Thiên
hạ thường chỉ chịu đi hớt tóc các ngày chủ nhật, lỡ chủ nhật này thì họ chờ đến
chủ nhật sau, tóc không dài bao nhiêu mà sợ. Cửa tiệm của tôi mới mở còn nghèo
nàn, nên tôi không dám thuê người phụ.
Từ
lúc nhỏ còn cầm cái hộp gỗ đi lang thang trong các ngõ hẻm để tìm những cái đầu
con nít bù xù cho đến lúc có cửa tiệm đàng hoàng, tôi đã tiến khá nhanh.
Hồi
đó chỉ có bọn con nít là tin tưởng ở tôi, một vài ông già cũng không chê công
việc tôi làm ; đó là những người không thích mất mười tì mỗi tháng để làm công
việc có vẻ vô ích, họ lăm le muốn trở lại thời đại “búi tó củ hành” và theo
quan niệm của họ, ra đường với cái đầu uốn quăn thật chiến hay với cái đầu trọc
lóc bình vôi thì không có gì là khác nhau cả! Bây giờ thì tất cả mọi người đều
tin tưởng ở cửa hiệu của tôi.
Nếu
chỉ phải cạo liên tiếp chín mười cái đầu thì tôi chẳng đến nỗi cảm thấy mệt. Nhưng…
có lần, một ông khách đã làm cho thần kinh tôi căng thẳng, tôi hoảng sợ đến mờ
mắt và mấy lần suýt cắt phải tai ông ta!
Ông
ta to béo, dữ tướng, lông mày rậm, ngồi chật ních một cái ghế. Tôi vừa mời ông
ngồi xuống là ông ta vớ lấy một tờ báo, cắm cúi đọc và nói:
-
Đừng hớt cao nghe bồ!
Ông
ta nói nhỏ quá, tai tôi không đến nỗi nghễnh ngãng, nhưng trong lúc vội vàng
cáo lỗi với mấy người khách vừa đến, tôi không nghe rõ hết lời của ông ta. Và,
vô phúc tôi lại bỏ mất tiếng “Đừng”.
Thế là tôi đưa liền mấy đường
tông-đơ lên gần cái khoáy đỉnh đầu của ông ta. Trông tướng mạo ông ta thế, hớt
kiểu “tiền văn minh, hậu trọc lóc” là hợp lý lắm. Tôi cặm cụi làm, ông ta cắm
cúi đọc báo… Thình lình, có lẽ vì cảm thấy tự nhiên đầu mình mát rượi, nhẹ
bổng, ông ta ngước mắt nhìn vào gương! Ông ta ngẩn mặt rồi hét lên:
- Thôi bỏ bố tôi rồi…!
Tôi vội ngừng tay. Ông khách
xoa gáy gầm gừ:
- Tôi đã bảo đừng hớt cao…
(ông ta ngắm nghía trong gương). Tôi thì cạo trọc mẹ nó cái đầu của anh bây
giờ, anh trông xem, bây giờ trông tôi khác gì một thằng du kích!
Tôi hoảng hồn, vội giấu cái
tông-đơ ra sau lưng sợ ông ta nổi nóng túm lấy tôi mà cạo trọc thì bỏ xừ. Tôi
vội nói:
- Ấy, ông lầm rồi. Trông ông
oai vệ, hớt cao mới hợp.
Ông ta liền tươi tỉnh ngắm
nghía lại trong gương, nhưng rồi ông lại xịu mặt:
- Mẹ kiếp! Đừng tán phét! Ba
bốn cái sẹo to tổ bố phơi ra thế kia thì hợp với lại oai cái gì! Anh bảo tôi
giống đồ ăn cướp thì đúng hơn!
Ấy
thế rồi ông ấy nằng nặc bắt đền. Một vài người khách sợ quá bỏ về. Tôi vừa giấu
dao, kéo đi vừa năn nỉ. Cuối cùng ông ta hét:
-
Thôi, đã thế này thì anh cạo trọc luôn cho tôi đi.
Tôi
vừa sung sướng vừa làm phận sự… (không lẽ ông ấy bắt tôi cắm trả mớ tóc đã chót
cắt rồi?). Khi cái đầu ông ta đã nhẵn thín, bóng loáng, lóng lánh phản chiếu
ánh mặt trời, tôi mới suýt soa:
-
Chao ôi! Coi ông còn hách hơn tài tử Yul Bruner nhiều! Ông mà đi cạnh tài tử ấy
thì ai cũng tưởng hai người là anh em ruột.
Tôi
không dám đả động gì đến bốn cái sẹo to phát khiếp ở trên đầu ông ta, càng ngắm
cái tác phẩm dữ dằn của tôi, tôi càng run. Sau cùng tôi điều đình sẽ không lấy
tiền hớt tóc và tặng ông ta một lọ bi-ăng-tin ba số 0, một cái lược sừng mới
toanh, ông ta mới hậm hực ra về. Bước ra khỏi cửa tiệm ông còn nói với lại:
-
Này! Hình như anh chơi xỏ tôi! Đầu trọc thì lấy lược với bi-ăng-tin làm mốc gì!
Nhưng tôi cứ giữ làm kỷ niệm.
Cuộc
lộn xộn ấy làm tôi mệt phờ. Và đêm ấy tôi mộng thấy những giấc mơ hãi hùng,
rụng rốn…
VŨ KÝ