Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Gửi Bài Đăng Báo


- Quớ Cán Vá...

Tôi thản nhiên xoay xoay cái "đầu bêu" trước "râu" con dế than, không thèm lên tiếng.

- Quớ Cán Vá...

Lại tiếng kêu như cháy nhà của bà chị cả thân mến. Nhỏ em kế tôi, con Hòa kêu:

- Anh Thuận đây nè chị Hiền ơi!

Tôi trợn mắt ngó nó, chưa kịp sừng sộ thì chị Hiền ra, hai tay chống nạnh:

- Thằng ôn! Mày điếc hả? Kêu rát cả họng hỏng ơi.

Tôi hất mặt:

 - Chị kêu "tui" hay sao mờ "tui" phải ơi.

Chị Hiền nạt:

- Hỏng lẽ tao kêu cái đầu gối tao.

Tôi tức quá, nói liền:

- Hỏng chừng vậy à.

- Trời ơi! Mầy ngon hả mậy?

- Ngon gì, mờ điều chị kêu thằng cán vá, tội gì "tui" phải trả lời chớ...

Chị Hiền bật cười:

- Thôi ôn con, đi mua báo cho tao coi.

Tôi xì:

- Sức mấy. Còn lâu.

- Đi đi, về tao cho mầy coi trước. Con trai gì mờ đanh đá thế, xì xò như... con gái.

Tôi làm bộ miễn cưỡng đứng lên, dù rất thích đi mua báo Tuổi Hoa về (coi trước ấy mà). Chả là ở nhà, chỉ có mình chị Hiền tôi mua Tuổi Hoa, mà đến 4 tên giành coi. Tôi là em kế chị Hiền, lại con trai nên thường lợi dụng chỗ chị lười đi mua để... giành "ưu tiên". Đường từ nhà đến nơi có báo Tuổi Hoa hằng cây số chứ ít sao? Nhỏ Hòa thì... đồng bệnh lười với chị Hiền. Nhỏ Ti và Thương còn tí bé, nên không bao giờ đi mua. Sao mà con gái nó lười thế, chả biết. Ở nhà ngoài ba, chỉ có độc nhứt tôi là đực rựa, nên nhiều lúc bị sai đi... mờ mắt, phờ giò, lại còn hay bị một lũ... nữ tặc hiếp đáp nữa chứ. Tôi tự an ủi mình: "Kệ! Ta đây cao thượng, thèm vào cãi với con gái". Mải nghĩ tới sạp báo lúc nào. Mua xong, rồ xe như bay về nhà. Chị Hiền chạy ra:

- Đưa đây coi.

Tôi dựng xe xong, bĩu môi:

- Ta đây coi trước.

Con Hòa, con Ái nhao nhao:

 - Cho mượn trước đi anh Thuận, chút em đi hái cỏ về cho dế anh ăn.

Tôi cười... ngạo nghễ:

- Thôi! Cám ơn cái lòng tốt của em tư, em năm. "Qua" đây không cần.

Chị Hiền xí dài:

 Làm như của mầy vậy. Xí. Trả đây.

- Còn khuya. Giao kèo đàng hoàng mờ "bạn". Đừng có "trở quẻ" chớ.

- Tao mượn coi sơ rồi trả, chứ bộ...

- Hỏng có bộ gì hết á. Chút nữa coi.

Cãi nhau chí chóe. Má tôi ở nhà sau nói vọng lên:

- Phá nhà luôn đi bây.

Lập tức, tôi điềm nhiên xách tờ báo ra hiên, và để trêu tức đám con gái, tôi rọc giấy từ từ, chầm chậm. Trước hết, tôi "bèn" coi sơ qua một loạt. Chợt... tôi ngừng lại vì thấy bút hiệu của chị Hiền. Tôi kêu lên:

- Ý!... Ủa! Ủa!...

Chị Hiền đứng hậm hực gần đó, gắt lên:

- Xem lẹ lên còn đưa cho tui nữa chớ...

Tôi giơ bài lên:

- Sao... giống bài chị đăng quá chị ơi.

Chị Hiền ngó sững tôi, rồi chạy lại, giành lấy coi. Bỗng chị hét tướng lên:

- Ta! Ta! Ta đây chứ ai! Kha kha.

Nhỏ Hòa, Ái, Thương cũng chạy lại, rối rít, chị Hiền nhảy dựng dậy... "Gớm! Con gái 16 tuổi đấy, bộ nhỏ à". Giá má tôi thấy là bà mắng như thế ngay. Quên tuốt lời hứa, chị giật phăng lấy tờ báo, tuôn xuống bếp khoe má tôi ầm lên. Tôi tức lắm, giả bộ thản nhiên, con gái hay nói ngược ghê đi, ờ mà... cũng tài dzách đấy chứ. Chị Hiền viết bài về tòa soạn được đăng hoài, nhỏ Hòa cũng được đăng 2 kỳ, bởi vậy tôi thường bị "họ" chọc quê. Nào là:

- Con trai cù lần lửa.

- Con trai viết văn dở ẹt.

Tức quá... Tôi chợt nảy ra ý nghĩ. Ờ! Tại sao mình hỏng viết bài nhỉ. Bài được đăng là... Ô hô! Tha hồ mà lên mặt "song tàng" với 3 "nữ tặc". Phải đấy!

Thế là hôm đó, tôi phớt tỉnh hỏng thèm giành Tuổi Hoa, tôi bày giấy bút ra. Nhỏ Ái thấy "lạ" hỏi:

- Anh Thuận làm gì thế?

Chưa kịp trả lời, tôi bị một đám "yêu nhền nhện" tấn công. Chị Hiền trợn mắt, xong cười hi hi... dễ ghét:

- Giời ơi! Mày mờ được đăng bài... Ha ha. Mày mờ được đăng tao cõng mày đi từ nhà tới Sàigòn, xuống tòa soạn chơi luôn, rồi tao cõng về.

Tôi hậm hừ:

- Ờ! Để coi. Bộ ta đây đồ bỏ sao.

Nhỏ Hòa nói kháy:

- Ờ! Anh Thuận như vậy sao chị chê hả?

Tôi phổng mũi, chưa kịp cười... xã giao với nhỏ, thì câu nói tiếp theo làm tôi... sửng cồ:

- Anh Thuận ngon lành vậy mờ chị Hiền chê hở? Xí! Anh viết hay dám hơn chị lắm à. Nhờ cái tay... cán vá đó.

Cả bọn ồ lên cười. Tôi cú đầu nhỏ Hòa hăm:

- Mầy đừng có nho nhe. Bài ta mà đăng là mày bể mặt cưng ạ.

Nhỏ Ái hỏi:

- Anh định đặt chuyện gì đó?

- Chuyện gì kệ ta. Con gái lắm mồm.

Nhỏ tiu nghỉu. Tức thì chị Hiền bênh:

- Xí! Đồ con trai chanh chua. Xí! Con trai mờ làm nên tích sự gì mờ bày đặt. Có mà ngáo mồm chờ người ta viết rồi đọc ấy.

Cảm thấy không địch lại mấy bà... là sát, tôi bê giấy bút đi chỗ khác. Ngồi yên ở bàn phòng khách, tôi nghĩ mãi, không ra việc gì để viết. Tức ghê. Hơi chán tôi định bỏ đi chơi, lại sợ ê mặt với đám con gái, nhất là chị Hiền, nhỏ Hòa. Ừ! Tại sao tôi không biết đặt ra chứ, phải làm rạng rỡ giòng họ con trai chứ. Chợt óc tôi nảy ra ý nghĩ. À! Tôi sẽ lấy... hai mụ la sát làm đề tài. Hà hà! Tôi sẽ diễn tả một bà chị Hiền điệu hạnh, chanh chua, một con nhỏ Hòa xí xọn, hay... ăn vụng. Được rồi. Tôi khoái trá viết một hơi. Đọc lại, sửa chữa kỹ càng, đoạn chép lại tử tế, khoan khoái. Thế là xong. Ủa mà lấy bút hiệu gì nhỉ? Nghĩ mãi không ra, tôi bèn lò dò ra phòng chị Hiền. Bốn người "con gái khó chịu" đang châu đầu xem Tuổi Hoa. Tôi bước tới, ngập ngừng... làm lành:

- Chị Hiền này?

"Họ" ngước cả lên:

- Gì?

- Chị... chọn bút hiệu dùm em đi.

Nhỏ Hòa trợn mắt ngó tôi từ đầu tới chân, từ chân tới đầu:

- Bộ... anh viết thiệt hả? Anh mờ viết được? Anh mờ viết?

Rõ con gái khinh người... khó ưa. Tôi đè cơn tức năn nỉ chị Hiền. Chị giả bộ nghĩ ngợi một lát, đoạn cười tủm tỉm:

- Này Thuận! Tao có tên này hay lắm, hợp với mày lắm. Hỏng biết mầy chịu không?

Tôi sốt ruột:

- Nói đại đi mà. Làm bộ hoài.

- Làm bộ hở? Vậy thì thôi.

Trời ơi. Tôi kêu khổ, tự nhủ sẽ "nhẫn nhục"... Sau này bài đăng sẽ lên mặt với "họ" sau. Bèn hiền lành:

- Thôi mà! Tên gì chị nói đi.

- Tên... tên...

Chị ngần ngừ, rồi cười ngất... Tôi trợn mắt. Chị Hiền nén cười, bảo:

- Tao thấy mầy nên chọn tên... Cán Vá.

Trời! Tôi đỏ mặt, giận cành hông. Tôi tức tối ngó cánh tay... tàn tật của mình, gắt lên:

- Chị kỳ cục vậy? Người ta vì mờ kêu Cán Vá hoài. Xí! Tay chị đẹp dữ!

Chị Hiền xì:

- Hỏng đẹp mờ điều hỏng đến nỗi... cán vá.

Nhỏ Hòa chêm vô:

- Em thấy anh Thuận nên chọn bút hiệu là xí xọn. Con trai mờ hở ra là xí xó, xí xó.

Tôi đổ quạu:

- Kệ tao. Cóc cần. Xí.

Tôi bỏ ra, sau lưng trận cười chiến thắng nổi lên hô hố dễ ghét vô cùng. Phải biết vậy, cóc nhờ. Thôi! Đành lấy tên thật là Phạm Quang Thuận. Ghi xong tôi cho vào phong bì để chung với xấp phong bì hỗn tạp, nào là đựng tiền, nào là đựng giấy tờ, thư từ... Xong xuôi, tôi thở phào. Chiều nay sẽ nhờ ba đi làm bỏ thùng thư luôn. Còn phải tốn 15đ tem chứ. Giá không có "chiến tranh lạnh", xin chị Hiền một "con" nhỉ. Mà thôi, cóc nhờ con gái.

Xui xẻo cho tôi, hôm ấy nhằm thứ bảy, ba tôi nghỉ buổi chiều. Một mình xách xe đi bỏ thư... hơi phiền. Lúc ấy, chị Hiền lại sửa soạn, thay đồ, tay chị cầm một phong thư, chắc chị gửi bài của chị. Tôi hỏng biết tìm cách nào làm lành để... nhờ vả, chưa kịp nói gì thì chị Hiền tủm tỉm cười, nói bông lông:

- Đi bỏ thư nè! Có "ai" gửi hôn?

Tôi biết dư chị trêu "ai", và... mỉm cười lại (quê quê):

- Chị Hiền... gửi dùm em đi.

Chị quay lại cười khì:

- Hết "cóc cần" rồi hả? Đưa đây ôn con.

Tôi mừng quýnh chạy lên bàn lục kiếm. Chị Hiền hối:

- Lẹ đi à. Hỏng ấy tao đi.

Tôi lục lọi tanh bành cái cặp sách. Khổ nỗi nó biến đi đàng nào. Chị Hiền thúc như chạy giặc mà còn... Tôi hơi tức kêu:

- Đâu mất rồi chị ơi!

Chị Hiền cằn nhằn:

- Đồ gì đâu. Lẹ lên. Cất mà hỏng biết.

Tôi quýnh lên, đổ cả cặp ra, mừng rỡ chộp lấy phong bì xinh xắn:

- Nè! Nó đây nè. Hết xẩy...

Chị tôi cầm lấy, nhăn nhó:

- Chưa dán tem nữa... Đồ lôi thôi.

Tôi cười... xã giao:

- Chị mua dán luôn dùm.

Chị tôi cằn nhằn rồi xách xe đi, trong khi tôi hân hoan xếp lại đống sách vở, lòng nhẹ nhàng, phơi phới. Hỡi ơi! Có ngờ đâu... chỉ độ 20 phút sau, chị tôi trở về. Tôi chạy ra vừa nói:

-Bỏ rồi hả chị Hiền?

Sắc mặt chị tôi... hầm hầm, quăng phong bì lại làm tôi... ngỡ ngàng. Chị quát:

- Đồ con trai hư! Thúi hoắc...

- ?...

- Mầy gửi bài vậy đó hở?

Tôi sửng sốt ngó lại thì... chợt hiểu. Tôi vội chạy lên, lấy cặp lục kiếm, rồi... lôi ra một phong bì khác, bóc ra... thiên lôi ơi! Bài viết của tôi còn đây. Thì ra, tôi đã xách cái phong bì đựng giấy tờ... căn cước của mình mà đem nhờ chị Hiền gửi... tòa soạn. Ôi quê là quê. Tôi mắc cỡ chạy ra nhặt giấy căn cước và... tiền bạc đem vào cất. Chị Hiền xỉa xói:

- Đồ vô ý vô tứ! May không tao bỏ vô thùng thư gửi về tòa soạn có chết chưa.

Nhỏ Hòa, Thương chạy xuống hiểu ra cười ngặt nghẽo. Tôi đỏ mặt, hỏi cho đỡ quê:

- Sao chị biết vậy?

- Chạy tới ty bưu điện chứ ít à. Mua tem xong, định dán, chợt nghe tay cứng cứng, giơ lên xem gặp cái... bản mặt mày trong đó, tức cành hông!

Tôi rút lên nhà để mặc đám nữ tặc cười nghiêng ngửa với nhau. Nghĩ cũng tủi cho phận... râu mày. Tôi vừa than thở vừa "điều chỉnh" lại phong bì. Xong xuôi, xách xuống năn nỉ chị Hiền, nhưng bà chị thân mến một mực khăng khăng:

- Không! Ta nhất quyết không...

Tức quá, tôi hầm hầm đẩy xe ra ngõ, ừ! Cho mà làm cao... tôi đây có cùi giò đâu mờ làm bộ thế... Phóng một mạch đến bưu điện, tôi móc phong bì ra bỏ vào thùng thư. Xong, thở phào tự nhủ: "Có thế thôi mà cần gì phải năn nỉ thiên hạ". Tôi trở về lòng khoan khoái dễ chịu. Tới nhà, tôi dựng xe xong, "kênh" chị Hiền liền:

- Cóc nhờ chị cũng chả sao... khỏe re!

Chị Hiền bĩu môi:

- Khỏe re mà năn nỉ người ta gãy lưỡi.

Tôi nhún vai tỏ vẻ... khinh thường. Bỗng chị Hiền la lên:

- Ý... cho mày chết. Trời ơi... Cho mà khỏe.

Rồi chị cười nắc nẻ. Tôi ngạc nhiên:

- Cái gì vậy?

Chị Hiền vừa ôm bụng vừa nói:

- Tao biết mầy thất bại keo nữa. Trời ơi! Con trai hư! Con trai gì mờ vô ý vô tứ.

Tôi gắt:

- Cái gì thì nói đại, úp úp mở mở "quài".

Chị Hiền ngưng cười:

- Hồi nãy... bỏ thư mày... có dán tem hôn?

Tôi giật mình, trợn mắt:

- Thôi! Thôi chết tui rồi.

Hỡi cao xanh có thấu? Vì tức khí chị Hiền mà tôi đã quên mất việc dán tem phong bì. Thôi chết...

Tôi buông hai tay, thẫn thờ. Chị Hiền cười sặc sụa. Tôi cáu sườn:

- Cười "quài" hà. Vô duyên... ờ mà sao chị biết?

- Có ngốc như mày mới hỏng biết. Tao hỏi mầy: hồi mầy đi là 11g50. Lúc đó ty bưu điện ai làm việc mà bán tem cho mầy?...

Tôi quê quá xá:

- Bi giờ làm sao chị?

Chị Hiền nghiêm mặt lại:

- Đồ hư! Bây giờ thì ráng mà chịu. Giời ơi! Tao tưởng tượng mai mốt, ở tòa soạn người ta nhận được lá thư... phạt tiền tem. Hì hì (lại cười) người ta có cảm tình với mầy liền. Người ta đào xới mầy hỏng dư cọng cỏ, cho ớn... Tao đã bảo con trai đừng có bày đặt, văn chương gì... cho lộn xộn thêm không hà. Bây giờ...

- Sao chị?

- Mày viết một lá thư... rượt theo bài gửi, kể lại mọi việc kẻo ông Thư Ký Tòa Soạn ổng tưởng mày chơi "khăm" thì... ổng chửi mầy tắt bếp. Cho mày "khỏe re" luôn...

Tôi "băn khoăn":

- Kỳ quá vậy? Hỏng có cách nào khác sao?

- Ờ hay là... anh Tú xóm mình có làm việc ở ty bưu điện đó. Qua mờ lạy lục, van xin nhờ ảnh bao giờ kiểm thư thì dán tem dùm.

Tôi chợt nhớ ra, hét lên:

- Đúng rồi. Ha. Ha... Tình tình tính tình...

Tôi chạy biến qua nhà anh Tú. Nhờ vả xong cảm thấy tấm lòng nhẹ nhàng, thơ thới... Gửi có cái bài đăng báo mà... tối tăm mặt mày, cực khổ quá cỡ thợ mộc. Không biết các bạn khác "bước đầu" viết bài gửi có... "lận đận" như tôi không? Chứ riêng tôi cảm thấy... "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Chịu nhiều nỗi "đắng cay, nhục nhã ê chề": Nào là trục trặc kỹ thuật, nào là mất công, nào là phải nhờ vả, nào là bị chị tôi sỉ nhục, khổ sở trăm bề... mà lại còn phải trông ngóng, đợi chờ, lại còn sợ ê mặt khi bài hỏng được đăng nữa chứ. Ôi! "Gieo neo" thay cho cái "nghề" cầm bút. Phải không? Bạn hỉ?...


THIÊN LÔI   


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 221, ra ngày 1-4-1974)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>