Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Vườn Hoang


Tiếng súng giao tranh chỉ còn nghe lẻ tẻ và dư âm vang xa xa ở trong sâu, sâu lắm... vùng quê nghèo tiêu điều. Người ta đã tản cư từ lâu, để lại đất đai, ruộng đồng, vườn hoang, nhà trống...

Khu vườn xum xuê hoa quả ở sát mặt đường lộ này cũng trở nên buồn bã mất thôi. Dì gió lắm chuyện bỗng đổi tính mơ mộng, dì gió cứ nhớ về ngày xưa an bình, rộn rịp nhịp sống vui hòa. Mấy bụi chuối xiêm hai bên hè nhà cứ ru con với những tàu lá xào xạc làm quạt. Chúng không cần đến dì gió. Nhưng mấy bụi chuối con thì lim dim khi dì gió nhẹ lướt qua vuốt ve tay của mấy bụi chuối con. Gần hàng rào hoa bụp là những bà mai già. Các bà hãy còn ngủ, có lẽ mùa xuân các bà sẽ dậy và trang điểm bằng những hoa vàng năm cánh hay bảy cánh rực rỡ. Dì gió đến gọi các bà mai già dậy đi nào. Dậy mà kể chuyện khào với nhau cho thay đổi cái không khí đìu hiu này. Các bà mai già cành lá khẳng khiu vẫn thản nhiên. Nhưng bụi tre độc nhất ở gần cổng ra vào bằng cây, đồng ý trước tiên. Dì gió chạy lăng xăng thuyết phục mọi người làm quen với nhau, cùng lên tiếng, cùng cởi mở... trong chuỗi ngày buồn, trong thời gian dài chờ đợi... (Họ chờ đợi gì đây?) Mấy chục cây mận gọi nhau rối cả lên. Hàng dừa xiêm ngơ ngẩn vì cao quá, các anh này chưa rõ chuyện. Phải đợi dì gió thét tận tai ông lão cây si râu ria tua tủa và thòng gần tới đất, mấy cây dừa mới biết được. Mấy cây dừa nói cho một chục cây cau nghe cùng. Mấy cây cau nói cho mấy dây trầu hay. Nhưng mấy dây trầu mắc bận gây gổ với mấy dây tiêu. Mấy dây tiêu lúc đầu bò lộn qua mấy cây cau, bị mấy dây trầu phản đối và cứ đem chuyện đó mà mắng mấy dây tiêu mãi. Mấy dây tiêu tức mình bò sang giàn bằng cây tràm, yên chỗ rồi tụi này cứ chửi qua, chửi lại với nhau.

Chả là vì mấy dây trầu ganh ghét mấy dây tiêu có hạt còn dây trầu thì không có. Mấy dây trầu cũng ghét dây khoai miền dưới nữa, mặc dù dây khoai này bò một mình quanh cây xoài voi khá cao, cao hơn cả ông lão cây si.

Hoa lá, vạn vật trong vườn nhao nhao hỏi ý định của dì gió khi tập hợp mọi người. Dì gió đáp:

- Chúng ta mỗi người sẽ kể một câu chuyện vui hay buồn, dài ngắn tùy ý... Để xem chuyện nào hay nhất. Ít ra cũng qua được khoảng thời gian tẻ lạnh, vắng ngắt này...

- Đồng ý, đồng ý...

Chỉ có mình ông lão cây si là từ chối:

- Thôi, lão già rồi, cho lão xin, lão nghe mấy cháu kể cũng được rồi, mà mấy cháu phải kể chuyện gì vui vui đó nghe...

Dây khoai miền dưới không bằng lòng, nó lên tiếng:

- Ông làm bộ hoài, ông sống lâu năm rồi, có lẽ biết nhiều chuyện hay lắm. À, ông bao nhiêu tuổi rồi hả ông?

- Bao nhiêu tuổi hả? Lão không nhớ bao nhiêu lâu, nhưng chắc chắn lão đứng đây từ hồi chưa có căn nhà ba gian kia.

Rồi ông lão cây si quay qua hỏi căn nhà:

- Phải không chú em? Lão sống ở đây thuở còn trai tráng chưa có râu để bọn dơi đánh đu ban đêm.

Nhưng căn nhà vẫn im lặng trong khi vạn vật reo cười vì câu pha trò.

Bây giờ đến phiên dì gió chỉ huy, dì gió chỉ bụi tre:

- Chàng bụi tre kể chuyện mình trước nhé.

Chàng bụi tre ngượng nghịu:

- Tôi không có chuyện gì để kể, nhưng tôi biết hát.

Vạn vật trong vườn hoang đều tỏ vẻ đồng ý lẫn ngạc nhiên. Rồi chàng bụi tre mơ màng hát những bài ca dao mộc mạc nhưng ươm đầy mật ngọt quê hương, làm say sưa hoa lá cỏ cây trong vườn hoang. Dì gió chép miệng:

- Phải chi có tiếng sáo diều phụ họa thì hay biết mấy.

Trẻ con cũng đi xa tận đâu rồi khiến buổi chiều cũng trở nên buồn.

Chàng bụi tre hát nhiều bài, thật lôi cuốn đến nỗi khi dứt ngang làm vạn vật bàng hoàng trong giấc mơ tuyệt vời. Thì bỗng có tiếng hát xa xăm nối tiếp, tiếng hát của bà chuối hột cạnh ngôi mộ cũ, cuối khu vườn hoang. Mấy bụi chuối xiêm thích thú nhất, chúng không ngờ bà chuối hột lại thuộc nhiều bài hát "ầu ơ, ví dầu" để ru con như vậy. Mấy chú chuối xiêm định sẽ nhờ bà chuối hột dạy hát cho. Để khi chủ nhà trở về chúng sẽ trổ tài, át hẳn tiếng võng đưa "kẽo cà, kẽo kẹt". Dì gió nhẹ lay gọi mấy bà mai già. Mấy bà mai già ngái ngủ càu nhàu: "Vô duyên, lộn xộn... để người ta ngủ". Bác mặt trời đang chói chang cũng phải híp mắt cười, và hình như ông lão si già cười rung rung hàm râu rễ phụ. Đến phiên cây chùm ruột kể chuyện:

- Tôi ấy à, tôi sinh ra chẳng biết để làm gì. Ngoài có trái chua để người ta ăn, làm mứt...

Vạn vật xì xào:

- Chuyện của anh chùm ruột chán phèo. Dẹp đi.

Cây chùm ruột xấu hổ, và lá chùm ruột vài cái đang rơi.

Mấy cây mận thì láo khoét, chúng nói rằng:

- Quê tụi tôi ở tận Vân Nam...

Và ôi thôi một lô chuyện dóc bên Tàu.

Đợi mấy cây mận dứt lời, ông lão cây si bèn lật tẩy:

- Lão biết hết, tụi bây là loại cây chiết cành mà. Người ta bó đất vào chân tụi bây, đợi mọc rễ mới chặt đi và đem trồng nữa. Tụi bây ở vườn ương cây nào đó, chớ nào phải ở Vân Nam.

Cỏ cây ồn ào "châm chọc" mấy anh mận nói khoác. Chỉ có hai cây mận Hồng Đào gây giống tận Vân Nam là hãnh diện. Hai cây mận này sản xuất trong mùa những quả thật bóng, vân đỏ, quả to, hột ít và lại ngọt nữa. Vạn vật đều biết thế, vạn vật cười chê nhìn mấy cây mận kia đang bẽn lẽn vì "thấy người sang bắt quàng làm họ".

Thế là bắt qua chuyện phiêu lưu. Mấy dây tiêu kể chuyện mình lưu lạc tận miền Trung vô đây. Hoa lá, cỏ cây ngùi ngùi thương cảm cho quãng đời đắng cay cơ cực của dây tiêu.

Mấy dây tiêu cứ gặp rắc rối hoài với mấy dây trầu. Nhưng mấy dây trầu quạu quọ khó mà có cảm tình với vạn vật trong khu vườn hoang. Hai chậu dây trầu bà treo lủng lẳng ở máng xối trước hiên nhà cũng xa lánh mấy dây trầu bò quanh mấy cây cau. Hai dây trầu bà có vô số bạn bè. Nào là dây hoa chùm gửi. Mấy dây chùm gửi yếu đuối bò lông ngông quanh ông lão cây si, quanh cây xoài voi, hay quanh vách ván căn nhà, chen cả vào giàn mướp. Các loại dây leo làm bạn với nhau và chừa mấy dây trầu kiêu hãnh ra. Mấy dây trầu và một chục cây cau kể "chuyện tích Trầu Cau" hay lắm, nhưng không hấp dẫn được mọi người. Mấy dây trầu và mấy cây cau mắc tật "nói về cái tôi" nhiều quá, nhiều đến nỗi vạn vật đều ghét sự ích lợi của trầu cau.

Trầu cau biết đâu rằng, nếu không nhờ tục lệ cổ truyền khi cưới hỏi, trầu và cau thành vô dụng mà thôi.

Rồi dây hoa chùm gửi và hai dây trầu bà kể những mẩu chuyện vui trên đường lang thang. Dây hoa chùm gửi và hai dây trầu bà kết luận:

Dầu sao chúng tôi vẫn thích sống cuộc đời êm ả ở đây lắm...

Dì gió lúc nào cũng len lỏi mọi nơi ngắt lời:

- Ừ nhưng phải vui sống, không nên bi quan.

Hoa chùm gửi với trầu bà ngẫm nghĩ và buồn riêng cho phận chúng. Vì chúng ngoài cái vẻ làm duyên tạm, trang trí cho khu vườn hoang, chúng không còn phận sự và ích lợi gì cho loài người như trầu và tiêu. Chúng còn kém cả giàn mướp và dây khoai miền dưới. Chúng biết phận nên chỉ đành chơi với mấy khóm hoa. Quanh căn nhà có nhiều hoa lắm cơ. Trước cửa gian nhà chính có hai bụi hoa hướng dương, bảy hay tám bụi hoa mười giờ và móng tay. Một chậu huỳnh hoa cũng đang ngủ như mấy bà mai già. Các loài hoa có khối chuyện về điểm trang nhưng còn làm bộ vì chưa đến mùa xuân đấy thôi.

Dì gió rì rào và nhắc nhở mấy hàng dừa xiêm cao giò. Mấy hàng dừa xiêm cũng kể chuyện lưu lạc tận phương xa, nuối tiếc ngày ấy đã qua rồi. Bây giờ hàng dừa xiêm chỉ nói chuyện khi loài người sử dụng quả dừa. Nào ăn cái, uống nước, làm dầu, làm dây, làm chổi, làm bàn chải, lợp nhà, làm nón, chụm củi, chụm mủng vùa, làm phân tro v.v... Thật là nhiều công dụng thiết thực. Hoa lá... vạn vật... thích lắm.

- Ồ, hết rồi sao? Kể nữa đi. Kể chuyện phiêu lưu ngày xưa đó.

Dì gió vui vẻ can thiệp:

- Muốn nghe chuyện phiêu lưu, thì sẵn đây có dây khoai miền dưới.

Dây khoai miền dưới đến phiên, chậm rãi kể:

- Xứ sở tôi ở tận Đà Lạt. Không, bên Âu Châu mới đúng. Tên thật của tôi là khoai tây. Có dạo tôi được đi du lịch bên nước Tàu. Khí hậu nơi đó cũng dễ sống, hơn cả Đà Lạt. Tôi có thể sống thích nghi dưới lòng đất hay bò ngoằn ngoèo theo mấy thân cây hay các giàn chống. Từ miền Trung tôi theo bước chân buôn bán của người ta về miền Nam. Tôi cũng thử sống còn với đất đai và khí hậu nóng này. Từ đó tôi có tên mới là khoai miền dưới. Người ta ăn củ của tôi cũng khen ngon...


Hoa lá cỏ cây trầm trồ nhìn các củ khoai miền dưới mỏng vỏ mà dai, cái màu lai giữa màu xanh lá cây và màu đất.

Chẳng trách một tốp người chạy loạn ngang qua khu vườn hoang đã hái vội những củ khoai, chặt vội quày chuối sống hay mấy bắp chuối còn tươm mủ. Trầu, cau và tiêu... không cần thiết lúc ấy. Giá có thì giờ họ sẽ xắn mấy mụt măng, bẻ mấy quày dừa xiêm trên cao. Xoài và mận nhốn nháo, may quá chúng chưa có quả. Nếu không, vì đói người chạy loạn dám vặt cả quả xanh. Tốp người chạy loạn kéo ngang qua mang bao nỗi kinh hoàng như lúc dì gió nổi giận. Ông lão cây si bàng hoàng, ông nhìn lại mấy vết sẹo của đạn súng vô tình làm trầy cái thân cây sù sì. Từ đó ông lão như người điếc không muốn nghe tiếng sầu của chiến tranh. Bởi vậy khu vườn hoang vắng, hoa lá tiêu sơ không người chăm sóc, chúng âm thầm sống lây lất chờ bàn tay người về trùng tu.

Dây khoai miền dưới kể đã xong. Đến giàn mướp bò trên chái nhà lá. Giàn mướp bấy lâu nay bò rậm rạp quanh giàn cây tràm, nay bò lên cả chái nhà lá. Lá dừa khô lợp chái đã mục, đã cũ quá rồi, mà chưa có người thay.

Giàn mướp rung rinh mấy cái hoa màu vàng. Giàn mướp định "đánh trống lảng". Giàn mướp quá lười không muốn kể chuyện như cây xoài voi, và hàng rào hoa bụp cũng chưa nói gì, vạn vật quên chúng, vì chúng ở xa quá. Giàn mướp tò mò nhìn qua kẽ lá rách. Bác mặt trời hí hửng rọi vài tia nắng theo sau, qua khe vách ván hở. Giàn mướp thốt bâng quơ:

- Căn nhà ơi, sao ở trong ấy, bàn, ghế, tủ, đồ đạc... đầy dẫy bụi bặm thế này. Đó, dì gió thổi làm chi mà bụi nhảy múa kìa.

Căn nhà biết trả lời sao khi chủ nhân chưa về mở tung các cửa, quét dọn khắp cùng.

Ông lão cây si bỗng vui mừng reo lên:

- Ô kìa! Đôi chim bồ câu  cánh trắng. Không, cánh nâu đã bay về đậu trên cây xoài voi. Các cháu nhìn xem, hòa bình sắp về.

Dây khoai miền dưới sung sướng:

- Nghĩa là người ta sẽ trở về săn sóc, tưới cây, trồng tỉa. Chúng ta sẽ góp đời sống ích lợi với đời.

Nhưng ông lão cây si mắt kém đã lầm, chỉ có cây xoài voi rõ chuyện, nhưng cây xoài voi không nỡ đánh vỡ hy vọng của hoa lá cỏ cây trong khu vườn hoang. Đó chỉ là đôi chim trao trảo mỏi cánh dừng chân. Đôi chim ấy cũng đang đi tìm chốn yên lành nương náu. Cây xoài voi hoài im lặng, giữ bí mật cho đến lúc đôi chim trao trảo bay đi.

Mấy loài hoa hướng dương, móng tay, chùm gửi... hoan hỉ mong ngày người ta về tưới nước, tắm táp cho chúng. Dừa và cau xào xạc chuyện trò với mận với chùm ruột. Chúng thèm sự hoạt động tràn về phá vỡ cái vẻ lặng trang này. Mấy dây trầu và mấy dây tiêu, trầu bà, dây mướp... và các loại cỏ dại vô trật tự cũng đã quên đi giận hờn, làm lành với nhau. Tre và chuối hòa ca... và hình như ông lão cây si đang lắng nghe dì gió lắm chuyện mới bắt đầu kể bao chuyến phiêu lưu. Bác mặt trời đã đi ngủ, nhưng mấy bà mai già vẫn chưa đã giấc, cả chậu huỳnh hoa nữa...

Dì gió không kể chuyện phiêu lưu trong vùng lửa đạn. Dì gió kể chuyện thần tiên. Hoa lá, cỏ cây... đang thì thào góp tiếng trong bóng đêm. Kẻo mai này chủ nhà trở về, khu vườn thôi hoang vắng, lúc ấy thế giới thực vật sẽ thầm thì mơ hồ xa xăm trong không gian huyền bí. Dì gió mãi kể chuyện đều đều, và chưa có câu chuyện nào được chọn là câu chuyện hay nhất. Nhưng không một loại cỏ cây hoa lá nào chú ý đến muôn thứ côn trùng đang hòa ca bản nhạc triền miên trong niềm mơ ước tìm lại ngày xưa... Ôi! Ngày xưa thanh bình.


PHAN KHƯƠNG THÁI     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 87, ra ngày 29-4-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>