Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

CHƯƠNG MỘT_ĐÈN KHUYA


một


Từ trong nhà tắm bước ra, nhìn đồng hồ, tôi cuống quít. Đã gần năm giờ rồi. Tôi lấy vở, coi lại bài học. Sinh ngữ. Việt văn. Đầu óc tôi như rối bời, không giữ lại được chữ nào. Chiều nay tôi về chợ trễ hơn mọi ngày. Từ khi ba tôi bị sở Mỹ sa thải, tôi vẫn theo mẹ ra chợ. Việc học bị ảnh hưởng. Những thời giờ trước đây dành cho những bài tập, bài học tôi đem đổ cả vào việc phụ giúp mẹ. Ở chợ về, tôi lại tất tưởi sửa soạn sách vở đi học. Thường thì ba vẫn chở tôi đi, nhưng tối nay ba bận, tôi phải tự túc.

Tôi đứng đón xe lam. Không có lấy một cái dừng lại. Đúng vào giờ tan sở nên người đông. Giá bây giờ có chiếc xe đạp. Điều này tôi đã mơ ước từ lâu. Và ba cũng đã hứa đến Tết lãnh lương tháng mười ba tao mua cho con Huyền chiếc xe đạp. Nhưng giữa năm ba không còn được đi làm nữa. Chiếc xe đạp trở thành một hình ảnh đã phai mờ.

Cũng có một vài người ra đứng chờ xe như tôi. Ai cũng lộ vẻ nóng ruột. Nếu có chiếc xe nào thả xuống một người thì cả đàn ùa tới chen lấn. Tôi luôn luôn chậm chân ; mà chính tôi cũng không muốn xô đẩy để chiếm một chỗ ngồi trên xe. Chỉ còn mười phút nữa đến giờ học. Hình ảnh cửa trường đóng, ông gác-dan lầm lì, bà giám thị, văn phòng, giấy xin phép vào lớp... quay tròn trong đầu óc tôi. Cơn nghèn nghẹn dâng lên trong lồng ngực và nước mắt cứ chực chảy ra ; mồ hôi thấm ướt sau lưng áo.

Chợt một con bạn phóng Cady chạy ngang. Phản ứng tự nhiên, tôi la:

- Thanh!

Có lẽ nhiều người nhìn tôi. Mặc kệ, tôi phải lo việc của tôi đã. Thanh dừng xe lại. Tôi chạy tới.

- Cho tao quá giang.

- Tao đã trễ mày còn trễ hơn. Ông già mày đâu?

- Bận!

Chiếc xe chuyển bánh. Tôi giục Thanh phóng nhanh hơn. Nó trả lời gì tôi nghe không rõ vì tiếng nói bị gió đánh bạt đi. Bây giờ tim tôi mới hơi trở lại nhịp độ bình thường.

Cũng may hai đứa tới trường vừa đúng lúc chuông reo. Thanh đi cất xe ; tôi chạy lên lớp. Giáo sư chưa đến.

Ngồi vào chỗ, tôi lấy lược ra chải đầu lại. Gió làm rối tóc. Nhỏ Phượng ngồi cạnh hích vào tay tôi nói sao bữa nay mày điệu thế mày. Tôi cười. Lúc đó Thanh bước vào lớp. Nó nháy một bên mắt ý muốn bảo số chúng mình còn hên, sớm chán!

Giờ sinh ngữ qua đi trong uể oải. Chỉ tại tôi không thích môn văn phạm. Tại sao cứ phải tạo ra luật lệ và hình thức. Những bài thơ, những đoản văn, dù bằng ngoại ngữ, cũng đem lại cho tôi nhiều thích thú hơn. Tiếng bà giáo sư giảng bài đều đều. Từ đầu năm tôi đã khó chịu cái giọng hơi the thé của bà. Tôi và các bạn đều đồng ý là các thầy dạy hấp dẫn hơn các cô.

Gần cuối giờ, có lẽ nhận ra những nét thiếu chăm chú của học trò, bà quay vấn đề sang thi cử. Bà làm tôi chán ngán thêm. Đã đành đó là món nợ đang đè nặng trên vai tôi, ám ảnh tâm trí và là lối thoát cho hoàn cảnh hiện hữu của gia đình tôi. Tôi nói "lối thoát" là bởi ba mẹ tôi đã quyết định: "Con Huyền rán thi đỗ năm nay còn đi làm". Nhưng tôi không muốn ai nhắc đến nó. Bổi vì họ chạm tới thân phận tôi. Bởi vì những tiếng đó làm mất đi những tươi mát của ngày tháng học trò cuối cùng trong cuộc đời tôi. Lo âu thường làm cằn cỗi tâm hồn. Tôi không muốn. Niềm ao ước của tôi là cuộc đời có những cánh cửa sổ mở rộng trên một vùng trời man mác, một dải vô tận những hoa đủ mầu và lá xanh... và tôi sẽ là con chim bay lượn trên đó... Nhưng tối nay bà giáo sư lại một lần nữa đã xóa nhòa những hình ảnh mơ ước để bắt tôi hiện nguyên hình thành một con vạc ăn đêm ngồi dưới ánh đèn khuya. Tôi không ưa bà cũng vì vậy...

Giờ Việt văn, giáo sư đau, không đến dạy, chỉ gửi bài cho lớp làm. Một đề tài nói về tương lai. Tôi nghĩ thật lạ, người lớn cứ bắt chúng tôi ra khỏi thơ mộng của lứa tuổi học trò. Nghĩ đến tương lai là phải đặt ra những con tính, phải chọn lựa những con đường, phải bầy trận. Những thứ đó khô như sỏi đá mà sỏi đá chỉ làm rướm máu những gót chân son...

Lớp học lúc đầu ồn ào vì kêu bài khó, nhưng chừng nửa tiếng sau sự yên lặng trở lại đến không ngờ. Tôi biết chỉ một vài đứa thực sự làm bài còn hầu hết ngồi mơ mộng. Chính đề tài luận văn là một kích thích tố. Ở lứa tuổi mà thầy Việt văn tôi thường gọi là "dở dở ương ương", chúng tôi hay trốn chạy thực tế để đi tìm cho mình một thế giới riêng. Người ta cũng thường bảo học sinh đèn khuya mơ mộng hơn học sinh ban ngày. Ban ngày nắng cháy. Tiếng xe cộ nhức óc giết chết thơ mộng. Không ai nhìn trời trong khi từng khối nắng phà xuống mặt. Không ai chậm bước, dù đang đi giữa con lộ có hàng cây bên đường, khi mồ hôi thấm ướt áo. Cuộc sống sôi bỏng và vội vã không cho người ta sống với nội tâm mình, dù trong khoảnh khắc Đêm Cả một bầu trời đầy trăng sao là của chúng tôi, những học sinh "lớp đêm". Gió hiu hiu thổi, tiếng rì rào của lá, sự thinh lặng, vắng vẻ và dịu hiền của đêm ru hồn chúng tôi vào mơ mộng...

Tôi vẫn chưa viết được hàng chữ nào. Tự nhiên tôi cảm thấy lười cầm bút và suy nghĩ. Ngoài cửa sổ, gió đổi chiều lành lạnh. Có lẽ sắp mưa. Đã vào mùa rồi còn gì... Đúng như tôi đoán, chỉ ít phút sau, trời đổ mưa nhẹ. Đứa nào cũng nhìn ra khung cửa. Mưa là chất liệu tuyệt vời cho mơ mộng. Những con mắt trở nên đăm chiêu hơn. Tôi hiểu chúng nó đã thoát xác rồi. Chợt một giọng hát từ phía sau lớp văng vẳng vọng lên. Tôi thừa biết xuất xứ của tiếng hát đó. Và tôi cũng lắng nghe. Hình như tiếng hát của Khánh Ly. Nghe thật não nuột và hợp cảnh. Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ... Gió ngừng đi, mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly... Tối nay không hiểu sao không đứa nào trong lớp phản đối. Mọi lần nhỏ Kim Hoàng mở chiếc radio xinh xinh của nó nghe lén chương trình Dạ Lan thể nào cũng có đứa suỵt suỵt hay tỏ vẻ khó chịu. Có lẽ mưa đã làm dịu những thần kinh căng thẳng và làm cho con người trở nên dễ dãi. Bây giờ âm thanh của dòng nhạc và tiếng mưa rơi ngoài trời đều đồng lõa đẩy chúng tôi, mỗi đứa, vào thế giới mơ màng riêng tư của mình...

Chỗ tôi ngồi trong lớp kề bên cửa sổ. Cả tâm hồn tôi hòa tan trong mầu xám đậm của khung trời. Những hàng cây phượng chung quanh sân trường đứng mềm chĩu thấp trong ánh đèn ống trắng đục. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh đưa những hạt mưa bắn vào mặt và bàn tôi. Nước lạnh thấm vào da gây một cảm giác thinh thích. Tôi thèm được đi trong mưa hay nhìn những bong bóng vỡ.

- Nhớ "bồ" hả?

Tôi không trả lời người bạn ngồi bên cạnh Ừ mà bây giờ có một hình ảnh để nhớ thì tuyệt biết mấy. Tôi lục lọi trí  nhớ để tìm một cái gì thân yêu, một cái gì ràng buộc thân tình. Nhưng những mảnh vụn ký ức không đủ tạo một hình ảnh rõ rệt. Tôi đọc thầm trong trí mấy câu thơ của một thi sĩ mà tôi đã quên mất tên:

Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại!
Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài! 
Nào biết nhớ nhung ai!...

- Làm bài đi mày, sắp hết giờ rồi.

- Của mày đâu cho tao xem.

- Dở ẹc à!

- Kệ nó.

Tôi đọc những dòng chữ của Phượng. Tư tưởng Phượng viết về tương lai không đến nỗi "dở ẹc" như nó đã rào đón. Ngôn từ của nó mang vẻ "đao to búa lớn". Phượng mơ ước trở thành một kỹ sư đem khoa học cài biến thân phận Việt Nam. Tuy nhiên tôi không chê Phượng. Nó thành thật. Tuổi trẻ bao giờ cũng ôm đầy hoài bão, muốn vươn khỏi tất cả để trở thành một thứ thần tượng của chính mình và cho tha nhân. Tôi đưa trả nó bài luận văn. Nó không "giúp" gì được cho tôi. Mỗi người có một con đường phải đi. Không ai giống ai. Không ai có thể thay thế mình. Tương lai của tôi đã hiện diện trước mắt, rất gần, sờ mó được. Tôi cầm bút viết vội: Tôi, đứa con gái 17 tuổi, thích mơ mộng nhưng bị thực tế dằn vặt. Số phận của tôi đã được quyết định mà tôi không có được một quyền chọn lựa. Cuối niên học này tôi sẽ giã từ áo trắng học trò, vĩnh biệt đèn khuya để bước vào đời. Nếu thi đỗ, tôi sẽ xin một chân thư ký ở một hãng tư hay công sở ; trường hợp trượt, tôi sẽ cùng với mẹ buôn bán. Dù làm việc bằng trí óc hay tay chân, đàng nào thì tôi cũng sẽ bị đẩy ra khỏi bóng mát sách vở để dấn thân vào con đường sỏi đá...

Tôi chấm hết dòng chữ cuối cùng của bài luận văn cũng vừa đúng lúc chuông báo hiệu tan học.

Ra khỏi lớp, Thanh hỏi tôi mày còn muốn quá giang nữa không. Tôi trả lời thôi cám ơn, mày về một mình đi. Vừa nheo một bên mắt (tật cố hữu của nhỏ Thanh) nó vừa cười vừa nói có "chàng" đến đón à. Tôi đánh vào vai nó thay câu cải chính. Tự nhiên tôi muốn thực hiện ý thích hồi nãy: đi trong mưa.

Ngoài trời mưa chỉ còn lay phay. Những học trò áo trắng túa ra từ một cổng lớn. Những con vạc ăn đêm đi về tổ. Tôi lách mình qua những hàng xe của thân nhân đến đón con em. Tôi đi được một quãng thì một giọng con gái gọi giật lại:

- Huyền! Huyền!

Quay lại, nhận ra người vừa gọi, tôi cũng mừng không ít:

- Dung!

- Chạy theo mày muốn đứt hơi luôn! Sao tối nay về một mình?

- Ba mắc kẹt không đón được.

- Sao không nói nhỏ nào cho quá giang?

- Thử đi bộ một lần cho biết "mùi". Hơn nữa đêm nay đẹp thế này, mình cũng nên... thưởng thức chứ!

- Ối "giời" ơi! Lại mơ mộng nữa!

Chúng tôi trao nhau những mẩu đối thoại ngắn. Dung kể cho tôi nghe hồi chiều có một "cây si" đứng đợi nó trên đường tới trường, nhưng tuyệt nhiên không dám nói một lời. Tôi thuật lại đề tài luận văn. Nhỏ Dung kêu dễ ợt, nếu vào tay tao thì cứ gọi là "thao thao bất tuyệt".

Dung là bạn thân nhất của tôi. Hai đứa chơi với nhau từ khi mới bước lên thềm trung học. Cùng học một lớp, cùng ngồi cạnh nhau, đi đâu cũng có nhau... cho đến năm đệ tam, vì chọn ban khác nhau, tôi theo văn chương, nhỏ Dung thích toán học, hai đứa đành phải "chia tay". Tuy vậy tình bạn không suy giảm. Chúng tôi thường gặp nhau mỗi ngày trong giờ ra chơi hay khi đến trường sớm. Nhiều đứa bạn vẫn gọi chúng tôi là "cặp vợ chồng son". Cả hai đứa đều thích danh từ này.

- À, hồi chiều chờ mày mãi, có trái xoài để phần mày, tưởng mày không đi học, tao đem cho con nhỏ Loan mất.

- Tại đứng chờ xe Lam đó. Cũng may quá giang được nhỏ Thanh không thì vào lớp trễ rồi.

Nghe nói đến nhỏ Thanh, Dung hơi thoáng nhíu mày. Tôi nhận ra ngay phản ứng này. Dung không ưa gì Thanh và thường giận tôi mỗi lần bắt gặp tôi trò chuyện thân mật với Thanh. Tôi vội chuyển câu chuyện sang hướng khác:

- Ngày mốt nghỉ lễ mày tính đi đâu không?

- Chắc ở nhà "gạo" quá.

- Còn những bốn tháng nữa mới thi mà đã lo. Học quá "già" đi thì sao ; bộ không sợ... ế chồng à?

Dung "xí" một tiếng thật dài rồi cười. Tới một ngã tư, chúng tôi chia tay. Dung nói với theo:

- Mai mốt mày đến nhà tao đi. Anh Long cứ nhắc mày hoài à.

Tôi gật đầu. Dung đi rồi, nhưng câu nói "anh Long cứ nhắc mày hoài à" của nó vẫn văng  vẳng bên tai tôi. Hình ảnh anh Long hiện ra rõ rệt. Đôi mắt sáng, khuôn mặt cương nghị, nụ cười tươi..., tất cả chiếm đầy ký ức của tôi. Tôi tự hỏi phải chăng đây là hình ảnh mà tôi muốn tìm kiếm khi ngồi trong lớp nhìn mưa bay bay. Lúc nãy tôi đã nghĩ "ừ mà bây giờ có một hình ảnh để nhớ thì tuyệt biết mấy" khi nghe nhỏ bạn bên cạnh hỏi. Một niềm vui không tên len lén trong tâm hồn. Tự nhiên tim tôi đập mạnh hơn. Tôi như thấy rõ có anh Long đi bên cạnh...

Con phố tôi đi vào giờ này đã vắng tanh. Ánh đèn néon hai bên đường mờ mờ đổ xuống mặt nhựa, tạo thêm vẻ hoang vu. Xe cộ đã ít qua lại. Các cánh cửa đã đóng kín ; có lẽ vì trời mưa người ta đi ngủ sớm. Trong từng căn nhà chắc gia đình nào cũng đang quây quần bên nhau. Ấm cúng. Những ngày đầu đi học "lớp đêm", tôi thường tủi thân khi nghĩ về mình. Trong khi mọi người trở về tìm hơi ấm gia đình sau một ngày mệt nhọc thì tôi lại rời gia đình để đến lớp. Những đứa bạn cùng lớp ban ngày cũ may mắn hơn tôi vì cha mẹ khá giả, vẫn được cắp sách đến trường vào buổi sáng, buổi chiều. Ngồi dưới ánh đèn khuya, nhiều đêm tôi phải cố gắng chống trả với cơn buồn ngủ và bụng đói... Nhưng rồi cơ thể của tôi cũng quen dần với những ngỡ ngàng. Và tôi đã tìm được những thi vị của đêm. Tôi không nghĩ đó là một cách tự an ủi, xóa nhòa mặc cảm của một cô-gái-học-trò-nghèo-đèn-khuya. Tôi yêu đêm thực tình Nhất là đêm nay, tôi bất chợt tìm gặp một hình ảnh thật gần gũi ; lại có mưa lay phay tô thêm những nét đậm vu vơ.

Nhìn mặt đường nhựa loang loáng ướt, tự nhiên tôi thèm được đặt chân lên. Nghĩ là làm ; bản tính tôi vẫn vậy. Và tôi vội trụt guốc ra cầm nơi tay rồi bước đi. Chất lạnh từ mặt đường truyền lên lòng bàn chân và chiếm toàn diện thân mình tôi. Princesse aux pieds nus đang đi trong đêm. Tôi mỉm cười với hình ảnh này. Tôi lại nghĩ nhiều đến nhỏ Dung, đến anh Long.

Đang thả hồn theo những mơ mộng, tôi bỗng giật mình khi một chiếc xe Honda xịch tới:

- Đi đâu về khuya vậy em? Lên đây anh đưa về, nghe cưng.

Tôi bước vội lên vỉa hè. Tôi không ngạc nhiên lắm, nhưng lo sợ. Những tin tức trên báo chí về những cô gái bị hại trong đêm hiện ra trong đầu tôi. Tôi thoáng hối hận đã không về cùng xe với nhỏ Thanh. Chiếc xe vẫn rề rề theo. Thằng đàn ông trơ trẽn đó vẫn lải nhải những câu buồn mửa. Tôi không hiểu tại sao lại có những hạng người như vậy trong cuộc đời? Tôi đi như chạy và nép theo tường nhà.

- Ê, bộ chê xe này sao? Ra đây cưng, anh đưa về. Ai làm gì mà sợ? Đi cưng!

Tới một ngã tư, thấy người cảnh sát đứng co ro trong chiếc áo mưa nhà binh rộng thùng thình, dưới một trụ đèn, tôi dừng lại giả vờ hỏi thưa thầy mấy giờ rồi ạ, đồng thời quay mặt lại nhìn thằng đàn ông đi xe Honda. Có lẽ hắn tưởng tôi nhờ cảnh sát can thiệp nên rồ máy chạy. Cám ơn người cảnh sát xong, tôi lại tiếp tục đi. Nhưng bây giờ tất cả những hình ảnh thơ mộng hồi nẫy đã gẫy vụn. Con đường về nhà như dài hun hút ; ánh đèn đường như nhòa hơn. Bóng tối càng làm tăng sự ghê rợn. Tiếng guốc của tôi khua mau trên mặt đường Đã gần mười một giờ đêm. Con vạc ăn đêm vẫn chưa tìm được về tổ. Chắc ba mẹ ở nhà đang nôn nóng chờ tôi về ; nhất là mẹ hẳn là đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng ra cửa đưa mắt tìm bóng đứa con trong đêm ; các em tôi chắc cũng đang ngon giấc...

Tôi bước nhanh hơn.

Mưa chuyển mình, rơi nặng hạt...

_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG HAI

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>