra ngày 15-9-1970)