Các
cuộc nổi dậy của con cháu nhà Trần: Giản Định Đế, Trùng Quang Đế đều bị dẹp
tan. Đến giữa năm 1414, quân Minh coi như bình định xong các phong trào kháng
chiến. Ách đô hộ được củng cố.
Năm
1416, Trương Phụ cho tuyển binh sĩ để chiến đấu dưới cờ quân Minh, dùng người
Việt để cai trị, đàn áp người Việt. Nhưng người dân Việt vẫn không bỏ rơi công
cuộc tranh đấu. Ngày mồng 2, tháng Giêng năm Mậu Tuất tức ngày 7 tháng Hai năm
1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn.
Lê
Lợi lớn lên trong tình trạng nhiễu nhương lại gặp lúc quân Minh xâm chiếm đất
đai, đặt nền đô hộ, vơ vét của cải, hà hiếp dân đen. Nhìn thấy cảnh quốc phá
gia vong Lê Lợi càng nuôi chí quật cường. Ông là người hào trưởng giàu có dùng
tiền bạc mua chuộc quan lại nhà Minh để chúng đừng chú ý vì lúc bấy giờ Trương
Phụ đang lùng tìm những nhân tài ẩn dật mua chuộc, ép bức ra cộng tác và nếu
mua chuộc, dọa dẫm không được thì trừ khử đi để khỏi lo về sau. Lê Lợi đọc kinh
sách, binh thư rất rộng, bỏ gia sản ra để thu phục nhân tâm, kết nạp bằng hữu
nên nổi tiếng là Mạnh Thường Quân.
Đối
với những lời dụ dỗ, bả công danh, sự đe dọa của quân Minh, Lê Lợi thường tâm
sự cùng bạn bè thân thuộc: “Làm trai ở đời nên giúp nạn lớn, lập công to lưu
tiếng lại nghìn năm chớ sao chịu cam tâm làm tôi tớ cho người”.
Quanh
ông có nhiều người cùng chí hướng như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Lê Thuận, Trịnh
Khả, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Sĩ, Lê sát, Trịnh Lỗi, Lê Ngân, Lý Triện, Đinh Lễ.
Họ cùng họp mưu với Lê Lợi, bàn việc lớn. Chọn được ngày lành tháng tốt, Lê Lợi
cho dựng cờ ở núi Lam, truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân tham gia công
cuộc kháng chiến. Khởi đầu, lực lượng của Lê Lợi chỉ gồm có 200 quân Thiết kỵ,
200 nghĩa sĩ, 200 dũng sĩ, 35 võ quan, và 14 thớt voi. Phục vụ cho lực lượng
chiến đấu đó có có một số văn quan và những người lo việc vận lương được tất cả
là 2000 người. Tính ra, lực lượng chiến đấu chỉ có 635 người với 14 thớt voi.
Trong
khi đó, quân Minh cộng với quân số do chúng tuyển dụng ở nước ta có ít nhất
cũng hai mươi vạn. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có ghi về việc tuyển
mộ binh lính của quân Minh như sau: “các họ ở dân gian cứ 3 người thì lấy một,
mỗi hộ tính theo tiêu chuẩn là ba xuất đinh, duy từ Thanh Hóa trở vào, dân số
ít ỏi, nên mỗi hộ tính theo tiêu chuẩn hai xuất. Số lình này đem chia ra cho
phụ thuộc vào các vệ, sở. Chỗ nào dù không phải là vệ, sở nhưng là chỗ xung yếu
cũng thành lập đồn lũy, lấy lính ở dân cho xung vào việc canh giữ”.
Lê
Lợi xưng là Bình Định Vương, cầm đầu một đạo quân ít ỏi để chống nhau với một
lực lượng đông hơn gấp trăm lần. Mười năm gian lao kháng chiến của Lê Lợi đã
tạo nên những trang sử huy hoàng cho dân tộc, biểu lộ được tinh thần quật
cường, bất khuất của giống nòi. Bình Định Vương lê Lợi đã đi vào lịch sử một
cách vẻ vang như bao nhiêu minh quân, lương tướng ngày trước. Sự nghiệp hiển
hách đó chứng tỏ khả năng vượt bực của dân tộc Việt, một dân tộc ít oi sống
trên một giải đất nhỏ cạnh một đế quốc vĩ đại không ngừng nuôi mộng xâm lăng.
Giúp
Bình Định vương trong lúc long đong vất vả lo tổ chức công cuộc kháng chiến
chống quân Minh có biết bao bậc võ tướng, văn thần, mà trong số đó nổi bật
nhất, là Nguyễn Trãi. Tất cả tài thao lược, tất cả cơ mưu sáng suốt của Nguyễn
Trãi phải có một nhân vật mang chí lớn, thừa tài cao là Lê Lợi để thực hiện. Cơ
nghiệp của Lê Lợi phải có bộ óc siêu việt của Nguyễn Trãi giúp vào. Nguyễn Trãi
và Lê Lợi phải ở vào cái thế nương tựa nhau mới dựng được huân nghiệp để đời,
mới tạo nên chiến công rực rỡ đánh gục kẻ xâm lăng, giải thoát cho dân tộc khỏi
kiếp sống nô lệ lầm than. Thiếu Lê Lợi, Nguyễn Trãi không thể tạo được môi
trường thuận tiện để thi thố tài năng. Thiếu Nguyễn Trãi, Lê Lợi không có bộ óc
tham mưu sang suốt. Tài thao lược của Nguyễn Trãi đã giúp Bình Định Vương Lê
Lợi chuẩn bị được thời cơ, nắm được sự hậu thuẫn vĩ đại của toàn dân, hoạch
định đường lối tất thắng.
Lịch
sử Việt Nam viết về giai đoạn này, nhắc đến Lê Lợi không bao giờ thiếu Nguyễn
Trãi đi kèm một bên. Thực đúng như lời viết trên lá của Nguyễn Trãi: “Lê Lợi vi
quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Lê Lợi đáng bậc làm vua, đáng là nhà lãnh tụ.
Nguyễn Trãi xứng là bậc công thần có một không hai. Cái thế của Lê Lợi lên cao
khi gặp được Nguyễn Trãi, cái tài của Nguyễn Trãi bộc lộ trọn vẹn khi phò giúp
Bình Định Vương Lê Lợi. Cái thế và cái tài đó được đem ra sử dụng để “giúp nạn
lớn, lập công to” (1), để đánh đuổi được “quân cường Minh đã thừa cơ từ ngược,
bọn gian tà còn bán nước cầu vinh” (2) đã “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” (2).
Nguyễn
Trãi đã cùng dự với Lê Lợi trong sự nghiệp vẻ vang nhất là đánh đuổi quân xâm lược,
cởi bỏ xích xiềng nô lệ cho dân tộc, trung thành với truyền thống anh hùng của
giòng giống lạc hồng.
___________
(1)
Lời của Lê Lợi.
(2)
Trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)