Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

CHƯƠNG VI_NGỤC THẤT GIỮA RỪNG GIÀ


CHƯƠNG VI


Bốp ngoạm chiếc dép của kẻ thù bỏ lại chạy vòng tròn biểu lộ sự vui mừng. Ông Ngọc Sơn cũng bật cười theo, nhưng ông ra lệnh :

- Bốp ! Yên nào !

Con vật ngơ ngác dừng lại đến ngồi cạnh chủ. Sinh lò dò bước tới, súng vác trên vai. Cậu bé ưỡn ngực, vẻ đắc thắng làm khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. Sinh liến thoắng:

- Ông chủ thấy không.? Con lấy được súng, và con bắn nó, suýt nữa thì trúng rồi...

Ông Ngọc Sơn mỉm cười, ngả lưng xuống băng ca. Suốt tấn kịch nhanh chóng vừa xảy ra, thần kinh căng thẳng giúp ông gượng ngồi được nhưng giờ thì ông mệt nhoài.

Sinh đưa khẩu súng kèm theo hộp đạn cho chủ và kể chuyện. Rồi nó đi lấy nước mang đến, ông Ngọc Sơn uống thật chậm, phần còn lại ông cho con Bốp.

- Thưa ông chủ, để con đi lấy thêm nước và nấu nước rửa vết thương cho ông.

Xách cái xô lủng lẳng một tay, Sinh trèo lên dây lần nữa, ra khỏi lâu đài. Chỉ một khắc sau, nước sôi. Đối với người bị thương, mười phút tiếp theo đó là một cực hình: những miếng băng hôm qua dính chặt vào vết thương, muốn rửa ráy sạch vết thương, Sinh phải gỡ ra mà thằng bé không phải một y tá rành nghề. Nó lúng túng, khó nhọc loay hoay với những y cụ sạch sẽ, sáng chói bằng kim khí. Người bị thương muốn ngất vì đau đớn nhưng vẫn mím môi chịu đựng làm Sinh đôi lúc run rẩy, muốn ngưng lại nếu không có đôi mắt trầm tĩnh của người chủ mà nó thật lòng kính mến nhất nhìn nó bằng cái nhìn khuyến khích.

Sau cùng vết thương được rửa sạch, Sinh lấy thuốc sát trùng bôi lên.

- Sinh ơi !Thật y như con đổ át xít lên thịt ta vậy đó, con ạ ! Nhưng phải làm thế, vì nếu một vết thương không được rửa sạch có thể làm độc và làm chết người, chớ không phải chuyện thường.

Hai thầy trò cùng lấm tấm mồ hôi trán, riêng Sinh dọc sống lưng cũng nhớm nhớp mồ hôi. Nó thở phào nhẹ nhõm. Thật y như có sức mạnh tinh thần kỳ diệu điều khiển bàn tay nó. Nó đã lần lượt làm theo lời chỉ dẫn của chủ, từ từ, cẩn thận. Dán xong miếng băng keo cho chắc sau khi đắp ga sạch lên vết thương rồi, Sinh hài lòng, tin là vết thương của chủ sắp lành đến nơi, ông Ngọc Sơn thì thào : "Cám ơn con ! rồi nhắm nghiền mắt. Nửa giờ tiếp theo, hình như ông thiếp đi, sự đau nhức dịu dần.

Sinh bị mối lo âu mới : mặt trời sắp tắt ! Lại một ngày tàn ! Đêm sắp sửa bao trùm khắp rừng già, sự đe dọa sắp đến : nào là Giang Khâm, nào là thú dữ, nào... v.v… Lấy hết can đảm, thằng bé cắt đứt sự lặng lẽ ghê rợn :

- Thưa ông, mặt trời gần tắt rồi, mình phải rời khỏi nơi này ngay !

Ông Ngọc Sơn he hé mắt nhìn và thở dài. Tại sao lại phải suy nghĩ và hoạt động khi mà ông rất sung sướng được nghỉ ngơi sau những giây phút thử thách dồn dập như vừa rồi kìa ? Không có thằng bé, có lẽ ông đã ngủ... và ngủ luôn một giấc ngàn thu, không bao giờ trở dậy vì những âm mưu tàn ác của Giang Khâm. Cố gượng cười ngồi lên một cách khó khăn, ông hỏi :

- Làm sao có thể đi khỏi đây ?

- Thưa ông chủ, dùng dây leo.

- Nhưng ta đã cố sức rồi, không được...

- Xin ông cố gắng một lần nữa vì thế nào tên khốn cũng trở lại. Nó độc ác lắm...

- Đã hẳn, ta biết hắn có nhiều thủ đoạn... Xem nào !

Ông Ngọc Sơn nhìn lần lượt quanh phòng : bức tường, sợi dây, con Bốp và Sinh, nhất định tìm cách cho kỳ được. Và ông nảy ra ý kiến, ông bảo Sinh thực hành ý kiến ấy. Sinh tức thì vâng lời chủ, leo ra ngoài tìm thật nhiều dây rất chắc. Sinh dùng dây ấy làm thành những vòng tròn đường kính khoảng bốn mươi phân. Rồi nó trở vào, cột những vòng tròn ấy vào sợi dây chính, tạo ra một cái thang dây. Sinh lại tìm một sợi dây khác thật to, thật dài cột một đầu vào cành cây, đầu kia thả tòn teng cạnh cái thang dây. Sinh hài lòng đứng nhìn công trình hoàn tất trong khi màn đêm buông dần xuống, da trời từ màu xanh trở thành tím và những vì sao đầu tiên bắt đầu lấp lánh trong khi bóng tối tăng dần.

Sinh làm thêm một vòng dây, cột ngang thân Bốp, cột dây dính liền vào sợi dây dài kia rồi leo lên cành trước, kẻo chó lên theo, thả xuống bên ngoài. Đoạn nhảy phóc xuống tháo dây cho Bốp và dặn :

- Đứng yên đó, đừng chạy bậy nghe không ? Tao vô giúp ông chủ !

Đoạn leo lên trở vào, dìu ông Ngọc Sơn đến bên chân thang, móc sợi dây rời vào nách ông. Phần nó, ngồi trên cành, hai chân dạng hai bên như cỡi ngựa và từ từ kéo chủ lên. Ông Ngọc Sơn móc chân vào cái thang từng nấc một, trèo dần. Thật lâu lắc, khó nhọc, Ông phải ngừng từng đoạn để thở. Tuy vậy hai thầy trò đã chứng tỏ được điều này : với sự bền chí và cương quyết, người ta có thể vượt qua trở ngại đến đích, nếu không quá viển vông.

Một giờ sau khi mặt trời lặn, ông Ngọc Sơn đã nằm ngoài vườn, tha hồ thở và lấy lại sức. Khi hơi khỏe rồi, ông vịn vào Sinh đến nấp dưới một tàng cây um tùm, cách đó cỡ năm chục thước, cành lá phủ tận đất, rất kín đáo.

- Thưa ông chủ, con đói quá đi !

- Ta cũng vậy, con ạ, nhưng làm sao đây ? Con không nên mạo hiểm trở về trại một lần nữa. Chúng hẳn canh chừng cẩn thận hơn. Hừng đông hắn sẽ trở lại đây và thế nào cũng tìm ra dấu vết thầy trò ta...

- Dầu sao Sinh nói mình cũng phải ăn. Ông cho con mượn cây súng, con đi tìm thịt...

- Con ? Đi tìm thịt với khẩu súng to gần bằng con ngay trong đêm như thế này ư ? Bóng tối dầy đặc như thế này... Tội thân con ! ! Đừng ! nguy hiểm quá ! Nếu con có một ngọn đèn và con dao, con sẽ tìm được một con khỉ bị cọp vồ bỏ sót lại chút ít thịt. Ngoài ra, ta không muốn…

- Ông yên bụng mà. Còn tìm được thịt cho coi. Con đói lắm, con mới nghĩ ra một kế…

Xoa xoa tay nơi bụng, Sinh tiếp :

- Bụng con lép kẹp thế này…

- Khi no, bụng con cũng lép như thường !

Ông Ngọc Sơn khôi hài gượng. Sinh hăng hái :

- Nhưng con nhớ ông vẫn thường nói "những cái bụng đầy không suy tính được gì". Bụng con lép, vậy con suy nghĩ được …

Giá lúc khác, hoàn toàn tỉnh táo, ông Ngọc Sơn không bao giờ bằng lòng đề nghị táo bạo của Sinh, song ông mệt mỏi quá, yếu đuối quá, ông xiêu lòng trước sự mè nheo của thằng bé. Ông căn dặn lần cuối :

- Phải cẩn thận, nghe không ? Ta chỉ trông cậy ở con, gắng giữ mình !

- Xin ông yên bụng ! Con cố trở về mau mau. Thưa, con đem con Bốp theo được không !

- Được lắm, nó sẽ giúp con. Nhưng nhớ về sớm và đem nước cho ta nhé !

- Vâng, con về ngay !

Sinh lấy súng, nhón theo một nắm đạn, lấy theo quẹt máy, tay xách cái xô và huýt sáo gọi Bốp theo mình.

Bốp do dự một giây, hình như bỏ chủ một mình nó buồn, nhưng khi ông Ngọc Sơn bảo :

- Ngoan, đi giúp anh mày ! Bốp !

Thì nó rên lên khe khẽ và cúi đầu tuân lệnh.

Đi một đoạn đường, Sinh dừng lại quan sát xung quanh. Không khí nóng bức và nặng nề vì đã vào hè, sắp đến mùa gặt.

Dù vậy, Sinh vẫn thấy lạnh giá hai tay. Con vật cũng như khó thở, mũi nó hếch lên, nó đánh hơi và như đoán có thú dữ gần đây.

Cả hai lặng lẽ đi, quãng ba trăm thước nữa, Sinh dừng lại một cụm rừng thưa cạnh đám cây gai. Sinh bắt chó canh chừng cẩn thận, còn mình thì đi nhặt một mớ cành tre khô, nhóm lửa. Chỉ một chốc, ngọn lửa làm tan bóng tối vây quanh chúng, làm chúng vững lòng.

Tre chứa một chất nhựa dễ bắt lửa, khi cháy nó gây ra tiếng nổ bong bóc khá vui tai và tàn lửa bay tán loạn, bắn xa hơn cả thước. Bốp ngồi bên ngọn lửa, yên tâm nhìn ngầm ngọn lửa nhảy múa tung tăng.

Sinh dùng một khúc tre to cắm xuống đất thật chắc làm trụ ngay bên ngọn lửa, rồi cắt sợi dây thật dai đem cột vào cổ Bốp. Con vật vùng vằng phản đối : chưa bao giờ Sính chơi trò kỳ cục vậy với nó. Sinh dỗ dành, giọng xót xa:

- Xin lỗi Bốp ! Tao cũng thương mày như ông chủ, nhưng phải để tao dùng mày nhử mồi, nếu không sẽ chết đói hết cả ba.

Con vật liếm hai tay tiểu chủ, bằng lòng song chưa hiểu rõ vai trò nguy hiểm của mình. Sợi dây chỉ cho phép nó quanh quẩn trong đường vòng bán kính hơn thước rưỡi. Sinh lấy súng và rút lui phía sau một bụi rậm, núp kỹ. Còn lại một mình, Bốp sợ hãi tru lên song đến khi nhận ra được mũi súng lấp ló trong bụi rậm, Bốp thôi tru, bình tĩnh ngồi yên, tuy bụng vẫn phấp phỏng không hiểu trò chơi này có gì thú vị ?

- Bốp ! Đến đây ! Đến mau nào ?

Con chó vâng lời liền, nó phóng đến nhưng sợi dây vướng cổ, giật lui thật mạnh. Bị dây siết đau quá, nó tức giận lồng lên làm náo động cả khu rừng : khi thì sủa ầm ỹ khi thì tru tréo cốt mong Sinh đến tháo dây ra cho.

Mọi việc xảy ra tuần tự như ý muốn Sinh. Nó biết ban đêm ban hôm làm sao tìm ra thịt nếu không có mồi nhử thú dữ đến gần ! Cây súng này không chắc giết được cọp, phải tìm một con báo, mà muốn giết báo thì phải nhắm kỹ và cần có ánh sáng để thấy và nhắm cho chính xác. Cũng không thể chờ đến sáng, vì Giang Khâm sẽ kéo đồng đảng đến vào lúc mặt trời mọc. Chỉ còn cách đốt lửa trong đêm và dùng chó nhử báo đến gần, vì báo rất thèm thịt chó. Sinh khổ tâm mà phải dùng đến con Bốp thân yêu, con vật có thể mất xác như chơi. Tim nó đau nhói, nó đoán một cách mù mờ về tấn thảm kịch sắp đến, cổ nghẹn và khô.

Trong lúc Bốp vẫn ráng sức giật dây, Sinh khuyến khích chó kêu to lên, để gây sự chú ý cho thú dữ, mặc dù nó lo sợ : không biết con hổ hay con báo đến đây ?

- Một giờ trôi qua, Bốp mệt quá, nằm phục xuống, thôi làm dữ, hơi thở hổn hển của nó phá tan sự tĩnh mịch của rừng đêm. Sinh lau nước mắt nhìn con vật đáng thương, nó thì thào, giọng nghẹn lại :

- Bốp ơi ! Tha tội cho tao ! Ông chủ sẽ kiệt sức nếu mình không tìm ra thịt. Mỗi đứa mình phải cố một chút... mà cũng được ăn nữa...

Con vật nhìn Sinh ngây dại, không hiểu nổi ý tiểu chủ... Tre cháy nhanh mà cũng chóng tàn, Sinh lo lắng nhìn sững ngọn lửa gần tàn, toan nhổ một ít bụi cây khô châm vô đó thì một sự lạ làm nó ngừng tay, chú ý.

Bốp vểnh tai trái, nghe ngóng rồi đứng bật lên. Nó có vẻ sợ, nó lùi, lùi cho đến khi cổ bị giữ lại vì sợi dây, song nó chỉ lùi từ từ như không muốn tỏ cho tiểu chủ biết rằng mình quá sợ.

Tay đẫm mồ hôi, tim đập rộn trong lồng ngực, Sinh quì gối xuống đất chĩa súng về hướng con vật đang nhìn.

Lạ quá, phía đó bụi rậm thấp quá, làm sao che nổi con thú rình mồi ? Sinh hướng mũi súng về phía con chó, cao hơn mình nó để khi thú dữ đến sẽ lãnh ngay viên đạn đầu tiên mà không nguy hiểm cho Bốp. Tuy nhiên, Sinh vẫn run và biết rằng run như thế không thể giải quyết được việc. Tình cảnh thật thê thảm cho cả hai. Sinh thì thầm để thêm can đảm.

- Dù sao, mình phải cố can đảm thêm một tí, không có gì ăn, chủ, tớ, chó đều chết ráo trong rừng... Mình đã từng vượt biết bao thứ...

Sinh bỗng ngừng bặt, vì hình như có tiếng động trong bụi rậm phía phải. Tức thì, nó chĩa súng về hướng đó. Trong một giây, Sinh thấy một đôi mắt dữ tợn sáng quắc giữa đám lá cây. Hay là Sinh tưởng tượng ? Rồi một tiếng xào xạc nhẹ vang lên từ hướng đó rồi tiếng cành gãy rắc rắc và sau cùng... im lặng. Một lúc sau, con chó trở lại bình thường, tiếng gầm gừ dứt hẳn, hơi thở nó đều hòa như cũ.

Sinh đứng lên, run bây bẩy từ đầu đến gót chân. Nó tiến sát bên con vật, đặt súng xuống một bên, ôm chầm Bốp. Chưa bao giờ Sinh có cử chỉ âu yếm quá mức đối với con vật như thế. Trong làng nó, người ta coi chó như một con vật đáng tởm : chúng ăn của bẩn, rác rưởi, chúng nhát gan, hèn hạ đến nỗi cả chục con xúm cắn xé một con đi lạc, rồi chạy trốn; đuôi luôn luôn quặp xuống khi động thấy chút gì nguy hiểm !

Bốp thì không: nó là một con vật trung thành, can đảm, biết vâng lời, dám đương đầu với nguy hiểm. Sinh quí nó như một đứa em bé bỏng, khôn ngoan.

- Thôi... để mai tìm cái khác, tội mày lắm ! Sáng mai chắc…

Sinh ngưng bặt vì con vật thình lình kêu gừ gừ, thân mình nó cứng lại, chứng tỏ có chuyện bất thường. Sinh chỉ kịp nhìn theo hướng chó nhìn và nó thấy một con báo, cách ngọn lửa gần tàn có ba thước.

Cảnh tượng đó làm Sinh tê liệt cả bắp thịt và trí khôn. Khi cảm thấy con thú dữ bỏ đi, Sinh thoải mái vô cùng, nhưng bây giờ nó trở lại, Sinh không kịp đề phòng, không cả súng trên tay và cũng không còn hơi sức...

Con ác thú có bộ lông lốm đốm đang nhìn sững Sinh, tai mắt sáng rực, vàng như hai ngọn đuốc con con. Đó là một con báo đực cực to. Nghe chó sủa, nó chạy lại thấy Bốp bị cột bên ngọn lửa, nó ưa lắm nhưng một tiếng động nhỏ trong bụi do Sinh gây ra làm nó e dè tháo lui rồi bây giờ trở lại.

Sinh không ngờ con báo to lớn và dữ tợn đến mức đó : đôi mắt nó nhìn như xuyên qua da thịt Sinh, Sinh tuy sợ nhưng thầm khen cái vẻ oai vệ của nó : bộ lông lốm đốm, những cọng râu dài hồng lên vì ánh lửa tỏa ra. Mõm há rộng, bầy cả bốn cái răng nhọn hoắt ra ngoài. Trời ! Chỉ một phút, có thể nó dư sức đưa cả chó lẫn người về bên kia thế giới. Một tiếng nói vô hình giục Sinh : "Khẩu súng, khẩu súng, nhặt lên tức khắc ! ".

Con vật vẫn đứng im, đuôi khẽ ve vẩy từ trái qua phải và ngược lại như thể tỏ ý thong thả, không hấp tấp. Sinh thừa hiểu rằng đó cũng là dấu hiệu nó sắp phóng đến vồ mồi.

Sinh như mê đi, khi thấy con báo bấm chặt bốn chân cào đất để lấy đà nhảy tới, hai mí mắt khép lại, chỉ còn hai khe mỏng, tia nhìn sắc lạnh như dao, rồi... hai chân sau nó cũng chụm lại, hai chân trước nó đưa ra và như một mũi tên, nó phóng đến, lao thẳng vào đối phương.

Đột nhiên, Bốp tỉnh táo, bật lên như cái lò xo, nó kêu ẳng ẳng và cũng thu mình lại để nghênh địch. Sinh chợt tỉnh, cúi nhặt khẩu súng, tuy biết rằng đã trễ.

Trong những giây kế đó, sự việc xảy ra nhanh quá đến nỗi Sinh không hiểu kịp. Đúng lúc nó cúi nhặt khẩu súng, Bốp cũng thu hết sức lực phóng đến tấn công con báo. Để đáp lại sự hung hăng đó, báo đưa chân có móng sắc nhọn ra. Con thú dữ rất tinh khôn, nó biết cái đầu đen của Bốp sẽ lọt vào giữa những cái móng sắc của nó. May thay; sợi dây mà Bốp bực tức vì cứ giật lui mỗi bận nó muốn phóng tới, sợi dây đáng ghét đó, lần này lại cứu Bốp : dây bị căng thẳng giật ngược trở lại, hai tai Bốp căng phồng lên, bẻ ra trước vô tình che chở đầu nó. Vì vậy móng nhọn và bén như lười dao của con ác thú chỉ cắt đứt hai mảng tai con chó, hai mảng nhỏ mà thôi. Được sợi dây và hai tai cứu mạng. Bốp vẫn la om sòm vì đau, nằm vật xuống thở hồng hộc.

Phần báo, tuy vồ hụt mồi, mất thăng bằng nhưng rất nhanh nhẹn nên chỉ hai giây sau nó đã sẵn sàng tấn công tiếp với tất cả giận dữ.

Sinh không kịp nghĩ đến việc đầu tiên phải làm : gác súng lên vai, tay trái nâng nòng súng, không ! Không kịp gì hết ! Con vật vừa lao đến, tức thì một viên đạn từ nòng súng bay ra. Sinh quên chuyện súng giật lùi sau khi bắn. Cái báng súng đáng ra được đặt trên vai, lại đặt ngay trước mặt nên đã đập một cú thật mạnh vào cằm thằng bé đáng thương (Người ta biết rằng trong khi đánh quyền Anh, cú đánh ngay cằm là cú đáng ngại) Sinh đau đến nỗi loạng choạng ngã quị xuống, bất tỉnh tức thì, không biết gì nữa.

Con báo trúng đạn ngay giữa ngực, nó chồm đứng lên, rống vang rừng già. Bốp kinh hoàng lùi, lùi mãi càng xa càng tốt, lông trên lưng dựng đứng.

Bấy giờ, ác thú ngã ngửa ra đánh huỵch một cái, thôi gầm rống, chỉ còn bốn chân khua khoắng lung tung, bụi cát mịt mù. Hai mươi giây sau, nó thôi cử động như một món đồ chơi hết dây thiều. Bộ lông lốm đốm xinh đẹp giãn ra, bắp thịt cũng vậy, và khi bụi cát ngừng bay, con vật như đang ngủ ngon lành. Nhưng đó là giấc ngủ cuối cùng của đời nó.

Sợi dây trên cổ Bốp bị giằng giật mãi đứt ra, con vật gầm gừ chờ cuộc tấn công mới, song chờ mãi con báo không nhúc nhích. Bốp tiến tới có vẻ thách thức, con báo vẫn không phản ứng. Bốp hiểu ngay địch thủ đã tử thương. Nó quay tìm Sinh để báo tin mừng, song cậu nằm im như chết. Bốp hơi hãi, kêu lên, vừa kêu, vừa liếm tay, liếm mặt cậu bé cẩn thận. Đang bất tỉnh, bỗng Sinh cảm thấy như có vật nham nhám vuốt ve mình, cậu bé hồi tỉnh, đưa tay xoa cằm, đoạn gạt Bốp ra, ngồi dậy.

Bốp hăng hái đi trước, ngửi đầu và bụng con thú rồi ve vẩy đuôi, vẻ đắc thắng như có ý bảo Sinh "Cậu thấy chưa ? Chúng ta đã giết được nó". Sinh theo Bốp lại gần xác báo, tuy nó có vẻ chết rồi nhưng cẩn thận vẫn hơn. Sinh nhặt súng, lên đạn rồi đi vòng quanh con báo, xa xa một chút, không thấy động tĩnh gì, Sinh lại dậm chân, huýt sáo thật to, vẫn im lìm. Đúng là nó hết thở rồi. Sinh thử lần chót : lấy báng súng vuốt vuốt cạnh sườn con vật. Vừa làm việc đó, Sinh vừa nghe ngóng và mắt luôn luôn nhìn quanh, Sinh biết rừng già, nhất là rừng già trong đêm: lúc nào tử thần cũng rình rập kẻ ngu si, vô ý.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>