Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Mùa Hè Với Học Sinh


Từ trước đến nay, hè vẫn là mùa gây cho học sinh nhiều xao động buồn, vui lẫn lộn. Có lẽ trong bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), hè là mùa được giới "mài đũng quần" để ý và có tình cảm hơn hết. Sự kiện này biểu hiệu qua các thơ văn dưới mọi hình thức báo chí từ trước đến giờ.

Tuy nhiên, để tìm hiểu cảm tình của học sinh về mùa hè một cách rõ rệt hơn, thực tế hơn, trong một tuần qua tôi đã xách xe hoặc lội bộ đi nhiều nơi thuộc khu vực Saigon, Gia Định và Biên Hòa, để phỏng vấn giới trẻ thuộc thành phần học sinh về mùa hè. Với danh nghĩa tạm là "phóng viên tuần báo TN". Cuộc phỏng vấn này có kết quả khá tốt đẹp nhờ các học sinh tham dự vui vẻ, nhiệt thành.


NHỮNG PHÚT ĐẦU : MÙA HÈ LÀ THẢNH THƠI

Cuộc phỏng vấn được khởi sự vào chiều thứ ba (10-4) mục tiêu thứ nhất là các trường tư. Vì tôi thấy rằng các trường này đến cuối tháng tư là bãi trường rồi. Trường được tôi "trổ nghề" đầu tiên là trung học Thời Đại ở Nguyễn Huỳnh Đức. Lý do: nhà tôi ở gần đó. Những giây phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn có nhiều cái tức cười gần như ngớ ngẩn. Hôm đó, gần 6 giờ chiều, tôi mới rảo bộ đến trường. Đến nơi, đúng lúc trường vừa tan học. Khoái chí tôi cười toe, đứng ở bên này đường chờ đợi. Giây phút, một đám nữ sinh băng qua đường và tiến gần đến phía tôi. Phải cố gắng lắm, tôi mới di nổi đôi chân để chận  đường đi của họ và nở một nụ cười hiền: "Chào các cô". Đám nữ sinh nhìn tôi bỡ ngỡ, rồi quay sang ngó nhau như dò hỏi, song quả không hổ danh là "nữ nhi", chỉ một giây sau họ quay lại chào tôi: "Chào anh". Tôi cười tươi chụp lấy cơ hội lia láu:

- Không giấu gì các cô, tôi muốn làm một cuộc phỏng vấn "chơi" để biết rõ tình cảm của học sinh về mùa hè. Mong các cô vui lòng bỏ chút thời giờ tham dự cuộc phỏng vấn nhỏ này cho vui.

Nói xong một hơi dài, tôi thở phào khoan khoái và hí hửng chờ đợi. Nhưng, ơ kìa đám nữ sinh bỗng dưng quay ra nhìn nhau, mím chặt đôi môi để cố nén tiếng cười khiến mặt họ đỏ rần. Nhưng, có lẽ kẻ đỏ mặt nhất lúc ấy phải là tôi. Thật ngượng chết đi được. Thời may, một cô nàng có vẻ gầy gầy, quay lại gỡ rối cho tôi:

- Xin anh nói rõ hơn, phỏng vấn này để "chơi" hay thực ra có mục đích gì khác?

Tôi thở nhẹ, thầm cám ơn cô nàng và gãi đầu cười:

- Thú thật tôi phỏng vấn đây là để làm một bài phóng sự cho tuần báo TN.

Cô nàng tròn mắt:

- Ý! Thế ra anh là "phóng viên TN"?

Tôi lúng túng:

- Ơ phải... à mà không... ơ thì cứ tạm gọi là thế.

Cô nàng phì cười:

- Có thế tụi này mới trả lời cho anh, nào xin mời...

Tôi thấy tưng tức, song cố làm màn vui vẻ:

- Cám ơn cô, tôi có vài câu hỏi ngắn thôi (tiếp luôn), câu thứ nhất: Xin các cô vui lòng cho biết khi hè tới cảm tưởng của các cô ra sao.

Một cô hộ pháp khẽ nháy mắt với các bạn, rồi cười:

- Ồ! Vui lắm. Bởi sau bao tháng mệt mỏi vì học tập, được dịp nghỉ ai mà hổng khoái.

Tôi ghi vội lên tập giấy câu trả lời đó, và quay sang mấy cô kia:

- Còn các cô thì sao ạ?

- Như bạn tui.

- Vâng! Tôi xin đưa ra câu hỏi thứ nhì: Ngoài những yếu tố vừa nêu, còn những yếu tố nào khiến các cô thích mùa hè?

Các cô quay sang nhau như dọ ý, sau những cái gật nhẹ, cô hộ pháp lại trả lời:

- Tôi xin trả lời cho tôi nói riêng, và các bạn tôi nói chung. Yếu tố sau khiến tụi tôi ưa hè vì chúng tôi được rảnh rỗi, có thể đi pic-nic, xi-nê v.v... tùy ý thích.

Ghi xong câu trả lời, tôi tiếp luôn:

- Vâng, thế qua các cuộc pic-nic hè hay giải trí hè các cô có thấy gì là bổ ích không ạ?

Vẫn người trả lời cũ:

- Bổ ích lắm chứ. Chúng tôi được thoải mái, học thêm được những điều mới lạ...

- Như thế, mỗi khi hè đến các cô thích lắm phải không ạ?

- Phải.

- Vậy chia xa nhau không làm các cô buồn sao?

- Có chứ, nhưng vài ngày sau là hết liền.

Khẽ liếc đồng hồ, tôi vui vẻ:

- Thôi, thế tạm đủ rồi. Cám ơn các cô và xin chào.

Đám nữ sinh chào lại rồi bước đi, nhưng những tiếng cười khúc khích của họ vẫn còn vẳng lại. Phớt tỉnh, tôi nhanh nhẹn tiến đến quán sinh tố gần đó, để phỏng vấn mấy ông học sinh đang giải khát. Sau lời chào xã giao, tôi lại nói phỏng vấn chơi, để lại bị cười vào mũi. Bí quá, tôi đành giới thiệu đại là "phóng viên TN". Họ mới vui vẻ trả lời, kết quả được ghi nhận như sau:

Câu thứ nhất họ trả lời:

- Rất vui. Vì được thảnh thơi qua 1 năm học điên đầu.

Câu thứ hai hơi tếu:

- Yếu tố nữa khiến tụi tôi khoái hè, vì được thảnh thơi chơi giỡn hợp "gu".

- Tuy nhiên, khi hè về phải rời xa thầy bạn, trường, anh vẫn buồn chứ?

- Có, mà ít lắm.

Tôi cất bút vào túi chào nhóm nam sinh và toan quay gót, nhưng một cậu gọi giật lại cười hì hì:

- Tôi xin nói rõ, những câu trả lời vừa rồi chỉ hợp với bạn tui. Còn tui thì khác. 

Tôi móc bút ra, mừng rỡ:

- À! Vậy hả? Vâng xin anh...

Anh chàng ngắt lời tôi:

- Khỏi, tui vẫn còn nhớ những câu hỏi, xin trả lời luôn: hè tới tui vẫn như không, chả vui chả buồn.

Tôi vẫn bình tĩnh:

- Xin cho biết lý do?

- Giản dị lắm "ông phóng viên" ạ! Bởi tôi hổng có mùa hè. Năm nào cũng phải học "cua" lớp hè cả.

Chúng tôi bật cười vui vẻ trước câu trả lời đó. Tôi mỉm cười:

- Anh học lớp hè từ...

Anh chàng cười khì, lại ngắt lời tôi:

- Từ năm Đệ thất lận "ông phóng viên" ơi!

- Tuy nhiên, khi học lớp hè, anh vẫn phải xa cách bạn bè, thày dạy, trường học thân yêu. Và anh phải có...

Anh chàng lại trổ tài ngắt lời, pha trò:

- Nam nhi chi chí như tôi mà "ông phóng viên".

Tôi cười theo, đùa:

- Thế cơ à? Thật là "cổ kim hi hữu". Xin cảm ơn "ông không có mùa hè" và xin chào tất cả.

Chúng tôi đồng nở nụ cười tạm biệt, thân mật...


HÈ CHÁN QUÁ TRỜI

Những ngày kế tiếp, tôi cố mượn xe 1 người chú, lông bông nhiều nơi, phỏng vấn nhiều trường lớn nhỏ như Trưng Vương, Gia Long, Pétrus Ký, Cơ Đốc, Lê Bảo Tịnh v.v... và kết quả cũng chẳng khác gì mấy lần trước nghĩa là đối với phần đông nam sinh: hè là mùa thảnh thơi, vui thú lông bông ; đối với đa số nữ sinh: hè là mùa buồn nhiều hơn vui vì phải xa cách, ít "ngao du" đây đó.

Tuy nhiên, không phải cuộc phỏng vấn được trôi chảy êm đẹp. Nó cũng gặp đôi trở ngại tức cười và không kém phần nguy hiểm ở hai trường Gia Long và Lê Bảo Tịnh Saigon.

Sáng thứ sáu (13-4) Giáo sư hai giờ sau bị đau, lớp chúng tôi được nghỉ. Thay vì về nhà, tôi chạy lên Saigon để tiếp tục cuộc phỏng vấn. Lang bang Saigon một hồi đợi đến 11 giờ trưa, tôi phóng đến trường nữ trung học Gia Long "trổ nghề". Cũng công việc cũ, tôi chận đầu ba nữ sinh, khi ba cô nàng rảo bộ đến gần. Và cũng tự giới thiệu là "phóng viên TN", tưởng cuộc phỏng vấn được vui vẻ chấp thuận. Ai dè ba cô nàng nghiêm sắc mặt thốt lời đầu tiên:

- Xin lỗi "ông" chúng tôi không khoái bị chọc ghẹo.

Rồi vùng vằng, ba cô bỏ đi một nước. Ngớ ngẩn một giây, tôi vội chạy theo phân trần:

- Không phải thế đâu. Nếu các cô không chịu phỏng vấn thì thôi. Nhưng đừng cho tôi là này nọ.

Ba cô nữ sinh vẫn nghiêm nghị:

- Hừ! Có gì là bằng chứng?

Tôi thoáng bối rối, nhưng vụt cười toe lôi "bóp" ra, lấy thẻ GĐTN chìa trước mặt ba cô nàng. Ba cô khẽ liếc qua rồi chợt cười... hiền:

- Ủa? Thế ra "ông" là M.H hả? Tụi tôi cũng là T.N đó.

Tôi thu hồi cái thẻ lại, cười:

- Vâng! Chắc ba cô đã hiểu. Xin chào ba cô.

Tôi toan bước đi, nhưng ba cô nàng gọi lại ngỏ ý "xin lỗi" và xin tôi cứ việc "phỏng vấn" tha hồ. Nhưng phải phỏng vấn lẹ, kẻo người nhà đến đón. Cuộc phỏng vấn có kết quả: Rất buồn khi hè đến, vì không những phải chia tay nhau mà còn phải "cấm cung" học thêm cho giỏi nữa. Cũng vẫn thường làm lưu bút. Suốt mấy tháng hè bị "cấm cung" buồn quá trời.

Chận đầu, phỏng vấn thêm nữ sinh Gia Long khác, tôi có kết quả tương tự như trên, trừ thiểu số là được đi nghỉ hè đó đây, còn đa số... nằm nhà ngủ! Do đó mà "hè buồn quá trời..."

Chiều hôm đó, tôi lông bông tới trường Lê Bảo Tịnh ở Trương Minh Giảng. Lần này phỏng vấn nam sinh trước và được họ cho biết: Hè vừa buồn vừa vui, họ cũng được đi đó đây, nhưng vẫn thấy buồn, chính họ cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Họ cũng làm lưu bút nhưng không tặng quà kỷ niệm. Cám ơn những nam sinh xong, tôi xoay qua nữ sinh và được biết: Hè thật buồn với nữ sinh Lê Bảo Tịnh, vì phải xa lìa bè bạn, thày dạy dấu yêu. Họ rất ít đi chơi, chỉ ngồi nhà giúp việc gia đình và "mộng làm văn sĩ". Cũng rất thường làm lưu bút cuối năm.

Phỏng vấn nữ sinh xong, tôi toan leo lên xe ra về. Bốn anh chàng to lớn đợi sẵn từ bao giờ, chận lại. Họ khiêu khích tôi, họ đe dọa tôi không được giở lối "tán tỉnh" ở đây. Mặc dù tôi trình cả giấy bút và mục đích họ cũng gạt đi. Tốt nhịn, tôi lẳng lặng tính bỏ về, nhưng những lời nhục mạ quá mức cứ tiếp diễn. Nổi giận, tôi quay lại to tiếng, thế là hai đàng đều "thủ võ" sửa soạn nghinh chiến. Rất may cho thân còm của tôi, vài người lính qua đường thấy vậy can ra. Bốn "ông to lớn" chửi thêm vài câu rồi bỏ đi. Buồn bực tôi cũng bỏ về mặc những lời xì xào đằng sau. Hôm đó là ngày gì mà thật xui, về đến nhà tôi chợt bật cười trong nỗi tức, nhủ thầm: "Là ngày 13 lại thứ sáu, hừ! Mình không hề tin dị đoan, ắt hẳn mày muốn cho tao biết sự xui xẻo của mày phải không con số 13?"

Đó thật là những... "khó khăn trong nghề" chăng?


HÈ SƯỚNG GHÊ NƠI

Mặc dầu gặp xui, chiều hôm sau, tôi vẫn lên đàng chu toàn... "nhiệm vụ". Kỳ này, tôi xoay chiều cuộc phỏng vấn, nghĩa là đi phỏng vấn học sinh tiểu học. Ngày hôm đó, tôi gặp nhiều vui vẻ. Vì các em tiểu học thật hồn nhiên ngây thơ và dễ thương. Đối diện với các em tôi được tự nhiên và cởi mở hơn, tuy rằng lúc mới chận đường các em đều sợ sệt tôi cho tôi là... "bố mìn". Kết quả qua các trường tiểu học (như: Võ Tánh, Trương Minh Giảng, Tân Phước...) như vầy: Hè đến các em rất vui, vì khỏi phải đi học, được chơi bời theo sở thích như: nhảy dây, lò cò, bắn bi, bắt dế... Dầu vậy những ngày cuối năm các em thật buồn vì phải xa thày, xa bạn, có em đã khóc nức nở vào ngày cuối năm. Dĩ nhiên các em không biết làm lưu bút, nhưng đã biết tặng nhau những bức hình, quà mọn mùa hè để kỷ niệm.

Một pha rất vui vẻ nhưng không kém cảm động. Đó là ở trường tiểu học Trương Minh Giảng (dưới cầu T.M.G một quãng ngắn). Chiều hôm đó, cũng gần 6 giờ. Tôi đứng ngay ở cổng trường để đợi các em tan học. Lúc được "trổ nghề" tôi chận ba em gái khoảng trên dưới 11 tuổi. Lần này, tôi thay đổi chiến thuật với nụ cười thật hiền như... tiên:

- A! May quá. Chào các em.

Ba cô bé ngỡ ngàng nhìn nhau, rồi nhìn tôi, ba cô bỗng nhiên đâm ra sợ sệt quay đi nơi khác. Tôi vội chạy theo ngồi xuống cười nhỏ nhẹ:

- Các em đừng sợ, anh là người của báo T.N tới thăm các em đó mà.

Ba cô bé vụt mừng rỡ, reo lên:

- Ủa? Thế ra anh là "người T.N hả? Tụi em coi báo này hoài à. Báo hay ghê anh ơi.

Tôi mừng húm:

- Ủa? Thế à? Thích nhỉ.

Ba cô bé bỗng nhiên trở nên bạo dạn, hỏi han liên miên về tôi, nói liên miên về tờ báo. Khiến tôi chẳng sao đáp kịp, sau sợ mất thì giờ, tôi buộc lòng chận ngang:

- Ừ! Báo hay ghê. Mà các em cho anh hỏi cái này nha, chịu không?

Ba cô bé rạng ngời ánh mắt, vui vẻ cười:

- Dạ chịu.

Tôi cười nhẹ:

- Anh muốn hỏi các em khi hè tới các em vui hay buồn?

Ba cô bé thích thú cười tươi, nhao nhao:

- Vui lắm anh ơi! Chúng em khỏi phải học nè, được chơi lò cò, nhảy dây đã đời nè. Sướng ghê nơi.

- Thế cơ à? Mà hè các em có đi đâu hông?

- Hông anh ơi! Nhưng vui lắm, được chơi hông à.

Tôi phì cười trước vẻ hồn nhiên, ngây thơ của ba em và toan hỏi thêm, thì người nhà tới đưa ba em về. Tới lúc đó tôi mới biết là ba chị em. Khi lên xe, ba em còn ngoái cổ lại la to:

- Tụi em về nghe anh.

Tôi vẫy tay, nói với theo:

- Ừ! Về vui nha.


TỔNG KẾT

Như vậy mùa hè là mùa được học sinh có cảm tình hơn mọi mùa khác, là mùa gây cho học sinh biết bao xao động buồn, vui, thương, tiếc, hận.

Có người vui vì hè được nghỉ ngơi, du ngoạn, đi chơi thỏa thích. Có người buồn vì phải xa nhau và ít được đi đó đi đây. Có người buồn và vui vì phải chia ly nhưng vẫn được đi chơi hè v.v...

Tuy nhiên, dù sao đi nữa, mùa hè vẫn là mùa gây được nhiều cảm tình trong giới học sinh và gây cho họ nhiều xao động thân tình. Sự kiện này được bày tỏ rõ rệt nhất là đa số học sinh đều làm lưu bút kỷ niệm. Dù đối với phái nam vốn cứng dắn, ưa thích mùa hè đi chăng nữa.


MAI HOẠT   
(Sơ hạ 1973)   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>