CHUYẾN XE NÀO BÌNH YÊN
Khi chuyến xe vừa đầy nhóc người là lúc thành phố đã lùi lại sau
lưng. Em tạm xa thành phố xa hoa náo nhiệt ấy, nơi mà các sinh hoạt rộn
ràng đã cố tình làm cho con người hầu quên hay không muốn biết đến những
tang tóc đang xảy ra ở một nơi nào đó không xa. Người tài xế chép miệng
phân trần: “Khổ quá bà con ơi! Tui cứ đón khách lắt nhắt thế này, một
hồi quá số hành khách đã định. Có khi xui thì bị phạt, bị phạt thì lỗ
vốn. Bà con nghĩ coi, chở một người tám chục đồng, bị phạt một người hai
trăm. Vậy mà tui cũng hổng tởn, cứ thấy người ta đón giữa đường mà bỏ
chạy thì thiệt tội, nên cứ chở bừa. Có vậy mà nghèo. Bà Tám nè, hổm bữa
đánh ở trển đó, tui thương quá chở đầy nhóc một xe chạy thục mạng tưởng
chết. Vậy mà cũng về tới nơi bình yên. Thấy người ta lạc chồng lạc con
tui cầm lòng hổng đặng, chẳng muốn cầm tiền của họ nữa. Vậy mà hổng hiểu
sao có nhiều người lái xe bóc lột đồng bào dữ quá! Thiệt, thời buổi
loạn lạc sanh ra nhiều loại người bất nhân.”
Bà Tám, quen sao đó với bác tài xế, là một người đàn bà khoảng bốn
mươi tuổi ngoài, đưa tay sửa lại búi tóc, rồi lấy ổ bánh mì nguội ra
nhai. Hầu như con đường này đã quá quen thuộc với bà, nên bà có vẻ chăm
chú vào câu chuyện của bác tài xế hơn là cảnh vật bên ngoài. Cái miệng
hồng màu trầu nhai bánh mì thật ngon lành, vừa chóp chép vừa nói chuyện.
“Ừa, anh Tư nói đúng đó, đời này nhiều kẻ chẳng biết thương nổi khổ của
người ta gì hết trọi, ăn được là ăn. Mình nghèo, thương được ai lúc này
thì thương kẻo tội. Tui tiếc là tui hổng có tiền chứ nếu giàu có ra,
tui mua đồ đem đi cứu trợ hết. Hôm nay tui đem mấy trái mãng cầu lên cho
con mẹ Út, hổng biết nó ở trại tạm cư có yên không. Bữa trước lên thăm
nó, nó khóc nói chạy không đem được thứ gì hết. Nhưng mà nó hổng lạc đứa
con nào hết là may. Một lũ bảy đứa, anh Tư thấy ớn hôn? Chà, vái Ông
Địa cho tui lên đó bình an, về tui cúng quày chuối.”
“Cho tui lên đó bình an”, tự nhiên em giật mình, và cũng muốn cầu
khấn một quyền lực nào phù hộ. Xe chạy qua một khu chợ đông đúc, em bàng
hoàng nhìn những người nối đuôi nhau đi mua, đi bán. Họ nhìn những
chiếc xe bằng đôi mắt tìm kiếm, giống như mong thấy một người nào quen.
Xe chạy chậm lại vì phải tránh người. Bất chợt em tưởng tượng nếu có một
cái gì bất trắc xảy ra ngay tại đây, chắc hẳn khung cảnh sẽ hỗn loạn
ghê gớm. Người đi chợ sẽ chạy tứ tán và những chiếc xe chạy ngược chạy
xuôi chắc phải dừng lại, hành khách nhảy tung ra ngoài để trốn chạy.
Nhưng cảnh vẫn thản nhiên trong khi trí tưởng tượng của em đi xa. Cảnh
làm cho em nghi ngờ sự hiện diện của chiến tranh mặc dầu không thể nghi
ngờ được. Chiến tranh phải chăng là một cái gì khi ẩn khi hiện mà nếu
không trông thấy những cuộn kẽm gai giăng hai bên đường và chòi gác cao
trơ vơ hẳn không ai tin được rằng trước hay sau đó một vài giờ đã hoặc
sẽ xảy ra một cuộc giao tranh.
Khi rời khu phố chợ, chiếc xe chạy giữa hai bên đường trồng chuối.
Kìa có thấp thoáng bóng ai trong vườn, dưới những đám lá xanh non. Cảnh
yên ổn vô cùng. Những chuyến xe chạy ngược chở đầy hành khách vụt qua.
Bà Tám vẫn còn nhai bánh mì, ngoái cổ nhìn theo, nói: “Ở trển chạy về
kìa, anh Tư! Chắc yên à, không đến nỗi nào. Chạy lẹ đi anh Tư! Tui tới
thăm nó rồi về nhà sớm.”
Xe qua một cây cầu. Tiếng ván lộp cộp dưới bánh xe. Người lính đứng
gác trên cầu nhìn theo, đôi mắt buồn buồn. Hình như đôi mắt này đã bao
lần tự hỏi những chuyến xe đi ngang cầu sẽ đi đến đâu, có được bình yên
không? Có được bình yên không?
LŨ TRẺ THƠ TRONG NẮNG
Nắng không trong lành như người ta tưởng tượng là “nắng thủy tinh”,
không ấm áp như nắng trong bài hát “Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên…”
Nắng ở đây là thứ nắng gay gắt làm nhức đầu bỏng da mà chưa có một bài
hát nhi đồng nào mô tả. Nhưng lũ trẻ thơ đang phơi mình trần tắm gội thứ
nắng ấy. “Đi theo xe ba bánh đi tụi bây, đẩy giùm mấy ảnh để đem đồ tới
phát cho người ta.” “Người ta” đây lại là gia đình của các em.
A, hôm nay lại có dép nữa! Tí nữa mình sẽ được phát dép. Í, nhưng
mà chân tao nhỏ quá đi, làm sao mang được dép to thế kia? Chắc anh tao
mang vừa. Anh tao bị kẹt lại đó rồi mày ơi! Giá có ảnh chạy về đây thì
ảnh cũng mang vừa vậy!… Tao ngó hi hí vô cái thùng kia, thấy có xì dầu
nữa mày ơi! Hôm nay được ăn cơm với xì dầu! Rô-be, mày không được uống
xì dầu nghe! Mày chắc uống xì dầu hoài nên đen sì.
Rô-be chạy thoăn thoắt dưới nắng, lưng đen bóng lên. Chạy chán Rô-be
leo phóc lên ngồi trên yên xe ba bánh. A, có việc này mà không nghĩ đến:
sáng nay Rô-be thấy má Rô-be khóc khi đọc tờ giấy gì màu hồng của mấy
anh chị đi phát. Nghe má nói đó là giấy từ giã chi đó. À, phải chăng mấy
anh chị từ giã để đi về nhà? Rô-be hiểu nghĩa từ giã khi bữa hôm theo
má theo anh rời bỏ nhà cửa chạy tránh bom tránh đạn, rời bỏ những tàn
cây bụi cỏ ở đó Rô-be cùng lũ bạn chơi đùa hàng ngày. Rô-be nhớ mãi
những chuyến xe chạy vội khỏi vùng khói lửa, và nhớ mãi đoàn người chạy
loạn dắt díu nhau lếch thếch chạy trong tiếng la khóc và đạn réo điếc
tai. Khi đến được nơi đây là đỡ được phần nào lo lắng. Nhưng bù vào đó
là sự chật vật về nơi ăn chốn ngủ cùng với nỗi nhớ nhà thấm thía. Tối
nào má Rô-be cũng khóc. Rô-be còn bé nhưng Rô-be cũng thấy nhớ nhà. Mấy
ngày nay có các anh này đến phát gạo phát thuốc Rô-be cảm thấy vui vui,
cứ dang nắng chạy theo giúp hoài. Bỗng nghe má nói các anh từ giã để về
Sàigòn, Rô-be buồn ghê! Phải chi mấy ảnh ở đây với Rô-be luôn nhỉ!
Rô-be vẫn reo, vẫn hát, nhưng bước chân chạy theo các anh hình như cuống
quít lạ kỳ.
Tin! Tin! Dang ra tụi bây, xe chở gạo đến kìa! Lũ trẻ leo lên mui xe,
đeo trên cửa xe, hò reo thật thân ái. Một em đứng dưới đất buồn nhìn
bàn tay cụt mất hai ngón, băng trắng toát. Em nghĩ đến ngày mở lớp vải
băng này ra, chắc là bỡ ngỡ lắm. Hai dấu thẹo nhăn nhíu hẳn sẽ làm em
khóc. Với ba ngón còn lại, em sẽ làm được gì? Em chắc sẽ tập viết bằng
tay trái vậy. Dù sao em cũng an ủi lấy mình vì em còn có phước hơn nhiều
người. Thằng Rô-be ngoắc em. Hổng thèm buồn nữa, em phải chạy đi chơi
với tụi nó chứ! Em giơ bàn tay mang băng trắng lên khỏi đầu chạy đến bám
lên cửa xe cười vang.
Mặt trời lên cao, ngay đỉnh đầu. Chắc giữa trưa rồi! Ở đây không còn
biết ngày giờ là gì, chỉ đoán chừng thôi. Lũ trẻ vẫn không ngừng dang
nắng. Khi nào chơi chán rồi, lưng ướt đẫm mồ hôi, các em cùng chạy đến
đứng nối đuôi nhau bên xe nước, đợi chờ.
NHỮNG GIỌT MỒ HÔI
Trên ba mươi gia đình trú ngụ trong mỗi trại. Mỗi gia đình sinh sống
tạm thời trên một manh chiếu. Trong số đó, có nhiều gia đình đã thất lạc
con cái cha mẹ, chỉ còn đôi ba người trơ trọi. Tiếng trẻ khóc như quyện
lấy hơi nóng từ trên trần nhà tỏa xuống. Và những khuôn mặt khắc khổ
chịu đựng cố tươi tỉnh nhìn phần quà của mình vừa mới nhận lãnh để mà đè
nén những ưu tư. Em lặng nhìn họ, và muốn nói với họ những lời khâm
phục nhất.
Chúng tôi là những người đi học, đã gác bỏ bài vở để đến đây chia sẻ
với đồng bào. Vậy xin bà con thông cảm chúng tôi, vui lòng giúp đỡ chúng
tôi dễ dàng trong công việc. Xin bà con sắp hàng ngay ngắn và đưa phiếu
cho chúng tôi để nhận phần quà. Những người tị nạn đã lớn, đã già,
nhưng có nụ cười ngoan ngoãn như trẻ thơ, đứng sắp hàng chờ đợi. Họ nhìn
chúng em bằng tia nhìn cảm thông trìu mến. Em muốn nói với họ rằng
chính chúng em phải cảm ơn họ, vì họ là những người nhận lãnh đau khổ
khốn đốn thay cho những kẻ thị thành.
Trại “ba đê” ra lãnh phần! Vài tia mắt ngơ ngác. A, không, trại “ba
dê” ra lãnh phần! Lũ trẻ thơ mình đen bóng chạy ù ra, mấy người lớn chạy
lúp xúp theo sau. Một hàng rào giăng ra bằng những cánh tay nối lại. Bà
con xin chờ đợi sắp xếp phần đầy đủ. Phiếu ai có ghi “sữa” thì lãnh
thêm sữa, ai có ghi “xô” thì lãnh thêm cái xô. Hai người đàn bà nhìn
nhau cười. Tui kêu là cái thùng xách nước, họ kêu là cái xô làm tui bắt
chước kêu theo. Chúng em ôm sẵn quà trao cho từng người. Xin bác nhận
lấy, một bịch gạo, một bịch quần áo, một gói muối, một chai xì dầu, một
cái ca uống nước, một gói mì khô. Xin bác lãnh thêm hộp sữa cho em bé.
Nhà chị đông, xin lãnh thêm cái xô… Một chị than phiền: “Mấy ông cho tui
xin cái xô, tui xách nước. Tui có con dại, cho xin hộp sữa. Hồi nãy ghi
phiếu tui đi vắng, mấy đứa con tui khai bậy làm bây giờ hổng có được
thêm. Làm ơn cho tui xin…” Nhiều người bắt chước nhau khiếu nại. Xin bà
con hiểu giùm. Chúng tôi làm việc với thiện chí, và mong giữ trật tự đến
mức tối đa. Những giọt mồ hôi lăn đầy trên mặt anh xướng ngôn. Những
giọt mồ hôi lấm tấm trên lưng áo những người phát quà. Những giọt mồ hôi
nhễ nhại trên mình những người tị nạn. Quá giữa trưa rồi, nắng vẫn
không giảm sự gay gắt, trái lại còn hực nóng thêm. Em nghe bỏng rát cả
hai cánh tay và tưởng như chiếc nón lá trên đầu trở nên rất dòn đến nỗi
sắp bể… Giờ này có người chưa nấu cơm ăn vì còn đợi phát gạo. Vậy chúng
ta hãy phát mau cho họ. Anh xướng ngôn mệt phờ người vì đọc to nãy giờ,
thế mà vẫn trợn mắt vừa nói vừa hát: “Sao anh làm mà không vui cười? Sao
anh làm mà không vui cười?” Cả bọn như bị thúc đẩy, cùng vỗ tay hát hò
khiến những người tị nạn cũng thấy vui theo. Em cảm thấy như nắng bỗng
chạy trốn ở cuối chân trời.
Một người đàn ông từ trong trại tạm trú đi ra, mặc một chiếc áo dài
đỏ. Lũ trẻ ôm bụng cười như nắc nẻ. Hai người đàn bà nhìn nhau cười. Ổng
điên hả? Không, ổng giỡn đó! Tại ổng nhận được bao quần áo có cái áo
dài đó mà! Thiệt, khổ tới đó mà còn giỡn. Buồn cười nhỉ! Mà cười ra nước
mắt đó bà!
MẸ VẪN ĐỢI CHỜ
Bác đứng ở dưới mái hiên rất lâu, đôi mắt thẫn thờ. Mời bác uống với
cháu miếng nước. – Không, cảm ơn cô, tui không quen uống nước đá. – Trưa
nắng quá bác đứng đây làm chi hở bác? – Tui đứng đây đợi người quen coi
có ai lên không. Cực lắm cô ơi! Tui chạy từ trên nớ về đây với mấy đứa
nhỏ. Nhà tui còn ôn mệ nhưng ôn mệ không chịu chạy, rứa là mắc kẹt lại
rồi. Con tui à? Mấy đứa nhỏ thì bình yên ở đây, nhưng còn ba thằng con
trai lớn, một thằng đi lính xa, hai thằng đi lính ở địa phương. Mẹ hắn
chạy đi mà hắn thì ở lại đánh. Rứa là không biết tụi hắn sống chết ra
răng rồi mấy cô ơi! – Nước mắt bác chảy dài lăn xuống đôi môi, thấm vào
những lằn nứt khô héo. – Bác, bác đừng khóc, bác hãy hy vọng lên đi bác.
Nhà ai cũng có người đi lính hết. Thời chiến tranh là phải như rứa mà
bác. Bác hãy hy vọng lên, rồi một mai yên lành bác sẽ gặp con. Không sao
đâu bác! – Cô nghĩ coi, con mình lúc nhỏ mình tưng tiu từng chút, lớn
lên hắn đi xa cha xa mẹ, cực khổ trăm điều, thử hỏi ai mà không lo. Bây
chừ tụi hắn mắc kẹt trong nớ rồi, tui thiệt ngồi đứng không yên, ra đứng
đây để nghe loa coi họ có nhắn tin cho mình không. – Bác ăn cơm chưa bác? – Rồi cô. Nhưng mà tui có ăn được chén mô ra hồn
đâu, toàn nhường cho tụi nhỏ ăn hết. Tụi con tui nó đói quá, ăn không
đủ. Cô nghĩ coi – bác lại sụt sùi – một bịch gạo đong ra không đầy hai
lon mần răng nấu đủ ăn một ngày, mà lại không có thức ăn nên phải đói.
Phải chi bữa chạy loạn tui có đem được ít tiền thì ra chợ mua gì về ăn
cũng đỡ, đàng ni chỉ chạy mấy mẹ con với mấy bộ quần áo. Cô biết không,
ăn cơm mà thèm một cọng rau, thèm một cái xương cá vô cùng. Đã vậy muốn
xin thêm mấy ổng một lon gạo cũng không được vì chen lấn quá đi.
Nét đau khổ hằn sâu thêm trên gương mặt của bác. Quá nửa đời người
rồi còn chi, nhưng hầu như bác chưa thấy ấm êm. Con người phong trần này
có lẽ đã chạy loạn trong đời không biết bao nhiêu lần để tìm bình yên.
Gia sản chắc cũng đã nhiều lần bị bỏ đi và nhiều lần gây dựng lại. Em
không biết rồi đây bác còn phải chạy loạn bao nhiêu lần nữa.
Vào trụ sở xin một bịch gạo, chúng em muốn góp phần nhỏ bé vào bữa
cơm chiều nay của bác. Bác sẽ chẳng phải nhịn đói nữa, vì nồi cơm chiều
nhiều gấp đôi mọi lần mà! Đôi mắt bác sáng long lanh nước mắt. Cám ơn
các cô quá, tui chẳng biết chi để cám ơn các cô. – Không đâu bác, nếu
chẳng có gì cho nhau, thì chúng cháu chỉ có tấm lòng này, xin bác nhận
cho và chúc bác nhiều hy vọng.
Bác ôm gói gạo trong tay, đi nhanh về trại. Ngang qua phòng nhắn tin,
bác dừng lại trước máy phóng thanh. Đôi mắt chùng xuống buồn thiu.
Tiếng nói vang ra từ chiếc loa phóng thanh như xuyên vào tai bác. Nhắn
tin, nhắn tin, em Trần Thị V., có anh là Đại úy Trần văn D. muốn biết em
đã về trại tạm cư chưa…. Nhắn tin, nhắn tin, bà Nguyễn Thị T., có chồng
là ông Vũ văn C. muốn gặp, xin bà ra phòng nhắn tin… Trời ơi! Còn con
của bác, tụi hắn có được bình yên không, răng chẳng đến tìm bác? Mạ lại
đứng ở chỗ ni chờ hoài chờ mãi vậy. Con còn sống hay không? Răng chẳng
về tìm mạ???
THƯƠNG QUÁ, HƯƠNG CAU
Ngày sẽ tới nước non thôi là hai
Ngày thống nhất Bắc Nam đi lại rồi;
Anh đưa em ra nghe thu Hà nội
Em đưa anh vô Nam coi mặt trời.
Này hỡi, hỡi hòa bình! Này hỡi, hỡi hòa bình!
... Lũ trẻ thơ dạt ra hai bên cho xe chạy. Nắng bây giờ hết gay gắt,
nhưng vẫn còn sáng loáng trên những tấm lưng trần. Tiếng hát bé bỏng xa
dần. Em bây giờ lại trở về thành thị để tiếp tục bài vở, thi cử. Tự
nhiên thấy quyến luyến đám trẻ nhỏ và những người tị nạn hiền lành, chịu
đựng. Tự nhiên thấy không muốn xa những dãy trại tạm cư nóng hầm, những
con đường đất nứt nẻ hực hơi nắng. Bây giờ lại thấy những cảnh vật ban
sáng. A, nhưng mà hình như có mùi gì thơm nhẹ trong gió. Mùi hương cau!
Em muốn reo lên và muốn chạy xuống để đi tìm vườn cau nào thơm quá! Lúc
này những ước mơ như đang lớn lên trong lòng em thật mãnh liệt. Ôi
thương quá đất nước em đẹp đẽ hiền lành thế này đây, sao không mấy ai
thương yêu ngọn cau, tàu chuối? Sao không mấy ai vun bồi luống đất, bờ
đê?
Lại đi ngang cây cầu hồi sáng. Em nghe tiếng ván kêu lộp cộp dưới
bánh xe như chào hỏi. Người lính đứng trên cầu quay lại nhìn chiếc xe
bằng ánh mắt cũ, rồi nhìn xuống dòng sông. Lại một ngày như bao ngày anh
đứng gác trên cây cầu buồn thiu. Anh ơi, hy vọng lên nhé! Rồi sẽ có một
ngày anh không phải gác một mình trên cầu nữa. Anh sẽ được về nhà sống
với cha mẹ, vợ con. Em bỗng nhiên tưởng tượng một ngày sẽ tới, đường quê
tấp nập người người trở về mái nhà cũ, gầy dựng lại cơ nghiệp. Sẽ không
còn những trại tạm cư. Sẽ không còn những cuộn kẽm gai chắn đường cây
trái mọc. Bác gì đó sẽ gặp lại con trai. Rô-be được mặc áo, hết đen như
xì dầu. Em bé cụt hai ngón tay sẽ trở thành họa sĩ với bàn tay trái vẽ
vời quê hương, hay sẽ trở thành một nhà bác học. Những người vợ chung
thủy sẽ dìu nạng cho người chồng thương binh đến trường tiếp tục việc
học dở dang. Ôi thương quá, ngày thanh bình trên quê hương em, chắc sẽ
vui vô cùng!..
Ghi từ Bình Dương – Sàigòn
10-5-1972
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH