Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Một Chuyến Công Tác Xã Hội


Tuy chưa từng được nghe và thấy tận tường những hình ảnh của cuộc chiến tranh vùng hỏa tuyến Đông Hà, Trị Thiên, An Lộc, Bình Long... nhưng qua các tin tức hình ảnh thời sự hàng ngày, với con số đồng bào tị nạn càng ngày càng gia tăng đến mức độ kinh khủng đã ảnh hưởng và có tác dụng mạnh mẽ đối với chúng tôi những người được sống yên ổn ở những miền bình yên. Người ta thường cho rằng tuổi trẻ là tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", nhưng trong chuyến công tác xã hội với phái đoàn sinh viên khoa học, tôi đã thấy tận mắt hình ảnh của những người trẻ tuổi đầy nhiệt tâm và hăng say.

Tôi được may mắn theo đoàn công tác xã hội của sinh viên Khoa học nhờ quen một anh học ở trường K.H. Địa điểm đoàn công tác xã hội sẽ đến là Bình Dương. Sáng chủ nhật đẹp trời tôi tới trường K.H. thật sớm. Tôi vẫn nơm nớp lo lắng bị "đuổi" về vì là thành phần trường ngoài. Sau khi điểm danh chúng tôi chia thành từng đội và được "chất đầy" trong 3 chiếc xe lớn bít bùng chỉ có một lỗ nhỏ hình vuông ở trên cao để... thở. Anh trưởng đoàn giải thích vì sinh viên nghèo không có tiền thuê xe có chỗ ngồi đàng hoàng, thoải mái. Các anh chị sinh viên nhìn nhau cười thông cảm và hăng hái lên xe. Tôi ngồi bó gối ở một góc xe với chị bạn mới quen được. Không một ngọn gió, không một hình ảnh hai bên đường Xe chạy, tôi có cảm tưởng như đang ngồi trên... máy bay. Lâu lâu mới được ra khỏi thành phố ồn ào, náo nhiệt tôi muốn được thở hít không khí trong lành và nhìn cảnh đẹp hai bên đường, thế mà... tiếc quá! Nếu không chừ tôi đã có một đoạn tả cảnh đường Saigon Bình Dương hẳn là... tuyệt lắm? Anh trưởng toán gây không khí hào hứng bằng cách yêu cầu các anh chị cùng vỗ tay và hát chung những bài ca hùng mạnh: "Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa. Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đền bù ngày gian khổ hiểm nguy nơi rừng sâu. Anh em ơi cho nhau đôi tay và tim này..."

Khoảng 10 giờ xe tới Bình Dương. Tại đây chúng tôi thấy có nhiều đoàn công tác xã hội khác như Đại học Sư phạm, các trường trung học ở Sàigòn v.v... chúng tôi được biết ở Bình Dương có ba trại tạm cư chia thành nhiều khu trên một khu đất rộng lớn. Có trên 5 ngàn đồng bào chiến cuộc từ Bình Long, Chơn Thành, An Lộc về lánh cư tại đây. Những dãy nhà tôn dựng lên vội vàng làm nơi tạm cư của đồng bào. Mỗi gia đình ở trên một manh chiếu nhỏ, bên cạnh là đồ đạc gồm áo quần và các phẩm vật cứu trợ.

Anh trưởng đoàn chia công tác cho từng đội. Đội V chúng tôi đảm nhận công tác vệ sinh. Các anh tay xèng, tay cuốc bắt đầu đào những hố để chôn rác. Các chị người xách nước, người quét dọn rác rưởi xung quanh chỗ tạm cư của đồng bào. Đang làm việc bỗng một cụ già lại gần chúng tôi bảo:

- Các cậu đào cho tui một cái hầm để tui nấp. Lỡ có chuyện gì ở trong nhà chết hết mấy cậu ơi!

Tôi thấy tội nghiệp cho cụ quá! Tuổi già, sức yếu cụ vẫn chưa được yên tấm thân. Cho đến hôm nay về tạm cư ở đây cụ vẫn chưa yên lòng. Một chị hỏi:

- Thế, thưa cụ, cụ ở đâu về đây?

Cụ già có vẻ xúc động, mắt rớm lệ:

- Tôi ở Bình Long đó cô. Trên đó đánh dữ lắm. Thằng cháu tôi trúng đạn chết rồi cô ơi!

Chúng tôi chưa kịp có lời an ủi ông cụ đã quay lưng vào trong. Trong lúc chúng tôi đang làm việc thì đồng bào có "thẻ" vội vàng tới các xe của những đoàn công tác xã hội để lãnh phẩm vật cứu trợ gồm: gạo, bánh mì, sữa, xì dầu, đồ hộp... Ngoài ra còn có chiếu, ly, chén, áo quần v.v... Các nam nữ học sinh ở các trường trung học vào từng khu phát thuốc, săn sóc cho đồng bào. Đặc biệt một nhóm các anh sinh viên mở ngay một tiệm hớt tóc "bỏ túi" được các em nhỏ ở đây nhiệt liệt ủng hộ.

Trời nắng và nóng như thiêu đốt, các anh vẫn hăng hái làm việc tới 12 giờ trưa mới nghỉ tay dùng bữa trưa sau khi chôn và đốt được một số rác. Các đội chia nhau dưới mỗi gốc cây dùng cơm "tay cầm", sau đó được nghỉ ngơi tới gần 2 giờ mới tiếp tục công việc. Trong khi các đội khác nghỉ ngơi hoặc sinh hoạt với nhau, anh đội trưởng đội V dẫn chúng tôi vào một xóm cách đấy không xa lắm. Những vườn trái cây nào mít, sầu riêng, mận... với những người dân hiền lành, mộc mạc gợi trong tôi hình ảnh một quê hương thanh bình, miền quê với đồng lúa mênh mông, vườn cây sai quả tất cả đượm tình quê hương, dân tộc tôi yêu dấu. Ngôn từ nào diễn tả hết nổi ước mơ Hòa Bình của tôi?

Hết giờ nghỉ chúng tôi làm nốt công việc. Nhìn  các anh chị sinh viên hăng hái làm việc dưới trời nắng gắt tôi không khỏi khâm phục họ. Các anh, các chị không phải là những người chỉ biết sách vở. Với khối óc này, với con tim này, với đôi tay này của các anh chị đã cho tôi thấy ở các anh, các chị những tâm hồn đẹp. Hình ảnh những người trẻ tuổi hôm nay đầy nhiệt tâm, cởi mở, quảng đại, chân thành đã thắp sáng trong tôi một niềm tin rạng rỡ.

Được nghỉ một lát tôi lùi vào dãy nhà tôn gần đó để tránh bớt nắng. Hồi sáng đi vội vàng tôi quên cả chuyện đem nón. Tới đây thấy tôi làm việc "đầu trần" một bà cụ ở khu 11 đã cho tôi mượn chiếc nón thật là hên cho tôi. Nhìn những dãy nhà tôn dưới cơn nắng nóng bỏng, tôi không khỏi thương xót cho đồng bào. Nhưng với họ được một mái nhà che nắng, che mưa như ri là quý lắm rồi. Đang đứng nghĩ ngợi chợt một anh ở đội III lại gần tôi hỏi:

- Em ở đâu tới đây vậy?

Tôi đáp vội vàng:

- Tôi học ở TV...

Cho tới bây giờ đã có mặt ở Bình Dương nửa ngày tôi vẫn còn ngại mỗi khi ai hỏi tôi ở đâu mà tới đây đi? Anh nọ ngẩn người nhìn tôi rồi cười. Thì ra anh tưởng tôi là một "nạn nhân chiến cuộc" nên lại định hỏi thăm có lẽ lúc đó vì đã thấm mệt trông tôi "thiểu não" lắm nên anh mới lầm, hơn nữa vì mảnh giấy ghi tên và dấu hiệu của đoàn công tác xã hội K.H trên ngực áo tôi đã... bay mất tự lúc nào và tôi cũng hiểu lầm nốt. Tôi nghĩ giá lúc đó anh ta hỏi thêm "Ba em ở đâu? Má em còn sống hay đã mất? Em ở với ai hiện giờ?" chắc còn tức cười hơn nữa.

Lúc đó vừa nghe tin có 2 xe nước tới, các bà mẹ vội thức các con dậy và mỗi người mỗi thùng hoặc mỗi sô nhỏ chạy ra xin nước. Ở đây một giọt nước quý hơn vàng. Từ nước tắm rửa đến nước uống người ta tằn tiện từng chút một.

Xong công việc, còn sớm chúng tôi có dịp tiếp xúc và thăm hỏi các đồng bào. Ở đây phần dông là ông già, đàn bà và con nít. Ngoài ra còn một số đồng bào Thượng. Một bà đang cho con nhỏ bú niềm nở nói chuyện với chúng tôi ; bà ta kể:

- Mấy ngày chạy loạn thật khổ. Như tôi đây ba mấy đứa nhỏ chết, một bầy mười đứa con, vừa chết vừa lạc hết năm đứa lớn, còn năm đứa nhỏ đây. Thằng này là thằng út, cô coi mới mấy tháng đã bế chạy giặc rồi.

- Thế bác trai lúc trước làm gì, thưa bác?

- Hồi trước ổng đánh xe bò. Nghèo thật đó cô nhưng cũng không chật vật lắm.

Một bà cụ gần bên kể tiếp:

- Mấy cô biết không, chạy giặc gần chết mà mấy đứa con nó cứ hỏi chừng nào về nhà làm tôi thật đứt từng đoạn ruột.

Chỉ một đứa nhỏ ốm yếu nằm ngủ trên võng bà cụ kể tiếp:

- Cô coi, mới chừng này tuổi mà chạy bộ dữ lắm!

- Người Việt mình giỏi chịu đựng lắm cụ. Thiếu nhi Việt Nam mình cũng anh hùng nữa.

Khoảng 4 giờ có lệnh tập họp, chúng tôi bịn rịn từ giã đồng bào hẹn hôm khác lại thăm.

Sau khi kiểm điểm chúng tôi lại leo lên xe để trở về. Tôi lại sắp có cảm tưởng được ngồi trên... máy bay. Khi xe chạy tôi tưởng không ai còn đủ sức để hát như lúc đi. Nhưng không, các anh chị vẫn hát hùng và mạnh: "Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa..."

Tôi ngồi dựa vào chị bạn thiu thiu ngủ. Khi các anh chị cùng hát bản "Người về thành phố" tôi biết xe đã về tới Saigon.

Một ngày công tác xã hội chấm dứt!

Hòa bình ơi! Ta mong đợi!


TRẦN THỊ HẬU     
  (Trưng Vương)      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 179, ra ngày 15-6-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>