bốn
Văn phòng quyết định đuổi khỏi trường tất cả những người đã không lên lớp học đêm qua. Trong số đó có tôi và nhỏ Thanh. Đứa nào cũng sửng sốt trước quyết định mạnh và bất ngờ này. Các bộ mặt không còn là tinh quái, giận hờn, cương quyết nữa mà là của hoảng hốt, lo sợ, thiểu não. Có lẽ vì đứa nào cũng mường tượng tới một tương lai không lối thoát: mất nơi học trong khi chỉ còn lại mấy tháng ngắn ngủi trước kỳ thi. Và sẽ phải trả lời ra sao với cha mẹ? Tôi lo khủng khiếp. Có lẽ nhất trong bọn. Nhỏ Thanh tỏ ra bình tĩnh. Nó lý luận: Sức mấy mà đuổi, tụi bay yên chí đi, nửa lớp chứ phải ít sao. Tuy nhiên câu nói của Thanh không đảm bảo một sự bình yên nào. Sau khi bàn nhau, chúng tôi kéo cả lên văn phòng bà hiệu trưởng. Những phân trần, nhận lỗi, những hứa hối cải của chúng tôi không dấy động mảy may tình thương của bà hiệu trưởng. Bà quả thực quá khắc nghiệt. Nhìn thân hình gầy khô của bà tôi nghĩ chắc trái tim của bà cũng héo hắt như vậy. Một hai đứa mắt đã đỏ hoe. Tôi cố giữ vẻ ngoài không xốn xang đồng thời lục lọi trong khối óc một cầu cứu nào đó.
Sau bốn tiếng đồng hồ đứng ngoài hành lang trong khắc khoải, cuối cùng thất vọng, chúng tôi cũng ra về như những học trò đèn khuya khác. Nhỏ Dung đang đứng ngoài cổng như cố ý chờ ai. Tôi vờ như không nhìn thấy nó, ùa vội vào đám đông. Với tôi bây giờ tất cả không còn ý nghĩa. Lo sợ làm rã rời hết rồi còn gì. Thần trí tôi như bị tê dại bởi một thứ bùa mê cực mạnh. Tôi thở dài liên tiếp. Não nuột.
Ba đứng ở góc đường, cạnh chiếc xe chờ tôi. Dưới ánh đèn đường mặt ba già hẳn đi. Nét khắc khổ in hoằn xuống. Tôi cảm thấy thương ba ngút ngàn. Niềm ân hận như một mũi tên ngập cắm trong trái tim khiến tôi có cảm tưởng bao nhiêu nghị lực còn sót lại thoáng tan trong phút chốc. Tôi muốn ôm chầm lấy ba để khóc, để thú tội, để cầu xin tha thứ. Dù cố gắng, tôi vẫn nghe cay cay nơi mắt.
Ba đạp mãi xe mới nổ máy. Tôi không hiểu ba nói với tôi hay nói một mình chiếc xe lại sắp đòi tiền rồi đây, khổ ghê! – Trước đây, đêm nào cũng vậy, trên đường về, hai ba con nói chuyện vui vẻ, không ngừng. Tôi thường kể ba nghe những chuyện vui vui trong lớp. Ba hỏi tôi về việc học, về các thầy, các cô. Nhưng đêm nay, tôi kín miệng hay đúng hơn tôi lạc thần trong những rối bời ruột gan. Hình như ba có hỏi cái gì đó, tôi nghe không rõ. Thấy tôi không trả lời, ba ngoái cổ lại:
- Huyền, sao vậy con?
Ôi tiếng "con" sao dịu ngọt. Giọng nói của ba đêm nay êm ái như chưa bao giờ êm ái bằng. Tôi cảm nghĩ tất cả tình thương biển trời ba dành cho con gái của ba thu gọn trong tiếng con. Thật nồng ấm. Ba lập lại câu nói một lần nữa. Đớn đau trong lòng, tôi làm bộ tự nhiên:
- Không, con có sao đâu, ba.
Ba kể hồi sáng ba nộp hồ sơ xin việc làm tại một hãnh xuất nhập cảng, nhưng ba bảo ít hy vọng lắm vì thời buổi này mật ít ruồi nhiều, mình không có chân trong khó mà được thâu dụng. Tội nghiệp ba. Ngày nào ba cũng phải lê chân hết cơ sở nọ đến công ty kia để xin việc làm. Chỉ vì sự sống của đàn con. Tôi đã giúp được gì cho ba, cho mẹ, cho các em? Cả gia đình đặt nhiều hy vọng vào kết quả kỳ thi cuối năm của tôi. Nhưng, thật buồn, tôi vừa đánh mất bổn phận. Bao giấc mơ vừa vụt tắt. Bao niềm tin vừa chết lặng. Bầu trời đêm nay không có lấy một ánh sao. Từng tầng, từng tầng mây đen kéo đến bủa vây không gian. Tất cả chỉ vì một phút bốc đồng. Trong tôi bây giờ tràn ngập một niềm ăn năn không bờ bến.
Về đến nhà thay quần áo xong, tôi xuống bếp ăn cơm. Thức ăn nguội tanh và khô như sỏi đá trong miệng tôi. Không có một mùi vị nào. Tôi không còn ý thức về những cử động hiện hữu của tôi. Bữa ăn chấm dứt vội vã.
Và cả đêm, tôi không ngủ được. Cứ mỗi lần chợp mắt, tôi lại thấy hình ảnh bà hiệu trưởng khắc nghiệt, nghe lanh lảnh tiếng nói của bà: "Tôi cho các chị nghỉ học luôn. Trường này không bao giờ dung nạp những học sinh vô kỷ luật...". Tôi như bị bỏ giữa một sa mạc hoang vu.
Sáng dậy sớm, tôi theo mẹ ra chợ. Cả buổi ngồi bán hàng bên mẹ, tôi không nói câu nào. Thần trí tôi rối loạn. Tôi quên hết thực tại để ngụp lặn trong những ngổn ngang trăm mối. Nhiều khi khách hỏi mua hàng tôi không trả lời hay quên đưa lại số tiền dư. Mẹ bực mình la con Huyền sao hay vậy, buôn bán thế à. Có lúc tôi đã nghĩ trước sau gì ba mẹ cũng sẽ biết hay mình cứ thú thật hết với mẹ rồi muốn ra sao thì ra, muốn đến đâu thì đến. Nhưng rồi tôi lại không dám. Trước mắt tôi vẫn chỉ là mầu đen đặc. Tuyệt vọng.
Chiều đến, như mọi ngày, ba lại đưa tôi đi học. Từ xa thấy ngôi trường hiện ra, tôi sợ hãi như một tử tội đang tiến đến đoạn đầu đài. Những học trò đèn khuya từ bốn phía đổ dồn về cổng trường. Người nào cũng vui vẻ, nói chuyện như pháo ran. Ai cũng thư thái, điềm nhiên, hồn hậu. Tôi thèm được như họ. Tôi đi tìm những nhỏ bạn chung số phận. Tôi nghĩ thầm chỉ những người cùng chung một cảnh ngộ khốn cùng mới cảm thông nhau thật tình. Hơn nữa tôi thấy cần được nói. Phải nói, nói bất cứ gì để giải tỏa những khắc khoải, những tắc nghẹn ngụt cháy trong tâm tư. Vẫn không đứa nào tìm ra được một ánh sáng cứu tinh. Chỉ còn một cách đã dùng đêm qua: năn nỉ. Chuông reo. Các tà áo trắng lại tuôn ra, chạy về trước cửa lớp xếp hàng, chờ giáo sư đến. Còn lại mấy con vạc lạc đàn đau khổ vẫn đứng trong văn phòng bà hiệu trưởng. Nhỏ Thanh được đẩy lên như một đại diện để xin bà hiệu trưởng ân huệ. Vẫn không lay chuyển, bà nói: "thì các chị đã không muốn học thì tôi cho nghỉ luôn chứ gì" – và "tôi có bổn phận phải duy trì kỷ luật học đường" – và "các lớp ngày chưa bao giờ xảy ra những chuyện như vậy... Tôi thấy lớp đêm mới được có hai năm mà biết bao nhiêu chuyện" – và "tôi bắt buộc phải áp dụng kỷ luật để làm gương cho các chị khác" – và cuối cùng "... các chị đi ra cho tôi làm việc". Chúng tôi vẫn bất động. Một đứa lên tiếng xin thì cả đám họa theo. Có tiếng sụt sùi. Có những bàn tay đưa lên thấm những giọt nước lăn dài trên má. Tôi nghĩ trong đầu nhìn cảnh này chắc không trái tim nào không rung động. Một lúc sau, ý nghĩ này của tôi dường như được chứng nghiệm trên khuôn mặt khắc khổ của bà hiệu trưởng. Đã có một cái gì khang khác trong ánh nhìn của bà. Đó là một tia hy vọng yếu ớt, mỏng manh lóe lên. Có lẽ nhiều nhỏ bạn cũng đã nhận ra nên kiên nhẫn không bỏ cuộc. Tôi thoáng nhớ một danh nhân nào đó đã nói: Cứ xin mãi, xin hoài, cuối cùng người ta cũng phải cho mình, không vì thiện tâm thì cũng vì để khỏi bị quấy rầy nữa. Tôi thầm thĩ trong đầu cầu xin cho câu nói trên đúng trong trường hợp này. Cuộc thử thách kéo dài gần một tiếng đồng hồ thì bất chợt bà hiệu trưởng ngưng viết, ngẩng đầu lên, đưa mắt nhìn chúng tôi. Giọng bà hết sức nghiêm trang:
- Các chị phải hiểu rằng học đường là môi trường để các chị học tập những điều cần thiết hầu áp dụng cho cuộc sống mai này. Nếu phá vỡ kỷ luật thì việc giáo dục sẽ trở nên vô ý nghĩa. Sở dĩ câu chuyện đáng tiếc xảy ra đêm qua, chỉ vì các chị đã không tuân giữ nội qui, lai vãng sang khu vực nội trú của lớp ngày. Sau đó thay vì cử một hai người lên trình bầy với tôi, các chị lại làm reo, không chịu lên lớp học... Lỗi của các chị rất nặng, tuy nhiên đây là lần đầu, và tôi hy vọng cũng là lần cuối cùng, tôi rút lại quyết định sa thải các chị, nhưng đề nghị các chị ghi nhớ, tôi yêu cầu mỗi chị, trong thời hạn hai ngày, phải mời ba má hay người đại diện ba má tới đây ký giấy bảo đảm, để sau này nếu còn xảy ra nữa thì dĩ nhiên không ai được khiếu nại điều gì... Thôi bây giờ các chị ra văn phòng giám thị lãnh giấy vào lớp.
Chúng tôi đồng loạt cám ơn bà hiệu trưởng rồi kéo nhau ra. Có đứa đã khúc khích cười ngay được. Nhỏ Thanh nheo bên mắt, ba hoa đó tao đã nói mà, sức mấy mà dám đuổi, chỉ dọa già nhau thôi. Câu nói của Thanh bị nhiều nhỏ khác phản đối – Xí, lúc nãy sao không giỏi nói như vậy với bả đi – Sạo hoài, tao thấy mày khóc to hơn cả. Những gót chân sáo liến thoắng chạy lên cầu thang, vào lớp. Giáo sư đang giảng bài, ngừng lại, đón lấy "giấy cho phép vào lớp" từ tay nhỏ Thanh, nói:
- Xin chia mừng đã tai qua nạn khỏi!
Cả lớp cười. Chỉ mình tôi vẫn chưa thể nhếch mép. Với tôi, vấn đề vẫn còn như nguyên, không giải quyết gì được cho tôi. Thấy các bạn vui, tôi khổ thêm. Trước đây còn có người đồng cảnh ngộ, cùng tâm trạng, tôi cảm thấy như được chia sẻ nỗi niềm, nhưng bây giờ thật sự tôi đã lẻ loi, đơn độc. Mời ba? Mời mẹ? Tôi đã trót nói dối với ba mẹ đêm tôi cùng nhỏ Thanh bỏ học đi chơi phố là quá giang xe của một người bạn cùng lớp. Hơn nữa, nếu ba mẹ biết được sự thật thì bao nhiêu niềm tin, hy vọng mà ba mẹ vẫn dành cho tôi, đứa con gái đầu lòng, sẽ gẫy vụn, tan loãng. Ba mẹ sẽ khổ. Tôi không bao giờ muốn vậy. Tôi không có quyền làm cho cuộc sống của ba mẹ vốn đã quá cực nhọc, quá thấm đẫm mồ hôi, nước mắt lại dẫy đầy thêm những tiếng thở dài. Thật ngao ngán. Tôi gục đầu xuống bàn để mặc cho nước mắt tuôn chảy, để mặc cho thầy ngó, bạn bè nhìn. Chung quanh đối với tôi không còn nghĩa lý gì...
Lại một đêm nữa thức trắng. Lại một ngày nữa nhạt nhẽo. Lại một buổi học nữa nghẹn ngào. Nhỏ Dung sau hai lần đón tôi không được viết một mảnh giấy nhờ nhỏ Hồng trưởng lớp đưa lại cho tôi: "Huyền, tao thấy chúng mình giận nhau phi lý quá. Muốn gặp mày lắm để nói chuyện này quan trọng. Dung". Phải "phi lý" quá. Tất cả đều trở thành phi lý. Khi người ta không thiết sống nữa thì không có gì có thể lưu luyến họ lại. Tan trường, tôi thấy anh Long đến đón nhỏ Dung. Mặc cảm đứa nói dối dấy động trong tôi. Tôi tránh đi lối khác. Giá như những lúc trước, gặp anh, không chờ anh gọi, tôi đã ùa tới, vui như mở hội. Nhưng đêm nay, đã có sự đổi thay, khác biệt. Anh Long ạ. Em không thiết gì nữa. Chắc nhỏ Dung đã kể cho anh nghe chuyện của em? Em đang buồn, đang khổ đến tận cùng trời đất. Trong em hiện là mùa đông lạnh buốt. Không ai hiểu em, an ủi, dỗ dành em được. Kể cả ba, cả mẹ và cả anh nữa. Mấy cái kẹo, quả ô mai, chầu kem, chầu ciné hay những câu pha trò hoặc giọng nói trầm ấm mà anh vẫn hay dùng để làm vui "cô bé" mỗi khi "cô bé" buồn hay giận anh, bây giờ những phương tiện nhiệm mầu cố hữu đó của anh cũng không thể có tác dụng sưởi ấm hồn em, cứu em ra khỏi vực thẳm hiện hữu. Em đã lớn rồi, em có nỗi buồn riêng mà chỉ mình em cam chịu. Không ai có thể san sẻ được cho em. Thôi anh chở nhỏ Dung về đi. Anh nói với nó là em không giận nó đâu, thương nó nhiều là đàng khác. Anh về nhé. Đừng nhìn em với cặp mắt đó nữa anh. Em không thích ai thương hại em. Kìa, ba đang đứng đón em kia rồi. Em lại phải đóng kịch, tạo một thể diện bình thường để ba khỏi nghi. Em về, anh nhé.
*
Đêm nay, kỳ hạn chót mà chúng tôi phải mời ba má đến để ký giấy bảo đảm hạnh kiểm của con mình. Mấy nhỏ bạn cùng cảnh ngộ đã thực hiện đúng lời đòi hỏi của bà hiệu trưởng. Chỉ còn mình tôi sót lại. Thái độ của tôi đêm nay là liều. Kết quả ra sao tôi cũng đành đón nhận. Những nhức buốt nội tâm dường như đã làm tôi chai lì. Tôi xếp hàng lên lớp như các nhỏ bạn. Nhưng đang giờ học, văn phòng cho người đem giấy đòi tôi xuống. Một nỗi lo lắng ập tới và tràn ngập trong tôi. Cái bướng bỉnh do sự đường cùng tạo ra trong tôi tan biến. Tôi trở lại với những yếu đuối của một kẻ đơn độc. Bước xuống cầu thang mà tôi tưởng đang chơi vơi trên mây. Thành vịn cầu thang như lỏng lẻo. Con đường xoáy trôn ốc quấn lấy những bước chân. Và tôi đã suýt ngã. Thôi hết rồi. Chỉ còn một hai phút nữa tôi sẽ vĩnh biệt ngôi trường, giã từ bạn bè, lớp học, sách vở, ra đi trong câm lặng, trong nước mắt. Cơn lốc sẽ tung tôi lên rồi thả xuống vực thẳm như có lần tôi đã chiêm bao. Tương lai. Vực thẳm!
Tôi giơ bàn tay run run gõ nhẹ cánh cửa văn phòng bà hiệu trưởng. Bên trong vọng ra tiếng "mời vào" khô khan. Đứng trước mặt bà hiệu trưởng, tôi không khác gì một tội phạm lặng nghe bản án quyết định cuộc đời. Tiếng quạt trần đồng lõa với bầu không khí ngột ngạt trong phòng như muốn làm tắc nghẹn hơi thở trong lồng ngực. Sau khi viết xong dòng chữ trên tờ giấy trắng, bà hiệu trưởng ngước mắt nhìn tôi rồi chỉ tay vào chiếc ghế:
- Chị ngồi đó đi.
Nghe giọng nói của bà hiệu trưởng, tôi có cảm tưởng như những mảnh nhọn đâm rớm máu tâm thần. Tôi vâng lời như một cái máy. Bà hiệu trưởng đưa tôi tờ giấy trắng đó, nói:
- Người nhà của chị hồi nãy đã lại đây ký nhận giấy bảo đảm này. Nếu chị còn tái phạm lần nữa, chắc chắn tôi sẽ không tha.
"Người nhà"? Tôi tỉnh hay mơ? Người nhà là ba? Là mẹ tôi? Mà làm sao ba và mẹ biết được? Tôi nhớ chưa bao giờ tôi hé mở về thảm trạng của tôi. Lúc chiều, sau khi đưa tôi đến trường, ba đã vội vã quay xe lại nhà người bạn để hỏi kết quả hồ sơ xin việc làm. Không lý ba đã trở lại đây? Bao nhiêu câu hỏi nổ tung trong trí óc tôi để rồi rối bời như tơ vò. Đọc đến hàng chữ cuối cùng của người viết, tôi lặng người đi trong giây phút: ĐỖ QUANG LONG! Nếu không có tiếng nói của bà hiệu trưởng có lẽ tôi đã mê muội trên chiếc ghế:
- Chị ký rõ ràng vào góc tờ giấy đó đi.
Tôi làm theo. Như một người không còn tâm trí. Ký tên: ĐỖ-THỊ MỘNG-HUYỀN!
- Ông Long này là anh của chị?
- ... Dạ,
- Còn đi học không?
- ... Dạ,
- Thôi cho chị lên lớp.
- ... Dạ.
Tôi bước ra trong rã rời. Đầu óc rối loạn. Cơn nghèn nghẹn dồn lên cổ. Tôi gục đầu vào thành vịn cầu thang, bật khóc. Mặt tôi đẫm đầy nước mắt. Định lấy vạt áo lau mặt, nhưng không hiểu sao tôi lại dùng tờ giấy đang cầm trong tay, tờ giấy tôi vừa ký tên Đỗ-thị Mộng-Huyền song song với tên Đỗ-Quang-Long.
*
Nằm trên giường, mở mắt nhìn vào khoảng tối, tôi cố xua đuổi những ý nghĩ đang bu đầy trong đầu óc, nhưng vô hiệu. Buồn? Vui? Tôi không hiểu tâm trạng hiện giờ của tôi ra sao. Thật bất ngờ. Sự việc đến ngoài sức tưởng tượng của tôi. Anh Long tới trường nhận làm anh ruột để cứu tôi. Anh đã đổi Nguyễn-văn-Long thành Đỗ-Quang-Long cho cùng họ để che mắt bà hiệu trưởng. Thật chua xót. Có lẽ anh Long khinh tôi lắm. Đã dám nói dối cả anh. Tôi đoán nhỏ Dung đã về kể hết cho anh Long nghe. Nghĩ mà giận nhỏ Dung. Chắc tôi sẽ không bao giờ còn dám gặp anh Long hay làm hòa với nhỏ Dung. Mặc cảm của đứa nói dối, mặc cảm tủi hổ của một đứa bạn là hố cách ngăn. Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chính tôi đã trở thành nguyên nhân đẩy xa đi những người thân khỏi cuộc đời tôi. Nếu tôi biết đắn đo, chín chắn hơn trong hành động thì chắc chắn những đáng tiếc đã không xảy ra và tôi sẽ không rơi vào những nhức buốt đầu óc và những rớm máu tâm tư. Nhưng mấy khi con người sáng suốt trước hành động. Chỉ lúc thực hiện xong, hậu quả phơi bầy trước mắt, người ta mới bàng hoàng, choáng váng. Tôi nghĩ phải gọi cái đêm bỏ học đi chơi là đêm định mệnh, bởi vì trong đó cuộc gặp gỡ tình cờ với anh Long đã làm thăng hoa đời tôi, cho long lanh hơn bông hồng đầu đời, nhưng cũng đẩy tôi vào một cảnh ngộ gió bão...
Tôi ngẫm nghĩ tại sao tôi lại hết gặp rắc rối nọ đến phiền muộn kia? Tôi có cảm tưởng cuộc đời đã đặt để khắp nơi những chiếc bẫy vô hình để chờ người đi qua là sập bắt. Những gì tôi tưởng đã nằm gọn trong tầm tay thực ra chỉ là những bóng mờ, huyền ảo. Những ngày tháng học-trò-đèn-khuya cuối cùng của cuộc đời tôi quả thực là một vòm trời âm u, buồn thảm. Tôi chưa kịp hưởng trọn vẹn những tia nắng mỏng manh, nhưng hiếm quý của thời gian ngắn ngủi còn mặc mầu áo trắng đêm đêm thì mây đen cứ hoài hoài tràn đến. Giấc mơ nõn nà bị phá thành những mảnh vụn. Chỉ còn ba tháng nữa niên học chấm dứt, chấm dứt vĩnh viễn luôn bóng-mát-đèn-khuya của tôi. Gót chân hồng sẽ rớm máu trên sỏi đá. Hết.
Có tiếng chân đi về phía giường. Tôi nhận ra mẹ nhờ ánh đèn dầu vặn nhỏ. Tôi vội giả vờ nhắm mắt, ngủ say. Mẹ vén màn, ngồi xuống cạnh giường. Tôi nghe bàn tay đầy những vết chai của mẹ đặt lên trán. Chắc mẹ nhìn tôi đăm đăm. Mẹ thở dài nhè nhẹ. Tôi muốn ngồi bật dậy ôm chầm lấy mẹ để giãi bầy hết những niềm đau tâm hồn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nằm bất động. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết. Mấy ngày nay thấy tôi buồn mẹ nhìn tôi ái ngại. Hồi trưa lúc vắng khách hàng, mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
- Huyền, hình như con có chuyện gì lo nghĩ? Cho mẹ biết được không?
Tôi hiểu mỗi lần mẹ xưng "mẹ" và gọi "con" là khi mẹ không giấu nổi tình cảm và muốn tỏ sự thân mật. Như một người bạn. Nhưng rồi tôi vẫn tránh cái nhìn trìu mến của mẹ, chối quanh:
- Không, con đâu có gì.
- Con khỏe trong người không Huyền?
- Dạ, có.
Thật ra tôi cũng phân vân nhiều, không biết có nên nói ra không hay phải bắt đầu như thế nào. Nhưng có điều chắc chắn là tôi sợ mẹ buồn và tôi nhận thức tôi không có quyền làm mẹ buồn. Tội nghiệp mẹ. Mẹ khổ từ tấm bé. Ông bà ngoại mất sớm khi mẹ mới tròn mười tuổi. Mẹ vào đời với một lứa tuổi còn trong trắng, với khối óc non dại, với những bước chân chưa vững, đôi tay khờ khạo. Không một ngày, một giờ được cắp sách tới trường như bao trẻ khác. Mẹ theo các anh, các chị lớn đi buôn, đi bán. Mẹ kể lại nhiều khi các bác ấy gánh hàng đi nhanh quá, tao cứ phải vừa khóc vừa chạy theo muốn đứt hơi luôn. Và khi lên 17, bằng tuổi tôi bây giờ, mẹ về nhà chồng. Hồi đó, mẹ kể tiếp, tao cũng nổi tiếng là xinh lại buôn bán giỏi nên nhiều ngấp nghé tao. Cũng có nhiều anh chàng nhà giầu, con cái của những người chức tước tới hỏi tao, nhưng tao từ chối hết ; cuối cùng, không biết sao tao lại lấy ba mày là người nghèo nhất đám con trai trong làng. Tôi cười, nói đùa tại ba con đẹp giai, cốt-xì-tô. Mẹ mắng yêu bố mày a, rồi tiếp, nhưng được cái ba mày hiền lành, chịu khó làm lụng. Ông nội mày mất khi ba mày mới mười lăm tuổi. Một mình ba mày đi làm nuôi bà nội và các em – Lập gia đình, ba mẹ hoàn toàn tay trắng nên vẫn phải tần tảo ngược xuôi để kiếm miếng ăn. Mãi sau này ba đi lính mới có đồng ra đồng vào, nhưng vợ chồng lại xa cách. Ba đóng trên tỉnh để mẹ ở lại làng ; có khi cả năm ba mới về qua nhà một lần. Tôi ra đời. Sự có mặt của tôi làm giảm đi phần nào sự đơn độc của mẹ, nhưng đồng thời cũng tạo cho mẹ nhiều lo âu. Thời gian này chiến tranh đã lan tràn về đến làng. Ba đưa hai mẹ con lên tỉnh, nhưng vì đồng lương lính không thể cung ứng cho một cuộc sống thành phố nên mẹ hàng ngày phải đi bán cà-rem giúp sức với ba. Tôi được gửi cho nhà hàng xóm, suốt ngày lê la dưới đất. Rồi đến khi có đứa con thứ tư, ba bị đổi về một vùng biên thùy. Mẹ không đi bán hàng nữa, ở nhà nuôi heo và chăm sóc đàn con. Lại một lần nữa mẹ thui thủi, một mình một bóng. Mẹ kể nhiều đêm ngồi nhìn chúng mày ngủ tao không cầm được nước mắt, phần lo ba mày cứ phải đi đánh trận luôn luôn, phần nghĩ chúng mày còn nhỏ, ruột gan tao không có lúc nào yên – Mặc dầu thiếu ăn, thiếu mặc, mẹ vẫn cho chúng tôi đi học. Mẹ bảo dù đói đi nữa tao cũng không để chúng mày ở nhà lêu lổng. Học được chữ nào hay chữ nấy, sau này ấm vào thân, cứ coi gương tao với ba mày đấy, mồ côi cha mẹ sớm lại nhà nghèo nên không cắp sách đến trường, thành phải vất vả – Cuộc sống cơ cực như vậy cứ trôi theo thời gian cho đến khi ba bị trọng thương, được giải ngũ. Mặc dầu sức khỏe suy giảm, viên đạn đồng còn nằm sâu trong mạng mỡ, ba vẫn nhận làm nhân công cho một cơ quan Huê kỳ. Mẹ buôn bán thêm cặp vào đồng lương của ba, nhờ vậy gia đình tương đối đỡ túng quẫn. Nhưng sự may mắn không bao giờ ở lại lâu trong gia đình tôi. Sau năm năm làm việc, ba mất sở làm. Mình mẹ phải cáng đáng gia đình. Đã nhiều lần tôi muốn thôi học để phụ giúp mẹ, nhưng ba mẹ không cho. Mẹ nói thôi con rán học cho đến tú tài, có cái bằng xin việc chỗ nào cũng dễ hơn...
Đó cuộc đời mẹ, chưa bao giờ được lấy một ngày nhàn hạ, một giờ nghỉ ngơi. Mẹ âm thầm chịu đựng đến cùng độ. Mẹ không than một tiếng, không trách một lời. Tất cả vì chồng, vì con.
Như vậy làm sao tôi có thể tự mình đem đến cho mẹ một nỗi buồn, nỗi khổ vì hành động vô ý thức? Trong chị em, tôi thương ba, thương mẹ nhất. Ao ước của tôi cũng là giấc mơ của mẹ là làm sao thi đậu để đi làm phụ giúp gia đình. Mẹ chăm sóc niềm ao ước của tôi bằng những lời khuyên ngọt dịu, bằng giọng nói âu yếm, bằng hy vọng lớn mạnh, bằng những hy sinh ngút ngàn và nhất là bằng một tình thương bao la, không lằn ranh giới. Còn tôi, tôi cũng vun trồng giấc mơ của mẹ bằng những đêm ngồi học dưới ánh đèn khuya, bằng những gạt bỏ mọi sở thích riêng tư để vùi đầu trong sách vở, bằng những lần cố gắng phá vỡ những tủi thân của một con "vạc ăn đêm" để vươn lên, bằng những đóng khung những ước nguyện xanh tươi của tuổi mới lớn... Tôi nghĩ rằng trên đời này thật tàn nhẫn khi mình phạm tới giấc mơ đang tròn trĩnh diễm tuyệt của một người. Tôi thương mẹ và tôi nghĩ tôi không thể, hay đúng hơn, tôi không có quyền gạch một vết đen, dù bé nhỏ, vào giấc mơ của mẹ... Ý thức này đã giữ tôi lại, không để tôi bộc bạch tâm tư mặc dầu tôi đang bị đày ải trong một ngục tù gai lửa, tôi đang cần an ủi, cần điểm tựa.
Mẹ với chiếc khăn trong góc giường, đắp lên bụng tôi, dắt mùng lại rồi đi ra. Tự nhiên tôi cảm thấy sợ, cô độc. Mặt giường như rộng thênh. Gian nhà trở thành sa mạc. Tôi cần mẹ ở bên. Như một bấu víu, một đảm bảo an toàn cho tôi. Tôi muốn cất tiếng gọi mẹ ơi vào với con, nhưng tiếng chân của mẹ đã xa dần...
Tôi mở mắt ra.
Bóng đen ập tới.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM