Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Không Nguôi


Đã một lần có ai nói với mụ là gia đình của mụ vẫn vẹn toàn. Hình như lúc ở dưới hầm trú ẩn. Hình như lúc trốn đạn dưới gầm cầu. Hình như trong mái lều ướt đẫm nước mưa của khu tạm trú. Dĩ vãng trong đầu mụ bây giờ mù mịt như sương khói. Sự kiện nào cũng có mặt, nhưng sự kiện nào cũng chỉ thấp thoáng ẩn hiện, cái nọ chồng chất lên cái kia, điều này lẫn lộn với điều kia, hình ảnh này chen lấn hình ảnh khác. Duy chỉ có mỗi một điều là mụ nắm được rất vững vàng. Rất chặt chẽ. Rất rõ ràng. Đó là đồng gia quyến đẳng của mụ vẫn vẹn toàn. Chắc chắn như vậy. Vì đã có ai nói với mụ điều đó một lần. Hình như ở dưới hầm trú ẩn. Hình như dưới gậm cầu. Hình như trong lều vải tạm trú. Và mụ đã tin tưởng như một đứa con nít ngây thơ. Thế là những năm tháng ăn ở hiền lành bây giờ đã nẩy hoa kết trái. Ông trời có mắt thực. Ông trời không đóng cửa một ai. Bởi vì gia đình mụ vẫn vẹn toàn. Mẹ thằng Cu, đứa con dâu hiếu thảo. Thằng Cu bé, nhỏ tong teo. Cái Bé, bé hơn là tuổi đích thực của nó. Còn bố lũ nhỏ thì yên tâm rồi. Nó đi lính xa, nhưng nó là lính văn phòng. Quanh văn phòng có ụ cát. Quanh ụ cát có những hàng rào kẽm gai. Quanh hàng rào kẽm gai có lô cốt. Quanh lô cốt có giao thông hào. Quanh giao thông hào có những bãi mìn. Quanh những bãi mìn là những toán lính tuần tiễu. Ôi cha! Nó còn được bảo đảm hơn là ở nhà. Vườn tược tuênh toang. Tường xiêu, vách nát, mái rạ, chẳng có chỗ nào ngăn cản được những lằn đạn bắn vào từ ngoài đồng, từ quốc lộ, từ lối đi vào ấp, từ những ngõ ngách tiêu điều, và từ cả ở trên nền trời trong vắt thiếu vắng những cụm mây xám che chở.

Quả nhiên bom đạn đã úp chụp xuống trong một đêm kinh hoàng không gì chống đỡ. Mọi người tan tác như một bầy ong vỡ tổ. Trước còn rút xuống hầm, sau hầm mù mịt khói, mọi người mới chạy ra đường mương, lội ra rạch nước. Từ rạch nước chui qua những thân dừa bị chém đổ để lần ra tới dốc cầu. Nằm cả đêm ở gậm cầu đến sáng thì lại bị dồn trở lui, rồi lại bật ra, tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rên la, tiếng đạn nổ trong mùi khói khét lẹt của đan, của mìn, của từng cuộn khói đen bốc lên cao ngất chín từng mây.

Trong cơn hỗn loạn tột cùng ấy, mụ không biết đã tuột khỏi bàn tay nhỏ xíu của cái Bé từ lúc nào. Đến khi nhớ lại thì tâm trí của mụ như vừa vụt bừng tỉnh một giấc mơ dài. Mụ dùng lại kêu gào, mụ gọi tên đứa cháu gái một cách thảm thiết. Nhưng chỉ có tiếng nổ rền trời đáp lại những lời của mụ. Mụ chạy ngược trở lại. Sóng người xô mụ ngã xuống. Có một vài bàn chân đạp lên lưng mụ. Mụ đau tưởng đến ngất đi. Rồi bỗng nhiên có một người nắm lấy tay mụ xốc dậy. Mụ mang máng biết đấy là một người đàn ông. Một người đàn ông không quen thuộc. Gã xách tay mụ chạy qua những thửa ruộng lầy lội. Trên đầu là đạn bay, bốn bề là lửa đỏ. Nhưng người ấy không đi xa được hơn một trăm thước. Bàn tay đang nắm cứng lấy mụ bỗng nhiên vuột ra. Mụ trông thấy gã nằm sóng soài trên mặt bùn. Lưng áo của gã loang đầy máu đỏ. Rồi thì đoàn người lại xô tới. Xác gã đàn ông bị dẫm nát dưới những bàn chân. Mụ mê man không còn suy nghĩ được gì. Mụ lại tiếp tục chạy như một kẻ không hồn. Mụ cũng không còn kịp nhìn gã là ai, già hay trẻ, quen hay lạ, mặt mũi thế nào. Mụ chỉ dừng lại một lát sau khi nghe thấy tiếng khóc. Đấy là tiếng khóc của một đứa nhỏ trạc tuổi cái Bé. Mụ mừng rú tưởng đã gặp lại cháu mình. Nhưng bộ quần áo của nó, thân hình còm cõi, xương xẩu của nó, khiến mụ nhận ra ngay không phải là người thân. Tuy vậy, mụ cũng còn đủ ý thức để túm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu của nó mà lôi đi. Y như thể mười lăm phút trước có một gã đàn ông đã lôi mụ đi theo cách như vậy. Đứa bé chuệnh choạng chạy theo mụ. Tiếng khóc của nó to hơn nữa, chát chúa, ồn ào, nhức buốt như tiếng động ồn ào, nhức buốt đang làm rung chuyển cả bầu trời. Mụ không nhớ là mình đã lôi kéo con bé đi được bao lâu và qua được một quãng bao xa. Nhưng mụ chỉ thấy cánh tay của mình mỗi lúc một thêm nặng chĩu và con bé bây giờ không còn chạy được. Người nó ngay đơ. Mụ mím môi lôi mạnh. Nó di động sền sệt như một khúc gỗ. Cuối cùng mụ phải cúi xuống, xốc cả thân mình gầy gò ốm yếu của nó lên vai mà chạy cho dễ dàng.

Mãi đến lúc trời tảng sáng, mụ mới biết chắc mình đã thoát khỏi vòng lửa đạn. Quay lại nhìn, xóm làng thân yêu đã xa tắp và chỉ còn là một vùng đang hắt lên nền trời một quầng mây đỏ hực. Tiếng súng nghe đã thấy ngớt và vọng ở thật xa. Mụ yên tâm đặt con bé xuống nệm cỏ. Nhưng con bé đã đeo cứng lấy mụ. Mụ giằng nó ra. Nó không tỉnh dậy. Cánh tay của nó lạnh ngắt. Nó biến thành tảng băng nặng nề treo trên cổ mụ. Mụ hoảng hồn níu lấy bàn tay của nó giằng thật mạnh. Đột nhiên mụ cảm thấy sức khỏe của mình tăng gia bội phần. Mụ lăn lộn, rẫy rụa. Mụ la. Mụ hét. Mụ đánh vật với cái xác vô tri. Mụ nghe thấy tiếng vải rách loạt xoạt. Tiếng thớ thịt chuyển vận. Tiếng xương gẫy. Và cuối cùng đứa bé nằm trên vai mụ văng ra, úp sấp trên bờ ruộng, mái tóc bê bết bùn, quần áo tơi tả, máu loang khô từng mảng chư tuyết đọng. Thế là mụ òa lên khóc. Mụ có cảm tưởng như trong phút chốc mụ đã biến thành ma quỉ. Tiếng xương gẫy ròn như rợn lên dưới  từng chân tóc, từng lỗ chân lông, và một luồng hơi lạnh lẽo như thấm vào từng làn da, thớ thịt của mụ, làm mụ cứng đơ cả thân mình. Cuối cùng mụ quỵ xuống như một khúc gỗ khô cằn, mục ruỗng.

Sau đó mụ đã nằm liệt hai tháng trời trong dẫy lều lụp xụp của trại tạm trú. Lúc ngồi dậy được thì mụ đã quên hết cả dĩ vãng. Tất cả đều tan biến vào một lớp sa mù. Mụ không biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và vì đâu mà cuộc đời đã dẫn mụ đi tới chỗ cô đơn một mình ở đó. Mụ cố duyệt lại trí nhớ. Nhưng không một tia sáng nào chiếu rọi được vào tâm trí mù mịt như sương khói của mụ. Chỉ vào những lúc tỉnh táo nhất, là mụ thấy nhớ thằng Cu, cái Bé và đứa con dâu. Có ai đã nói là chúng nó đều bình yên. Mụ tin tưởng điều đó vững chắc như đinh đóng cột. Chúng nó chỉ lạc lõng đi đâu đó. Có người đã nói thế. Và mọi người đều đồng thanh công nhận là thế. Điều đó làm mụ thêm tin tưởng.

Không ngày nào là mụ không sửa soạn dọn dẹp nhà cửa, bầy biện chõng tre chiếu sạch để sắp xếp chỗ ngủ cho mẹ con sấp nhỏ. Thằng Cu nằm đây. Mẹ thằng Cu nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Mụ đã xếp đặt công việc nhỏ nhoi này hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác với một lòng kiên nhẫn không có gì lay chuyển nổi. Mụ đã nhìn vành khăn trắng của tất cả mọi người chung quanh bằng một cái nhìn khoái chí của một kẻ khỏi vòng cong đuôi. Mụ cười ngỏn ngoẻn. Tao ăn ở hiền lành. Ông trời có mắt thiệt tình. Đời nào ổng để tao phải chịu cảnh tre già khóc măng. Thế nào má con lũ nhỏ cũng bồng bế nhau về. Chúng nó lạc lõng đấy thôi. Chỉ mấy lão làm trong Ban Xã Hội là không được cái tích sự gì. Này nhé, chỉ việc thông báo đi khắp các nơi, hễ có ai là người chạy lạc thì hãy đến trại tập trung. Chỉ cần vẽ lối vào trại cho thật rõ ràng là họ kiếm tới. Có thế thôi mà nhắc bao lần mấy lão cũng vẫn thờ ơ. Hỏi đến thì cái miệng tía lia "Rồi, rồi". Tổ cha lũ xạo. Chúng nó chỉ ham nhậu nhẹt chớ có nhúc nhích cái gì đâu mà rồi rồi.

Nhưng tao sẽ chờ. Sẽ chờ hoài cho đến khi nhắm mắt. Thế nào tụi nó cũng trở về. Đây. Má thằng Cu sẽ nằm ở góc này. Thằng Cu thì nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Bà sẽ ru cháu. Cháu đừng sợ bà chứ. Bà không làm đau cháu. Không bao giờ bà làm rách áo quần của cháu. Không bao giờ bà bẻ gẫy xương tay của cháu. Cháu cứ nằm ngủ yên. Trên vai bà đây. Trên vai bà đây. Nghe cháu.


NHẬT TIẾN                  
(Trong TẶNG PHẨM CỦA DÒNG SÔNG)

 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 43, ra ngày 18-6-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>