Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Ngày Phát Thưởng


Hải ngắm mãi mình trong gương không biết chán: bộ đồ đầm màu hồng, đôi giày tàu mũi nhọn, và mái tóc, nhất là mái tóc mẹ đã bỏ cả buổi để "gò" cho Hải xong chiếc "đuôi ngựa" cao ngất nghểu, buộc thêm chiếc "nơ" đỏ, thật tuyệt vời, Hải thầm nói vậy. Mẹ Hải hiện ra trong gương, sau lưng Hải:

- Chà, con mẹ hôm nay xinh tệ.

- Chiều mẹ đi dự lễ với con mẹ nhé.

- Ừ, mẹ sẽ phát phần thưởng cho con.

Hải dụi đầu vào ngực mẹ, niềm vui sướng reo vang trong lòng.

*

Lúc mẹ dẫn Hải đến trường, mọi người đã đông. Những khuôn mặt tươi trẻ xúng xính trong áo quần mới, những vị phụ huynh khoan thai bên cạnh những cô bé nghịch ngợm, tung tăng trong buổi chiều nắng hè vừa dịu khuất. Sân trường đã rộng nhưng dường như không đủ chỗ cho mọi người đến dự cuộc vui. Hải nhìn lên sân khấu, tấm màn nhung đỏ chót có gắn 2 tấm mặt nạ mà Hải đoán đó là dấu hiệu văn nghệ. Phía trên treo thật nhiều cờ với hàng chữ lớn: "Lễ phát thưởng". Đang ngơ ngác trong muôn màu sắc lạ mắt, bỗng Hải dạt tay mẹ chỉ về một nhóm người vừa đi đến:

- Bọn con Vân, Nhi, Nhã đó mẹ. Ê Nhã ơi lại đây.

- Lạy bác ạ, Hải đẹp quá.

Bọn Vân vừa đến, vây quanh mẹ và Hải vào giữa. Mẹ vui vẻ hỏi Vân:

- Mợ đâu con?

- Dạ thưa bác mợ con đến sau ạ.

"Giờ khai mạc sắp đến, trân trong kính mời quý vị Phụ Huynh cùng quan khách vào ghế danh dự, riêng các em học sinh hãy vào chỗ dành riêng từng lớp cho các em". Máy phóng thanh gọi lớn. Mẹ Hải vào ghế ngồi cạnh mẹ của Vân, Nhi, Nhã. Bọn Hải kéo xuống ngồi đầy một hàng phía sau. Vân nhìn lên phía góc sân khấu, một dãy bàn đầy những phần thưởng bọc trong giấy xanh đỏ. Vân nói cùng Nhã:

- Nhiều quá Nhã ơi, đó hồi bọn mình phải thuê xích lô mà chở.

- Sức mấy mà kêu xích lô.

Cả bọn cười ầm.

Một hồi chuông rung, màn mở, cô Hiệu Trưởng hiện ra trước máy vi âm giới thiệu chương trình và đọc diễn văn khai mạc. Phần văn nghệ bắt đầu bằng một màn vũ. Bọn Hải quá đỗi ngạc nhiên lúc nhìn thấy con Hương, Hòa, Thanh trong những khuôn mặt phấn sáp, uyển chuyển theo nhịp đàn.

- Mày xem con Hương mặc đồ tây "ác" không.

- Thua con Hòa, mày xem nó đánh phấn tuyệt chưa.

- Lại còn nhà con Thanh nữa, ăn gì mà mập thế.

Hải và chúng bạn cãi nhau át hẳn cả tiếng mọi người phản đối phía sau. Giờ phát thưởng bắt đầu bằng lớp của Hải. Không riêng gì Hải hồi hộp mà cả Vân, Nhã, Nhi cũng thế. Nguyễn thị Duyên Hải, Hải nghe tim mình như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực, bước lên sân khấu bằng những bước ngập ngừng.

- Bác chúc con sang năm cũng học giỏi như năm nay, bác sẽ hân hạnh phát thưởng cho con lần nữa.

Mẹ của Vân trao cho Hải một gói lớn, bà vừa vuốt tóc Hải vừa nói. Hải lí nhí, cám ơn bác, rồi chạy nhanh về chỗ ngồi không quên liếc nhìn về phía mẹ, bắt gặp ánh mắt của mẹ nhìn Hải thật trìu mến. Đến lượt mẹ Hải phát thưởng cho Nhi. Lúc cả bọn đã trở về chỗ, chương trình tiếp tục phát phần thưởng cho các lớp sau. Hải không còn lưu ý, Hải đang bận nhìn con búp-bê to tướng trong bao giấy dầu đỏ nằm trong tay Nhã.

- Mày được con búp bê đẹp quá.

- Mai bay qua nhà, bọn mình chơi chung, mày có bộ son quánh Nhật Bản nhất xứ.

Niềm hân hoan tràn ngập trong lòng bọn Hải. Ngoài kia không khí vẫn nhộn nhịp.

*

Hình ảnh đó 8 năm rồi nhưng không bao giờ phai lạt trong trí nhớ Hải. Như chiều nay lúc ở sở về ngang qua cổng trường đang làm lễ phát phần thưởng, bất giác Hải dừng lại, lặng nhìn vào sân trường ; cũng những bóng nhỏ tung tăng trong các bộ đồ mới, những gói giấy xanh đỏ, cũng sân trường mái ngói, hàng phượng trổ hoa thắm cả góc trời đang phơi mình trong nắng hè chói chang. Nhưng hình ảnh đây không phải là của 8 năm trước. Bây giờ ngôi trường mái cũ rêu phong, hàng phượng thắm trước sân đã lui về dĩ vãng, đã ngăn cách bên kia thật xa vời như Hải giờ đây xa rời tuổi nhỏ, hoài niệm vùng chi phí tuổi thơ đó như một xót xa. Cô bé ngày tháng xưa với nhiều biến đổi trong cuộc sống xô bồ nhiễu loạn. Thật không còn gì, Hải nói thầm thế. Không biết bây giờ ngôi trường thuở nhỏ gần dòng sông tươi mát ở quê hương mình có còn không, 8 năm rồi còn gì, dãy phượng vĩ còn đó không, hay cũng điêu tàn theo năm tháng. Vân, Nhã, Nhi bây giờ không biết còn nhặt từng cánh phượng tan tác ép vào sách tặng nhau nữa không.

Hải từ bỏ ngôi trường đó theo biến chuyển thời cuộc, lên tỉnh, sống cùng mẹ. Hai mẹ con bòn chắt ở quê nhà vừa đủ số vốn cho một hàng tạp hóa thật khiêm tốn ở chợ. Hình ảnh cha, Hải không còn nhớ rõ. Cha Hải đã bỏ đi biền biệt năm Hải lên ba, nói là theo kháng chiến, Hải chỉ biết thế. Mẹ Hải nói Hải có đôi mắt rất giống cha, Hải soi gương và hình dung ra khuôn mặt cha trìu mến.

Tám năm rồi, Hải đã đậu Tú Tài I, Hải định học thêm, nhưng nhìn mẹ èo ọp theo ngày tháng tần tảo từng đồng, những buổi sáng lạnh như cắt, chiếc lưng cong xuống theo đôi gánh hàng, Hải nhìn hình ảnh đó và không còn học được. Hải nói cho mẹ biết ý nghĩ của mình. Mẹ giận dỗi:

- Con ra đời sớm khổ lắm, con ráng học thêm.

- Thôi mẹ, con đã nhờ chú Toàn xin việc cho con. làm thư ký ở Tòa Hành Chánh lương tháng 3.200 $ 00. Thật tình con biết không thấm vào đâu, nhưng cũng đỡ phần nào cho mẹ. Đi làm con sẽ cố học thêm. 

Mẹ không khóc nhưng mắt mẹ đỏ hoe, mẹ ôm Hải vào lòng như thời bé dại đã ôm Hải thế:

- Tội con tôi. Nếu ba trở về, mẹ con ta đâu có đến nỗi.

Bây giờ mẹ mới khóc, Hải cũng khóc theo. Nước mắt  mẹ hiền rơi những giọt xót xa. Và từ đó Hải mang trên mình một trách nhiệm lớn lao: ban ngày Hải đi làm, tối về tính sổ cho mẹ và học thêm. Thời gian lần lượt qua, tuổi nhỏ của Hải cũng vơi dần theo năm tháng thoáng qua thật nhanh, không hò hẹn, nhưng thật bừng sáng mỗi khi bất chợt hình ảnh cũ hiện về, đánh thức trong tiềm thức Hải thật rõ ràng, tinh vi.

Như giờ đây, trước cổng trường đang làm lễ phát phần thưởng, Hải thấy nuối tiếc thời trẻ thơ vòi vĩnh của mình, tiếc những buổi nắng hồng lên cao, những bước chim non băng mình trên những cánh đồng lúa phì nhiêu, đầy ắp trong từng hơi thở. Thật thơm. Thật ngọt. Rồi nắng quái đình lên ; nắng đổ nghiêng. Tuổi nhỏ là thế.

Mải suy nghĩ vẩn vơ, Hải đã về đến nhà từ lúc nào. Mẹ Hải tựa mình bên gốc cây trứng cá trước sân, nhìn Hải âu yếm vậy:

- Chiều nay sao con về muộn thế? Ồ sao mắt con đỏ hoe thế? 

Hải như sực tỉnh. Hải nói thầm, ô hay mình đã khóc cho thời tuổi nhỏ. Bất giác, Hải sà vào lòng mẹ, nức nở.

- Ơ kìa, sao khóc thế con? Có gì thế? Nói cho mẹ biết...

Nhưng Hải không nói, nước mắt vẫn rơi...


Hương Kim Long       


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 69, ra ngày 15-5-1967)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>