Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Tìm Lại Ngày Hồng


Rồi thì tất cả vẫn an bài! Không nhớ được bao nhiêu ngày tháng đã qua trong đón nhận thảng thốt, nắm níu mong manh và mỏi mòn tuyệt vọng. Chỉ biết rằng Bích Du đang ngồi đây, bên khung cửa sổ nhìn ra bầu trời vươn vươn gió.

Khoảng thời gian nào xa xưa, cũng Bích Du với khung cửa sổ, tâm tư trắng, nụ cười hồng. Và gió dù có vi vút, chỉ muốn cuốn thốc tất cả hoa lá ngoài kia cũng không đủ mang đến cảm giác tê lạnh. Bây giờ thì... Bích Du cười một mình héo úa. Đôi bàn tay gầy guộc rời bỏ thành cửa sổ đem ấp lên má vẫn không gây được một chút ấm áp nhẹ nhàng. Bởi bàn tay Du lạnh! Như ngọn gió se sắt ngoài kia, như đôi chân mất hết cảm giác này, và như những thanh sắt vô tư của chiếc xe lăn đang đỡ lấy tấm thân tội tình, héo rũ.

"Bao giờ nhỉ? Bao giờ?!" Du nghe những âm thanh khắc khoải ấy vang vọng mãi trong cùng tận tâm tư, từ sau một cơn sốt bất bình thường, những chạy chữa vô vọng. Và từ sau lúc nước mắt như không còn để khóc cho một kiếp ẩn ức, tật nguyền.

Một lần, Du đã đọc thấy ở đâu được câu: "Người ta không ai sống mà không có hy vọng". Thế nhưng hiện tại Du cảm nhận một cách rõ ràng rằng mình không còn sống để hy vọng, hoặc nuôi hy vọng để mà sống nữa. "Bao giờ! Bao giờ!" Vâng! "Bao giờ trở lại như xưa" trong ngày mới chớm mang lấy kiếp đời bất hạnh... và "bao giờ... chết?" cho ngày tháng hôm nay.

Từ khung cửa sổ này, khung cửa mà Du dán thân ở đó mỗi lúc màn đêm xuống, mỗi bận ngày hồng lên, Du nhìn bao quát ra một khoảng sân rộng. Khoảng sân thôi không còn bước chân và bàn tay Du tung tăng trên từng cành cây, từng khóm cỏ. Hoa Ngọc Lan vẫn nở, giàn Dạ Lý vẫn ngan ngát mùi hương. Nhưng đối với Du, hoa chỉ nở vô hồn theo một chu kỳ luật định. Như đôi chân Du, hiện hữu ở đó mà sinh lực đã chết tự lâu rồi!

Mỗi ngày, Du chỉ có đôi khoảnh khắc để hòa mình với gia đình. Thế mà Du hãi sợ! Du ngại ngần phải bắt gặp ánh mắt xót thương của Bố, chìu chuộng ân cần của Mẹ, thương yêu vồn vã thái quá của các chị các anh. Không ai hiểu những bữa ăn lặng câm với những hạt cơm rạc rời trong cổ họng. Du muốn buông hết bát đũa, đứng lên chạy trốn cái không khí trầm mặc e dè. Thèm vô cùng một lần từ bỏ được hết mọi sự giúp đỡ, để thôi không còn những dịu mềm ve vuốt, thôi không còn những chắc lưỡi xót xa. Nhưng ước muốn vẫn đơn thuần là ước muốn! Vì làm sao đảo lộn tất cả thực cảnh này để trả lại cho gia đình một Bích Du của khoảng thời gian xa cũ? Làm sao tạo được nguồn sinh lực cho bước chân chim lại mãi tung tăng từ gian phòng khách cho đến căn bếp cuối nhà? Và làm sao xóa mất con đường dốc mới xây ở từng bậc thềm, những khoảng sân được cẩn thận tráng nhẵn mà mục đích chỉ là cho di chuyển của Bích Du được êm đềm, không vướng víu?!...

Tiếng giày cao gót thong thả, quen thuộc rồi dáng cô Hiền hiện ra sau làn kính cửa. Buổi chiều ở đây Du có hai giờ để tiếp tục "nợ cầm thư", bên  cạnh cô Hiền. Hai giờ không dài song cũng đủ lê thê, đủ cho Du nhớ quắt quay khoảng đời thần tiên môi hồng áo trắng. Con chim nhỏ một sớm lìa đàn, tấp tểnh u buồn với đôi cánh gẫy. Sinh hoạt náo nhiệt hồn nhiên còn đó mà như đã là xa tắp mù khơi. Nên Du nhớ vô cùng những buổi học về mực tím bàn tay, có những hờn giận vu vơ với bạn bè và có những thương kính với thầy cô muôn đời tận tụy.


Ở gian phòng này, gian phòng có sự hiện diện của cô Hiền mỗi chiều với sách vở, phấn trắng bảng đen thu gọn như cuộc đời Du thu gọn vào chiếc vỏ cô độc, âm thầm bao nhiêu lần Du gục đầu vào lòng cô, lắng nghe từng phiến buồn trong tâm tư mình chùng xuống. Bất hạnh nào đổ ập vào đời Du cho một thoáng thôi mái tóc Mẹ đã bạc đi quá nửa! Vòng tay gầy guộc thương yêu làm ấm lòng con nhưng không đủ hồi sinh cho đôi chân héo hắt tật nguyền! Nên Du biết sợ phải nhìn ánh mắt Mẹ bất lực héo hon, và hình ảnh cô Hiền bỗng đi vào đời Du thiết tha từ đó.

"Hãy can đảm, nghe Du! Trong gai góc đời sống, mỗi người trách nhiệm lấy số kiếp của mình. Than van, bi lụy không làm vơi đi đau khổ, mà tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, dù chậm chạp thiệt thua vẫn còn là cái sống hơn hẳn bình thường. Đừng "chết" trong khi tâm trí vẫn minh mẫn, hơi thở vẫn đều hoa, Du ạ!... Vâng, cô ơi! Và dù em chưa thoát được bàng hoàng cho một lần tức tưởi nhìn hoa mộng trôi đi khi tuổi đời còn xanh trên tóc. Nhịp sống chưa trở lại bình thường trong xác thân mất mát lao đao. nhưng em đã thấy ấm áp nơi bàn tay cô ve vuốt nhẹ nhàng, nước mắt thôi không còn lén lút rơi với tiếng nấc dần nén vì em còn có lời cô bên tai êm đềm mật ngọt... Một chút gì cho ngày hôm nay là đó, phải không cô?!...

Bích Du miên man, êm ả trong khoảnh khắc nhìn quả nắm cửa xoay nhẹ bởi tác động của cô Hiền. Lâu rồi, giữa không khí im vắng dằng dặc của thế giới nhỏ bé, Du quen dần với bước chân của từng người thân bắt đầu từ xa cho đến khi dừng lại trước cửa. Giá trị đích thực của mỗi sự việc chỉ được biết đến khi kiếp sống đã thua thiệt đi rồi. Thế nên, cái thời gian chờ đợi chút sống động xôn xao từ ở mọi người ban phát đối với Du trở nên vô cùng quý và cũng thật xót xa.

Cô Hiền vào, bước chân ngập ngừng ở bậc cửa và nụ cười mở ra lúng túng ngại ngần. Du lạ lùng trong mầu áo cô chiều nay nâu thẫm cũng như mái tóc không còn gọn ghẽ với dải lụa hồng phơ phất dễ thương. Đâu rồi chiếc cặp xinh xinh đầy ắp sách vở thường ngày? Bàn tay cô đong đưa chiếc giỏ mây nhỏ trông xa lạ, hờ hững như lúc cô vuốt nhẹ lên tóc Du:

- Du chờ cô không lâu chứ?

Du ấp úng:

- Vâng!... Cô...

- Cô đi đưa đám táng người thân của cô bạn. Biết rằng sẽ về muộn nên cô ghé luôn đây với Du.

Im lặng lại mơ hồ bao quanh sau tiếng ghế được cô Hiền kéo ra và cô ngồi xuống trước bàn học. Du ngơ ngẩn nhìn cử chỉ cô ve vuốt từng cánh Ngọc Lan đã bắt đầu héo rũ trong chiếc bình trắng đục đặt bên khung ảnh Du thơ trẻ tươi cười. Hình ảnh cuối đời của một kiếp hao tương phản với đường nét vui tươi trong ảnh làm cô xao xuyến?... Hay một thoáng ưu tư nào đó đã dậy lên trong lòng cô u uẩn, băn khoăn?

- Du ạ!...

Du bỗng giật mình dù tiếng cô Hiền cất lên thật nhẹ. Đôi bàn tay cô bây giờ xếp chồng lên nhau.

- Có thể ý nghĩ của cô độc đoán quá! Nhưng thật cô không thích trông thấy bàn học của Du "ngăn cách" như thế này.


Du cười buồn nhìn vu vơ lên hàng sách vở được xếp ngay ngắn choán gần hai phần ba chiếc bàn rộng. Ở đó, một bên là chỗ dành riêng cho cô Hiền và Du trong hiện tại, một bên là dấu tích quãng đời ngắn ngủi làm chim non bay nhảy trên những hoa mộng bình yên. Từ trang vở với dòng mực xinh mềm, đến quyển sách gói ghém lời giảng của thầy cô cùng những âu lo cho bao lần mải mê đùa vui quên cả học. Rồi tập lưu bút, hình ảnh, nét chữ ngây ngô của bạn bè. Những mẩu giấy xé vội vàng trong vở nháp để chuyền lời cho nhau thay tiếng nói láu lỉnh trong  giờ giáo sư nghiêm khắc. Ôi! Tất cả như những y trang, tranh cảnh nằm lặng câm trong một góc sân khấu sau giờ trình diễn, chứng kiến cảnh đời buồn tẻ bên kia, cảnh đời mà bút nghiên thôi không còn là những gần gũi thân ái. Nước mắt chảy xuống cho vơi đi một phần sầu tủi, nhưng tiếc nuối thì không cạn được bao giờ!... Thế nên có là ngăn cách không khi Du cho kỷ niệm nằm chơ vơ riêng rẽ vì ngại một lần quên tay dở đến? Có là ngăn cách không khi trên ngần ấy hiện vật hằn rõ đôi câu mà âm hưởng như một tiếng than!

"Những tình cảm nơi học đường sáng lạn
Quên làm sao, tuy dĩ vãng xa xôi rồi?"
(Thơ Lâm Ngọc Sĩ)

Một thoáng cho nụ cười mở ra gượng gạo, Du nhìn cô Hiền:

- Không có chi đâu! Du muốn xếp thế cho gọn thôi.

Cô Hiền đứng lên. Bước chân đưa cô đến gần Du hơn bên khung cửa sổ. Chút gì dịu dàng trầm ấm nơi từng nhát lược cô vờn nhẹ lên mái tóc Du hờ hững buông lơi. Mấy dải lụa rút từ trong chiếc giỏ cô mang theo biến thành đôi bướm hồng đậu trên bím tóc Du ngây thơ duyên dáng. Cô Hiền nheo mắt:

- Con gái xinh chưa này! Công chúa ấy chứ.

Du xấu hổ giấu mặt vào lòng cô:

- Ư... em thích thành bà Tiên giống cô!

Cô cười nho nhỏ:

- Bà Tiên gì nào? Tiên Lọ lem ấy hở?

Du chẩu môi:

- Không! Bà Tiên hiền hậu, chuyên ban phép lành cho thế gian ấy chứ!... Cô là Tiên nhé! Cô mang đũa thần như... chiếc lược này này! Cô cho Du hết những gì Du ao ước nghe cô!

Ánh mắt cô Hiền bỗng chĩu xuống trong giọng điệu Du láu lỉnh, rộn ràng. Con chim tật nguyền đã tạm quên mặc cảm khổ đau rồi đấy! Nhưng thời gian hạnh phúc này sẽ giữ được bao lâu?! Cô ôm lấy bờ vai đứa học trò nhỏ bé tội tình, giọng cô ngậm ngùi xa vắng:

- Ừ, cô là bà Tiên! Cô cho Du tất cả những gì Du thích và cô có. nhưng Du không nghe lời bà Tiên gì cả: Du phải thôi buồn đi, vui mà học trong những khi cô không có mặt. Một mai, cô không còn dịp để dạy dỗ Du được nữa...

Như một phiến băng nào đó tan ra và úp chụp xuống toàn thân buốt giá, Du xoay người mở to mắt nhìn cô:

- Cô... cô nói gì vậy? Sao...

Cô Hiền cười bối rối:

- Ừ thì cô là Tiên, cô phải bay về trời chứ! Ở mãi với Du rồi thành "người" mất à?

- Không! Cô dối Du! Du thấy chiều nay cô lạ lắm. Cô không thương Du! Cô...

Ngôn ngữ lấp vấp, thoát ra ở đầu môi rồi nghẹn lại. Du tưởng chừng mình đã gục vào lòng cô Hiền, khóc thật to trong linh cảm ly tan vừa òa vỡ. Và... cô Hiền sẽ vuốt nhẹ lên mớ tóc măng tơ, thật ngọt ngào mà cũng thật chắc chắn vỗ về rằng, Du chỉ nghĩ quẫn, cô sẽ ở mãi bên Du, nối tiếp thời khắc êm ả như tự ngày đầu. Nhưng... Du vẫn ngồi đó! Bờ mắt khô cứng, ráo hoảnh. Trong im vắng ngột ngạt, thật lâu mới có tiếng thở dài nhè nhẹ của cô Hiền.

- Giờ phút này, nếu cô nói rằng cô thương Du hơn cả những đứa học trò từ xưa đến nay cô đã dạy, thương Du như đứa em út bé bỏng thiệt thòi, thì... chắc là Du cũng không tin. Nhưng đành vậy! Cô chỉ có thể diễn tả như thế! Điều cô muốn nói với Du là mọi bất trắc trên đời đều có thể xảy đến cho ta, nhất là chuyện ly tan thì lại càng đến dễ dàng mà tình thương không làm sao níu được. Cô thương Du, cô lập lại như thế thêm một lần. Cô ước muốn được gần Du ít nữa là đến ngày Du lớn, đủ sức chịu đựng, đủ sức phấn đấu để đi một mình trên quãng đời còn lại lao đao. Nhưng... đôi lúc, hoàn cảnh ta không đơn thuần như lòng ta nghĩ, Du ạ!

Hy vọng mong manh cuối cùng rụng xuống để trơ lại viễn ảnh chán ngán mịt mù. Bích Du thờ thẫn:

- Thế ra... cô nói thật? Thế ra... cô cũng bỏ em, như tuổi xanh, như bạn bè, như tất cả mọi người đã rời xa em mà không có chút chi vướng bận?...


Cô Hiền lắc đầu. Bàn tay cô ve vuốt trên mái tóc Du như dịu dàng, như tha thiết hơn:

- Không! Cô không bỏ Du, và cũng không ai bỏ Du cả. Du đừng đày đọa mình, đừng mãi thui thủi sống xa cách trong lúc những người chung quanh vẫn sẵn sáng ấp ủ, chở che mình trong vòng tay nồng ấm thương yêu. Ngày mai, ngày kia cô đi, vì cô phải theo gia đình, vì hoàn cảnh cô không cho phép cô tiếp tục gần Du nữa. Nhưng cô mong rằng những cố gắng, những tin tưởng của cô về Du vẫn còn đó. Điều tàn ác nhất là làm cho tha nhân thất vọng, Du từng nói với cô nhiều lần như thế, Du nhớ không? Bây giờ... thôi! Cô sẽ đi, nhưng không phải ngay lúc này. Hôm nay không học, Du nhé! Và cô sẽ hát cho Du nghe những bài Du vẫn thích. Để mai này...

Cô Hiền bỏ dở câu nói và cô nhìn sâu vào đôi mắt Du đăm đăm hướng ra khung cửa sổ. Một chút ráng hồng chiếu thành những vệt sáng yếu ớt mệt mỏi trên những tàng cây. Trong lao xao của trời chiều, trong im vắng của gian phòng hẹp, tiếng cô Hiền cất lên, cao vút: ..."Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi... xa vắng miền quê bao năm rồi... về gặp em ngây thơ duyên dáng... Hôm xưa..."

*

Bích Du,

Được thư đầu tiên sau ngày cô đi đến hơn ba tháng, có lẽ Bích Du đang hờn cô vô cùng, đúng không? Nhưng... ước mong Du sẽ không hờn cô đến nỗi không thèm đọc thư, để ít nhất cô Hiền còn có dịp "nói" với Du thêm một lần, như bao ngày xưa cô từng nói và Du từng nghe vậy.

Điều đầu tiên cô muốn hỏi là: Bích Du dạo này ra sao? Du vẫn khỏe chứ? Và vẫn học đều chứ? Bỗng dưng mà cô hình dung được hình ảnh một cô bé với đôi má bầu bậu, với đôi mắt ướt nước và giọng nói trách móc buồn phiền: "Du không học nữa, không học với ai nữa! Không ai dạy Du bằng cô, không ai hiểu Du hơn cô. Cô đi rồi là Du mất!" Du ơi! Và cô cũng bỗng ao ước được thấy cô bé Bích Du trong lúc này. Ánh mắt sáng, nụ cười rạng rỡ tin yêu. Cô bé đang ngồi bên bàn học, đang thỏ thẻ từng lời chim non với cô giáo mới. Mơ ước của cô thật tầm thường và cũng có thể thật xa xôi, Du nhỉ? Nhưng dầu sao cũng là một mơ ước thật.

Bây giờ, cô đang ở cách xa Du đến hằng mấy trăm cây số ngàn, đang hít thở bầu không khí bình thường, đang làm một công việc bình thường là viết. Trong khi... cuộc sống của cô đã không còn bình thường nữa Du ạ!

Du đang ngạc nhiên đó phải không? Bây giờ cô đề nghị thế này nhé! Học trò của cô thử đoán xem cô hiện sống ở đâu nào? Bức thư cô không đề địa danh, lại chuyển tay là cô muốn đưa Du từ bỡ ngỡ này đến "khám phá" khác, như là qua phương xa của cô cho Du ấy mà!... Nhưng thôi nhé! Cô sẽ nói rõ đây để Du khỏi phải sốt ruột rồi trách "Cô giáo kỳ ghê là...!"

Bích Du ạ! Cô Hiền hiện đang sống tại Đà Nẵng, vùng đất cách xa quê hương thân yêu của cô gần 200 cây số. Quãng đường thật ra thì không dài, phải không Du? Và Quảng Trị hay Đà Nẵng thì cũng nằm vào miền Trung và trong giải đất Việt Nam bao la này. Ấy thế mà, chỉ bằng ấy khoảng cách, bằng ấy thời gian ngắn ngủi đường chim bay, cô đã phải vượt qua với những mất mát oan khổ và những thay đổi to lớn trong cuộc đời.

Cô nghĩ rằng: đứng trước cô lúc này nếu thờ ơ, Bích Du của cô chắc cũng không nhận ra một cô Hiền ngày nào. Vì cô vẫn còn nhớ lời Du nói xưa: "Ở một điểm xa tít mù, Du vẫn nhận ra cô nhờ mái tóc tha thướt, Du yêu mái tóc của cô lạ". Bây giờ cô Hiền vẫn là cô Hiền nhưng cái đặc điểm gần gũi của Du không còn nữa.

Có lẽ trong cơn cùng khổ nhất, sự tin tưởng về những gì thiêng liêng bỗng mạnh hơn bao giờ, phải không Du? Thế nên ngày chiến cuộc bùng nổ, gia đình cô dắt díu nhau đi giữa biển lửa và biển người. Trong bước chân chông chênh vô hồn, tâm tư bàng hoàng tê dại, cô chỉ nhớ là mình đã nguyện cầu thật tâm thành, thật chí thiết. Cô bằng lòng gánh chịu hết mọi bất hạnh để đổi lại sự an lành trong hôm nay cho những người thân yêu... Hình như, trong bơ vơ tuyệt vọng con người phải bám vào chút đức tin để có can đảm mà phấn đấu. Và thế nên song song với lời nguyện, cô cắt hẳn đi mái tóc dài Du ạ! Dù rằng việc làm của cô thật là tiêu cực, dù rằng Thượng Đế thì có cần chi "lễ vật" trao đổi. Nhưng cô cứ tin rằng hy sinh một chút đó gọi là hiện vật quý giá nhất mà bản thân còn sót lại sẽ khiến lời nguyện của cô bay cao, bay xa...

Nhưng... đọc đến đây Du đoán nổi sự việc không? Thông thường, không có gì êm xuôi, tốt đẹp sau mỗi chữ "nhưng" quái ác Du nhỉ?... Nhưng Thượng Đế đi vắng! Hoặc Ngài vẫn có mặt mà bất lực vì vạn lời thở than khẩn nguyện của cô và những kẻ như cô vẫn không át nổi tiếng gầm thét của bom đạn, đôi tay Ngài bao la nhưng không cứu độ nổi nghiệp chướng dằng dặc của con người. thế nên... Du ạ! Cô Hiền vẫn còn đây, thể chất an lành mà lòng thì tê dại đi bởi hai cái tang oan khổ: mẹ và em gái của cô nằm xuống bên lề cuộc chạy loạn, xác thân vùi dập vội vã bởi những người thân yêu còn phải nối tiếp quãng đường nguy khốn lao đao.

Kẻ ra đi tức tưởi không kịp hiểu tại sao mình phải chết, người sống còn mang nặng nỗi u uất là không biết quy tội tình trách nhiệm về ai? Những ngày sau đó cô tiếp tục đi, tiếp tục dìu dắt cái gia đình chút chiu đã có một khoảng trống không sao dời lấp. Cô đâm oán cuộc đời, oán Thượng Đế, oán cùng cực cái chiến tranh tàn ác phi lý này. Ngày rời bỏ hết cảnh sống đang an lành, sung túc để ra đi, cô còn nghĩ được rằng đó là một trong những thử thách to lớn mà cuộc đời bắt mình phải gánh chịu. Nhưng lúc này, cuộc thử thách nặng nề quá, sự mất mát oan uổng quá, cô nghe chừng hết mọi sức phấn đấu và tâm tư chỉ còn lại u uất, căm hờn.

Có lẽ nếu cô tả lại tỉ mỉ tất cả hoạt cảnh "đặc biệt" mà cô đã trải qua từ ấy đến giờ thì e dài dòng quá phải không? Song cô chỉ muốn tâm sự với Du, cho Du thấy những diễn biến trong tâm hồn cô qua mọi khía cạnh buồn, vui, sướng, khổ của cuộc đời. Vì Du ạ! Dù hờn căm đến cùng cực, dù đau khổ tưởng đã chín, bản năng sinh tồn cho bản thân mình và gia đình mình vẫn xui cô phải làm công việc giống như mọi người là chạy để khỏi chết. Những con đường mà cô đi qua có lẽ Du cũng đã được mục kích trên Tivi, trên báo chí, nghĩa là đâu cũng thấy xác người, xác xe. Tài sản, sinh mạng của người dân phút chốc bỗng trở nên những gì có giá trị ngang với cỏ rác. Bằng mọi phương tiện, dân tị nạn được di chuyển càng lúc càng xa nơi đạn bom khốc liệt. Mỗi một trạm dừng nghỉ là mỗi một dịp để người ta nhìn lại thực cảnh mà đau khổ, xót xa. Có những gia đình nhân số hao hụt đến gần hết. Ngược lại, có những người vừa khóc thân nhân lại vừa lo đùm bọc những đứa trẻ không ai rõ mẹ cha, gốc gác ở nơi nào. Cô không làm sao quên được hình ảnh một anh lính vụng về đút từng thìa cơm sấy cho một đứa bé độ 3 tuổi mà thoạt đầu người ta cứ ngỡ là con anh. Anh cho biết rằng anh đã bế nó từ giữa xác của những người thân nó đã gục chết theo từng loạt đạn tàn ác. Nhờ một phép nhiệm mầu nào đó nó còn sống và bây giờ có lẽ nó sẽ sống mãi trong chở che và bát ngát của tình người.


Thời gian độ hơn tuần cô và mọi người vào đến Huế. Du có thể hình dung được không? Trong những ngôi trường được dùng làm trại tạm cư mà mỗi phòng học có hơn 20 gia đình đã chia nhau để sống ở đó. Cô nghĩ: trong nỗi khổ đau đã vượt hẳn sức chịu đựng thường tình, bằng ấy mỗi người giờ này chỉ cần cất lên một tiếng gọi Thượng Đế, âm thanh cũng đủ chói buốt và bay lên mấy tầng cao. Thế nhưng, không ai làm thế cả, Du ạ! Đã qua những giờ phút và cảnh tượng kinh hoàng, trong lòng mọi người hiện tại hình như chỉ nghĩ đến sự an phận để xây đắp cho hôm nay và những ngày sắp tới. Mọi người lặng lẽ sống, lặng lẽ nhận phẩm vật cứu trợ từ những bàn tay thân ái kèm theo tiếng nói ủi an. Nước mắt chỉ âm thầm rơi khi chạnh nhớ đến thân nhân đã khốn khổ nằm xuống. Rồi thì ai nấy lại tiếp tục sống, từ những người thể chất an lành, đến những kẻ mang trong người đôi chút vết tích chiến tranh.

Cô bàng hoàng, thực sự bàng hoàng Du ạ! Sự chịu đựng của con người là một cái gì bền bỉ phi thường mà cô phải cúi đầu khâm phục. Cô như tỉnh ra với ý thức mọi khổ đau đều phát sinh từ trong nghiệp chướng dằng dặc muôn đời. Không một ai tàn ác đến nỗi ước muốn người chung quanh phải khổ lụy nhiều hơn để mình lấy đó mà so sánh, mà tự an ủi. Tuy nhiên, cô tự thấy với hai người thân nằm xuống đã yên phần, với những người còn lại đều an ổn, gia đình cô tất đã được sự ưu đãi phần nào của Thượng Đế.

Ở trại tạm cư Huế khoảng 10 ngày thì gia đình cô được một ông bác từ Đà Nẵng ra đón. Thú thật là cô đã ngậm ngùi khi phải chào từ giã những người không có một mảy may liên hệ tình  cảm nhưng gần gũi bằng cả một cảnh huống long đong. Hình như càng trui luyện trong đau khổ, con người càng cảm thấy gần nhau và tâm càng nở được nhiều đóa hoa hồng.

Bây giờ thì mọi việc đã thật tốt đẹp. Cô đã vào sống tại nhà bác, và tìm được một chỗ dạy tương đối thong thả để có thể lo xây dựng một mái ấm thứ hai. Cô cũng liên lạc được với ba cô đang chiến đấu tại Quảng Trị và mừng vô kể biết được ông vẫn an lành.

Cô quên nói cho Du nghe là ngoài Huế, Đà Nẵng cũng là nơi tiếp nhận rất nhiều đồng bào chiến nạn. Một đôi khi cô vẫn thầm ước: giá có Du ở đây, cô sẽ đưa Du đến viếng từng trại tạm cư, cho Du thấy tận tường sinh hoạt của người dân ở đó. Tóc cô vẫn chưa ra dài, Du ạ! Thế nên buồn cười nhất là những ngày đầu cô mặc áo nâu đến thăm, các cô cậu bé cứ ngỡ cô là một sư nữ. Bây giờ, nếu cô bảo rằng tình thương xưa kia cô chỉ dành cho Du, hiện tại đã được phân tán hơn, bao la hơn thì chắc Du không còn buồn và khóc hờn cô chứ? Du ạ! Cô không còn gì cả, chỉ có một tấm lòng và đôi bàn tay. Bên cạnh cô hôm nay không phải chỉ có một Bích Du thiệt thòi cần an ủi mà có đến hằng trăm ngàn Bích Du bé bỏng, bất hạnh. Tuổi thơ nào mất đi hồn nhiên, thiếu đi trong sáng cũng đều là một mất mát đáng tiếc, một thiếu vắng xót xa. Nên cô nghe lòng êm ả như như nhau khi có thể khiến trên môi Du và bao đứa trẻ đáng thương nở trọn một nụ cười. Cô thấy tâm sung sướng như nhau khi sự hiện diện của mình làm vui lòng kẻ này hay người khác. Mà đó không phải phát sinh từ lòng thương hại. Không! Cô muốn Du hiểu đó chỉ là điều hiển nhiên phải có từ trong tương quan giữa người và người.

Cô viết dài quá phải không? thôi nhé! Cô ngừng đây với niềm ước mong vẫn như tự bao giờ, là Du sẽ vui, khỏe, chăm học, ngoan. Thời gian sắp tới có thể cô sẽ có dịp vào Saigon. Hy vọng đi!... Và bây giờ thì viết thư cho cô đi, Du nhé!

Cho cô kính lời thăm gia đình..

Cô Hiền           
(Gv 2/1973)        
      
HUỲNH CHÚC (M.Y)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 8384, ra ngày 1 và 8-4-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>