Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Không Nguôi


Đã một lần có ai nói với mụ là gia đình của mụ vẫn vẹn toàn. Hình như lúc ở dưới hầm trú ẩn. Hình như lúc trốn đạn dưới gầm cầu. Hình như trong mái lều ướt đẫm nước mưa của khu tạm trú. Dĩ vãng trong đầu mụ bây giờ mù mịt như sương khói. Sự kiện nào cũng có mặt, nhưng sự kiện nào cũng chỉ thấp thoáng ẩn hiện, cái nọ chồng chất lên cái kia, điều này lẫn lộn với điều kia, hình ảnh này chen lấn hình ảnh khác. Duy chỉ có mỗi một điều là mụ nắm được rất vững vàng. Rất chặt chẽ. Rất rõ ràng. Đó là đồng gia quyến đẳng của mụ vẫn vẹn toàn. Chắc chắn như vậy. Vì đã có ai nói với mụ điều đó một lần. Hình như ở dưới hầm trú ẩn. Hình như dưới gậm cầu. Hình như trong lều vải tạm trú. Và mụ đã tin tưởng như một đứa con nít ngây thơ. Thế là những năm tháng ăn ở hiền lành bây giờ đã nẩy hoa kết trái. Ông trời có mắt thực. Ông trời không đóng cửa một ai. Bởi vì gia đình mụ vẫn vẹn toàn. Mẹ thằng Cu, đứa con dâu hiếu thảo. Thằng Cu bé, nhỏ tong teo. Cái Bé, bé hơn là tuổi đích thực của nó. Còn bố lũ nhỏ thì yên tâm rồi. Nó đi lính xa, nhưng nó là lính văn phòng. Quanh văn phòng có ụ cát. Quanh ụ cát có những hàng rào kẽm gai. Quanh hàng rào kẽm gai có lô cốt. Quanh lô cốt có giao thông hào. Quanh giao thông hào có những bãi mìn. Quanh những bãi mìn là những toán lính tuần tiễu. Ôi cha! Nó còn được bảo đảm hơn là ở nhà. Vườn tược tuênh toang. Tường xiêu, vách nát, mái rạ, chẳng có chỗ nào ngăn cản được những lằn đạn bắn vào từ ngoài đồng, từ quốc lộ, từ lối đi vào ấp, từ những ngõ ngách tiêu điều, và từ cả ở trên nền trời trong vắt thiếu vắng những cụm mây xám che chở.

Quả nhiên bom đạn đã úp chụp xuống trong một đêm kinh hoàng không gì chống đỡ. Mọi người tan tác như một bầy ong vỡ tổ. Trước còn rút xuống hầm, sau hầm mù mịt khói, mọi người mới chạy ra đường mương, lội ra rạch nước. Từ rạch nước chui qua những thân dừa bị chém đổ để lần ra tới dốc cầu. Nằm cả đêm ở gậm cầu đến sáng thì lại bị dồn trở lui, rồi lại bật ra, tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rên la, tiếng đạn nổ trong mùi khói khét lẹt của đan, của mìn, của từng cuộn khói đen bốc lên cao ngất chín từng mây.

Trong cơn hỗn loạn tột cùng ấy, mụ không biết đã tuột khỏi bàn tay nhỏ xíu của cái Bé từ lúc nào. Đến khi nhớ lại thì tâm trí của mụ như vừa vụt bừng tỉnh một giấc mơ dài. Mụ dùng lại kêu gào, mụ gọi tên đứa cháu gái một cách thảm thiết. Nhưng chỉ có tiếng nổ rền trời đáp lại những lời của mụ. Mụ chạy ngược trở lại. Sóng người xô mụ ngã xuống. Có một vài bàn chân đạp lên lưng mụ. Mụ đau tưởng đến ngất đi. Rồi bỗng nhiên có một người nắm lấy tay mụ xốc dậy. Mụ mang máng biết đấy là một người đàn ông. Một người đàn ông không quen thuộc. Gã xách tay mụ chạy qua những thửa ruộng lầy lội. Trên đầu là đạn bay, bốn bề là lửa đỏ. Nhưng người ấy không đi xa được hơn một trăm thước. Bàn tay đang nắm cứng lấy mụ bỗng nhiên vuột ra. Mụ trông thấy gã nằm sóng soài trên mặt bùn. Lưng áo của gã loang đầy máu đỏ. Rồi thì đoàn người lại xô tới. Xác gã đàn ông bị dẫm nát dưới những bàn chân. Mụ mê man không còn suy nghĩ được gì. Mụ lại tiếp tục chạy như một kẻ không hồn. Mụ cũng không còn kịp nhìn gã là ai, già hay trẻ, quen hay lạ, mặt mũi thế nào. Mụ chỉ dừng lại một lát sau khi nghe thấy tiếng khóc. Đấy là tiếng khóc của một đứa nhỏ trạc tuổi cái Bé. Mụ mừng rú tưởng đã gặp lại cháu mình. Nhưng bộ quần áo của nó, thân hình còm cõi, xương xẩu của nó, khiến mụ nhận ra ngay không phải là người thân. Tuy vậy, mụ cũng còn đủ ý thức để túm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu của nó mà lôi đi. Y như thể mười lăm phút trước có một gã đàn ông đã lôi mụ đi theo cách như vậy. Đứa bé chuệnh choạng chạy theo mụ. Tiếng khóc của nó to hơn nữa, chát chúa, ồn ào, nhức buốt như tiếng động ồn ào, nhức buốt đang làm rung chuyển cả bầu trời. Mụ không nhớ là mình đã lôi kéo con bé đi được bao lâu và qua được một quãng bao xa. Nhưng mụ chỉ thấy cánh tay của mình mỗi lúc một thêm nặng chĩu và con bé bây giờ không còn chạy được. Người nó ngay đơ. Mụ mím môi lôi mạnh. Nó di động sền sệt như một khúc gỗ. Cuối cùng mụ phải cúi xuống, xốc cả thân mình gầy gò ốm yếu của nó lên vai mà chạy cho dễ dàng.

Mãi đến lúc trời tảng sáng, mụ mới biết chắc mình đã thoát khỏi vòng lửa đạn. Quay lại nhìn, xóm làng thân yêu đã xa tắp và chỉ còn là một vùng đang hắt lên nền trời một quầng mây đỏ hực. Tiếng súng nghe đã thấy ngớt và vọng ở thật xa. Mụ yên tâm đặt con bé xuống nệm cỏ. Nhưng con bé đã đeo cứng lấy mụ. Mụ giằng nó ra. Nó không tỉnh dậy. Cánh tay của nó lạnh ngắt. Nó biến thành tảng băng nặng nề treo trên cổ mụ. Mụ hoảng hồn níu lấy bàn tay của nó giằng thật mạnh. Đột nhiên mụ cảm thấy sức khỏe của mình tăng gia bội phần. Mụ lăn lộn, rẫy rụa. Mụ la. Mụ hét. Mụ đánh vật với cái xác vô tri. Mụ nghe thấy tiếng vải rách loạt xoạt. Tiếng thớ thịt chuyển vận. Tiếng xương gẫy. Và cuối cùng đứa bé nằm trên vai mụ văng ra, úp sấp trên bờ ruộng, mái tóc bê bết bùn, quần áo tơi tả, máu loang khô từng mảng chư tuyết đọng. Thế là mụ òa lên khóc. Mụ có cảm tưởng như trong phút chốc mụ đã biến thành ma quỉ. Tiếng xương gẫy ròn như rợn lên dưới  từng chân tóc, từng lỗ chân lông, và một luồng hơi lạnh lẽo như thấm vào từng làn da, thớ thịt của mụ, làm mụ cứng đơ cả thân mình. Cuối cùng mụ quỵ xuống như một khúc gỗ khô cằn, mục ruỗng.

Sau đó mụ đã nằm liệt hai tháng trời trong dẫy lều lụp xụp của trại tạm trú. Lúc ngồi dậy được thì mụ đã quên hết cả dĩ vãng. Tất cả đều tan biến vào một lớp sa mù. Mụ không biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và vì đâu mà cuộc đời đã dẫn mụ đi tới chỗ cô đơn một mình ở đó. Mụ cố duyệt lại trí nhớ. Nhưng không một tia sáng nào chiếu rọi được vào tâm trí mù mịt như sương khói của mụ. Chỉ vào những lúc tỉnh táo nhất, là mụ thấy nhớ thằng Cu, cái Bé và đứa con dâu. Có ai đã nói là chúng nó đều bình yên. Mụ tin tưởng điều đó vững chắc như đinh đóng cột. Chúng nó chỉ lạc lõng đi đâu đó. Có người đã nói thế. Và mọi người đều đồng thanh công nhận là thế. Điều đó làm mụ thêm tin tưởng.

Không ngày nào là mụ không sửa soạn dọn dẹp nhà cửa, bầy biện chõng tre chiếu sạch để sắp xếp chỗ ngủ cho mẹ con sấp nhỏ. Thằng Cu nằm đây. Mẹ thằng Cu nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Mụ đã xếp đặt công việc nhỏ nhoi này hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác với một lòng kiên nhẫn không có gì lay chuyển nổi. Mụ đã nhìn vành khăn trắng của tất cả mọi người chung quanh bằng một cái nhìn khoái chí của một kẻ khỏi vòng cong đuôi. Mụ cười ngỏn ngoẻn. Tao ăn ở hiền lành. Ông trời có mắt thiệt tình. Đời nào ổng để tao phải chịu cảnh tre già khóc măng. Thế nào má con lũ nhỏ cũng bồng bế nhau về. Chúng nó lạc lõng đấy thôi. Chỉ mấy lão làm trong Ban Xã Hội là không được cái tích sự gì. Này nhé, chỉ việc thông báo đi khắp các nơi, hễ có ai là người chạy lạc thì hãy đến trại tập trung. Chỉ cần vẽ lối vào trại cho thật rõ ràng là họ kiếm tới. Có thế thôi mà nhắc bao lần mấy lão cũng vẫn thờ ơ. Hỏi đến thì cái miệng tía lia "Rồi, rồi". Tổ cha lũ xạo. Chúng nó chỉ ham nhậu nhẹt chớ có nhúc nhích cái gì đâu mà rồi rồi.

Nhưng tao sẽ chờ. Sẽ chờ hoài cho đến khi nhắm mắt. Thế nào tụi nó cũng trở về. Đây. Má thằng Cu sẽ nằm ở góc này. Thằng Cu thì nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Bà sẽ ru cháu. Cháu đừng sợ bà chứ. Bà không làm đau cháu. Không bao giờ bà làm rách áo quần của cháu. Không bao giờ bà bẻ gẫy xương tay của cháu. Cháu cứ nằm ngủ yên. Trên vai bà đây. Trên vai bà đây. Nghe cháu.


NHẬT TIẾN                  
(Trong TẶNG PHẨM CỦA DÒNG SÔNG)

 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 43, ra ngày 18-6-1972)


Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

CHƯƠNG 5_CHẮP CÁNH


5


Suy nghĩ mãi tôi vẫn không tìm ra giải đáp cho bài toán khó. Sau cùng tôi quyết định trở lại bệnh viện thăm Toản để bàn với anh phương cách thoát khỏi những bứt rứt bủa vây như một bức tường thành kiên cố.

Tôi nhìn vào gương: Tôi tiều tụy một cách đáng sợ. Tôi trang điểm một chút cho đỡ xanh xao rồi gọi xe đến thẳng bệnh viện.

Tôi gặp Toản vẫn trong bộ đồ thương binh bạc phếch. Tôi hơi ngạc nhiên vì quầng thâm đậm trên mắt Toản. Có lẽ anh cũng mất ngủ như tôi.

Nét mừng rỡ hiện ra trong nụ cười của Toản. Nụ cười mà tôi có thể hình dung bất cứ lúc nào. Anh kéo ghế cho tôi:

- Ngồi đi bé. Anh đang mong em.

- Mong thật không?

Toản nói một câu khác:

- Em gầy đi nhiều quá. Sao vậy Uyên?

Toản ngồi sát bên tôi, anh đưa tay định kéo tôi ngả vào vai anh rồi không hiểu sao anh dừng lại, cử chỉ làm tôi sửng sốt. Tôi chong mắt:

- Anh có vẻ là lạ... Có phải Toản của em đây không?

- Uyên nhìn kỹ thử xem... Có khi lại không phải...

Tôi bật cười:

- Anh khéo đùa... Em đã sợ nhiều rồi.

- Nếu anh không trở về thì sao Uyên?

Câu hỏi đột ngột của Toản làm tôi ngỡ ngàng. Tôi ấp úng:

- Sao anh hỏi em câu đó?

Toản châm thuốc. Anh hút một hơi dài, nhả khói lên trần nhà. Tôi tìm vẻ mặt người tình sau khói thuốc. Toản chậm rãi, như anh đã đắn đo nhiều lắm rồi.

- Anh gặp Du.

Tôi giật mình:

- Du? Anh gặp hôm nào?

- Hôm qua.

Những mạch máu trong cơ thể tôi cơ hồ ngừng lại.

- Du nói với anh là nó sắp lấy vợ...

Toản nhìn tôi xót xa:

- Lệ Uyên, sao em giấu anh? Em sắp làm vợ Du, phải không?

Tôi buông thõng:

- Phải.

Toản thở dài:

- Ban đầu Du nói tên em, anh ngờ ngợ chứ không tin định mệnh lại có thể nghiệt ngã với anh như thế, đến lúc Du nó tả rõ em thì anh hiểu không thể là ai khác được.

Tôi nắm cánh tay Toản:

- Tại anh, tại anh hết. Anh làm em hết hy vọng chờ đợi. Du đeo đuổi và được lòng gia đình em, em nghĩ dù sao thì không yêu cũng làm vui lòng được mẹ và em nhắm mắt nhận lời Du.

- Anh có trách em đâu. Anh biết nghịch cảnh do anh gây ra. Chỉ đau đớn là anh sẽ phải xa em mãi...

Tôi lắc đầu thật mạnh:

- Không, Toản đừng bắt em xa anh. Em và Du chưa đám cưới, chúng ta còn thì giờ...

Giọng Toản se sắt:

- Anh không thể cướp vợ của Du được. Lỗi anh, anh phải chịu. Du nó vô tội, nó yêu em chân thành lắm. Chúng mình không nên làm khổ kẻ khác.

Tôi gào lên:

- Còn chúng ta? Anh không nghĩ đến anh, đến em sao? Anh không nghĩ rằng chúng mình sẽ chết dần chết mòn trong sự xa cách hay sao? Hạnh phúc trong tầm tay mình không giữ lấy thì đợi đến bao giờ? Anh hết yêu em rồi phải không?

Toản cúi xuống đặt nhẹ nụ hôn lên mắt tôi. Giọng anh thật ấm:

- Đừng nói bậy, cô bé nông nổi của anh. Em còn ngây thơ lắm, em chưa hiểu đời nên chưa biết suy nghĩ. Em chỉ biết hiện tại em yêu anh, nhưng tương lai em có còn yêu anh không? Biết đâu sự gian khổ của đời lính sẽ không làm em chán nản.

- Không bao giờ... em mãi mãi yêu anh.

- Thôi được, đừng khóc nữa. Rồi chúng mình sẽ tính.

Tôi hỏi dồn:

- Anh định sao?

- Ngay bây giờ anh còn bối rối quá. Em để anh nghĩ đã. Anh muốn tìm một giải pháp trọn vẹn.

Tôi áp bàn tay Toản lên má:

- Anh cố gắng nhé. Em tin ở anh.

Tôi ngồi với Toản suốt cả buổi chiều. Tôi nói huyên thuyên với anh về những ước vọng tương lai của hai đứa. Toản hút thuốc nhiều, mắt anh nhìn tôi tha thiết, trìu mến và anh dìu tôi ra tận cổng bệnh viện.


*


Toản hứa hẹn và tôi tạm cảm thấy thoải mái trở lại. Tôi dễ dãi với Du hơn và tuyệt đối không nói gì về chuyện sắp xảy đến. Tôi nghĩ người đối phó là Toản chứ không phải tôi.

Thấy tôi vui, Du cũng vui. Nhiều khi nhìn nụ cười tin tưởng của Du thôi thấy thương anh lạ lùng. Tôi hiểu Du là người chồng tốt chỉ tiếc là tôi không yêu anh.

Tôi hứa với Toản ba hôm sau trở lại và trong thời gian đó tôi hết sức làm vừa lòng gia đình. Mẹ cũng ngạc nhiên về sự vui vẻ nhanh chóng của tôi nhưng mẹ cho rằng tôi đã “nghĩ lại” đã “biết điều” một chút.

Ba ngày đối với tôi thật dài nhưng rồi buổi chiều mong đợi cũng đến, tôi trang điểm cẩn thận, chọn chiếc áo dài ngày xưa Toản thích để mặc. Tôi đi ra và chạm trán Du ở phòng khách. Tôi sựng lại:

- Anh mới đến?

- Uyên đi phố?

- Dạ không, em đến cô bạn có chút chuyện.

Du sốt sắng:

- Để anh đưa em đi.

Tôi hốt hoảng tìm cách từ chối:

- Thôi khỏi phiền anh em đi một mình được. Chuyện bạn gái với nhau mà...

Du không nói gì. Tôi bịa chuyện:

- Nó nhờ em đỡ đầu đứa con gái đầu lòng.

Du cười:

- Cha, vậy là lên chức “vú” rồi hả?

Tôi vờ vui cho Du khỏi nghi:

- Bây giờ em đỡ đầu con nó, khi nào mình có baby bắt vợ chồng nó “trả lễ”.

Mắt người con trai ánh ngời hạnh phúc:

- Em làm anh nôn nao. Nghĩ đến lúc mình có một đứa con Uyên nhỉ?
 

Tôi nhìn Du thương hại. Du vẫn tin tôi ư? Du vẫn không hiểu gì cả sao? Mắt Du trong sáng quá. Lòng Du thành thật quá. Du không xảo hiểm như tôi, Du không mưu trá như tôi. Tự dưng tôi ân hận đã đối xử không phải với Du... Tôi không xứng đáng với chân tình đó. Tôi cúi mặt không dám nhìn Du, sợ Du đọc thấy trong mắt tôi những âm mưu đập đổ lâu đài hạnh phúc của Du đã dầy công xây dựng... Tôi có cảm tưởng gương mặt tôi tố cáo với Du những ý nghĩ của mình... Du cười tươi quá. Ánh mắt Du nhìn tôi đầy thương mến thế kia... Nếu biết tôi đang ngấm ngầm phản bội không hiểu Du sẽ nghĩ sao? Chắc Du khinh tôi, ngôi vị thần tượng của tôi sẽ trong khoảnh khắc sụp đổ hết...

Tôi hỏi Du:

- Anh đến em có chuyện gì không?

- Xem thử em đã hoàn toàn khỏi chưa?

Tôi đi những bước mạnh, tươi cười:

- Anh yên tâm chưa, giờ em làm võ sĩ cũng còn được nữa đó.

Du sung sướng nhìn những nụ cười trên môi tôi, anh nói:

- Anh muốn mời bé đi ciné, phim ở Eden hay lắm.

- Em kẹt rồi. Để hôm khác, ngày mai, ngày kia, lo gì.

Du gật gù:

- Thôi bé đi để người ta chờ. Nhớ hôn con đỡ đầu dùm anh với nghe.

Tôi ngầm cám ơn Du. Sự tế nhị của anh, lòng quảng đại của anh làm tôi đôi lúc thấy ở anh mẫu người chồng lý tưởng. Giá tôi không có Toản thì cuộc sống của tôi với Du chắc rồi cũng sẽ có những ngày hạnh phúc thật đẹp.

Ra khỏi nhà tôi đi như mọc cánh. Con đường trải sỏi dẫn vào bệnh viện không còn xa lạ đối với tôi. Tôi đi nhanh về phía trại ngoại thương 4. Tôi hình dung Toản sẽ đón tôi ở cửa với nụ cười...

Nhưng giường Toản trống không. Tôi dừng lại, tần ngần một chút rồi bước hẳn vào phòng. Tôi nhìn quanh, tim đập mạnh vì đồ đạc của Toản trên bàn cũng đã không còn. Tôi bắt đầu run. Người sĩ quan nằm cạnh giường Toản hỏi tôi:

- Cô tìm Đại Úy Toản phải không?

Tôi níu lấy hy vọng đáp nhanh:

- Vâng. Toản đâu ông?

Anh ta ngập ngừng:

- Đại Úy Toản đi rồi cô.

Tôi thảng thốt:

- Đi?

- Toản ra đơn vị rồi.

Mặt tôi xanh như chàm, mồ hôi rịn trên trán, tôi cố giữ cho khỏi lạc giọng:

- Làm sao Toản đi được? Anh ấy hẹn hôm nay tôi trở lại...

Anh ta nhìn tôi bằng đôi mắt ái ngại:

- Tôi không được rõ. Chỉ biết Toản xuất viện hôm qua. Anh ấy nhờ tôi trao lại cô lá thư.

Tôi bám víu hy vọng cuối cùng:

- Ông cho tôi xin.

- Vâng, cô đợi.

Anh ta mở hộc bàn lấy ra phong thư. Tôi cố dò hỏi:

- Ông có biết đơn vị của Toản không?

- Tôi không hỏi. Hình như Toản ở tiểu đoàn 36, nhưng theo tôi thì lúc này anh ấy chỉ về nhà dưỡng sức chứ chưa hoàn toàn bình phục để trở lại đơn vị đâu.

Tôi nói nhanh:

- Xin cám ơn ông.

Và tôi quay người đi nhanh ra khỏi cổng bệnh viện. Tôi gọi taxi và buông người xuống nệm như cái xác không hồn. Linh cảm một điều không may, tôi run rẩy mở thư Toản:


Bệnh viện ngày...

Lệ Uyên thương,

Anh biết khi em trở lại bệnh viện tìm anh, em sẽ trách anh nhiều lắm.

Anh đi xa rồi mới dám để lại em những giòng chữ này. Anh không đủ can đảm gặp lại em, người con gái mà anh đặt trọn tình yêu và duy nhất trong tim anh.

Ngày xa em, anh vẫn hẹn về. Nhưng anh bị thương và vết thương quá nặng nề đã làm anh tuyệt vọng khi nghĩ rằng mình sẽ tàn phế. Trong ý tưởng đó anh không muốn gặp lại em, không muốn em chịu chung bất hạnh với anh dù luôn luôn tình yêu thôi thúc anh phải tin cho em biết.

Anh bắt đầu hy vọng trở lại từ khi được biết vết thương ở chân anh sắp lành. Anh sung sướng nghĩ đến phút bất ngờ trở lại tìm em.

Rồi thì em đến thăm anh... bất ngờ và sớm hơn anh dự định. Anh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng... Anh nghĩ đó có lẽ là phần thưởng Thượng Đế ban cho anh sau những ngày gian lao nguy hiểm... Anh tưởng rằng đã nắm được hạnh phúc, anh tưởng cuộc đời anh từ nay có em bên cạnh, anh không mơ ước gì hơn...

Khi gặp Du, anh nghe nó nói về em, người vợ sắp cưới của nó và anh biết rằng anh đã mất em vĩnh viễn. Du nói về em bằng tất cả hăng say tha thiết, nhìn mắt Du anh biết nó yêu em chân thành, anh không có quyền làm khổ nó khi nó vô tội, và em không có quyền bỏ trôi hạnh phúc trong tương lai tươi sáng Du nó đặt dưới chân em.

Anh đã nghĩ thật nhiều. Nhìn em khóc anh cảm thấy tái tê cảm giác, anh muốn ôm em vào tay, anh muốn hôn em nồng nàn để bù vào những khoản xa cách vời vợi, nhưng anh cắn răng dằn lại, anh giữ em cho chồng em mai sau... Anh muốn Du nó hoàn toàn vô tư khi hưởng hạnh phúc do người mà nó yêu thương mang lại.

Uyên có biết là anh phải chiến đấu với nội tâm thật khó khăn để khỏi làm theo ý muốn của trái tim. Tim anh máu vẫn đỏ thì hình ảnh em vẫn còn. Mãi mãi anh sẽ giữ em trong ngôi vị thần tượng tuyệt vời... bằng lòng Uyên nhé.

Uyên của anh,

Hãy quên anh đi, quên một cuộc đời chiến chinh gian khổ đi em. Định mệnh đã khiến chúng ta gặp nhau rồi cũng chính định mệnh chia xa hai đứa... Em không đáng trách, chỉ có anh... anh đã bất lực không giữ được hạnh phúc cho anh thì phải tự anh tạo xa cách, anh không có quyền làm khổ em và Du. Chúng ta đành chịu thua số mệnh, Uyên ạ.

Anh trở lại với đời quân ngũ. Anh sẽ dự vào tất cả những cuộc hành quân lâu dài. Anh sẽ xông xáo trên khắp các mặt trận khốc liệt để quên cô đơn. Nhưng hình ảnh em bao giờ cũng ngự trị trọn vẹn tâm hồn anh. Anh thương em mãi mãi.

Thỉnh thoảng anh sẽ gởi thư thăm Du và em, nếu anh còn viết được, nếu anh chưa gục ngã... Anh chỉ mong muốn em yên lành trong hạnh phúc. Cố gắng cười với cuộc đời nghe Uyên, em sẽ thấy cuộc sống dễ chịu hơn.

Khi nào em trở lại nghĩa trang thăm Nhất Phương cho anh xin một bó huệ trắng cho Vũ Linh, anh đi xa, chắc khó có dịp về thăm nó, để nó cô đơn tội nghiệp.

Nguyệt vọng duy nhất của anh là em và Du hạnh phúc.

Toản     

Nước mắt rơi nhòa cả trang giấy mỏng, tôi vò nát bức thư trong tay. Người tài xế ngạc nhiên quay nhìn tôi, lo ngại hỏi:

- Thưa cô về đâu?

Tôi giật mình nói không suy nghĩ:

- Chú cho đến nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi.

Tôi mua hai bó huệ trắng và đi dần vào nghĩa trang, gió chiều vẫn lạnh, nghĩa trang mang màu xám hoàng hôn đến tái tê, tôi rùng mình muốn quay trở ra nhưng chân tôi vẫn bước đều. Tôi đặt bó hoa lên mộ Vũ Linh rồi sang mộ Nhất Phương. Gương mặt Phương vẫn đầy trìu mến. Hình như bao nhiêu thay đổi ở tâm hồn tôi vẫn không làm anh khó chịu. Tôi nhìn Phương rất lâu. Tôi muốn từ giã người yêu để về một cuộc sống khác. Bất chợt tôi quay lại nhìn phía sau hy vọng có Toản đứng đó... nhưng nghĩa trang chỉ có mình tôi... Gió vẫn lạnh... Buồn vương lên những tấm bia thập giá sừng sững đến kinh hoàng...

Khi tôi ra khỏi nghĩa trang, thành phố đã lên đèn. Tôi đứng đón xe mãi mà không được. Tôi chợt nghĩ đến Toản, nếu có Toản tôi đâu phải bơ vơ thế này??... Một chiếc cyclo đỗ lại, tôi nói địa chỉ rồi buông mình trên nệm xe. Gió đêm mơn man làm tôi tỉnh táo đôi chút. Hình ảnh Toản lại hiện ra, tôi lẩm bẩm mấy câu thơ của Nhất Tuấn:

“Chuyện của chúng mình duyên số định

Không đi chung được một toa tàu

Cuối ga... lẻ bóng mình em xuống

Nào biết bây giờ anh ở đâu????


LÝ THỤY Ý        

---------------------------
(1) và (2) - Thơ LÝ THỤY Ý


 

CHƯƠNG 4_CHẮP CÁNH


4


- Lệ Uyên, tỉnh lại. Anh đây. Toản đây Uyên.  

Tôi mở mắt, hình ảnh Toản làm tôi bàng hoàng:

- Anh…

Toản cười thật tươi:

- Em không tin sao?

Tôi chớp mắt:

- Em không tin anh còn sống.

- Nhưng anh đang đứng trước mặt em.

- Em biết.

- Và em tin?

Tôi gật đầu:

- Như một phép màu.

Toản dang rộng tay và tôi ngã vào đó. Vòng tay anh khép lại giam trọn hình hài tôi. Anh thì thầm:

- Nhớ em quá, nhiều lúc anh chỉ muốn điên. Lệ Uyên, em có nhớ anh không?

- Em điên cuồng trong ý nghĩ vĩnh viễn xa anh.

Toản nhìn sâu vào mắt tôi:

- Anh bất diệt em không biết sao?

Nhưng đột nhiên tôi nghe âm thanh của Toản khác lạ. Thứ âm thanh xa xôi vời vợi như từ một thế giới nào vọng tới. Tôi rùng mình, bất giác buột miệng:

- Toản, làm sao anh về được. Anh… anh chết rồi cơ mà.

Tôi giương tròn mắt nhìn người tình thật chăm chú và bỗng dưng nụ cười trên môi anh rũ buồn, cả gương mặt Toản như biến đổi và vòng tay anh đang xiết lấy tôi cũng lạnh dần. Tôi hỏi dồn:

- Toản… anh… anh còn sống thật không?

Toản không trả lời nhưng từ thái dương anh một dòng máu tràn ra. Dòng máu xối xuống vai anh, ngực anh và xối cả lên mặt tôi. Mặt anh ngập ngụa máu, tôi ngộp trong mùi máu và tôi rú lên kinh hoàng…

Mẹ đứng cạnh giường tôi, Châu và Thanh đứng cạnh giường tôi. Tôi ngơ ngác nhìn mọi người rồi nhìn quanh.

Tôi đang ở phòng mình. Bên tôi không có Toản, chỉ có những người thân yêu đang nhìn tôi với bằng đôi mắt lo lắng. Tôi thở nhẹ:

- Con nằm mơ.

Mẹ sờ tay lên trán tôi:

- Con ấm đầu, bệnh rồi đấy.

Châu cúi sát mặt tôi:

- Chị mơ gì mà sợ dữ vậy?

Tôi nói không ra hơi:

- Anh Toản.

Thanh lắc đầu:

- Chị bị ám ảnh nặng quá.

Tôi hỏi Châu:

- Mấy giờ rồi em?

- Sáu rưỡi chị.

- Sáng rồi cơ à?

Tôi nhớ cả đêm qua tôi trăn trở hoài vì những ý nghĩ về Toản. Tôi quyết định hôm nay sẽ đi thăm anh, đi một mình chứ không phải với Du. Dù muốn dù không tôi cũng phải tự mình xác nhận lại lần cuối về Toản.

Tôi chưa biết nghĩ sao nếu quả thật Toản còn sống. Điều trước tiên là tôi phải biết rõ điều đó… tôi không thể để bị ám ảnh mãi dù đã có lúc tôi buông trôi theo sự an bài của định mệnh.

Hôm qua Du nói với tôi là hôm nay bận việc nên có lẽ chưa đi thăm Toản được. Đây là dịp để tôi thực hiện ý định. Tôi không thể chờ đợi được nữa. Đợi thêm một ngày tôi điên mất.



*


Tôi xô nhẹ cửa phòng, người thương binh đang ngồi xóc những lá bài tây ngước nhìn tôi. Tôi nghẹt thở, run rẩy tưởng muốn quị xuống. Toản của tôi chứ không ai xa lạ. Tôi lắp bắp:

- Toản …. Em không ngờ.

Toản như định thần nhìn kỹ tôi để khỏi lầm. Rồi mắt anh sáng lên và tôi nghe âm vang quen thuộc:

- Lệ Uyên… em.

Tôi đi nhanh lại Toản. Những lá bài rơi tung xuống đất. Tôi sà xuống ngồi cạnh anh. Mắt tôi ngập lệ. Tôi nghẹn ngào:

- Anh còn sống thật phải không?

Toản cười và tôi ngộp thở trong nụ cười trìu mến đó. Toản nói:

- Sao em biết anh ở đây?

- Một người bạn em nói gặp anh. Nó đi thăm người quen trong này. Nó nói với em là thấy người giống anh nhưng nó không dám cả quyết.

- Và em. Lệ Uyên, em có tin anh còn sống không?

Tôi lắc đầu nhè nhẹ:

- Một phần thôi. Bức điện tín báo tin anh chết đã làm em nghi ngờ bạn mình ngộ nhận. Em chỉ còn dám hy vọng ở phép màu.

- Và bây giờ là sự thật…

Tôi thở nhẹ:

- Phải, là sự thật... Em không ngờ. Em tưởng em đang mơ

Toản hơi nheo mắt:

- Hình như em không vui gặp lại anh hở Uyên?

Tôi chống chế:

- Đột ngột quá. Em vẫn chưa trấn tĩnh được. Lúc nãy lại văn phòng hỏi tên anh cả tên lẫn họ đều đúng mà em vẫn còn một chút nghi ngờ… Em sợ sự thật sẽ dìu em trở lại hố sâu tuyệt vọng.

Toản vuốt tóc tôi:

- Tội nghiệp bé. Anh sẽ đền bù cho em những khổ sở em đã chịu.

Tôi nhìn người tình: Toản gầy hơn trước, có lẽ vết thương làm mất nhiều máu. Anh xanh xao dù thời gian dưỡng thương có lẽ không phải ít. Toản kéo tôi ngồi sát lại anh. Trong một tia sáng của lý trí tôi gượng lại, dang xa Toản. Nhưng sức mạnh của anh làm tôi không thể kháng cự. Tôi hỏi Toản sự thắc mắc duy nhất:

- Em không hiểu gì cả. Anh còn sống tại sao có bức điện tín?

Toản gật gù:

- Anh biết em ngạc nhiên lắm. Nhưng nếu em biết rằng anh đã bị trọng thương trong một trận đụng độ dữ dội. Vết thương ở bụng và chân mặt quá nặng làm anh hôn mê cả tháng trời. Anh chịu đựng những cuộc giải phẫu thập tử nhất sinh và nằm phòng hồi sinh một thời gian dài. Anh không nghĩ là anh có thể sống…

Tôi trào nước mắt:

- Vậy rồi anh không nghĩ đến em? Tại sao anh không cho em biết? Anh có biết là suốt thời gian vắng tin anh, em sống như người mất trí không? Tại sao anh ác đến độ không cho em biết để được chia sẻ nỗi đớn đau của anh? Anh sợ em không chịu nổi hay anh không cần em?

Giọng tôi nghẹn lại. Tôi trách Toản và anh lặng yên nghe tôi trách. Anh đan bàn tay vào tay tôi. Anh nói nho nhỏ, vừa thủ thỉ vừa dỗ dành:

- Anh nhận hết những hờn giận của em. Hãy tha thứ cho anh và nghe anh nói. Anh hiểu Uyên lắm. Em yêu anh nhiều và em đã khổ nhiều vì anh. Nhưng lúc đó, vết thương của anh không cho phép anh nuôi một hy vọng nhỏ nào rằng anh sẽ không chịu tàn phế. Mà anh đã tàn phế thì lý nào anh kéo luôn em vào cuộc đời bất hạnh đó.

Tôi định nói nhưng ngón tay Toản đã đặt trên môi tôi, anh tiếp:

- Lúc đó bác sĩ cho anh biết rằng có lẽ chân anh sẽ phải bị cưa vì những tế bào đã chết, không thể nào cứu được. Bác sĩ chỉ cứu được mạng sống chứ không thể đưa anh ra khỏi sự tật nguyền. Anh nghĩ đến em và anh phải tranh đấu dữ dội với sự mâu thuẫn trong tâm hồn mình. Anh muốn cho em biết để em đến với anh rồi anh lại sợ gặp em… nếu em hiểu được lúc đó anh khổ sở như thế nào? Anh nhớ em muốn điên lên nhưng anh phải dằn xuống. Tương lai anh đen tối và tương lai em thì quá đẹp. Em còn quá trẻ, em hồn nhiên, yêu đời, anh không nỡ đẩy em vào cuộc đời hẩm hiu bên người chồng tật nguyền, dù anh biết rằng có thể vì yêu anh, em sẵn sàng chấp thuận, nhưng anh không muốn…

- Bởi thế anh đánh điện cho em?

- Anh nhờ người bạn làm công việc đó. Lúc đó anh đang ở vào tình trạng bi quan nhất, anh chờ cưa chân. Anh tê điếng cả tâm hồn khi nghĩ đến chuyện xa nhau vĩnh viễn. Tâm hồn anh đã gởi ở nơi em hết rồi, xa em anh chỉ còn là một cái xác sống, nhưng còn biết sao hơn? Anh muốn em tin rằng anh đã chết, anh muốn em quên anh, vĩnh viễn quên anh để tạo dựng tương lai…

Tôi khóc, nước mắt mặn trên môi. Nước mắt ướt vai áo tôi và ngực áo chiến thương của Toản. Tôi không biết nói gì. Tôi lặng yên để hưởng lại những giây phút hạnh phúc mà tôi ngỡ mãi mãi không bao giờ còn được hưởng. Tôi thì thầm:

- Đó là những ý nghĩ trước kia, còn bây giờ?

- Giờ thì tất cả đã đổi khác. Chỉ cần một thời gian ngắn dưỡng bệnh nữa là anh hoàn toàn bình phục… Anh đã và đang nghĩ đến em. Anh định dành cho cho em một bất ngờ về ngày gặp gỡ… Anh bắt đầu xây lại giấc mơ hạnh phúc ở ngày mai.

Trong một lúc tôi hoàn toàn buông thả tâm hồn mình trong tình yêu diễm tuyệt. Tôi quên Du, quên hoàn cảnh hiện tại. Trước mắt tôi là Toản, sau lưng tôi là Toản, chung quanh tôi là Toản.

- Lệ Uyên… em đến giữa lúc anh không dám mơ ước. Em hiện đến như một nàng tiên với hào quang rực rỡ. em làm anh ngợp, anh tưởng mình mơ.

- Em cũng thế…

- Uyên biết không, đôi lúc anh cũng ngần ngại trong ý tưởng trở về của mình. Anh không biết mình sẽ đón nhận sung sướng hay đau khổ? Nếu em còn là Lệ Uyên của ngày xưa thì không nói gì, ngược lại, em tin anh đã chết và đã thay đổi hướng đời thì chắc anh sẽ quay về với sự cô đơn trọn kiếp.

Tôi choáng người. Câu nói vô tình của Toản quăng vút tôi từ khoảng cao vút mộng mơ đến hố sâu thực tế. Tôi chợt nhớ ra rằng mình sắp là vợ Du, tôi chợt nhớ ra bây giờ tôi không còn là của Toản, ít ra cũng trước mắt mọi người…

Môi tôi nghiến vào nhau để dằn tiếng nấc đau thương. Tôi muốn trách Toản sao nhắc làm gì để tôi trở về thực tại, sao không lặng yên để tôi hưởng thêm đôi chút hạnh phúc, thứ hạnh phúc ảo ảnh mà tôi đang cố ôm ghì sợ sẽ biến tan đi.

- Lệ Uyên?

Tôi nhìn Toản chờ đợi:

- Em buồn anh lắm phải không?

Tôi im lặng.

- Hình như em không được vui. Giữa chúng mình đã có gì thay đổi chưa Uyên? Đã có ai chiếm ngự trong tim em? Nói đi?!! Sao em buồn? Nhìn mắt em anh biết em đang giấu anh điều gì… Uyên có phải em đã có người…

Tôi van lơn:

- Đừng hỏi han gì em cả, Toản. Hãy biết rằng Lệ Uyên đang ở cạnh bên anh. Uyên của ngày xưa và bây giờ chỉ là một. Trong tâm em, không ai thay thế được anh…

Toản nồng nàn:

- Như thế là quá đủ cho anh. Cô bé, nhìn thẳng anh đây này… không có gì thay đổi giữa chúng ta phải không?

Không hiểu sao tôi gật đầu.

- Và anh có quyền hy vọng chứ em?

Tôi giương tròn đôi mắt, thu hết gương mặt thương yêu của người tình và hỏi Toản đột ngột:

- Nếu anh biết em đã có người yêu rồi thì sao?

- Anh sẽ ra đi.

- Anh không yêu em?

Tôi muốn đo lường tình cảm của Toản. Anh cười nhẹ:

- Có lẽ vì quá yêu em thì đúng hơn.

- Yêu em mà bỏ em?

- Người nào em đã chọn tức là em sẽ có hạnh phúc. Và không gì sung sướng bằng biết rằng người yêu mình được hạnh phúc.

- Anh không tranh đấu?

- Đôi khi mình cũng phải hy sinh chứ em.

Toản bóp nhẹ vai tôi:

- Mà sao Uyên hỏi anh câu hỏi đó?

Tôi lắc đầu:

- Có gì đâu… Em muốn hỏi.

- Vậy mà làm anh hết hồn. Anh tưởng em đã có người khác.

Tôi thở dài chua xót. Toản ơi, anh làm sao hiểu được Uyên? Anh làm sao cảm thông được hoàn cảnh hiện tại của em?

Em đang đứng trước mặt anh nhưng cảm thấy xa anh vô cùng. Khoảng cách chúng mình không gạch nối và bị dòng nước cuốn theo cho càng lúc càng xa nhau. Mình lao vào cơn sóng cuồng để rồi càng vùng vẫy càng bị đẩy ra khơi… Em nói sao với Du? Em nói sao với anh? Em yêu anh nhưng còn Du? Em làm sao thoát ra được màng lưới định mệnh đã giăng sẵn để hoàn toàn tự do lao vào nhà tù yêu dấu của anh? Em tưởng anh không còn trên đời nên tự mình vào một bẫy ngầm để an bài số phận… bây giờ…

Thấy tôi không nói gì, Toản tiếp:

- Lệ Uyên, những thử thách của chúng ta đã qua rồi. Từ bây giờ không còn gì để em lo nữa.

Tôi nghĩ thầm: “Không phải thử thách đã qua mà chỉ mới bắt đầu”




Giã từ người yêu tôi gọi xe đi thẳng về đường Cường Để. Tôi đi bộ, một quãng trên con đường lộng gió đầy lá me bay. Lá vương trên tóc, lá sà dưới bước chân tôi, những chiếc lá mỏng manh bé nhỏ như thân phận con người. Tôi chợt thấy mình còn lao đao hơn chiếc lá. Đầu óc quay cuồng, tôi thả những bước vô hồn vào nhà nguyện Carmel.

Những bậc thềm quen thuộc, ngôi nhà nguyện vắng vẻ lạ lùng. Tôi chạy đến quan tài Nữ Thánh Thérèse. Qua lớp thủy tinh trong suốt gương mặt Nữ Thánh dịu hiền, thanh thản. Tôi nhìn thật lâu vẻ thanh thoát của bức tượng, tôi nhìn thật lâu vào những đóa hồng tạc y như thật… Tôi không biết nói gì với Nữ Thánh. Những lời cầu nguyện thường lệ tôi không còn nhớ được gì, đầu óc tôi rỗng tuếch, tôi làm dấu trở ra và ngồi xuống bậc thềm.

Rất lâu như thế, tôi gục đầu vào vòng tay kê lên gối. Tôi nghĩ đến Toản, tôi nghĩ đến Du… Toản đã về và Du thì không thể ra đi, làm sao bây giờ. Tôi yêu Toản nhưng đã bị ràng buộc vào Du ít ra là trong lễ nghi hôn ước… Trước mắt mọi người tôi sắp là vợ Du nhưng với tôi, tôi là của Toản… Tình yêu, con toán phức tạp không dễ dàng giải đáp. Tôi dở cười, dở khóc, nhớ đến một bài thơ nói lên tình cảnh một người con gái giống mình, tôi lẩm bẩm đọc:

Tôi buông thân trong tay người

Chợt nghe mặn đắng nụ cười mỉa mai

Tóc xanh nửa mái xõa dài

Che nghiêng ánh mắt liêu trai thẳm buồn

Xin người ngừng lại nụ hôn

Cho tôi chết hẳn nửa hồn thương đau

Người về từ nẻo rừng sâu

Nhìn nhau… bỗng lạ lời đầu trên môi

Còn người sao lại còn tôi?

Khi hai ngã rẽ cuộc đời chia xa

Giờ tôi là của người ta

Giờ tôi… áo cưới, xe hoa đang chờ

Trả người một nửa mộng mơ

Tôi mang giấy bút viết thơ tạ tình

Bao lần tôi nghẹn lời kinh

Khi mong sớm dứt chiến chinh … người về!

Vì đời tan mộng đam mê

Vì người ta xóa hẹn thề cho tôi

Người ơi! Đã mất nhau rồi

Tôi không muốn dối bằng lời sắt son

Mai người trở lại tiền đồn

Xin cho tôi gởi nửa hồn băng trinh. (2)

………………..


Ngày xưa, đọc bài thơ đó tôi chỉ cảm thương cho người trong cảnh ngộ nhưng giờ này tôi mới thấm thía nổi tuyệt vọng, đớn đau… Tôi cũng đang là người con gái đó, tình yêu trong tầm tay mà run rẩy bước xa dần…

Một bàn tay nhẹ đặt lên vai tôi. Tôi ngẩng lên bắt gặp gương mặt hiền từ của một nữ tu già, Soeur dịu dàng:

- Em sao vậy?

Tôi khẽ chớp mắt:

- Thưa Soeur, tối rồi phải không?

- Đó không phải là vấn đề. Nhưng Soeur thấy em hình như ở trong trạng thái tinh thần không được bình thản.

- Em ngồi lâu lắm không Soeur?

Soeur gật đầu.

- Khá lâu. Điều đó làm Soeur ngạc nhiên. Em đang buồn lắm phải không?

Tôi gật nhè nhẹ. Soeur ngồi xuống cạnh tôi:

- Soeur có thể là người bạn của em không?

Mắt tôi đầy cảm kích:

- Soeur tốt quá.

- Em cần người chia sẻ?

Giọng tôi rưng rưng:

- Hoàn cảnh em khổ lắm Soeur ạ. Chả có ai giải quyết được cho em cả. Tâm tư em đặt trong tình trạng khủng hoảng dễ sợ… Soeur ơi, sao đời còn có những người con gái khổ như em?

Soeur dịu dàng vuốt tóc tôi. Cử chỉ âu yếm, cởi mở làm tôi thấy tâm hồn dịu lại. Tôi để yên cho người nữ tu an ủi. Có lẽ lúc này tôi cần một bàn tay dịu hiền như thế. Giây lâu, tiếng Soeur thật nhẹ:

- Tên em?

Tôi đáp:

- Thưa Soeur, Lệ Uyên.

- Em còn trẻ quá. Bao nhiêu tuổi Uyên nhỉ?

- Em hai mươi hai…

- Sao hôm nay Uyên buồn?

- Em mang tâm sự đến chia sẻ với Thánh Nữ Thérèse.

- Nữ Thánh nói gì với em?

- Thưa không. Nữ Thánh chỉ bảo em ráng mà quên.

Soeur lập lại:

- Quên?

- Vâng.

- Sao lại quên? Quên ai?

- Người yêu của em.

Giọng Soeur chùng xuống:

- Hoàn cảnh ngang trái hở Lệ Uyên?

Tôi gục đầu vào tay người nữ tu già khóc như một đứa bé. Nước mắt như không giới hạn trào ra, trào ra mãi. Trong cơn tức tưởi, tôi kể lại tất cả… Tôi nói với Soeur, tôi nói với mình, tôi nói cả với Du, với Toản…

Soeur nghe hết, Soeur gật gù chấp nhận rằng đó là hoàn cảnh khó khăn. Tôi hỏi ngắn:

- Giờ em phải làm sao?

Soeur ngần ngừ, tôi giục:

- Soeur nói đi. Soeur cho em một lời khuyên đi,

- Tuổi trẻ ai cũng gặp những việc rắc rối. Thường là đến một lúc nào đó, khá lớn, người ta mới nghĩ được cách giải quyết êm đẹp, nhưng những phương cách đó, lúc trẻ người ta không bao giờ chấp nhận.

Tôi tròn mắt:

- Em không hiểu…

Mắt Soeur thoáng vẻ mơ mộng xa xăm…

- Lúc ở vào lứa tuổi em bây giờ, Soeur cũng đã từng gặp nghịch cảnh.

- Trong đời sống tu hành?

- Không, lúc đó Soeur chưa vào dòng.

Tôi tò mò:

- Chắc là một chuyện tình đẹp phải không Soeur?

- Chuyện tình nào cũng đẹp… chỉ có kết thúc vừa ý mình hay không.

- Soeur kể em nghe đi.

Bằng giọng đều đều, Soeur kể cho tôi nghe chuyện hai mươi mấy năm trước.

Ngày đó Soeur yêu một thanh niên học cùng trường. Tình yêu đến một độ cao, thì gia đình Soeur ngăn cấm. Lý do: người đó không cùng tôn giáo, mà cách đây ba chục năm việc tôn giáo hòa đồng là một chuyện không thể có. Bằng mọi cách, gia đình tách rời hai kẻ yêu nhau. Soeur than van khóc lóc, sự việc cũng không thể nào cứu vãn. Một bài toán không bao giờ tìm ra đáp số. Gia đình hứa chìu Soeur trong tất cả mọi ước muốn trừ việc lập gia đình với người khác tôn giáo.

Tôi nôn nao ngắt lời:

- Rồi Soeur làm sao? Soeur đi tu à?

- Chưa. Lúc đó Soeur khổ quá đến nỗi không nghĩ gì được. Soeur cũng bị căng thẳng như em bây giờ. Trong gần cả tháng trời, Soeur nằm vùi, cơn đau tâm hồn và cơn đau thể xác làm Soeur trở nên tiều tụy… người yêu cũng tìm đủ cách để được gặp nhưng những cuộc gặp gỡ lén lút chỉ làm khổ thêm khi hai đứa chia tay. Những lời an ủi không làm vơi được tuyệt vọng. Soeur sống trong sự khắc khoải từng ngày…

Soeur ngừng nói. Tôi nhìn trên nét mặt khắc khổ còn sót lại những đường nét thanh tú của ngày xưa và chắc rằng lúc trẻ Soeur đẹp lắm… một thiếu nữ trẻ, đẹp bị dằn vặt giữa con toán bí của tình yêu… Tôi xót xa thở dài:

- Chắc Soeur khóc nhiều lắm?

- Hầu như không còn nước mắt để khóc. Soeur hiểu rằng không thể làm gì khác hơn là xa nhau, mà phải xa người yêu thì cuộc sống chỉ còn là một chuỗi ngày vô nghĩa… sau cùng thì người ấy bỏ tỉnh ra đi sau khi viết lại một lá thư bằng tất cả chân tình lẫn tuyệt vọng. Người ấy vào lính. Còn Soeur, Soeur xin vào cô nhi viện săn sóc những đứa trẻ mồ côi.

- Rồi bao lâu nữa Soeur mới đi tu?

- Cũng khá lâu. Khi tâm hồn Soeur đã bình lặng trở lại. Soeur thấy không còn luyến tiếc gì cuộc sống thế gian nữa nên Soeur xin hiến mình vào nhà Chúa…

Soeur nhìn sâu vào mắt tôi:

- Bao nhiêu năm rồi, Soeur quên tất cả. Cuộc sống của Soeur bây giờ là một chuỗi sống thanh thản vô cùng. Soeur quên rằng một ngày nào đó của dĩ vãng Soeur cũng đã gặp tình yêu…

Tôi chợt nhoẻn cười:

- Và em làm Soeur nhớ lại?

- Hoàn cảnh em giờ có lẽ còn rắc rối hơn… nhưng không có rắc rối nào mà không có cách giải quyết… có điều mình chấp nhận cách giải quyết đúng hay không.

Tôi trở lại vẻ thảm não:

- Đã là cách giải quyết đúng thì mình chấp nhận chứ Soeur.

- Đôi lúc không hợp ý mình Uyên ạ. Dù đó là phương cách hoàn toàn nhất. Chỉ vì cách giải quyết nào được đưa ra cũng nặng phần lý trí hơn con tim.

Tôi hiểu Soeur muốn nói gì. Tôi lẩm bẩm:

- Nhưng em yêu Toản quá nhiều. Em chỉ làm vợ Du khi biết rằng Toản đã chết.

- Sao bây giờ em không coi là Toản đã chết rồi?

- Không được Soeur ơi, Toản còn sống. Chính mắt em thấy và em cũng hiểu rằng suốt cuộc đời em chỉ yêu có Toản.

Tôi đưa hai tay ôm lấy đầu:

- Nếu em bỏ Du một cách dễ dàng được… trời ơi, tại sao em lại không thể dứt khoát với Du được? Tại sao em là lại vị hôn thê của Du?

Tôi nắm chặt tay Soeur, lắc mạnh:

- Không thể được, Soeur, em không thể làm vợ Du, em sẽ tranh đấu bằng mọi cách để được trở về với Toản…

Giọng Soeur buồn buồn:

- E rằng em thất bại, thà đừng tranh đấu sự chấp nhận sẽ ít đau khổ hơn.

Tôi lắc đầu:

- Em không thể mất Toản… em phải thắng…

- Uyên quên rằng Du không có lỗi, Uyên cũng không có lỗi. Chỉ tại bức điện tín của Toản… nếu Toản không dàn cảnh để em thấy Toản chết, có phải em vẫn chờ và mọi việc đã tốt đẹp rồi không?

- Nhưng chỉ tại Toản yêu em, Toản muốn hy sinh…

- Đó là một dấu chấm của định mệnh. Vì yêu em, bây giờ Toản cũng có thể hy sinh… Uyên thấy không, Du vô tội mà là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Cả gia đình em cũng sẽ khổ nếu em cương quyết hủy lễ hỏi. Dù sao đó cũng là một điều khó xử cho người lớn…

Tôi im lặng. Soeur tiếp:

- Cố gắng để lý trí tham dự một phần trong hoàn cảnh này Uyên ạ… Để mai sau em không ân hận.

- Em sẽ không bao giờ ân hận nếu được trở về với Toản. Chúng em đã có bao nhiêu kỷ niệm tuyệt vời để trang trải lên khoảng đời sóng gió có thể đến trong tương lai… Bên Toản em sẽ hạnh phúc hoàn toàn… Em cám ơn lời khuyên của Soeur, nhưng em sẽ cố gắng tranh đấu.

- Thỉnh thoảng em ghé qua cho Soeur biết nhé.

- Vâng, em sẽ ghé thăm Soeur… Bây giờ em về… Soeur góp lời cầu nguyện cho em…

Soeur gật đầu nhè nhẹ! Tôi đứng lên, tóc và áo tung bay trong gió đêm… Con đường Cường Để vẫn im lìm khi tâm tư tôi sôi sục bao nhiêu ý tưởng…

Tôi bước vào nhà. Du đang ngồi ở salon đứng bật dậy. Du đến bên tôi lo lắng:

- Em đi đâu cả một buổi chiều? Anh đến đón em đi thăm anh Toản mà không có…

Tôi cảm thấy hồi hộp:

- Rồi anh đi một mình?

Du lắc đầu:

- Không. Không có em anh buồn quá nên ở nhà nói chuyện với các em… Uyên, em đi đâu mà nhà không biết?

Nụ cười trên môi tôi gượng gạo:

- Em đến nhà cô bạn… buồn quá…

Mắt Du thăm thẳm:

- Em buồn… anh có thể chia sẻ không Uyên?

Tôi thoái thác:

- Chỉ là nổi buồn bâng quơ… Đôi khi em cũng không hiểu chính em nữa.

- Anh thấy em có vẻ mất sức. Mấy hôm nay em xanh lắm…

Đột nhiên tôi gằn giọng:

- Anh khỏi phải lo cho em. Em là người lớn chứ không phải đứa con nít mà lúc nào cũng cần người ta chăm sóc… Em biết anh là bác sĩ, nhưng anh lo cho bệnh nhân của anh đi, em không cần…

Mắt Du đầy ngạc nhiên. Anh ấp úng:

- Kìa Uyên, sao bỗng dưng em lại bực tức với anh. Anh lo cho em là vì anh yêu em…

Tôi cắt ngang:

- Yêu… Bộ cứ yêu là người ta bị đóng khung vào một cái hộp hay sao? Lúc nào anh cũng hỏi han y như em là một món đồ trong tay anh… Anh muốn chen vào tất cả những ý nghĩ riêng tư của em… Anh làm em cảm thấy mất hết cả những sự tự do nhỏ nhặt nhất.

Tôi nói một hơi, không cần biết mình có lý hay vô lý. Tôi nói trong sóng mắt đầy ấp ngạc nhiên của Du. Tôi thấy trán anh cau lại. Tôi chờ cơn giận của người con trai bốc lên bởi những lời lẽ hồ đồ của tôi. Tôi chờ đợi những lời hằn học của Du để phản kháng, để làm nguyên nhân cho một cuộc chiến tranh mà tôi không hiểu mình sẽ thắng hay bại. Nhưng không, ánh mắt Du từ ngạc nhiên đến dịu dàng, và anh nắm nhẹ tay tôi:

- Anh xin lỗi đã làm em bực mình… có lẽ em khó ở, tha lỗi cho anh. Thôi bé đi thay đồ cho mát.

Tôi không cám ơn sự rộng lượng của Du, tôi bỏ đi thẳng vào phòng trước đôi mắt nghiêm khắc của mẹ, nhưng tôi lờ đi. Tôi hiểu sự khó khăn đã bắt đầu.

Tôi vào phòng, thay vội áo dài rồi vùi đầu xuống gối. Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi để mặc nước mắt tự do, tôi để mặc những tiếng nấc thoát ra không dằn lại. Tôi khóc và tôi gọi tên Toản hằng trăm lần…

Mẹ vào, ngồi xuống bên tôi:

- Uyên, con làm sao vậy?

Tôi lắc đầu:

- Không có gì. Mẹ cho con yên.

- Không được. Con không nên giấu mẹ. Có chuyện gì xảy đến cho con… Toản trở về phải không?

Tôi ngẩng lên, mở to mắt nhìn mẹ:

- Sao mẹ biết?

Đến phiên mẹ hỏi dồn:

- Nó về thật à?

- Thì mẹ vừa hỏi con…

- Mẹ chỉ hỏi vì thấy thái độ của con đối với Du kỳ lắm. Thà đừng nhận lời người ta, dù gì thì con cũng sắp là vợ nó, sao con đối xử với nó tệ vậy… Còn Toản, nó đã chết có lý nào sống lại trở về…

Tôi nấc lên trong giọng nói nghiêm trọng của mẹ:

- Uyên, bình tĩnh kể cho mẹ nghe tất cả đi.

Tôi kể lại cuộc gặp gỡ Toản trong bệnh viện. Mẹ nghe chăm chú, thỉnh thoảng mẹ thở dài. Tôi kết luận:

- Giờ mẹ cho phép con trở lại với Toản…

Mắt mẹ đầy thương mến lẫn nghiêm nghị:

- Con không thương thằng Du?

- Con chỉ mến Du. Con nhận lời Du vì ngỡ Toản đã chết.

- Con quên rằng đời con gái chỉ một lần và hôn nhân không phải là chuyện đùa?

Tôi cúi mặt:

- Con hiểu.

Mẹ hỏi tiếp:

- Du là em Toản?

- Dạ, em họ.

- Như vậy con không thấy khó khăn khi bãi hôn với Du, mọi người trong gia tộc bên nó đều biết để rồi một ngày nào đó con về làm vợ Toản hay sao? Họ sẽ nghĩ về con như thế nào?!

Tôi nghẹn. Điều mẹ nói tôi chưa hề nghĩ, tôi chỉ biết tôi yêu Toản và không muốn xa anh… Nhưng dù sao đó cũng không phải là động lực khiến tôi quy hàng. Tiếng mẹ đều:

- Nếu Du và Toản không biết nhau, mẹ có thể cắn răng nhìn con bước qua hàng rào lễ giáo, mẹ có thể chịu đựng lời dị nghị của họ hàng vì mẹ coi thường lời hứa với người lớn để con đi theo hạnh phúc mà con lựa chọn. Còn đằng này… khó khăn không phải cho mẹ mà là cho con… Mẹ đồng ý là tình yêu sẽ xóa bỏ được những chướng ngại… nhưng đó là chướng ngại do người khác giăng ra, ở đây là chướng ngại ngay ở tâm hồn con, ở tâm hồn Toản… Con có giấu thì rồi Toản cũng sẽ biết… Chỉ cần nó nghĩ rằng nó đã cướp vợ của một đứa em là hạnh phúc con lung lay…

- Con xin mẹ. Mẹ đừng nói nữa. Con sợ những viện dẫn của lý trí… Mẹ cho con yên.

Mẹ đứng lên:

- Con nghỉ đi. Ráng nằm một lát cho khỏe. Mẹ bảo em nó đi mua phở con ăn nhé.

- Con không đói mẹ ạ.

- Vậy con nghỉ đi.

- Mẹ.

- Gì vậy Uyên?

Mẹ trở lại và tôi gục đầu vào tay mẹ.

- Con khổ quá mẹ ơi.

- Mẹ hiểu. Con gái yêu của mẹ, rồi Chúa sẽ giúp con thấy con đường con phải đi. Ráng giữ cho tâm hồn thanh thản một chút. Sự sáng suốt không đến trong lúc mệt nhọc.

- Mẹ nói Du về đi. Con mệt không thể tiếp chuyện anh ấy.

Mẹ gật đầu:

- Được mẹ sẽ nói con ốm.

Mẹ ấn tôi nằm xuống giường:

- Nhắm mắt lại đi, con cưng. 

______________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 5
 

 

CHƯƠNG 3_CHẮP CÁNH


3


Tôi đến với Nhất Phương, với Vũ Linh. Tôi không nói gì với những người trong mộ, vì tôi nhớ Toản nói ngôn ngữ người sống và kẻ chết không hợp nhau. Tôi mua hoa huệ nhưng cố gắng sắp mãi mà không thành một mẫu tự nào. Kinh Kính Mừng tôi vẫn đọc nhưng không biết nguyện cầu những gì khi Toản đã không còn ở trên đời. Lời nguyện cầu duy nhất là xin bình an cho anh. Giờ Toản đã vĩnh viễn bình yên, cuộc sống anh không còn bị khuấy động bởi tiếng đạn bom, và tôi cũng đang đưa mình đến một nỗi bình yên tang chế, thế là xong.

Tôi nghĩ đến tu viện với một nếp sống yên tĩnh cho tâm hồn miên viễn nhưng tôi đã dừng lại ý nghĩ đó. Tôi hiểu những đợt sóng ngầm từ tận cùng tâm hồn tôi sẽ không thể nào lặng yên trở lại bởi sự yên tĩnh bề ngoài. Chúng chấp nhận những người đến với Ngài bằng một tâm nguyện chân thành chứ không chọn những kẻ tuyệt vọng tưởng mình có thể tìm sự thanh thoát bằng cuộc đời tu hành. Ngọn núi lửa phun lửa từ lòng núi và những đớn đau trong tôi được dồn nén cũng sẽ trở thành những cuộc nổi loạn khó trị mà nếp sống bình lặng của tu viện chỉ làm tan tác thêm vết thương lòng.

Nhìn Mẹ, nhìn các em, tôi thấy mình có lỗi. Mẹ có tội gì đâu? Các em có tội gì đâu mà phải chịu đựng tôi trong trạng thái bất thường này? Tôi nuốt nước mắt để gượng cười trước mặt mẹ, trước mặt em, nụ cười của tôi là một niềm tin cho mẹ, cho em. Tôi quên dần tôi để sống cho những người thân yêu. Tôi chắc đó là điều làm Toản vui dù anh đang ở một cõi hư vô nào đó.

Sinh tìm đến với tôi, Hùng tìm đến với tôi. Tôi nhìn những người bạn cũ bằng ánh mắt cảm kích một đeo đuổi lâu dài. Trước mắt tôi ai cũng thế. Hơn một lần mẹ phân trần cho tôi nghe về cuộc sống.

- Dù sao thì Toản nó cũng không còn. Đâu phải là con phản bội mà là một thực tế con phải chấp nhận là không ai sống mãi một mình nếu không đi tu. Chắc linh hồn Toản cũng mong muốn con được hạnh phúc.

Tôi nói nhỏ:

- Con hiểu mẹ ạ. Con biết Toản đã chết và con không còn lý do gì để đợi chờ. Con chấp nhận tất cả những gì sẽ đến nhưng không phải là bây giờ. Con sẽ quyết định khi sóng gió trong tâm hồn đã lắng xuống.

Tôi đã nói thật với mẹ ý nghĩ của mình. Tôi đã không đi tu thì tôi sẽ lấy chồng. Dù thời gian có đem lại cho tôi một lần yêu nữa hay không. Thời gian vẫn là liều thuốc tiên xóa nhòa những niềm đau dĩ vãng. Nhưng tình yêu của tôi với Toản đã xâm nhập cả những tế bào trong thân thể, đã có trong từng hơi thở, đã nằm trong máu luân lưu thì sự xóa nhòa không dễ, tôi chỉ có thể khép kín trái tim để chấp nhận kẻ đến sau bằng tình cảm của con người với con người.



*

Tôi đối diện Du bởi chiếc bàn nhỏ. Những bông hồng trong bình thủy tinh, ánh đèn màu ấm dịu làm không khí có vẻ ấm cúng. Anh Thành mời tôi dùng cơm tối với anh và người bạn – Du – Thành con bác tôi cũng là người anh tôi thương nhất.

Du vừa ở ngoại quốc về với cấp bằng Bác Sĩ. Tôi không phải là không hiểu thâm ý của anh Thành nhưng không có lý do để trách anh. Tôi hiểu anh muốn tôi có người để vơi bớt những khắc khoải của kỷ niệm.

Anh nói với tôi:

- Du là bạn anh. Nó chân thật và hiền. Chừng đó tưởng đủ để anh yên tâm. Chinh phục được em hay không là chuyện của nó cũng như chấp nhận hay chối từ là quyền của em. Anh chỉ biết anh thương em gái anh và đưa đến cho em một người bạn.

Tôi cười:

- Anh học nghề “ làm mai ” bao giờ thế?

- Chắc là từ lúc em buồn.

Đưa tôi và Du vào đây anh Thành bảo mua thuốc hút. Tôi hiểu đó chỉ là một cái cớ và tôi thấy Du nhìn anh có vẻ biết ơn.

Tôi lên tiếng trước:

- Anh Du về nước lâu chưa ạ?

- Gần một tháng, chắc Uyên có nghe anh Thành nói?

Tôi lắc đầu:

- Không. Uyên nghe tên anh hôm nay là lần đầu. Bạn bè anh Thành Uyên ít biết lắm.

Du cười nhẹ:

- Tôi với Thành thân nhau khá lâu.

Chợt nhớ đến Vũ Linh và Toản, tôi sa sầm nét mặt. Du bối rối.

- Hình như Uyên không được vui?

Tôi chống chế:

- Không có gì. Đôi lúc những suy diễn của tâm hồn mình không đi đôi với nét mặt.

- Nghĩa là Uyên vui?

Tôi đưa ly nước ngọt lên môi:

- Có lẽ.

- Sao lại có lẽ? Uyên không thể cho tôi một danh từ xác định?

- Uyên không muốn giả dối. Dù sao chúng ta cũng mới biết nhau.

Du nhìn tôi, giọng anh thật ấm:

- Anh thì đã biết Uyên lâu rồi.

Tôi tròn mắt:

- Thật hả anh?

- Ít ra anh cũng biết mặt Uyên trước khi gặp. Bởi vậy sự bỡ ngỡ nơi anh không có. Điều đó chắc làm Uyên khó chịu?

- Anh Thành hả anh?

Du gật đầu:

- Thành nói với anh là có cô em gái đang buồn, và anh thì không có cô em gái nào để nghe nũng nịu nên nói với Thành khi về nước anh sẽ xin được thay thế nó để chìu cô bé.

Du ngừng, nhìn vào mắt tôi:

- Uyên cho phép anh chìu không?

Tôi xoay chiếc ly trong tay:

- Chỉ sợ anh chìu không nổi.

- Anh cố gắng.

Anh Thành trở lại. Vừa kéo ghế ngồi anh vừa nói:

- Tìm mua gói thuốc mà phải đi mãi Lê Lợi mới có.

Tôi nói mát:

- Đường Lê Thánh Tôn mấy sạp bán thuốc dẹp hết hở anh?

Thành nheo mắt nhưng tôi lờ đi. Anh cười:

- Thế nào Du? Cô bé có chịu nói chuyện với mày chưa?

- Uyên đang thách tao chìu nổi cô ấy.

- Mày bảo sao?

- Cố gắng.

Tôi bật cười. Anh Thành ba hoa:

- Con nhỏ này cứng đầu lắm đấy. Tao là anh nó còn không chìu nổi, mày liệu.

- Anh làm như em khó tính lắm.

- Không khó nhưng đủ chết người.

Du nói:

- Giá anh biết Uyên trước thời gian du học thì hay biết mấy, ít ra là thỉnh thoảng nhận được những cánh thư với chân tình từ quê hương. Xa quê nhớ gớm Uyên ạ.

Tôi không tin Du nói thật nhưng ít ra câu nói vuốt ve được lòng tự ái của tôi. Anh Thành chen vô:

- Hồi mày mới du học, con nhỏ này còn mút cà rem.

- Giỡn hoài. Bảy năm trước em cũng …

- Mười bốn tuổi phải không?

Tôi nói nhỏ:

- Mười lăm chứ bộ.

- Thì còn đòi cà rem chứ còn gì?

Tôi nguýt anh Thành một cái nên thân:

- Anh chỉ giỏi bắt nạt em.

Một vài khoảng thời gian tôi cảm thấy thoải mái. Nụ cười của Du chân thật và tôi thấy rõ Du dành cảm tình cho tôi thật nhiều, đó là điều mà tất cả những người con gái đều mong muốn.

Khi hai anh em về nhà, anh Thành hỏi tôi:

- Em thấy Du thế nào?

- Còn sớm quá để anh đặt câu hỏi đó.

- Anh biết. Nhưng ít ra em cũng có những nhận xét đại khái.

- Tạm được. Hắn có thể là bạn em.

Anh Thành xoa tay:

- Vậy tốt. Tình cảm dần dần rồi sẽ đến. Anh chỉ sợ em chê nó từ đầu. Anh cố tình cho em một người bạn nhưng chưa bằng lòng ai ngoài Du. Anh hiểu hắn nhiều.

Tôi lẩm bẩm:

- Dù có ai đi nữa thì cũng chỉ đứng bên lề ngôi vị của Toản. Toản mãi mãi là hình ảnh ngự trị trong tim em.

Anh Thành thở dài:

- Anh hy vọng thời gian sẽ giúp em quên.

Tôi lắc đầu:

- Khó lắm. Trừ phi là phép màu.

- Đôi khi phép màu cũng hiện ra, nhất là đối với một tấm lòng thành.

Tôi cười:

- Anh tin Du nhiều quá.

- Anh hiểu nó.

*

Tôi mở lời trên đề nghị của mẹ:

- Con mới quen Du chưa được sáu tháng, làm gì quyết định vội vậy mẹ?

- Mẹ tưởng thời gian cũng đủ để con hiểu nó. Dù sao thì có thương con thành thật nó mới xin hỏi cưới. Con trai bây giờ dễ gì lấy vợ.

Tôi lắc đầu:

- Con chưa quên được Toản.

Anh Thành chen vô:

- Rồi sẽ quên Uyên ạ. Đời có gì tuyệt đối. Quan trọng như thể xác mình rồi cũng sẽ chết, sẽ rữa mục.

Mẹ tiếp:

- Gia đình ai cũng muốn con hạnh phúc, không ai ghét con mà khuyên vậy đâu.

- Con hiểu. Con đã đủ lớn để hiểu con phải làm gì. Con không phủ nhận rằng con có cảm tình với Du, nhưng tình cảm đó, thời gian đó chưa đủ để quyết định sống bên Du trọn đời.

Anh Thành nghiêm giọng:

- Em còn hy vọng gì ở Toản?

- Ở Toản? Toản chết rồi. Người chết không thể sống lại. Em không đặt vấn đề hy vọng mà chỉ vì em chưa muốn …Em có quyền của em. Du có thương thì cứ đợi.

- Em không nghĩ rằng thời gian sẽ làm người ta chán nản?

Tôi nhún vai:

- Em không cần. Nếu Du không đợi được thì có gì đáng nói nữa đâu? Chân thành yêu em, Du sẽ chờ.

Anh Thành lắc đầu:

- Chịu cô. Bướng thế là cùng.

Tôi cười mát:

- Không ngờ có ngày mẹ và anh ép buộc em trong việc mà chỉ có con tim mới có quyền quyết định.

- Anh không ép, thím cũng không ép. Ai cũng chỉ muốn em được hạnh phúc.

Tôi bướng:

- Hạnh phúc gì khi em không yêu? Không có tình yêu thì cuộc sống chung chỉ là địa ngục.

- Thôi Uyên, đừng cãi anh. Anh con có nói trái đâu? Con chưa muốn thì thôi. Mẹ chỉ khuyên con thấy người ta chân thành, lại có tương lai có thể bảo đảm cuộc sống con mai sau. Mẹ không muốn con xử tệ khi họ đối xử đẹp với mình.

Đột nhiên cơn tức bực tràn lên cổ họng tôi. Hình ảnh Toản chập chờn trước mắt. Tôi run lên uất ức. Gia đình là như thế sao? Tình thương là như thế sao? Tôi không yêu sao mẹ cố gán tôi vào? Tôi không yêu sao anh Thành bảo tôi chấp nhận? Mọi người làm chút cảm tình tôi vừa nhen nhúm cho Du chợt dưng tan biến. Không, Toản còn kia. Toản rõ ràng trước mặt tôi. Tôi không thể quên anh và không một quyền lực nào buộc tôi quên anh được. Tôi nói như gào:

- Sao ai cũng độc đoán với tôi hết vậy? Cuộc đời tôi, tôi không được quyền định đoạt hay sao? Tôi lấy chồng cho tôi hay cho gia đình?

Anh Thành ghìm chặt vai tôi:

- Uyên, em điên rồi – Sao em nói vậy?

Nước mắt tôi ràn rụa:

- Tôi không cần anh. Anh chỉ nghĩ đến bạn anh, anh chỉ chú trọng đến cuộc sống vật chất mà không nghĩ gì đến tâm hồn hết. Anh nghĩ rằng tôi sẽ sống trong nhung lụa mà không nghĩ rằng tôi có thể chết dần mòn trên đống nhung lụa đó… Anh ác lắm…

Tôi tính nói thêm “cả mẹ, mẹ cũng không thương con”… nhưng tôi kịp nhìn thấy mắt mẹ long lanh như muốn khóc. Nỗi phẫn nộ trong tôi chợt dịu xuống. Anh Thành vuốt tóc tôi:

- Thôi bỏ đi cô bé. Bình tĩnh rồi nói chuyện. Chỉ tại em bực tức chứ anh có nói gì đâu.

Tôi nói một mình.

- Thật khó mà quên Toản.

- Tình yêu bao giờ cũng có lý. Anh nhận định theo khối óc, em nhận định theo con tim. Nhưng khi nào em có một phần lý trí vào nhận định em sẽ thấy anh nói đúng.

Tôi thấy mình hơi vô lý nhưng không dằn được những câu phản kháng bướng bỉnh. Tôi hiểu mẹ nhượng bộ, anh Thành nhượng bộ là để tôi khỏi chán nản. Tôi nhận rõ mình không yêu Du nhưng muốn giữ mãi tôi cho Toản, tôi phải tranh đấu và cuộc chiến không phải dễ. Tôi đơn phương tranh đấu với những lập luận không vững chắc. Giữ mình cho người sống dễ nhưng giữ cho người chết thật khó. 


*

Tôi bước ra phòng khách, Du nhìn tôi buột miệng:

- Uyên đẹp quá. Giá bây giờ chúng mình đi phố thì tuyệt.

Tôi ngạc nhiên:

- Không đi phố? Anh định chúng ta đi đâu?

Du dìu tôi ngồi xuống salon:

- Mai mình đi nghe em. Hôm nay anh muốn đưa em đi thăm người con bác Tám bị thương ở Tổng Y viện Cộng Hòa.

Du nói thêm:

- Anh Toản bị thương mà không cho gia đình hay gì cả. May thằng bạn anh vô thăm người quen gặp anh ấy. Mình đi thăm một chút đi Uyên.

Tôi thảng thốt:

- Anh ấy tên gì?

- Toản.

Du nhìn tôi chăm chú:

- Có gì lạ không em? Em có quen?

Tôi lặp lại:

- Toản!

Đầu óc tôi quay cuồng muôn ngàn ý nghĩ. Toản!! Du muốn nói Toản nào?? Toản anh của Du hay là Toản – người yêu của tôi?! Trời ơi! Có lý nào. Toản chết rồi cơ mà. Bức điện tín báo tử tôi còn cất trong hộc bàn!! Toản không còn nữa tôi mới tuyệt vọng đính hôn với Du để làm vui lòng mẹ. Tôi đã khổ quá nhiều, bây giờ định mệnh còn muốn đày đọa tôi sao nữa?! Không, nhất định không phải Toản của tôi, nhất định là anh của Du, chỉ là tên trùng tên, nhất định.

Nhưng… biết đâu!!

Tôi ngồi lặng. Du đứng lên nhưng thấy tôi xanh xao, anh hốt hoảng kêu lên:

- Uyên! Em làm sao vậy?

Tôi mệt nhọc chống chế:

- Nghe anh nói bị thương em nghĩ đến máu và chóng mặt… Với lại ngày còn đi học em cũng có người bạn tên Toản. Em liên tưởng đến anh ta.

Du cười:

- Em nhiều tưởng tượng thật. Yên chí đi, không phải bạn học của em đâu.

Tôi muốn nói với Du “Có thể còn hơn bạn học nữa anh à. Người yêu của Uyên đó”. Nhưng tôi dằn được. Tôi nhìn gương mặt Du, người con trai đã đặt vào tôi tấm chân tình tha thiết. Du tin tưởng tôi hoàn toàn. Anh chịu đựng một cách kiên nhẫn những nỗi buồn bất chợt của tôi. Chính sự chân thành của Du đã chinh phục tôi, không phải khía cạnh yêu đương mà là khía cạnh mến trọng. Thời gian xa Toản ngày càng dài. Nỗi tuyệt vọng lắng dần xuống như những chiếc lá úa phủ dày lên mộ phần dĩ vãng. Tôi không quên Toản nhưng chấp nhận Du trong tình người. Tôi nghĩ với Du mai sau, tôi không là một người tình, như với Toản nhưng là một người vợ biết bổn phận… Du hiểu hay không hiểu ý nghĩ tôi, tôi không biết. Nhưng tôi biết quyết định của tôi làm mẹ vui. Lễ đính hôn của chúng tôi kéo dài ba tháng thì đám hỏi. Và Du định vài tháng nữa, khi phòng mạch của anh vững rồi chúng tôi sẽ làm đám cưới.

Thôi cũng yên một đời. Tôi tạ tội với Toản bằng máu tim mình và bao đêm khóc thầm cũng đủ. Toản chết là yên. Tôi sống tôi phải lo, phải chấp nhận sự an bài của định mệnh. Du yêu tôi và Du tế nhị, anh biết tôi tuyệt vọng trong tình yêu và đang tìm quên nên hết sức chìu chuộng tôi. Mẹ rất hài lòng về điểm này và anh Thành dường như cho đó là một thành công rực rỡ trong đời “làm mai” của anh.

Tôi tưởng giòng nước mắt đã xuông và quên đi bến cũ. Nấm mồ dĩ vãng được vun bồi ngày càng dày, càng lịm, không ai khơi quật… Sự bình thản rồi cũng dần dần chiếm những khoảng suy tư khắc khoải xưa… Tôi tưởng…

Vậy mà bây giờ Du lại vừa nhắc đến Toản. Dù tôi chưa biết chắc có phải là Toản của tôi không, nhưng đó cũng là một vết chém làm toạc trở lại vết thương chưa khép.

Du làm sao hiểu điều đó, anh giục:

- Mình đi nhé em?

Tôi thoái thác:

- Hay là anh đi một mình, em không đi đâu.

- Sao vậy?

- Tự dưng em thấy sợ nhà thương thế nào…

Du cười âu yếm:

- Cô bé lại nghĩ vớ vẩn rồi. Có gì đâu mà sợ, cưng. Nơi bệnh người ta nằm làm sao dễ sợ bằng phòng cấp cứu mà anh có một lần đưa em đến? Đây là anh Toản, anh ấy sắp bình phục rồi mà.

Tôi cố giấu những ý nghĩ của mình, tìm cớ với Du:

- Nhưng không hiểu tại sao hôm nay em không muốn đến những nơi đó.

Du có vẻ buồn:

- Anh không ép em, nhưng hy vọng được giới thiệu em với những người thân của anh, anh muốn mọi người biết em.

Tôi cười mơn:

- Rồi ngày đám cưới mọi người cũng sẽ biết, anh lo gì. Bộ cô dâu trốn đâu được hay sao.

Du im lặng, tôi an ủi:

- Nghe em, chìu em đi anh. Đi thăm anh Toản hộ em.

Du lắc đầu:

- Thôi, hôm khác anh đi. Bữa nay để đưa em đi phố đã. Bé đã sửa soạn thế này mà bắt ở nhà thì tội quá.

Tôi ngồi lặng đi không biết nói sao. Thật sự tôi rất muốn đi với Du đến thăm Toản. Tôi vừa muốn được nhìn thấy lại người tình vừa muốn gặp một kẻ xa lạ để xác định với tôi lần cuối rằng Toản không còn trên đời. Nhưng tôi sợ… Tôi sợ không tự chủ nổi nếu thật sự Toản còn sống, mà với hoàn cảnh hiện tại của tôi, sự tái ngộ chỉ gây thêm đau đớn. Hơn thế, nếu Toản anh của Du không phải Toản của tôi thì tôi sẽ thất vọng đến đâu…

Tất cả những mâu thuẫn vây bọc, dồn tôi vào bước đường cùng. Tôi muốn đứng lên với Du nhưng một sức mạnh vô hình kéo ghì tôi lại.

Vẻ rối loạn của tôi không giấu được Du. Anh lo lắng:

- Anh thấy em có vẻ khác lạ. Sao vậy Uyên?

Tôi gượng cười:

- Có gì đâu anh?

Du lắc đầu nhè nhẹ:

- Em đừng giấu anh. Em có vẻ như muốn bịnh.

Anh đặt tay lên trán tôi:

- Đầu em không nóng. Nhưng em có mệt không?

Tôi nhìn Du bằng ánh mắt biết ơn:

- Anh săn sóc em quá. Em chỉ hơi cảm thấy khó chịu.

- Mình đi phố nghe, cho em vui quên đi sự mệt mỏi.

- Anh không đi thăm anh Toản sao?

- Mai anh đi cũng được. Anh Toản còn nằm bệnh viện lâu mà. Anh ấy sắp bình phục rồi.

Du nhìn tôi:

- Kẻ mới bệnh đáng lo hơn người sắp khỏi bệnh, cưng.

- Anh chìu em, không sợ em hư à?

- Hư sao được, vợ cưng của anh là nhất. Anh hoàn toàn tin tưởng em.

Tôi hơi cúi mặt. Tôi biết Du đã nói thật nhưng lương tâm tôi không yên chút nào. Du yêu và tin tưởng tôi quá nhiều, liệu tôi có xứng đáng với niềm tin của anh không?

Suốt buổi dạo phố không lúc nào tôi cảm thấy vui. Hình ảnh Toản chờn vờn ám ảnh. Tôi nhìn vào những tủ hàng và thấy gương mặt Toản trong đó. Tôi thấy Toản cười, tôi thấy Toản nhăn mặt. Tôi đi bên Du như một người mê ngủ. Đôi khi Du hỏi gì tôi cũng không nghe. Du cho rằng tôi mệt nên không nói gì. Khi hai đứa vào tiệm nước, tôi nghĩ nếu bây giờ bất chợt Toản hiện ra trước mặt không hiểu tôi sẽ đối xử cách nào?

Tự dưng tôi nơm nớp lo sợ. Nỗi bình yên một lúc đã tạm xoa dịu tuyệt vọng trong tôi giờ đã biến tan. Tôi lao mình vào một cơn lốc khác, không còn tuyệt vọng nhưng bi thảm hơn nhiều. 

__________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 4
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>