Khi mà những chùm hoa đỏ cuối cùng ở trên kia đồng nở ra một loạt thì hẳn là con đường này phải đẹp nhất thành phố, V. nhỉ. Không, con đường nhà V. mới đẹp. V. cãi, lá xanh ơi là xanh, V. thích lá xanh hơn là hoa phượng, vì vậy mà V. không thích mùa hè, V. chỉ yêu mùa xuân thôi. Con bé chu môi. Tôi cười với bóng nắng lấp loáng trên cỏ, đôi chân duỗi dài thoải mái.
Buổi trưa trong công viên nhìn ra con đường này thật yên tĩnh. Silence. Này V., bây giờ phải chi có anh chàng nào đi ngang qua đây nhỉ, ta nghi là thế nào anh chàng cũng trố mắt ra nhìn hai con bé điên ngồi giữa trưa nắng như thế này. Nhưng lỡ anh chàng cận thị thì sao, V. hóm hỉnh cười. Con bé biết chuyện anh chàng P. cận thị bên hàng xóm cứ ngồi ôm cái đàn guitare suốt ngày thấy tôi qua là đánh tưng tưng. Tôi tỉnh bơ cúi xuống trang sách mở rộng đặt trên hai chân, thôi coi truyện cái đã, nói chuyện hoài phí một buổi trưa chủ nhật, mà nói chuyện với cái mặt mi là chúa hay kê tủ đứng với móc méo thiên hạ, chỉ thêm nản. V. cười, cúi xuống trang sách của nó. Bóng nắng hực hỡ xuyên qua tàn cây phượng tôi đang ngồi xuống bãi cỏ loang loáng từ xa nom giống như những chỗ ướt nước. Tôi thoáng nghĩ tới K. ; giờ này anh ấy đang làm gì nhỉ, chắc là không điên như tôi, buổi trưa rủ V. ra công viên ngồi đọc sách. Nhà tôi cũng có một cái vườn, nhưng cái vườn trồng toàn cây ăn trái, không có cây phượng tôi yêu. K. cũng biết tôi yêu hoa phượng kỳ lạ nên thỉnh thoảng vẫn hái một chùm trước nhà anh nhờ nhỏ em đưa lại tôi. Chùm hoa phượng tôi để trên bàn học chơi suốt tuần, khi héo thì đem ép vào sách, tôi có cả một tủ sách để ép hoa phượng, mỗi lần tôi giở ra đọc vô tình làm rơi những cánh phượng bay tung tăng xuống nền nhà lại cuống quýt lượm từng cánh bỏ lại trong sách, đối với tôi, đó là những cánh hoa của kỷ niệm. V. không yêu hoa phượng như tôi, con bé có nhiều cái trái ngược tôi ghê lắm. Nhưng hai đứa vẫn thân nhau, một lý do dễ hiểu là vì nhà tôi gần nhà V., hai con đường thẳng góc nhau. Buổi chiều V. thường sang rủ tôi đi học, hai đứa cột hai cái bím tóc giống hệt. Có lần K. bảo anh đứng trước cửa lớp học nhìn ra sân trường thấy H. với V. như hai cánh bướm, hai cánh bướm màu xanh. V. khoái cái mỹ từ mà K. ban cho lắm, nhưng tôi lại không thích, tôi thấy nó kỳ cục vô duyên làm sao. Tôi thắc mắc ngây thơ. Tại sao trong mắt K. không chỉ là một cánh bướm thôi mà lại đến hai nhỉ. Về nhà tôi làm ngay cái bím tóc khác, khác màu với cái của V. và từ đó mắt tôi vương vương một cái gì nồng ấm, lạ lùng. Hình như tôi để ý hơn từ cách ăn mặc, đi đứng đến ăn nói tôi không hiểu gì cả. Năm nay tôi gần mười sáu tuổi, có ai nói với tôi là tuổi mười sáu có cái gì đâu.
Cơn nắng dịu đi một chút. Tôi nhìn qua thấy V. đã gấp sách lại và lim dim ngủ, trông con bé giống như con bướm đang ngủ thật. Lại nghĩ đến K., tôi nhớ trong lớp có lần thầy T. kể cho chúng tôi nghe chuyện sinh hoạt của trường. Thầy đang say sưa kể, V. bấm tôi thì thầm, ê, H. nãy giờ ta nghe thầy nhắc cô P. hoài, 3 lần rồi đó, con nhỏ Th. ngồi bên cạnh nghe được, đứng lên ngổ ngáo hỏi thưa thầy khi người ta nói chuyện mà cứ nhắc tên một người khác phái hoài thì sao thầy, sao nãy giờ em cứ nghe thầy đọc tên cô P. không. Con nhỏ hỏi trật đường rầy hết trơn, nhưng sự quỉ quái cũng làm cả lớp nhao nhao lên cười ồn ào, con bé B. bảo đó là triệu chứng chàng cảm nàng rồi đấy. Thầy T. đỏ mặt lảng sang chuyện khác bằng cách học bài mới. Còn tôi thì sao, trong thâm tâm tôi đã nghĩ đến K. nhiều hơn thầy T. nhắc đến cô P. nữa. Tự dưng tôi thấy nong nóng ở mặt. Tôi vội vàng phủ nhận, không có, không có gì cả, rồi cuống quýt đứng dậy, cuốn sách rơi xuống bãi cỏ. V. mở mắt hỏi gì thế. Tôi nói thôi về nhà đi V. ạ, ngồi đây nóng quá chừng. V. cằn nhằn nhỏ này lắm chuyện ghê, rủ người ta đi rồi lại đòi về. V. không biết chi cả. Tôi im lặng cười. Hai đứa đi sát vào nhau tránh nắng dưới những tàn phượng vỹ đỏ. Tôi cố xua đuổi hình ảnh V. ra khỏi đầu óc nhưng mà lạ lùng, nó cứ bám sát lấy tôi. Tôi chia tay V. trước cổng nhà – mai đi học nhớ rủ ta với nhé. Tôi xô cổng đi chầm chậm trên lối sỏi trắng, cuốn sách ôm sát vào ngực, tôi ngó bốn phía như sợ ai nhìn lén mình, đọc rõ tâm tư mình bây giờ, giá mà lúc này ai biết rõ được tôi đang nghĩ gì nhỉ, chắc là xấu hổ chết thôi. Lúc xô vội cửa phòng bước vào, tôi thở phào một cái như người thoát nạn. Kỳ lạ, sao bữa nay mình như mất hồn ấy thôi. Tôi nhìn qua cửa sổ, lá xanh đong đưa theo gió, những cụm hoa thúy cúc tôi xin nhà V. về trồng đã nở những cánh bé tí mỏng manh dễ thương. Tôi ngồi xuống bàn học, lật lơ đãng cuốn sách đang để sẵn trên đó, cuốn "Uyên ương gẫy cánh" của Kahlil Gibran anh M. tặng tôi dịp tôi vào Saigon chơi một tuần. Mắt tôi lướt nhanh qua những hàng in đậm trên bìa sách sau: "... mọi người sẽ không tin chuyện tình của chúng ta vì họ không biết rằng tình yêu là loài hoa duy nhất sinh trưởng và trổ bông không cần sự trợ giúp của tiết mùa...". Đó là một phần bản chúc thư tình yêu của Kahlil Gibran mà tôi thích nhất. Không hiểu K. đọc uyên ương gãy cánh chưa nhỉ? Tự dưng tôi buồn buồn gấp sách lại. Vậy là coi như hỏng một buổi trưa và một buổi chiều rồi. Tôi leo lên giường mở quạt máy, nhắm mắt. Thôi ngủ đi để quên những chuyện vớ vẩn. Hình như tôi đang dối lòng mình?
Tiếng động êm ái đánh thức tôi dậy là tiếng cạch nhỏ của tiếng quạt máy. Tôi mở mắt ; V. đứng cạnh bàn học tôi, tay cầm cái gì đó, nhìn tôi cười. Giờ này mà ngủ sao công chúa, tôi lười biếng hỏi mấy giờ rồi. V. đưa cái cổ tay trắng của nó vào mắt tôi, đây thưa công chúa, xem rồi dậy rửa mặt đi ta nói cái này cho nghe, hay lắm, 4 giờ 30 phút, vậy là tôi ngủ được gần 2 tiếng đồng hồ. Tôi uể oải ngồi dậy vào phòng tắm. Khi tôi ra ngoài với chút thoải mái và mát mẻ còn đọng trên da mặt, V. đang lật lật cuốn vở tôi để trên bàn. Con bé quay lại cười, xong chưa, bây giờ ta đố mi cái gì đây. Con bé thập thò một quyển sách trăng trắng ở bàn tay giấu sau lưng. Tôi nói. Quyển sách của ai tặng mi đem tới khoe chứ gì. V. trợn mắt, thật không. Tôi mím môi. Thật chứ, bộ sợ à. V. đưa cuốn sách ra trước mặt giả vờ như sắp lật. Tôi đọc thấy trên bìa sách : "Tâm tình hiến dâng". A, cuốn này của Rabindranath Tagore tôi đã đọc sơ qua một lần ở nhà chị L. mà bây giờ vẫn thích. Tôi hơi nao núng. Sách của ai vậy nhỉ. Giấc ngủ dài làm tôi quên mất K., nhưng tôi cũng không nghĩ là của K. nữa. Tôi cầu hòa, của ai vậy V., cho ta xem với coi. V. làm già – không, mi nói mi không cần mà. Tôi nổi dóa định làm mặt tỉnh nhưng sao trong tim tôi có cái gì đưa đẩy, nồng nàn. Tôi cầu hòa lần nữa. Cho ta xem đi mà. V. đưa tôi kèm theo cái nheo mắt và một câu dài: "lát nữa phải dẫn ta đi ăn kem đấy nhá". Tôi gật mạnh đầu đón lấy cuốn sách của ai đây. Tôi giở trang đầu tiên. Này, nét chữ của K. như muôn vàn thân thiết mến thương. Chúc lành cho ngày sinh nhật của H. Sao K. biết sinh nhật tôi sắp đến nhỉ. Tôi ngẩn ngơ giở trang kế tiếp, những cánh hoa phượng vỹ úa xếp lẫn lộn vào nhau, với hàng chữ, 16 tuổi cho H. đấy. Anh K. Tôi gọi tên K. trong nỗi bàng hoàng kỳ dị. Giọng V. dòn dã bên tai, anh chàng đến nhờ ta đưa sách cho mi mà lúng túng như đi xem mặt vợ lần đầu. Chắc anh chàng sợ ta coi, mà đời nào ta bất lịch sự vậy đâu phải không H. Thôi ta về cái đã, xem mặt mi ngơ ngác thế kia giống con nai vàng của Lưu Trọng Lư quá thôi. Về kẻo làm mất giây phút cảm động tuyệt vời của nàng. Ta về. Giọng V. cười dòn theo bước chân của nó ra khỏi phòng. Tôi gọi V. làm gì kỳ vậy, anh ấy tặng ta mừng sinh nhật mà. Nhưng V. đã ra đến phòng khách rồi. Tôi hờn giận không thèm gọi nữa nhưng từ trong tim tôi thấy nên để cho V. về là đúng, con bé tế nhị lắm. Mà sao tôi lại nghĩ vậy nhỉ. Tôi và K. đã có gì đâu. Mặt tôi nóng lên, tôi cuống quít chạy đến cửa sổ gọi V. nhưng con bé đã ra đến cổng, dáng nó đi như một cánh bướm.
Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi lâu ở cửa sổ. Có chuyện gì đó. Chuyện gì đã xảy ra. Không có gì hết, phải không. Tôi hỏi tôi, phải không? Và tôi hỏi V. hỏi K. phải không, phải không? Tay tôi vẫn cầm chặt cuốn tâm tình hiến dâng của R. Tagore. Giữa nỗi bàng hoàng tôi như thấy bóng K. dễ thương bên kia đường có hàng phượng vỹ, và chùm phượng đỏ cuối cùng đã đồng loạt nở tung những cánh mỏng manh, những cánh mỏng rơi xuống hồn tôi như những đóa hồng.
*
Anh đã nói gì với em rồi, hở K.?
PHẠM KHÁNH VŨ